CUỘC ÐẠI CHIẾN Ở QUY NHƠN
GIỮA HAI NHÀ NGUYỄN

Năm Ất Mão (1795), sau ki quân Trần Quang Diệu rút về Phú Xuân thì Nguyễn Phúc Ánh cũng rút quân về Gia Ðịnh lo tích trữ thêm lương thực, chiêu mộ thêm binh sĩ, quyết chí diệt Tây Sơn.
Tháng 3 năm Ðinh Tỵ (1797), mùa gió nam bắt đầu, Nguyễn Phúc Ánh để Tôn Thất Hội ở lại giữ Gia Ðịnh, cùng Hoàng tử Cảnh đem binh thuyền ra đánh Quy Nhơn. Bị thủy quân Quy Nhơn đánh lui, Nguyễn Phúc Ánh theo chiều gió ra đánh Quảng Nam.
Trấn thủ Quảng Nam là Phạm Văn Thọ, người Bồng Sơn, đi coi việc lương ở ngoài. Thành bị vây đánh. Người vợ là Lâm Thị Bạch, người An Nhơn, đóng cửa thành cố thủ. Ðịch đánh hăng quá, phu nhân liệu không giữ lâu nổi, bèn cắt tay lấy máu viết thư xin cứu viện với Tổng binh trấn Quảng Nghĩa là Nguyễn Văn Lộc. Binh Quảng Nghĩa ra cứu, quân Nguyễn Phúc Ánh phải lui. Phạm Văn Thọ trở về giữ thành. Nguyễn Văn Lộc trở về giữ Quảng Nghĩa.
Nguyễn Phúc Ánh đánh Quảng Nam ngót hai tháng, quân lương hết phải rút trở về Gia Ðịnh.
Nguyễn Phúc Ánh về Gia Ðịnh, một mặt sai Nguyễn Văn Thụy sang Xiêm La xin Vua Xiêm đem quân theo đường Vạn Tường sang đánh lấy Thuận Hóa hoặc Nghệ An, một mặt sai Ngô Nhân Tịnh sang sứ nhà Thanh để cầu phong làm Quốc vương thay Nguyễn Quang Toản. Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh cử đại binh ra đánh Quy Nhơn.
Quy Nhơn trước kia, quan văn cũng như võ tướng phần nhiều đều là người địa phương. Tình nghĩa giữa quân và dân rất mặn nồng khăng khít. Từ ngày cháu cướp quyền bác, đưa người Quy Nhơn đi phục vụ ở nơi khác và đưa người nơi khác vào cai trị người Quy Nhơn, thì quân và dân trở thành dầu và nước. Kẻ có quyền không có đức lại gặp được hôn quân, liền hùa gió bẻ bắp, nhân dân phải chịu nhiều nỗi cay đắng, những mong có cuộc thay đổi. Do đó địa phương có câu:
Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm thẳng ra.
Vì vậy khi Nguyễn Phúc Ánh ra Quy Nhơn thì nhân dân ngấm ngầm ủng hộ.
Nguyễn Phúc Ánh vào cửa Thị Nại, tháng 4 năm Kỷ Mùi sai Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Ðức đem quân lên bộ đóng ở Hàm Long thuộc Tuy Phước, và Tống Viết Phước ra đóng ở núi Cung Quăng thuộc Bồng Sơn.
Hàm Long là một độc sơn không cao không lớn, nằm trong địa phận thôn Thuận Nghi. Hình giống như đầu rồng, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống đông để ra đầm Thị Nại, tạo thành cánh tay ôm lấy chân núi ở mặt bắc và mặt tây. Núi còn một tên nữa là Cần Úc sơn. Núi tuy thấp bé, song có thế dụng binh.
Cung Quăng ở phía đông bắc Bồng Sơn. Mặt bắc của núi thuộc về Ðức Phổ, Quảng Nghĩa. Thế núi trập trùng, cây cỏ sầm uất. Dính liền với núi Sa Lung ở phía tây và núi Thạch Tân ở phía đông. Ba ngọn núi này hợp nhau thành một bức tường thành thiên nhiên che chở cho thành Quy Nhơn ở mặt bắc.
Những nơi hiểm yếu này cũng như các nơi khác trong vùng đất Quy Nhơn đều do Lê Chất và một số người chán ghét Cảnh Thịnh chỉ dẫn cho Nguyễn Phúc Ánh.
Chiếm cứ Hàm Long và Cung Quăng rồi, Võ Tánh và Tống Viết Phước lo việc bố phòng. Tống lo chận binh cứu viện ở Phú Xuân. Võ chờ thủy binh của Nguyễn Phúc Ánh kéo đánh mặt trước thành Quy Nhơn, sẽ kéo quân đánh bọc hậu.
Võ Ðình Tú đi kinh lý Phú Yên được tin quân Nguyễn Phúc Ánh đổ bộ Quy Nhơn, vội kéo quân về, đi thẳng lên Cần Úc đánh quân Võ Tánh.
Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm, Võ Tánh trá bại, Nguyễn Huỳnh Ðức phục binh trên núi với cung tên và súng đạn. Võ Ðình Tú bị mắc mưu giục quân đuổi theo. Tên trên núi bắn xuống như mưa, chen vào những tiếng súng nổ. Quân Tây Sơn bị trúng tên lớp chết lớp bỏ chạy. Ðình Tú tả xung hữu đột, cây thiết côn gạt phăng bao nhiều mũi tên bắn vun vút vào người và ngựa. Nhưng không thể tránh khỏi đạn đồng. Bị thương nặng, máu chảy dầm mình, đuối sức ngã gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy ra khỏi trận tuyến, chạy một mạch về Phú Phong[89]. Ðến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết. Võ Ðình Tú cũng đã lạnh hết chân tay.
Ðó là vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).
Ðầu tháng 5, Nguyễn Phúc Ánh kéo quân lên vây thành Quy Nhơn, trấn thủ Quy Nhơn lúc bấy giờ là Lê Văn Thanh[90] đem quân ra chống cự.
Ở Hàm Long, Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Ðức kéo binh đánh đồn Trấp Xá ở Quán Chẹt. Tướng giữ đồn là Trương Tấn Túy chống cự không nổi, bỏ đồn chạy về Quy Nhơn. Quân nhà Nguyễn kéo đánh tiếp đồn Tháp Thi Thiện tục gọi là tháp Bánh Ít. Tướng giữ đồn là Lê Văn Thiệt bị trúng đạn chết trên bành voi. Quân sĩ đều tan rã. Quân Võ Tánh thừa thắng kéo ra Ngạc Ðầm tục gọi là Bàu Sấu ở thôn Thiết Trụ thuộc An Nhơn.
Bàu Sấu không rộng lắm nhưng rất sâu, nắng mấy cũng không cạn. Phía tây là thôn Ðại Bình, phía đông là thôn Thiết Tràng. Bốn mùa người ở phía tây, phía đông qua lại với nhau phải đi đò. Bên mé bàu phía đông có một dãy núi đất chạy dài ra phía bắc, tiếp nối với những gò đống, giống hình rồng uốn khúc, gọi là Kim Ðồng. Trên núi có bảy đồn lính đóng để canh giữ mặt sau thành Quy Nhơn.
Bảy đồn này có thế núi và nước, lại rất kiên cố. Quân Võ Tánh trào lên lớp nào bị quân trên đồn bắn chết lớp nấy, không sao tiến nổi, đành phải đóng lại dưới chân núi, phía tây bàu. Nguyễn Phúc Ánh đánh thành mấy ngày liền, nhưng không hạ nổi, Lê Văn Thành chống cự đã đuối sức, phải đóng cửa thành cố thủ để đợi quân cứu viện Phú Xuân. Nguyễn Phúc Ánh bao vây thành, và truyền Võ Tánh giữ vững mặt phía tây, Tống Viết Phước giữ vững mặt phía bắc, đề phòng binh Phú Xuân.
Binh Phú Xuân do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy, kéo vào đến Quảng Nghĩa thì bị binh Tống Viết Phước chận lại, phải dừng lại Thạch Tân. Thừa lúc trời tối, Võ Văn Dũng lén đem quân theo đường Chung Xá, mưu đánh úp quân Tống Viết Phước. Chẳng ngờ khắp nơi đều có quân đóng giữ và canh phòng cẩn mật, binh Võ Văn Dũng bị thua to. May nhờ Trần Quang Diệu cứu ứng kịp, Võ Văn Dũng mới thoát nạn. Nhưng quân Trần Quang Diệu không sao đánh thủng quân Tống Viết Phước, nên không cứu được thành Quy Nhơn.
Lê Văn Thanh đợi không thấy viện binh mà trong thành lương thực lại hết, bất đắc dĩ phải mở thành cùng Thượng thư Nguyễn Văn Phác, thiếu úy Trương Tấn Túy ra hàng. Nguyễn Phúc Ánh vào thành Quy Nhơn, chém chết tướng tá Tây Sơn, và đổi tên là thành Bình Ðịnh.
Nguyễn Quang Huy ở Phú Yên nghe tin Quy Nhơn thất thủ, kinh hãi nói:
- Quy Nhơn mất rồi, nếu ở Diên Khánh đánh ra ở ngoài đánh vào Phú Yên lưỡng đầu thọ địch, không tài nào chống nổi.
Bèn bỏ Phú Yên kéo quân ra cứu Quy Nhơn.
Nguyễn Quang Huy đánh rất hăng. Một ngày đánh bại 25 viên tướng của Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Phúc Ánh lấy làm lạ, lên thành đứng xem. Quang Huy trông thấy dùng cung Thiết Thai[91] bắn trúng cánh tay trái. Nguyễn Phúc Ánh té nhào bất tỉnh. Tướng sĩ đưa vào dinh cứu chữa. Tỉnh dậy, sai rút hết quân vào thành tạm nghỉ.
Quang Huy đóng quân trước thành.
Nguyễn Văn Thành ở Diên Khánh được tin Phú Yên bỏ trống liền đem quân ra chiếm đóng, rồi sẵn đường kéo thẳng ra Quy Nhơn.
Quân Nguyễn Văn Thành và quân Nguyễn Quang Huy giao chiến. Nguyễn Phúc Ánh sai Nguyễn Huỳnh Ðức mở cửa thành kéo quân ra tiếp ứng. Quân Quang Huy bị đánh hai mặt, hết sức chống đỡ nhưng quân nhà Nguyễn quá đông, giết lớp này lớp khác tràn tới. Sức đuối dần, quân Quang Huy bị ta rã. Quang Huy một người một ngựa chạy vào núi Dương An.
Núi Dương An cũng gọi là Phước An, nằm phía nam thành Quy Nhơn trong vùng Vân Canh, hình dáng kỳ đặc kiêu hùng, chu vi hơn trăm dặm, đỉnh cao chất ngất, lúc nào cũng có mây vần. Cây cối rậm rạp, phần nhiều là danh mộc sống lâu trên trăm năm và lớn từ một ôm trở lên. Sườn núi dốc và đá xanh chập chồng. Dù leo núi giỏi đến đâu cũng khó leo thấu đỉnh.
Chung quanh Dương An có nhiều núi cao nối liền nhau thành dãy Nam Sơn chạy dài từ dãy Tây Sơn vùng An Khê xuống đến biển Thị Nại.
Ðịa thế rất hùng hiểm.
Nguyễn Quang Huy vào Dương An chiêu mộ hào kiệt chờ dịp phục thù.
Còn Nguyễn Phúc Ánh bị vết tên quá nặng, phải đem tướng sĩ trở vào Gia Ðịnh, giao thành Quy Nhơn vừa đổi tên Bình Ðịnh cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn thủ. Tống Viết Phước vẫn canh giữ Cung Quăng để phòng ngự mặt bắc.
-----------
[89] Phú Phong là quê hương của Võ Ðình Tú - đã nói rõ trước kia.
[90] Mới vừa đến thay Tư đồ Nghĩa được mấy tháng.
[91] Cung lớn có nòng sắt, có sức mạnh mới kéo nổi dây cung. Bắn rất xa.