LÒNG DÂN ÐỐI VỚI NHÀ TÂY SƠN

Danh người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ, người đã hai phen thảo quân xâm lược do Duy Kỳ thỉnh về, Nguyễn Phúc Ánh rước tới, cứu nhân dân Việt Nam thoát vòng nô lệ của ngoại quốc, cùng mặt trăng mặt trời rạng rỡ trên sông núi Việt Nam.
Và nghĩ rằng nếu không có Vua Thái Ðức mở đường, Ðông Ðịnh Vương giúp sức thì chắc gì đã có những chiến công oanh liệt của Vua Quang Trung, nên người Bình Ðịnh, nhất là người Bình Khê, ghi nhớ cả ba người anh hùng áo vải
Bởi vậy, sau khi ngôi từ đường của nhà Tây Sơn ở Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn phá hủy thì ngôi đình làng thay thế vào.
Ðình làng dựng lên để thờ thần. Nhưng nhân dân địa phương đem sắc thần để một ngôi miếu khác, còn đình thì bí mật thờ ba Vua Tây Sơn. Xuân kỳ thu tế, nhưng chỉ vái thầm chớ không đọc văn.
Ngoài xuân kỳ thu tế, còn ngày kỵ của ba vua vào tháng 11 âm lịch. Ðể che mắt vua quan nhà Nguyễn, ngày kỵ gọi trại là ngày cúng cơm mới.
Lâu ngày chánh quyền địa phương biết được, nhưng một mặt sợ thần linh bẻ họng, một mặt sợ thất nhân tâm, nên bóp bụng làm lơ.
Lòng kính yêu nhớ tiếc ba Vua Tây Sơn thấm thía và bền bỉ, chẳng những ở trên tầng lớp sĩ phu mà cả dưới mọi tầng lớp nhân dân. Bất kỳ trẻ già trai gái, hễ đi qua đình Kiên Mỹ, là lấy nón cúi đầu. Khách đi ngựa đi võng đều phải xuống ngựa xuống võng.
Và ca dao địa phương có câu:
Ðá Hàng cữ nước không sâu
Hàng Thuyền lai láng mặc dầu cá đua.
Có đua sông trước thì đua
Sông sau mắc miễu thờ Vua xin đừng[103].
Lòng kính yêu nhớ tiếc nhà Tây Sơn chẳng những ở thời trước, mà cho đến năm 1945 vẫn nồng nàn như cũ. Xuân kỳ thu tế, ngày kỵ cúng cơm mới trong năm 1945 vẫn cử hành theo thường lệ. Ðến năm 1947 có lệnh tiêu thổ kháng chiến, đình miễu bị phá hủy, việc cúng tế mới thôi.
Năm 1960, nhân dân Bình Khê chung tiền chung sức lập lại đền thờ Tây Sơn nơi đình cũ.
Ðền không lấy gì làm rộng lớn, song trang nghiêm. Ðối với sự nghiệp anh hùng thật không xứng. Nhưng đối với hoàn cảnh thiếu thốn của nhân dân địa phương lúc bấy giờ, thì chừng ấy cũng là một cố gắng vượt mức.
Ðền có ba gian.
Gian giữa thờ vua Quang Trung.
Hai bên thờ vua Thái Ðức và Ðông Ðịnh Vương.
Trước sân có tượng bán thân của Vua Quang Trung và có bi đình khắc bài ký tán tụng công đức nhà vua:
Ðức Vũ Hoàng,
Họ Nguyễn, húy Huệ.
Ứng hùng năm Quý Dậu (1753),
Thừa long năm Nhâm Tý (1792)
Thọ 40 tuổi, ở ngôi 5 năm.
Niên hiệu Quang Trung.
Miếu hiệu Thái Tổ Vũ Hoàng Ðế.
Tổ tiên vốn người Châu Hoan, dời vào ấp Tây Sơn được bốn đời. Trước ở Phú Lạc, sau xuống Kiên Thành buổi tiềm long, chính nơi đây là Tây Kỳ cơ chỉ.
Vũ Hoàng có ba anh em.
Anh là Vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc, thiệp thế đa mưu.
Em là Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ, thành tín nhân hậu.
Còn Vũ Hoàng: Sức mạnh cử đảnh, tài dụng binh như thần, lại sùng thượng kinh văn, quý trọng đạo lý. Kẻ cao tài đại đức được tôn kính vào bậc thầy. Văn võ dưới cờ đều những trang khai quốc tuấn kiệt.
Thân bố y, tay trường kiếm, Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng họ Lưu.
Quả là cái thế anh hùng vậy.
Năm Tân Mão (1771), thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, ba anh em Vũ Hoàng chiêu tập nghĩa binh, chịu gian nan mà dấy nghiệp. Lấy thành Quy Nhơn làm căn cứ. Rồi đánh vào Nam, tiến ra Bắc. Lòng xa gần đều theo. Trăm trận trăm thắng. Thanh thế nhà Tây Sơn lẫy lừng.
Riêng Vũ Hoàng. Bốn lần bạt thành Gia Ðịnh, ba lần vào thành Thăng Long. Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối, dựng nên cơ nghiệp Võ Thang.
Lại hai phen thảo quân xâm lược:
Năm Giáp Thìn (1784) quét sạch 300 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước tới.
Năm Kỷ Dậu (1789), đánh tan 20 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân lĩnh về.
Nhờ vậy mà dân tộc thoát ách vong nô.
Nhờ vậy mà tổ quốc vững nền độc lập.
Công thật cao như Trường Sơn.
Ân thật sâu như Nam Hải.
Non sông đãng định, Vũ Hoàng chăm lo việc trị bình.
Ðắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường. Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc. Dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự. Lập Sùng Chính viện để đào tạo nhân tài.
Và cái nhục cống người vàng cho Trung Hoa rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quảng.
Nhưng than ôi!
Năm sắc đá rèn gan, trời chưa kịp vá,
Chín tầng mây lấp núi, rồng thoát bay xa.
Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước suy vong!
Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ cường thịnh!
Tuy nhiên,
Danh Vũ Hoàng vẫn cùng mặt trăng mặt trời mà sáng. Ân Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng núi Tượng mà cao. Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:
Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
Tiết Trọng Xuân năm Tân Sửu (1961)
Nhân dân Bình Khê cẩn ký.
Sau khi đền lạc thành, cứ mỗi năm, đến ngày lễ Ðống Ða, nhân dân toàn tỉnh Bình Ðịnh hợp nhau tại đền làm lễ kỷ niệm. Lễ kỷ niệm cử hành theo cổ lễ, nhưng những cuộc vui thì có mới có xưa. Người đến dự lễ vô cùng đông đúc. Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Và riêng nhân dân Bình Khê, rằm tháng 11 âm lịch, lại tổ chức ngày kỵ ba Vua theo thường lệ.
Trong buổi lễ Ðống Ða và ngày kỵ đều có đọc văn tế và cử nhạc theo cổ lễ.
Hai bài văn tế đầu tiên:
Văn Tế Ðống Ða:
“ Than ôi!
Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm, mãn vui tình mai liễu độ xuân;
Ðỉnh Trường Sơn gió cuộn sóng tùng, chạnh tưởng đức anh hùng cứu quốc.
Nhớ tôn linh xưa:
Khí cốt lăng tằng,
Anh tư khôi đặc.
Sức điều binh khiển tướng, Hạng Võ Lưu Bang Lòng trọng sĩ tôn hiền, Văn Vương Huyền Ðức, Tình đất nước giận cơn chia xẻ, lưỡi gươm thần dẹp loạn cứu dân; Nghĩa Bắc Nam trải dạ gắn hàn, thân áo vải giúp anh dựng nước.
Quy Nhơn biển lặng, rực rỡ ánh tường vân,
Thuận Hóa trời cao, chói chang vầng bạch nhật. Xiêm phê áp phủ, trên chín trùng toan mối trị bình, Vuốt dũa nanh mài, ngoài muôn dặm rắp tâm xâm lược. Cõng rắn tội kìa ai?
Bắt hùm tay sẵn chước.
Tế Trời Ðất đàn Giao cao vút vút, bóng tinh kỳ sáng dọi buổi đăng quang.
Nhìn non sông khí giận ngất từng mây, tiếng hiệu lệnh sấm vang giờ xuất phát. Hùng binh mười vạn hăng hái hy sinh!
Chiến tượng hai trăm tinh trường trận mạc.
Lòng một quyết ra tay hùng hổ, hẹn nước non ca khúc khải hoàn sau.
Chỉ mười ngày dẹp giống sài lang, cùng tướng sĩ chung vui Nguyên Ðán trước.
Cạn lời ủy lạo, trống giục cờ giong:
Dốc dạ truy tùy, non băng biển vượt.
Ngày ba mươi tháng chạp, sông Giản Thủy dồn binh;
Ðêm mồng ba tháng giêng, đồn Hà Hồi hãm giặc.
Ðánh trận này tiếp trận khác, sấm dậy chớp giăng:
Xong đồn nọ tới đồn kia, khói tan đá nát.
Khuya mồng bốn gió sương mờ mịt, đốt lương rừng lửa đỏ, khiến ba quân liều chết chớ lui;
Sáng mồng năm voi ngựa sẵn sàng, quấn cổ thước khăn vàng, quyết một trận chẳng hơn thì thác.
Thế giặc dẫu binh đông tướng dữ, thuốc súng chôn quanh thành, chông sắt cắm khắp lũy, thêm bốn bề đạn rạc rào mưa;
Quân ta nhờ trí sáng gan bền, ván dày cột thành cốt, rơm ướt phủ làm bì, hò một rập sức cuồn cuộn thác, Ầm tiếng pháo, Ngọc Hồi kịp hạ, sông máu láng lai; Thúc chân voi, Khương Thượng liều thân, núi thây chồng chất. Nghi Ðống liệu khôn bề sống sót, vội vàng treo cổ Ðống Ða! Sĩ Nghị may tìm được lối ra, hớt hải thoát thân mạn Bắc. Ngoài ải sói gió tan mùi sát khí, niềm hân hoan nhuộm thắm mặt sơn xuyên; Vào thành Long cờ rợp bóng vinh quang, áo chiến thắng phủ đen hồn đạn dược. Mười ngày hẹn trước, trời đất chứng lời vàng;
Hai bận vui xuân, cỏ hoa lồng tiệc ngọc.
Lửa tạnh hề biên cương
Nền cao hề xã tắc,
Tiếng anh dũng nước mây lừng lẫy sấm,
Triều Mãn Thanh bóp bụng sống chung trời;
Chí đấu tranh gan sắt vững vàng non,
Niềm Lưỡng Quảng quyết tâm đòi lại đất,
Nhưng than ôi!
Tấm gan rèn đá, trời chửa vá xong;
Ðỉnh Ngự chìm mây, rồng sao vội khuất!
Cơ cường thịnh thiếu tay xếp đặt,
Cửi dòn thoi phút để mối tơ chùng!
Nghiệp đế vương đuối sức giữ gìn,
Thuyền thuận bến trúc theo cơn gió lật!
Trời Phú Xuân sương gió lạnh lùng!
Biển Thị Nại bèo mây tản mác!
Bút chép sử múa men tay đắc thế: trang oanh liệt son nhòa! Nền ghi ân khuất lấp bóng cô thôn: gương anh hùng thủy nhạt!
Nối chí cả người sau toan lấp hận,
Lao công Tinh Vệ, ngậm ngùi thương.
Gìn dấu linh chốn cũ khó nguôi tình,
Lắng giọng đề quyên tê tái ruột,
Cũng may thay!
Lẽ tuần hoàn trời đất chẳng ngừng xoay,
Ách chuyên chế giống nòi nay đã thoát,
Trăng hào kiệt bấy lâu u ám, ngọn đông phong mát mẻ vén màn sương;
Vườn anh hoa đua nở tự do, bút thanh nghị ngọt ngào rơi giọt móc
Chúng tôi nay:
Chung gội ơn xuân.
Kính dâng lễ bạc,
Non xanh nước biếc, khí anh tú mơ màng,
Nội thắm ngàn xa, hương tinh thành bát ngát.
Dòng lịch sử mở ra ôn lại, dịu dàng chữ gấm dệt lời hoa. Tranh vĩ nhân trải rộng xem chung, lộng lẫy chỉ vàng treo bóng ác.
Hầm hô con cá nhảy, trong bóng mây thấp thoáng bóng rồng
Trưng Lĩnh cánh diều bay, theo tiếng gió lẫy lừng tiếng nhạc.
Linh thiêng xin chứng.
Bài văn nhân dân Bình Khê tế Tây Sơn tam kiệt ngày rằm tháng 11.
“Duy!
Nước bị qua phân,
Nhà sanh tam kiệt,
Non Tây áo vải, phất nghĩa kỳ dẹp loạn an dân.
Ðất Việt khí thiêng, tung bửu kiếm diệt thù cứu nước.
Nền đế nghiệp xây cao trời một cõi,
Bước tiền đồ hoa cỏ đón mừng xuân;
Tiếng anh hùng vang dội sấm mười phương,
Miền biên tái sài lang im lặng dấu.
Ví thử bóng rồng không vội khuất
Thì chi đuôi ngạc dễ mà tung.
Biển nên cồn thời vận khéo xui, tay bé không xoay trời đất lại;
Ðất vá khuyết cơ duyên chưa gặp, dấu linh còn tạc nước non đây.
Nhân dân Bình Khê chúng tôi:
Lắng hơi quyên trằn trọc giấc canh chầy.
Mơ bóng hạc thẫn thờ đêm nguyệt rạng.
Ðền cũ dâng lòng hương một nén;
Bia xanh tạc đức ngọc muôn hàng.
Cá nhớ nguồn lên xuống nước Côn giang, dạ nhắc dạ mồi thơm chẳng tưởng;
Chim mến cội đi về cây Tượng Lĩnh, đàn gọi đàn gò thấp chớ nương.
Một lòng nguyện giữ sắt son,
Muôn gội dám quên mưa móc.
Nay:
Niệm kỳ húy nhật, lá vàng điểm tiết hàn đông;
Chứng tấc thành tâm, lễ bạc dâng trời dị lộ.
Trăm thước trầm hương cuồn cuộn gió,
Ðôi hàng bạch lạp ngập ngừng châu.
Nâng kim bôi rượu đủ ba tuần, phảng phất long nhan dường thấy đó;
Trước linh án lễ rồi bốn lạy, mơ màng loan giá trở về đây. Gương nghìn thu lai láng ánh quang huy,
Trong khuất tịch cũng không còn hắc ám;
Ðất ba cõi sáng soi vầng bạch nhật,
Dẫu vô cùng vẫn được hưởng vinh quang.
Lời cầu xin mong thấu cõi u huyền,
Lòng thành kính ngửa nhờ ơn chiếu giám.
Phục duy,
Thượng hưởng “
Từ khi đền Tây Sơn lập lại, năm năm đều tế lễ. Lễ Ðống Ða thay thế lễ Xuân Thu. Lễ húy nhật vẫn giữ y như cũ. Và tuy đời đổi mới, lễ vẫn cử hành theo lề lối xưa. Nhưng lần lần, người đọc văn tế có tài qua đời hết, và cứ đọc đi đọc lại mãi một bài nghe cũng chán, nên cứ vài ba năm, thay văn tế một lần, không thiếu những điểm quan trọng, nhưng gọn gàng dễ đọc.
Có hai bài thường được dùng đến:
Văn Tế lễ Ðống Ða:
Non Tây áo vải,
Trời Việt khí thiêng;
Ngọn cờ đào gió thuận lòng dân,
Mối ly loạn dẹp yên dòng Trịnh Nguyễn;
Thanh kiếm báu chớp ngời thế trận,
Ðường xâm lăng quét sạch giặc Xiêm, Hoa.
Ðài vinh quang rạng rỡ giống nòi,
Nền độc lập vững bền đất nước.
Mây áng Trường Sơn rồng dẫu khuất,
Trăng lồng Quế Hải gấm còn giăng.
Ðền ghi ân ngào ngạt nén tâm hương, đá tạo nghìn thu vững núi;
Bút chép sử ung dung ngòi chính luận, son pha từng nét đơm bồng.
Nay chúng tôi:
Ðón tiết dương xuân,
Nhớ ngày kỷ niệm.
Ngửa dâng lễ bạc,
Cúi trải niềm son.
Mơ màng trận thắng Ðống Ða, hồn chiến sĩ thơm lây chiều gió mới;
Lai láng dòng trong Côn Thủy, gương anh hùng sáng dọi ánh trăng xưa.
Nén tinh thành mong thấu cõi u linh,
Cơ huyền diệu sớm xoay thời thịnh thái.
Giống Hồng Lạc đơm hoa kết trái, sương nắng chung, mưa móc cùng chung.
Tình Bắc Nam líp thịt liền xương, dâu bể đổi, ruột gan chẳng đổi.
Linh thiêng xin chứng.”
Bài Văn tế ngày kỵ 15 tháng 11:
Tây lĩnh tài cao,
Côn giang đức cả.
Giận Trịnh, Nguyễn cắt tình đất nước,
Thêm Phúc Loan đọa kiếp giống dòng.
Tuốt gươm thần phạt ngụy điếu dân, danh Tam Kiệt nướcnon lừng lẫy sấm.
Thu mối nước bình Nam định Bắc, công nghìn thu sử sách rõ ràng son.
Nay chúng tôi:
Ðối cảnh đông thiên.
Niệm kỳ húy nhật,
Ngọn gió hương đưa hồn Tổ Quốc,
Ðầu non thông vút khí anh hùng.
Rượu ba tuần rót chén tinh thành.
Lễ bốn lạy dâng trời dị lộ,
Phảng phất đài mây điện ráng, ngưỡng vọng giáng lâm,
Chít chiu con lạc cháu Hồng, huệ diên phước tải
Thượng hưởng “
Những bài văn ký đã nói lên được trung thực lòng người yêu nước đối với nhà Tây Sơn.
Nhưng trong đó lòng chỉ dám biểu lộ sau khi nhà Nguyễn đã bị nhân dân đứng lên lật đổ.
Dám biểu lộ trong lúc ách cường quyền còn đè nặng trên cổ nhân dân, thì long kính yêu nhớ tiếc mới thật là mạnh liệt.
Nguyễn Bá Huân viết:Cân Quắc anh hùng truyện, Tây Sơn văn thần liệt truyện, Nguyễn Trọng Trì viết: Tây Sơn danh tướng chinh Nam truyện, Tây Sơn lương tướng ngoại truyện v.v...
Các tác phẩm trên ghi chép sự tích, hành trạng của các anh hùng hào kiệt văn võ phò tá nhà Tây Sơn. Sách viết thời Tự Ðức. Dụng ý đề cao nhà Tây Sơn.
Không phải là danh sơn sự nghiệp mà sách được phổ biến trong giới trí thức đương thời, trong đó có một đại thần nhà Nguyễn là Ðào Tấn ở Vĩnh Thạnh.
Ðiều đó chứng minh rằng lòng người dân yêu nước đối với nhà Tây Sơn dâu bể đổi, ruột gan chẳng đổi.
Ðến năm 1975, Bắc Nam thống nhất, đền Tây Sơn ngót 15 năm thuộc quyền quản trị của nhân dân Bình Khê, giao lại cho Nhà nước cách mạng. Ðền được mở rộng thêm, và mỗi năm lễ Ðống Ða vẫn được tổ chức trọng thể.