Chương 7

     ụ Ba ú ớ. Tiếng ú ớ khi bị đàn kiến bu quanh trên thân thể mụ. Mụ bị đàn kiến đốt. Chỉ có sự nhức nhối đến tận tim, nhức nhối lan cả óc. Mụ ngất lịm trong chất độc của lũ kiến. Mụ bị đàn kiến tha đi. Như con mồi bất lực trước hàng vạn, hàng chục vạn con kiến đỏ rực, mụ chỉ còn cách quằn quại, rồi sau đó, mụ thấy hồn mụ như trốn khỏi hiện tại mà trở về với quá khứ. Những hồi ức lại hiện lên trong tâm trí mụ. Không biết có phải lúc tuyệt vọng, người ta thường nghĩ về quá khứ để tìm lại những bình an giờ không còn nữa hay không. Hay tìm về quá khứ để mà thấy rằng một thời họ đã tồn tại, một thời họ chẳng thua ai. Mụ thấy cái quá khứ huy hoàng như hiện ra. Những ngày xưa đẹp đẽ lại hiện về trong ký ức mụ. Rớt như bằng xương bằng thịt, đẹp dịu dàng trước mắt mụ. Con Rớt ngọc ngà của mụ đang làm nũng với mụ, đang làm nhỏ với mụ.
 Mụ đâu quên được Con Rớt độ tuổi trăng rằm tuyệt diệu. Mụ đâu quên được niềm hãnh diện của mụ. Sự sung sướng tuyệt đỉnh của mụ khi Rớt ở tuổi mười lăm, mười sáu. Rớt là con của mụ, cục vàng của mụ. Rớt là tương lai của mụ. Nhiều thằng con trai đã thập thò trước cửa nhà mụ. Đứa nào, đứa nấy đều muốn làm rể mụ. Nhưng con Rớt nhà mụ đang độ lớn, không lẽ gả chồng cho nó sớm. Mụ cũng phải giữ nó lại để mà nhìn ngắm nó chứ. Dễ gì mụ gả nó nhanh. Phải xứng đáng đồng tiền bát gạo chứ!
Mỗi lần mụ gánh bánh bèo đi bán, bọn con trai đều nhìn mụ, đối xử với mụ như đối xử với mẹ của chúng. Bọn chúng gọi mụ bằng má. Thế mới sướng chứ! Có một đứa con gái mà bọn con trai, đàn ông đều muốn làm con của mụ. Chúng lễ độ không thể chịu được. Những khi ăn bánh xong, chúng đều tìm cách biếu thêm tiền cho mụ. Chúng lấy lòng mụ. Đứa nào cũng tỏ ra biết điều với mụ. Chúng như thật thà, hoặc giả bộ thật thà trước mụ. Mụ nhớ như in, một hôm đang ngồi chờ khách, bên tai mụ có tiếng ồm ồm:
- Thưa má, bán cho con ít chén bánh bèo đi!
Mụ ngẩng đầu lên nhìn khách. Ồ! Tên Bạc! Tên Bạc cũng xưng con, xưng má với mụ. Ô hay! Lạ chưa từng thấy. Mụ hỏi tên Bạc với vẻ nghi ngại:
- Ông mà cũng ăn bánh bèo ư?
Tên Bạc cười hì hì lấy lòng:
- Đói thì phải ăn chứ má!
Mụ háy dài một tiếng, rồi nói:
- Ông thèm gì thứ bánh này?
Bạc xuống giọng than:
- Má nghi oan cho con rồi.
Mụ cười nhạt:
- Oan cho ông ư? Ông không nhớ sao? Ông nhớ lại chuyện ông đã làm đi!
Bạc cúi mặt, rồi nói nhỏ như biết lỗi:
- Tha cho con đi má! Con cố quên rồi mà.
- Quên? – Mụ cười - Tôi thì tôi nhớ rất rõ.
Mụ nhìn Bạc. Mụ như thấy lại chuyện đã qua. Hôm ấy khoảng một giờ chiều, sau khi chuẩn bị xong, mụ gánh bánh đi bán. Như mọi lần, mụ cất tiếng rao: “Ai ăn bánh bèo không?... Bèo không?...”
Tiếng rao ngân dài, trở thành âm thanh quen thuộc.
Mụ gánh bánh đi ngang qua nhà Bạc. Nhìn ngôi nhà là biết ngay gia chủ. Đây là ngôi nhà đẹp nhất vùng. Và chủ của nó cũng là người có tiếng giàu có nhất vùng. Thức ngon vật lạ Bạc đều đưa vào miệng cả. Bữa hôm đó, Bạc đã no đến nỗi ngất ngư. No đến buồn ngủ. Đang chập chờn khi cơn buồn ngủ kéo đến, thì tiếng rao bánh bèo đã đánh thức Bạc dậy. Tiếng rao bán đã quấy hắn, làm cho hắn mất giấc ngủ trưa.
Hắn ta bực mình. Đang nằm trên chiếc ghế bố, hắn ngồi dậy, chạy thẳng ra cổng, chẳng nói chẳng rằng, chặn đầu mụ Ba lại. Mụ Ba tưởng hắn thèm bánh bèo, bèn hỏi:
- Ông ăn chứ?
- Ăn nè! – Vừa nói hắn vừa đá vào gánh bánh bèo. Nước mắm, nhân văng tung tóe. Từng chiếc bánh lăn trên đất. Mụ Ba hoảng hốt. Sau đó, trấn tĩnh lại, mụ bắt đầu chửi bới:
- Đồ chết bằm! Đồ... Đồ dốc tướng!... Mày tưởng mày giàu có rồi muốn làm gì thì làm à? Mày có đền bánh bèo cho tau không?
Bạc tức tối:
- Mụ im mồm mụ đi! Suốt ngày cứ lải nhải “bánh bèo bánh bèo”. Không có bánh bèo của mụ thì có ai chết đói đâu.
Mụ Ba xắn tay áo nói:
- Tau bán bánh bèo chứ có bán mả cha mày đâu mà mày không cho tau bán.
Bạc cũng không vừa, hắn la to lên:
- Mụ ăn nói thế hở? Mụ tưởng ai cũng để cho mụ chửi chắc. Thằng Bạc này không để cho mụ ăn nói thế đâu.
Mụ thách thức:
- Mày muốn làm gì tau thì làm! Làm đi! Tau đố mày đó! Mày có đền bánh bèo cho tau không? – Vừa nói mụ vừa xắn quần lên. Rồi, mụ bức tóc mụ. Mụ vỗ đành đạch vào mông, vào ngực, vào háng mụ:
- Bà con làng nước ơi! Tôi có làm gì nó đâu mà nó đạp đổ gánh bánh bèo của tôi! – Mụ đấm ngực mụ - Mày có đền bánh bèo cho bà không? Có đền không hở trời?
Mụ chạy sát lại người Bạc. Hắn ta vừa lùi vừa giơ tay muốn ngăn mụ. Nhưng mụ cứ xấn tới. Không còn cách nào khác, cuộc ẩu đả đã xảy ra...
Nghe mụ nhắc lại chuyện cũ, bưng chén bánh bèo trên tay, Bạc đấu dịu với mụ:
- Má giận con hoài sao má?
Không nhìn Bạc, mụ nói:
- Ai dám giận ông.
Bạc nài nỉ:
- Con xin má mà!
Một lát sau, thấy mụ Ba không nhắc lại chuyện cũ, Bạc lấy làm yên tâm. Hắn muốn lấy lòng mụ, vừa ăn Bạc vừa khen:
-  Ngon, ngon thật!
Mụ Ba ngạc nhiên:  
- Ông mà cũng khen ngon?
Bạc thấy giọng mụ Ba không khó chịu, bèn nói nịnh:
- Bánh má bán ngon nhất xứ này. Tiếng đồn “Bánh bèo bà Ba” ai mà không biết.
Cái thói đời nghe nịnh thì sướng rêm người. Mụ Ba nở to lỗ mũi, hí hửng ra mặt. Nhưng mụ giả đò chẳng để ý đến lời của Bạc. Nhìn Bạc ăn, mụ nói:
- Bấy lâu nay, mấy khi ông ăn. Sao bây giờ ông lại thích ăn?
Vừa nhai, Bạc vừa nói:
- Dạ, tiếng đồn mà má. Với lại ăn để biết ngon đến đâu.
Mụ Ba hỏi:
- Ông cảm thấy ngon như thế nào?
- Ngon! – Vừa húp tí nước mắm cay cay, Bạc vừa nói – Ngon thật! Bánh này ngon số dách má à. Chắc cô Rớt phụ giúp má làm?
Mụ cười, nói:
- Ừ! Nó chỉ nhìn thôi, chứ có phụ giúp gì đâu.
Bạc chép miệng:
- Chỉ nhìn thôi mà bánh lại ngon. Lạ thật! – Hắn sực tỉnh nói to – Bánh ngon thật!
Kể từ đó, biết mụ có Rớt đẹp, nên Bạc tìm cách gần mụ để có dịp lấy lòng mụ. Dẫu bánh bèo là thứ ăn chơi, thế nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, Bạc đều ăn bánh bèo của mụ Ba thế cơm. Dần dần, Bạc thân thiết với mụ. Lâu lâu, Bạc mua ít thước vải, ít quà biếu mụ. Không biết có phải những thứ quà đã cảm hóa được tình cảm của mụ đối với hắn hay không, nhưng kể từ đó, mụ lại thân thiện với Bạc. Thấy chiều hướng có thay đổi, thấy có vẻ thuận tiện, Bạc tìm cách nói chuyện với mụ Ba để tìm hiểu Rớt. Bạc dạn miệng, bạo mồm lắm. Cho nên, chẳng cần úp mở gì cả, Bạc đã đặt thẳng vấn đề là muốn làm rể mụ. Nghe Bạc nói thế, mụ chỉ cười. Đâu phải mình Bạc muốn làm rể mụ. Có khối thằng cũng nói như Bạc, cũng muốn làm rể mụ. Dại gì trả lời lúc này. Mụ cũng tính đi tính lại là chẳng nên nhận lời một ai cả. Trong lòng, mụ muốn chọn thằng rể sao cho xứng với nhan sắc có một không hai của con gái mụ.
Ngày lại ngày đều có kẻ cầu hôn, hoặc úp hoặc mở. Ban đầu, mụ khoái bao tử lắm. Nhưng nghe đi nghe lại cũng những lời ấy, mụ bắt đầu nhàm chán. Mụ phải tính thiệt hơn trong việc chọn rể chớ. Người ta thường nói có con gái lớn trong nhà như có bom nổ chậm. Riêng mụ thì thấy khác. Có đứa con gái đẹp trong nhà chẳng khác gì có một hủ vàng. Phải biết cách làm số vàng ấy sao cho nó càng ngày càng sinh lợi. Giá sắc đẹp càng ngày càng tăng. Có thế thiên hạ mới tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp: từ người đẹp làng xã đến người đẹp công sở, từ người đẹp đồng nội đến người đẹp thị thành, từ người đẹp áo dài đến người đẹp áo tắm... Ai ai cũng quý sắc đẹp. Sắc đẹp trở thành thứ hàng hóa có giá trị. Người ta tung hô sắc đẹp. Sắc đẹp có thể trở thành sự từ thiện, trở thành cứu cánh. Là đàn bà, mụ biết rất rõ giá trị của sắc đẹp. Cho nên mụ tính đi tính lại là không thể dễ dàng với bọn đàn ông. Dễ dàng thì bọn họ cho Rớt là của hôi sao. Với sắc đẹp ấy, mụ không lo lắng gì về đường chồng con của Rớt. Vì thế, mụ mặc cả với những tên đàn ông đến cầu hôn Rớt.
Biết được mụ có tính thích chiều chuộng - mà đã là đàn bà thường thích ưa chiều chuộng – nên Bạc tìm cách lấy lòng mụ:
- Má nè! Má về ở luôn nhà con đi má!
Mụ Ba cười, trả lời:
- Thế tau bỏ con Rớt cho ai?
Bạc cười tấn công:
- Thôi thì cho em về ở luôn với con.
Mụ Ba ngẫm nghĩ, nói nửa giỡn nửa thật:
- Mày nói sao dễ vậy. Nó là ngọc, là ngà đấy. Phải rước nó chu đáo, cho đẹp mày, đẹp mặt chứ!
Bạc nuốt nước bọt, xoa xoa bàn tay, cười nói:
- Dạ, con muốn lắm. Chỉ sợ má không cho phép.
Mụ quay mặt, giấu nụ cười đắc ý:
- Cũng dễ thôi. Nhưng nhớ có người coi nó như cành vàng lá ngọc đấy?
Bạc cười xởi lởi:
- Dạ con biết điều đó. Thế má cho con định ngày ăn hỏi được không má?
Im lặng một lát, mụ nói như thể chẳng cần:
- Đâu dễ thế! Cưới hỏi có tới những sáu lễ kia.
Bạc ngạc nhiên hỏi:
  - Sao nhiều thế?
Mụ kể một hơi rõ to, rồi nói:
- Đúng là sáu lễ.
Sau đó mụ nói một hồi. Đại khái nếu Bạc tiếc vàng thì mụ cũng chẳng cần. Có khối thằng nhòm ngó sắc đẹp của Rớt, chứ đâu chỉ mình Bạc. Ngẫm đi ngẫm lại, Bạc thấy mụ nói cũng có lý. Dẫu tiếc vàng, nhưng không thể không cần cái sắc đẹp mê hồn của Rớt. Cuối cùng, Bạc đặt cọc sáu chỉ vàng cho mụ Ba, gọi là tiền cược Rớt sẽ là vợ tương lai của hắn ta. Mụ Ba hài lòng lắm. Nhưng mụ chưa chấp nhận ngày ăn hỏi. Tự nhiên mụ có sáu chỉ vàng nhờ sắc đẹp của Rớt.
Từ đó, mụ cưng Rớt như cưng trứng. Mụ không cho Rớt làm thứ gì cả. Mụ bắt Rớt suốt ngày ngồi trước gương, chỉ có việc trang điểm và nhìn ngắm sắc đẹp. Mụ mua son phấn về, bắt Rớt điểm tô sao cho xứng là cô tiên Rớt. Chưa hết, mụ bắt Rớt đến các viện uốn tóc, làm những kiểu tóc hợp thời. Móng tay, móng chân của Rớt lúc thì tô màu đỏ, lúc thì tô màu tím, lúc thì tô màu đen... Ôi thôi đủ màu đủ sắc trên các móng của Rớt!
Mỗi lần đi bán về, khi mụ đặt gánh bánh bèo ở nhà dưới thì Rớt mới rời chiếc gương ra đón mụ.
- Mẹ! Mẹ xem con có đẹp không?
Đứng nhìn ngắm Rớt một hồi lâu, mụ sướng cả người. Mụ gật gật cái đầu ra chiều thích thú:
- Đẹp! Đẹp lắm! Con của mẹ đẹp lắm!
Nói xong, vẫn chưa hết sướng, mụ đứng lặng giờ lâu chiêm ngưỡng sắc đẹp của Rớt. Đến khi mỏi cả mắt, mụ mới nói:
- Thôi, con cứ nhìn ngắm, trang điểm gương mặt con đi! Để mẹ đi lo cơm nước.
Rớt làm nũng:
- Mẹ để đó con nấu!
Mụ nguýt yêu Rớt:
- Con nấu cơm làm gì. Cứ để đó cho mẹ. Cứ lo sắc đẹp đi! Nó có giá hơn vàng bạc đó con ạ.
Rớt như thể ngây thơ, hỏi:
- Hơn cả vàng bạc?
Mụ Ba gật đầu:
- Hơn cả vàng bạc là đương nhiên. Nó đẻ ra cả ngọc ngà châu báu nữa đó!
Rớt để hai tay trước bụng, ẹo qua ẹo lại:
- Thật không mẹ?
Mụ Ba cười:
- Cái con này! Mày không tin mẹ mày sao? Chỉ cần lo sắc đẹp là có vàng, có bạc thôi, con ạ! Con cứ lo sắc đẹp thì mẹ mới được nhờ.
Rớt vân vê cái áo, lộ cả cái eo trắng nõn trắng nà, cười:
- Sao con cảm thấy kỳ kỳ mẹ ạ.
Mụ Ba dứt khoát nói:
- Mẹ buộc con phải chăm lo sắc đẹp!
Rớt tự tin:
- Bộ mẹ cho con không đẹp sao? Cần gì phải chăm sắc đẹp.
Mụ Ba ra mặt giận:
- Cái con này! Dù có sắc đẹp, nhưng không chăm thì cái đẹp cũng chẳng có giá đâu. Phải chăm mới có vàng, có bạc con à!
Thấy Rớt vẫn trố mắt nhìn miệng mụ nói, mụ liền giảng giải tiếp:
-  Đương nhiên là thế rồi. Ai không muốn nhìn cái đẹp. Nhất là bọn đàn ông! Bọn họ háo sắc lắm. Chỉ cần mình đẹp là bọn họ bu quanh để nịnh, lấy lòng đủ thứ. Có khi họ chết mê chết mệt với mình.
Rớt vẫn vân vê tà áo, cúi mặt nói:
-  Nhưng con cảm thấy kỳ sao ấy!
Mụ nhỏ giọng từ tốn như dồn vào đó lời tâm huyết của mụ:
-  Con phải biết, sắc đẹp là vũ khí lợi hại của đàn bà. Phải dùng nó để làm bọn đàn ông chết mê chết mệt– ngừng giây lát, mụ Ba tiếp lời – Con không muốn sướng sao?
Rớt cười:
- Sao mẹ nói thế? Sướng ai lại không muốn.
Mụ Ba khuyên:
- Muốn sướng thì phải đẹp. Con phải thực hiện đúng như lời mẹ dạy, nghe chưa?
Rớt bỏ tay khỏi vạt áo, cúi đầu:
- Dạ! Con nghe lời mẹ.
Rớt lại ngồi trước gương. Mụ Ba nhìn Rớt hài lòng. Nó nghe lời mụ là mụ có thể hái ra hàng khối vàng là vàng. Muôn đời nay, sắc đẹp luôn có giá. Sắc đẹp có thể cứu con người, sắc đẹp có thể đem lại bao điều tốt đẹp với con người. Đàn bà dù không được đẹp, nhưng họ biết rất rõ giá trị của sắc đẹp. Và mụ cũng thế. Mụ biết rất rõ sắc đẹp của Rớt có thể cứu mụ, có thể đem lại điều sung sướng cho mụ. Sắc đẹp của Rớt sẽ là bạc, là vàng của mụ. Quả thật vậy! Nghĩ tới đó, mụ sướng rêm cả người. Mụ thấy vàng đang chảy vào túi mụ. Mụ thấy vàng từ từ chọn túi mụ mà vào. Trước tiên là thằng Bạc tự dưng đưa mụ sáu chỉ... Còn... sẽ còn vô số vàng tiếp tục chảy vào túi mụ. Mụ tất bật lo cơm nước cho Rớt. Mụ cứ khen Rớt đẹp, đẹp đến nỗi đẻ ra vàng. Bọn đàn ông sẽ chết vì nó. Bọn đàn ông sẽ điêu đứng... Ôi!... Bọn đàn ông... Mụ thốt không ra lời. Trong tâm trí mụ, hình ảnh hai thằng đàn ông đã từng ăn nằm với mụ hiện ra. Chúng hiện ra khi mụ đang nấu cơm, chập chờn theo ngọn lửa. Mụ nấu cơm mà nhìn rõ mặt hai thằng người... Bọn chúng đấy ư? Chúng chỉ biết có đàn bà. Chúng chập chờn trong óc mụ. Quỷ quái cho chúng!
Cũng trong ánh lửa... Thi hiện lên. Đầu tóc rối, bời bời. Tóc anh ta đang hóa trắng. Từng sợi rụng dần, may mà chưa rụng hết, không thì anh ta hóa thành sư mất. Tóc anh chỉ còn lơ thơ làm bạn với gương mặt đăm chiêu như mọi khi. Mắt đượm buồn, và những giọt nước mắt trào ra như thể anh khóc cho số phận con người. Anh đọc thơ, những vần thơ tỏ tình với mùa xuân, với người đẹp. Rồi lời thơ như than, như khóc cho kiếp người. Mụ Ba nghe lời thơ của Thi reo trong lửa...
Và kìa, trong ánh lửa... Thằng điên hiện lên. Mụ thấy nó trần truồng. Nó nhảy múa theo tiếng reo của lửa. Nó huơ tay, huơ chân theo ánh lửa, miệng hát những điệu ca ngô nghê. Và rồi, trong cái miệng ấy, một cái lưỡi trườn ra đớp không khí. Cũng cái miệng ấy hiện lên nụ cười ngây dại. Nó cười nụ cười thuở man khai...
Và trong ánh lửa, mụ Ba thấy rõ gương mặt của thằng Bạc. Gương mặt của nó ánh lên sắc vàng. Gương mặt như được dát vàng, hợm hĩnh. Cả người nó là vàng trong lửa. Quả vậy!... Nó đã đem vàng để thử mụ. Mụ đã hài lòng. Và mụ đã đem Rớt nhử nó... Nó cũng hả lòng...
Ngọn lửa ẩn hiện gương mặt của những thằng người và dần dần hóa thành đàn kiến. Chúng đang hành hạ mụ. Chúng sôi lên, trào lên, ùn ùn cắn xé Rớt và cắn xé mụ. Người mụ đỏ như ngọn lửa. Đàn kiến bu đầy người mụ, đốt cháy từng thớ thịt, đang thiêu dần mụ. Chính đàn kiến trong người Rớt đã hành hạ mụ. Mụ nghe Rớt nói với giọng trân tráo:
- Nè! Tôi báo cho bà biết: Bà đừng lợi dụng sắc đẹp của tôi. Đừng lợi dụng người khác để làm ra tiền, bà biết không?
Mụ mở mắt nhìn Rớt ở giường bên. Không phải là Rớt của mụ. Chỉ có con quỷ cái Rớt với đôi mắt rực lửa, đang nhìn chằm chằm, hành hạ mụ.