Chương 6

     cái xứ sở này, cái xứ sở thường thêu dệt những điều hư hư thực thực. Có kẻ lợi dụng niềm tin của con người để phả vào đấy những điều huyễn hoặc. Biến con người tin lấy tin để vào những thứ là sản phẩm ở tận đâu đâu, đã bỏ đi, làm mục đích, lý tưởng. Như thể người ta đã vẽ những lâu đài, những biệt thự, chúng cư, rồi gán cho chúng những tên gọi mỹ miều, là cái đích dành cho những kẻ không nhà. Như thể người ta mang bộ mặt nhân ái qua những lần ủng hộ người nghèo hòng mua danh, hòng trốn thuế. Như thể người ta khoác chiếc áo bình dân vào gương mặt của vị quan tham, rồi tâng bốc, nịnh bợ rằng đó là kẻ có quan hệ tốt với quần chúng, luôn quan tâm với quần chúng, vì quần chúng mà phục vụ. Thế nhưng, quần chúng trở thành một mớ hỗn độn của sự vô nghề nghiệp, đói khát, thất học, của sự bán sức lao động để cầm những đồng tiền từ những người chủ, kể cả bán dâm để tồn tại, để có tiền giúp đỡ gia đình. Và chính quần chúng lại dễ bị mê hoặc bởi những điều cuồng tín từ lãnh đạo, từ kể có quyền.
Cũng bởi cái tính cả tin, cái tính thích người ta tâng bốc, nên quần chúng thích kể chuyện có màu sắc cổ tích. Điều đó biến những con người ở xứ sở này hư cấu nhiều chuyện. Đặc biệt các vị vua chúa, quan lại đều được phủ sắc màu truyền thuyết. Kẻ thì như thánh, người thì tựa thần. Tốt có, xấu có. Đủ cả...
Người ta vin vào chuyện thiên cơ bất khả lậu để rồi đồn đại những con người có sứ mệnh nào đó. Chuyện có hơi hướm của thế giới vô hình thì người ta thích nghe. Như trẻ con hồi nhỏ, hầu như ai cũng sợ ma, nhưng lại thích nghe chuyện ma. Và người ở xứ này cũng thế, rất thích nghe chuyện có dính dáng đến số mệnh, tiên tri, lý số...
Người ta kể rằng ở xứ này, cứ khoảng năm trăm năm, trời đất bừng sáng, hòa trong tiếng nhạc của mặt trăng, mặt trời, thánh nhân ra đời; cứ khoảng năm trăm năm hoa khoe sắc màu, hương thơm của đất hòa quyện thanh khí của trời, có người đẹp sinh ra; cứ khoảng năm trăm năm, đất nổi bùn đỏ, rừng trụi cây, suối sông như máu đen quánh đặc, lại có quỷ dữ ra đời. Cứ thế, thánh nhân, người đẹp, quỷ dữ đều xuất hiện. Lâu hay mau, hay cùng một lúc, mắt trần khó mà hiểu được. Chỉ biết rằng, khi Rớt đẹp, người ta đã ăn mừng là có cô tiên Rớt giáng thế. Và sau cơn giông gió sấm sét năm nào, người ta lại lo âu vì quỷ dữ xuất hiện ở trần gian. Người ta kể chuyện về Rớt như kể một chuyện cổ. Còn Rớt, cô đâu được sống trong thế giới cổ tích. Cô bị ám ảnh những giấc mơ đã qua. Những giấc mơ mạo danh ám ảnh cô. Cô từng nghĩ mình là tiên bị đày đọa. Có khi rờ gương mặt, cô lại nghĩ cô chính là quỷ. Tâm linh cô luôn hỏi với chính cô và cô tự trả lời như một định mệnh.
- Mày có phải là quỷ không hở Rớt? Hay mày là tiên hở Rớt? Có thể mày vừa là quỷ, vừa là tiên?
- Không, tôi muốn được làm người! Ai biến tôi thành tiên? Ai biến tôi thành quỷ! Sao tôi không được làm người? Các người ác lắm! Tôi chỉ muốn thành người!
Chỉ có đàn kiến trong người Rớt là hiểu được Rớt là quỷ, là tiên hay là người. Nhưng chúng đâu có nói ra điều ấy. Chúng chỉ thích cắn xé thân thể Rớt. Chúng chỉ thích làm tổ trong người Rớt. Dù Rớt là gì đi nữa thì chúng chẳng cần, miễn là chúng có chỗ cắn xé, làm tổ.
Rớt biết làm sao đây? Cô không thể đuổi đàn kiến trong cơ thể cô. Đàn kiến hành hạ cô, làm cô muốn chạy thoát, muốn tìm nơi chốn trú ngụ. Nhưng cô bất lực, bất lực như người chìm đò, bụng chứa nhiều nước nhưng chẳng biết bơi, trong khi những người khác lại níu kéo nhau, chẳng ai có thể cứu ai. Chỉ huơ tay ú ớ. Chỉ chới với trong tuyệt vọng. Cô lấy hết hơi sức thét thật to:
- Hãy cho tôi làm người! Tôi không cần thứ gì cả. Xin đừng cắn xé tôi!
Rớt gào thét trong tuyệt vọng. Tiếng gào thét của Rớt đánh thức mụ Ba. Mụ hoảng hồn thức giấc:
- Gì thế? Gì thế? Mày có im để tau ngủ không?
Mụ có biết đâu Rớt đang nằm mơ. Ôi, cơn mơ mạo danh, cơn mơ ai cũng từng mơ thấy.