Dịch giả: Mạc Đỗ
- 13 - 14 -

     ick đi vòng theo giao thông hào, dọc theo đường hầm, chân bước trên lớp gỗ lát. Y tới trước ống viễn kính, ghé mắt ngó một lát, rồi bước lên một bậc ngó qua miệng hầm. Trước mặt Dick, dưới bầu trời lem bẩn, là Beaumont - Hamel. Mé tay trái là mỏm núi bi thảm Thiepval. Dick dùng cặp viễn kính đeo trên người ngắm hai nơi đó, cảm thấy cổ họng tắc nghẹn vì buồn.
Dick tiếp tục đi tới dọc theo đường hầm và gặp lại các bạn đang đợi trên giao thông hào tiếp theo.
Y coi bộ hốt hoảng, chỉ muốn nói những cảm tưởng của mình với mọi người, nói cho mọi người hiểu điều này điều nọ, tuy trong thời chiến y không tham gia công tác hiện dịch còn Abe North thì có. Y nói với Rosemary:
- Khúc này đã phải mất hai chục mạng người mỗi bô buông, mùa hè năm đó.
Cô gái ngoan ngoãn ngắm vùng đất một màu lục nghèo nàn, với vài ba gốc cây mới mọc chừng sáu năm. Nếu Dick nói chắc là mọi người sắp bị oanh kích, cô gái có thể tin rằng thật. Mối tình đối với Dick đã phát triển đến đó cô gái bắt đầu cảm thấy khổ, đôi khi thất vọng nữa. Cô gái không biết làm cách nào, tính sẽ hỏi ý kiến bà mẹ; xem bà mẹ khuyên nên làm sao.
Abe North nói để an ủi:
- Từ năm đó đã có nhiều người chết, hết thảy chúng ta rồi cũng sắp chết.
Rosemary tinh thần căng thẳng, đợi Dick nói tiếp.
- Cô có thấy con suối nhỏ kia không? Ta có thể tới đó trong vòng hai phút. Vậy mà người Anh đã mất một tháng mới tới đó được... và cả một đế quốc chuyển động, tiền quân chết, hậu quân thúc lên... Và một đế quốc khác lui dần, mỗi ngày vài tấc đất, để lại một triệu người chết nằm như trải thảm dưới đất. Không một người Âu châu nào thuộc thế hệ này có thể tái diễn một vụ như vậy.
Abe hỏi:
- Tại sao vậy? Thì chiến tranh vừa mới chấm dứt ở Thổ. Và ở Maroc...
- Đó là chuyện khác. Mặt trận miền tây không thể có được, không, ít nhất phải lâu lắm nữa... Bọn trẻ cho rằng họ có thể tái diễn một trận trên sông Marne, nhưng không thể như thế này. Cần phải có đức tin những năm phồn thịnh, những bảo đảm rộng lớn và một tương quan chính xác giữa các tầng lớp xã hội. Người Nga và người Ý rất tồi trên mặt trận này. Cần phải được trang bị về tâm hồn và tình cảm truy nguyên lên xa hơn những kỷ niệm của chính chúng ta... Cần phải nhớ lại Noel và những bưu thiếp có hình thái tử và vị hôn thê, và những quán cà phê nhỏ nào đó ở Valence, và những quán lave Unter den Linden, những “đám cưới ở Tòa thị chính”, giải ngựa đua Derby, và bộ râu của ông nội...
- Chính tướng Grant đã sáng chế ra thứ chiến tranh đó tại Gettysburg, hồi 65...
- Không, không, ông ta chỉ sáng chế ra lò sát sinh hàng loạt. Thứ chiến trận này do Lewis Carroll và Jules Verne đã sáng chế ra, và thằng cha đã viết ra cuốn “Ondine”, và những tu sĩ nhà quê chơi boules, và những “mẹ và chị chiến sĩ” ở Marseilles, và những cô gái bị chinh phục trong những ngõ hẻm vắng ở Wurtemberg và ở Westphalie... Thấy chưa, đó là một trận chiến ái tình... một thế kỷ ái tình trưởng giả đã tiêu tan tại đây. Đây là trận chiến ái tình sau cùng.
Abe North hỏi:
- Anh tính đem trận chiến này tặng cho D.H. Lawrence chắc?
Dick khăng khăng với điều than tiếc, đáp:
- Toàn bộ thế gian yên lành tốt đẹp của tôi đã nổ tung tại đây trong một cuộc bùng nổ ái tình. Có phải không, Rosemary?
Cô gai rất nghiêm trang nói:
- Tôi không biết. Anh, anh biết hết.
Hai người đứng lui lại phía sau một chút. Bỗng một trận mưa những cục đất và những hòn sỏi rớt xuống đầu bọn họ, có tiếng Abe la lên trong giao thông hào gần đó:
- Tại tinh thần chiến đấu chợt tỉnh dậy trong tôi. Tôi thấy có một thế kỷ ái tình ở Ohio thúc sau lưng, tôi phải oanh kích đường hầm đó!
Đầu của Abe ló lên một lát trên miệng hầm:
- Các người chết hết rồi nhé! Các người không biết luật chơi hay sao? Đó là một quả lựu đạn.
Rosemary phá lên cười, còn Dick lượm một nắm sỏi tính làm một cử chỉ trả đũa; nhưng lại hạ tay xuống như để biện bạch, nói:
- Tôi không thể diễu cọt ở đây được. Sợi thừng bằng bạc va chiếc bát vàng đều đứt bể vân vân... nhưng một người lãng mạn không chữa trị được như tôi không cách nào..
- Tôi cũng vậy, tôi là một người lãng mạn...
Mọi người từ trong đường hầm được trùng tu sạch sẽ cùng đi ra và đứng trước đài kỷ niệm những tử sĩ người đảo Terre-Neuve. Dọc những hang chữ kỳ công Rosemary không thể cầm được nước mắt. Như phần đông phụ nữ, cô gái thích được chỉ dẫn nên có những xúc cảm nào, cô gái thích nhất là được Dick chỉ cho thấy những gì đang buồn và những gì đáng tức cười. Nhưng trên hết thảy cô gái ao ước Dick biết rằng mình yêu Dick như thế nào, nhất là bây giờ sự thật đó đã đảo lộn hết và cô gái đang đi thăm chiến trường ở bên Dick, trong một cơn mê cuồng nhiệt.
Lát sau mọi người lại lên xe trở về Amiens. Cơn mưa nhẹ rơi trên đồng quê với những gốc cây trở lại xanh tươi. Họ đi ngang những đống tang tóc gồm những tàn tích đủ loại: trái pháo, bom, lựu đạn, quân trang, nón sắt, lưỡi lê, báng súng, da cũ, những vật dụng cũ đó được bỏ trên mặt đất và dưới đất từ sáu năm nay. Rồi, bỗng nhiên, sau một khúc quanh hiện ra trước mặt cả một cánh đồng những mồ chôn bên trên có những mộ chí màu trắng. Dick bảo tài xế ngừng xe lại.
- Coi kìa người thiếu phụ với vòng hoa trên tay.
Những người cùng đi ngó Dick tiến lại gần người đàn bà trẻ tuổi đang đứng lưỡng lự bên hàng rào. Có chiếc taxi đợi ở đó. Đó là một cô gái tóc đỏ mà họ đã gặp sang hôm nay trên xe lửa, cô ta người tiểu bang Tennessee. Chủ trương từ Knoxville tới viếng mộ người anh ruột. Hai mắt đẫm lệ, vẻ mặt phẫn nộ, cô gái than trách:
- Bộ Chiến tranh có lẽ đã cho tôi con số không đúng. Từ hai giờ nay tôi mất công tìm kiếm nhiều mồ quá!
Dick khuyên:
- Nếu tôi ở trường hợp cô tôi sẽ để bó hoa của tôi lên bất kỳ ngôi mộ nào, không cần ngó tên.
- Ông cho rằng tôi nên làm thế?
- Tôi tin rằng chính người chết sẽ khuyên cô nên làm thế.
Trời bắt đầu sẩm tối. Mưa nặng hạt hơn. Cô gái đặt bó hoa trên ngôi mộ gần nhất và chấp nhận đề nghị của Dick cho taxi về và cùng đi Amiens với bọn họ.
Rosemary nhỏ thêm ít giọt nước mắt nữa khi hay biết vụ đó. Cô gái cảm thấy trong ngày hôm nay đã học được nhiều, nhưng không biết rõ đã học được những gì... Lát sau, hồi tưởng lại từng giờ trong buổi chiều hôm đó Rosemary thấy như một khoen tốt đẹp trong sợi dây xích nối liền những vui sướng dĩ vãng với những vui sướng tương lai, toàn là những vui sướng hết. Mọi người thấy Amiens là một thành phố ồn ào, với những sắc thái tím, u buồn hơn vì chiến tranh, cũng như tên của một số ga xe lủa như ga miền Bắc. Waterloo Station... Giữa ban ngày người ta cảm thấy chán nản ở những thành phố như vậy, với những chuyến xe điện kiểu cũ đã hai chục năm đi ngang công trường với nền đất lát từng viên lớn ở trước giáo đường; không khí cũng gọi lại dĩ vãng đã hoen vàng như những tấm hình cũ. Nhưng ban đêm, những gì dễ chịu trong đời sống ở Pháp trở lại, những gái chơi lém lỉnh, những đàn ông bàn thảo không bao giờ hết trong các quán rượu, những đôi cặp đã say đi tìm hạnh phúc rẻ tiền.
Trong khi chờ xe lửa, bọn họ ngồi dưới những vòm bán nguyệt khá cao để khói có thể tỏa lan đi, cùng với tiếng nói chuyện và tiếng nhạc. Ban nhạc tưởng chiều ý khách khi chơi bản “Yes, We have no bannanas”. Khách vỗ tay để làm vui lòng ông nhạc trưởng ra vẻ sung sướng lắm. Cô gái ở Tennessee đã quên nỗi buồn của mình và vui cùng mọi người. Cô gái bắt đầu lẳng lơ với Dick và Abe, gửi cho hai người từng khóe mắt nảy lửa. Hai người vui vẻ chọc cô gái.
Rồi phó mặc cho sự tan rã sau cùng dưới cơn mưa không dứt những di hài của bao người vùng Wurtemberg, những vệ binh Phổ, những biệt kích núi Alpes, thợ dệt ở Manchester và cựu học sinh Eton, bọn họ lên xe lửa trở về Paris, ăn những mẩu bánh mì kẹp với xúc xích hay phô-mát Bel Pease mua ở quán ăn trong ga, uống với thứ rượu nho Bordeaux tuyệt hảo. Nicole ít nói, cắn môi trong khi đọc cuốn chỉ nam về các chiến trường do Dick mang theo. Chính Dick cũng đã nghiên cứu cuốn sách đó rất nhanh để giảm lược bớt và gửi vào đó nét riêng của mình.

14

Khi mọi người tới Paris, Nicole mệt quá không thể đi coi trưng đèn tại cuộc Triển lãm về Nghệ thuật Trang trí, như bọn họ đã dự tính từ trước. Nicole được thả xuống khách sạn George, khi thiếu phụ lẫn vào đám những ánh sáng chéo nhau của những khung cửa bằng gương nơi tiền đình, Rosemary cảm thấy thoát được một cái gì đè nặng. Nicole là một lực lượng không hẳn là một lực lượng có sắp đặt và dễ dàng đề phòng, như bà Speers, nhưng một lưc lượng không ước tính được. Rosemary xem ra có vẻ hãi sợ.
Tối hôm đó, khoảng mười một giờ, Rosemary cùng với Dick và hai vợ chồng North ngồi tại một quán cà-phê sà lan neo trên sông Seine. Dòng sông lấp lánh phản chiẽu ánh đèn trên các cây cầu và giống như chiếc nôi đựng vầng trăng lạnh. Hồi Rosemary ở Paris cùng với bà mẹ, thỉnh thoảng, sáng Chủ nhật, hai người đáp thử quán ăn dưới thuyền mệnh danh là bateau - mouche, đi chơi Surensnes vừa ăn bữa trưa vừa tính toán chuyện tương lai. Hồi đó hai mẹ con không có nhiều tiền, nhưng bà Speers tin chắc vào sắc đẹp của con và nhồi nhét cho cô gái nhiều cao vọng cho nên cô gái sẵn sàng đóng phim. Rosemary sẽ bồi hoàn cho mẹ khi nào nổi tiếng.
Từ bữa tới Paris, Abe North lúc nào cũng như bao phủ bởi một lớp mỏng rượu nho... Trông mắt y đỏ những máu vì nắng, vì uống rượu. Rosemary nhận thấy lần đầu tiên Abe luôn luôn ghé tới những chỗ có thể uống rượu và tự hỏi không hiểu Mary North có chấp nhận như vậy không. Mary là một người đàn bà nhỏ bé, bình dị, yên lặng, ngoại trừ những lúc phá lên cười, cho nên Rosemary cũng không hiểu biết về bà ta bao nhiêu. Mary thích kiểu tóc như chiếc nón úp mái tóc đen và thẳng trên đầu, hất ngược ra phía sau từng đợt tự nhiên. Thỉnh thoảng có lọn tóc rớt xuống mắt hay hai bên thái dương, Mary lại hất đầu lên đẩy lọn tóc trở về chỗ của nó.
- Abe, tối nay chúng ta về ngủ sớm, sau tuần rượu ngọt này nhé.
Giọng nói của Mary nhẹ nhàng, nhưng có ẩn đôi chút lo ngại.
- Mình không muốn cho người ta phải khiêng mình lên tàu...
Dick nói:
- Đã khuya rồi. Tốt hơn hết là tất cả cùng về.
Gương mặt cao sang và đĩnh đạc của Abe ra vẻ bướng bỉnh, y cương quyết đáp:
- Ồ, không. Không đâu. Chúng ta còn uống một chai sâm-banh nữa chứ.
Dick nói:
- Tôi chẳng uống gì nữa hết.
- Tôi nghĩ tới Rosemary. Đúng là một thứ sinh ra đã biết uống rượu... Trong phòng tắm của Rosemary bao giơ cũng có sẵn một chai gin... má cô la bảo thế.
Abe rót nốt trong ly của cô gái số rượu còn lại trong chai thứ nhất. Ngày đầu tiên tới Paris, cô gái thấy muốn nôn mửa vì uống nhiều limonade quá; bây giờ Rosemary nàng ly sâm banh lên uống.
Dick nói:
- Tôi nghe lầm chăng. Cô có bảo tôi là không uống mà.
- Tôi không nói là sẽ không bao giờ uống nữa.
- Má cô sẽ nnghĩ sao?
- Tôi chỉ uống nốt có ly này mà thôi.
Cô gái cảm thấy thấy sự cần uống. Dick uống, không uống nhiều quá, nhưng có uống, và có lẽ, nếu cô gái cùng uống, không chừng hai người sẽ thấy gần nhau hơn, đó là một phần của những trang bị cần thiết cho những việc cô gái sẽ làm. Rosemary uống rất mau, muốn sặc, rồi nói:
- Với lại, hôm qua là sinh nhật của tôi. Tôi đủ mười tám.
Cả bọn cùng la lên:
- Tại sao không nói cho chúng tôi biết?
Cô gái uống cạn ly sâm banh và nói:
- Ồ, tôi biết các bạn sẽ làm to chuyện và mất công cho các bạn... Tôi uống cạn ly thế là xong vụ sinh nhật.
Dick cãi:
- Đâu có được. Bữa ăn tối mai mới là kỷ niêm sinh nhật của cô... cô đừng quên! Mười tám tuổi, đó là tuổi quan trọng lắm.
Mary nói:
- Còn tôi, tôi nghĩ rằng ở đời không có gì quan trọng hết chừng nào ta chưa đủ mười tám tuổi.
Abe đồng ý:
- Đúng lắm. Và sau đó cũng vẫn thế.
Mary nói:
- Abe nghĩ rằng không có gì quan trọng hết cho tới khi anh ấy đã xuống tàu. Lần này anh ấy đã chuẩn bị đủ thứ sẽ làm trong thời kỳ ở New York.
Thiếu phụ nói như thể chán ngán cứ phải nhắc lại những điều chẳng có nghĩa gì với mình, tưởng như sự đối xử của mình và chồng chỉ có một giá trị lý thuyết.
- Anh ấy sẽ soạn nhạc tại Mỹ, còn tôi sẽ học hát tại Munich, thành ra khi chúng tôi gặp lại nhau sẽ không có gì không có thể giữa hai chúng tôi.
Rosemary la lên:
- Tuyệt quá!
Trong tiếng la của cô gái có ảnh hưởng của men rượu.
- Trong khi chờ đợi, thêm một chút sâm-banh cho Rosemary. Để cho cô ta có thể kiểm soát được những nội hạch lâm ba. Những hạch đó chỉ bắt đầu hoạt động sau mười tám tuổi.
Dick cười tha thứ đối với Abe mà y rất thương.
- Về phương diện y học điều đó không đúng, dù sao chúng ta cũng phải về.
Abe ý thức được mọi người đang muốn níu kéo, cưỡng lại, nhẹ nhàng nói:
- Linh tính cho tôi biết sẽ thành công nho nhỏ ở Broadway rất lâu trước khi anh lo xong cuốn sách khảo luận khoa học...
Dick bình tĩnh đáp:
- Mong rằng thế. Tôi mong thế lắm chứ. Cũng còn có thể tôi bỏ luôn cái mà anh gọi là “cuốn khảo luận khoa học” của tôi nữa.
Mary kinh ngạc la:
- Ồ, Dick!
Rosemary chưa hề trông thấy gương mặt của Dick khi không biểu lộ một chút gì. Cô gái cảm thấy lời tuyên bố đó mang một tầm quan trọng lớn và cũng thấy muốn bắt chước như Mary la lên: “Ồ, Dick!”
Nhưng Rosemary lại cười, nói nốt nhận định của mình.
-... Tôi bỏ để lo một cuốn khác...
Nói rồi Dick đứng lên.
- Nhưng, Dick, hãy ngồi xuống, tôi muốn biết...
- Tôi sẽ nói chuyện đó với anh một ngày nào, Bonne nuit, Abe, bonne nuit, Mary.
Mary đáp, miệng cười như thiếu phụ sắp cảm thấy hoàn toàn sung sướng trên chiếc thuyền quán cà-phê này, khi đó đã hầu như không còn khách nào khác nữa:
- Bonne nuit, cher Dick!
Thiếu phụ can đảm, lạc quan, theo chồng, tự biến mình thành mẫu người này hay mẫu người nọ tùy ý thích của chồng, nhưng không thành công chút nào trong việc lái chồng ra ngoài con đường mà chồng muốn theo, thành ra, đôi khi, thiếu phụ thất vọng thấy rõ định hướng cho vận mạng của mình là một điều bí mật, giấu kín nơi chồng. Vậy mà Mary vẫn có vẻ một người có may mắn, như duy trì một biểu tượng...