Dịch giả: Mạc Đỗ
- 23 - 24 -

     be North ngồi ở quầy rượu khách sạn Ritz, Abe tới đó khoảng chín giờ sáng, tìm một chỗ ẩn náu vào giờ cửa sổ được mở toang và những tia nắng làm nhảy múa những đám bụi bay lên từ những tấm thảm được rũ bụi. Lũ trẻ con chạy qua lại trên những hành lang, được giải tỏa, không bận đồng phục, di chuyển trong không gian thanh trong. Quán rượu “ngồi” của các bà, đối diện với quán rượu chính thấy nhỏ bé quá. Thật không thể tưởng tượng được buổi chiều có thể tiếp đón được nhiều khách các bà đến thế.
Lão Paul nổi tiếng, người thầu lại quán rượu, chưa tới, nhưng Claude, người giúp việc của Paul, đang kiểm điểm lại các thứ đồ uống, tạm ngưng không tỏ lộ một chút ngạc nhiên nào để pha chế một thứ “pick me up” cho Abe. Abe ngồi trên chiếc ghế dài cạnh tường. Sau hai ly, Abe bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn, dễ chịu đến độ y leo lên gian hàng hớt tóc để cạo râu. Khi Abe trở lại quán rượu Paul đã tới, bằng chiếc xe hơi mà y lịch thiệp đậu lại từ đại lộ Capucines, Paul có cảm tình với Abe nên chạy lại nói chuyện.
Abe nói:
- Đáng lý ra tôi phải xuống tàu sáng nay, tôi muốn nói sáng hôm qua...
Paul hỏi:
- Thế tại sao lại không xuống?
Abe ngẫm nghĩ về câu hỏi, sau cùng tìm ra được một lý do.
- Tôi đang mắc đọc một truyện đăng từng kỳ trong tuần báo Liberty, số tiếp theo được gởi tới Paris trong ngày hôm nay. Nếu tôi đáp chuyến tàu đó có phải là lỡ mất đọc không, tôi sẽ không biết đoạn kế tiếp của truyện ra làm sao.
- Truyện chắc phải hay lắm!
Paul cười, đứng lên, rồi ngừng lại, đứng tựa vào lưng một chiếc ghế.
- Nếu ông thật tình muốn đi, ông North ạ, có vài ba người bạn của ông ngay mai sẽ xuống tàu “France”, Mister... ông ấy tên gì nhỉ?... và Slim Pearson. Mister... Ồ, tôi sẽ kiếm ra tên đó... đó là một người cao lớn, với bộ râu mới.
Abe đưa ra:
- Hardly?
- Đúng rồi, ông Hardly. Cả hai người cùng đáp chuyến tàu “France”.
Paul chạy đi lo công việc của mình, nhưng Abe cố gắng giữ lại.
- Tôi muốn lắm, nếu tôi không bắt buộc phải xuống tàu ở Cherbourg. Hành lý của tôi ở đó cả.
Paul vừa bước đi vừa đáp:
- Ông sẽ nhận được hành lý của ông ở New York.
Sự hợp lý của đề nghị này chen lần lần vào óc Abe. Y cảm thấy sung sướng có người lo đến y và quyền lợi của y, hay đúng hơn là có thể kéo dài tình trạng vô trách nhiệm của y.
Trong khi đó, nhiều khách bước vô quán, đầu tiên là một người Đan Mạch khổng lồ, thỉnh thoảng Abe có gặp. Người Đan Mạch ngồi một ghế ở đầu bên kia quán. Abe đồ chừng suốt ngày người đó sẽ ngồi tại đây, uống rượu, ăn bữa trưa, nói chuyện, hay đọc báo. Abe cảm thấy có ý muốn đánh bại người kia về phương diện ngồi dai.
Tới mười một giờ bắt đầu có những học sinh trung học tới, bước đi vụng về cố tránh không vướng mắc những túi và cặp sách của chúng vào những bàn ghế trong quán. Vào khoảng thời gian đó Abe bảo một thằng bé sai vặt trong khách sạn điện thoại cho Diver. Đến khi gọi được hai vợ chồng Diver thì Abe đang cùng ngồi với một lũ bạn và lộn xộn lung tung. Thỉnh thoảng Abe chợt nhớ phải đi lo lấy thằng cha Freeman đáng tội nghiệp ở nhà giam ra; nhưng Abe ngại hết cả mọi sự việc và biến cố mà y cho rằng ở trong một ác mộng.
Tới lúc chừng một giờ trưa, quán đông đặc. Giữa những ồn ào của đủ thứ ngôn ngữ, êkíp hầu bàn hoạt động, giữ khách bằng cách lo đưa ra những món khách gọi hay đưa bông tính tiền.
- Thế là hai Stingher... và thêm một... hai martini, và một... còn ông Quarte ly, ông không dùng gì cả? Ông Shceffet bảo rằng đã uống đủ rồi. Ông dùng ly cuối cùng... tôi chỉ biết làm theo ý khách... cám ơn... cám ơn nhiều lắm.
Trong sự lộn xộn chung, Abe bị mất chỗ ngồi; bây giờ y đứng, đưa đẩy cái mình đôi chút và nói chuyện với bất kỳ ai gặp. Một con chó bull-terner quấn chặt lấy chân Abe bằng sợi dây xích của nó, nhưng Abe gỡ ra được không đến nỗi té và được những lời xin lỗi dài dòng. Sau đó Abe được mời ăn trưa, nhưng y từ chối. Lát sau, với vẻ lịch sự dễ thương của người nghiện rượu, giống như của một tù nhân hay một người lão bộc trong đại gia đình, y kiếu từ và quay lại thì thấy thời gian đông đảo nhất của quán đã trôi qua, chấm dứt cũng bất chợt như khi bắt đầu.
Tới bốn giờ có một thằng nhỏ đi tới:
- Có phải ông muốn gặp một người da màu tên là Jules Peterson?
- Trời ơi, làm sao y kiếm ra được tôi?
- Tôi chưa nói với người đó là ông có ở đây.
- Vậy thì ai đã bảo cho y biết?
Abe suýt đánh rớt cái ly xuống nhưng đỡ lại kịp.
- Người đó nói đã đi một vòng hết thảy các khách sạn và quán rượu có nhiều Mỹ.
- Bảo y rằng tôi không có ở đây.
Khi thằng nhỏ đi ra, Abe gọi nó lại và hỏi:
- Ở đây người ta có cho y vô không?
- Tôi sẽ chạy đi hỏi.
Paul, khi được hỏi, đưa mắt ngó qua vai, lắc đầu, rồi trông thấy Abe, tiến tới nói với y:
- Tôi rất tiếc, nhưng tôi không thể chấp nhận cho người đó vô.
Abe bèn cố gắng mãi mới đúng dậy được, rồi đi ra, về phía đường Cambon.

24

Richard Diver, xách chiếc cặp da nhẹ, tới quận bảy đưa một lá thư gởi cho Maria Wallis ký tên “Dicole”, tên mà Nicole và Dick dùng từ hồi hai người mới yêu nhau. Từ quận cảnh sát Dick đi bộ tới tiệm may sơ-mi quen, tại đó bọn người bán hàng lo săn sóc tiếp đãi sốt sắng quá với số tiền mà Dick chi ra. Y cảm thấy hổ thẹn đã có vẻ hứa hẹn quá như vậy đối với mấy người bán hàng trẻ tuổi người Anh đó, bằng những cung cách lịch sự, bề ngoài có vẻ nắm chắc được chìa khóa của yên ổn, hổ thẹn vì đã đòi chữa chắn bớt mấy phân bề dài của tay áo lụa. Sau đó y bước vô quán rượu của khách sạn Crillon, uống tại đó một chén cà phê với hai đốt tay rượu gìn.
Khi tới nơi Dick có cảm tưởng khách sạn được trưng đèn khác thường; đến khi rời khách sạn Dick mới hiểu vì trời đã tối. Lúc đó là một buổi chiều gió lộng, lá cây tại đại lộ Champs - Elysées lay động xào xạc và rụng rất nhiều. Dick đi dọc theo đường Rivoli tới ngân hàng của y để lấy thư. Sau cùng Dick lên một chiếc taxi và đi ngược đại lộ Champs - Elysées dưới mưa, một mình với mối tình của y. Hôm đó vào khoảng hai giờ trưa, tại khách sạn Vua George, sắc đẹp của Nicole so sánh với sắc đẹp của Rosemary giống như sắc đẹp của một sáng tạo phẩm của Leonard de Vinci ở bên một cô gái đẹp có hình dùng trang hoàng những trang tạp chí. Bây giờ Dick trở về dưới mưa, bị ma ám và hãi sợ ngay chính mình, nội tâm bị lay động bởi những mối yêu mê của nhiều đàn ông và chẳng nhận thấy ở chân trời có gì là đơn giản hết.
Rosemary mở cửa, cũng bị lay động bởi những xúc cảm mà không ai hay biết. Bây giờ cô gái giống như đôi khi người ta thường gọi: một cô gái hoang điên dại. Từ hai mươi bốn giờ nay cô gái lục đục với bao nhiêu lộn xộn vẫn chưa tìm lại được sự nhất trí của mình; tưởng chừng định mệnh của cô gái như một mớ chỉ rối. Cô gái luôn luôn cân nhắc những lợi nhuận, lượng định những hy vọng, kiểm điểm những Dick, bà mẹ, Nicole, viên giám đốc cô gái mới gặp hôm qua, như những hột lớn trên sâu chuỗi.
Khi Dick gõ cửa, cô gái vừa mặc áo xong, đang đứng ngó mưa rơi, nghĩ tới một bài thơ nào và những rãnh nước tràn ngập ở Beverley Hill. Mở cửa Rosemary trông thấy Dick hiện ra, cương quyết, vững chắc, giống hệt như một vị thần linh trẻ tuổi mà xưa kia cô gái đã nhìn thấy, và cũng giống như những người ít tuổi nhìn vào những người lớn tuổi hơn. Dick gặp lại Rosemary với một cảm tưởng ngơ ngác không thể tránh. Phải cần một lúc sau Dick mới đáp ứng được với vẻ buông thả dịu dàng trên miệng cười của cô gái, với hình ảnh của tấm thân kia thật là giống với một nụ hoa đang hứa hẹn sắp nở. Dick nhận thấy vết chân không của cô gái in trên tấm thảm nhỏ ngoài cửa phòng tắm.
Bằng một giọng khinh khoái vui vẻ không thực cảm thấy, Dick nói:
- Miss Télévision!
Dick để đôi găng, chiếc cặp trên bàn phấn và dựng cây can bên tường. Cái cằm ngạo nghễ khỏa lấp những nét đau khổ in hằn chung quanh miệng, hất chúng lên trán, trong khóe mắt, như thể người ta che đậy một nỗi kinh hoàng không muốn cho ai nhìn thấy.
- Em hãy lại đây ngồi trên đùi anh, nép sát bên anh, cho anh được ngắm cái miệng đáng yêu của em.
Cô gái bước tới, đặt môi trên hình ảnh lạnh lẽo và đẹp của người đàn ông mà cô gái đã tự tạo ra, trong khi bên ngoài mưa rơi từng giọt tí tách... nhiều lần cô gái hôn trên miệng Dick; khuôn mặt của cô gái khi lại gần tưởng như to lên. Trong đời chưa bao giờ Dick nhìn thấy một vật gì chói ngời hơn nước da mặt của có gái. Bởi lẽ sắc đẹp đôi khi đưa chúng ta tới những tư tưởng tốt đẹp, Dick nghĩ tới trách nhiêm của mình đối với Nicole với tới dữ kiện đặc biệt Nicole ở cách đây có hai khung cửa, bên kia hành lang.
Dick nói:
- Mưa đã tạnh. Em có thấy ánh nắng trên mái đã đen không?
Rosemary đứng dậy, ngả đầu ra cửa sổ và nói trong một cơn thành thật:
- Chà, chúng ta quả đúng là những diễn viên, anh và em!
Cô gái đi tới bên bàn phấn. Vừa lúc Rosemary đưa chiếc lược lên mái tóc, bên ngoài có tiếng gõ cửa gấp. Dick và cô gái cùng kinh hoảng. Thêm một tiếng gõ nữa. Rosemary chợt nhận thấy cửa không khóa, hất một cái trên mái tóc bằng chiếc lược, đưa mắt cho Dick vừa vội vàng kéo thắng chiếc khăn phủ giường chỗ hai người mới ngồi, Dick đi ra cửa. Dick lấy giong thật tự nhiên, không phải cố gắng quá, tuyên bố:
-... Nếu cô thấy trong người không khỏe để ra phố, để tôi qua nói với Nicole, chúng ta sẽ có một buổi tối thật êm đềm.
Những đề phòng đều vô ích vì, bên ngoài cánh cửa mọi người đang ở trong một tình trang từ chối mọi suy nghĩ về những gì không liên quan trực tiếp tới họ. Ở đó có Abe, già đi nhiều trong vòng hai mươi bốn giờ qua, cùng với Abe có một người đàn ông da màu, rất hãi sợ, mà Abe giới thiệu là ông Peterson ở Stockholm.
Abe nói:
- Y đang ở trong một hoàn cảnh ghê gớm, do lỗi nơi tôi. Chúng tôi cần được một lời khuyên tốt.
Dick nói:
- Đi về phòng chúng tôi.
Abe năn nỉ để Rosemary cùng theo sang. Mọi người đi trên hành lang tới phòng của hai vợ chồng Diver.
Jules Peterson, một người da đen bé nhỏ bề ngoài đứng đắn đúng kiểu mẫu đã được chấp nhận để ủng hộ Đảng Cộng Hòa tại những tiểu bang biên giới Châu Mỹ, theo chân mọi người. Khi đó mới biết rằng y là chứng nhân hợp pháp của vụ đánh nhau sáng sớm hôm nay ở Pontparnasse. Y đã cùng với Abe tới quận cảnh sát và chứng nhận lời khai của Abe rằng tờ giấy một ngàn quan của Abe bị mất cắp do một người da đen cần được tìm ra. Abe và Jules Peterson, có một viên cảnh binh đi theo, đã trở lại quán cà phê và quá vội vàng buộc tội một người da đen, nhưng một giờ sau mới chứng tỏ thấy người đó tới quán sau khi Abe đã đi rồi. Quận cảnh sát còn làm cho nội vụ trầm trọng thêm bằng cách bắt giam luôn người da đen chủ quán rất nổi tiếng Freeman, người này chỉ ló mặt chốc lát trong màn sương hơi rượu của quán vào lúc đầu, khi xảy ra vụ đó, rồi ra khỏi quán. Người đích thị ăn cắp, theo như lời những bạn bè của y, chỉ lấy có một tờ giấy năm chục quan để trả những ly rượu do chính Abe gọi, mới xuất hiện tại đó rất gần đây và trong một vai trò khá thê thảm.
Tóm lại, trong vòng một giờ, Abe đã thành công trong việc dính líu vào công việc làm ăn, đời sống cá nhân, lương tâm và cảm xúc của một người Âu châu da đen và ba người Mỹ da đen sinh sống tại xóm La Tinh ở Paris. Việc gỡ rối cho những việc đó mới bắt đầu thành ra ngày hôm đó bỗng thấy xuất hiện những gương mặt da đen lạ hoắc tại những nơi rất bất ngờ, và phải nghe trong điện thoại những tiếng nói da đen nài nỉ.
Riêng Abe đã thành công trong việc bỏ rơi hết những người đó trừ có Jules Peterson. Peterson ở trong hoàn cảnh tương tợ như một người da đỏ đã giúp một người da trắng. Những người da đen nạn nhân không thù Abe bằng Peterson. Và Peterson phải níu lấy sự che chở mà y có quyền trông đợi nơi Abe.
Tại Stockholm, Peterson đã không thành công trong việc khai thác một xí nghiệp nhỏ sản xuất kem đánh giầy do y lập nên. Bây giờ y chỉ còn giữ được công thức pha chế và một ít dụng cụ chất vừa đầy một cái hộp nhỏ. Dù sao chăng nữa, người bạn mới che chở cho y cũng đã hứa với y lúc tảng sáng sẽ giúp y lập nghiệp tại Versailles. Người tài xế cũ của Abe bây giờ làm chủ một xưởng đóng giầy tại đó, và Abe đã ứng trước cho Peterson một món tiền hai trăm quan.
Rosemary chán ngán nghe câu chuyện không đầu không đuôi đó; cần phải có một độ u mặc hùng hậu hơn của cô gái mới có thể thưởng thức được trọn vẹn sự tức cười của vụ này. Con người bé nhỏ kia, với xí nghiệp bỏ túi của y, hai con mắt không ngay thẳng, do kết quả của hãi sợ, để lộ những vòng cung màu trắng, vóc dáng của Abe, gương mặt thiểu não đến cùng độ mà cơ cấu gồ ghề của nó cho phép - bấy nhiêu thứ Rosemary cảm thấy xa lạ đối với mình không khác gì một tật bịnh.
Peterson nói với thứ giọng rõ rệt nhưng không đúng đặc biệt của những dân thuộc địa:
- Tôi chỉ mong được một cơ may. Phương pháp của tôi giản dị, công thức của tôi tuyệt hảo đến độ tôi bị đuổi khỏi Stockholm khánh tận chỉ vì tôi không muốn bán đi.
Dick lễ độ ngó người đó. Sự chú ý bừng dậy, rồi tan biến, Dick quay lại với Abe:
- Anh đi kiếm một khách sạn bình thường nào đó và ngủ một giấc đi. Khi nào anh khỏe khắn trở lại hẳn ông Peterson đây sẽ tới kiếm anh.
Abe cãi:
- Nhưng anh không thấy cảnh khó khăn mà Peterson đang lâm phải hay sao?
Peterson tế nhị nói:
- Tôi ra ngoài đợi. Có lẽ các ông không được tự nhiên khi thảo luận về công việc của tôi trước mặt tôi.
Peterson rút lui ra, sau khi làm hiệu chào theo kiểu Pháp, Abe đứng lên với sự hùng hổ của một đầu máy xe lửa.
- Bữa nay coi bộ tôi chẳng thành công chút nào.
Dick nói:
- Điều tôi khuyên anh là nên rời khỏi khách sạn này, sau khi ghé qua quán rượu nếu cần. Anh hãy đến khách sạn Chambord chẳng hạn, hoặc nếu anh muốn có người hầu thì đến khách sạn Majestic.
- Tôi có thể yêu cầu anh một cái “drink” hay không?
Dick nói dối:
- Trong phong tôi chẳng có sẵn món gì để uống hết.
Abe đành đưa tay ra bắt tay Rosemary. Từ từ Abe tự tạo một khuôn mặt, trong khi vẫn nắm tay cô gái, cố gắng nói những câu mà không nói ra được.
- Cô là nhất... một trong những... nhất...
Cô gái thấy tội nghiệp Abe, cũng thấy ghê tởm hai bàn tay bẩn của y, nhưng cô gái cố gắng cất tiếng cười của một thiếu nữ có giáo dục, như thể cô gái chẳng thấy có gì là lạ lùng khi một người đàn ông bước đi trong giấc mơ bất định như vậy. Có nhiều khi có những người biểu tỏ sự tôn kính kỳ quặc đối với người say... Trong đó có cái gì nhắc nhở tới sự quý trọng của những dân tộc bán khai đối với những người điên; đó là quý trọng chớ không hãi sợ. Chúng ta tìm thấy có cái gì đập vào mắt trong cảnh một con người đã mất hết khả năng ức chế, sẵn sàng làm bất kỳ điều gì... đã đành sau đó chúng ta vẫn buộc y phải trả khoảnh khắc tự quyền đó của y.
Abe quay lại với Dick, kêu gọi một lần cuối:
- Nếu tôi tới khách sạn ngủ một giấc, ấp ủ những gì tôi đã uống và tôi bỏ rơi được hết bọn người da đen đó, anh có chấp nhận cùng tôi ngồi một lúc bên lò sưởi?
Dick ra dấu nhè nhẹ bằng đầu trong đó ít phần ưng thuận hơn là chế diễu, và nói với Abe:
- Anh có một ý niệm khá cao về khả năng của anh!
- Tôi đoán chắc nếu có Nicole ở đây thế nào chị ấy cũng cho phép tôi trở lại.
- All right!
Dick chạy đi kiếm cái khay và một chiếc hộp đặt trên bàn giữa phòng. Trong hộp có rất nhiều chữ cắt bằng bìa cứng.
- Anh có thể quay lại nếu anh chơi nổi trò chơi tự mê.
Abe đưa mắt nghi ngại ngó những vật đựng trong chiếc hộp, tưởng như đó là lúa mạch mà Dick tính bắt Abe phải ăn.
- Cái gì vậy, trò chơi tự mê? Ngày hôm nay tôi không quá đủ những trò kỳ quặc rồi hay sao?
- Đây là một trò chơi bình dị. Người ta dùng những chữ rồi hợp lại thành những từ, bất kỳ từ nào, ngoại trừ từ rượu.
Abe thò tay trong hộp, nói:
- Tôi đánh cuộc có thể đánh vần từ rượu. Tôi có thể quay lại đây nếu tôi xếp được từ rượu?
- Anh có thể quay trở lại nếu anh muốn chơi tự mê.
Abe khổ sở lắc đầu.
- Nếu anh ở trong tình trạng tinh thần đó, vô ích. Tôi sẽ chỉ làm phiền anh mà thôi.
Đưa ngón tay trỏ về phía Dick, có vẻ trách móc.
- Nhưng anh đừng quên rằng George III đã nói, nếu tướng Grant say rượu sẽ hy vọng có thể cắn những tướng lãnh khác được...
Abe đi ra sau khi ném một tia nhìn thất vọng về phía Rosemary. May mắn thay Peterson không còn đợi ngoài hành lang. Tự cảm thấy như đứa trẻ bị bỏ rơi không nơi trú ngụ, Abe quay lại quán rượu của khách sạn Ritz hỏi Paul trên chiếc tàu.