Dịch giả: Hoàng Quân
Đôi nét về đất nước Trung Quốc

     rung Quốc là một đất nước rộng lớn với diện tích 9.597.000 km2 được chia thành nhiều tỉnh. Ngày nay, những tỉnh này nằm dưới quyền cai trị của chính phủ trung ương tại thủ đô Bắc Kinh. Hơn bốn ngàn năm qua, Trung Quốc được cai trị bởi những triều đại hoàng đế hoặc những gia tộc có thế lực. Mỹ thuật, thi ca, âm nhạc, văn học, kiến trúc, triết học, thiên văn học, y học và toán học đều được nghiên cứu.
Câu chuyện này xảy ra vào thời kỳ khi mà đất đai thuộc vào tay những địa chủ giàu có (1860-1930), trong khi người làm lụng trên những mảnh đất đó lại là hàng triệu những tá điền nghèo khổ. Họ sống trên những nông trại và phải thuê đất của chủ. Cho đến năm 1911, trước khi một cuộc cách mạng xảy ra ở Trung Quốc, có khoảng 459 triệu tá điền nghèo khổ và mù chữ. Gia đình họ đông đúc đến nỗi tất cả trẻ con đều phải làm việc trên đồng. Thời ấy máy móc hỗ trợ cho việc đồng áng rất hiếm, nên tá điền và gia súc phải làm mọi thứ. Nếu trời không mưa thì cây trồng sẽ chết, và thường thì người bị đói chính là những tá điền.
Ở Trung Quốc, cuộc sống gia đình rất quan trọng. Ông bà được tôn kính và người ít tuổi hơn phải chăm sóc họ. Đàn ông thường lấy vợ ở tuổi ba mươi, còn phụ nữ thì ở độ tuổi đôi mươi, và người vợ phải phụ thuộc vào người chồng. Khi người cha còn sống thì những đứa con trai đều dưới quyền của ông ta và người đàn ông lớn tuổi nhất là người đứng đầu gia đình.
Con trai nhà giàu thường đến trường vào độ tuổi từ 10 đến 15. Phụ nữ thì không quan trọng bằng đàn ông nên họ không được đi học. Họ chỉ học làm sao để trông nom nhà cửa mà thôi. Những người cha đều mong muốn con trai mình có thể làm việc, dành dụm tiền bạc và chăm sóc họ khi họ về già. Con gái nhà nghèo thường bị bán làm nô tì cho những ông chủ giàu có bởi vì gia đình không thể lo liệu việc hôn nhân cho họ được.
Ở các thành thị, người giàu đi lại bằng xe kéo - loại xe có hai bánh lớn và được người ta kéo đi - hoặc được kiệu đi. Kiệu là một ghế ngồi đặc biệt được đặt trên những cây sào dài do bốn hay nhiều người khiêng. Phụ nữ thường ngồi trên những chiếc kiệu có phủ màn xung quanh.
Tuyến xe lửa đầu tiên được xây dựng ở Trung Quốc vào thế kỷ 19, nối liền những thành phố lớn nhất với các cảng. Vào thời gian này, xe đạp cũng bắt đầu được sử dụng ở các thành phố. Nhưng ở nông thôn, người nghèo vẫn đi lại bằng xe ngựa, xe bò hoặc xe do la kéo.
Trong nhiều năm, người Trung Quốc không cho phép người ngoại quốc thâm nhập nước họ. Nhưng người ta sớm tin rằng Trung Quốc cần phải hiểu và học hỏi những kiến thức đến từ phương tây.
Trong truyện Đất lành, Pearl Buck đề cập đến cuộc sống của người dân Trung Quốc bắt đầu thay đổi như thế nào. Năm 1905, Tôn Trung Sơn lập ra Quốc Dân Đảng. Vì đã được giáo dục tại châu Âu nên ông tin rằng những tư tưởng Âu Châu và kỹ thuật có thể khiến Trung Quốc vững mạnh. Năm 1908, Từ Hy thái hậu băng hà. Quốc Dân Đảng lên nắm quyền vào năm 1911, triều đình Trung Quốc bị sụp đổ từ đấy.
Từ năm 1911 đến năm 1949, Trung Quốc nằm trong tình trạng lộn xộn và rối loạn. Quân đội của các phe phái gây nội chiến và đánh nhau với quân Nhật. Nhật nhận thấy Trung Quốc đã suy yếu nên vào năm 1931, họ xâm nhập tỉnh Manchuria (Mãn Châu) ở miền Đông bắc và gọi Manchuria là Manchukuo (Mãn Châu Quốc). Họ đưa ông hoàng nhỏ tuổi Phổ Nghi lên làm Hoàng đế của Manchukuo. Nhưng vị Hoàng đế nhỏ tuổi này chỉ làm vua trong một thời gian rất ngắn.