Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Lời Toà Soạn.

    
ng tên thật là Trương Cam Bỉnh.
Sinh ngày 02 tháng 03 năm 1916, tại Hà Nội (năm Kỷ Mão).
Tạ thế lúc 2 giờ sáng, ngày 23 tháng 05 năm 2010 tại Montreal - Canada, hưởng thọ 96 tuổi.
Hoạt động cách mạng trong nhóm Việt Nam Quốc Dân Đảng dưới danh xưng Trương Bảo Sơn và văn hóa với bút hiệu Bảo Sơn. Ông còn mấy bút hiệu nữa như Cẩm Bình, Ngọc San, Trường Sơn nhưng ít dùng.
Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, ông Bảo Sơn bắt đầu bằng nghề dạy học, rồi viết văn, làm báo.
Thân phụ ông là cụ Trương Cam Nha,  thân mẫu là cụ Đặng Thị Tuyết. Ông có người chị cả là bà Trương Thị Vinh, em trai là ông Trương Cam Lai, cả hai đã quy tiên. Người em trai út là Trương Cam Vĩnh, hiện sống với gia đình tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Trước 1945 ông cùng người anh họ Đặng Đình Liêm chung nhau mở một hiệu tạp hóa khá khang trang ở Hàng Bông, Hà Nội, đặt tên hiệu là L.B., viết tắt của Liêm và Bỉnh. Cả hai gia đình chung sống ở tầng gác trên của cửa hàng này.
 
Sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền, ông và một số đồng chí trong nhóm VNQDĐ phải chạy qua Hồng Kông ẩn trốn trên núi Happy Valley. Năm 1948, người vợ lúc bấy giờ của ông là bà Nguyễn Thị Vinh (sau này là nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh) mới được phép bế con thơ là Trương Kim Anh 3 tuổi, từ Hà Nội lần mò sang Hồng Kông chung sống với ông giữa cảnh núi rừng, thung lũng nên thơ... Cô bé Kim Anh lúc đó thật là may mắn được sống giữa những người có tâm hồn, có lý tưởng và chứa chan tình yêu nước...
Vào khoảng 1952, ông lại mang vợ con về Hà Nội ở chung với một đại gia đình gồm có mẹ, gia đình các em và gia đình hai ông chú ruột là cụ Tá Chi Trương Cam Khải và cụ Trương Cam Chuật ở số 34 Hàng Đẫy. Nhưng ông cũng chỉ ở đây được một thời gian ngắn.
Năm 1953 ông lại cùng các thành viên trong VNQDĐ được lệnh đem gia đình di chuyển vào Nam để bảo toàn an ninh. Năm 1954, trong cuộc di cư ồ ạt để chia đôi đất nước, ông bà lại mở rộng vòng tay đón đại gia đình từ Bắc vào Nam, trong một căn nhà khiêm tốn tại Phú Nhuận, Sài Gòn.
Cuộc hôn nhân  thứ nhất của ông với nhà văn Nguyễn Thị Vinh sinh được người con gái duy nhất là Trương Kim Anh. Con rể là Luật sư kiêm nhà thơ Dương Kiền. Có 4 cháu ngoại toàn con trai và đã có 3 cháu dâu với 7 chắt. Bốn cháu ngoại gồm có: Kỹ sư Dương Kim với vợ và 2 con, Bác sĩ Dương Khoa với vợ và 2 con, Kỹ sư Dương Khanh với vợ và 3 con và Nha sĩ Dương Kha.
Cuộc hôn nhân thứ hai của ông với bà Nguyễn Nữ Nghi, không có con. Hiện cả hai ông bà cùng sống hạnh phúc bên nhau trong “Viện Lão Học thuộc Trường Đại Học Montréal” (Institut Universitaire De Gériatrie De Montréal) ở Canada.
Viết văn, ông chuyên dịch truyện ngoại quốc nhiều hơn là sáng tác. Về văn hóa và cách mạng, có thể tóm tắt những hoạt động của ông như sau:
  A. Văn Hóa:
- Năm 1946, Biên tập viên nhật báo Việt Nam, Chính Nghĩa tại Hà Nội.
- Năm 1957, Hội viên hội Văn Bút (P.E.N quốc tế). Cộng tác với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thành lập những nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, Quốc Bảo, xuất bản giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay.
- Năm 1959, Chủ nhiệm giai phẩm Tân Phong.
- Năm 1965, Giám đốc chính trị tạp chí Đông Phương. Soạn giả sách giáo khoa Anh ngữ và dịch giả nhiều sách và truyện hay thế giới.
- Năm 1988, ông cùng Nguyễn Khắc Ngải và Đỗ Quý Toàn sáng lập hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Quebec Canada.
- Ông viết cho các tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong (Hoa Kỳ), Lửa Việt, Vượt Biển, Nắng Mới (Canada), Độc Lập (Đức) và các đặc san tại Montréal, Trung Tâm Người Việt Cao Niên, Rồng Vàng, S.A.I.M.
- Ông thường xuyên hoạt động trong hội Văn Bút, Cộng đồng người Việt Tự Do, Trung tâm giúp người vượt biển, Trung tâm dịch vụ xã hội giúp người cao niên tại Montréal và hướng dẫn tập Tài Chi cho các bạn cao niên người Việt và Gia Nã Đại.
B. Cách Mạng:
Ngoài những hoạt động văn hóa kể trên ông Trương Bảo Sơn còn là một nhà cách mạng:
- Từ năm 1940 đã từng gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng để chống thực dân Pháp.
- Từ năm 1945 đến 1946 ông cùng các đồng chí thành lập Đệ Tam chiến khu Việt Quốc và giữ chức vụ bí thư của chiến khu này.
- Năm 1946, trưởng phái đoàn Việt Quốc hòa giải với Việt Minh tại Vĩnh Yên sau khi chính phủ liên hiệp Quốc Cộng được thành lập.
- Từ cuối năm 1946 đến năm 1952 ông lưu vong ra hải ngoại (Trung Hoa rồi Hồng Kông) tham gia mặt trận Quốc Gia Thống Nhất của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Tường Tam tại Thượng Hải.
- Năm 1960 ông cùng với Nguyễn Tường Tam tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết. Tham gia ngày 11-11-1960, bị bắt tù 3 năm và bị Tòa án quân sự kết án 5 năm lưu đày ra Côn Đảo năm 1963. Được tự do sau vụ đảo chánh 1-11-63.
- Năm 1964 ông đứng ra thành lập và làm tổng thư ký Quốc Dân Đảng biệt bộ Nguyễn Tường Tam, làm tổng thư ký hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền Việt Nam, tổ chức phong trào chống Hiến chương Vũng Tàu và độc tài quân phiệt...
- Năm 1978 ông vượt biển tới Pulau Bidong (Mã Lai) và định cư tại Gia Nã Đại từ 1979.
C. Dịch Phẩm:
1. Tình Nghĩa Vợ Chồng. Dịch “Le Bonheur Conjugal” (1859) của Leon Tolstoi. (Nhà x.b Phượng Giang 1961. Tái bản lần thứ tư năm 1968)
2. Con Nai Tơ. Dịch “The Yearling” của M. K. Rawlings. (Nhà x.b Phượng Giang và Tín Đức. Tái bản lần thứ ba năm 1966)
3. Một Bản Đàn. Dịch “The Kreutzer Sonata” (1889) của Leon Tolstoi. (Nhà x.b Đời Nay 1961)
4. Gió Đông, Gió Tây. Dịch “East Wind, West Wind” (1930) của Pearl S. Buck. (Nhà x.b Bốn Phương 1968)
5. Ngư Ông Và Biển Cả. Dịch “The Old Man and The Sea” của E. Hemingway. (Nhà x.b…)
6. Đỉnh Gió Hú. Dịch “Wuthering Heights” của Emily Bronte. (Dịch tiếp di cảo của Nhất Linh - 1971)
7. Chiếc Lá Cuối Cùng. Dịch “The Last Leaf” của tác giả O' Henry. Tuyển tập nhiều truyện ngắn quốc tế. Cùng dịch với Võ Hà Lang và Cam Vĩnh (Nhà x.b Phượng Giang. Tái bản lần thứ hai 1957)
8. Viên Ngọc Trai. Dịch “The Pearl” của John Steinbeck. (Nhà x.b. Thứ Tư Tuần San 1967)
9. Trà Đạo. Dịch “The Book of Tea” của Okakura Kakuzo. (Nhà x.b Lá Bối 1967)
10. Cuộc Đời Bác Sĩ Arrowsmith. Dịch “Arrowsmith” của Harry Sinclair Lewis. (Nhà x.b Quốc Bảo 1970)
11. Mặc Cho Gió Dập Tuyết Vùi. Dịch “Let The Hurricane Roar” của Rose Wilder Lane. Cùng dịch với Cam Vĩnh. (Nhà x.b Quốc Bảo 1960)
12. Ngược Dòng Thời Gian. Dịch tuyển tập truyện ngắn quốc tế. (Nhà x.b Đời Nay)
13. Phố Chính. “Main Street” (1920) của Sinclair Lewis.
14. Những lỗi thông thường về Anh Văn (nhà x.b Quốc Bảo 1954)
15. NỘI CỎ CỦA THIÊN ĐƯỜNG Dịch……đăng trên báo Văn Hoá Ngày Nay
 
***
Lời Toà Soạn.

Chân thành cảm tạ bà Trương Kim Anh, ái nữ của cố văn sĩ, cách mạng gia lão thành Trương Bảo Sơn đã ủy thác cho Việt Văn Mới Newvietart tập truyện Gió Đông Gió Tây. Tập truyện dịch này đã được nhà xuất bản Bốn Phương phổ biến năm 1968 tại Sài Gòn. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu với qúy độc giả “East Wind, West Wind” (1930) của Pearl S. Buck qua bản dịch công phu của cố văn sĩ, cách mạng gia Trương Bảo Sơn.
Chân thành cảm ơn Kim Anh.
Từ Vũ
Sereinité - Troyes, 14.03.2012.
**
© Ái nữ dịch giả giữ bản quyền.
.Cập nhật theo nguyên bản của bà Trương Kim Anh, ái nữ cố dịch giả chuyển từ Na-Uy ngày 14.03.2012.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com