Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương XVI

     ao chị đi vắng lâu thế! Luôn ba mươi ngày? Từ hôm em gặp chị đến giờ có tới bốn mươi ngày đấy nhỉ… một tháng tròn và hơn thế. Chị đi có được bình yên không? Em tạ ơn Trời Phật chị đã trở về.
Vâng, con trai em vẫn chơi ngoan. Bây giờ cháu nói đủ thứ, cháu nói ríu rít suốt ngày như dòng suối chẩy. Lúc nào ngủ cháu mới im tiếng. Chị ạ, nghe giọng cháu, sao mà hay thế! Tiếng êm dịu rời rạc làm vợ chồng em buồn cười quá, nhưng chúng em không dám để cho cháu thấy, vì nếu cháu biết là cười cháu thì cháu tức giận và giẫy đành đạch. Cháu coi như cháu là người lớn. Chị phải xem cháu đi bên cạnh bố cháu hai cẳng chân mũm mĩm cố bước thật dài để theo kịp bố thì mới biết!
Chị hỏi…? À, chị ấy… vợ của anh em! Trả lời chị, em chỉ biết thở dài. Thực là phiền cho anh em. Vâng hai người vẫn ở đây, vẫn chờ. Chưa có gì là quyết định cả. Trong những ngày qua không đem lại một quyết định gì, anh em có vẻ sốt ruột. Anh ấy học được cái tính nóng nẩy của Tây phương và đòi được toại nguyện ngay. Anh em đã quên mất rằng ở nước em thời giờ không có nghĩa lý gì cả, có khi chết đến nơi rồi mà vẫn chưa biết số phận mình ra sao, ở đây chẳng có việc gì gấp mà có thể hối thời gian được cả. Nhưng để rồi em nói chị nghe.
Sau khi anh em và chị ấy dâng quà tặng mẹ em, một tuần tám ngày dài trôi qua. Chúng em chờ đợi mà không được một tin nào cả. Thoạt tiên, anh em mong từng giờ một, chắc thế nào cũng có thư tín tới. Anh ấy không cho người ngoại quốc kia dỡ đồ vật trong những cái rương lớn ra.
Anh kêu: Dỡ ra vô ích mà… chỉ một hay hai ngày thôi…"
Anh em thay đổi thái độ luôn, cười lớn tiếng, làm gì cũng tất bật, vui vẻ đấy rồi bất chợt lại im lặng ngay đấy, ai nói gì cũng không để ý nghe.
Tựa hồ như anh ấy luôn luôn lắng tai nghe một lời nói hay một tiếng động mà người khác ở trong phòng không nghe thấy.
Nhưng đến khi ngày này qua ngày kia rồi mà vẫn không có tin gì cả thì anh em đâm ra cáu kỉnh, hết cả vui cười. Anh hồi tưởng lại cái lúc đến dâng quà cho mẹ em, rồi anh cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái lúc ấy, khi thì trách người ngoại quốc kia không chịu hạ mình hơn chút nữa trước mẹ anh, khi thì bảo vợ anh ấy có lý, và thời buổi chế độ cộng hòa này mà còn lễ còn lạy thì thực là điên.
Nghe thấy thế, em ngạc nhiên hỏi anh:
"Thế ra từ khi có chế độ cộng hòa thì mẹ mình không còn là mẹ mình nữa sao?"
Nhưng anh em tức bực đủ mọi thứ và chẳng nghe ai nói gì cả.
Nhưng em cũng phải công bằng đối với người ngoại quốc kia, thực tình ra chị ấy không phản đối việc cúi lễ mẹ em. Anh em kể lại cho em nghe chị ấy chỉ nói có thế này:
"Nếu đã là tập quán của nước anh, thì đương nhiên em sẽ theo, tuy nhiên em nghĩ cúi lễ một người khác như vậy có lẽ cũng hơi kỳ!"
Chị ấy rất bình tĩnh, bình tĩnh hơn và cũng tin tưởng ở tương lai hơn anh em. Chị ấy lúc nào cũng nghĩ tới anh em và tìm cách làm cho anh em được sung sướng như trước. Đôi khi thấy anh em cáu kỉnh, chị ấy kéo anh em ra vườn hoặc ra khỏi cổng nhà.
Một lần em ngó cửa sổ ra thấy hai người ở ngoài vườn. Chị ấy nói gì với anh em có vẻ nghiêm trang lắm, sau thấy anh em không đáp và cứ buồn bã cúi nhìn xuống đất, chị ấy đưa tay ra vuốt má anh em, nửa vui cười nửa trêu cợt. Em không biết khi chỉ có hai người với nhau như thế, chị ấy nói những gì với anh em, nhưng rồi anh em có vẻ dễ chịu hơn, bình tĩnh hơn mặc dầu anh em vẫn sốt ruột về sự chờ đợi.
Nhưng không phải lần nào chị ấy cũng dỗ dành anh em như vậy đâu. Đôi khi chị ấy chỉ khẽ nhún vai, theo cái kiểu của chị ấy và để mặc anh em. Nhưng chị ấy đưa mắt nhìn theo anh em, với cái vẻ thắm thiết giữa hai người mỗi khi nhìn nhau. Nếu anh em không đến với chị ấy thì chị ấy lại lui vềphòng học tiếng Trung-Hoa cho qua thời giờ, hoặc chơi với con trai em, chị yêu nó lắm và nói với nó những tiếng mà em không hiểu được.
Chị ấy còn học em gẩy thụ-cầm và chỉ vài bữa đã có thể gẩy đệm theo tiếng hát của chị ấy. Giọng chị ấy hát sang sảng, khi giọng trầm xuống nghe rất cảm động, mặc dầu đối với tai người Trung-Hoa chúng em quen nghe những giọng cao và thanh tao, giọng của chị ấy có vẻ khàn khàn nhưng dễ nghe. Những bài ca của chị ấy gợi cảm cho anh em ngay lập tức. Em không hiểu lời ca, nhưng em nghe và cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ u uất.
Đợi mãi không thấy tin tức gì của mẹ em cả, chị ấy hình như không quan tâm tới vấn đề nữa và để trí vào những công việc khác. Ngày ngày chị ấy tản bộ đi chơi xa hoặc đi một mình hoặc đi với anh em. Em ngạc nhiên thấy anh em để chị ấy đi chơi một mình.  Đối với đàn bà con gái như vậy không đứng đắn một chút nào; nhưng anh em không nói gì cả; và mỗi khi đi về thì chị ấy kể ra vô số chuyện ở đường phố, tỏ ý ngạc nhiên đối với những cảnh tượng người khác không ai để ý và khám phá ra những cái đẹp ở những nơi xa lạ. Em nhớ một hôm chị ấy đi về cười lên một cái kiểu cười nhanh của chị ấy tựa hồ như có cái gì vui mà người khác không biết tới, khi anh em hỏi thì chị ấy đáp bằng ngôn ngữ của chị ấy, về sau anh em kể lại cho chúng em nghe chị ấy bảo như thế này:
"Em đã thấy cái vẻ đẹp của đất khi nó sinh ra ngũ cốc. Trong một hiệu bán ngũ cốc ở đại lộ, người ta bầy những cái thúng nan màu nâu chứa đầy các thứ hạt màu sắc thật là đẹp…, hạt ngô vàng, hạt đậu đỏ, hạt đỗ khô màu xám, hạt vừng màu ngà, hạt đậu nành màu mật lợt, hạt lúa mì hung hung đỏ, hạt đỗ xanh… em không bao giờ có thể bước nhanh qua những thứ ấy được. Giá em có thể nhúng bút vào những thúng hạt ấy em sẽ vẽ được một bức họa tuyệt đẹp!"
Em không hiểu ý chị ấy muốn nói gì, nhưng tính chị ấy như vậy: sống trong nội tại của mình và thấy những cái đẹp mà người khác không thấy. Em chẳng bao giờ nghĩ tới một hiệu bán ngũ cốc như chị ấy. Cố nhiên là ngũ cốc nhiều màu sắc, nhưng đó là tự nhiên. Có ai làm cho hạt ngũ cốc khác đi đâu. Có gì mà lấy làm lạ… bao giờ nó chẳng như vậy. Đối với chúng em thì cửa hàng ngũ cốc chỉ là nơi mình đến mua thực phẩm, thế thôi có gì đâu.
Nhưng bao giờ chị ấy cũng nhìn mọi vật với con mắt khác lạ, mặc dầu chị ấy ít khi phê bình một cái gì, chị ấy chỉ hỏi và để ý suy nghĩ về những câu trả lời của chúng em mà thôi.
Sống chung với chị ấy ngày này qua ngày khác em đâm ra mến chị ấy; và cứ ngắm chị ấy, nhiều khi em thấy có một cái gì đẹp ở những dáng điệu và cử chỉ kỳ quặc của chị ấy. Chắc chị ấy cũng có nhiều tự ái lắm. Tính chị ấy rất ngay thẳng, tự nhiên. Ngay đối với anh em là chồng của chị ấy mà cũng không bao giờ tự hạ mình cả. Có điều lạ nhất là nếu một phụ nữ Trung Hoa mà cư xử như vậy, chắc chắn là anh em không tài nào chịu nổi, thế mà ở như chị ấy thì hình như anh em lại cho là một niềm vui pha lẫn một mối buồn ray rức làm cho anh em càng yêu chị ấy thêm. Khi anh em thấy chị ấy mãi học hay đọc sách, hay ở chơi với con em lâu quá, anh em có vẻ sốt ruột, chốc chốc lại liếc nhìn chị ấy, nói chuyện với chị ấy, sau nếu thấy chị ấy không lưu ý đến mình thì anh em bỏ cả lo nghĩ chạy lại với chị ấy, thế là chị ấy lại chinh phục được anh em lần nữa. Em chưa từng thấy mối tình nào như mối tình giữa hai anh chị ấy.

*

Cuối cùng đến một hôm - em nhớ hình như là ngày thứ hai mươi hai sau ngày dâng tặng phẩm - mẹ em cho gọi anh em, đòi chỉ một mình anh em đến thôi. Bức thư viết một cách ân cần, lời lẽ có phần ngọt ngào, khiến chúng em đều có hy vọng, và anh em đi ngay lập tức, còn mình em với chị ấy ở nhà đợi anh em về.
Độ một tiếng đồng hồ thì anh em về. Anh bước vội qua cổng vào phòng chúng em đương ngồi. Anh em giận dữ, mặt cau có, luôn miệng nhắc đi nhắc lại vĩnh viễn sẽ lìa xa cha mẹ. Thoạt tiên anh ấy nói lung tung, bọn em chẳng hiểu gì cả, mãi sau chắp nối những lời anh ấy lại với nhau, chúng em mới hiểu được một chút sự thực.
Hình như anh em đến hầu mẹ em với đầy cảm tình kính yêu và thiện chí hòa hảo nhưng ngay từ phút đầu mẹ em  đã không chịu nhân nhượng. Mẹ em nhấn mạnh ngay vào sức khỏe của mẹ em đương bị suy nhược. Mẹ em nói:
- Chắc chẳng bao lâu nữa Trời Phật sẽ đưa mẹ sang một thế giới khác.
Anh em xúc động nói:
- Xin mẹ đừng nói như vậy. Mẹ còn sống đến đời các cháu nữa.
Nói xong, anh em mới hối đã gợi cho mẹ em có ý kiến này. Mẹ em nhẹ nhàng nhắc lại:
- Các cháu ư? A, con trai của mẹ ơi, các cháu của mẹ ở đâu mà ra, trừ phi chúng nó chui ở cạnh sườn con ra? Và con gái nhà họ Lý, con dâu của mẹ, vẫn còn chờ đợi, vẫn còn nguyên trinh!
Rồi chẳng cần xã giao gì cả, mẹ em nói thẳng ngay vào vấn đề và thúc giục anh em cưới chị họ Lý để mau mau sinh cho mẹ em một  đứa cháu trai trước khi người nhắm mắt. Anh em liền đáp rằng anh em đã có vợ rồi. Mẹ em nổi giận nói rằng mẹ em nhất quyết không bao giờ nhận người ngoại quốc kia làm dâu con.
Đấy, chúng em nghe anh em nói chỉ hiểu được có như vậy, còn ngoài ra không biết đã có những chuyện gì xẩy ra giữa mẹvà anh em.
Nhưng Vương Đại-Ma, người đầy tớ trung thành kể cho em hay rằng già ta đã nấp sau tấm rèm, nghe trộm thấy chỉ một thoáng đã có lời đi tiếng lại nóng nẩy, những lời đáng lẽ không thể nào thốt ra được giữa hai mẹ con với nhau. Thật chẳng khác gì những tiếng sấm nổ nhanh giữa trời. Vương  Đại-Ma bảo thực tình anh em đã có nhẫn nhịn cho tới lúc mẹ em dọa sẽ truất quyền thừa kế của anh đi, lúc bấy giờ anh mới nói một cách chua chát:
"Chả biết Trời Phật có cho mẹ một đứa con trai nào khác nữa không mà mẹ đã vội từ bỏ đứa con này? Chẳng biết với tuổi mẹ bây giờ Trời Phật còn cho mẹ sinh đẻ nữa không? Hay là mẹ chịu hạ mình xuống nhận con của một người vợ lẽ nào đó làm con mẹ?"
Thật không thể nào tưởng tượng được một người con có thể đối đáp với mẹ như vậy!
Rồi anh em vùng vằng bước ra khỏi phòng vượt qua mấy lớp sân, nguyền rủa cả tổ tiên! Trong phòng mẹ em bặt im lặng, rồi Vương  Đại-Ma chợt nghe có tiếng rên rỉ. Đó là tiếng mẹ em. Vương Đại-Ma vội chạy vào. Mẹ em cắn môi im ngay lập tức, rồi bà khẽ bảo Vương  Đại-Ma đỡ bà nằm xuống giường.
Anh em dám nói với mẹ như vậy thực là xấu hổ! Em không thể vì lẽ gì tha thứ cho anh ấy được. Anh ấy phải nghĩ tới tuổi tác và địa vị của mẹ mình chứ. Anh ấy chỉ nghĩ tới mình anh ấy thôi.
Ồ! đôi khi em ghét cái người ngoại quốc kia vô kể vì chị ta hoàn toàn nắm giữ được tâm can của anh em ở trong lòng bàn tay chị ta! Em muốn đi thăm mẹ em ngay, nhưng anh em năn nỉ em đợi mẹ em gọi sẽ tới! Chồng em cũng bảo em thế, vì nếu em đi ngay thành ra em có ý phản đối anh em, trong khi anh ấy đương ăn ở nhà em mà làm như vậy thì bất lịch sự. Em chẳng biết làm cách nào khác hơn là kiên nhẫn...
Đấy nông nỗi của chúng em như thế đấy!

*

Hôm qua có bà Lưu đến thăm em vui quá. Bọn em đã trải qua một ngày bối rối, cứ nghĩ đến ngày hôm trước mẹ em tức giận anh em, và cuộc hội kiến giữa hai người chẳng đem được kết quả gì khác hơn là thất vọng. Anh em cứ đi lại thờ thẫn ở trong phòng và ngó ra ngoài cửa sổ, chẳng nói năng gì với ai cả. Giá có nhặt một cuốn sách lên đọc thì anh ấy lại quẳng ngay xuống, chọn cuốn khác để rồi lại quẳng ngay đi.
Người ngoại quốc kia ngó anh ấy một lúc, rồi chúi đầu xuống một cuốn sách nhỏ để mà suy tư. Em săn sóc con em để khỏi phải quanh quẩn bên hai anh chị ấy. Khắp nhà không khí nặng nề u uất đến nỗi cái vui của chồng em về ăn cơm trưa chẳng làm cho nỗi buồn của anh em và sự lặng thinh của chị ấy bớt đi được là bao. Vì thế cho nên buổi trưa, khi bà Lưu đến chơi, chẳng khác gì có một trận gió mát lạnh thổi vào hơi nóng nực khó chịu của một ngày mùa hạ.
Người vợ của anh em ngồi tay cầm cuốn sách hờ hững như người đương mơ mộng. Chị ấy nhìn bà Lưu chòng chọc. Từ khi anh em về ở với chúng em, không có khách nào đến thăm chúng em cả; bạn bè đều biết hoàn cảnh khó khăn của chúng em nên tế nhị tránh không lui tới, mà chúng em cũng không mời ai đến chơi, vì không biết giới thiệu người ngoại quốc kia ra làm sao. Vì lễ độ đối với anh em nên em mới gọi người kia là chị dâu, còn thực ra khi nào cha mẹ em công nhận thì chị ấy mới có địa vị chính thức đối với em.
Nhưng bà Lưu chẳng bối rối một chút nào. Bà cầm ngay tay chị ấy và hai người bắt chuyện ngay với nhau rất dễ dàng, họ còn cười với nhau nữa. Em không hiểu họ nói gì vì họ dùng Anh ngữ. Nhưng người ngoại quốc kia thì hình như đột nhiên thức tỉnh, em để ý nhìn chị ấy và phải ngạc nhiên về sự thay đổi. Trong chị ấy hình như có hai người riêng biệt - một người thì im lặng, xa vời, hơi ủ rũ là khác; còn một người thì vui vẻ nhưng vì quá vui vẻ nên tựa hồ như không phải là vui thực. Ngắm hai người, em thấy khó chịu với bà Lưu mất một lúc vì hình như bà ấy chẳng để ý gì đến cảnh ngộ khó khăn của bọn em. Nhưng khi đứng dậy đi về, bà ấy nắm tay em, và nói bằng tiếng Trung Hoa:
"Tôi lấy làm buồn. Thực là khổ cho tất cả mọi người."
Rồi bà ấy quay lại nói gì với chị kia, không biết bà ấy nói gì mà đến nỗi đôi mắt xanh thẫm của chị kia long lanh nước mắt. Ba người đứng, người nọ ngó người kia, ngập ngừng không nói. Bất ngờ, chẳng nói một lời, người ngoại quốc kia chạy vụt ra khỏi phòng. Bà Lưu nhìn theo, nét mặt đầy thương cảm.
Bà nhắc lại:
- Thực là khổ cho tất cả mọi người. Giữa hai người có được vui vẻ không?
Vì thấy tính bà cũng chân thực như tính chồng em, nên em đáp không giấu giếm:
- Anh tôi và chị ấy thương yêu nhau lắm, nhưng mẹ tôi thì chết dần chết mòn vì thất vọng. Bà xem lúc thanh xuân nhất mà mẹ tôi còn yếu đuối, nữa là bây giờ tuổi đã cao.
Bà Lưu thở dài và lắc đầu, nói:
- Tôi biết... à, vâng, bây giờ tôi thường thấy như vậy. Thời buổi bây giờ thực là tàn nhẫn đối với người già cả. Giữa hai thế hệ già và trẻ không thể nào có sự hòa giải được với nhau. Đôi bên chia rẽ rõ rệt chẳng khác gì một con dao mới chặt đứt một cành rời khỏi cây.
Em khẽ nói:
- Thực là sai lầm.
- Không phải là sai lầm  đâu, mà chỉ là không thể tránh được.  Đó là điều đáng buồn nhất ở đời.

*

Thế rồi, trong khi chúng em bất lực chờ đợi chưa biết làm gì, thì riêng em không thể nào quên được mẹ em. Em nghĩ ngợi rất nhiều về lời của bà Lưu bảo nói thời buổi này là thời buổi đau khổ cho những người già, và để cho khuây khỏa bớt nỗi buồn em bảo: "Mình đưa con về thăm ông nội bà nội nó. Hai ông bà cũng già và nhớ con nhớ cháu."
Em thương cho hết thẩy những người già. Thế rồi em mặc cho con em một chiếc áo đoạn dài như áo của cha nó. Ngày sinh nhật đầu của cháu, chúng em mua cho cháu một cái mũ như của người lớn, bằng nhung đen, đội vừa vặn đầu cháu, trên chỏm đính một cái bông đỏ. Em đội mũ cho cháu, rồi lấy bút nhúng vào son tô lên trán, lên cằm, và hai bên má cháu. Trang điểm cho cháu xong, em thấy cháu đẹp quá lại sợ quỷ thần giận cho rằng đáng yêu quá không xứng làm người trần gian rồi lại động lòng phá phách cháu.
Lúc bà nội cháu thấy cháu cũng có ý nghĩ như vậy. Bà nhấc bổng cháu lên ôm vào lòng, đôi má tròn của bà cháu rung lên cười vui sướng. Bà hôn hít da thịt cháu, rồi bà cứ nhắc đi nhắc lại như người say ngây ngất:
"A, chú bé...a, cháu của bà!"
Thấy bà xúc động như vậy, em lại cảm kích và tự trách mình không hay đưa cháu về thăm bà. Em không thể hối tiếc đã giữ cháu riêng cho chúng em, đó là cái điều không thể tránh được mà bà Lưu đã nói tới. Nhưng em lấy làm buồn cho những người mỗi ngày một già đi mà không được hưởng cái vui có cháu bé luôn luôn ở bên cạnh. Em chỉ cười đứng nhìn mẹ chồng em cưng cháu, Rồi bà nhìn sát vào mặt cháu, hai tay ôm hai má cháu hết xoay sang bên này lại xoay sang bên kia và nói nhanh:
"Nhưng cái gì thế này? Sao con không làm cái gì cho cháu nó khỏi thần thánh quở! Vô ý quá đi vậy thôi!" Rồi bà quay sang bảo người hầu:
"Đi lấy một chiếc khuyên (khoen) vàng và một cái kim ra đây!"
Trước em cũng  đã nghĩ phải dùi lỗ tai bên trái của cháu để đeo cho cháu một chiếc khuyên vàng đánh lừa thánh thần cháu là con gái, mà thánh thần cho là vô dụng. Đấy là một tục cổ để tránh cho con trai nhà con một khỏi chết non. Nhưng chị biết da thịt cháu non như thế nào; bây giờ nhắc tới em hãy còn thấy chính da thịt em cũng co quắt lại đau hộ cho cháu, nhưng lúc bấy giờ em không dám nói một tiếng nào với mẹ chồng em.
Nhưng khi bà cháu đặt mũi kim vào dái tai cháu thì nó la lên, hai mắt sợ trợn trừng lên, và miệng méo xệch xuống, làm cho bà thấy vậy không dám ra tay nữa, phải bỏ kim xuống. Rồi khẽ dỗ cháu, bà gọi lấy một sợi tơ đỏ, buộc chiếc khuyên vào tai cháu chứ không dùi thịt cháu ra nữa. Thế là cháu nó cười, cái cười của cháu làm cho mọi người vui vẻ và thân thiết với nhau.
Thấy con trai em có ý nghĩa đối với bà nội nó như vậy, trở về em ngẫm nghĩ càng hiểu rõ nỗi đau buồn của mẹ em. Kết quả của đời bà là đứa cháu đích tôn thế mà nó chưa sinh ra.
Nhưng em sung sướng là em đã làm vui lòng bà nội cháu, và em cũng đỡ được nỗi buồn thương cho các cụ già.
Chắc các vị thần thánh đã cảm thông lòng hiếu thảo của em hôm qua đem cháu về thăm bà nội nó, chị ạ, cho nên sáng nay có người đem lại cho bọn em một bức thư của mẹ em. Bức thư gửi cho anh em, không nhắc nhở gì tới những lời giận dỗi của hai người hôm trước, mà chỉ ra lệnh cho anh em về ở nhà. Mẹ em bảo mẹ em không chịu trách nhiệm gì về người ngoại quốc kia. Vấn đề đó đối với mẹ em quá trọng đại, phải để cha em và các vị trưởng tộc quyết định.
Mẹ em bảo; nhưng trong khi ấy anh em có thể đưa chị ấy về cùng, và chị ấy có thể ở dinh ngoài. Để chị ấy ở chung với các cô vợ bé nàng hầu và trẻ con bất tiện. Bức thư chỉ có vậy.
Bọn em đều ngạc nhiên về sự thay đổi ý kiến của mẹ em. Anh em thì hí hửng hy vọng, cười nói, nhắc đi nhắc lại câu:
"Mình biết chắc là rốt cuộc thế nào mẹ cũng phải thay đổi thái độ. Dẫu sao đi chăng nữa mình là con trai duy nhất của cụ!"
Khi em nhắc cho anh biết rằng mẹ anh đâu đã chịu nhận người ngoại quốc kia thì anh em đáp:
"Chị ấy đã bước chân vào ở trong nhà rồi thì thể nào tất cả mọi người cũng sẽ mến chị ấy."
Em không nói thêm gì nữa, vì em không muốn làm cho anh ấy thối trí. Nhưng trong thâm tâm, em biết là phụ nữ Trung-Hoa chúng em không yêu phụ nữ khác một cách dễ dàng như thế đâu. Vả lại mọi người ở trong nhà không thể nào quên chuyện con gái họ Lý đương chờ đợi thành hôn với anh em.
Em dò hỏi kín người đưa thư của mẹ em, thì hắn cho biết là đêm hôm trước mẹ em mệt nặng; mọi người đã lo là mẹ em có thể về với ông bà ông vải luôn. Nhưng sau khi cho mời nhà sư tới tụng kinh, thì mẹ em đỡ nhiều và sáng nay không biết có phép lạ gì đã khiến mẹ em mạnh, đủ sức ngồi dậy tự tay viết bức thư.
Em hiểu ngay tại sao lại có chuyện ấy. Em chắc mẹ em thấy mình sắp chết sợ con trai bà sẽ không bao giờ trở về với gia đình và bổn phận, nên bà đã cầu nguyện với thần thánh nếu cho bà sống bà sẽ gọi con trai bà về.
Em nghĩ đau lòng cho mẹ em phải hạ mình xuống như vậy, và em muốn về thăm Người ngay lập tức nhưng chồng em bảo:
"Hãy khoan. Mẹ chỉ đủ sức chịu đựng một việc thôi.  Đối với người yếu thì ngay cảm tình họ cũng thấy nặng nề không chịu đựng nổi."
Thế là em đành phải ở nhà và giúp chị ấy thu xếp va ly. Nếu em nói thạo tiếng của chị ấy thì em sẽ bảo:
"Chị nên nhớ rằng mẹ em già và đương đau yếu, và mẹ em có cái gì thì chị đã lấy đi mất cả rồi..."
Nhưng em không nói được câu chuyện giữa chúng em cứ bị đứt quãng vì ngôn ngữ bất đồng, không hiểu nhau.

*

Hôm nay anh em với chị ấy đã dọn về ở nhà của gia tiên. Hai người sẽ ở trong khu phòng cũ của anh em ngày còn nhỏ. Chị ấy không được phép ăn, ở, hay la cà trong khu phòng phụ nữ. Như vậy nghĩa là mẹ em vẫn không chịu thừa nhận chị ấy.
Bây giờ hai người đã đi rồi, em lấy làm vui được sống một mình với chồng và con em; tuy nhiên họ đi như vậy cũng đem theo mất một phần linh hoạt ở trong nhà. Tựa hồ như cơn Gió Tây đã tắt đi lúc trời hoàng hôn và để lại một bầu không khí im lặng hơi đượm màu chết chóc.
Em nghĩ đến họ và em hình dung họ trong khu phòng cũ quanh quẩn có hai người với nhau. Đêm qua em bảo chồng em:
- Câu chuyện rắc rối này rồi ra làm sao?
Chàng lắc đầu ra vẻ hoài nghi, rồi nói:
- Có hai phái ấy ở trong một nhà, phái già với phái trẻ, chẳng khác gì sắt đập vào đá lửa, ai mà biết được cái nào sẽ nghiền nát cái nào?
- Như thế rồi sẽ ra sao?
Chồng em nghiêm nghị đáp:
- Như thế rồi sẽ nẩy lửa ra. Anh thương hại cho anh em. Không một người đàn ông nào có thể thản nhiên đứng giữa hai người đàn bà cùng kiêu hãnh cả hai, một người thì già, một người thì trẻ, và người nào cũng thương yêu anh ấy rất mực.
Chàng bế con lên lòng và trầm ngâm ngắm nó. Em không biết chàng nghĩ gì. Còn thằng bé ngây thơ vén lọn tóc ở bên tai nó lên, khoe chiếc khuyên vàng bà nội đeo cho nó:
- Ba coi nè.
Thế là chúng em quên ngay anh em và vợ anh ấy. Chồng em ngó em nghi ngờ và trách:
- Quế-Lan, cái gì thế này? Anh tưởng chúng mình đã hết có những cái mê tín vô nghĩa lý này rồi.
Em ngập ngừng nói:
- Mẹ anh đã đeo cho con đấy, và em thì không dám...
Chàng kêu:
- Vô nghĩa lý! Mình phải nghĩ tới đứa trẻ trước. Không thể gieo vào đầu óc nó những tư tưởng này được.
Rồi chàng lấy một con dao nhỏ ở trong túi ra, cẩn thận cắt sợi chỉ tơ buộc chiếc khuyên, rồi cúi xuống quẳng tất cả qua cửa sổ ra ngoài vườn.
Khi thằng bé hờn dỗi, chàng cười nói:
- Con cũng là một người đàn ông như ba! Con xem ba có đeo khuyên như đàn bà đâu. Chúng ta là đàn ông mà. Chúng ta đâu có sợ thánh thần!
Thằng bé nghe bố nói những lời vui vẻ như vậy, nó nhoẻn miệng cười.
Nhưng trong bóng tối của đêm khuya, em nghĩ hơi rợn mình. Tuổi già có thể cứ lầm lẫn mãi như vậy không? Mà chẳng biết có thần thánh thực không? Em không muốn làm một việc gì sơ suất có hại cho con em. A, em hiểu mẹ em quá!