THẾ UYÊN dịch và chú giải
CHƯƠNG 4
Tuyên truyền kiểu Hitler

    
itler [1] và Goebbels [2] đóng góp rất nhiều vào tuyên truyền hiện đại. Như chúng ta đã thấy, họ không phát minh ra tuyên truyền nhưng họ biến hóa, nếu không nói là làm kiện toàn tuyên truyền. Thế giới ngày nay đã biết bộ máy vĩ đại ấy đã đi tới kết quả nào. Tuy thế một số lớn các kỹ thuật và phương thức mà chế độ Quốc xã đã đổi mới trong tuyên truyền, nay hãy còn tồn tại ngoài bầu không khí điên loạn và căm thù đã làm chúng phát sinh nảy nở. Và kể từ giờ chẳng có gì có thể tách chúng ra khỏi kho vũ khí của tuyên truyền chính trị nữa.
Có cả một thế giới ngăn cách giữa quan niệm của Lénine và quan niệm Hitler về tuyên truyền. Về phía kiểu Lénine là diễn giải của chiến thuật, nhưng các mục đích đề ra như mục tiêu chiến thuật, cũng vẫn là những mục đích thực sự nhắm tới. Khi Lénine ném ra khẩu hiệu “Đất cày và Hòa bình” thì quả thực là có vấn đề chia ruộng đất và ký kết hòa bình. Khi Maurice Thorez [3] ném ra khẩu hiệu “Giơ tay mời đón các tín đồ Ki-tô” (Main tendue aux catholiques) thì quả thực là liên minh với các tín đồ Ki-tô, dù là sự hòa thuận này chỉ là một giai đoạn tạm thời để tiến chiếm chính quyền. Nhưng khi Goebbels, sau khi rao giảng về một kỳ thị chống Ki-tô-giáo, lại tuyên bố là dân tộc Đức chiến đấu để “bảo vệ văn minh Ki-tô-giáo”, thì khẳng định này đối với ông ta không có một thực tại cụ thể nào hết. Lời tuyên bố này chẳng qua là một công thức hoạt đầu, cốt nhằm huy động các quần chúng mới mà thôi. Chủ nghĩa Hitler đã làm hư hỏng quan niệm Lénine về tuyên truyền, làm tuyên truyền biến thành một vũ khí có thể dùng nhiều cách cho mọi mục đích.
Các khẩu hiệu kiểu Lénine đều có một căn bản hợp lý, ngay cả trong trường hợp chúng sau cùng cũng vẫn liên hệ với các bản năng và các huyền thoại căn bản. Nhưng khi Hitler ném ra những lời kêu gọi về máu và chủng tộc trước một đám đông cuồng tín đáp lại bằng những tiếng “Sieg Heil”, Hitler chỉ lo làm sao khích động mạnh lòng căm thù và tham vọng quyền lực đến tận phần sâu thẳm nhất của quần chúng. Thứ tuyên truyền này không đề ra các mục tiêu cụ thể nữa, nó tung ra các tiếng kêu chiến tranh, những lời nguyền rủa, đe dọa các lời tiên tri mơ hồ, và nếu cần phải hứa hẹn, các lời hứa này lại điên rồ đến mức nó chỉ xâm nhập được con người đang ở một mức độ kích thích sôi nổi đến nỗi con người hưởng ứng mà không suy nghĩ gì hết. Cần phải liệt kê lại những biến thiên kế tiếp nhau mà các chủ đề tuyên truyền Hitler đã trải qua trong suốt cuộc chiến tranh vừa qua: từ việc chinh phục khoảng đất đai cần thiết cho việc sống còn (espace vitale) đến việc bảo vệ dân tộc, chuyển sang chủ đề Tân Âu châu và cứu nguy các giá trị Thiên Chúa giáo.
Từ đó, tuyên truyền không còn bị ràng buộc với bước tiến chiến thuật nữa, nó trở thành ngay chính chiến thuật, trở thành một nghệ thuật riêng với các luật tắc riêng, có thể sử dụng hệt như là ngành ngoại giao hay các quân lực vậy. Căn cứ vào sức mạnh cơ hữu của tuyên truyền mà xét, đó quả thực là một “pháo binh tâm lý” trong đó tất cả những gì có giá trị xung kích đều được sử dụng, và sau cùng đi đến chỗ ý tưởng không can hệ miễn là lời lẽ có tác động là đủ rồi.
Các nhà độc tài phát xít đã hiểu rõ rằng sự cô đọng của quần chúng hiện đại mang lại cho các công cuộc của họ rất nhiều điều có thể làm được, và họ đã sử dụng không xấu hổ việc ấy, coi khinh tuyệt đối con người.
Mussolini [4] nói: “Con người hiện đại rất dễ tin đến mức khó ngờ”. Về phía mình, Hitler đã khám phá ra rằng đám đông khi tụ họp sát nhau, có một tính khí đa cảm hơn, đàn bà hơn: “Khi tập họp thật đông đảo, dân chúng lâm vào một trạng huống và một tình trạng tinh thần đàn bà tính, đến độ các ý kiến và hành động của họ bị chi phối bởi ấn tượng đập vào giác quan nhiều hơn là bởi suy tư”. Đó chính là lý do tại sao tuyên truyền Quốc xã thành công nơi quần chúng Đức: ưu thế của hình ảnh so với các lời giải thích, ưu thế của tính mẫn cảm tàn bạo so với tính thuần lý. Chúng ta sẽ có dịp xét qua tất cả các phương thức đưa quần chúng vào một trạng thái dễ chấp nhận. Tất cả mọi người đã đều nghe nói tới tiếng trống nhỏ trỗi lên khi Hitler tiến đến khán đài của Đại hội Nuremberg, cũng như bảng nút bấm trên bục cho phép Hitler thay đổi ánh sáng tùy theo ý muốn. Với quan điểm ấy, ta cũng hiểu là chế độ Quốc xã thích lôi kéo người đàn bà trong tình tự bất hợp lý nhất, và họ đã thành công trong việc này. Chính Hitler tuyên bố rằng: “Khi chúng tôi tiến đến chính quyền, mỗi phụ nữ Đức sẽ có được một tấm chồng”.
Một phía, tuyên truyền kiểu Hitler cắm rễ sâu vào trong những vùng u tối nhất của vô thức tập thể bằng cách đề cao sự thuần nhất chủng tộc, kích thích những bản năng sơ đẳng muốn giết người và đập phá, bằng cả ngay cách nối loại huyền thoại cổ xưa nhất về mặt trời qua vật trung gian là chữ vạn [5]. Về một phía khác, tuyên truyền kiểu Hitler sử dụng tiếp theo nhau nhiều chủ đề dị biệt, và thậm chí có thể mâu thuẫn, với mối lo duy nhất của tuyên truyền là hướng dẫn các đám đông trong tình huống ngay tại chỗ. Jules Monnerot đã ghi nhận rất rõ cái tính chất vừa phi lý vừa không liên tục của tuyên truyền Quốc xã: “Các đảng viên của Hitler đã đớp trọn tất cả các chủ đề sử dụng được ở Đức, tất cả những chủ đề nào dù chỉ có một điểm chung tối thiểu với ý định của họ lúc đó là họ lấy liền”.
Jules Monnerot liệt kê lộn xộn như sau: “Chủ nghĩa duy vật động vật học, chủ nghĩa Liên Đức, địa lý chính trị, sự du di chiến tranh giai cấp sang chiến tranh giữa các quốc gia, chủ nghĩa duy chủng tộc Aryen chống với giống Do Thái, xã hội chủ nghĩa kiểu nước Phổ chống lại tư bản Tây phương và Bôn-sê-vích Á châu, ‘ đất sống và giòng giống’ chống lại ‘tinh thần và tiền bạc’, ‘lý tưởng chủ nghĩa, tự do và dân chủ Bắc Âu’ chống lại sự yếu mềm và trụy lạc Pháp, nguyên giống chống lại pha giống, dân tộc bám rễ, chống lại tài phiệt không đảng phái, và vào thời kỳ chót, bảo vệ Âu Châu chống lại bọn Do Thái, Anglo-Saxons và chủ nghĩa bôn-sê-vích”.
Ta phải tự hỏi tại sao một sự bất liên tục như vậy lại không làm hại tuyên truyền kiểu Hitler bởi vì tuyên truyền này đã không những thành công trong việc động viên dân tộc, mà còntác động được sâu đậm một số quốc gia Âu châu. Dĩ nhiên là nỗ lực của nó thật vĩ đại: Trong địa hạt này, Hitler và Goebbels trù liệu không sót cái gì - Hitler còn ghi nhận rằng những giờ vào buổi tối thuận lợi hơn các giờ khác cho việc một ý chí ngoại lai tới khống chế. Ngay cả quần chúng nữa cũng đã được “chuẩn bị”. Tất cả các cộng đồng nào không phải của chính quyền đều bị phá tan để cho không còn có một màn ngăn trung gian nào nữa, và để cho cá nhân “hoàn toàn không có gì bảo vệ chống lại các mời gọi của tuyên truyền”. Rất ít buổi chủ nhật mà một gia đình có thể đoàn tụ trong vòng thân mật. Đảng và lãnh tụ hiện diện khắp nơi, ngoài đường phố, trong xưởng máy và ngay cả trong nhà trên các bức tường phòng. Báo chí, điện ảnh, vô tuyến truyền thanh nhắc lại hoài một điều. Sau hết, không thể chối cãi được rằng một số huyền thoại của Hitler tương hợp với một hằng số của tâm hồn Đức, hoặc với một hoàn cảnh do sự thất trận, một khủng hoảng tài chính chưa từng thấy và nạn thất nghiệp tạo ra.
Sự kiện trên cắt nghĩa được nhiều điều nhưng không cắt nghĩa được tất cả, và nhất là chẳng cắt nghĩa được tại sao tuyên truyền của Hitler lại tạo được ảnh hưởng làm tê liệt tại nhiều quốc gia không phải là Đức. Muốn hiểu được tại sao tuyên truyền Quốc xã lại thành công như vậy mặc dầu đầy mâu thuẫn và thái quá, muốn hiểu tại sao nó còn có thể làm cho hăng hái và khiếp sợ các dân tộc mà một số bình thường ra đáng lẽ phải ở ngoài vùng ảnh hưởng, ta phải chấp nhận rằng tác động của tuyên truyền Quốc xã ít ở mức độ tình cảm và lý trí, nó hoạt động nhiều hơn ở trong một vùng khác, trong các khu vực sinh lý và vô thức, nơi mà các đam mê và thói quen phi lý và mâu thuẫn dưới khía cạnh luân lý, đã tìm thấy điểm nương tựa và thế quân bình. Trong cuốn sách nhan đề “Cưỡng hiếp quần chúng bằng tuyên truyền chính trị” (Le viol des foules par la propagande politique), một cuốn sách, mặc dù tính chất hệ thống của nó, vẫn là tác phẩm căn bản duy nhất bàn về vấn đề của chúng ta, nhà văn Nga Tchakhotine đã làm sáng tỏ sự thành công của tuyên truyền Quốc xã bằng một cách diễn giải lý thuyết các phản ứng có điều kiện của Pavlov.
Đây là thí nghiệm căn bản, diễn tả một cáchvắn tắt: đặt một miếng đường trước một con chó bị trói chặt cứng từ trước: chó sẽ chảy nước dãi. Bây giờ đồng thời ta đưa ra miếng đường cùng với tiếng còi, và làm như thế nhiều lần: con chó tiếp tục chảy nước dãi một cách bình thường. Trong giai đoạn thứ ba, nếu ta chỉ cho chó nghe còi thổi, không đưa ra miếng đường nữa, chó vẫn chảy nước dãi: như thế ta đã tạo ra được một phản ứng có điều kiện, nghĩa là tiếng còi bây giờ đã liên kết đủ với việc xuất hiện của miếng đường để chỉ riêng tiếng còi thôi cũng tạo được việc chảy nước dãi. Chính còi đã trở thành một yếu tố điều kiện (agent conditionnel). Dầu vậy, ta phải ghi nhận rõ rằng vật kích thích ở bậc thứ hai này không có hiệu lực lâu. Yếu tố điều kiện phức tạp (agent conditionnel complexe), (ở đây là cái còi), sẽ mất dần giá trị thay thế được cho yếu tố điều kiện đơn giản (agent conditionnel simple), (ở đây là miếng đường), nếu thỉnh thoảng chúng không được liên hệ lại - nói một cách khác, nếu ta thỉnh thoảng không làm lại thí nghiệm đầu tiên.
Nhưng nếu ta tiếp tục thí nghiệm này, nghĩa là nếu ta tiếp tục sử dụng các yếu tố kích thích ấy theo một nhịp độ đều đặn, sự tiết nước dãi của con chó sẽ không tăng. Ngược lại là khác, ta lại đạt tới một đình chỉ các chức năng phản ứng có thể lan rộng ra toàn thể cơ thể cùng làm phát sinh một tình trạng bần thần rã rượi. Sau hết, ta ghi nhận thấy rằng một tình trạng tương tự có thể tạo ra được bằng một cách khác: trong trường hợp này, không phải là việc nhắc lại nhiều lần (répétition), mà là cường độ của yếu tố kích thích để làm đình chỉ các phản ứng thông thường của một cá nhân. Chính vì thế việc xuất hiện đột ngột của con rắn đã làm đình chỉ các phản ứng muốn chạy trốn của con chim: chim bị mê hoặc, sẽ tới lao mình vào miệng rắn.
Bây giờ chúng ta chỉ còn việc áp dụng. Trước hết hãy làm ở trình độ quảng cáo: khi muốn quảng cáo một loại đồ uống X có hơi trên các bức tường, đường xe điện ngầm, nhà quảng cáo lấy một cô gái đẹp hiện ra qua các bọt hơi bốc lên làm biểu hiệu. Dĩ nhiên là chẳng có một liên hệ hợp lý nào giữa đồ uống và cô gái đẹp cả. Đây chỉ là vấn đề điều kiện hóa (conditionner) vị khách hàng tương lai như thế nào; để tiếp tục sự so sánh của chúng ta, kể từ giờ vị khách hàng này sẽ tiết nước dãi mỗi khi thấy tên đồ uống X, cái tên bây giờ sẽ gợi lại ngay hình ảnh cô gái đẹp hiện ra khỏi sóng nước, cái liên hệ tương tự như vậy lẽ tự nhiên là dễ tạo ra bằng các nhãn hiệu xà-bông hay vớ đàn bà hơn. Rõ ràng là quảng cáo sử dụng bản năng tình dục.
Tuyên truyền chính trị cũng có thể sử dụng bản năng tình dục. Việc biểu tượng hóa các thực thể quốc gia bằng các phụ nữ hòa nhã, như Mariane chẳng hạn, là căn cứ từ phản ứng ấy nhưng đã được làm nhẹ bớt đi trong trường hợp này. Nhưng chính căn cứ trên bản năng ham quyền lực, chủ nghĩa Quốc xã đã thực hiện việc điều kiện hóa trên kích thước lớn. Nói cho rõ hơn, chúng tôi phân biệt hai giai đoạn tương ứng với hai thí nghiệm vừa dẫn: trước hết là tạo ra các phản ứng và làm cho chúng chuyển vận, kế đó sử dụng chúng theo một nhịp độ cần thiết để tạo ra trạng thái cấm chỉ (état d’inhibition).
1. Vấn đề là tạo ra các phản ứng có điều kiện giữ vai trò các bộ răng cưa chuyển vận cho thứ tuyên truyền này, bằng cách làm liên hệ đối tượng thèm muốn của quần chúng với đảng là tổ chức đã đưa đối tượng thèm muốn ấy ra thành mục đích: sự vĩ đại của Reich (đế quốc Đức) cùng hạnh phúc của toàn dân Đức đã được làm cho liên hệ với đảng quốc gia xã hội. Nhưng thật nhạt nhẽo và kết quả bết bát nếu đem chồng chất các lời giải thích và các lý luận để mỗi lần mỗi chứng tỏ rằng đó là các mục tiêu đảng đang theo đuổi. Mọi sự sẽ là tiện lợi hơn, nếu thay thế dần dần cái yếu tố điều kiện đơn giản, ở đây là sự vĩ đại của Reich, bằng một cá nhân tự đề ra nhiệm vụ thực hiện sự vĩ đại này, bằng những hình ảnh tượng trưng được hay gợi ra được sự vĩ đại ấy. Như vậy ý tưởng cần truyền đi sẽ được liên hệ với khuôn mặt ấy, khẩu hiệu hay tiếng kêu gọi ấy. Sẽ không còn những chương trình chi tiết cùng các minh chứng yếu ớt nữa: hình chữ vạn, kiểu chào Hitler là đủ rồi, và hình lãnh tụ được tung ra hàng triệu ấn bản... Tất cả những thứ đó chỉ là các tiếng còi làm cả một dân tộc tiết nước dãi. Tuy thế như chúng ta đã biết, biểu tượng, yếu tố kích thích bậc hai, sẽ mất dần quyền lực nếu nó không được tạo lại sức sống bằng các vụ làm liên hệ mới với yếu tố kích thích sơ đẳng. Bởi thế, miếng đường đã được phân phát từng mẩu một: Nước Áo, Tiệp Khắc, Memel [6]... sau hết là phải vứt nguyên cả miếng đường cho con chó.
2. Tuy thế các biểu hiệu trên còn là những gì khác hơn những lời gợi lại sự vĩ đại cùng các hứa hẹn, chúng chính còn là các lời khêu gợi lại bạo lực và lo âu. Ta đã biết các cơ cấu chuyển vận căn bản của nỗi khiếp sợ do Hitler tạo ra. R.P. Fessard đã phân tích rất sáng tỏ sự kiện trên bằng biện chứng ông chủ và nô lệ của Hégel [7]: “Nếu ý chí kẻ nô lệ bị chế ngự rất lâu sau khi trận giao tranh kết liễu mà không cần dùng tới thực sự sức mạnh nhất của ông chủ, lý do bởi vì sự sợ chết đã làm kẻ nô lệ có một sự ưng thuận tối thiểu làm ràng buộc hắn với ý chí của kẻ chiến thắng. Nếu cần, các hình phạt sẽ làm sống lại kỷ niệm cái giây phút sợ hãi khi mà kẻ nô lệ đã phải đổi sự tự do của mình lấy mạng sống, do đó lại cưỡng ép hắn tới một sự tuân phục tối thiểu” (G.Fessard, Autorité et Bien Commun. Recherches de Science réligieuse). R.P. Fessard quả đã tả đúng thứ cấm chỉ điều kiện hóa (inhibition conditionnée) bằng những danh từ khác. Nhưng điều ông này không nói là sự gợi lại các cấm chỉ có thể thực hiện được một cách đỡ tốn kém hơn nhiều: thực vậy, tuyên truyền đã cung cấp cácthứ thay thế để gợi lại lo âu một cách tiện lợi hơn các nhát roi da nhiều, hay ít ra cũng mang lại được kết quả khi ta biết liên hệ chúng đúng lúc với các cú roi da. Các thứ thay thế này, đó là các biểu tượng, các bài hát haykhẩu hiệu. Bằng những cách như thế, sức mạnh của Hitler đã được làm cho ràng buộc với hình chữ vạn, và hình này chỗ nào cũng có để mỗi lần trông thấy nó, người đảng viên hay người ủng hộ Hitler nhớ lại giây phút xuất thần họ đã dâng hiến cả tâm hồn lẫn thể xác, còn kẻ địch trông thấy nó thì nhớ lại lúc kẻ thù xông đến, các đồng phục nâu ma-trắc cầm tay hàng hàng lớp lớp sau lá cờ máu, lúc mà họ dù muốn hay không đã phải ký kết hiệp định thần phục. Theo cách diễn tả của Tchakhotine thì hình chữ vạn, hình ảnh đơn giản ấy đã trở thành một thứ toát yếu của đe dọa (memento de la menace) gây ra một cách vô thức lập luận sau “Hitler là sức mạnh, sức mạnh duy nhất có thựcvà vì tất cả mọi người đã về phe với Hitler, vậy ta một con ngườibình thường, ta phải cũng theo nốt, nếu ta không muốn bị cái sức mạnh ấy đè bẹp đi...”
Ta thấy tất cả sự quan trọng của nhịp độ các đảng viên Quốc xã đã dùng trong việc tuyên truyền. Nhịp độ này chẳng bao giờ ngừng trong cả không gian lẫn thời gian, tạo thành một bức màn âm thanh và hình ảnh thường trực làm cả một dân tộc phập phồng căng thẳng. Nhưng nhịp độ này thay đổi về cường độ. Nếu mục tiêu có vẻ xa vời, ta “nung nấu âm ỉ tâm hồn dân tộc” để nó sẵn sàng chín tới vào lúc thích hợp. Một vài chiến dịch tuyên truyền đã đi tới mục tiêu một cách không thể tránh được qua một chặng đường leo thang đôi khi rất dài nhưng các biến cố có thể làm cho dịu xuống. Hiệp ước sát nhập Áo vào Đức năm 1938 (Anschluss) xảy ra sau một chiến dịch như thế kéo dài trong 5 năm. Nhiều lần khác, việc leo thang nhanh chóng và thê thảm hơn như trong vài tuần lễ trước vụ xâm lăng Tiệp Khắc. Nhưng trong tất cả các trường hợp, phát chưởng đánh ra bao giờ cũng đột ngột và không báo trước. Như thế, những kẻ về phe Hitler bị duy trì trong một trạng thái hăng hái cao độ liên tục cho tới tận giờ G. Về phía kẻ dịch, sống trong một tình trạng báo động bất tận, tinh thần rã rời, bị làm cho thiếp ngủ như con chó của Paylov vì phải chờ đợi bị đánh quá lâu, sẽ không phản ứng được nữa khi bị đòn đánh tới thật sự.
Nếu đây không phải là các công cuộc xâm lăng, ta phải thán phục cung cách chơi nhạc của ban nhạc tuyên truyền ấy: không bao giờ ngừng tiếng nhạc hết. Trong tấu khúc, bao giờ cũng có một giai đoạn căng thẳng ở chỗ nào đó ta có thể chơi lại. Nếu tình hình chính trị quốc tế không thuận lợi, ta lại mang vấn đề Do Thái ra. Trái lại, trong lúc chiến tranh, chủ đề thượng tôn chủng tộc Aryen chống Kitô giáo được thay thế bằng huyền thoại huy hoàng về một Âu châu mới, thừa tự của các giá trị Ki tô chống lại sự dã man bôn-sê-vích. Không nói ngược nhau, không nhắc lại, đây chỉ là vấn đề chơi nhạc khí khác thôi. Vì thế tuyên truyền chống Nga đã đột nhiên ngừng lại vào tháng 8-1939 rồi lại tiếp tục vào tháng 6-1941 chăng. Nhưng ban nhạc đã làm ồn đến độ chỉ một vài cá nhân cương quyết suy nghĩ mới nhận thấy sự bất liên tục. Quy tắc chính là không được để cho thiên hạ có thì giờ suy nghĩ. Các lời kêu gọi đi bầu kế tiếp nhau cùng với các lời tuyên bố chiến đấu và danh sách các mục tiêu mới phải đạt.
Việc xác định lại thí nghiệm của Paylov như vậy là hiển nhiên. Nhưng ngay ở trong sự khích động thường trực ấy, có thêm một loại luân phiên đều đặn: ngoài miếng đường, ta thêm vào cái roi da. Khi địch có vẻ bướng bỉnh, ta vuốt ve vỗ về, rồi thì khi địch thở ra nhẹ nhõm, ta lại dọa dẫm. Chính vì thế, ngay sau hội nghị Munich [8], khi dư luận thế giới tưởng có thể thở phào thi Hitler đọc ngay hai trong những bài diễn văn dữ dội nhất của ông ta. Các thính giả và các người đối thoại với Hitler thường nhận thấy sự khéo léo của ông ta trong việc luân phiên thuyết phục quyến rũ với thái độ tàn nhẫn, điều người ta đã gọi là “Gesprachstechnik” của Hitler, một nghệ thuật đàm thoại không xa lạ gì với Napoléon.
Như vậy, nếu ta không làm đi làm lại hoài một thứ kích thích mà thay bằng một sự luân phiên trong việc tạo kích thích, ta sẽ tới không phải là một tình trạng cấm chỉ thường nữa, mà đạt được một trạng thái tâm lý mơ hồ và hay thay đổi như P. Janet đã miêu tả trong cuốn sách De l’Angoisse à l’Extase (Từ lo âu đến khoái lạc xuất thần).
Đó là điều Tchakhotine đã diễn tả trong bối cảnh riêng biệt của ông: “Bản năng tranh đấu khi được khích động có thể biểu lộ bằng hai cách đối nghịch nhau: một cách tiêu cực hay thụ động biểu lộ ra bằng sự sợ hãi hay các thái độ xuống tinh thần bằng sự cấm chỉ, một cách khác thì tích cực đưa tới trạng thái cực điểm, đưa tới một trạng thái kích thích và hiếu chiến... Kích thích có thể đưa tới khoái lạc cực điểm, một trạng thái như tên gọi cho thấy là một trạng thái con người xuất ra khỏi chính mình”. Đấy chính là cái trạng thái mơ hồ của người dân Đức bị tuyên truyền Hitler chế ngự, nhào trộn hăng hái cực lực với nỗi lo sợ có thể chuyển vào tiềm thức. Rất nhiều quan sát viên đã sửng sốt vì vẻ mặt của các cá nhân đứng sững trong thái độ mất hồn và cứng ngắc của kẻ mộng du trong khi nghe một bài diễn văn của Hitler. Chính bằng cách điều động hai cực điểm của đời sống tâm thần là sự khiếp sợ và hăng hái cao độ ấy, các đảng viên Quốc xã sau cùng đã nắm được theo ý muốn hệ thống thần kinh của các quần chúng lớn tại quốc nội cũng như quốc ngoại. Sau hết sự kiện này cũng là xuất phát từ cùng một trạng thái tâm lý song tưởng (ambivalent) bao gồm tất cả mọi trình độ đi từ sự sợ hãi đến hăng hái cuồng nhiệt.
Trong những kẻ theo Hitler cho tới phút cuối cùng và hy sinh cho ông, dĩ nhiên có nhiều kẻ ghét ông. Nhưng các phương thức và nhịp độ của tuyên truyền Hitler đã lôi họ ra khỏi bản ngã riêng và thôi miên họ. Bị điều kiện hóa đến tận xương tủy họ đã mất sức hiểu biết và căm lòng thù. Thực ra họ chẳng yêu chẳng ghét gì Hitler: họ bị Hitler mê hoặc và trở thành các con người máy trong tay ông ta.
Chú thích:
[1] Hitler: 1889-1945, lãnh tụ đảng Quốc gia Xã hội Đức (gọi tắt: Quốc xã), làm Thủ tướng Đức từ 1934 nhưng cai trị một cách độc tài tuyệt đối. Đưa ra chủ thuyết giòng giống Aryenne trên hết và chủ thuyết khoảng không gian cần thiết để sinh tồn để tiêu diệt dân Do Thái và xâm lăng các nước khác, gây ra Thế chiến thứ hai và thất trận. Tự tử tháng 4-1945 khi quân Nga chiếm Berlin
[2] Goebbels: 1890-1945, một trong các lãnh tụ Quốc xã, phụ trách Bộ Tuyên truyền Đức kể từ 1934 tới khi Đức thất trận. Tự tử với toàn gia đình cùng với Hitler.
[3] Thorez: Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp từ 1930-1964.
[4] Musolini: 1883-1945, sáng lập viên và lãnh tụ (duce) đảng phát xít Ý, chiếm được chính quyền Ý bằng một cuộc diễu hành biểu dương lực lượng năm 1922, thiết lập một chế độ độc tài tuyệt đối mặc dù vẫn duy trì vua Ý và tôn trọng Giáo hoàng. Cùng Hitler, liên minh với Nhật để thành lập phe Trục chống nhau với phe Đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến. Bị lật đổ năm 1943 và bị dân chúng giết chết năm 1945 trước Hitler một tháng. Đảng viên của ông mặc áo sơ mi đen khác với đảng viên của Hiller mặc sơ mi nâu.
[5] Chữ vạn: biểu tượng của đảng Quốc xã Đức, sau được đưa vào quốc kỳ Đức cho tới khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt.
[6] Các quốc gia và vùng đất Âu châu đã bị Đức sát nhập trước khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ.
[7] Hégel: 1770-1831, triết gia Đức, đưa ra triết lý đồng nhất được hữu thể với tư tưởng trong một nguyên tắc duy nhất là ý tưởng khai triển thành ba thời kỳ: đề, phản đề và hợp đề. Marx chịu một phần ảnh hưởng của triết thuyết Hegel khi đưa ra chủ nghĩa Cộng sản.
[8] Hội nghị Munich: một thành phố văn hóa Đức, nơi các Thủ tướng Anh, Pháp Đức và Ý họp nhau vảo tháng 9-1938 và đưa ra thỏa ước cưỡng ép Tiệp Khắc phải nhường miền Sudètes cho Đức. Hòa ước này sau được coi như một đầu hàng của công lý trước bạo lực.