Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương III
TẠO DỰNG CÁC THIÊN THẦN

Các thụ tạo có sự sống không đồng giá trị như nhau. Giữa chúng có một cái thang giá trị:
 
- Ở nấc chót là thảo mộc: chúng sinh nở lớn lên, thở khí, tự nuôi mình và rồi chết, nhưng không ý thức gì cả về những việc đó.
 
- Ở nấc thứ hai là thú vật, chúng hơn thảo mộc ở chỗ có giác quan và có một thứ hiểu biết; nhưng chúng không biết suy nghĩ và không có tự do khi hành động. Chúng bị bản năng tự nhiên điều khiển.
 
- Ở nấc thứ ba là con người, có thể xác và linh hồn linh thiêng và bất tử, có trí hiểu và ý chí tự do.
 
- Trên hết là các Thiên Thần. Thiên Thần không có thể xác; chỉ có bản tính linh thiêng mà thôi.
Như thế nghĩa là Thiên Thần là thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Khi bàn đến các Thiên Thần chúng ta sẽ có dịp ngắm nhìn kỳ công tốt đẹp nhất của chương trình tạo dựng.
 
Đàng khác các Thiên Thần có những mối liên quan với loài người. Học hỏi về các Thiên Thần chúng ta đương nhiên học hỏi một vấn đề liên hệ đến mỗi người trong chúng ta, và sẽ tìm hiểu chúng ta phải đối xử với các ngài như thế nào.
 
A. BẢN TÍNH, VAI TRÒ CÁC THIÊN THẦN
 
I. CÁC THIÊN THẦN VÀ KINH THÁNH
 
Kinh Thánh không nói gì về việc sáng tạo các Thiên Thần; nhưng nhiều lần nói đến các Ngài. Có khi gọi các ngài bằng tên chung: các Thiên Thần; có khi khai rõ các thứ hạng của các Ngài; có khi đặc biệt nói đến từng vị với những tên riêng.
 
a) Kinh Thánh nói về các Thiên Thần cách chung:
 
- Một Thiên Thần cầm tay Abraham lại khi ông định giết Issaac để lễ tế (Gen 22,11).
 
- Các Thiên thần hiện đến với Jacop lúc ông ngủ (Gen 28,12).
 
- Một Thiên Thần mạc khải cho Giuse biết mầu nhiệm Nhập Thể (Mt 1,20).
 
- Một Thiên Thần báo tin Chúa Giáng Sinh cho các mục tử (Lc 11,9).
 
- Các Thiên Thần ca hát trên hang đá Bêlem (Lc 11,13).
 
- Một Thiên Thần đưa lệnh cho Giuse bảo phải sang Ai Cập (Mt 11,13).
 
- Các Thiên Thần tới gần Chúa Giêsu sau khi Ngài bị cám dỗ và hầu hạ Ngài (Mt 4,11).
 
- Một Thiên Thần từ trời xuống an ủi Chúa Giêsu trong giờ hấp hối (Lc 22,43).
 
- Một Thiên Thần báo tin cho các bà Chúa đã sống lại (Mt 28,2-6).
 
- Những Thiên Thần hiện đến với các tông đồ sau khi Chúa lên trời (Act 1,10).
 
- Một Thiên Thần cứu Phêrô ra khỏi tù (Act 12,7).
 
Cũng nên biết rằng đôi khi Chúa Giêsu có nói đến các Thiên Thần:
 
- Trong dụ ngôn cỏ lùng: “Các thợ gặt, tức là các Thiên Thần … (Mt 13,39).
 
- Trong dụ ngôn đồng bạc mất: “Thiên Thần rất vui mừng mỗi khi một người có tội trở lại” (Lc 15,10).
 
- Nhân cuộc phán xét chung: Khi Con Người sẽ đến trong vinh quang và tất cả các Thiên Thần với Ngài…” (Mt 25,31).
 
- Khi bị bắt, Chúa nói đến 12 đạo quân Thiên Thần Chúa Cha có thể gởi đến (Mt 26,53).
 
b) Kinh Thánh nói rõ một vài thứ hạng:
 
- Thiên Thần loại Cherubim được Thiên Chúa đặt trước cửa vườn Địa Đàng (Gen 3,24).
 
- Các Thiên Thần Chérubim hiện đến với tiên tri Ezéchiel (10,3).
 
- Các Thiên Thần loại Séraphim hiện đến với tiên tri Isaia (Is 6,5).
 
c) Kinh Thánh có nói đặc biệt đến một số Thiên Thần riêng biệt:
 
- Tổng lãnh Thiên Thần Raphael đã dẫn đường cho Tôbia con (Tobie 12,15).
 
- Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel báo tin cho Zacharia biết vợ ông sẽ sinh Gioan Tẩy giả (Lc 1,11) và truyền tin cho Đức Maria biết Ngôi Hai nhập thể (Lc 1,26).
 
- Tổng lãnh Thiên Thần Micae, theo sách Khải huyền, là tướng lãnh các Thiên Thần lành (Ap 12,7).
 
II. CÁC THIÊN THẦN VÀ PHỤNG VỤ
 
Trong sách Nhật tụng, một vài kinh kêu cầu đến các Thiên Thần, chẳng hạn trong kinh giờ tối.
 
Trong thánh lễ cũng nhắc nhở đến các Thiên Thần:
 
- Đầu kinh Vinh Danh Thiên Chúa, là kinh của các Thiên Thần.
 
- Kinh Tiền Tụng.
 
- Kinh Sanctus: Thánh, Thánh, Thánh, do các Seraphim hát.- Kinh: Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa truyền cho sứ thần…
 
Thánh Micae trong kinh:
 
- Khi làm phép hương.
 
Sau hết Giáo hội mừng lễ thánh Raphael, thánh Gabriel và thánh Micae 29/9.
 
III. BẢN TÍNH CÁC THIÊN THẦN
Qua hầu hết các câu văn của Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy các Thiên Thần hiện ra với hình vóc của thể xác. Nhưng bản chất của các Ngài thì hoàn toàn thiêng liêng và do đó mà các Ngài có trí thông minh và ý chí vượt hẳn trình độ con người. Đàng khác các Ngài còn được thông phần đời sống của Thiên Chúa.
 
IV. VAI TRÒ CỦA CÁC THIÊN THẦN
 
Các Thiên Thần có hai nhiệm vụ:
 
1) Thi hành các lệnh của Thiên Chúa. Các Ngài là những sứ giả của Chúa.
 
2) Nhiệm vụ thứ hai là ca ngợi Thiên Chúa. Các Ngài nhìn ngắm và thờ lạy Thiên Chúa.
 
B. CÁC THIÊN THẦN BỊ THỬ THÁCH
 
I. CUỘC THỬ THÁCH
 
Thiên Chúa ban cho các Thiên Thần ơn thánh hoá và sống trong tình nghĩa với Người. Nhưng các Ngài cần phải qua một cuộc thử thách để có thể đáng hưởng tình yêu của Thiên Chúa. Các Ngài cần dùng tự do của mình mà chấp nhận hay từ chối Chúa.
 
Chúng ta không thể biết cuộc thử thách đó là như thế nào song có thể quả quyết được là nó không quá sức các Ngài.
 
II. HẬU QUẢ CỦA CUỘC THỬ THÁCH
 
Những vị nào đã nhìn nhận quyền bính của Thiên Chúa, tức là thắng cuộc và được thưởng cách vĩnh viễn, tức là nhìn ngắm nhan Thiên Chúa mà không bao giờ có thể mất.
 
Các vị nào vì kiêu ngạo đã thua trận thì bị phạt, nghĩa là không thể hưởng nhan Chúa trên Thiên Đàng, và phải trầm luân đời đời trong hoả ngục. Thánh Phêrô trong bài thơ thứ hai (11,4) nói: “Thiên Chúa đã không tha thứ các Thiên Thần phạm tội; nhưng đã giam họ trong vực đầy tối tăm”.
 
Phần thưởng hay hình phạt của các Thiên Thần thì sẽ không bao giờ thay đổi; bởi vì các Ngài được tạo dựng nên trong tình trạng hoàn hảo.
 
C) CÁC THIÊN THẦN VÀ CHÚNG TA
 
I. CÁC THIÊN THẦN LÀNH VÀ CHÚNG TA
 
Có nhiều nơi trong Kinh Thánh nói đến vai trò trung gian của các Thiên Thần lành giữa Chúa và chúng ta.
 
1) Các Ngài yểm trợ chúng ta sống dưới thế. Theo Thánh Phaolô: "Các Ngài được cử đến phục vụ những ai đang tranh đấu để được cứu rỗi" (Heb 1-14).
 
2) Các Ngài dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện của chúng ta. Thiên Thần Raphael nói: “khi ngươi kinh nguyện, ta dâng kinh ấy cho Thiên Chúa” (Tobie 12-12).
 
3) Các Ngài dẫn chứng ta về trời, nếu chúng ta đã thắng trận. Dụ ngôn người giàu có và anh ăn mày có câu: “Rồi khi chết anh ăn mày được các Thiên Thần rước về trời” (Lc 16,22).
 
4) Mỗi người trong chúng ta đều có một Thiên Thần giữ mình. Khi nói về các trẻ em, Chúa phán: “Đừng khinh thường các trẻ em; Ta nói thật với các ngươi, bởi vì các Thiên Thần của chúng hằng nhìn ngắm mặt Cha Ta trên trời” (Mt 18,10).
 
Trong Tông đồ Công vụ, khi Phêrô đã được cứu thoát khỏi tù, và về gõ cửa thì các giáo hữu tưởng là chính Thiên Thần của ông gõ cửa (Act 12-15).
 
Giáo hội mừng lễ các Thiên Thần bản mệnh ngày 2 tháng 10. Chúng ta cần tỏ lòng tin vào các Ngài nhất là bằng sự kính nể các Ngài hiện diện bên chúng ta và bằng sự kêu cầu các Ngài khi gặp khó khăn.
 
II. CÁC THIÊN THẦN DỮ VÀ CHÚNG TA 
 
a) Có ma quỉ
 
Kinh Thánh, nhất là Phúc âm, rất minh xác về điểm này. Thường nói đến quỉ với nhiều tên: quỉ sứ, quỉ satan, quỉ dữ, thần dữ.
 
- Chúa Giêsu  để cho ma quỉ cám dỗ.
- Chúa Giêsu trừ quỉ ra khỏi nhiều người.
 
Khi giảng thuyết Ngài cũng xác nhận ma quỉ hoạt động trong thế gian. Chẳng hạn khi giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống. Ngài nói: “Những hạt rơi trên lề đường, tức là những ai chỉ nghe qua. Đoạn ma quỉ đến và cướp Lời Chúa ra khỏi lòng họ để họ hết tin và không được cứu rỗi” (Lc 8-12).
 
Dụ ngôn cỏ lùng: “Người gieo giống tức là Con Người. Đám ruộng ám chỉ thế gian. Giống tốt tức là con cái của nước trời. Cỏ lùng tức là con cái của thần dữ. Kẻ thù gieo cỏ lùng tức là ma quỉ” (Mt 13-37-39).
 
Khi Judas bán Chúa: “Satan nhập Judas Iscariote, là một trong số 12” (Lc 23-3).
 
Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền đuổi ma quỉ (Mt 10-1 và Mc 16-17).
 
Trong phụng vụ Giáo hội cũng có nhiều kinh xin Thiên Chúa ban sức mạnh để chống với ma quỉ: khi chịu phép Thánh Tẩy; khi dọn mình rước lễ trọng thể; khi làm phép nước và có nhiều lời nguyện trừ quỉ…
 
b) Ma quỉ nhiễu hại
 
Ma quỉ cũng có quyền, quyền hạn chế, để làm sự dữ. Bao giờ quyền của chúng cũng lệ thuộc vào quyền năng của Chúa.
 
1) Ma quỉ có thể hành hạ thể xác chúng ta. Phúc âm nói ma quỉ nhập vào nhiều người và nhiễu hại thân xác của họ bằng đủ cách.
 
Thời nay tại các xứ truyền giáo, cả tại các nước văn minh nữa, đôi khi cũng xảy ra những vụ quỉ ám.
 
Chuyện các thánh thường cũng gặp những vụ ma quỉ tìm cách phá phách các Ngài; chẳng hạn thánh Gioan Vianney, Cha sở họ Ars.
 
2) Ma quỉ làm hại các linh hồn. Nhờ sự cám dỗ, ma quỉ hằng cố sức đưa người ta đến sự dữ, nghĩa là phạm tội. Thánh Phêrô khuyên chúng ta giữ mình như thế nầy: “Anh em hãy tỉnh thức và ăn ở tiết độ. Vì ma quỉ, kẻ thù của anh em hằng rình chực và gầm thét như sư tử quanh anh em để tìm mồi nuốt sống. Hãy chống lại với chúng bằng một đức tin vững chắc” (1 Ep 5,8-9).
 
Để nhận thức rõ về việc ma quỉ cám dỗ cần phải biết ba điểm sau đây:
 
a) Khi bị cám dỗ, đừng tưởng rằng Chúa bỏ rơi chúng ta. Trái lại bị cám dỗ có thể là một bằng chứng Người yêu chúng ta cách đặc bịêt. Vì nhờ đó chúng ta có thể thêm công trạng. Thiên Thần Raphael bày tỏ như thế này với ông Tôbia: “Bởi vì người đẹp lòng Chúa; người cần được thử thách” (Tobie 12,13). Các vị thánh lớn thường bị thử thách nhiều.
 
b) Bị cám dỗ không phải là một tội. Không được lộn cảm thấy và ưng thuận. Có tội là từ khi chúng ta chấp thuận sự dữ mà trí khôn đưa đến. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin cho khỏi sa chước cám dỗ; chứ không xin cho khỏi bị cám dỗ. Chúa Giêsu mà cũng bị cám dỗ.
 
c) Không bao giờ bị cám dỗ quá sức mình.
 
Thánh Phaolô tuyên bố: “Sự thử thách đang xâm chiếm anh em không quá sức loài người. Thiên Chúa trung thành không để anh bị cám dỗ ngoài sức chống cự của anh em, và Người sẽ sắp đặt làm sao cho anh em có thể chịu được” (1 Cor 10,13).
 
Có những giờ chúng ta thốt ra: “Thật là quá sức tôi”. Khi đó cần dựa vào sức của Chúa trong kinh nguyện và các bí tích.
 
III. MỘT VÀI THỨ THÔNG GIAO VỚI MA QUỈ.
 
- Bói khoa là nhờ ma quỉ người ta biết được một số sự kiện mật (Divination).
- Ma thuật (hay quỉ thuật) nhờ ma quỉ người ta thực hiện một việc kỳ lạ (Magie).
 
- Khoa thần linh (Spiritisme) nhờ sự can thiệp của quỉ ma người ta liên lạc với thế giới thần linh.
 
Để phán đoán cho ngay thẳng trong những trường hợp này cần phân biệt:
 
a) Một số hành động do ảo thuật.
 
b) Một số sự kiện hoàn toàn tự nhiên hay do khoa học tạo nên.
c) Một sự kiện thật là do ma quỉ.
 
Trong đời sống hằng ngày, Giáo hội lấy thái độ khôn ngoan mà cấm nhặt các tín hữu tham gia vào các trò của khoa thần linh mặc dầu với lý do tọc mạch hay nghiên cứu. Giáo hội cũng cấm bói khoa, và quỉ thuật nếu rõ là có sự can thiệp của quỉ.