Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương II
CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ THIÊN CHÚA?

Chúng ta biết có Thiên Chúa và đó là chân lý nền tảng.
 
Nhưng cần phải biết nhiều hơn và tự nhiên chúng ta đặt câu hỏi: Thiên Chúa là gì?
 
Phải thú nhận rằng chúng ta lúng túng khi muốn trả lời câu hỏi này. Người ta chỉ trình bày cách rõ ràng những gì người ta biết chính xác. Đàng nầy như thánh Gioan đã tuyên bố: “Chưa một ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ” (1 Ep 4,12). Chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa sau nầy thôi, một khi đã về trời và bấy giờ như thánh Gioan đã nói, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa trong bản tính Người” (1 Ep 3-2). Thánh Phaolô cũng dạy như thế: “Bây giờ thì chúng ta thấy Thiên Chúa như qua tấm gương, thấy cách lu mờ; nhưng lúc ấy chúng ta sẽ thấy Chúa nhãn tiền” (1 Cor 13-12).
 
Nhưng hiện giờ chúng ta có ánh sáng của lý trí và của mạc khải để nói về bản tính của Thiên Chúa.
 
I. LÝ TRÍ NÓI VỀ THIÊN CHÚA?
 
Nếu chúng ta căn cứ trên ba bằng chứng trên đây chúng ta có thể kết luận như sau:
 
A) THIÊN CHÚA LÀ NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT:
 
Nguyên nhân đệ nhất hay Đấng tự hữu, nghĩa là Thiên Chúa không do một ai khác, một ai ngoài Người mà có. Người tự mình mà có và tất cả mọi loài khác đều do Người sáng tạo nên. Cho nên:
 
1) Chỉ có một Thiên Chúa. Giả thuyết có nhiều Thiên Chúa là nhìn nhận của nhiều nguyên nhân đệ nhất, như thế là vô lý. Thế giới thần thoại của thời xưa cũng tưởng có nhiều vị thần và người ta đã hình dung các vị ấy với những tình dục của con người. Hình dung thần thánh như con người thì không còn gì là Thiên Chúa nữa.
 
2) Thiên Chúa là một Vị toàn thiện toàn hảo. Nếu Thiên Chúa không toàn thiện toàn hảo thì tự nhiên bản tính của Ngài phải có giới hạn, phải tận cùng. Và nếu Người không toàn thiện toàn hảo thì Người có thể nhận sự thiện nơi một Đấng khác thiện hảo hơn và như thế Người không còn là nguyên nhân đệ nhất nữa.
 
3) Thiên Chúa hằng có đời đời. Người không bao giờ bắt đầu và cũng không bao giờ hết. Giả sử Người đã có khởi điểm, như thế có một lúc Người đã không có và có một lúc Người đã ra đời. Như thế mâu thuẫn với ý niệm nguyên nhân đệ nhất. Giả sử rằng Người có thể cáo chung hay nói là Người có thể hết, tức là nói Người không toàn thiện. Bởi lý do là Đấng toàn thiện không thể bị ai tiêu diệt được.
 
B) THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN ĐỆ NHẤT CỦA SỰ SỐNG
 
Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Và sự sống nơi Người thì không có những khuyết điểm và ranh giới như nơi các loài khác. Sự sống đó, có những đặc điểm sau đây:
 
1) Thiên Chúa hoàn toàn linh thiêng. Thiên Chúa không có thể xác. Thiên Chúa có thể xác tức là Thiên Chúa có giới hạn, tức là Thiên Chúa không toàn thiện. (Khi diễn tả Thiên Chúa, Kinh thánh và cả chúng ta nữa thường dùng hình ảnh như: Chúa thấy, Chúa nghe, ngón tay của Thiên Chúa, mắt của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không thấy với hai con mắt, nghe với hai lỗ tai… như chúng ta).
 
2) Thiên Chúa vô cùng thông minh. Thiên Chúa thông biết mọi sự và biết mọi cách hoàn toàn, không thể lầm lẫn dẫu là trong sự nhỏ nhặt nhất. Những gì có Người biết hết, kể cả những tư tưởng kín mật của chúng ta nữa. Dĩ vãng, hiện tại và tương lai Người thấy tất cả trong hiện tại. Nơi Thiên chúa không có trước, không có sau. Thời gian cần cho thụ tạo. Thiên Chúa sống ngoài thời gian.
 
VẤN ĐỀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI VÀ SỰ THÔNG MINH CỦA THIÊN CHÚA
 
Người ta vấn nạn: Nếu Thiên Chúa biết cả tương lai, phải chăng chúng ta không còn tự do làm những gì chúng ta muốn?
 
Chúng ta có thể trả lời như thế nầy:
 
a) Mỗi khi chúng ta không nhìn nhận ra mối liên quan giữa hai sự kiện, chúng ta không có quyền phủ nhận sự kiện nào cả. Chúa biết tương lai là một sự kiện và tự do của con người là một sự kiện khác.
 
Thiên Chúa có biết tương lai chăng? – Có, Người biết tương lai; vì nếu không, thì tức là nhìn nhận Thiên Chúa khuyết điểm.
 
Con người có tự do chăng? – Con người có tự do. Và tất cả chúng ta ai cũng bảo vệ tự do của mình như một giá trị quí nhất đời ta. Đàng khác những quan niệm: trách nhiệm, thưởng phạt, chỉ có nghĩa khi người ta nhìn nhận có tự do.
 
Thế nghĩa là phải chấp nhận hai sự thật này: Thiên Chúa biết tương lai và con người có tự do.
 
b) Lý do tại sao chúng ta không thấy mối liên quan giữa hai thực tại nầy là vì chúng ta không nhận ra Chúa thông biết bằng cách nào. Khi nói Thiên Chúa biết quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta diễn tả theo lối biết của nhân loại một thực tại mà trí óc con người không nhận thấy. Chúa hiểu biết các sự việc ngoài thời gian và biết cách đầy đủ không mảnh vụn như chúng ta. Thiên Chúa biết mọi sự trong một hiện tại vĩnh cửu: đối với Thiên Chúa không có dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Do đó mà chúng ta không thể giải quyết vấn đề được.
 
c) Không thể giải quyết nhưng ít nữa chúng ta có thể nói rằng không có gì mâu thuẫn khi chấp nhận Chúa biết tương lai và con nguời vẫn tự do. Mâu thuẫn là chẳng hạn quả quyết rằng một người trên trần gian này biết trước việc người khác sẽ làm và người sau vẫn tự do. Mâu thuẫn là vì con người biết trước một sự việc chắc chắn sẽ xảy đến là nhờ sự hiểu biết các định luật nhất định. Mà nếu một sự việc xảy đến do một định luật nhất định thì không còn tự do nữa. Còn Thiên Chúa sống ngoài thời gian và ngoài những định luật thiên nhiên. Người có thể biết trước những gì chúng ta sẽ chọn và hành động.
 
3) Thiên Chúa toàn năng. Khi tìm hiểu thế giới vô cùng lớn lao và thế giới vô cùng nhỏ bé, chúng ta có thể nhận thấy Thiên Chúa toàn năng đến mức nào. Đàng khác nếu Người không toàn năng tất nhiên Người cũng không hoàn hảo và như thế tất phải phủ nhận Thiên Chúa toàn thiện. Mà không toàn thiện thì không còn là Thiên Chúa nữa.
C) THIÊN CHÚA LÀ CHỦ CỦA CHÂN LÝ
 
Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối. Tất cả nơi Người đều hướng về sự lành, sự thiện. Chính Người là sự thiện. Tất cả những gì tốt lành nơi thụ tạo đều là phản ảnh của con Người. Mặt khác Thiên Chúa không có một trách nhiệm gì đối với chúng ta; Người chỉ có quyền trên chúng ta thôi. Và con người cũng không có quyền nào trên Thiên Chúa nhưng chỉ có nhiệm vụ đối với Người thôi.
 
Chẳng hạn, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta chỉ thi hành bổn phận của chúng ta, bổn phận thờ phượng, tạ ơn và xin tha thứ. Không khi nào kinh nguyện của chúng ta có thể trình bày một đòi hỏi nào, một yêu sách nào, cả khi chúng ta xin một việc gì.
 
II. KINH THÁNH DẠY GÌ VỀ THIÊN CHÚA?
 
“Thuở xưa Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua trung gian các tiên tri. Bây giờ người nói với chúng ta qua trung gian Con Người” (Heb 1,1).
 
Toàn bộ Kinh thánh là lịch sử của Lời Chúa. Con người đã tuần tự nhận biết Thiên Chúa, nhận biết Người một cách sâu xa nhờ lời Chúa hơn là nhờ lý trí.
 
a) Cựu ước
 
Trong Cựu ước Thiên Chúa hiện ra như một nhân vật sống động. Người chăm sóc đến dân Người như một người thân yêu để nối lại với nhân loại những mối dây liên lạc đã bị tội lỗi cắt đứt. Các tác giả của Kinh thánh phải dùng từ ngữ của con người để diễn tả những chân lý siêu nhiên nên có khi hình dung Thiên Chúa với những cử chỉ của con người: nói chuyện thân mật với Adong, tỏ bày khuôn mặt, giơ tay… cả với tâm tình của con người nữa, như thoả mãn trước công trình sáng tạo, như giận dữ, như vui thú, như hối tiếc… Thiên Chúa không phải là một vị thần lạnh lùng, trừu tượng. Trái lại Người là một nhân vật bang giao với nhân loại như người với người.
 
Dân Do Thái sống ở giữa dân ngoại luôn luôn bị lôi cuốn thờ phượng Jahvé với những ngẫu tượng như họ. Để ngăn ngừa dân ấy sa vào lầm lẫn thô bỉ kia, các tiên tri hằng nhắc nhở họ biết rằng Thiên Chúa của họ cao cả và trọng đại hơn mọi thần thánh.
 
- Thiên Chúa chỉ có một. “Thật thế, chỉ có Ta là Chúa và không ai khác. Ta là Thiên Chúa và không một ai ngang hàng với Ta” (Is 46-9).
 
- Thiên Chúa là đấng tối cao đã hiện ra với Maisen giữa sấm sét; tư tưởng và dự định của Người thì không ai có thể khám phá ra được (Job).
 
- Thiên Chúa thánh thiện tuyệt hảo - Người đời phải tới gần trong kính sợ. Không ai có thể nhìn thẳng vào mặt Người.
 
- Thiên Chúa vĩnh cửu. “Trước khi có sông núi, trước khi trời đất sinh ra, Lạy Chúa, Chúa hằng có” (C.V. 90-2).
 
- Thiên Chúa toàn năng “Chúa chúng ta ngự trên trời. Người làm tất cả gì Người muốn” (Cv. 115-3).
 
- Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi. “Con lên trời thì có Chúa đó, con xuống âm phủ, Chúa cũng có đó, nếu con bay về chân trời và nếu con đến tận cùng nước biển, tại đó cũng chính do bàn tay Chúa dẫn con đến” (Cv. 139; 8-10).
 
Thiên Chúa cao cả, uy nghiêm và toàn năng đòi hỏi chúng ta thờ lạy và kính sợ.
 
Những đặc tính ấy như đào sâu một cái hố giữa Chúa và thụ tạo, sâu đến nỗi không ai lấp được. Mặc dầu cũng nên biết rằng các tiên tri có lần đã nói Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta, Thiên Chúa trung thành với lời hứa, Thiên Chúa tốt lành đến mức âu yếm: “Ta đã tập đi đứng cho Ephraim, Ta đã bồng bế chúng trong tay, Ta đã đối xử với chúng như người mẹ áp đứa con vào má”(Osée 11; 3-4).
 
b) Tân ước
 
“ Chưa bao giờ một ai đã thấy Thiên Chúa: Con Một trong lòng Chúa Cha, chính Ngài đã mặc khải Thiên Chúa” (Jn 1-18). Mầu nhiệm mà các tiên tri chỉ mới gợi lên, thì bây giờ được bày tỏ rõ ràng nhờ uy thế của Con Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương chúng ta” và đây là Tin mừng đầy dẫy trong các sách của Tân ước.
 
Bộ Phúc âm nhất lãm chép lại bài giảng chính của Chúa Giêsu: Thiên Chúa là Cha của chúng ta, một người Cha săn sóc chúng ta tận tình, một người Cha mà chúng ta có hân hạnh kêu cầu, một người Cha yêu ta đến độ tha thứ những hành động xúc phạm đến Người. (Lc 15).
 
Thánh Phaolô nói Thiên Chúa là Cha chúng ta, chẳng những vì đã sáng tạo nên chúng ta mà nhất là Người đã ban sự sống thần linh ơn thánh cho chúng ta, đã nâng chúng ta lên địa vị thiên tử có quyền hưởng gia tài của Người. (Gal 4; 5-7).
 
Thánh Gioan tông đồ, vị đã được hân hạnh sống trong tình thân mật của Chúa Kitô, đã nhờ Chúa Kitô dạy rằng Thiên Chúa kêu mời chúng ta đi vào trong một mối tình rất là sâu đậm: “Các con sẽ biết Ta ở trong Cha và các con trong Ta và Ta trong các con” (Jn 14-20). Nhờ thánh Gioan mà chúng ta nhận được lời mặc khải vô cùng quí hoá, lời mặc khải nói cho chúng ta biết bản tính của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là yêu thương” (1 Jn 4,16).
 
Biết Thiên chúa nhờ Kinh thánh và biết Thiên Chúa nhờ lý trí khác xa nhau vô cùng.
 
III. TRUYỀN THỐNG NÓI GÌ VỀ THIÊN CHÚA?
 
Cộng đồng Vatican I (1870) tóm lược đức tin của Giáo hội về Thiên Chúa như sau: “Giáo hội tin rằng chỉ có một Thiên Chúa, chân thật và hằng sống, Tạo hoá và Chúa của trời đất, toàn năng, đời đời, vô giới hạn, lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể quan niệm, có trí thông minh vô cùng, có ý chí và tất cả mọi khả năng toàn thiện, Đấng linh thiêng, bất di bất dich, tách biệt khỏi thế giới, vượt lên trên hết mọi loài có thể tưởng tượng được”.
 
Mấy hành động đặc biệt này chỉ tổng lược đức tin truyền thống xưa nay luôn luôn trung thành với Mạc khải, Giáo hội dạy tín đồ sống thân mật với Thiên Chúa và cũng không bao giờ quên dạy rằng Thiên Chúa vô cùng lớn lao.
 
IV. KẾT LUẬN
 
Để kết thúc chương này, chúng ta hãy đọc câu kinh rất cảm động của thánh Augustin. “Lạy Chúa tôi, Chúa là gì? Chúa là ai? nếu không phải là Thượng Đế, là Thiên Chúa vô cùng uy nghiêm, đồng thời cũng vô cùng tốt lành; quyền năng của Chúa tôi chẳng những rất cao mà là vô cùng. Chúa tôi rất nhân từ và cũng rõ rệt hơn cả: tốt đẹp nhất, hùng mạnh nhất, vững chắc và không sao hiểu thấu được, bất di bất dịch và nguyên nhân của mọi thay đổi, không bao giờ mới và cũng không bao giờ cũ, luôn luôn hoạt động và cũng luôn luôn nghỉ ngơi. Lạy Chúa, lời con nói lên thì thấm gì với sự thật nơi Chúa? Khi nói về Chúa người ta nói gì được?.
 
Như chúng ta vừa thấy, Mạc Khải đem đến cho chúng ta những ánh sáng rất quí hoá về bản tính Thiên Chúa. Những ánh sáng ấy giúp chúng ta vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, một hành động mà lý trí con người không sao làm được. Chúng ta đi vào trong đời sống của Thiên Chúa và như thế tấm màn phân tách nhân loại và Thiên Chúa đã được hé mở. Thánh Phaolô nói: “Không ai biết được Thiên Chúa là gì, chỉ có Thần Linh của Thiên Chúa mới biết được, vì Thần Linh ấy thấu suốt mọi sự, cả những vực sâu trong Thiên Chúa nữa… Và chúng ta, chúng ta đã nhận lãnh Thần Linh từ Chúa đến…” (1 Cor 2,11-12).
 
Mầu nhiệm lớn nhất Mạc Khải đã công bố là Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.