Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Chương III
ĐỜI SỐNG NỘI TẠI CỦA THIÊN CHÚA
MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI

I. ĐỜI SỐNG CỦA THIÊN CHÚA
 
Thiên Chúa là nguồn của mọi sự sống và chính Người cũng sống. Nhưng sự sống của Người khác hẳn sự sống của nhân loại, vì nhân loại có xác hợp với linh hồn. Sự sống của Thiên Chúa cao quý hơn nhiều, vì Thiên Chúa không có thể xác và hoàn toàn tốt đẹp, vô cùng thiện hảo.
 
Vì không có một điểm tương đồng nào giữa con người và Thiên Chúa, nên nếu Chúa Kitô không đến mạc khải thì chúng ta không có cách nào hiểu biết bản tính nội tại của Người. Chúa Kitô là Thiên Chúa và đồng thời cũng là một người. “Chưa bao giờ một ai đã biết Thiên Chúa: nhưng Con Một trong lòng Cha đã cho chúng ta biết Thiên Chúa” (Jn 1,18).
 
Vậy nếu chúng ta có biết được đời sống nội tại của Thiên Chúa là nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, và chỉ nhờ lời ấy mà thôi, tức là Phúc âm.
 
II. MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
 
Điểm căn bản của Phúc âm về đời sống của Thiên Chúa là chỗ nầy: Tự đời đời Thiên Chúa là Cha; Người có một người Con cũng đời đời như Người, cũng toàn thiện như Người, nghĩa là ngang hàng với Người trên mọi mặt; và trong đời đời Chúa Cha kết hợp với Chúa Con bởi Chúa Thánh Thần, cũng ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con, đời đời và toàn thiện như Chúa Cha và Chúa Con.
 
Bởi vì chỉ có một Đấng toàn thiện, nên chỉ có một Thiên Chúa. Chúng ta đã chứng minh trong chương II. Nhưng Thiên Chúa độc nhất lại là Cha, ConThánh Thần mà vẫn Thiên Chúa duy nhất: một bản tính trong ba ngôi vị; đây là một sự thật huyền nhiệm vượt hẳn khả năng hiểu biết của chúng ta. Đó là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
 
III. MẦU NHIỆM Ở CHỖ NÀO?
 
Điểm không hiểu được nơi mầu nhiệm một Chúa trong ba Ngôi vị, không phải ở chỗ vấn đề biết thế nào 3=1, như thể nói ba Thiên Chúa là một Thiên Chúa. Nói như thế là cả một sự vô lý và sai lầm. Ba Chúa không có thể kết thành một Thiên Chúa.
 
Chúng ta nói rằng ba “Ngôi vị” thần tính chỉ là một “bản thể” thần tính. Đây là một cách nói khác hẳn và không vô lý.
 
Để hiểu chân lý nầy, chúng ta cần biết đích xác “Ngôi vị” Thiên Chúa là gì và “bản thể” Thiên Chúa là gì? Trên thế gian này, chúng ta chỉ thấy có bản thể nhân tính, và mỗi lần, bản thể ấy thể hiện thời lại thể hiện trong một ngôi vị nhân tính duy nhất. Mỗi người quanh chúng ta đều có một bản thể nhân tính và đồng thời cũng chỉ là một ngôi vị duy nhất được gọi với một tên riêng.
 
Vì những lý do ấy mà chúng ta không thể hiểu trong Thiên Chúa làm sao ba Ngôi vị lại chia sẻ một bản thể duy nhất. Mầu nhiệm là ở chỗ đó.
 
IV. MẠC KHẢI MẦU NHIỆM
Nếu chúng ta không thể hiểu được một Thiên Chúa trong ba ngôi vị là như thế nào, thì ít ra chúng ta chắc chắn là có một Thiên Chúa trong Ba Ngôi và như vậy, thì cũng quý hoá lắm rồi.
 
a./ Cựu ước khi nói đến Thiên Chúa thì chỉ nhấn mạnh về một bản thể độc nhất. Cũng dễ hiểu: sống giữa bao nhiêu dân tộc đa thần, dân Do Thái có sứ mạng bảo vệ chân lý một Thiên Chúa duy nhất. Nếu bấy giờ mạc khải cả mầu nhiệm Ba Ngôi nữa thì sợ họ lầm tưởng có ba Thiên Chúa (Đức tin của dân Do Thái cũng còn non nớt vì thế mà nhiều lần họ đã bị đa thần chi phối)
 
b./ Đến để bổ túc Cựu ước, Tân Ước chú trọng đến việc mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi. Thiên Chúa nhận thấy nhân loại đã sẵn sàng đón nhận điểm mới này. Đàng khác, một Giáo Hội sẽ được thành lập để bảo vệ nguyên vẹn chân lý một Thiên Chúa trong ba ngôi vị.
 
V. CHÚA KITÔ DẠY VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
 
a/ Trong Phúc Âm Chúa Kitô thường nói đến Ba Ngôi phân biệt nhau song cả ba chỉ là một Thiên Chúa toàn thiện.
 
1/ Chúa Cha: sau đây là hai dẫn chứng đặc biệt giữa bao nhiêu lời khác.
 
“Lạy Cha, Chúa cả trời đất, con ca ngợi Cha, vì Cha đã che giấu Tin Mầng không cho kẻ khôn ngoan và thông thái biết mà tỏ ra cho người khiêm nhường” (Mt 11,25).
 
“Lạy Cha, sống đời đời là biết Cha, Thiên Chúa chân thật và độc nhất và biết người Cha sai đến, là Giêsu Kitô” (Jn 17,1 và 3).
2) Chúa Con: Chúa Kitô còn cho biết Chúa Cha có một người Con và người Con ấy cũng chính là Ngài. Trong ba trường hợp Ngài quả quyết Ngài là Con Thiên Chúa.
 
Một lần Ngài hỏi các Tông đồ người ta nghĩ gì về Ngài. Đoạn Ngài thêm: “Còn chúng con, chúng con nói Thầy là ai?” – Simon phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chẳng những Ngài chấp nhận lời tuyên bố của Phêrô, mà Ngài còn tán thưởng Phêrô đã nhân danh 12 anh em để trả lời: “Simon, con Gioan, con có phúc; bởi vì không phải thịt, máu đã cho con biết điều ấy mà là chính Cha Ta trên trời” ( Mt 16,13-18).
 
Một lần khác tại Giêrusalem, người Do thái vây quanh Ngài và hỏi Ngài: “ Nếu ông là Đức Kitô, thì hãy nói thật đi”. Chúa Giêsu trả lời: “Ta đã nói với các ngươi rồi song các ngươi không tin… Cha Ta và Ta, chúng tôi chỉ là một”. Người Do thái lấy đá định ném Ngài. Chúa Giêsu thêm: “ Làm sao các ngươi có thể tố cáo là nói phạm thượng Người mà Chúa Cha đã tấn phong để sai xuống trần gian, vì Ta đã nói: Ta là Con Thiên Chúa… Ít nữa hãy tin vào việc Ta làm và nhờ đó các ngươi sẽ nhận biết Cha trong Ta và Ta ở trong Cha” (Jn 10; 22,39).
 
Sau nầy, nhân cuộc xứ án Ngài, lúc đứng trước mặt Caipha, vị thượng tế hỏi Ngài: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, Ta khiến Ngươi hãy nói Ngươi có phải là Đức Kitô, Con Thiên Chúa chăng?”. Chúa Giêsu đáp: “Thật như ngài vừa nói”. Tức thì vị thượng tế xé áo mình ra và nói: “ Nó đã phạm thượng” (Mt 63.26,26).
 
3) Chúa Thánh Thần
 
Chiều thứ năm Tuần Thánh, tại phòng tiệc ly, Chúa Giêsu tâm sự lần cuối cùng với các tông đồ. Ngài báo tin cho họ biết Chúa Thánh Thần gần đến. Sau đây là hai đoạn:
 
“ Đấng bênh vực, Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy là vị sẽ dạy chúng con về mọi sự và sẽ nhắc lại cho các con những gì Thầy đã nói” (Jn 14,26).
 
“ Khi nào Thánh Thần đến, Đấng mà Ta sẽ sai cho chúng con từ Chúa Cha, Đấng ấy là Thánh Thần của chân lý do Chúa Cha mà ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Jn 15.26).
 
b) Có những đoạn trong Phúc âm nói đến Ba Ngôi chung với nhau, chứ không nói riêng rẽ nữa.
 
Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa tội “Trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình bồ câu và một tiếng như từ trời phán: Người là Con Ta rất yêu mến, hằng làm cho Ta được toại nguyện” (Lc 3,21).
 
Ngày Chúa Giêsu lên trời, Ngài dạy các tông đồ: “Hãy đi giảng dạy cho mọi dân tộc và rửa tội họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28, 19)
 
VI. CHÚA BA NGÔI VÀ CHÚNG TA:
 
Nếu chỉ nhìn qua thì không thấy mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi có thể ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Chúa cao trọng thế kia và nhất là có vẻ xa chúng ta quá!
 
Thiên Chúa Ba Ngôi làm sao có thể trực tiếp liên quan đến con người trần thế?
 
Thế mà trong thực tế không có chân lý nào khác quan trọng hơn, có thể biến đổi đời sống của chúng ta hơn. Ba điểm sau đây sẽ thuyết phục chúng ta.
 
a) Trong mỗi giây phút mỗi người chúng ta đều thụ ân của Chúa Ba Ngôi.
 
Chúa Cha đã sáng tạo vũ trụ, Người cũng đã dựng lên linh hồn của chúng ta và Người không ngừng tỏ ra tình thương của Người bằng yểm trợ chúng ta trong mọi hoàn cảnh và hằng chấp nhận kinh nguyện của chúng ta theo định hướng của Người.
 
Chúa Con nhờ mầu nhiệm nhập thể mà đã thành một người giữa chúng ta, đã cho chúng ta nhận biết Chúa Cha, đã chết đau đớn để cứu thoát chúng ta và đã trả lại cho chúng ta cái quyền làm con cái của Thiên Chúa và sau này được hưởng hạnh phúc nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi nhãn tiền.
 
Còn Chúa Thánh Thần thì từ ngày chúng ta lọt lòng mẹ, Ngài đã hoạt động trong tâm hồn chúng ta, Ngài không ngừng thánh hoá chúng ta, nghĩa là ban cho chúng ta sự sống của Chúa Ba Ngôi.
 
Như thế nghĩa là thay vì xa lạ với con người, Chúa Ba Ngôi thiết thực săn sóc mỗi một người chúng ta. Ý thức được vai trò thần diệu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta có thể thân mật bang giao với các Ngài: Chúa Cha đã dựng nên chúng ta; Chúa Con đã cứu thoát chúng ta và Chúa Thánh Thần thánh hoá chúng ta.
 
b) Nhờ ơn thánh chúng ta trở nên thành phần của gia đình Chúa Ba Ngôi. Chính Thánh Phaolô đã dạy chúng ta chân lý nầy:
“Anh em không còn là người dưng hay khách lạ nữa; anh em là những đấng thánh đồng địa vị với các thánh; anh em là con cái trong gia đình Thiên Chúa” (Eph 2.19).
 
Khi ban cho chúng ta ơn thánh hoá, Chúa Cha đã nhận chúng ta như những nghĩa tử. Cũng chính thánh Phaolô tuyên bố điểm này: “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài… để làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử… Ngươi thấy chưa, ngươi không còn là nô lệ, ngươi là con cái. Mà nếu là con cái thì ngươi cũng là thừa tự của Thiên Chúa nhờ ơn thánh của Người” (Gal 4, 4-8).
 
Thánh Gioan ngay trong đoạn nhập đề Phúc Âm, cũng đã nói đến sự kiện siêu nhiên này: "Tất cả những ai đón nhận Người, Ngôi Lời đã cho họ quyền làm con Thiên Chúa".
 
Thiên Chúa có thể nói về mỗi người chúng ta lời mà Người đã thốt ra về Chúa Giêsu lúc chịu thánh tẩy và lúc biến hình trên núi Tabor: “Người nầy là con Ta yêu mến và hằng thoả lòng Ta” (Lc 3,22;17,5).
Mỗi ngày khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta nhắc lại địa vị làm con Thiên Chúa.
 
c) Nhờ sống trong ơn thánh, mỗi người chúng ta là toà ngự của Ba Ngôi
 
Đây là một chân lý lạ lùng. Nếu chúng ta ý thức được và căn cứ trên đó mà sống thì đời chúng ta phải được thay đổi toàn diện. Chúa Ba Ngôi ngự trị trong chúng ta là một sự thật được Chúa Kitô tuyên bố rõ ràng và quyết liệt đến mức mà chúng ta không còn cách nào để nghi ngờ. Ngày thứ năm Tuần thánh, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Người nào yêu mến Thầy, chúng tôi sẽ đến với họ và sẽ ở trong họ” (Jn 14-23).
 
Và thánh Phaolô vì quá thâm hiểu mà đã nhắc đi nhắc lại trong thơ gởi cho giáo đoàn Corinthô: “anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần ngự trong anh em sao? Đền thờ của Thiên Chúa thì phải thánh và chính anh em là đền thờ ấy” (1 Cor 3,16,17).
 
“Anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trị trong anh em sao?” (1 Cor 6,19).
 
Thánh Phaolô còn đi xa hơn: “không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).
 
Nếu chúng ta ý thức đủ sự hiện diện thần kỳ Chúa Ba Ngôi trong chúng ta, và nhờ đó mà sống, thì kinh nguyện của chúng ta phải là một cuộc đối thoại thân mật với Chúa; nhiệm vụ hằng ngày của chúng ta phải là một công việc làm chung với Thiên Chúa; đồng thời chúng ta phải nhận thấy sự tốt đẹp và trong sạch của một đền thánh đáng cho Chúa ngự trị. Nhờ đó chúng ta sẽ không dám làm hoen ố thể xác chúng ta, vì nó là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa (1 Cor 6,15).
 
VII. CHÚA BA NGÔI VÀ PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI
 
Trong năm Phụng vụ có một lễ đặc biệt dâng kính Chúa Ba Ngôi, tức là Chúa nhật thứ nhất sau lễ Hiện xuống.
 
Ngoài ra, tín điều Một Chúa Ba Ngôi còn chiếm một chỗ trọng yếu trong các kinh chính thức của Giáo hội. Một số lớn những kinh ấy nhắc nhở ta tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi.
 
Chẳng hạn những mẫu kinh sau đây:
 
- Dấu Thánh giá diễn tả đức tin của chúng ta đối với mầu nhiệm Cứu chuộc và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
- Kinh Sáng danh sau mỗi Ca vịnh.
- Trong Thánh lễ có nhiều kinh diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
- Những lời nguyện trong lễ nghi Thánh tẩy.
- Lời xá giải trong phép rửa tội.
- Các lời nguyện khi ban phép lành.
 
VIII. PHẦN KẾT THÚC THỰC HÀNH: MỐI BANG GIAO GIỮA CHÚNG TA VÀ CHÚA BA NGÔI
 
Tất cả trong chương nầy chúng ta thấy phần chính yếu của đạo Kitô. Vậy một người Kitô chính danh là gì?
 
Thưa là người mà suốt đời mình thật sự muốn sống như:
Người con của Chúa Cha
Người em của Chúa Giêsu
Người chiến sĩ của Chúa Thánh Thần.
 
Tôn sùng Chúa Cha:
 
Nếu chúng ta muốn trở thành những đứa con của Chúa Cha, chúng ta phải cố gắng lãnh nhận thánh ý của Người trong mọi hoàn cảnh, nghĩa là vâng lời những vị thay mặt Người (cha mẹ, các đấng bề trên), thi hành nhiệm vụ hằng ngày cho hết sức và thể hiện sứ mạng Chúa giao phó trong địa vị chúng ta. Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha, đầu tiên đã nhấn mạnh trên điểm chính yếu này: “Thức ăn của Ta là thi hành ý muốn của Cha Ta và thực hiện công việc của Người” (Jn 3,34) – “Ta xuống trần gian không phải làm theo ý Ta; nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Jn 6, 38) – “Lạy Cha, không phải theo ý con, mà theo ý Cha” (Lc 22,24).
 
Tôn sùng Chúa Con:
 
Nếu chúng ta sống thật sự như những người em của Chúa Kitô, chúng ta phải cố gắng gắn bó với Ngài; cố gắng dựa trên Phúc âm của Ngài mà sống, mà suy nghĩ, mà phê phán; sau hết lấy gương Ngài làm mực thước cho đời chúng ta. Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta về điểm này khi ngài viết: “Những ai Thiên Chúa đã biết trước, Người tiền định họ phải là hình ảnh của Con Người, để Con Một Người làm anh cả của nhiều anh em” (Rom 8,29).
 
Để được thế, chúng ta phải đưa vào trong đời sống của chúng ta sự vâng lời của Ngài, sự kiên nhẫn của Ngài, sự siêu thoát của Ngài, tình yêu của Ngài đối với mọi người; tinh thần kinh nguyện của Ngài.
 
c/ Tôn sùng Chúa Thánh Thần:
 
Xưa kia ngày lễ Hiện xuống Thánh Thần đã thực hiện những công việc thần kỳ nơi các tông đồ. Các ông là những người dốt nát, thế mà Người đã làm cho thành những trí óc thông minh. Chính Chúa Giêsu  đã hứa với họ: “Thánh Thần của chân lý sẽ dẫn đưa chúng con vào trong chân lý toàn diện” (Jn 16,13), các ông là những người nhát gan, thế mà Người đã làm cho thành những anh hùng không biết sợ chết. Trước khi về trời Chúa Giêsu đã dặn họ: “Hãy lưu lại trong thành (Jérusalem) cho đến khi chúng con nhận lãnh sức mạnh của Đấng tối cao” (Lc 24,49).
 
Còn chúng ta cũng thế, chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần ngày chịu Thánh Tẩy và Thêm Sức. Để trung thành với Thánh Thần chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những ơn soi sáng của Người; hợp tác với Người để thánh hoá bản thân chúng ta; đừng bao giờ gây chướng ngại cho Người và phổ biến đức tin của chúng ta chung quanh chúng ta.