Người dịch: Lê Văn Viện
Chương 21 & 22

Marcel nhấc điện thoại lên, cô thư ký trong văn phòng anh ở thành phố đáp ngay. "Sáng nay có gì đặc biệt không?" anh hỏi.
"không, thưa ông Campion. Tôi không tiếp khách trong buổi sáng như ông đã dặn".
"Tốt. Tôi sẽ đến văn phòng trước bữa ăn trưa".
"Nếu có gì xảy ra thì tôi có thể liên hệ với ông ở văn phòng của ông Schacter không ạ?"
"Không, tôi không muốn bị làm phiền ở đấy".
Marcel đặt điện thoại xuống rồi đi ra bằng lối riêng, nơi xe và tài xế của anh đang đợi. Anh dừng một lát, nhìn lại toà nhà đá xám. Niềm kiêu hãnh dâng lên trong anh. Đấy là một trong những ngôi nhà tao nhã cuối cùng trên đại lộ Công Viên. Mà lại ở góc đường nữa.
May mà nó không đủ lớn cho một sứ quán, bằng không thì giá cả là không thể với tới được. Tuy nhiên, nó vẫn quá rộng đối với anh. Mười ba phòng. Hãng điền thổ cười một cách ngượng ngùng. "Một số người cho rằng đây là con số không may mắn".
Marcel cười, nhớ lại các con bạc vốn rất mê tín với các con số. Đối với anh thì con số nào cùng vậy cả. Ngôi nhà thế nào thì nó cứ thế, dù có cố tình gắn cho nó con số may mắn hoặc rủi ro. "Không hề gì. Tôi không để ý chuyện đó".
Thoả thuận xong, anh đã chuyển đến, thậm chí trước khi thợ thuyền hoàn tất việc sửa sang. Anh không thể ở thêm, dù chỉ một ngày tại cái khách sạn mà anh đã đến ở sau khi ly thân với vợ. ở đấy, anh có cảm giác mọi chuyện riêng tư của mình cứ thẩm thấu về với vợ anh và cha cô ấy. Cánh nhân viên khách sạn rất dễ hối lộ.
Một điều nữa anh ưng ở đây là lối ra vào riêng. Bằng cửa này, anh có thể lên thẳng các căn của mình, nếu cần, mà không phải đi qua các tầng nhà. Như vậy thật hữu ích khi anh đặc biệt không muốn người hầu kẻ hạ  biết anh đi, về hoặc biết những người khách của anh.
Marcel không ảo tưởng về mình. Anh nổi tiếng đâu chỉ vì tên anh xuất hiện liên tục trên báo chí. Chỉ giản dị là tiền. Nó đã làm anh trở nên hấp dẫn đến sửng sốt.
Anna, cha cô và các luật sư của họ đang đợi khi anh đến toà án. "Xin chào" anh vui vẻ nói.
Anna không trả lời, cái nhìn ủ rũ trên mặt cô càng nhấn thêm vệt sẫm nơi mép cô, nó cứ trơ ra sau bao điều trị công phu và tốn kém. Amos Abidijan lầu bầu gì đó không rõ để trả lời. Hai luật sư cô họ bắt tay anh. Marcel liếc hỏi luật sư của mình. Schacter đằng hắng. "Tôi nghĩ tốt nhất là đợi ông đến".
Marcel gật đầu. "Cảm ơn".
"chúng ta bắt đầu thôi" Schacter hắng giọng. Đây là công việc thường ngày và cũ rích của ông. Những người giàu có và những cuộc ly hôn của họ. Tiền bao giờ cũng là vấn đề phức tạp nhất. Bao nhiêu tiền không thành vấn đề, chẳng bao giờ đủ cho cả hai bên. Người này hoặc người kia bao giờ cũng cho rằng ông ta hoặc bà ta phải được phần lớn hơn.
"Thường thì tôi cố hoà giải" ông nói trơn tru "nhưng hai bên từng nhất trí rằng sự thể đã đến mức mà những cố gắng ấy không còn thực tế nữa" Ông chờ một lát rồi tiếp tục. "Vậy chúng ta phải đạt được một thoả thuận tốt nhất giữa hai bên để ly dị với những ảnh hưởng xấu tối thiểu cho con trẻ. Bằng vào mục tiêu ấy, khách hàng của tôi, vì tình yêu của ông đối với con cái, sẽ sẵn sàng thoả thuận với bất cứ một quyết định hợp tình hợp lý nào mà chúng ta có thể đưa ra. Ông không muốn thấy bọn trẻ phải dính líu vào những tranh chấp kéo dài ở toà án".
"Khách hàng của ông không thể làm gì để có thể liên luỵ đến con trẻ" luật sư phía bên kia nói. "Bà Campion đã là người vợ, người mẹ mẫu mực thì đấy là vấn đề không phải bàn nữa".
Schacter mỉm cười cầu hoà. "Chúng ta không tranh biện điều đó ở đây. Mà trước toà, chúng ta buộc phải hành động hoàn toàn khác, ngoài những tình cảm cá nhân của chúng ta".'
Amos Abidijan không im lặng được nữa. "Thế còn tiền anh ta nợ tôi?"
"Theo tôi biết thì thân chủ tôi không nợ nần gì ông cả".
"Anh ta đã dùng tiền của tôi để lập nghiệp. Hai bên cam kết làm ăn chung và anh ta đã ăn cắp hết tiền của tôi".
"Điều đó không đúng" Marcel cười nhạt. "ông biết rõ là ông đã gạt bỏ đề nghị của tôi. Chính ông đã gợi ý là tôi nên tìm tiền ở chỗ khác. Ông bảo không thích dự phần vào đấy".
"Thưa các vị" Schacter lên tiếng. "Xin lần lượt cho. Đấy không phải là chủ đề chúng ta cần thảo luận vào lúc này".
"Ông không tách ra như thế được" Abidijan giận dữ. "Anh ta đã sử dụng con gái tôi, sử dụng tôi. Giờ thì anh ta nghĩ quẳng con gái tôi đi vì đã đạt được cái mình muốn. Chúng tôi sẽ không thoả thuận gì hết, cho đến khi vấn đề này được giải quyết".
"Nói cách khác, thưa ông Abidijan" Schacter lắc lắc đầu "việc ly hôn giữa con gái ông và ông Campion sẽ tuỳ thuộc vào một thoả thuận tài chính với ông, phải không ạ?"
"Tôi không nói thế! Tôi chỉ quan tâm đến việc con gái và các cháu tôi được bảo vệ chu đáo. Tôi không  cần gì cho mình cả".
"Vậy ông sẽ không phản đối nếu có một thu xếp riêng cho quyền lợi của họ?"
"Tôi sẽ không phản đối" Abidijan đáp cứng rắn.
"Chúng tôi cũng nghĩ vậy" Schacter vội nói. "Giờ đã thoả thuận trên nguyên tắc, chúng ta có thể bắt đầu. Ông có đề nghị gì cho một giải quyết công bằng về tài sản không ạ?"
"Rất đơn giản" Abidijan nói trước khi các luật sư của ông kịp mở miệng. "Thanh toán ngya năm triệu đô la nợ cũ và sau đó là chia đôi toàn bộ tài sản".
Marcel không ngạc nhiên trước đòi hỏi này. Nhưng nó xuẩn quá và Amos thừa biết thế. Anh không có thứ tiền ấy, mà thậm chí nếu có thì anh cũng  chẳng  bao giờ đồng ý như vậy. Anh nhìn ông bố vợ "Amos" anh lặng lẽ nói "ông đã hoàn toàn suy sụp vì tuổi tác đấy". Anh quay sang Anna "Trước khi chúng ta gặp lại, tôi đề nghị cô nên chọn một giám hộ cho cha mình".
Có một vành trắng mỏng của sự căng thẳng quanh miệng Anna. "Không phải cha tôi phát điên mà là anh với ham muốn tiền bạc và quyền lực của mình. Anh cố chứng minh cái gì nào?"
Marcel quay sang luật sư của mình. "Tôi đã nói một cuộc gặp gỡ là vô ích, và tôi  sẽ tư toà ở Corteguay như đã định".
"Điều đó không được công nhận ở đây" một trong các luật sư của bên kia nói.
"Tôi nghĩ là được" Schacter trả lời. "Các vị thấy đấy, thân chủ của tôi là công dân Corteguay, và luật pháp của họ chế định cả vợ con ông ấy. Luật pháp của chúng ta cũng nhấn mạnh điểm này. Bất cứ cuộc ly hôn nào, nếu có hiệu lực ở quốc gia của mỗi bên tham gia thì cũng có hiệu lực ở bên kia".
"Bà Campion là công dân Mỹ".
"Theo luật pháp ở Corteguay thì không". Schacter đáp trơn tru "và tôi sẵn sàng tranh biện với ông về điều đó trước toà sau khi thân chủ tôi ly hôn".
Abidijan nhìn các luật sư của mình. Đây là điều ông không ngờ tới. Ông đủ quen thuộc với luật pháp của các nước, thông qua doanh nghiệp hàng hải của ông, để hiểu rằng ở đó cái gì cũng đều có thể. "Tôi muốn nói chuyện riêng với luật sư của tôi".
Schacter đứng lên "Chúng tôi sẽ sang văn phòng khác".
Marcel nhìn Schacter khi cửa khép lại "Ông thấy sao?"
Schacter gật đầu tự tin. "Chúng ta thắng rồi. Tôi chỉ mong thông tin ông đưa cho tôi về luật pháp của Corteguay là chính xác".
"Nếu không" Marcel mỉm cười "tôi chắc chắn là có thể thu xếp một khung luật sư cần thiết với cái giá rẻ hơn nhiều so với đòi hỏi của Amos".
Chương 22
"Con sẽ đi Paris may áo cưới" Amparo nói "và từ đấy, Dax và con sẽ đi một tua quanh Âu Châu".
"Con không đi đâu cả" Tổng Thống nói "con ở đây. Áo cưới của con sẽ may ở đây, như mẹ con vậy".
"Áo cưới nào của mẹ con? Các người chưa bao giờ lấy nhau".
"Đấy là chuyện khác. Song mẹ con không  bao giờ đòi đi Paris để may áo cưới cả".
"Bà đi sao được?" Amparo đốp lại. "Cha không bao giờ dám để bà ra khỏi nhà vì sợ bà bỏ cha".
Tổng Thống đứng lên "Con sẽ gọi thợ may đến đây. Còn rất nhiều việc con phải làm…"
"Con làm đủ rồi! Giờ con muốn xem thế giới thế nào. Con không sinh ra để đầm mình torng sự bẩn tưởi, thô tục của bọn nông dân".
"Đừng quên là con nợ bọn nông dân cái địa vị cao quý của con đấy!" ông gầm lên. "Ai cho con cái tên công chúa? Họ đấy. Ai đưa con lên là biểu  trưng của phụ nữ Corteguay? Nông dân!"
"Vậy con phải dành cả cuộc đời để vĩnh viễn biết ơn họ à?"
"Đúng thế. Con không thuộc về con mà thuộc về nhân dân".
"Con thà ở tù còn hơn" một ý nghĩ vụt tới với cô. "Cha cho là con nên ở đây trogn khi chồng con rong ruổi khắp thế giới à?"
Tổng Thống bình thản gật đầu. "Nó có việc của nó. Cũng như con có việc của con".
Amparo phá lên cười "Cha điên rồi. Cha quá biết anh ấy là thứ đàn ông gì rồi, đàn bà đâu để anh ấy ở yên. Trong bữa tiệc ở New York có mười hai người đàn bà tham dự thì anh ấy đã ngủ với mười một người".
Tổng Thống ngơ ngác. "Nó bảo con thế à?"
"Tất nhiên không, nhưng con có ngu đâu. Con có thể biết, bằng vào cử chỉ của người đàn bà, là ả đã lên giường với chồng của con chưa".
Tổng Thống trầm ngâm. "Người đàn bà thứ mười hai, trông ả thế nào?"
Amparo như nói dỗi. "Già khú đế".
"con ngu lắm" Tổng Thống nói "Cuộc hôn nhân sẽ tốt cho con. Con biết mọi người nghĩ về Dax thế nào chứ. Họ thờ phụng nó. Hệt như họ thờ phụng con".
"Sẽ chẳng có gì tốt cả" cô nói. "Cho anh ấy cũng như cho con. Chúng con quá giống nhau, đều là những người thô bạo cả".
"Đừng có ăn nói như vậy! Nhớ rằng con là một tiểu thư".
Cô nhún vai. "Làm sao con có thể là tiểu thư được với dòng máu của cha trong người? Cứ thử nhìn cha xem. ở tuổi cha, buổi tối, hầu hết đàn ông đều vui thú với điếu xì gà và ly brandy. Nhưng không, mỗi tuần cha phải có một người đàn bà mới ".
"Đàn ông rất khác nhau".
"Cha cho là thế à?" cô như giễu cợt. "Điều gì làm cha nghĩ con khác mẹ con? Mà cha biết bà ấy mà".
Chợt ông im lặng rồi nói "Cha sẽ cưới, nếu bà ấy còn sống".
cha sẽ ngán và lại quẳng bà ấy vào sọt rác".
Ông nghĩ ngợi. "Vậy thì… các con sẽ cưới trong tuần sau và cha sẽ gửi Dax đến Triều Tiên cùng các tiểu đoàn mà cha đã hứa với Liên HIệp Quốc. Nó sẽ không đi Paris nữa".
Amparo nhẩy cẫng lên trong cơn tam bành. "Anh ấy sẽ bị giết! Anh ấy không phải là lính".
"Nó sẽ an toàn. Cấp tá trở lên không bao giờ bị giết. Họ an toàn trong bản doanh ở sau chiến tuyến. ít nhất thì con cũng không phải lo về nó nữa. Ở đấy chẳng có các bà hấp dẫn đâu".
"Anh ấy sẽ kiếm ra họ" Amparo sưng sỉa. "cha muốn thấy Dax bị giết phải không? Anh ấy đã trở nên quá nổi tiếng".
Tổng Thống nhìn thẳng vào mắt cô. "Sao con có thể nói thế được. Dax như chính con trai của cha vậy".
"Thế thì…cha là thứ cha gì vậy?" cô cay đắng. "Không, như thế càng làm cho Dax được nhiều người ngưỡng mộ hơn. Vậy là cha đưa anh ấy đi để bị giết".
Tổng Thống phớt lờ lời buộc tội, như thể không nghe thấy. "Đã đến lúc đóng bộ rồi. Nghi lễ sẽ bắt đầu lúc ba giờ. Corteguay từ nay sẽ là một quốc gia quan trọng. Nhân dân phải thấy chúng ta quan trọng như thế nào đối với Liên Hiệp Quốc chứ. Không phải quốc gia nào mbdc chấp nhận cũng được vị Tổng Thư Ký đến thăm đâu".
"Không phải Tổng thư ký, mà chỉ là  trợ lý của ông ta thôi".
Ông gạt phắt đi. "Nông dân đâu hiểu nổi sự khác biệt đó".
Amparo đứng lên. "Con cần uống. Mồm con bẩn quá".
"quá sớm để uống rượu đấy. Đã đến trưa đâu".
"Con đâu uống rhum" cô nói như không. "Con sẽ dùng đồ uống Mẽo, kêu là martini. Và bây giờ là một giờ ở New York rồi".
Tổng Thống nói khi cô mở cửa. "Amparo?"
Cô nhìn lại. "Vâng?"
Ông nhìn vào mắt cô. "Hãy tin cha".
Đầu Amparo ngẩng lên như thể cô đang nghĩ về điều ông nói. Rồi giọng cô đầy vô vọng. "Biết tin ai được, khi mà con thậm chí không dám tin vào chính mình?"
Người đàn ông lê bước trên đường phố đông đúc, chiếc áo khoác da sờn lõng thõng trên bộ khung xương xẩu. Anh cố giấu mặt đi, và mắt chỉ nhìn xuống đường vì chưa quen với ánh nắng ban ngày, sau nhiều tháng trong phòng giam bé tẹo, tối om. Anh di chuỷên ngượng nghịu, giống như ông già tập tễnh lê bước, vì một chân bị giập gãy chưa lành. Tay phải anh đút túi để giấu những ngón tay vừa gãy, vừa vặn vẹo đến thảm hại.
Một người đi đường va vào anh, và anh xin lỗi, để lộ ra một cái miệng không răng. Bọn lính canh đã đập vỡ toàn bộ răng anh bằng báng súng. Anh thấy bỉêu lộ trên mặt người kia, lại vội giấu mặt đi.
Anh được tự do, dù vẫn chưa hoàn toàn tin là thế. Nó đến quá bất ngờ, quá nhanh. Mới đó, cánh cửa sắt nặng nề ở phòng giam anh mở ra. Anh đang nằm  trên đống giẻ (cũng là  giường luôn) và bằng vào bản năng, cố thu mình nhỏ lại khi nhìn tên lính gác, không hiểu bọn chúng lại sắp làm gì anh đây.
Một bọc nhỏ được quẳng xuống sàn. "Mặc quần áo vào!"
Anh không cử động, chẳng hiểu bọn chúng lại chơi trò gì nữa đây. Tên lính gác thô bạo đá vào sườn anh. "Mày nghe thấy chứ, mặc quần áo vào".
Từ từ, anh bò lại chỗ bọc quần áo, không mở nút được vì tay phải bại xuội của mình. Tên lính gác chửi thề rồi cúi xuống. Luỡi dao găm ánh lên và chiếc bọc bung ra.
Anh run rẩy cầm chiếc quần lên. Không phải của anh. Bộ của anh còn mới nguyên khi chúng tống anh vào đây. Bộ này bẩn thỉu và rách mướp. Anh nhìn  tên gác.
"Nhanh lên! Tao chờ mày cả ngày à?" hắn quát.
Anh vội vã mặc vào. Hắn tóm vai anh, đẩy ra cửa. "Ra!"
Anh cố không nghĩ gì cho đến khi đi qua cầu  thang dẫn xuống các phòng hỏi cung ở dưới hầm. Chỉ khi đó anh mới cho phép mình suy nghĩ về việc tên lính gác dẫn đi đâu. Ít nhất thì lần này  cũng không phải là tra tấn nữa. Kể cả khả năng chúng có thể dẫn anh đi hành hình thì  cũng không làm anh bận tâm nữa. Cái chết còn hơn là những căn phòng hỏi cung ở dưới hầm.
Anh lặng lẽ theo tên gác vào văn phòng của cai ngục.
Viên thượng sĩ lực lưỡng nhìn lên khi họ vào. "Thằng cuối cùng chưa?"
"Vâng".
"Tốt" viên thượng sĩ nhìn anh, mặt lạnh tanh khi nhìn tờ giấy trên bàn và hỏi. "Mày là  tù nhân số 10614, còn gọi là José Montez?"
"Thưa ngài vâng ạ" anh lúng búng.
Viên thượng sĩ đẩy tờ giấy về phía anh. "Ký đi".
Anh cố cầm cây bút lên. Nhưng những ngón tay trên bàn tay phải của anh vô dụng. Anh nhìn viên thượng sĩ.
"Dùng tay trái đánh dấu".
José cầm bút đánh một dấu thập ở cuối trang giấy. Viên thượng sĩ gật đầu rồi hắng giọng, nói như vẹt.
"Thể theo mong muốn và lòng khoan dung của Tổng Thống, nay ân xá cho tội chính trị của anh nhân ngày nước ta được vào Liên Hợp quốc. Anh được tha, trên cơ sở đã ký vào bản cam kết trung thành với chính phủ. Nay anh đã trịnh trọng thề nguyền rằng sẽ không bao giờ dính líu vào những hành tung chống lại chính phủ, bằng không, sẽ bị tước bỏ quyền sống".
Viên thượng sĩ nhìn tên gác. "Dẫn nó ra cổng trước".
Anh đần ra chẳng lĩnh hội được gì cho đến khi một trong những tên lính gác đẩy anh đi. Rồi anh hiểu. Anh đang được tự do.
"Cảm ơn ngài" chợt nước mắt anh dâng đầy và anh phải cố chớp để nó chảy đi. "Cảm ơn".
Tên gác lại đẩy, và anh theo hắn xuống hành lang, rồi ra một sân rộng. ánh nắng chói chang như thiêu đốt mắt anh. Cho đến lúc đó anh mới nhớ ra  chiếc mũ đang cầm trong tay, bèn chụp nó lên đầu để vành mũ che đỡ cho mắt anh.
Họ đi qua sân rồi dừng lại trước cánh cổng sắt to đùng. "Thằng cuối cùng" tên gác la lên với tên lính trên tháp canh.
"Cũng sắp hết giờ rồi. Đóng mở cái cánh cửa chết tiệt này đâu có dễ".
Từ từ và với bao âm thanh cót két, cánh cổng được kéo lên. Anh dõi nhìn, và cho đến khi cổng đã mở hết, anh vẫn bất động.
Tên gác lại đẩy anh. "Tạm biệt!"
Anh quay lại nhìn. Hắn phá lên cười. "Nó không muốn rời xa chúng ta. Nó ưng chúng ta đấy!" hắn bảo tên lính trên tháp.
Tên kia cả cười. Tên gác đẩy mạnh anh ra khỏi cổng. "Tạm biệt! Tao phải chờ mày cả ngày à?"
Anh đã đứng bên ngoài, nhìn chằm chằm cánh cổng nặng nề từ từ hạ xuống. Cuối cùng nó chạm đất với một tiếng ầm đinh tai, mà anh vẫn đứng đấy.
"Tạm biệt!" tên gác quát lên. "Tạm biệt!" hắn khua khẩu carbine lên như doạ dẫm.
José quay đi, rồi tập tễnh chạy, nỗi sợ hãi về một viên đạn xuyên lưng bóp anh nghẹt thở. Tiếng cười phá lên của bọn lính phía sau như bám lấy anh.
Anh chạy, cho đến khi không còn nghe tiếng cười của chúng nữa, cho đến khi hơi thở như cào trong cổ, và anh mệt lả. Rồi anh thụp xuống nền đá mát rượi trong bóng rợp dưới chân một toà nhà. Không có gì ngoài tiếng tim anh đập thật hãi hùng dội thẳng lên tai anh. Anh nhắm mắt. Lát sau, anh đứng lên, bắt đầu lê bước.
Có không khí lễ hội trong thành phố. Đâu đâu cũng cờ xí rợp trời. Cờ Corteguay và cờ Liên HIệp Quốc đan xen nhau. Cứ cách một ô cửa sổ lại có ảnh của Tổng Thống, tươi cười và lộng lẫy trong bộ đồng phục gắn đầy huân chương đủ kiểu, loại. Nhưng José thấy mình không tham dự vào không khí đó. Anh chỉ trôi đi cùng dòng người. Chẳng mấy chốc, họ đã đến quảng trường lớn ở trung tâm thành phố, ngay trước dinh Tổng Thống.
Mọi người hét lên đúng lúc anh dừng lại. Không còn chỗ để di chuyển nữa. Anh nhìn lên, và cảm nhận vị mật đắng ngắt của lòng căm thù dâng trong cổ. Hai đứa đang trước mắt anh.
Tổng Thống, và đứa con gái, con chó cái hoang mà bộ tóc vàng đã đủ nói lên sự trí trá về dòng giống của nó. Đứng cạnh con đĩ là người đàn ông mà anh không biết, người da đen, nhưng bằng vào trang phục, thì anh đóan là dân Mẽo. Đứng bên ông ta là thằng bồ lừa đảo của Amparo, cười gượng ngập trong bộ quân phục đại tá.
Lẽ ra phải giết chúng nó, anh cay đắng nghĩ, nếu mình có khẩu súng…nhưng nếu có, thì cũng hay ho gì? bàn tay không cầm nổi cây bút thì làm sao có thể cầm được khẩu súng, lại càng không thể giơ lên nhắm và bóp cò.
Anh quay lại. Sẽ có ngày anh giết chúng. Anh sẽ tập sử dụng tay trái. Để viết. Để bắn súng. Nhưng trước tiên anh phải về nhà, ở trên núi. Tại đấy, anh sẽ có nơi trú ngụ và hồi phục. Ở đấy anh có bạn bè và những người cùng mục đích.
Rồi một ý nghĩ băng giá lan toả trong anh. Giờ này, họ phải đã biết về sự phản bội của anh, rằng anh đã thét lên tên họ khi những ngón tay dập nát giữa hai hàm êtô. Anh thì cố ghìm lưỡi lại, nhưng cơn đau đã mở mồm anh ra.
Anh tựa vào chân tường, run rẩy, rồi trấn tĩnh lại được. Họ có thể vẫn không biết về sự phản bội của anh vì chắc họ phải chết cả rồi. Nếu còn ai trong họ còn sống thì anh đã không ra khỏi được nhà tù.
Chậm rãi, anh lại đi. Một cảm giác nhẹ nhõm tràn ngập. Tốt hơn là họ đã chết cả. Để chẳng ai biết nữa. Anh sẽ có cơ hội khác. Và lần này thì anh nhất định sẽ không thất bại.

Truyện Những kẻ phiêu lưu Lời bạt cũng là lời tựa QUYỂN MỘT - Chương 1 & 2 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN HAI - QUYỀN LỰC VÀ TIỀN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN 3 – TIỀN VÀ HÔN NHÂN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 QUYỂN BỐN – HÔN NHÂN VÀ THỜI TRANG
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 QUYỂN 5 – THỜI TRANG VÀ CHÍNH TRỊ
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 QUYỂN 6 – VỀ VỚI CÁT BỤI
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 Chương 25 & 26 Chương 27 & 28 Chương 29 & 30 Chương 31 & 32 Chương 33 & 34 Chương 35 & 36 Tái bút