Người dịch: Lê Văn Viện
Chương 15 & 16

Sue Ann chợt quay lại phía anh khi họ mang những vali, hòm xiểng của cô ra chiếc limousine. "Em không muốn ly dị". Sergei không trả lời. "Tháng tháng, ngân hàng sẽ  gửi séc cho anh và tất nhiên, họ sẽ thanh toán cho việc chăm sóc đứa bé".
"Em không cần phải làm thế", Sergei nói bình thản. "Anh chăm sóc nó được mà".
"Em muốn thế". Anh lại không trả lời. "Em sẽ trở lại. Em chỉ muốn về nhà ít lâu. Cho đến khi em cảm thấy khá hơn".
"Chắc là như vậy" Nhưng cả hai đều biết rằng cô sẽ không bao giờ trở lại nữa. Sự thể nó phải như thế.
"Ở đây cái gì cũng khác lạ. Con người, ngôn ngữ. Em chẳng bao giờ thực sự thấy ổn cả".
"Anh biết. Anh cho là cũng dễ hiểu thôi. Ở nhà thì ai cũng thấy thoải mái hơn".
Cô nhìn vào mắt anh, ngượng ngập. "Thôi, tạm biệt".
"Tạm biệt, Sue Ann" Sergei hôn cô, theo kiểu Pháp, cả hai má.
Chợt cô rưng rưng. "Em xin lỗi", cô chạy đi, vai rung lên.
Từ từ, Sergei đi vào phòng khách, rót cho mình ly whisky, uống thẳng, rồi anh rơi mình xuống ghế. Đã từng có nhiều 'tạm biệt' với nhiều phụ nữ, nhưng lần này khác. Không có ai trong họ là Sue Ann cả. Không có ai trong họ từng là vợ anh cả.
Vậy nhưng anh cũng không thể nói được rằng anh không nghĩ đến kết thúc này. Từ khi cô ra viện và bảo anh về việc cô đã làm.
"Em điên à" anh la lên. "Chỉ có đứa ngu mới làm như thế!"
Mặt cô tái đi và đanh lại. "Không con cái gì hết. Một đứa như con bé này là đủ rồi".
"Những đứa sau sẽ không như thế!"
"Không nhất thiết phải giống như thế. Nhưng em không thử thời vận nữa, em đã nghe về những gia tộc Âu Châu già cỗi nhà các anh rồi".
Anh nhìn cô trừng trừng. "Chẳng có bất cứ cái gì như thế này trong gia đình anh. Đây chỉ đơn giản là một tai nạn".
"Trong gia đình em cũng không" cô trả lời như đặt dấu chấm dứt. "Dù sao thì em cũng không muốn có đứa con nào nữa".
Một sự tĩnh lặng đầy gượng gạo trùm xuống họ.
Anh đứng trước lò sưởi nhìn xuống ngọn lửa. Cô đến  bên anh "Chúng ta làm hỏng bét cả rồi, phải không?" Anh không trả lời. Cô lại nói "Có lẽ…em lên phòng ngủ đây". Anh vẫn không nói gì. Đến chân cầu thang, cô ngoái lại "Lên không?"
"Lát nữa".
Anh đứng cho đến khi các khúc củi cháy rụi. Khi anh vào phòng ngủ, cô đang trên giường của anh, chờ. Nhưng không còn như xưa nữa. Giữa họ không bao giờ như xưa nữa. Biết bao những bức tường vô hình chợt dựng hết cả lên.
Cô nhận ra điều đó cũng sớm như anh. Bỗng sự mong muốn trở lại bình thường, trở lại như cũ, của cô tan biến. Cô quẳng các đồ ăn kiêng đi và không tập tành nữa, và mỡ như cứ bám lấy cô. Có lần, anh thậm chí đã phải gợi ý rằng đi làm đầu và mua vài bộ đồ mới thì cũng chẳng hại đến ai.
"Để làm gì? chúng ta chẳng bao giờ đi đâu cả".
Đúng vậy, chiến tranh đã giới hạn vận động của họ. Đi lại ở Âu châu là chuyện của quá khứ. Họ không thể chạy xuống Riviera để tắm biển hay nhào lên Paris để vui chơi được nữa. Cứ như thể bị nhốt trên một hòn đảo.
Từng tí một, từng người một, người ta như sa xuống vùng vô vọng. Họ như bị hút vào cơn lốc của xung đột và ai nấy trở về đất nước mình. Chẳng bao lâu, chẳng còn ai ngoài dân Thuỵ Sĩ. Mà họ thì rất nản. Hầu như toàn bộ mối quan tâm của họ là tiền và chủ đề duy nhất trong đối thoại của họ bao giờ cũng là ai trong lứa lãnh đạo này đã ướp muối được nhiều tiền nhất ở Thuỵ sĩ.
Bằng vào lối nói độc quyền của họ, người ta hiểu rằng Thuỵ Sĩ không hề có ý định trả lại tiền. Sau khi chiến tranh chấm dứt, hầu hết các khoản tiền gửi sẽ nằm lại, bởi vì số đông những người gửi đã không còn sống sót, và không ai kịp làm chuyển nhượng ngân khoản của mình. Vậy là chúng nghiễm nhiên trở thành tài sản của Thuỵ Sĩ. Khi quân Đức đè bẹp chiến tuyến Maginot và chiếm nước Pháp thì hầu như người Thuỵ Sĩ đúng. Cứ như thể một bức rèm  bỗng buông xuống chắn ngang Tây Âu vậy.
Chưa đầy một tháng sau đó Sergei xuất hiện trong văn phòng của các ngân hàng. Bernstein nhìn anh và nói "Cha anh là một đại tá trong quân đội Đức?"
Sergei lấy làm lạ. Họ biết chuyện ấy hệt như anh. "Thì sao?"
"Chúng tôi liên hệ với từng khách hàng" tay quản lý nhà băng nói "và bây giờ thì không có cách nào làm được chuyện này".
Sergei bỗng nhận ra ý nghĩa câu trả lời. Khách hàng của họ là người Do Thái. Anh lặng thinh.
"Nếu cha anh kiếm cho anh một giấy phép" Kastele nói "Tôi chắc chúng tôi có thể thu xếp một hộ chiếu Thuỵ Sĩ".
Trí tò mò của Sergei bị kích thích. "Có nghĩa là tôi có thể trở thành công dân Thuỵ Sĩ?"
Hai quản lý nhà băng trao đổi những cái liếc. "Cả chuyện đó nữa, cũng có thể thu xếp".
Sergei suy ngẫm. Như thực tế thì anh đang không Pháp cũng chẳng phải Nga. Anh chỉ là một trong rất nhiều người trôi nổi quanh Âu châu trong chiến tranh, được gọi là những người không tổ quốc. Nhưng họ cũng được công nhận rằng có quyền định cư ở đâu đó, mà phần lớn dân Bạch Nga đã làm như vậy ở Pháp. Quốc tịch Thuỵ Sĩ, đến một lúc nào đó, có thể rất có ích cho anh.
"Các ông muốn tôi làm gì?"
"Chỉ tìm các khách hàng của chúng tôi và lấy yêu cầu của họ về ngân khoản của chính họ mà thôi".
"Còn nếu không tìm thấy họ?"
"Thì phải cố xác định, nếu họ còn sống. Chúng tôi cần thông tin đó để giải quyết các tài khoản của họ".
Sergei không hiểu điều mà anh nghe được – có đúng là những số dư vô thừa nhận sẽ được chia đôi giữa ngân hàng và chính phủ Thuỵ Sĩ không? nếu đúng thì anh có thể hiểu vì sao các chủ ngân hàng lại có quyền lợi khổng lồ trong những sự cố với khách hàng của họ. "Thế nếu tôi không nhận?"
"Tôi chắc chúng tôi có thể thu xếp một cách hợp tình hợp lý" Bernstein nói "Chúng tôi chưa bao giờ là những kẻ tồi tệ để không làm ăn chung được, phải không?"
Khi rời văn phòng, Sergei thoả thuận sẽ viết thư cho cha xem ông có thể thu xếp gì được không. Đấy là mấy tháng trước. Thư trả lời của cha cuối cùng đã đến vào sáng hôm ấy. Hôm Sue Ann bỏ đi.
Cha anh đang ở Paris, trong một căn hộ sang trọng tại chính khách sạn mà ông từng được thuê làm người gác cửa. Có thể làm được một cái gì đó. Cha anh sẽ rất mừng được gặp lại anh.
Sergei đặt ly whisky đã cạn  xuống, quyết định nhận công việc của các tay nhà băng. Nhưng trước hết, còn vài việc nữa phải hoàn tất. Anh nhấc máy và đọc cho tổng đài số điện thoại. Giọng phụ nữ đáp "Peggy" anh vội nói "Sergei đây".
"Vâng" giọng bên kia vui vẻ.
"Sue Ann đi rồi. Em mất bao lâu để sẵn sàng cho  bé?"
Thoảng chút sung sướng trong giọng nói. "Sẵn sàng từ sáng rồi. Em đang đợi anh gọi đây ".
"Anh sẽ đến sau mười phút".
Chương 16
Âm thanh duy nhất trên đại lộ George V là chính tiếng chân anh trên vỉa hè. Dax nhìn ngược lên Champs Élysées. Đấy là cảm giác anh không bao giờ quen. Đêm Paris hoang vắng?
Phố xá rỗng không. Tất cả dân Paris đều ở nhà, trong những căn hộ, sau những cánh cửa khoá chặt. Tiêm Fouquet trên góc phố đóng cửa, các quán cà phê vắng ngắt, bàn ghế chỏng chơ ngoài vỉa hè. Các cửa hiệu, mà khoang cửa thường chan hoà ánh sáng và đầy ắp những đồ rực rỡ để hấp dẫn các quý bà, cũng đóng im ỉm. Paris vào mùa hè năm 1940, không một cặp tình nhân dìu nhau tản bộ rồi dừng lại hôn nhau đấy những cây sồi nặng trĩu tán lá.
Anh rút điếu xì gà nhỏ trong túi. Khi đánh diêm, anh nghe tiếng chân bước vội và quay lại. Một cô gái từ trong bóng tối của chiếc cổng nào đó đi ra. Trong ánh lập loè của que diêm, anh có thể thấy mặt cô. Gầy  guộc, nhọn hoắt, đói khát.
"Ông có đi  chơi không?"  cô thì thào. Âm hưởng thứ tiếng Đức vụng về của cô thật xa lạ với đêm tối.
Anh lắc đầu và nhẹ nhàng nói lời từ chối với cô bằng tiếng Pháp rồi dõi nhìn cô lật đật trở lại bóng tối mà từ đấy cô đã bước ra. Thậm chí những cô điếm như cô cũng bị đánh bại.
Trong bữa tiệc mà anh vừa mới ở đấy đi ra thì ngược lại, ánh đèn rực rỡ sau những cánh rèm nặng nề. Ở đấy, âm nhạc, tiếng cười, champagne, những người đàn bà hấp dẫn. Ở đấy, những người Đức và những người Pháp chấp nhận nhau. Nhưng chẳng  bao lâu thì đêm tiệc cũng trở nên nhạt nhẽo. Người Pháp thì quá sốt sắng, người Đức thì quá hạ cố, tiếng cười thì quá gượng gạo. Anh quyết định bỏ về, và nhìn quanh kiếm Giselle.
Anh thấy cô đứng giữa một nhóm người Đức, tay quản lý người Pháp nhỏ thó, như một con chim sẻ, cứ quanh quất ở vòng ngoài, dõi nhìn cô với những cú liếc trộm thận trọng. Khuôn mặt sáng sủa, hoạt bát của cô thật sống động và rạng rỡ khi cô nhìn những người đàn ông đứng quanh. Giselle là diễn viên. Cô yêu khán giả.
Anh cười thầm. Hà cớ gì lại bảo cô về. Cô đang có những giây phút vui vẻ. Anh lặng lẽ lỉnh đi. Sáng ra, cô sẽ gọi điện cho anh.
Sớm tinh mơ, giọng cô còn ngái ngủ, và anh hiểu là cô đã dặn người hầu đánh thức. "Tại sao anh về một mình?" cô trách móc.
"Em đang vui quá mà".
"Em không vui. Em không chịu được họ. Tất cả những người đàn ông Đức đều rõ vênh vang. Nhưng em phải làm thế, Gerorges bảo thế. Công việc mà".
Georges bao giờ cũng bảo thế. Georges không thích Dax. Anh không kiếm được phim cho những máy quay của ông ta hoặc giấy phép để làm phim. Dax chỉ làm Giselle bối rối mà thôi. Mà Giselle lại là sản phẩm chính của Georges. Không có cô, ông ta chỉ như bất cứ một nhà sản xuất nào.
"Anh đến ăn trưa chứ?" cô hỏi.
"Anh sẽ cố gắng".
"vậy nhé" cô nói, giọng ngái ngủ, khàn đặc và Dax trở lại bàn làm việc, biết rằng cô sẽ nhắm mắt ngủ lại liền.
Anh gặp cô lần đầu ở ga xe lửa Barcelona, Tây Ban Nha, hơn năm nay. Một đám đông vây kín cửa ra vào.
"Chuyện gì thế?" anh hỏi người bạn, một thành viên của uỷ ban mua sắm Tây Ban Nha.
"Ngôi sao điện ảnh Giselle d'Arcy. Cô ấy vừa từ Hollywood về, và đang trên đường đi Paris".
Cái tên ấy chẳng có nghĩa gì với anh, nhưng khi thấy cô ở giữa đám đông đi ngang qua thì anh biết ngay. Anh buộc phải biết cô. Ảnh cô đầy trên báo chí và các bảng quảng cáo trên khắp thế giới.
Những bức ảnh ấy đều không trung thực. Cặp vú cô không to như người ta thấy trong ảnh, cả cặp mông cũng không quá tròn và cặp đùi cũng không quá dài như thế. Và điều mà những bức ảnh không nắm bắt được là sức sống mãnh liệt của cô, sự vui vẻ rạng rỡ nơi bước chân cô.
Dax nhìn, và một nhói đau thực sự xuyên suốt anh. Đã lâu, anh cần một người đàn bà. Chợt anh như bốc lửa. Cô này. Chỉ cô này thôi. Anh phải có được cô.
Cô bất chợt bắt được ánh mắt bốc lửa của anh. Như cái máy, cô nhìn đi chỗ khác, nhưng rồi buộc phải quay trở lại nhìn anh, như bị nam châm hút. Anh vẫn giữ ánh mắt ấy, và thấy mặt cô tái đi, rồi  bị đám đông xô đẩy, cô biến mất qua cửa. Anh lao theo.
Anh chờ đoàn tàu ra khỏi ga đến nửa giờ mới đi tìm, và thấy cô một mình trong cabin. Georges đã đến nhà vệ sinh. Cô rời mắt khỏi tờ tạp chí, nhìn lên, thấy anh qua tấm kính cửa, và lặng lẽ nhìn khi anh bước vào. Anh đóng cửa lại rồi đứng tựa lưng vào nó, hơi thở anh nghẹn lại trong lồng ngực. Một lát sau anh nói "Anh phải có em".
"Vâng" cô trả lời. "Vâng, em biết". Tất cả điều mà cảm nhận được là sức mạnh dã thú như thùng thuốc nổ ở trong anh.
Anh cầm tay cô. Đôi tay mềm hơi run rẩy. "Em biết anh" cô nói, như trong hơi thở "dù chúng ta chưa hề gặp nhau".
"Không, trước nay thì không. Nhưng giờ chúng ta là của nhau rồi. Giờ này, chỗ này, hôm nay".
Khi Georges trở lại thì rèm cabin đã buông và cửa đã khoá. Lấn bấn, ông gõ nhẹ lên cửa. "Giselle, Giselle, cô không sao chứ?"
"Xéo đi" giọng cô khàn đặc.
Ông đứng đấy một lát, lặng thinh. Ông biết cái âm thanh ấy, bởi đã từng nghe. Ông đến bar, kêu ly rượu, trầm ngâm nhìn cảnh đồng quê lướt qua. Không biết cô đang ở với ai. Thường thì ông phát hiện ra họ trước. Ông nhún vai, kêu ly pastis nữa. Không thể lúc nào cũng thắng họ, vả lại, mai đã về Paris, và mọi thứ sẽ ổn cả. Ở Paris, ông kiểm soát được cô.
Đấy là hơn một năm trước. Bao điều đã xảy ra trong năm ấy. Người Đức đe doạ cả lục địa Âu Châu. Nước Pháp bị chà đ.ap dưới gót ủng của bọn Đức Quốc Xã. Ở Vichy đã có chính phủ mới. Georges gắng gỏi một cách tuyệt vọng để bám lấy cái ảo ảnh tự trị.
Nhưng không đơn giản như vậy. Người Đức đã áp đặt tiếng nói cuối cùng với tất cả. Giờ đây, đôi ba biểu hiện cho thấy họ có thể cho phép một vài xưởng phim trở lại sản xuất, và Georges muốn mình sẽ nằm ở một trong những xưởng đầu tiên. Một cách cẩn trọng, ông khai thác tất cả những người liên quan. Bọn Đức và những người Pháp cộng tác. Họ giống như những người khác, rất có ấn tượng với Giselle.
Chỉ mỗi một điều làm phiền ông là cô lại dây dưa vào Dax, và đã kéo dài hơn ông tưởng. Ông không hiểu. Dax chẳng làm được gì cho cô cả, chẳng cho cô cái gì cả. Vậy mà cô vẫn cứ gặp anh ta. Dax chẳng hề đề cập đến cưới xin vậy mà cô vẫn cứ tặng cả đống quà. Ghim cài cravate, khuy manset bằng vàng cẩn kim cương…
Georges chẳng bao giờ hiểu được. Như dòng nước ngược vậy. Giselle phải là người nhận quà tặng chứ không phải tặng quà. Đấy là đặc quyền muôn thuở của một minh tinh.
Có lần ông gặp cô với đề nghị của một sĩ quan Đức quan trọng. Giselle phá lên cười rồi bảo ông biến đi.
"Nhưng ông ta có thể giúp chúng ta".
"Giúp ông" cô nói với sự nhậy bén đặc biệt của mình. "Tôi hạnh phúc với cách của tôi".
"Cô không muốn trở lại làm việc à?"
Cô lắc đầu. "Tôi muốn, nhưng tôi kcó cảm giác yên ổn. Đã có quá nhiều lời  đồn đại về cánh hợp tác".
"Họ là bọn ngu!" Georges đốp lại. "Chiến tranh kết thúc rồi, chúng ta thua trận".
"Vẫn còn những người Pháp chiến đấu ở hải ngoại".
"Lại vẫn là chuyện của năm 1870. Bây giờ là của người Đức. Tiếp sau sẽ đến lượt chúng ta".
Cô nhìn ông, cặp mắt to, xanh thẳm buồn rười rượi. Cô biết ông ham muốn trở lại làm việc, ông cần nó đến chừng nào. Không có công việc, ông chẳng là cái gì sất. "Nếu lần này không thắng" cô nhẹ nhàng nói "chúng ta sẽ chẳng bao giờ có dịp khác nữa".
Cô vẫn đến những tiệc tùng, những giao tiếp mà ông đề nghị, nhưng không đi một mình với ông, mà bao giờ cũng cùng với Dax, hoặc với một người Pháp hay thậm chí với một người Đức. Cô đã quyết rằng sẽ không có lời đàm tiếu về cô như một kẻ hợp tác.
Tuy nhiên cô cũng không để người ta thấy bỉêu lộ về sự bất hợp tác của cô. Bằng cách này hay cách khác, cô từ chối tất cả những lời đề nghị và tránh né tất cả những dính líu mang ý nghĩa chính trị. Chứng cứ của sự thận trọng và kín đáo của cô là người dân bình thường trên đường phố vẫn mỉm cười gật đầu chào cô. Họ không lảng tránh cô hoặc bỉêu lộ một sự lặng lẽ đầy khinh bỉ mà họ thường dành cho nhiều kẻ hợp tác. Đối với họ, cô vẫn là ngôi sao, cho dù hiện cô có đóng phim hay không.
Có lần, khi đang cùng Dax ăn trưa trong căn hộ của cô nhìn ra Bois de Boulogne, họ nghe tiếng chân bước như duyệt binh. Cô đến bên cửa sổ, nhìn xuống đám lính Đức đang đi chân ngỗng. Một lát sau cô quay lại Dax "Họ có bao giờ đi khỏi đây không anh?"
"Cho đến khi họ buộc phải đi".
"Điều đó có sẽ đến không?"
Anh không trả lời. Cô chợt nổi cáu "Anh không quan tâm, đúng không? Anh là người nước ngoài, không phải người Pháp. Và anh còn làm ăn với họ nữa. Anh có thể làm ăn với bất cứ ai!".
"Anh quan tâm" anh lặng lẽ đáp "Anh có những người bạn, họ vừa là Pháp vừa là Do Thái. Anh không thich những gì đã xảy ra với họ nhưng anh không thể can thiệp. Anh là đại diện của chính phủ anh".
Đấy là lần đầu tiên cô nghe anh bỉêu lộ thái độ về chiến tranh. Và cô cảm nhận được sự phẫn nộ trong giọng nói êm ái ấy. Cô đến bên anh với sự hối hận, áp chặt má mình vào má anh. "Em xin lỗi, anh yêu. Lẽ ra em phải biết. Đối với anh cũng chẳng dễ chịu gì"
"Đối với anh còn dễ chịu hơn là đối với người Pháp".

Truyện Những kẻ phiêu lưu Lời bạt cũng là lời tựa QUYỂN MỘT - Chương 1 & 2 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN HAI - QUYỀN LỰC VÀ TIỀN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN 3 – TIỀN VÀ HÔN NHÂN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 QUYỂN BỐN – HÔN NHÂN VÀ THỜI TRANG
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 QUYỂN 5 – THỜI TRANG VÀ CHÍNH TRỊ
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 QUYỂN 6 – VỀ VỚI CÁT BỤI
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 Chương 25 & 26 Chương 27 & 28 Chương 29 & 30 Chương 31 & 32 Chương 33 & 34 Chương 35 & 36 Tái bút