Chương 6

P hòng làm việc của "xếch-xông" im lịm đi trong bầu không khí vắng ngắt lạnh lẽo của trại Bô-dông. Đội Cấn trầm ngâm ngắm chiếc ảnh chụp ông mặc quần áo khố xanh đeo lon đội. Chiếc ảnh để trên mặt bàn giấy, dựa vào một cái ống bút bằng gốc tre, kỷ vật của cha ông để lại. Hai vật ấy luôn luôn nhắc đội Cấn nhớ tới hai sự việc xảy ra gần như cùng một thời gian với nhau nhưng, tuy không liên quan đến nhau, vẫn làm cho ông hễ nhớ sự việc này là nghĩ ngay đến sự việc kia. Một là cái chết của cha ông, hai là việc ông được thăng cấp từ cai lên đội cùng xảy ra năm 1913 vào những tháng mùa đông. ông được tin cha chết khi Tây đang tiến hành cuộc vây quét lớn vào vùng căn cứ của nghĩa quân Đề Thám. Đây là một cuộc càn quét quá mô nên những đơn vị thiện chiến nhất của chúng ở Đông Dương đều được điều tới: Trước hết phải kể đến trung đoàn thủy quân lục chiến Viễn Đông mà tên sĩ quan hải quân kiêm văn sĩ phản động Pi-e Lô-ti (Pierre Loti) đã viết mấy pho tiểu thuyết để ca ngợi sự hung hãn; rồi đến lính lê dương thuộc trung đoàn 5, lính da đen, lính Ma-ní; ngay tiểu đoàn pháo 75 lá duy nhất của Đông Dương cũng tham chiến.
Lính khố xanh cũng bị xua ra theo lệ thường để khiêng thương binh, khiêng đạn làm bếp và gác các kho quân dụng hành quân. Cai Cấn lúc ấy đang chỉ huy một gờ-rúp mười người, canh một kho đạn ở cách mặt trận mười bảy cây số. Trận đánh đã kéo dài bốn ngày. Tiếng súng vọng về chứng tỏ mức độ khói lửa không hề sút giảm. Mỗi buổi chiều, cai Cấn lại được chứng kiến những cáng khiêng lính Tây bị thương đi qua. Sau dãy cáng là đàn la cao lộc ngộc, mỗi con thồ trên lưng hai cái xác lính Tây. Đàn la này vốn chỉ dùng để kéo pháo 75 lá, bây giờ Tây phải đem ra thồ xác. Đến chiều hôm thứ năm của trận đánh, tiếng súng đột nhiên nổ dội lên rồi tiếng súng lan gần lại. Cai Cấn bảo anh em trong gờ-rúp: "Có lẽ vỡ mặt trận, bay ạ!". Cai Cấn đoán đúng. Nghĩa quân Đề Thám đã tập trung quân đánh úp tụi Tây vào giờ ăn chiều của chúng làm cho chúng bỏ chạy tán loạn, để lại nhiều xác chết. Những thằng lính Tây mấy hôm trước hung hăng là thế, bây giờ mất cả súng, cả giày đinh, chạy chân đất hớt hơ hớt hải. Trời tối dần, tàn binh Tây vẫn còn chạy qua kho đạn nhưng tiếng súng truy kích chúng cũng gần lại. Cai Cấn ngẫm nghĩ: "Bỏ quách kho đạn "biếu" quân cụ Đề, dẫn anh em kéo về luôn!". Nhưng sau ông thấy bỏ sớm thì Tây có thể buộc anh em trong gờ-rúp là chưa có lệnh đã rút lui và chúng sẽ đưa anh em ra tòa án binh. ông cố nán lại nhưng ra lệnh cho anh em trong gờ-rúp sẵn sàng để nếu cần là lên đường ngay được nhanh chóng. Khoảng chín giờ tối có hai thằng quan ba Tây bị thương dẫn mười mấy thằng lê dương kéo về, thằng nào thằng nấy lấm láp như trâu đằm. Mấy thằng lính lê dương đói quá, mệt quá không còn sức khiêng bọn sĩ quan bị thương nữa. Mấy thằng kia đến kho thì cũng vừa quỵ. Cai Cấn nghĩ ngay: "Bây giờ là lúc "biếu" kho đạn cho các ông lính cụ Đề đây!". Cai Cấn bảo anh em khố xanh chặt tre, căng chăn làm cáng khiêng hai thằng Tây bị thương đi. ông bỏ kho đạn và lờ tít đi điều quá định là khi rút lui phải phá huỷ kho bằng cách châm lửa đốt kho. Trong hai thằng Tây bị thương ấy, có một thằng là em lão giám binh chánh võ phòng phủ thống sứ. Thằng này ra sức khoa trương cuộc "vượt vòng vây" của nó với mấy người lính khố xanh "trung thành". Thế là mười hôm sau, các giám binh những tỉnh thượng du Bắc Kỳ nhận được bản khen thưởng những binh lính khố xanh đã tỏ ra "trung thành và dũng cảm khi ra trận mạc" trong đó có tên cai Cấn. Sau bản khen thưởng ông nhận được quyết định của viên giám binh coi lữ khố xanh Thái Nguyên thăng lên cấp đội. Quyết định lên đội đến tay ông khi ông đang buồn rầu vì cái chết của bố. Buổi chiều, anh em trong cơ buộc ông làm cơm rượu "tưới lon". ông uống nửa chai, say ngà ngà và đêm ấy mãi cũng không ngủ được. ông càng thấy buồn hơn khi nhìn thấy cái lon đội chữ V kim tuyến đeo trên ống tay áo. Nó thật vô nghĩa với ông và ông càng thấm thía rằng ông đã không tìm ra con đường sống mong muốn trong đời lính khố xanh. Trong trại khố xanh, người lính lên chức hay giáng chức do Tây cả. Và đột nhiên ông nảy ra ý định xin mãn lính về quê. ông nghĩ thế là thoát mọi nhục hình nhà binh Tây dùng với lính khố xanh. Thoát cái lo bị xua đi vây quét, thoát cái hình phạt tù, cơm muối, ba toong, thoát tiểu đoàn kỷ luật và tòa án binh, thoát tạt tai đá đít... Thế rồi ông ngủ qua được cái đêm ấy. Nhưng mấy ngày sau, khi đã bình tâm rồi, việc về hay ở dằn vặt ông thấm thía hơn. Về thì thoát nhục hình đời lính khố xanh nhưng về đâu? Về làng Nhan ư? Không thể được. Đấy là nơi ông đã không chịu nổi cảnh áp bức mà phải bỏ đi. ông đã từng có dịp đến nhiều thôn làng khác ở Bắc Kỳ và ông biết chắc chắn rằng cảnh sống ở đấy cũng chẳng khác gì cảnh sống ở làng Nhan. Một khi quân xâm lược còn ở trên đất nước thì đâu đâu cũng là tù ngục vậy thôi! Thế là việc đi hay ở, về hay ở đặt ra nhưng là một việc khó định ra được cách thoát. Cuối cùng đội Cấn quyết định ở lại vì ông tin rằng như vậy ông còn có thể đạt được hoài bão của mình hơn. Khi Tây biến nhà tù Thái Nguyên thành nơi giam quốc sự phạm. Cấn gặp Ngoan. ông tìm được một người vợ đáng quý và cũng thời gian này ông nhận ra chân lý: con đường yêu nước đánh Tây! Từ đấy một nguồn sức sống mạnh mẽ đến với ông mặc dù xét bề ngoài đội Cấn càng trở nên điềm đạm. Khi được tin Tây đem giam cấm cố Lương Ngọc Quyến ở Thái Nguyên, đội Cấn hết sức chú ý. Quyến là một người có tiếng tăm, là một nhà yêu nước đã từng nhiều năm lưu lạc nước ngoài. ông lại là một nhà quân sự giỏi và là cánh tay thân cận nhất của cụ Phan Bội Châu. Vì vậy, với tâm trạng của đội Cấn lúc đó, ông chú ý đến Lương Ngọc Quyến là lẽ tự nhiên. Dạo ấy cứ cách ba ngày lại đến phiên đội Cấn đi kiểm tra hình thức cấm cố áp dụng với Lương Ngọc Quyến. Luôn hai tháng trời, hai người không nói với nhau một câu. Cả hai người đã nghe nói về nhau. Lương Ngọc Quyến được biết đội Cấn là một người đứng đắn. Nhưng đôi bên vẫn lặng lẽ thăm dò lòng nhau. Cho đến hôm đội Giá kể lại cho đội Cấn nghe câu trả lời đanh thép của Lương Ngọc Quyến với viên phó sứ thì đội Cấn quyết định thẳng thắn nói hoài bão của ông cho người quốc sự phạm nghe.
Lương Ngọc Quyến đã trầm lặng nghe đội Cấn thổ lộ niềm căm thù quân giặc cướp nước. Sau đó, hai người im lặng rất lâu trong gian xà lim tối. Cuối cùng Lương Ngọc Quyến nói:
-Từ nay, chúng ta là anh em cùng sống cùng chết. Đội Cấn kể lại sự suy nghĩ của mình về vấn đề về hay ở. Đội Cấn chỉ cái lon đeo trên áo và nói:
-Từ khi chúng thăng cho tôi lên cấp này, nỗi băn khoăn của tôi càng giày vò tôi. Lương Ngọc Quyến cười buồn. ông nắm lấy bả vai đội Cấn bóp mạnh vào. ông hiểu người bạn chiến đấu mới. Hai con mắt ông nhìn vào khoảng sáng mờ mờ, ông đang trở ngược lại quãng đời trước, tìm đến một kỷ niệm đã từng gây cho ông nhiều xúc động như việc lên lon với đội Cấn. Lương Ngọc Quyến nói:
-Anh ở lại là phải lắm. Lương Ngọc Quyến không nói ra nhưng ông rất quý sự can đảm và bình tĩnh của đội Cấn......
Phòng làm việc của "xếch-xông" yên ắng quá. Đội Cấn khẽ mỉm cười. Chỉ vài phút đồng hồ bao suy nghĩ đã rộn lên trong tâm trí ông. ông bình tĩnh nghiền ngẫm lại một lần nữa cách thực hiện kế hoạch khởi nghĩa đêm nay. Trước hết là đánh chiếm kho súng đạn và trại Bô-dông, diệt Nô-en, quản Lạp và bọn tay chân tàn ác của chúng. Thứ hai là phá đề lao và thả quốc sự phạm. Thứ ba là đánh chiếm các công sở trong tỉnh lỵ, bắt và trừng trị những tên thực dân tàn ác, những tên tay sai đắc lực của chúng. Thứ tư là tiến đánh trại Xê-da-ri của lính Tây. Điều này thu hút sự suy nghĩ của đội Cấn nhiều nhất. Kế hoạch này đã thảo ra từ nửa tháng nay và đã được Lương Ngọc Quyến góp những ý kiến rất xác đáng. Lương Ngọc Quyến đã nhắc đội Cấn chú ý đến vị trí quan trọng của vườn hoa Dây Thép. Vườn hoa này nối với trại Xê-da-ri bằng một phố ngắn. Khi tiếng súng đã nổ lên, chắc chắn bọn Tây sẽ phải cố sống cố chết vượt nhanh phố hẹp chiếm vườn hoa Dây Thép. Chỗ này mới có thể dàn quân chiến đấu được. Nó sẽ trở thành nơi khốc liệt. Đội Cấn mỉm cười. ông nghĩ đến một cái bẫy giương sẵn chờ thú dữ vào là sập xuống. Lương Ngọc Quyến quả là một người có tài quân sự. Còn đội Cấn, nhờ những cuộc hành quân vùng Thái Nguyên
-Bắc Giang, ông đã học được cách đánh táo bạo, quả quyết và rất nhanh của nghĩa quân Yên Thế. Đêm nay sẽ cho bọn đầy tớ của Na-pô-lê-ông (Napoléon) biết tài cầm quân của con cháu Trần Quốc Toản, Nguyễn Huệ. Có tiếng gõ cửa. ông chưa kịp trả lời thì cánh cửa đã mở và một viên đội nhăn nhở cười, bước vào phòng. Đó là đội Hạnh với đôi mắt đen gian xảo. Đội Cấn nhìn đôi mắt của đội Hạnh. ông nhận ra cái đẹp của đôi mắt này rất khác cái đẹp của đôi mắt đội Trường. Hạnh cười rất tươi. Gã vứt một tập bạc xuống bàn đội Cấn.
-Lương của anh đấy! Tôi lĩnh hộ. Công trái của anh đấy! Nó trừ của anh tám đồng tiền công trái.
-Công trái là cái gì nhỉ?
-Đội Cấn ngơ ngác hỏi.
-Là giấy cho Nhà nước vay tiền.
-Hay nhỉ! Tiền chưa đủ tiêu còn phải cho vay.
-Hãy biết thi hành bổn phận đã! Lính bốn đồng một tháng. Cai sáu đồng. Đội Tám đồng. Cu quản mười đồng.
-Thế còn quan giám binh?
-Cứ việc nhân đôi lên.
-Kỳ lạ thật.
-Đội Cấn lẩm bẩm. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong óc. ông ngước nhìn và bắt gặp ánh mắt thăm thẳm của đội Hạnh. Gã cười, khóe miệng có chiếc răng nanh nhỏ.
-Nhà nước bảo khi nào đánh thắng Đức, Nhà nước sẽ trả lại tiền. Người nào có nhiều công trái còn được trả thêm lãi và thưởng mề đay nữa kia. Đội Cấn mỉm cười:
-Thế có phải giữ những tờ giấy này không nhỉ? Hạnh chăm chú ngắm đội Cấn. Gã vấn nhớ ơn đội Cấn... Năm 1909, cả hai người còn ở cấp cai. Lữ khố xanh Thái Nguyên đi càn xung quanh căn cứ Phồn Xương của Đề Thám. Đội Cấn chỉ huy một "gờ-rúp" mười người. Hạnh cũng chỉ huy một gờ-rúp khác. Lính khố xanh hành quân trên một con đường rừng rậm rạp. Tiếng vượn hú nghe rợn người. Toán lính đi thật chậm, nơm nớp lo sợ. Rừng cây hầm hập nóng. Ra đến cửa rừng gặp một cánh đồng rộng, gió mát hây hây, toán lính bắt đầy bô lô ba la nói chuyện và đi trên bờ sông nhỏ chạy chéo qua cánh đồng thung lũng.
Bỗng tiếng súng nổ lên ầm ầm. Lọt ổ phục kích rồi! Và ba gã gục xuống, những cái nón bọc vải xanh lật ngửa trên mặt đất. Một gã bị thương nhẹ còn khỏe, kêu to lên. Số lính còn lại nhảy tùm tũm xuống sông. Đội Hạnh cũng nhảy theo mặc dù gã không biết bơi. Tiếng đạn réo trong không khí, và tiếng đạn bắn xuống nước làm cho đội Hạnh lạnh cả người. Gã nhoi lên được hai lần, sặc nước ằng ặc. Rồi gã chìm như có cái gì từ đáy nước kéo xuống. Bỗng gã thấy một bàn tay quờ vào mặt rồi túm lấy tóc gã. Gã thấy được lôi bổng lên. Gã níu lấy cánh tay đang túm tóc gã. Một quả đấm bỗng đánh vào mặt gã và gã không biết gì hết nữa. Khi tỉnh lại gã thấy mình nằm trong một lùm cây rậm rạp. Một thứ nước mằn mặn từ miệng chảy ra. Gã thấy môi xót và hàm sái cứng lại. Một người ngồi quay lưng lại gã. Anh ta đang vạch lá nhìn ra bên ngoài. Hạnh nom rõ cái sẹo nhỏ sau vành tai anh ta: đó là cai Cấn. Vì chiến tích cứu đồng đội, cai Cấn được mề đay Vinh dự bằng bạc. Hạnh nhớ ơn Cấn, gã có thể trở thành người bạn của Cấn nếu như gã không gặp một sự tình cờ rất quái đản. Sự tình cờ ấy diễn ra năm 1910 ở đồn phủ Thông Hóa nơi đóng quân của Hạnh. Vợ chồng viên giám binh Bắc Cạn đi Hà Nội, qua phủ Thông Hóa rẽ vào đồn ngủ đêm. Viên quản chỉ huy đồn sai cai Hạnh hầu phòng cho vợ chồng giám binh. Chẳng biết vì cái miệng xinh hay vì đôi mắt thăm thẳm như đêm rừng đêm biển hay vì cách hầu hạ vừa mắt mà ông giám binh sau khi về Bắc Cạn đã đổi cai Hạnh lên đó, gắn cả cho Hạnh cái lon cai xếp. Cai Hạnh trở thành người tin cẩn của viên giám binh.
Hắn lên cấp rất nhanh. 1912 lên đội một, 1914 lên đội hai, 1915 lên đội bốn. Đáng nhẽ đầu năm 1917 hắn lên quản rồi nếu như ông phó sứ Thái Nguyên vừa ghen vợ vừa sợ vợ đã không dìm cái bản đề nghị thăng thưởng đội Hạnh. Đội Hạnh nhớ ơn đội Cấn nhưng gã ngờ ngợ rằng hai người không hợp nhau. Trong tâm hồn gã đã nảy sinh ra những ý nghĩ đen tối gì không ai hay biết. Sự kín đáo của gã ẩn sau vẻ mặt tươi cười và cách nói chuyện rất có duyên.
-Giữ cho kỹ chứ bác. Về hưu còn chìa giấy ra mà đổi phẩm hàm nữa kia. Tôi cũng mua tám đồng. Đây này, công trái của tôi đây này... một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám...
-Gã đếm từng tờ
-Nhưng thế là mất đứt bốn chầu chay ở nhà con mụ Tư Sẹo. à, này bác, nhà con mụ Tư Sẹo mới có con bé ở Hà Đông lên. Nó béo trắng mũm mĩm. Chắc thơm thịt lắm đây. Tối nay bác có thử đi với tôi một chuyến không? Đội Cấn cười. ông định lắc đầu nhưng đột nhiên một câu trả lời buột ra:
-Đi chứ! Nhưng phải nhường con bé cho tôi nhé!
-ôi chao ôi! Nhường chứ! Thật là sư đi nhà thổ đấy nhá!
-à! Bác tưởng tôi không biết ăn biết chơi hả. Tôi thừa biết đi nhưng cũng phải lúc thế này lúc thế nọ chứ.
-Được! Chầu này ngu đệ xin bao quan bác. Chắc bác hết tiền hả. Còn phải đưa về cho bác gái kia mà.
-ôi! Cô ấy có nhận lương bao giờ. Cô ấy bảo riêng cái khoản thầu cơm đề lao cũng đủ nuôi hai người. Cô ấy còn đe trước là tiêu lương cho tiêu chỉ cấm bế bà bé về thôi.
-Thì bác cứ bế về hai bà nữa càng vững như kiềng ba chân! Đội Hạnh cười. Khi hắn cười không ra tiếng thì mặt hắn rất tươi. Nhưng khi hắn cười ra tiếng thì tiếng cười hềnh hệch của hắn nghe khả ố lắm. Thực ra đội Hạnh không có ý rình mò dò la đội Cấn. Hắn còn trọng ông là khác nhưng hình như dò xét, theo dõi là bản năng của hắn. Và lần này thì hắn có lệnh của Nô-en. Hắn luồn lách, chui rúc mọi xó xỉnh và nghe được lắm chuyện kỳ quặc của rất nhiều người. Vừa rồi, giám binh Nô-en cho gọi Hạnh đến và hỏi hắn:
-Anh có thân với đội Cấn lắm không? Kinh nghiệm đời dạy hắn cách trả lời thế này:
-Thưa quan giám binh, chúng tôi kính trọng nhau về những chiến công của nhau.
-Nhưng có thân nhau không?
-Thưa, thỉnh thoảng có mời nhau đi... chơi... Đội Hạnh cười một cái, khẽ nghiêng đầu một cái ra điều cái chỗ ấy không tiện nói ra. Như vậy tình bạn được khoanh lại trong kỷ niệm chiến trận và chơi bời. Nếu coi là thân cũng được và coi là bạn chơi bời cũng được. Nô-en đã suy nghĩ rồi dặn Hạnh:
-Anh thử xem anh bạn của anh có thích mua công trái không. Hạnh thầm giật mình. Như thế là đội Cấn có chuyện gì rồi đây. Xưa nay, Hạnh chui rúc hóng chuyện nhưng y chỉ chú ý đến những chuyện riêng chuyện kín của từng người. Việc dò xét chính trị là của sở mật thám. Lần này chắc viên giám binh chỉ mới nghi ngờ thôi. Nhưng nếu giám binh nghi ngờ thì cũng là điều đáng lo nghĩ. Thoạt nghe lời giám binh dặn, đội Hạnh nảy ra ý định đi rỉ tai cho đội Cấn biết. Dù gì chăng nữa, đội Cấn vẫn là ân nhân của Hạnh. Nhưng chợt một sự so sánh lợi hại diễn ra rất nhanh trong tâm trí Hạnh. Và nỗi lo cũng cùng đến với sự mừng rỡ.
-Thưa quan giám binh, tôi sẽ tìm được cái điều cần tìm.
-Được! Nhưng không được để đội Cấn nghi ngờ. Thế là rõ rồi. Tây nó nghi thì hẳn đội Cấn có chuyện rồi. Hạnh đến phòng đội Cấn, đem lương cho ông. Nhưng vẻ mặt đôn hậu của đội Cấn lại đánh thức dậy chút lương tri nào đó còn sót trong lòng gã trai vô lại. Và cái tí chút lương tri ấy cũng không hẳn chỉ thuộc về trí tuệ mà còn có mê tín xen vào. Đội Hạnh cứ sờ sợ một sự trừng phạt không phải ở trần tục mà đến từ một thế giới ma quái nào đấy. Chính vì thế gã không còn nguyên vẹn cái láu cá ma mãnh nữa. Gã bị hút ngay sang câu chuyện ăn chơi quen thuộc. Gã nói:
-Cái con bé Hà Đông ấy chưa ra vẻ người thành thị. Nó vẫn mặc yếm sồi. Mà còn nước da đâu mà mịn thế. Gã rủ đội Cấn chuồn trại xuống phố Ba toa để "béo má" con bé một cái "chơi". Đội Cấn thoái thác rằng mình đang bận phải dẫn "xếch xông" xuống kho súng để khám súng và đếm đạn. ông nói:
-ông Trường "rách lô" (đúng quá định) lắm cơ. Tôi không dám để lính tráng xuống mà không có mặt tôi. Đội Hạnh đột nhiên cười hi hí:
-ông ấy "rách lô" ở đâu chứ ông ấy có "rách lô" được ở nhà nhà ông ấy đâu.
-Đội Hạnh cười chảy nước mắt. Trịnh Văn Cấn kinh ngạc nhìn Hạnh chăm chú. Cái thằng ma cô định giở trò gì ra thế này? ông chợt hối hận ngày xưa mình đã cố sống cố chết để cứu hắn. Biết thế cứ để mày chết chìm chết nổi đi cho rảnh. Đội Hạnh vẫn cười. Gã thích thú:
-Người ta bảo là trước hết là coi sóc việc nhà, sau mới ra tay trị nước. Hi hí... nếu thế thì bác Trường ta hết đường hết nẻo rồi. Hi hí...
-Đường nào, nẻo nào?
-Nhà không coi sóc được thì thôi mọi cái chứ gì nữa ạ.
-Bác bảo sao cơ? Đội Hạnh chợt nhận ra mình quá lời. Gã thôi cười:
-Có gì đâu. Tôi muốn nóinhà bác Trường đã xảy ra chuyện không đẹp. Nói ra cũng xấu mặt. Không nói ra thì ức. Đội Cấn ướm:
-Tưởng gì. Chuyện bác gái chết dưới sông chứ gì?
-Chết cũng ba, bảy đường chết!
-Hạnh buông sõng
-thôi xin phép bác tôi đảo xuống phố Ba tong một tý. Gã chuồn đi để lại cho đội Cấn một mớ suy nghĩ mung lung. Đội Cấn cũng đã từng nghi hoặc trong cái chết của vợ đội Trường có điều gì uẩn khúc. Con sông Công mùa ấy cạn nước có dìm cũng chưa chắc đã chết chứ đừng nói sẩy chân chết đuối nữa. Một người vợ lên thăm chồng gặp lúc chồng đi công cán vắng. Như vậy vợ chồng chưa gặp nhau không thể có va vấp cãi cọ gì để dẫn đến cái chết thê thảm ấy. Đội Cấn văng tục một câu. ông chửi thằng Hạnh. Đang cái lúc nhiều việc chồng chất nó lại còn ném vào một cái mớ bòng bong làm cho đầu có ông lung tung thêm. Hẵng xếp mọi chuyện lại cái đã. Bên ngoài, sân trại yên ắng hẳn. không có tiếng hò, tiếng hét, tiếng chân bước đều nữa. Chắc tất cả đã kéo về nhà ăn. Đội Cấn vớ lấy diêm thuốc trên bàn bỏ vào túi. ông gạt cả mớ giấy má sổ sách xuống ngăn kéo thành một đống lộn xộn rồi đi ra khỏi phòng.
S uốt sáng, Ngoan làm mọi công việc hàng ngày như một cái máy. Người thiếu phụ trẻ không thu vén được sự suy nghĩ của mình. Điều đó cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ngay từ lúc sáng, cô đã phải đối phó với con mụ quản Lạp một trận đáo để. Nó là thế này: Hai người cùng thuê chung một cái nhà có bếp rộng để làm chỗ nấu cơm thầu. Nhà có mấy cái chái con. Ngoan giữ riêng một chái làm kho. Con mụ quản Lạp nổi tiếng là người tháo vát xoay xở. Ngay mấy bà phán tòa sứ còn phải khen nó đảm đang. Việc gì đến tay nó cũng cứ lọt băng băng. Con mụ ấy trước đã có một đời chồng. Anh ta làm thợ thiếc và vợ mở một cái quán bún ốc ở phố huyện Phổ Yên. Người chồng quá đỗi hiền lành, quá đỗi an phận, người vợ quá đỗi tinh ranh và rất nhiều khát vọng. Chị ta cũng đẹp, một vẻ đẹp sắc sảo là khác. Bấy giờ là những năm đầu tiên của thế kỷ. Nhưng cuộc hành quân càn quét trăn trở trên miền đất Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên kéo dài gần chục năm. Những đội lính Tây, khố đỏ, khố xanh đã đi qua, đi lại và đóng lại phố huyện Phổ Yên. Một gã cai trẻ nhìn thấy ở người đàn bà, vợ anh thợ thiếc, cái miệng cười và đôi bàn tay làm nổi một cơ đồ. Gã ăn bún ốc, gã nói chuyện đời, nói chuyện về gã. Cô hàng ốc tìm thấy ở gã những khát vọng giống mình.
Chỉ một tháng sau, đơn vị lính khố xanh ấy rút sang Bắc Ninh. Anh thợ thiếc thấy biến mất vợ mình. Và ở cổng đồn Thị Cầu, nơi gã cai trẻ kia về đóng, có một quán cơm phở mới mở mà người chủ là cô gái bán bún ốc phố huyện Phổ Yên. Gã cai trẻ ấy tên là Lạp. Gã thăng cấp rất nhanh. Trong hơn mười năm, từ cai lên tới chánh quản và làm quản cơ lữ khố xanh Thái Nguyên. Nghe đâu việc thăng thưởng rất nhanh ấy là công lao của vợ gã. Người đàn bà chủ quán cũng làm nổi cơ đồ lên rất nhanh. Chị ta cho vay lãi, buôn chuyến, và nhận thầu cơm lính. Sắc đẹp cũng tàn tạ nhanh không biết có phải vì hay giao dịch với các quan ta quan Tây không? Chỉ biết khuôn mặt còn có những nét sót lại của một vẻ đẹp sắc sảo xưa kia, bây giờ phảng phất vẻ ma quái: ánh mắt sáng dâm loạn, cánh mũi mỏng phập phồng thèm muốn và cái gầy gò của hạng người hàng ngày thiêu hủy mình trong những chỗ tối tăm. Bây giờ mụ quản Lạp đã ra người sang trọng, mỗi cổ tay đeo hai ba đôi xuyến vàng và chính người đàn bà này cầm quyền trong nhà ông chánh quản đồn Thái Nguyên. Nhà quản Lạp có ba người hầu (một vú em, một chị sen, một anh nhỏ). Mụ quản Lạp thuê bốn người để nấu cơm thầu. Đứng trước mụ, Ngoan chỉ là một cô gái hiền quá đến mức đụt, một cô gái đã không thông minh lại không đảm đang. Không hiểu sao mụ quản Lạp lại rất thích Ngoan. Có lẽ mụ thích cái tươi dịu nền nã của Ngoan. Mụ thích nhưng mụ không muốn mình như thế. Mụ tự phụ về tài năng của mình và mụ cho mình là đàn chị của cô bé kia, phải che chở bảo ban cô ta. sáng hôm nay, mụ quản Lạp đến "ô ten" sớm (mụ gọi chỗ nấu cơm thầu như thế cho nó sang). Mụ ngó chỗ gạo cân cho bếp lính. Mụ xem thúng thịt bò bạc nhạc mua lậu ở ba toa. Tay mụ đeo đầy xuyến, đầy nhẫn cứ thục vào đám thịt bầy nhầy, đảo lên lộn xuống. Hình như mụ rất sợ có miếng thịt ngon nào lẫn vào đấy chăng? Mụ xem bếp lính xong, mụ xem đến bếp tù. Người coi bếp tù là bà nhiêu Bảy. Bà nhiêu Bảy góa chồng. ông nhiêu ngày xưa theo cụ thủ khoa Phùng Văn Nhuận ngay từ khi có chiếu vua Hàm Nghi kêu gọi cần vương. ông nhiêu theo ông thủ khoa làm người hộ vệ. Khi ông thủ khoa bị bắt, ông nhiêu cũng bị giặc bắt. Giặc chém đầu ông thủ khoa, ông nhiêu cũng bị giặc giết cùng một ngày. Bà nhiêu từ đó theo gia đình họ Phùng lưu lạc mấy tỉnh trung du để lánh nạn. Chính lúc ấy, bà nhiêu là cột trụ của gia đình họ Phùng. Đối với Ngoan, bà vừa là chị, là mẹ vừa là ân nhân nữa. Năm nay bà đã hơn năm mươi tuổi, quần áo lúc nào cũng xắn gọn, con người hay lam hay làm. Bà bảo ban hai người giúp việc cũng ngọt ngào, thật ra họ đều là người làng cả và họ lên Thái cũng chỉ vì họ coi ra đình họ Phùng như ra đình họ và coi Ngoan như người chủ nhỏ của họ. Mụ quản Lạp xem thúng gạo tù. Mụ nhăn mặt lại. Cũng chỉ là thứ gạo chiêm đớn thôi nhưng còn ngon hơn thứ gạo mụ đong cho lính ăn. Mụ bảo bà nhiêu:
-Bà này! Lần sau thay thứ gạo khác nhé. Như thế này thì đến bà quận xuất của nhà ra cũng không đủ.
-Dạ vâng!
-Bà nhiêu đã được Ngoan dặn dò kỹ lưỡng cách cư xử với mụ quản Lạp.
-Bà đã cân chưa thế?
-Dạ nhà cháu cân đủ rồi ạ.
-Thế có nhớ rút ra năm cân không?
-Dạ có ạ. Bà nhiêu vừa ghê sợ vừa khiếp phục con mụ Lạp. Nó có một cách làm ăn rất gọn, rất chặt, không rơi vãi đi đâu chút nào; chẳng những thế con mụ không hề bao giờ quên vơ vét trong mọi việc. Gạo cân đong rồi, đúng trọng lượng rồi thì rút ra một ít, muối cũng thế, mắm cũng thế, rau đậu cũng thế. Đã có lần bà nhiêu nghe thấy mụ dạy Ngoan thế này:
-Chính cái mỗi thứ một tí ấy đã làm cho chị phất đấy em ạ. Mới đầu thì nó hơi ghê tay, nhưng sau nó quen đi. Chính cái lần ấy mụ rủ Ngoan làm chung với mụ trong việc thầu xây nhà "Xéc" Thái Nguyên. Mụ rủ thật tình còn hơn là đối với chị em ruột cơ đấy. Khi lật cái vỉ buồm xem chỗ cá mắm tù, mụ chu lên:
-Giời ơi, cứ thế này thì mất nghiệp thôi.
-Mụ trợn cặp mắt sắc sảo nhìn bà nhiêu Bảy
-Ai mua chỗ cá này nhỉ?
-Bà cháu mua đấy ạ.
-Đứa nào bán cho cô ấy.
-Cháu không biết ạ. Nghe đâu phường buôn ở Hải Phòng lên mà có quen gì bà cháu cơ.
-Quen thuộc gì. Cá ngon thế này, nó ấn vào tay nó nói bao nhiêu cô ấy trả bấy nhiêu. Tôi còn lạ gì tính cô ấy nữa. Thế sao bà không gàn cô ấy.
-Thưa bà cháu gàn làm sao được ạ. Cháu là phận người ăn người làm... Mụ quản lạp nói dứt khoát:
-Thôi! Bà cất chỗ cá này đi. Bà sang kho tôi bảo chúng nó cân cho chỗ cá thối tôi để trong chum. Gớm chửa, lính còn phải ăn cá thối mà tù lại ăn cá thơm. Có mà loạn. Bà nhiêu Bảy lưỡng lự. Mụ quản tác sác ngay:
-Kìa, đi đi chứ. Bà sợ cô ấy à. Được, chốc nữa tôi bảo cô ấy cho. Đã làm nghề này, cơm canh có bẩn mới kiếm ăn được chứ. Mụ nghĩ thầm: cái con bé ngoan lạ. Mụ chợt mơ ước mỗi khi đánh xóc đĩa có nó ngồi bên cạnh mà gác đùi gác vế thì thích quá. Mụ thèm một tấm tình dịu dàng, lành và sạch. Từ xưa mụ chỉ gặp những cuộc đụng chạm xác thịt ồ ạt. Nó thành một thứ nghiện không có không được nhưng mỗi khi tan cuộc chính mụ lại ghê tởm mụ. Một lát sau Ngoan đến, mặt còn đầy vẻ thẫn thờ. Mụ quản vừa trông thấy cô đã kêu ca ngay:
-Cô em làm ăn thế này thì chết mất thôi.
-Chị bảo em làm ăn sao cơ?
-Cô còn chưa mở mắt ra à. Gạo ấy cá ấy sao lại để cái mồm tù ăn?
-Chị bảo thế nào? Gạo đớn quá phải không ạ?
-Tốt quá thì có! Tôi đã bắt con mụ nhiêu đổi thúng cá khác rồi. Nhưng khi bà nhiêu nhăn mặt bưng thúng cá khắm lặm ra, Ngoan rùng mình vì cô nhìn thấy những con ròi trắng ngọ nguậy trong những hốc mang cá. Ngoan há miệng 159 160 Prev Page 10 Next định nói câu gì rồi lại thôi. Mụ quản rất tinh, mụ chăm chú nhìn Ngoan rồi hỏi:
-Em có chuyện hả? Có phải vợ chồng cãi nhau không? Ngoan lắc đầu. Cô ghê sợ sự ngọt ngào của mụ quản với cô. Hai con mắt thâm quầng của mụ vẫn sáng như xưa, sáng một cách bệnh hoạn. Ngoan lắc đầu. Cô cố ghìm một tiếng thét. Mụ quản Lạp cười ranh mãnh:
-Em tôi hiền quá. Ngoan quá. Chị bảo thật chứ làm ăn thế này thì kiếm chác gì được.
-Không! Chỗ gạo này em đong từ quê ra cũng rẻ thôi. Cả chỗ cá nữa, họ không lấy em đắt đâu.
-Không đắt cũng không cho cái quân ấy ăn sướng. Hôm nay em mua rẻ, mai em phải mua đắt. Lúc ấy em bù thế nào được. Cứ cho chúng nó ăn khổ cho quen đi. Mụ quàng tay lên vai Ngoan. Đôi tay gầy của mụ lần lần bắp vai tròn trịa của người thiếu phụ. Cái miệng rộng và cặp môi mỏng khẽ uốn cong lên thèm khát. Ngoan ghê sợ muốn gỡ tay mụ ra.
-Thôi em lên nhà đi. Hôm nay em làm sao ấy. Để chị trông hộ cho.
Và con mụ đuổi Ngoan lên nhà trên. Mụ quát bà nhiêu Bảy và những người làm. Công việc chạy băng băng. Đối phó đáo để với mụ quản là như thế đấy. Ngoan rã rời người vì ghê sợ và cô rất khổ tâm khi phải ghìm mình lại. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, mụ quản lên nhà trên. Mụ thấy Ngoan ngồi tư lự, vầng trán và cặp mắt tối sầm. Mụ quản đến ngồi cạnh Ngoan. Mụ choàng tay lên vai Ngoan, mụ nựng:
-Em tôi hiền lành quá, hiền hậu quá. Em tôi cứ ngỡ người đời cũng đều là người thân của mình ấy thôi. Ngoan muốn đẩy mặt mụ ra nhưng cô không dám. Người thiếu phụ tin rằng trong cơ thể người đàn bà tàn tạ này có hàng hà sa số vi trùng của những chứng bệnh hiểm nghèo ác độc. Cô biết mụ quản thích cô, cái thích ma quái bệnh tật. Mụ quản thích cô đến nỗi dạo này mụ rủ cô chung vốn và cái "bi vét" (thực ra phải nói là buy-vét mới đúng âm Pháp) nghĩa là cái quán rượu, mụ mở ở cổng trại Mác-xoanh để vét tiền lính lê dương và lính da đen. Ngoan từ chối không có vốn. Ngoan nói: "Mấy lại em khiếp chúng lắm". Mụ quản đã bảo cô:
-Chị chả cần đến vốn của em. Chị cũng chả muốn em phải ra trông hàng. Cái giống Tây với da đen phải để tay chị mới được. Nhưng chị cứ muốn gây dựng cho em. Ai đời hai vợ chồng son rỗi, lương đội bốn mà cửa nhà vẫn đuềnh đoàng thế. Ngoan cười ngượng. Mụ quản nói tiếp:
-Chị cứ muốn có em bên cạnh, lúc nào cũng có em bên cạnh. Đó cũng là câu nói thật lòng của mụ quản Lạp. Ngoan đã trả lời mụ:
-Hay chị cứ để em ra trông phụ với chị. Còn vốn có bao nhiêu em góp bấy nhiêu. Em góp vốn ít thì lãi ít. Mụ quản cười:
-Vốn thì cần bao nhiêu đâu. Nó ở cái tay quán xuyến này này. Rượu chị lấy chịu của hiệu khạch Quảng Ký. Bán đến đâu thu tiền trả họ sau. Bữa nay mụ lại đả động đến "bi vét":
-Chị muốn em ra "bi vét" với chị quá nhưng mà thôi. Bọn lê dương say nó bế em vào trại Mác-xoanh mất. Rồi lại chết oan như con T... Mụ ngừng bặt như lỡ lời. Ngoan ngửng lên nhìn mụ:
-Chị nói ai cơ?
-Không, ai đâu!
-Chị vừa nói người chết oan mà!.............. Mụ quản Lạp ngập ngừng. Sau mụ thấy vẻ mặt của Ngoan như hờn dỗi, mụ nói nhỏ:
-Chị nói con vợ đội Trường!
Ngoan đột nhiên thấy sờ sợ. Cô cũng quàng tay ôm lấy mụ quản. Mùi nước hoa, mùi phấn ở người đàn bà này vừa gợi lên sự ghê tởm, vừa gợi lên sự xót xa. Chưa lần nào được Ngoan ôm lấy mình như thế, chưa lần nào được Ngoan nép vào ngực như thế, người đàn bà nhói đau ở một chỗ nào đấy trong lòng. Xưa kia mụ là một cô gái xinh đẹp với cái tên "Cúc" dịu dàng. Cúc được nhiều chàng trai nhắc đến ở một vùng quê mà hội mùa xuân kéo dài từ mồng một tết đến những ngày nắng hè đầu tiên. ở vùng ấy người ta thường nói: Mùng một ăn tết ở nhà Mùng hai tết chợ mùng ba tết đình Đến mùng bốn, Cúc đã cùng chị em rủ nhau đi xem hội pháo làng Đồng Kỵ, và sau đó lần lượt các làng bờ bắc sông Đuống mở hội: hội chèo, hội vật, hội cờ tướng, hôi thả chim,... rước xách linh đình suốt một dải Đông Anh-Từ Sơn.
Cúc vui miệt mài từ làng này sang làng khác cho tới ngày mùng Tám tháng Tư chơi hội Gióng xong mới kết thúc mùa hội vui xuân của cô. Trong một đêm hội chèo nào đấy, Cúc đã gặp một gã trai phóng đãng. Cuộc tình duyên hội hè một đêm để lại cho Cúc một cái thai trong bụng với tất cả mối đe dọa của tập tục làng quê đối với một người con gái chửa ho- ang. Vào một đêm cuối năm, Cúc bỏ làng ra đi. Bước chân phiêu bạt dẫn cô đến Phổ Yên sau những ngày đi đường mệt mỏi, đói lạnh; cô gã gục xuống cửa một căn nhà lụp xụp. Người chủ nhà, một gã chưa vợ làm nghề thợ thiếc. Gã vực cô vào nhà. Cô sẩy thai và ốm mấy tháng ròng. Gã thợ thiếc đã nuôi cô, và tất nhiên về sau họ thành vợ chồng. Những ngày ở Phổ Yên không đem lại hạnh phúc êm đềm cho Cúc. Người đàn ông ấy hiền lành thật nhưng vẫn âm thầm coi vợ mình là một cô gái lẳng lơ. Anh ta ghen ngấm nghía người vợ nhặt và thấy vợ mình sau mấy tháng xanh bủng, đã càng ngày càng nõn nà ra, phây phây lên, đôi mắt hay long lanh, hay liếc. Cúc không chịu nổi sự im lặng của người chồng. Chút nào còn lại của lương tri không cho phép Cúc ở lại với người chồng hiền lành thế và cũng hẹp hòi thế. Cuối cùng Cúc đã bỏ Phổ Yên, đi với gã cai trẻ mà bây giờ là chánh quản Lạp.
Năm tháng trôi đi. Cúc căm thù đời, căm thù đàn ông, căm thù nhất là ba gã đàn ông đã đi qua và tàn phá cuộc đời của Cúc. Người đàn bà rạc rày ấy ôm Ngoan vào lòng, ấp ủ như ấp ủ một đưa em nhỏ. Mụ ôm vào lòng cái gì mụ đã bị cướp mất đi mà bây giờ vẫn mơ ước nhưng không sao lấy lại được. Căn nhà không có cửa sổ nên bên trong không sáng sủa cho lắm. Những nếp nhăn trên khuôn mặt gầy của vợ quản Lạp bớt hằn sâu. Vẻ lầy lũa cũng giảm đi và thay vào đấy là một chút gì chua xót. Mụ kể cho Ngoan nghe câu chuyện về một người đàn bà khác. Trước đây hai năm, vợ đội Trường từ trong quê ở Hà Nam lên Thái Nguyên tìm chồng. Khi đến trại Bô-dông, Trường lại đang ở Đu. Chẳng may có đứa chỉ cho Nô-en nhìn thấy cô gái quê xinh đẹp. Viên giám binh đã lừa cô ta lên boong-ga-lô bắt cô ta uống rượu say rồi cùng với ba thằng bạn sĩ quan lê dương thay nhau làm nhục cô gái. sáng hôm sau người ta thấy xác cô ta mắc vào đám rễ cây mọc bên bờ sông Công.
-Nó không chết đuối đâu mà nó tự tử đấy em ạ. Chính lão quản nhà chị bảo với chị thế. Tiên sư chúng nó, bọn đàn ông toàn những thằng đểu.
-Thế cũng chính bác giai...
-Không! Thằng nghiện ấy lại chúa đụt về chuyện đó. Mà là thằng đội Hạnh cơ. Mụ cũng đã nhiều lần ăn nằm với thằng này. Mụ hiểu rất rõ. Mụ nghi rằng chính thằng đội Hạnh đã là người dắt cô gái lên Boong-ga-lô cho thằng Nô-en.
-Đấy em xem. Bây giờ chị ra thế này rồi chứ được như em thì chị di tất cả chúng nó xuống gót chân cho bõ. Ngoan đột nhiên thấy một nỗi thương cảm lẫn vào cảm giác ghê tởm thường có mỗi khi cô gặp mụ quản Lạp. Người đàn bà tàn tạ ấy bây giờ đang khóc. Nom mụ càng xấu đi một cách thảm hại và càng đáng thương.