Chương 5

S áng nay khi Nô-en thi hành việc phạt bọn cai Mánh trước hành quân thì việc này không lọt mắt một người cấp trên của y lúc đó đang đứng bên cửa sổ boong-ga-lô nhìn xuống. Đó là viên giám binh hạng nhất Đờ Mác-ti-ni (De Martini) phụ trách phòng thanh tra lính khố xanh Bắc Kỳ vừa mới về thanh tra trại lính khố xanh Thái Nguyên. Nô-en đã bắt đầu trì trệ, nặng nề vì uống nhiều rượu cồn. Gã vốn là một viên đội pháo binh cũ làm việc trong trung đoàn kỵ binh Bắc Kỳ trước khi về hưu và chuyển sang làm giám binh ngạch khố xanh. Trong quân đội Pháp chỉ những sĩ quan kỵ binh mới chính cống là quý tộc. Nô-en bắt chước cách ăn mặc và dáng điệu của sĩ quan kỵ binh. Hắn mặc quần đi ngựa, ống chân bó ghệt và không bao giờ quên đeo đinh thúc ngựa ở gót giày. Hắn chọn một đôi đinh rất to có mắc bánh xe răng cưa thật lỏng để chúng kêu lên lanh canh mỗi khi Nô-en bước đi. Đờ Mác-ti-ni thì khác. Y chính cống là cựu sĩ quan kỵ binh tốt nghiệp trường sĩ quan kỵ binh Xô-muya (Saumur), cái trường quân sự mà thường những người Pháp có họ đệm chữ Đờ mới được thu nhận vào học. Y dữ nguyên vẹn được cái dáng điệu lịch sự, duyên dáng và đĩnh đạc của hạng người này. Mọi cử chỉ, ngôn ngữ trong con người y toát ra vẻ quý phái kênh kiệu. Y đã già. Tuổi trên năm mươi. Tuy chuyển sang ngạch lính này. Đờ Mác-ti-ni thường mặc bộ dạ cứt ngựa cắt rất khéo và không mang lon, mang mề-đay. Đôi tay áo sơ-mi trắng của y cài bằng hai chiếc khuy măng-sét bằng vàng có chạm huy hiệu dòng họ. Cái khuy chạm ấy khêu gợi sự thèm thuồng tột độ và tuyệt vọng của Nô-en. Đờ Mác-ti-ni vốn dòng quý tộc ở vùng núi An-pơ (Alpes) nhưng là dòng qúy tộc đã sa sút mặc dù chính cống quý tộc lâu đời. Y rất khinh Nô-en. Y chửi thầm Nô-en là thằng anh chị du côn ở ngoại ô Pa-ri. Đờ Mác-ti-ni rất ghét cái bụng phệ Tây thuộc địa của Nô-en. Đờ Mác-ti-ni cũng rất ghét cái thô lỗ kiểu cai đội của Nô-en. Nhưng Đờ Mác-ti-ni cũng kiềng Nô-en, một tên đã nổi tiếng ở vùng Xanh Giéc-manh đề Prê (Saint Germain des Prés). Cái thằng du đãng thô lỗ ấy chắc không chịu nhịn nhục ai. Ngoài mặt, Đờ Mác- ti-ni tỏ ra đàn anh, độ lượng với Nô-en. Gã hay khuyên thằng bạn "bất đắc dĩ" ấy bằng những lời thông minh nhất. Hôm nay gã tỏ ra ngọt ngào hơn nữa với Nô-en:
-Này Đê đê1! Anh cho rằng người này là viên đội tin cẩn nhất của anh thì tôi không chịu. Tôi đã cầm quân ở Đông Dương ngót hai mươi năm. Tôi có một số kinh nghiệm muốn trao lại cho anh. Nô-en ngạc nhiên. Hắn với tay giở quyển sổ lính Đờ Mác-ti-ni trao cho. Hắn đọc lẩm nhẩm lại bằng chữ do chính hắn đã viết: "Tận tụy và cần mẫn trong công việc hàng ngày. Can đảm và thông minh khi ra trận. Không bê tha rượu chè, đĩ bợm. Được bạn đồng sự và cấp dưới mến phục. Một hạ sĩ quan gương mẫu đáng được thăng thưởng". Nô-en trao cuốn sổ lính lại cho Đờ Mác- ti-ni:
-Tôi tin rằng nhận xét của tôi đúng
-Hắn muốn lấy lòng viên sĩ quan quý phái
-Anh không ở đây nên có thể không hiểu rõ viên hạ sĩ quan này. Hắn đáng được gắn lon quản lắm. Đờ Mác-ti-ni không trả lời. Y đang ngắm chiếc ảnh dán trong cuốn sổ. Vẻ mặt những người châu Y nào cũng bí hiểm và kín đáo như nhau. Chẳng hiểu hai con mắt đen kia gợi lên một điều gì trong đáy lòng của hắn? Đờ Mác-ti-ni ngước nhìn Nô-en và cười tủm tỉm làm cho gã này ngượng nghịu nói vội:
-Tôi hiểu anh ta! Anh không tìm được chỗ nào sai trong lời phê ấy đâu. Đờ Mác-ti-ni lắc đầu, hoài nghi:
-Thăng lên quản thì quá lắm đấy!
-Tôi có thăng nó lên quan một đâu. Chỉ là quản có nghĩa là một hạ sĩ quan mà thôi. Rất đúng lệnh trên. Đờ Mác-ti-ni nói mà không nhìn Nô-en:
-Anh hiểu sai ý tôi rồi. Hiện nay chúng ta chỉ cho người An-nam lên cấp quản cũng là vì ta không muốn cho họ ngóc cổ lên được nhưng tôi cho rằng rồi ta sẽ phải có sĩ quan người An-nam và sẽ có lúc ta bắt buộc phải phong tới cấp tá, cấp tướng cho chúng... Anh ngạc nhiên à! Có gì là lạ nào. Để chiếm giữ xứ này, chúng ta đem tướng tá và binh lính Pháp sang. Đến lúc lính Pháp không đảm đương việc bình định thì ta lấy lính khố đỏ, khố xanh. Điều ấy cũng buộc phải làm để có các sĩ quan người An-nam. Anh xem, cái tên Đỗ Hữu Vị nào đấy đã được gắn lon đại úy rồi chết một cách tự nguyện cho sự vinh quang của nước Pháp đó thôi. Nô-en kinh ngạc, không ngờ Đờ Mác-ti-ni lại nghĩ đến thế.
-Thế thì tôi thăng thằng này lên cấp quản là đúng chứ? 1. Gọi André một cách thân mật suồng sã.
-Là sai...
Lời phê của anh rất chính xác nhưng còn thiếu một phần mà lại là phần cốt yếu nhất. Nô-en nhún vai. Y không muốn làm mếch lòng cấp trên. Đờ Mác-ti-ni vốn là thần tượng của y và là người có thế lực trong võ phòng của phủ thống sứ Bắc Kỳ. Nô-en không hiểu Đờ Mác-ti-ni định dẫn y đến đâu và y không tin ý kiến Đờ Mác-ti-ni có thể đem dùng được. Thực ra Đờ Mác-ti-ni còn chưa nói hết ý của gã. Đờ Mác-ti-ni không chịu được cả người Pháp bình dân nhưng gã là một con người nhiều thủ đoạn về việc củng cố chế độ thực dân ở Đông Dương. Xét cho cùng thủ đoạn của hắn cũng chỉ là chính sách thực dân của đế quốc Pháp ở thuộc địa. Đó là việc biến bọn quan lại và lính tráng người An-nam thành những cái máy giết người trung thành với đế quốc Pháp. Hắn nhếch một nụ cười nham hiểm:
-Nó thiếu cái phần bên trong của tính cách người lính thuộc địa. Một con người đã từng sống gần hai mươi năm trong trại lính mà vẫn không bê tha rượu chè là một điều đáng chú ý. Đờ Mác-ti-ni cắn đầu một điếu xì gà, cắm vào đấy một cái tăm. Y châm điếu thuốc rồi trỏ ngay đầu xì gà cháy về phía Nô-en:
-Anh nghe lời tôi nói tiếp. Một người như thế phải có cái gì nằm trong này
-Gã gõ gõ ngón tay trỏ vào thái dương
-Anh đã nắm được nó suy nghĩ thế nào không? Đờ Mác-ti-ni cười không thành tiếng, trong khi đó Nô-en đờ người ra vì ngượng. Hắn muốn cho Nô-en đỡ ngượng nên lấy lại giọng thân mật:
-Này Đê đê! Tôi không nói với tư cách thanh tra của võ phòng đâu. Chính là vì quyền lợi chung của người Pháp thôi. Các hạ sĩ quan An-nam-mít dưới quyền anh cũng có người đã từng ở với tôi. Tôi hiểu họ kỹ. ở đây anh chỉ có vài người tin cậy được thôi. Đó là quản Lạp, là đội Hạnh... Đờ Mác-ti-ni uể oải đứng dậy, chắp hai tay sau lưng, lững thững đi quanh phòng. Nô- en rất bực vì gã muốn theo dõi nét mặt tên thanh tra nhưng tên này cứ di động luôn làm cho gã cứ phải ngoảnh cổ đi ngoảnh cổ lại.
-Vì sao anh chỉ nên tin cậy những hạng người như quản Lạp, đội Hạnh? Vì họ có nhiều dục vọng! Hoặc là mê tiền và nghiện thuốc phiện như quản Lạp, hoặc là mê gái như đội Hạnh. Anh làm cho dục vọng của họ thỏa mãn thì họ sẽ bán cả bố mẹ họ cho anh. Còn đội Cấn, chúng ta chưa hiểu hắn ta thèm khát cái gì? Nhưng tôi bắt gặp hắn ta vài lần đang đọc sách của Vôn-te (Voltaire) và Giăng Giắc Rút-xô (J.J. Rousạeau). Tất nhiên là bản dịch của Tàu. Phải nhớ rằng bọn nho học mà thích đọc "tân thư" là bọn khác thường. Nô-en chẳng hiểu Đờ Mác-ti-ni định nói cái gì. Nhưng y hiểu rằng đây là một câu chuyện rất nghiêm trang mặc dù trình bày kiểu cách và rối rắm. Theo thói quen quý tộc của hắn, viên thanh tra võ phòng chậm rãi nói:
-Năm ngoái, chúng ta đày vua Duy Tân sang quần đảo Rê-u-ni-ông (Réunionạ) và đặt lên ngai vua An-nam một con lừa. Thế mà anh xem, con lừa ấy lại được việc cho ta. Mấy gã bảo hoàng An-nam bị dồn vào ngõ tắc hậu rồi. Như vậy ta cần đề phòng những kẻ nào chống lại ta bây giờ?... Đó là Quang Phục Hội mà đồ đảng của nó đang ngấm ngầm hoạt động ở nhiều nơi. Đờ Mác-ti-ni ngừng lại trước bàn giấy của Nô-en, hai tay chống xuống bàn, ánh mắt cắm sâu vào trong đôi mắt ngơ ngác của Nô-en.
-Chúng ta chỉ bằng lòng tư tưởng của Vôn-te và Rút-xô ngự trị ở Pháp. Còn ở đây thì tối kỵ. Cái món tự do, bình đẳng, bác ái vốn dĩ hay lây, càng không được để nó nảy mầm ở xứ này. Dân đen ở đây sẽ đòi bình đẳng với người Pháp, đòi lương bổng như chúng ta, đòi mở mang kỹ nghệ. Mọi thứ đặc quyền, ưu tiên của chúng ta bị mất. Chúng ta sẽ phải ăn thịt bò hóa dại. Còn bác ái thì miễn bàn. Từ khi Chúa Trời dở hơi ban cho con người ánh sáng của trí tuệ, thì con người đâm ra hiểu biết cách ăn thịt lẫn nhau và cứ bám lấy cái trí tuệ ấy mà đày đọa lẫn nhau. Chính ông Đác nhà anh đã chỉ cho tôi điều ấy!
-Thế thì sao? Anh bảo ta sẽ buộc phải có tướng tá An-nam-mít mà anh lại phản đối tôi muốn thăng một thằng đội An-nam-mít lên cấp quản?
-Chẳng có gì mâu thuẫn cả. Anh thăng thằng Lạp lên đại úy cũng được vì nó là đứa đã bán linh hồn cho ta, còn Trịnh Văn Cấn thì tôi không muốn. Anh nên nhớ chúng tôi lo lắng đêm ngày để dẫn cái giống lính An- nam-mít đi theo con đường của quỷ. Phải cho họ quen rượu, quen gái, quen bắn giết, đốt, hiếp để thành một thứ lê dương hạ đẳng. Đừng nghĩ chúng cũng là người như dân Pháp. Chỉ có thể là người Pháp dân chủ, nếu không thì phải là người An-nam-mít nô lệ như thằng Lạp. Đờ Mác-ti-ni cầm bút xóa hàng chữ "Hạ sĩ quan gương mẫu đáng được khen thưởng" đi và điền vào hàng chữ mới trong sổ lính của đội Cấn: "Cần thử thách lòng trung thành với quyền lợi và danh dự của nhà nước Đại Pháp".
-Et voilà! (Và thế đó)
-Đờ Mác-ti-ni vứt bút, cười.
-Hà! Xếp cái việc rắc rối ấy lại. Mác-ten nhé! Đờ Mác-ti-ni gật đầu. Nô-en bấm chuông. Một lát sau lính hầu bưng vào một chiếc khay trên để một chai Mác-ten, hai cái cốc, một xô đá và một đĩa quả ô-liu muối. Đờ Mác-ti-ni kêu lên:
-ở đây mà cũng có hơi hướng Địa Trung Hải kia à!
-Chứ sao?
-Nô-en tự hào đáp. Tên lính hầu lại vào đặt lên bàn một tập công văn, một số thư và báo chí vừa nhận được. Nô-en ra hiệu bảo người lính hầu ra. Y rót rượu, bỏ đá vào cốc trong khi đó Đờ Mác- ti-ni giở một tờ báo Pa-ri ra đọc. Hắn tắc lưỡi:
-Thật khủng khiếp. Cái chiến trường sông Xom tốn khá người, khá của thật! Nô-en cười:
-Trại này cũng đã cung cấp khối xác chết cho mặt trận ấy đấy nhưng cũng chẳng đến thứ sĩ quan già như bọn ta đâu mà lo. Mọi lần Đờ Mác-ti-ni vẫn dung thứ cách suồng sã này coi như một đặc ân với Nô-en vì Nô-en là cánh tay phải của Đác. Nhưng lần này Nô-en đụng tới nọc quý tộc của Đờ Mác-ti-ni nên tên này cau mày ngắt lời.
-Chúng ta không phải ra trận để đem lồng ngực của chúng ta ra bảo vệ nước Pháp vì chúng ta phải bảo vệ sự có mặt của nước Pháp ở xứ Đông Dương. Vì vậy chúng ta phải quan tâm đến chiến trường chính quốc với tất cả bầu máu nóng của chúng ta. Nô-en đỏ mặt, vội chữa:
-Tất nhiên như vậy. Đờ Mác-ti-ni chưa chịu thôi ngay:
-Vậy thì phải quan tâm như thế nào ở địa vị chúng ta? Đờ Mác-ti-ni đặt câu hỏi cho cả hai người. Gã đứng thẳng người, đầu nghiêng trong một dáng suy tư rất đẹp và duyên dáng. Nô-en ngợp người trước tư thế quý phái của Đờ Mác- ti-ni. Gã nhìn thần tượng không chớp mắt. Đờ Mác-ti-ni vẫn giữ nguyên cách đứng và liếc nìhn về phía Nô-en ra hiệu hãy trả lời đi. Nô-en nhún vai, xòe tay rất bình dân:
-Làm hết sức chứ sao nữa!
-Nhưng sức lực trí tuệ phải dồn vào chỗ nào chứ? Nô-en im lặng. Y không quen suy nghĩ và không muốn suy nghĩ nữa. Đờ Mác-ti-ni khinh bỉ, đếm từng điều trên đầu ngón tay như dặn dò một thằng ngu ngốc:
-Phải có người này! Phải có của này! Phải có người và của cung cấp cho nước Pháp chiến tranh
-Đờ Mác-ti-ni chợt cười:
-Tôi vừa đọc một bài báo của cái thằng An-nam-mít Phạm Quỳnh nào đó đăng trên tờ báo Nam Phong. Hắn nói rất đúng ý định tổng quát của quan toàn quyền An-be Xa-rô (Albert Sarraut). Quan toàn quyền thì nói là: "Chúng ta phải nắm chắc nguồn cung cấp vô tận của Đông Dương cho tổ quốc của chúng ta". Còn thằng kia văn vẻ hơn. Hắn viết: "Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc". Nhưng tóm lại là vét của vét người đưa sang Pháp!
-Anh cho rằng tôi chưa làm việc đó à? Dẹp loạn là làm việc đó chứ còn gì nữa!
-Chưa đủ!... Anh lấy gì ra mà dẹp loạn?
-Binh lính dưới quyền tôi.
-Sự trung thành của họ?
-Tôi trị thẳng tay kẻ nào không trung thành với chính quyền của chúng ta. Đờ Mác- ti-ni bình thản nhìn vẻ mặt cáu kỉnh của Nô- en. Gã tủm tỉm cười, lòng thầm khinh sự thô lỗ của Nô-en.
-Chính sách "quả trùy sắt" của quan công sứ Đác phải không? Vấn đề đáng bàn ở chỗ ấy đấy. ông ta cầm đầu một tỉnh. Tôi ở võ phòng phủ thống sứ Bắc Kỳ. Cấp bậc, quyền hành của tôi hơn ông ta. Nhưng điều đó không quan trọng. Ai nói lên sự thật, người ấy đáng giá hơn. "Quả trùy sắt" của ông ta không như anh hiểu đâu. Cách cai trị của ông ta gồm cả xiết dạ dày, xiết trí não người An-nam-mít nữa. Anh muốn đàn áp thì phải có lính, mà ở Đông Dương bây giờ quân Pháp còn ít... Lính Pháp, âu Phi, đang lội bùn bì bõm ở sông Xom kia kìa. Còn ở đây, ta chỉ có một số sĩ quan già (y thấy Nô-en cười) và một số đã ỳ trệ vì rượu cồn (y thấy Nô-en thôi cười). Nói thật là lực lượng Pháp ở Đông Dương yếu trông thấy. Lực lượng yếu mà nói đến việc dùng "quả trùy sắt" thì thật ngu ngốc đến rồ dại. Này Nô-en! sáng nay anh phạt lính thế nào tôi đứng ở cửa sổ xem rõ hết. Anh có nhận ra điều gì đáng chú ý ở đám lính của anh không?............. Đờ Mác-ti-ni nghiêng đầu tìm từ ngữ một cách khó khăn:
-Hình như họ... loại trừ anh ra khỏi khối người xếp thành hàng sáng nay.
-Mẹc... Pác- đông (Cứt... xin lỗi). Nô-en xin lỗi tiếng tục văng buột miệng và lo lắng nhìn cấp trên. Nhưng Đờ Mác-ti-ni lạnh lùng nói tiếp:
-Tôi chỉ huy năm trăm lính lê dương. Họ còn văng tục gấp mười anh. Nhưng ở với họ, tôi vẫn yên tâm mình là cấp chỉ huy của họ. Còn anh, tôi xem ra anh đứng ngoài khối lính của anh rồi. Như thế là "quả trùy sắt" của anh không có cán. Cái xứ Đông Dương, con bò sữa quý giá của chúng ta thì sao? Phải có người! Chuyển lính sang Pháp, mộ lính thợ, càng nhiều càng tốt. Máu người An-nam-mít rẻ hơn. Mỗi đầu lính An-nam-mít ta chỉ cần phải chi 54 quan một tháng. Máu của lính An-nam-mít không quý bằng máu Pháp, thậm chí không quý bằng máu của một con ngựa trong kỵ binh Pháp. Nói đến ngựa, Đờ Mác-ti-ni quên ngay chiến trường sông Xom:
-Trời ơi, những con ngựa giống ăng-đa-lu mũi hất lửa, những con tuyền nòi ăng-lê, chân như vó nai. Này Nô-en, thế mà tôi vẫn thích một con ngựa ả-rập đen tuyền. Nom nó không thanh tú mà nó hoang dại như một cô gái Di-gan ấy. Đờ Mác-ti-ni soi cốc rượu lên ánh sáng để xem màu rượu rồi nhấm nháp vài ngụm nhỏ rất sành sỏi:
-Được ngồi đây uống rượu là nhờ ơn nước Pháp, nhờ lồng ngực Pháp và thuộc địa Pháp. Nếu chúng ta thua trận... xứ Đông Dương sẽ phải nộp cho Đức và thế là chúng ta phải trở về làm bồi bàn. à... nói đến chuyện làm bồi bàn, tôi nghe người ta nói giữa anh và ngài công sứ Đác có dính líu gì đến việc ăn uống bồi bàn thì phải? Nghe đâu hai người có ơn tri ngộ với nhau phải không? Chắc là có, vì lần nào danh sách thăng thưởng cũng có tên anh. Đác có vẻ thích anh lắm. Nô-en cười hô hố. Cái thằng cha quý tộc mất nghiệp này tài thật, chả có thể giấu được nó tí gì, kể từ thành tích bất hảo của y ở mọi xó xỉnh ngoại ô Pa-ri cho đến cai lai lịch sĩ quan kỵ binh nhận "nhầm". Nô-en không kiểu cách nữa. Gã vỗ đùi đánh đét một cái, nói như một viên đội pháo phủ:
-ơn tri ngộ gì đâu. Hồi tôi ở Xanh Giéc- manh đề Prê, lão Đác có mở cái quán rượu ở đó. Tôi qua lại luôn, uống chịu, uống chằng, uống bửa, hắn không hề đòi tiền, tôi có thì tôi giả, không có thì nháy mắt một cái rồi chuồn. Ngược lại, tôi bảo vệ hắn. Tất cả tụi yêu quái ở Xanh Giéc-manh không một tên nào đụng đến lông chân Đác, người bạn chí nghĩa chí tình của Nô-en. Về sau chẳng hiểu nhờ có bà con gì đó làm ở Bộ Thuộc địa, Đác dẹp quán rượu bỏ sang lập nghiệp ở thuộc địa với chức quan cai trị hạng bét. Gặp đúng thời, lão lên như diều, bây giờ nghiễm nhiên là một ông đầu tỉnh vào loại sừng sỏ ở Đông Dương. Lần gặp lão ở Hà Nội, tôi không tin ở mắt tôi nữa. Lão ta đường bệ sang trọng làm sao, chẳng bù với hồi ở Pa-ri lúc nào cũng cái khăn trắng vắt vai, lăng xăng bưng rượu cho tôi. Nom hắn quý phái hẳn lên làm cho tôi cũng đâm ngờ vực tất cả những nhà quý tộc Pháp ở xứ này. Đờ Mác-ti-ni đỏ mặt lên. Nô-en vô tình không biết mình vừa xuyên phải tim Đờ Mác- ti-ni một mũi dao rất nhọn. Gã cứ ba hoa:
-Tôi còn nợ lão khối tiền rượu. Lão không nhắc một lời mà lão còn chiều tôi ra chiều. Hô... hô... hô... Cái cười hô hố rất hồn nhiên của Nô-en khiến Đờ Mác-ti-ni cũng phải quyên câu nói chạm tự ái trên. Và câu chuyện trở nên suồng sã. Đờ Mác-ti-ni ngắt lời:
-Nhưng dù sao dùng "quả trùy sắt" trần trụi là phương sách kém thông minh. Tôi đã làm tờ trình cho võ phòng. Tôi đề nghị ra lệnh các ông giám binh hạn chế việc phạt. Và đề nghị phát chăn dạ, phát dép xăng-đan cho lính khố xanh nữa.
Nô-en chu lên:
-ô, ô! Phát dép xăng-đan nữa! Anh làm như chúng là những ông hoàng châu Phi ấy.
-Đừng thiển cận và hẹp hòi. Chẳng những dép mà sẽ còn tăng lương, còn phát quần áo lót, còn trường học riêng cho con cái binh lính nữa kia. Họ chăn bò sữa cho chúng ta. Nếu ta không chăm họ thì ta phải cử người Pháp canh gác họ mà người Pháp thì đang mở mắt không ra ở chiến trường châu âu. Tất nhiên anh vẫn có quyền và có bổn phận dùng roi cặc bò. Nhưng hãy đánh cho kín. Đánh như anh hồi sáng là gây căm tức cho cả trại lính. Như thế nguy hiểm lắm. Đờ Mác-ti-ni hăng lên. Gã nốc Nô-en không kém gì Nô-en, chỉ có khác là mặt gã tái đi còn mặt Nô-en như gấc chín.
-Anh có biết thế nào là Giắc-cơ-ri (Jac- queries) không? Khiếp lắm. Cái giống dân quê mất ruộng nó vác lưỡi hái đi làm loạn thì khiếp lắm. Lính giời cũng bị nó tràn qua, quét đi hết. Có lẽ tôi phải đề nghị võ phòng cấp ruộng cho lính và buộc các ông chủ tư bản nếu lấy ruộng làm đồn điền, làm đường sắt thì phải bồi thường cẩn thận những chủ ruộng nào là lính An-nam-mít. ít ra thì cũng là lính dẹp bọn Giắc-cơ-ri. Nô-en thấy Đờ Mác-ti-ni quả thật thông minh và có học. Được một quan thầy như thế ở võ phòng dinh thống sứ thì qúy giá. Gã thấy Đờ Mác-ti-ni còn giỏi hơn ông sáu võ Bắc Kỳ và hơn cả ông sáu văn Bắc Kỳ. Gã nhìn Đờ Mác-ti-ni không chớp mắt.
-Còn điều này nữa! Hãy bắt lính mua cho nhiều công trái. Phủ toàn quyền vừa ban hành loạt công trái mới để có tiền cho âu chiến. Bắt lính mua. Mỗi thằng bốn tờ, cai sáu tờ, đội tám tờ, quản mười tờ. Mỗi tờ anh được hoa hồng năm xu. Như thế mỗi kỳ lương được thêm năm chục bạc. Đủ một chuyến đi đập phá ở Hà Nội. Có điều đừng vắt kiệt quá mà bò chết đấy. Nô-en lờ dờ nhìn Đờ Mác-ti-ni nốc rượu. Nô-en còn chút đỉnh tỉnh táo để hiểu được cái hay trong ý kiến của Đờ Mác-ti-ni. Gã nói:
-Hay thật. Tôi sẽ xem tôi còn đứng vững giữa đám lính của tôi không.
-Là một.
-Tôi trị vài thằng đầu sỏ và vỗ về bọn lính quèn.
-Là hai.
-Ra lệnh phát lương ngay.
-Là ba.
-Và bắt nó mua công trái là bốn. Đờ Mác-ti-ni cười ngả nghiêng mà không thành tiếng. Cái thằng Nô-en đã ngu mà ngố vẫn đáng yêu về sự thành thực của nó. Nô-en bấm chuông gọi lính hầu sai đem mệnh lệnh phát lương ngay cho binh lính trại Bô-dông.
Sau đó gã giở quyển sổ lính của đội Cấn ra xem lại. Gã lẩm bẩm:
-Phải sai thằng Hạnh dò thằng này xem nó đối với việc mua công trái ra sao. Nếu nó đáng thăng thưởng thì thăng ngay, biến nó thành thứ đầy tớ trung thành. Bằng không... ném sang mặt trận sông Xom. Nô-en vứt quyển sổ lên bàn. Gã vớ cốc uống một hơi cạn rồi đứng dậy. Theo thói quen, hắn định cầm cái roi ngựa nhưng sau vài giây suy nghĩ lưỡng lự. Nô-en ra tay không. Đờ Mác-ti-ni tủm tỉm cười khinh bỉ, khoan dung. Gã xem đồng hồ tay. Mười giờ! Sắp đến bữa trưa rồi! Gã đứng cạnh cửa sổ nhìn theo Nô-en. Đột nhiên một trận cười làm rung cả đôi vai gã. Đờ Mác-ti-ni cố nhịn nhưng nhịn không được, gã phải đóng cửa sổ, bỏ vào gieo mình xuống ghế mà cười. Gã cười sằng sặc, cười lăn lộn. Gã cười đến mức thắt lưng bật đinh cài mới ngớt dần trận cười ấy. Đờ Mác-ti-ni thở hổn hển và bắt đầu một trận ho cũng kéo dài.
-Thật là đại bịp! Thích quá! Đờ Mác-ti-ni nghĩ thầm: "Cái thằng Nô-en đần độn một cách rất hay".
Đờ Mác-ti-ni buồn cười vì đã bịp Nô-en một mẻ ra trò. Những ý kiến về quả đấm sắt không phải của gã mà chính là của Đác. Đờ Mác-ti-ni đã được nghe Đác trình bày ý kiến trong cuộc họp các công sứ Bắc Kỳ do viên thống sứ chủ tọa. Đác đã nói về cách cai trị cần thiết và có hiệu quả ở xứ Đông Dương. Gã nêu những biện pháp cần thi hành để đạt được mục đích. Xứ Đông Dương phải thành một "chú bò sữa" cho những nhà thực dân Pháp. Muốn vậy phải mở mang các mỏ để cung cấp nguyên liệu cho chính quốc. Mở cần nhân công. Nhân công ấy rút từ các làng quê An-nam. Như thế phải "cất khéo" ruộng của dân cày An-nam-mít để họ phải đi làm phu mỏ. Để cho dân An-nam- mít không kêu ca thì phải kiếm cách làm cho họ mụ mị đi, ngu đần đi bằng rượu cồn, bằng thuốc phiện. Đác công bố luôn một bản đồ tỉnh Thái Nguyên với một hệ thống chi lá, theo số dân từng huyện, những đại lý rượu RA và những đại lý thuốc phiện RO. Trường học chỉ nên mở ít thôi và ngược lại phải xây một số nhà giam. Cái "một số" của Đác có nghĩa là hàng nghìn nhà giam! Tóm lại "quả đấm sắt" của Đác chỉ là một trong nhiều biện pháp cai trị của gã. Gã đã nói với các công sứ khác:
-Khi cần, tôi thay "quả đấm sắt" bằng những dạ hội, những phẩm hàm, và nhiều cái khác kể cả cách gọi thằng thư ký quèn người An-nam-mít bằng mơ-xi-ơ (ông). Chẳng riêng gì Đờ Mác-ti-ni, các công sứ khét tiếng "cáo" như Bít (Brides), éc-ke (Eck- ert) cũng phải khiếp phục, ghen ghét và cả khinh thầm Đác.
Đờ Mác-ti-ni ghen với Đác vì tên này sang Đông Dương chưa quá mười năm đã được toàn quyền, thống sứ coi là nhà cai trị xuất sắc rồi thăng chức gã ầm ầm! Đờ Mác-ti-ni khiếp Đác vì ý kiến của tên này quả thật biểu hiện một sự hiểu biết nhuần nhị về sự nghiệp thực dân của người Pháp và tên này đã đề ra những biện pháp cứng cáp sắc sảo. Nhưng Đờ Mác-ti-ni cũng khinh Đác vì những biện pháp của tên công sứ đứng đầu Bốn hung thần quá ư ghê tởm. Thực ra Đờ Mác-ti-ni muốn làm được như Đác lắm nhưng gã đành chịu không sao làm nổi vì gã ham chơi, ham rượu, ham gái. Gã quen nếp sống lười biếng của giới quý tộc đã hết thời từ lâu. Gã láu lỉnh, ưa nhàn nhã, thích hưởng thụ các thú vui vật chất nhưng lại nhu nhược ở mức không đủ tàn bạo để làm được như Đác. Cái khinh của Đờ Mác-ti- ni bắt nguồn từ bất lực. Nhưng bịp Nô-en hôm nay, Đờ Mác-ti-ni đã thực hiện được mẹo thu nhận đàn em của gã. Đờ Mác-ti-ni đã nâng mình lên dìm Đác xuống trước mắt Nô- en. Gã này sẽ là tài chủ chi tiền ăn chơi phá phách mỗi khi Đờ Mác-ti-ni đi thanh tra các tỉnh trung du Bắc Kỳ. Và hơn nữa, xưa nay bịp vốn là cách xử sự thông thường của Đờ Mác-ti-ni, đã hình thành tính cách gã. Đờ Mác-ti-ni ho chán, gã lại cười trận nữa. Để đỡ cười, gã cầm cả chai Mác-ten lên ngửa cổ tu từng hơi dài...