Chương 3

B inh lính chờ giờ đi làm ở sân giữa. Số binh lính các đồn khác về lĩnh lương cho anh em trong đồn cũng đứng đầy ngoài sân. Chuyện xôn xao về hoãn trả lương, chuyện nợ nần, chuyện tán tỉnh cô hàng ốc luộc, cô hàng bún chả, cô con gái bà bán tạp hóa rìa phố Chợ, chuyện âu chiến; rôm rả nhất là chuyện âu chiến và những chuyến tàu đi Tây chở đầy lính chào mào1 An-nam. Những viên đội đã từ phòng chỉ huy lập lách đi ra, người nào gọi "xếch-xông" của người ấy sắp măng nghe lệnh công vụ: đờ-mi gơ-rúp của cai Mánh thuộc "xếch-xông" Hai. Người chỉ huy "xếch-xông" Hai là đội Giá. Đội Giá và đội Trường như hai thái cực. Trường lặng lẽ, mặc cảm và u buồn. Giá hoạt bát, sắc sảo và vui tính. Trường vừa lòng hầu khắp mọi người. Giá có người quý mến anh cũng có người thù ghét anh. Chính Giá cũng thế. Anh yêu ai thì yêu ra mặt và ghét ai thì như đào đất đổ đi. Giữa Giá và Trường chỉ có chỗ giống nhau: 1. Lính khố đỏ đội một thứ mũ ca-lô cao như mào chim nên có tên gọi chế diễu là lính chào mào. đó là hai viên đội trẻ nhất trại khố xanh tỉnh Thái Nguyên. Đội Giá vốn là tay kình địch với quản Lạp xưa nay.
Quản Lạp giao phần công vụ có việc tù cỏ vê "xếch-xông" Hai để trêu tức đội Giá nhưng đội Giá giao ngay việc đó cho cai Mánh để thách thức viên quản nghiện. Anh biết nếu y vớ được chuyện tù chơi, tù ngủ lần nữa thì chẳng những cái lon cai hạng bét của Mánh đi tong mà chính anh cũng rơi từ hàng đội xuống hàng cai và tất cả sẽ "chào từ biệt" trại Thái Nguyên để hát bài "lính tập đi Tây". Cổng trại đã mở toang. Cai Mánh dẫn mười người lính diễu ra. Mé ngoài gờ-rúp, đội Giá bước thong thả. Ngang thắt lưng anh cũng có bao súng lục nhưng bao lép kẹp. Anh không nghiện thuốc lào. Cai Mánh và những người lính phạt vẫn còn đầm đìa mồ hôi. Vải áo năm tà bết chặt lấy bả vai ngứa ngáy khó chịu. Nhìn thấy quản Lạp đứng chống nạnh bên thềm phòng quản cơ, cai Mánh chửi một tiếng thầm rất tục. Từ thuở đăng lính đến nay đã sáu năm, đi đồn nào, Mánh cũng gặp mặt cái thằng nghiện này. Y không quát lác ra mặt với cái anh chàng "anh chị" người héo hon ấy, y cứ chia việc. Mà việc toàn là cỏ vê nặng và bẩn thỉu. Có khi còn là những việc nhục nhã nữa. Cai Mánh muốn tỏ cho Lạp biết anh coi thường cái chuyện phạt vừa rồi. Mánh dẫn lính lượn ra trước mặt quản Lạp và còn vênh mặt lên, xòe tay chào Lạp.
Ra đến đường cái, toán lính khố xanh rẽ quặt về phía đề lao. ở cổng trại đã tụ bạ một đám đông những chủ nợ ngồi lê la bên cánh mấy bà bán bánh giầy, bún chả. Mấy thằng ma cô, mấy đứa gái điếm, cô đầu cũng đang lơ láo ngó vào trong trại. Nhưng bọn nặc nô của mụ quản Lạp thì không thấy đứa nào. Điều đó chứng tỏ con mụ đó biết trước việc hoãn trả lương. Cai Mánh khôi hài:
-Thôi, về đi các bà! Bọn chủ nợ ngơ ngác. Mánh nhe răng cười:
-Đã được lĩnh lương đếch đâu! Bọn chủ nợ ồ lên ô a hỏi nhau, hỏi Mánh, hỏi Giá, hỏi những người lính khố xanh đi cỏ vê:
-Hôm nay ba mươi mà?
-Làm sao chưa được lĩnh lương hả xếp?
-Hết tiền hết gạo mà thế này thì chết thôi! ông phải kiếm tí gì giả đỡ tôi chứ? Mánh dùng ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải quắp thành một cái tục tĩu vung về phía bọn chủ nợ:
-Này! Có lấy không? Những bà hàng quà bánh biết lính tráng chưa có lương đành chửi tục rồi bỏ ra về.
Mấy ả cô đầu khăn nhung đuôi gà cũng lượn lờ một lúc rồi tản hết. Cổng trại trở lại vắng vẻ, trơ trẽn. Đội Giá dẫn toán lính đi xuống khu phố chính. Anh đang nghĩ về một việc mà đội Cấn đã giao cho anh. Anh sẽ vào đề lao tìm người tù số 71. Việc liên lạc với người tù số 71 này chính là việc liên lạc của quân khởi nghĩa với những người chiến sĩ cũ của Đề Thám. Số anh em dư binh Đề Thám và quốc sự phạm Việt Nam Quang Phục Hội mà người tiêu biểu trong đề lao Thái Nguyên là Lương Ngọc Quyến bấy lâu vẫn có liên lạc, trao đổi tin tức với nhau. Nhưng không thành một tổ chức thống nhất. Với cả hai nhóm, đội Cấn đều có mối quan hệ mật thiết và kín đáo. Việc gặp Lương Ngọc Quyến do chính vợ chồng ông đảm nhiệm, việc gặp người tù số 71 từ trước vẫn giao cho đội Nam và lần này giao cho đội Giá. Nghĩa quân thường hỏi ý kiến những người cách mạng cũ ấy. Viên đội trẻ ấy có một nỗi niềm riêng mà ngay với những người rất thân thiết trong trại khố xanh cũng chưa hề được anh bày tỏ. Một nỗi niềm riêng nhưng có những dính líu chung! Đội Giá là người quan trọng trong những anh em binh lính có âm mưu đánh Tây. Một buổi tối, Giá thay mặt anh em cầm thư liên lạc đi gặp dư binh Đề Thám còn sống lẩn khuất chung quanh Thái Nguyên. Chỗ hẹn là cái bãi cỏ vắng, rậm rạp ven hào thành Thái Nguyên. Người nhận thư chính là cô Lý con gái cụ Quát, chủ cái quán bán rượu và đậu phụ nướng đầu làng Đồng Mỗ. Giá cũng thường hay lui tới quán rượu này nhưng không hề chú ý tới Lý. Cô gái nom bình thường như muôn ngàn cô gái khác. Một màu da đen giòn, dáng người to khỏe, chắc, cặp mắt sáng khuất dưới đôi lông mày rậm. Những đêm trao thư, dưới ánh trăng mờ, Giá nhìn tháy Lý đẹp một vẻ đẹp khỏe mạnh. Đêm ấy, Giá về trại, thấy bâng khuâng khó ngủ. Hình ảnh cô gái dòng dõi nghĩa binh Đề Thám càng hiện rõ trong tâm trí anh. Ngay bây giờ, trong lúc sang nhà lao lĩnh tù cỏ vê, Giá còn nhớ câu hỏi đầy kiêu hãnh của Lý:
-Nếu anh em khố xanh dám nổ súng thì nghĩa quân Đề Thám sẽ hưởng ứng ngay. Mà nếu anh em không dám nổ súng thì chúng tôi cũng cứ nổi dậy. Có dám nổ súng không? Chính chữ "dám" làm Giá bực bội suy nghĩ. Hình như ai ai cũng cho rằng binh lính không dám nổ súng. Đội Cấn báo tin rất tường tận mọi việc sửa soạn của binh lính với Ba Quyến. Giá cũng xử sự tương tự với người tù số 71 nhưng phía bên kia cẩn thận hơn và cho bọn Cấn và Giá biết rất ít. Họ e dè bọn Giá à? Nói riêng chuyện Lý! Sau đêm đưa thư, Giá còn gặp Lý nhiều lần nhưng ở những lần gặp sau này, Lý tỏ ra lãnh đạm. Cái vẻ cách bức, e dè của Lý chạm mạch lòng tự ái của Giá. Mới đầu Giá tưởng rằng đây chỉ là cách giữ gìn cho việc âm mưu khởi nghĩa không bị lộ nhưng dần dần Giá thấy khó chịu. Giá nhận thấy cái vẻ e ngại của Lý là một điều nhục nhã đối với anh. Anh chỉ là một tên đội khố xanh, mặc áo lính của Tây, lĩnh lương của Tây, cầm súng của Tây. Chắc nhiều người nghĩ như Lý. Ngay chính Giá cũng nhớ mình là như thế. Nhưng điều giày vò lòng Giá là Lý thừa hiểu anh là một trong những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa mà sao vẫn coi anh như vậy. Trong đáy lòng viên đội khố xanh trẻ mối yêu, giận lẫn lộn. Anh vừa yêu vừa giận Lý và dù tính trầm tĩnh. Giá cũng trở nên mất thăng bằng. Anh đâm ra nôn nóng muốn nổ súng ngay. Lần hội "14 tháng 7"1 trước nghĩa binh đã định nổ súng, sau đội Cấn ra lệnh hoãn vì sợ chết lây đến nhiều thường dân. Giá đã gay gắt với Cấn. Giá cho rằng Cấn quá kính trọng, vì nể Lương Ngọc Quyến để ông này đâm ra coi thường. Đã coi thường thì người ta cũng chẳng tin mình nữa. Đến bây giờ, Giá coi mọi sự cẩn thận đều chỉ là rụt rè. Nắng đã lên. Cái nóng của thời tiết cộng với cái nóng lòng làm lưng Giá toát mồ hôi. Giá định gặp đội Cấn hoặc Lương Ngọc Quyến để hỏi cho ra nhẽ: Tại sao chưa tin nhau? Nhà tù Thái Nguyên cắt thành một vệt xám đậm trên nền trời mùa thu. Một cái biển đá gắn ngang trên cổng sắt sơn hắc ín. Một hàng chữ: Pénitencier2 Thái Nguyên! Hàng chữ ấy nhắc cho Giá nhớ rằng trên đất nước có hàng trăm, hàng ngàn nhà tù. Giá dẫn lính đến. Cánh cửa con lồng trong cửa lớn khẽ hé mở đủ một người đi lọt. Giá dẫn đờ-mi gờ-rúp của Mánh đi qua dãy hành lang ẩm, tối để ra sân giữa. Bon cai tù đang điểm số tù đi cỏ vê ngoài sân chính. Để Mánh ra lĩnh, Giá sang vi-ô-lông3 A tìm người tù số 71. Người tù số 71 là một ông già sáu mươi tuổi. Đầu ông ta cạo trọc, lớp tóc bạc, ngắn, lởm chởm. ông ta có cử chỉ khoan thai và nói năng chậm rãi của một người có học. Một đôi mắt sáng dữ dội, một chòm râu thưa lốm đốm muối tiêu, một khóe miệng hơi trề xuống mệt mỏi, khinh bạc. Lần nào gặp người tù số 71, Giá cũng có cảm giác đã gặp ở đâu rồi những nét quen quen trên gương mặt ông già. Anh cố nghĩ mãi mà cũng không ra. Giá lại gần người tù số 71, và kỳ lạ thay từ người tù già tiều tụy toát ra một vẻ quyền uy đường bệ khiến đội viên khố xanh choáng ngợp: một mái đầu hơi nghiêng như nặng trĩu những suy nghĩ, một ánh mắt nghiêm khắc và một vầng trán lồng lộng. 1. Ngày lễ kỷ niệm cách mạng tư sản Pháp năm 1789. 2. Trại cảnh hối (tức là trại giam tù quốc sự). 3. Nhà giam chung. Sau khi nói mấy câu giả vờ ra giọng hạch sách, đội Giá khẽ nói:
-Đêm nay!
-Mấy giờ?
-ông già hỏi lại.
-Khoảng nửa đêm. Nếu có tiếng súng nổ, anh em tù phải nép vào tránh xa cửa kẻo đạn lạc.
-Được!
-ông già mỉm cười.
-Ta chúc các cháu thành công. Đội Giá sửng sốt trước cách nói kiểu bề trên và cổ kính lạc lõng của một già. Anh định hỏi nhưng ông già chợt buông một tay chổi, đặt lên vai anh, nói nhẹ nhàng và đầy tình thương:
-Việc bại thành là ở vận nước, còn chí lớn là ở chúng ta. Bác mừng quá, bác mong mãi... Các cháu rất xứng danh con Lạc cháu Hồng. Giá bàng hoàng. Lời nói của ông già làm sống dậy bao nhiêu nỗi hổ thẹn mà Giá cố giấu cả chính anh. Giá vốn quê ở một làng ven sông Văn úc. Làng Giá cũng vốn là cái nơi sản sinh nhiều nho giả xưa nay. Làng có bốn họ. Họ nào, thời nào cũng có người đỗ thi hương, thi hội. Nhưng nhiều người đỗ đạt không chịu ra làm quan. Sau khi đỗ xong, họ thường mở trường dạy học, bốc thuốc. Có người bảo tại hướng đình làng có gò bút nhưng không có án tiền, hoặc núm ấn. Người khác lại bảo tại ông thành hoàng làng sinh thời làm quan thời Trần, ba lần bị bãi quan đã thề không phù hộ con cháu hiển đạt về con đường hoạn lộ. Chỉ biết các bậc túc nho trong làng cứ truyền đời này qua đời khác cái tính thích "xử" không thích "xuất"1. Cuối thế kỷ XIX, Tây về đánh nghĩa quân ông Đốc Tích. Nó đốt cái đình làng. Nó làm cái nhà xí ở gò bút bên trái sân đình. Rồi nó cho một thằng du thủ du thực ở đâu đến làm lý trưởng cho mỗi vị xơi dăm hèo. Nó cắt nghiến cái búi tóc của các ông! Rồi nó cắm ruộng công làm đình mới. Đất đình cũ, Tây cho thằng lý trưởng. Thằng này lập hẳn một cái lò gạch. Giá cũng bị nó bắt đến đúc gạch mộc. Anh bị thằng lý trưởng vặn hỏi. Anh đã trả lời rằng anh không làm được vì anh là học trò chân yếu tay mềm. Thằng lý trưởng đáp lại một câu rất gọn mà mười mấy năm nay anh cố quên nhưng vẫn không quên được. Nó đã nói vào mặt anh như thế này:
-Cái đầu học trò nhà mày cũng chẳng bằng cái đầu b... tao. Và câu nói ấy thốt lên giữa chỗ đông dân làng khiến Giá phải bán xới cái mảnh đất xinh, nhỏ, êm đềm bên dòng sông Văn úc. Anh đi tìm đường rửa nhục. Nhưng mấy năm luân lạc từ bến Cảng mới mở ở Hải Phòng, đến những phố phường náo nhiệt ở Hà Nội, Giá chỉ đằm thêm vào những cái nhục khác. 1. Xử là ở ẩn, xuất là ra làm quan.
Nào bị Tây cẩm bắt bỏ bóp vì tội đái đường (khốn khổ cho những người ở nơi xa lạ về một thành phố). Nào những đêm mưa phùn ngủ dưới một mái hiên. Nào những lúc nhỡ độ đường chỉ vì thiếu vài ba xu mua vé xe lửa. Anh không dám nghĩ đến những cái bợp tai trong bóp cu-lít. Anh cố xua đuổi những ấn tượng ấy nhưng anh vẫn nhớ đến chúng. Cuối cùng dòng đời xô đẩy anh vào con đường đăng lính khố xanh. Đã có lúc anh nghĩ rằng anh sẽ trở về làng với mấy ông bạn chân dận giày đinh, tay cầm ba toong song và anh sẽ nói chuyện với thằng lý trưởng, giã cho nó một trận bò lê bò càng rồi bỏ trốn biệt tích. Nhưng đến bây giờ, Giá vẫn chưa có dịp về làng, mặc dù hàng năm vẫn có đôi ba ngày phép. Anh cứ từ đồn này lăn sang đồn khác, từ cuộc càn quét này sang cuộc càn quét khác. Anh không trở về làng cũng chỉ vì cái nhục xưa kia ở ngôi làng nhỏ bên bờ sông Văn úc chưa thấm gì với những điều anh gặp trong cuộc đời lính tráng. Anh không dám trả lời ông già, anh chào vội vã và định quay đi nhưng ông già nói tiếp với anh:
-Chúng ta sẽ hết sức giúp các cháu. Đó là một điều khó tưởng tượng với một người tù trong tay không một tấc sắt, bị kho- anh lại giữa những bức tường cao đầy mảnh chai. Đội Giá quay đi. Anh đi gần khuất vi- ô-lông A mới ngoảnh lại. Người tù già tiều tụy ấy đang chậm rãi quét những nhát chổi lơ đãng trên cái sân vắng. Cuộc sống thật đầy bí ẩn và mỗi con người là một cuộc sống riêng thật! Giá quên hẳn ý định tìm hỏi Lương Ngọc Quyến. Anh quay ra sân giữa. Cai Mánh đã điểm tù và đang dẫn họ ra ngoài đề lao. Những người tù án nặng không được đi cỏ vê ra khỏi đề lao đứng ở quanh sân lặng lẽ nhìn đội Giá. Những khuôn mặt hốc hác lầm lì, những cặp mắt trách móc. Không một tiếng nói, không một cử động, sự lặng lẽ nặng nề đeo đẳng Giá mãi ngay cả khi anh đã ra khỏi cổng một quãng xa. Giữa người tù và người gác tù có những bộ quần áo khác nhau, những bộ quần áo và những khẩu súng không biết nói. Trong sân nhà tù, có tiếng roi mây đếm tù vụt xuống những tấm lưng gầy đét...
S au khi giao cho cai Mánh dẫn đoàn tù đi đốn củi ở cánh rừng sau làng Đồng Mỗ, Giá đi một mình dọc theo hàng rào dây thép gai của trại Xê-da-ri (Césari). Xê-da-ri do trung đoàn Mác-xoanh (Marạouinạ) thuộc bán lữ đoàn lê dương thuộc địa thứ 9 đóng giữ. Đây là một điểm hiểm hóc trong kế hoạch khởi nghĩa của binh lính trại khố xanh Bô- dông. Hai loại lính khác nhau hoàn toàn về súng ống, về khả năng tác chiến và cả về uy thế nữa. Giá thầm hổ thẹn thú nhận rằng lính xanh sợ lính lê dương hơn sợ cọp. Từ chuyện chơi bời lăng nhăng lính lê dương vẫn bắt nạt lính khố xanh. Ngay đến cả vợ và em gái của đội khố xanh cũng bị bọn lên dương chọc ghẹo, rồi mà họ cũng đành ngậm đắng nuốt cay bỏ qua. Giá suy ngĩ miên man về những quyết định cần thiết tối nay. Đôi chân quen đường vô tình đưa Giá đến cái quán nhỏ đầu làng Đồng Mỗ. Một mái nhà tranh lụp sụp dưới vòm lá muỗi um tùm, cái quán này vốn là nơi chè chén của một số binh lính khố xanh. Người thì thích chất men đặc biệt của rượu cau và có người thì vì thích cô con gái ông chủ quán. ông già trên 60 tuổi này biết lắm chuyện một cách kỳ lạ. ông kể chuyện ta, chuyện Tàu; từ cái ông vua róc mía lên đầu sư đến những tráng sĩ, những thuyết khách thời Xuân thu
-Chiến quốc. Có điều chuyện ông già kể không được chính xác về chi tiết. ông lẫn chuyện Yêu Lá sang chuyện Chương Chư mặc dù cả hai đều là dũng sĩ thích khách. ông lẫn Tô Tần với Trương Lương. ông lẫn Liêm Pha với Ngô Khởi. Đã có lần ông kể rằng chính cái ông vua Tố Tương Công đã sai lính sang đánh chiếm nước ta và bị cha con Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt đánh bại. Và đặc biệt sự nhầm lẫn của ông già là không khí trong chuyện kể của mình. Câu chuyện của ông dù nó ở thời Xuân thu hay Chiến quốc, dù nó ở nước Tống, nước Tề, nước Sở, nước Yên là nước có băng giá, phải mặc áo hồ cừu, nơi có tục đeo ngọc bạch bích nhưng ông già vẫn cứ kể bằng chi tiết ở nước ta. Chuyên Chư không dùng một lưỡi trủy thủ mà dùng một con dao găm lá lúa. Trương Lương không thổi địch mà thổi một điệu sáo tre. Kinh Kha vào nước Tần không vào một buổi trời xuống tuyết nước sông Dịch lạnh tê mà Kinh Kha của ông cụ vào Tần vào một buổi chiều hè, nước sông Dịch thì đỏ phù sa chảy giữa cánh đồng lúa chiêm chín vàng đều. Chắc chắn ông cụ không phải cố tình kể sai chi tiết và không khí trong truyện. ông cụ kể thành tâm, đôi mắt già nua lúc buồn, lúc vui, lúc cảm khái, lúc suy tư và hình như ông cụ đã hết sức chật vật mới nhớ được những chuyện lắt léo như thế. Nhưng... những Yêu Lá, Khánh Kỵ, những Phạm Lãi, Văn Chủng, những Ngũ Tử Tư, Cao Tiệm Lá của ông cụ đã trở thành con ngưpời bằng xương bằng thịt sống giữa tỉnh Thái ngột ngạt chờ những chuyến xe thư mang báo đăng tin chiến tranh đang diễn ra dữ dội ở châu âu. Đã nhiều đêm những Yên Lá, Phạm Lãi ấy theo đội Giá về trại Bô-dông, ám ảnh anh, làm anh trằn trọc cả đêm.
Đó là cụ Quát có cô con gái mà Giá cảm thấy rất nền nã. Hôm nay, quán cụ Quát thưa khách. Cũng như mọi lần cha con cụ Quát tiếp Giá niềm nở, đon đả nhưng không thân mật. Be rượu đậu và hai bìa đậu nướng cháy rộp lần vỏ, một đôi đũa gỗ mộc, một cái bát đàn trắng sạch. Giá ngồi một mình ở cái chõng cập kênh. Cụ Quát bó gối trầm ngâm trên chiếc phản góc nhà, còn Lý lúi húi làm cái gì đấy ở xó bếp. Giá nhìn ông già. Đó là một ông già cao lớn, má có vết sẹo kiếm chém, một đôi mắt âm u như rừng núi và một chòm râu rối, rậm, màu xám mốc. ông chẳng có nét bề ngoài nào truyền cho con gái. Lý bưng lên một đĩa lạc rang nóng thơm. ánh mắt hai người bất chợt gặp nhau. Hai tiếng chào nghẹn thầm trong cổ. Lý bồn chồn, bâng khuâng. Mỗi bận Giá đến quán, Lý lại thấy như vậy. Trong ngóc ngách tâm hồn Lý vẫn đọng lại hình ảnh người nghĩa quân truyền mật thư trong đêm. Đêm hôm ấy trăng suông, ánh sáng mờ. Một khuôn mặt mỏng, một vầng trán giô, một vành môi dày đa cảm viền lơ thơ một nét râu thưa, tất cả hòa hợp vào nhau thành hình ảnh chân thực, khỏe mạnh và quả quyết của một nghĩa quân đang làm việc lớn. Linh cảm tự nhiên của một người con gái báo cho Lý biết đội Giá đã để ý đến cô. Lý thấy tim đập mạnh, nhưng trái tim ấy lại muốn xua đuổi hình ảnh người trai trẻ mặc áo lính khố xanh ấy. Có đêm, Lý trằn trọc nhớ đến cha, nhất là những ngày thứ ba, ngày đề lao cho vào thăm người nhà bị giam. Cha Lý bị giam trong ấy. Cụ Quát chỉ là cha nuôi cô. Khi cha Lý bọ tống ngục thì những người đi áp giải chính là những người lính khố xanh. Cho nên cái bộ quần áo lính với nón, khố sà cạp lôi thôi ấy chỉ gợi lên sự căm hờn của Lý. Họ bắt cha Lý, họ theo Tây, họ bắn đồng bào, bắn các nghĩa sĩ. Họ là kẻ thù chung và còn là kẻ thù riêng của Lý. Họ đã chia rẽ cha con Lý, đày đọa tuổi già của cha Lý. ông cụ vốn tính kiêu hãnh cứng cỏi, Lý lo lắng chúng hành hạ cụ đến chết trong tù... Nhà trên vẫn yên lặng. Đội Giá im lìm uống rượu. Anh ngắm bức tranh mực nước treo trên vách. Bức tranh nhỏ thôi, vẽ một con chim ưng. Con chim lông lá xơ xác, cánh ướt đẫm nước biển đậu một mình trên một mỏm đá chơ vơ ngoài sóng nước. Bên cạnh là một dòng lạc khoản viết kiểu chữ thảo: Hàm Nghi nguyên niên, trọng thu, thập tứ nhật, ưng Thủy tác (Hàm Nghi năm thứ nhất, tháng tám, ngày mười bốn, ưng Thủy vẽ). Đội Giá đã từng hỏi cụ Quát về bức tranh này. ông già chủ quán giảng giải vắn tắt là bức tranh do một tay bút già, vừa là thầy vừa là bề trên của ông. Bức tranh vẽ theo ý một câu thơ cổ. Cụ Quát đọc câu thơ: "Bất kham ẩn tối tăm". ông cụ đọc câu thơ cũng sai. Đó là câu thơ: "Bất kham huyền mấn ảnh". Cái khí phách trong tứ thơ, trong bức tranh đã nhiều lần làm cho Giá suy nghĩ về nhân cách của một con người. Anh hay ngắm bức tranh một mình và có lẽ điều đó làm cho cụ Quát thích anh hơn. Đã một lần ông cụ cầm chén đến uống với Giá. Có thể vì men bốc, ông cụ bảo anh:
-Cụ ấy cho tôi bức tranh này. Cụ bảo tôi treo còn phải hơn cụ ấy.
Nhưng tôi thì sánh làm sao được với cụ. Giá hỏi người vẽ tranh là ai thì cụ Quát lại như tỉnh hẳn rượu, ậm à ậm ờ lảng sang chuyện khác. Và sau lần ấy, cụ Quát giữ gìn hơn về chuyện bức tranh. Đã từ lâu, Giá được biết cụ Quát là một nghĩa quân cũ của Đề Thám nhưng ông cụ không phải quê vùng Bắc Ninh
-Bắc Giang. Cụ Quát nói giọng Thanh Hóa và cũng không phải là người học hành khá. Giá đã có lần thấy cụ Quát viết tờ đơn xin chặt gỗ ở rừng chợ Chu đem về làm nhà. Lá đơn viết bằng chữ nho, câu cú tối nghĩa, lôi thôi chả ra làm sao. Chữ viết thừa nét thiếu nét rất xấu. Lần ấy chính Giá phải làm lại cho ông cụ lá đơn. Nhưng rõ ràng là ông già này rất thâm thúy, dày dạn, một người bôn ba nhiều, được nghe nhiều, hiểu nhiều. Giá ngồi vào phản với cụ Quát. Anh khẽ nói với ông cụ:
-Tối nay chúng cháu nhờ cụ ở đây nhé. Bác Cấn dặn cháu đến nói với cụ.
-Bao nhiêu người? Họp hả?
-Độ năm sáu người thôi. Đêm nay... cụ ạ. Mệnh lệnh cũ không thay đổi. Cụ Quát suy nghĩ. Đôi mắt già mệt mỏi sáng lên.
-Nếu đông thì các anh phải giả cách như đang đánh bạc. Thôi được, tôi sẽ cho mượn đĩa bát, tôi canh cho. Nhưng kỳ này
-cụ Quát chăm chú nhìn Giá
-các anh làm thật chứ?
-Thế cụ nghĩ chúng con thế nào? Cụ không tin chúng con à?
-Cũng không phải như thế đâu. Chúng tôi sẵn sàng cả rồi. Các anh không làm, chúng tôi cũng làm. Nhưng chuyện này hệ trọng chứ coi thường sao được. Ngay trong anh em chúng tôi cũng phải chọn người giao việc nữa là.
-ông cụ nhìn Giá. Anh hơi ngượng. Cụ Quát khẽ cười:
-Cái con Lý kia kìa. Nó không phải là con tôi đâu. Bố cháu có bao người tin cẩn mà tại sao lại giao nó cho tôi nuôi. Đội Giá cố giảng giải:
-Cụ không tin cũng phải thôi. Cụ đã biết cháu thế nào đâu.
-Nếu không tin, thầy cũng chẳng nên cho là lạ.
-ông già đột nhiên đổi cách xưng hô
-Thầy lĩnh lương mỗi tháng mười tám đồng còn cha con tôi kiếm cả tháng không được năm đồng bạc. Nhưng nói thật với thầy, tôi cho thầy là người còn tốt. Tôi nhìn mắt thầy tôi biết. Cái người giáo giở là con người đó cứ láo liêng đi chứ. Nhưng việc là việc lớn. Chúng tôi có đề phòng cũng là vì không phải cho riêng cha con tôi. Rồi đột nhiên ông cụ cười:
-Thầy nhìn kỹ xem có nhận ra tôi là ai không? Giá ngơ ngác. Anh cố nghĩ nhưng anh không thể nhớ ra trong đời anh đã gặp ông cụ lần nào. Cụ Quát chỉ tay vào cái sẹo trên mặt:
-Thế cái sẹo này thì sao? Giá cũng không nhớ đến cái sẹo này liên quan đến một cuộc gặp gỡ nào cả.
-Thế mà tôi lại nhớ thầy đấy! Tôi mang cái sẹo này từ tám năm nay trong một trận đánh ở chân núi Lang. Núi Lang ở vùng Thạch Lỗi ấy mà. Giá "a" lên một tiếng. Tất cả kỷ niệm cũ bỗng trở lại rất nhanh trong trí nhớ của anh. Tám năm trước anh có dự cái trận làng Lang ấy. Bấy giờ anh mới đăng lính khố xanh và ở một đờ-mi gờ-rúp của một viên cai tên là Trịnh Văn Cấn. Trận núi Lang là một trận đánh gay go giữa nghĩa quân Đề Thám với quân Tây. Trận ấy, bên phía Tây các loại lính nổi tiếng đều ra hết: bọn lê dương, bọn pháo thủ dã chiến, bọn trung đoàn bộ binh thuộc địa số chín. Lính khố đỏ người ta thì phải chia nhỏ thành từng gờ-rúp đi theo các đại đội lính Tây. Còn cánh kố xanh bị bắt làm bếp, canh tù binh, khiêng bọn Tây bị thương, bị chết. Đờ-mi gờ-rúp của cai Cấn khiêng gạo, khiêng lợn oặt cổ cả ngày. Đến tối bọn Tây giao cho bọn Cấn giữ tù binh.
-Ngày ấy tôi bị thương ở mặt. Bây giờ thành cái sẹo này đây. Giá bật nói lên:
-Thôi cháu nhớ rồi. Cụ mặc cái áo chàm. Vai áo rách sã ra.
-Đúng rồi. áo bị rách khi tôi vật nhau với thằng lính Tây râu xồm đấy.
-Cái thằng đười ươi bây giờ ở trại lê dương bên kia đấy mà. Cụ Quát và đội Giá cùng cười. Sự căng thẳng giữa hai người vợi hẳn đi và một niềm tin cậy cởi mở lớn dần lên, vui vẻ, thoải mái. Đội Giá chợt hỏi cụ Quát:
-Hình như lúc bấy giờ cháu thấy có mấy người cùng bị bắt với cụ cơ mà.
-Phải. Nhưng nếu coi là người quen biết thân thiết thì tôi chỉ có một người nữa bị đạn vào chỗ này này...
-Cụ Quát chỉ vào mạng sườn bên phải.
-Đạn nó xuyên qua phổi, bọt máu cứ phì ra ở lỗ đạn cơ chứ.
-Đúng rồi. Cái người ấy mất nhiều máu lắm thì phải. Cháu nhớ rõ lúc cụ dìu đi, người ấy cứ ngật đầu bên nọ sang bên kia.
-Phải. Đấy là bố cái Lý chứ ai!
Đội Giá đứng bật dậy nhìn cụ Quát chăm chăm. Mặt anh chợt thoáng một vẻ nghiêm trang buồn bã.
-Cháu hiểu rồi. Đội Giá nhớ lại lúc Trịnh Văn Cấn bảo anh thả hai nghĩa quân đi. Hai người đã khó nhọc lắm mới đem được nhau đi khuất rặng tre gần đấy. Hầu như cụ Quát đã phải bế người bạn chiến đấu của mình đang bị thương lên tay và khi đó chính cụ cũng bị thương, cũng đói, cũng mệt.
-Cháu hiểu rồi. Cháu hiểu tại sao cô Lý được giao cho cụ rồi. ông già cười. Sự khác biệt không hẳn chỉ ở bộ áo và cây súng và nói riêng với những người cùng thờ chung đại nghĩa sự gắn bó cao nhất là sự thử thách qua máu lửa mà trong đó tình bạn chiến đấu còn cao hơn cả sự há sinh tính mệnh. Đội Giá chợt thấy hổ thẹn. Anh rùng mình bỏ ra cửa bước chân hơi loạng choạng. Lý tự nhiên chảy nước mắt. Cô vừa thương cha đẻ, vừa thương cha nuôi, vừa thương Giá. Cô thương cả chính cô và cái mà cô thương quý nhất chính là số phận xót xa của cả dân tộc đang bị quân xâm lược dùng mưu mẹo thâm độc mộ lính người nước Nam để bắn giết dân nước Nam.
Nức nở hồi lâu nhưng Lý vẫn chưa thấy dịu cảm xúc. Cô thấy chua xót, căm thù, thương quý cùng một lúc khiến cho cô suy nghĩ cứ miên man đi. Lên bốn tuổi đã lưu lạc theo bước chân chiến đấu của bố. Từ rừng Nghệ Tĩnh, từ Hương Sơn sang Hùng Lĩnh, từ sông Đà, sông Gâm, từ Nhã Nam, Bố Hạ, từ Tam Đảo sang Thái Nguyên qua đèo Khế rậm rạp cheo leo, Lý chưa hề được hưởng một tối gia đình sum họp êm đềm. Lý quen với những đêm tối lửa rừng, những tối phá vây vuốt mặt thấy ướt đầm không rõ là máu hay mồ hôi, những giấc ngủ chập chờn gối đầu lên báng súng. Từ năm 1913 cha Lý bị giặc bắt trong trận Hữu Nhuế1. ông cụ bị thương trong trận ấy và biết mình khó trốn thoát, đã giao con gái lại cho người tùy tùng thân tín: cụ Quát. Lý theo cha nuôi trốn biệt lên Bắc Quang, đổi tên đổi họ, lang thang kiếm ăn hai năm trời trong các bản miền núi. Mãi về sau, khi tiếng súng đã yên ở trung du, cha con Lý đưa nhau về dò tìm tin tức người bị bắt. Họ dò biết cha Lý bị giam trong đề lao. Và cụ Quát mở ngôi quán này để sinh sống và cũng là để tiện chăm nom người trong tù. Hai năm trời qua đi, những người nghĩa quân cũ của Đề Thám dần dần tìm thấy tình bạn chiến đấu trong ngôi quán nhỏ này. Họ lui tới ngôi quán và bằng một sự suy tôn thầm 1. Địa danh này người địa phương gọi là Hố Chuối. lặng, cụ Quát trở thành thủ lĩnh mới của họ, là người cầm đầu cao nhất, là người chỉ huy, là linh hồn, là khối óc của dư binh Bắc Thái. Những đêm chiến đấu qua đi, những đêm cách trở nối tiếp đã rèn luyện cho Lý một bản tính cứng rắn. Điều ấy có lẽ còn bắt nguồn từ dòng máu mẹ. Mẹ Lý vốn là người Chiêm Thành. Bà đã gặp cha Lý khi ông đang chiến đấu trên miền rừng núi phía Tây của phủ Thừa Thiên. Lý cứng rắn, quen xông pha nhưng người con gái bao giờ chẳng có giây phút xúc động mạnh trước tình yêu. Lý vẫn nức nở.
-Hứ, con bé này hay nhỉ? Làm sao con khóc? Cụ Quát hỏi nhưng cụ đã đoán ra tâm trạng cô con gái nuôi. Cụ hỏi để giúp Lý thức tỉnh mà thôi. Quả nhiên Lý thấy hổ thẹn, cô ngoảnh đi, kéo thắt lưng lau nhanh cặp mắt và gượng cười:
-Đâu ạ. Khói quá đấy chứ ạ. Cô cúi rạp xuống thổi phù phù vào bếp. Cụ Quát bỏ dở câu chuyện. Cụ chỉ dặn:
-Có thể đêm nay cha con ta rời cái đất này. Có gì đang xếp dọn thì làm rồi lên cha bảo. Lý đứng bật dậy, sung sướng, mặt bừng sáng, cô thu xếp rất nhanh những cái gì cần thiết cho cuộc chiến đấu trong rừng kể từ con dao lấy củi, mấy hòn đá lửa tới gói thuốc dấu gia truyền, chỉ một thoáng đã xong mọi việc, Lý lại gần người bố nuôi. ông già đã đóng chặt cửa, bắc một cái ghế đẩu lên bàn. ông già leo lên, lục lại trong mái tranh, lấy ra một lưỡi dao bảy và một khẩu súng mút-cơ- tông.
-Gỉ cả rồi nhỉ? ông già quệt ngón tay lên chiếc nòng ram ráp xưa kia nhẵn bóng. Lý nói với bố:
-Nhưng mà con đã thông mỡ vào nòng rồi ạ.
-ừ cũng may đấy. Chỉ tiếc đạn chẳng có mấy. ông già ngừng nhìn con gái và cụ chợt kín đáo cười:
-Có thế chứ! Con gái Yên Thế có khác. ông có thói quen coi mình và con gái nuôi là người Yên Thế. Và Lý cũng không biết rõ quê quán, nòi giống của mình. Cô gái hỏi bố:
-Kỳ này bố ở lại chứ? Cụ Quát giật nảy người nhìn con gái:
-Sao mày nói kỳ thế?
-Bố trên sáu mươi tuổi rồi còn gì nữa.
-Trên sáu mươi thì hết tuổi đánh giặc à. Con này nói cái gì lạ quá.
-Con nghĩ bố để chúng con làm thôi. Có bố thì... Lý muốn nói các cụ là những người có nhiều kinh nghiệm nhưng tuổi đã già làm sao mà theo đuổi một cuộc hành quân dài, gian nan.
-A... a...
-Cụ Quát gầm lên nhưng kìm ngay lại. Cụ giận Lý quá, cụ muốn mắng cho con gái một trận thậm tệ. Nhưng ở cụ Quát, khi cụ giận quá lại cũng là lúc cụ nhớ được mối quan hệ giữa cụ với cô gái. Cô không chỉ là con gái cụ mà còn là chủ nhỏ của cụ, một người chủ có ơn tri ngộ, một người chủ được tôn thờ. Ngày xưa, khi cụ được giao cho nuôi Lý, cụ rất ngượng ngập trong cách xưng hô cha con với Lý. Nó là một sự "trái đạo" hết sức nặng nề đối với cụ. Thế rồi hai cha con ở với nhau, một tình thương thắm thiết và âm thầm nảy nở dần dà. Đầu tiên là tình cảm của những người cô đơn gặp nhau, trở thành tình cha con chân thành. Cụ không trả lời câu nói của Lý. Cụ trao cho cô gái một phong thư.
-Con đi Phấn Mễ đưa ngay lá thư này cho bác Khải. Con nói với bác Khải rằng anh em dưới này sẵn sàng cả rồi. Sẽ có người đón bác Khải và anh em Phấn Mễ ở giữa đường. Lý dạ khẽ. Cô chưa hết sợ vì sự lỡ lời của mình. Bác Khải là thủ hạ của cha cô, cô vẫn nhớ cái người lính vẫn hay lấy lá gồi non tết cho cô con châu chấu hay con ếch, con cá... mỗi chiều trú quân. Cụ Quát trầm ngâm giây lát. Cụ đã quên sự va vấp vừa rồi giữa hai cha con. Cụ có thói quen như vậy. Không ai giận tiểu chủ của mình được.
-Con đưa thư cho bác Khải rồi về đây ngay. Kỳ này cha con ta nổ súng cũng dễ mà cũng khó. ở tỉnh lỵ có mấy trăm thằng lê dương với khố đỏ thì chả ngại gì cho lắm nhưng giá mà được các nơi khác cùng dậy một lúc thì hay biết bao nhiêu. Nhưng hãy cứ biết cướp được mấy trăm súng vào rừng như cụ Đề đã. Bố con mình mà về được rừng thì một dải Yên Thế
-Nhã Nam sang Tam Đảo đủ rộng để vùng vẫy. Nếu bí thế ta lại vọt sang Tàu, tìm cụ Đề. Cụ Quát chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân Yên Thế những năm về cuối. Thời gian tuy ngắn nhưng người lính già hết sức kính phục người thủ lĩnh lỗi lạc họ Hoàng, một niềm kính phục nhuốm máu tôn sùng thần bí. Vì thế cho đến nay, ông già không tin một mảy may rằng cụ Hoàng Hoa Thám đã bị sát hại. Cụ bao giờ cũng nói rằng cụ Đề Yên Thế đang lấy binh ở bên Tàu và chính là cụ tin như vậy. Cụ bảo cái đầu mà Tây đem bêu ở cổng đồn Nhã Nam và nói đấy là đầu cụ Đề Thám là thằng Tây nói láo. Chúng nó làm sao mà giết nổi một người xuất quỷ nhập thần như cụ Đề. Chẳng qua vận nước chưa đến nên cụ Đề còn tạm giấu mặt. Đến lúc thời cơ đến sẽ thấy cụ Đề xuất hiện đem thiên binh vạn mã về đánh thằng Tây. Nếu có người nào hỏi vặn cụ về cái thủ cấp bêu ở cổng đồn Nhã Nam thì cụ trả lời rất thương cảm:
-Đấy là đầu sư ông chùa Lèo! Sư ông giống cụ Đề như đúc. ấy tôi theo hầu cụ Đề đã lâu mà cũng vẫn nhầm; đã có lần tôi qua chùa Lèo gặp sư ông đứng cửa, tôi cứ tưởng cụ Đề cải trang. Thế là tôi cũng giấu binh khí đi, lẽo đeo theo hầu sư ông cả một buổi. Rồi cụ sụt sùi:
-Chỉ thương sư ông. Người thật là bậc tu hành hiền lành. Đến bây giờ, sai con gái chuyển thư bí mật, cụ Quát vẫn mong mỏi rằng đêm nay khởi binh, ngày mai Hoàng Hoa Thám sẽ xuất hiện, đứng đầu hàng vạn quân vũ khí đầy đủ. Nhìn con gái nuôi vận phong thư vào dải yếm, cụ dặn con:
-Tránh đường cái lớn con nhá. Dạo này bọn khố đỏ, khố vàng hỗn lắm đấy. Cụ với con dao rừng treo trên vách đưa cho con gái. Lý đưa cho bố nuôi hai đồng bạc hoa xòe:
-Bố cầm lấy, nhỡ muốn tiêu gì không? Cụ Quát muốn chảy nước mắt. Cụ biết Lý không quên cái tật rượu của cụ.
-ừ! Con đi cho may mắn. Lý ra cửa. Cô theo đường đất, đi vào cánh rừng sau làng Đồng Mỗ để lên Phấn Mễ mà không phải qua tỉnh lỵ. Lúc cô gái rẽ xuống đường nhỏ thì có ba người đứng ở cổng làng Đồng Mỗ trông thấy. Bọn họ chỉ trỏ sửng sốt rồi kéo ùa đi theo hút Lý. Trong ba người ấy, hai người là lính khố vàng. Người thứ ba là cậu con cưng của quan bố chánh tỉnh Thái Nguyên. Dân Thái Nguyên gọi cậu ta là ấm Hỷ.