- 2 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
NHẬT NGUYỆT BUỒN NHƯ NHAU, bài thơ Trần Nghi Hoàng làm tặng tôi, những ngày đầu đi vào đời nhau.
nàng là đóa phù vân
nở rực chiều thái thậm
trên vạn nỗi ăn năn
rớt tiếng đàn phong vận
ngọn nến đời chưa tắt
nên đêm còn lưu ly
tiếng đàn nàng tự tử
trong giọt rượu nhu mì
 
ta gõ bàn ngâm lớn
một bài thơ không tên
bài thơ từ kiếp đó
ta dường như đã quên
 
nàng cười khoe răng ngọc
môi đỏ bầm máu pha
ôi! trần gian sa mạc
còn chiếc bướu lạc đà
 
tiếng hò reo chất ngất
ta vinh quang đóa sầu
trái tim người bật khóc
trong bàn tay đêm thâu
 
ngọn nến đời vẫn cháy
sao đêm đã vô cùng?
bàn tay đêm què quặt
trên ngực nàng thanh xuân
nàng ngủ bên gối lạnh
ta ngồi nhìn sao băng
giấc ngủ nàng thường trụ
nên ta thức cũng đành
 
ở giọt sương lá ổi
có cơn mưa ngọn nguồn
ta chập chùng hơi thở
là giông bão loạn cuồng
 
nàng đau thương giấc ngủ
giọt lệ tròn như trăng
môi hồng nàng mếu máo
trăng ướt nhòa tơ măng
 
mái đông chim đã hót
mái tây hoa nở rồi
ôi đóa hoa thược dược
nở một mình đơn côi
 
nàng miệt mài ngon giấc
mặt trời mọc đêm thâu
vì nàng không chịu thức
nhật nguyệt buồn như nhau
 
vung gươm cùn ta múa
nàng nhoẻn miệng cười ngoan
ta ngâm bài thống hận
từng câu không xuống hàng
 
tóc nàng bung chăn gối
đen như  dòng sông điên
đóa phù vân nở vội
nàng thức giấc tự nhiên
 
ta ôm nàng thật sát
như bao lần đã ôm
tóc nàng thơm như mật
của loài ong dị thường
 
giọt lệ nàng lúc ngủ
còn đọng trên khóe môi
giọt lệ trăng nở đủ
sáng nguyên một góc trời
 
với tình yêu vô lượng
ta mở nàng nghiêm trang
trên bàn tay chiêm ngưỡng
và hôn nàng miên man
San Jose . Tháng 11/1988, một ngày...
Buổi sáng mở cửa nhìn ra sân để xe, thấy một túi nylon nhỏ đặt ngay thềm đá. Nửa ký xúc xích và lá thư viết nguệch ngoạc với nét chữ của Tưởng Năng Tiến đang nằm đó: "Thu Vân, hôm qua đến nhà, giở tủ lạnh thấy chẳng còn gì ăn, anh đem cho em và Trần Nghi Hoàng một ít xúc xích. Anh. TNT."
Tôi đọc, rồi lại đọc lá thư Tưởng Năng Tiến giờ đã loang màu mỡ xúc xích. Tiếng chửi thề như một thói quen thân ái của anh văng vẳng bên tai.
Buổi sáng tháng 11 trời mù mây xám. Cơn gió mùa thu rít mạnh càng làm tăng cái khí lạnh của ngôi nhà. Lá thư viết có mấy chữ mà tôi tưởng như đọc hoài không hết. Trong lòng nghe dấy lên một tình cảm kỳ lạ. Thứ tình cảm mà giá trị của nó chỉ được xác định như thế nào khi con người lâm vào cảnh cùng khốn, thương đau.
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
Từ dưới đường William vang lên tiếng nhạc được mở thật lớn của một chàng Mễ Tây Cơ nào vừa chạy xe ngang qua đó. Dư âm tiếng trống, tiếng basse dội lên và kéo dài trong đêm. Tôi hé màn nhìn ra ngoài cửa sổ. Các cô gái giang hồ vẫn đứng tụm ba tụm bảy. Hai chàng Mỹ đen trước cửa tiệm rượu đã bỏ đi tự bao giờ. Một chiếc xe hơi dừng lại nơi lằn giới hạn của cột đèn vàng, xanh, đỏ. Các cô gái ngưng cuộc trò chuyện, ngước mặt nhìn lên. Có cô đưa tay mời gọi. Có cô bỏ ngang đám bạn cùng nghề, trờ tới bên chiếc xe vừa khi chàng tài xế đạp ga phóng về phía trước.
Trong phòng, tiếng gõ của 10 ngón tay Trần Nghi Hoàng trên phím computer vẫn vang lên đều đặn. Tôi thoáng nghĩ đến tiếng rơi của từng giọt sầu xuống giữa tâm hồn các cô gái ăn sương khi đêm nay lại chẳng được người khách mua hoa nào đến rước đi!
San Jose . Tháng 2/1990, một đêm...
 
Trời lạnh. Đêm xuống nhanh. Quán sách Văn Uyển rực sáng ánh đèn vàng ấm. Chúng tôi ngồi tụ lại chung quanh bàn rượu được kê nơi vòng cung hành lang quán sách, nhìn ra ngã tư  Số Hai và William bởi một bức tường bằng kính. Phía bên kia đường, các cô gái giang hồ và các chàng "pimp" đang lớn tiếng trò chuyện với nhau.
Như Hạnh người Bắc, dáng mảnh dẻ, vẻ mặt trắng trẻo đầy nét kiêu hãnh, lên tiếng nhận xét:
"Quán sách này có cái bối cảnh chung quanh tình tứ quá!"
Trần Nghi Hoàng gật đầu:
"Đúng vậy! Muốn có đề tài sáng tác, chỉ cần ngồi ngay cái góc của cậu nhìn ra ngoài ngã tư, đề tài nào cũng có thể được nảy sinh."
Và Trần Nghi Hoàng kể:
"Có một đêm, tôi và Thu Vân ngồi đây uống rượu, bỗng thấy một chàng Mỹ trẻ tuổi, ăn mặc rất bụi đời xốc xếch, bước vào quán sách. Hắn tự giới thiệu là sinh viên hội họa, đi ngang thấy trong quán có treo tranh nên xin ghé vào xem. Rồi hắn nói về hội họa một cách rất hứng thú, hiểu biết."
Trần Nghi Hoàng cười, tiếp cùng Như Hạnh:
"Cậu thấy, đó là một đề tài viết rất phong phú."
Cuộc rượu đêm nay -vẫn như những đêm khác trong thời gian này- gồm có Tưởng Năng Tiến, Trần Minh Quang, Như Hạnh (ở Boston qua chơi hai tuần, lưu lại nhà tôi), Long (em vợ Hà Túc Đạo mới từ Việt Nam sang, cũng đang ngụ tạm nhà tôi), Trần Nghi Hoàng và tôi. Trời mùa đông rất lạnh. Một chai Cour- voisier VSOP đã cạn rồi mà cái ấm vẫn chưa tìm đến. Tưởng Năng Tiến, nói tiếng Nam pha Bắc, dáng cao ngoằng, vẻ ồn ào ngạo mạn, bỏ cả hai chân lên ghế trong thế ngồi chồm hổm, quay sang nói với tôi:
"Nhiều năm rồi anh mới thấy năm nay lạnh hơn tất cả."
Tôi cười:
"Lạnh thì đã hẳn nhiên. Ở Âu Châu, có năm em thấy nhiệt kế xuống đến trừ 25 độ C. Nhưng cảm được sự thú vị của một lần lạnh hơn thì em chỉ có thể tìm thấy ở Dalat."
Tưởng Năng Tiến là người sinh trưởng tại Dalat. Anh yêu quí Dalat đến độ sẵn sàng nổi giận nếu có bất cứ ai nói về Dalat. Tuy nhiên với riêng tôi, anh vẫn tỏ ra e dè lịch sự –điều trái ngược với bề ngoài của anh- mỗi khi tôi đề cập tới thành phố mà tôi đã trải qua thời gian đẹp nhất trong đời.
Tôi nói tiếp với Tưởng Năng Tiến:
"Ở đây, cái lạnh mất đi phần nhiều thú vị chỉ vì nó không có sương mù như ở Dalat. Cái lạnh San Jose cũng khô khan như tâm hồn con người tại San Jose!"
Anh hỏi:
"Em có nghĩ rằng em đang chủ quan không?"
Tôi gật đầu:
"Có thể! Nhưng với em, không gian không quan trọng, mà là tâm hồn. Tâm hồn chủ động mọi cảm xúc con người chứ không là ngoại cảnh."
Cánh cửa tiệm sách xịch mở. Một luồng gió lạnh ùa vào cùng lúc với sự xuất hiện của Đằng Sơn, Trần Quảng Nam và Đào Khanh. Tôi vội vàng rời ghế đứng lên, lấy thêm ly, chén. Và nghe Đằng Sơn nói:
"Sẽ có lần tôi viết về quán sách này. Điểm đặc biệt của nó không phải chỉ làm thương mại, mà chính là đời sống và sự hòa hợp giữa hai vị chủ nhân nghệ sĩ đã tạo được cái style nghệ thuật cho quán sách."
Chủ khách đề huề an tọa. Những cốc rượu được rót thêm và câu chuyện văn chương cũng là đề tài nóng bỏng. Tạp chí Văn Uyển số đầu tiên vừa mới phát hành với dư luận khen chê chung quanh, được đưa ra trước nhất trong bàn rượu. Đằng Sơn, người có biệt danh "nói mà không cần micro" oang oang kể giữa mọi người:
"Trong quán Đắc Phúc có mặt tôi và Vũ Thế Ngọc, ông Vũ Tiến Thủy khi đề cập đến Văn Uyển, đã hỏi rằng: Trần Nghi Hoàng và Trần Thị Bông Giấy lấy tư cách gì để chọn bài người khác?"
Đôi mày Như Hạnh cau lại. Anh buột miệng:
"Ngu xuẩn! Lấy tư cách là những người điều hành tạp chí Văn Uyển chứ tư cách gì? Thử hỏi, một game chơi đặt ra thì trong đó, ai là người có toàn quyền quyết định luật lệ?"
Đằng Sơn gật đầu:
"Đúng! Tôi đồng ý với ông Như Hạnh. Anh muốn vào chơi thì anh phải theo lề lối của kẻ bày ra cuộc chơi! Riêng tôi trả lời ông Vũ Tiến Thủy rằng, dù biết là bài của mình sẽ bị vất vào sọt rác, tôi vẫn cứ ủng hộ tờ Văn Uyển. Càng vứt, tôi càng muốn gửi bài, bởi nếu bài của mình mà được chọn đăng trên một tờ báo có những người điều hành khó tính như Văn Uyển, hẳn là nó sẽ có một giá trị nào đó được công nhận."
Trần Nghi Hoàng lúc này mới bày tỏ:
"Thói thường trâu cột ghét trâu ăn. Vấn đề chỉ là anh có ‘ngon’ thì cứ bày ra một game riêng, đừng nên chỉ trích phê bình với khuynh hướng gièm pha bất cứ game nào của ai khác."
Khi ấy, Trần Quảng Nam nhìn tôi, cười, chỉ vào Đào Khanh mà nói:
"Trong Văn Uyển Số 1, truyện ngắn Người Khách Lạ Lùng Trên Biển Cả của chị dịch, ông Đào Khanh đọc làm sao mà lại nói với tôi: 'Đăng làm chi cái chuyện lãng nhách, đọc chẳng hiểu gì cả!'"
Tôi nhận ra cái ý châm chọc của Trần Quảng Nam, cho tôi hay cho Đào Khanh chẳng rõ. Đào Khanh không cải chính, cũng chẳng nói gì về điều Trần Quảng Nam vừa kể.
Tôi nhìn Đào Khanh, trong óc thoáng nhớ đến mẩu đối thoại một lần với ông.
[Tuần lễ trước, Đào Khanh tìm đến nhờ tôi trao lại cho báo Lướt Sóng tất cả bản thảo mà ông từ chối đánh type-setting tiếp. Trong câu chuyện, tôi nghe ông hỏi: "Chị Bông Giấy là người dịch truyện ngắn Người Khách Lạ Lùng Trên Biển Cả, xin chị cho biết nội dung câu chuyện ấy có phải nói lên tâm trạng của một người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do hay không?" Thật tình, tôi kinh ngạc vì cái "kiến thức văn chương" của Đào Khanh khi nghe câu hỏi ấy; nhưng giữ kín ý nghĩ mình, chỉ đáp lời ông: "Léviathan là truyện ngắn nổi tiếng của Julien Green, nhà văn Mỹ viết bằng tiếng Pháp, được xuất bản năm 1927 và đăng lần đầu trong Collection, Les Cahiers Libres năm 1928. Những chi tiết này đã được tôi dẫn ra trong vài dòng về tiểu sử tác giả khi trình bày truyện ngắn ấy trên Văn Uyển Số 1. Còn tôi chỉ là người làm công việc dịch thuật bản chính sang tiếng Việt. Có gì liên quan giữa tác giả hay nhân vật, với một người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do sau 1975 đâu anh?!"]
Tôi nhìn Đào Khanh, cười, rồi quay qua nói với Trần Quảng Nam:
"Léviathan là danh tác của Pháp, đâu phải cái truyện lãng nhách như anh Đào Khanh nhận xét. Có lẽ tôi dịch chưa thoát đó thôi!"
Đào Khanh vẫn ngồi im uống rượu. Ông trạc độ 50 tuổi, có cái vẻ hiền lành mẫu mực của một anh công chức nhiều hơn nét phóng túng bừa bãi của một nghệ sĩ. Vài tác phẩm truyện ngắn của ông tôi có dịp đọc qua cũng biểu thị điều ấy.
Đột nhiên, tôi nghe ông nói:
"Trong tất cả những người hiện diện hôm nay, cũng như mọi tay viết ở Bắc Cali, tôi thấy chẳng ai qua nổi Diệu Tần!"
(Cái ý ngạc nhiên của tôi về ông lại lần nữa xuất hiện trong trí.)
Sau câu nói của Đào Khanh, bầu không khí giữa mọi người bỗng dưng trầm xuống hẳn. Vài giây im lặng "rất là mặc niệm" bao phủ bàn rượu. Tôi có cảm tưởng như một cuộc bùng nổ sắp sửa xảy ra khi nhìn mặt Trần Nghi Hoàng, nên giơ cao ly rượu:
"Thôi, ai viết hay, dở gì cũng được, mình cứ uống đi!"
Chẳng ai đáp ứng lời mời của tôi. Tưởng Năng Tiến bỏ thế ngồi chổm hổm, ly rượu cầm tay, đứng thẳng người tại chỗ. Vẻ lúng túng thoáng hiện trên khuôn mặt Đào Khanh, nhưng ông vẫn xác định ý nghĩ:
"Miền Nam Cali tôi không dám nói, chứ còn ở miền Bắc, thật chẳng ai viết qua nổi Diệu Tần."
Khuôn mặt trắng trẻo của Như Hạnh bừng đỏ lên vì tức giận. Sự kiêu ngạo -đã hơn một lần tôi chứng kiến- phô rõ nơi anh. Anh gay gắt hỏi Đào Khanh:
"Diệu Tần là ai mà ông Đào Khanh lại đem ra làm tiêu chuẩn hơn kém? Và cũng xin hỏi, ngay bàn rượu này chứ đừng nói đến cả vùng Bắc Cali, ông có biết là đang tiếp xúc với những ai không mà lại đưa ra câu kết luận chắc nịch ấy?"
Xong, Như Hạnh quay qua hỏi Trần Nghi Hoàng:
"Diệu Tần là ai vậy?"
Trần Nghi Hoàng nhún vai:
"Tác giả tập truyện ngắn Trên Bờ Kinh An Hạ, nhà Xuân Thu xuất bản năm 1988, Mai Thảo viết phần vào tập. Chẳng lấy gì làm xuất sắc cho lắm!"
Trần Nghi Hoàng tiếp, giọng mai mỉa:
"Đối với anh Đào Khanh thì bất cứ ai được Mai Thảo ‘công nhận’ cũng đều là tay khá cả".
Như Hạnh kêu lên:
"Vậy chứ ông Đào Khanh không biết rằng trừ ra một số nhỏ trong bè phái Sáng Tạo mắc cái bệnh đánh bóng ca ngợi lẫn nhau, còn thì chẳng tay viết nào công nhận Mai Thảo là nhà văn có thực tài cả sao?"
Thái độ Đào Khanh vẫn trầm tĩnh, nhưng lời lẽ đã có phần cứng rắn trong cách bày tỏ:
"Mấy ông nói vậy không đúng. Đối với Mai Thảo, phải nói là kể từ ngày mà Lệ Hằng, bà vợ cũ của tôi gửi tác phẩm đầu tay đến cho nhóm Sáng Tạo và bị Mai Thảo từ chối không đăng, tôi đã không ưa ông ta. Sau, Lệ Hằng nổi tiếng, ông ta mới biết đến. Tuy vậy, tôi vẫn phải công nhận, Mai Thảo là một nhà văn lớn, một mẫu đàn anh trong làng văn nghệ Việt Nam."
Bấy giờ đến phiên Trần Nghi Hoàng nổi giận:
"Anh Đào Khanh à, việc anh công nhận tất cả những tay viết ở Bắc Cali không ai qua nổi Diệu Tần là quyền của anh, nhưng thiết tưởng anh nên khôn ngoan và lịch sự để giữ riêng cho mình ý nghĩ ấy. Còn nếu anh muốn xưng tụng Mai Thảo hoặc bất cứ tay viết miền Nam Cali nào là nhà văn lớn nhà văn nhỏ, sư phụ đệ tử hay đàn anh đàn em gì thì cũng là quyền của anh, nhưng đừng nên vơ chung kẻ khác vào. Đời tôi, chẳng bất cứ ai có thể làm đàn anh tôi, và tôi cũng chẳng bao giờ chấp nhận cho ai làm đàn em của mình cả."
Trần Minh Quang bản tính ôn hòa, trước sự bất bình của Như Hạnh và Trần Nghi Hoàng, vội vã can ngăn:
"Anh em nói chuyện vui cả mà! Cần gì phải nổi giận?"
Như Hạnh cười gằn:
"Nổi giận còn khá. Khinh bỉ mới là chết! Ông Đào Khanh giống như một thứ ếch ngồi đáy giếng, chẳng biết ai với ai mà cứ phát ngôn bừa bãi."
Nét mặt Đào Khanh thâm tím lại, nhưng ông có cái hay là vẫn tỏ ra nhẹ nhàng bình tĩnh. Ông nói dứt khoát:
"Các anh, luôn cả tôi, có ai viết gì hơn Diệu Tần nào? Có ai nổi tiếng hơn ông ta hoặc các nhà văn dưới miền Nam Cali?"
Tưởng Năng Tiến nhún vai:
"Vậy hả anh Đào Khanh?"
Rồi bỏ ra cửa, về trụ sở làm việc cách tiệm sách vài căn, sau khi quay qua nói với tôi:
"Lát nữa anh sẽ trở lại."
Giữa bàn rượu còn lại, Trần Nghi Hoàng vừa khề khà ly rượu, vừa bình thản phân tích:
"Nổi tiếng có trăm ngàn loại nổi tiếng. Trong văn chương, điều này càng được phân định rõ hơn. Có tác phẩm nổi tiếng vì lời hay ý đẹp. Có tác phẩm nổi tiếng vì tính chất gợi dục khiêu dâm. Có tác phẩm được độc giả ca tụng hâm mộ mà nổi tiếng. Có tác phẩm được đồng nghiệp bốc thơm đánh bóng mà nổi tiếng. Thành ra, một tác phẩm nổi tiếng trong hiện tại chưa hẳn được gọi là một tác phẩm có giá trị về văn chương, hay là sẽ trở nên bất hủ. Có những tác phẩm phải đợi đến hàng chục, hàng trăm năm sau mới được người đời say mê, chiêm nghiệm. Vì vậy, lấy cái tiêu chuẩn nổi tiếng trong hiện tại để định chỗ đứng cho một tác phẩm, hay một nghệ sĩ, điều đó có lẽ sẽ không được chính xác lắm. Ví dụ như thập niên 60 qua 70, đàn bà con gái Việt Nam ở quê nhà còn giữ được nhiều điều hay nết đẹp, nên những tác phẩm của Lệ Hằng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ với tính cách gợi dục khiêu dâm dễ dàng trở nên nổi tiếng. Chứ bây giờ, ngay trên xứ Mỹ, con gái Việt Nam 12, 13 tuổi ra đường phải có thuốc ngừa thai trong túi, so sánh với Đỗ Khiêm, Khánh Trường viết thẳng thừng trong tác phẩm những hành động làm tình giống như đang chiếu phim con heo cho độc giả xem, thử hỏi sự nổi tiếng về tính chất khiêu dâm có còn giữ địa vị trong các tác phẩm của Lệ Hằng, Túy Hồng hay Nguyễn Thị Thụy Vũ nữa không?"
Không khí bàn rượu đột nhiên sôi nổi hẳn. Cái lạnh dường như tan biến tự bao giờ. Bên kia đường Số Hai, các cô gái giang hồ cúi đầu đi lui đi tới trên hè phố; thái độ bồn chồn mong chờ khách mua hoa ghé lại được biểu thị rõ rệt qua những bước chân.
Đằng Sơn từ đầu câu chuyện vẫn lặng im, giờ đây lên tiếng:
"Ông Đào Khanh nói thế mà không nghĩ thế đâu. Ổng vẫn như vậy đó. Mổ xẻ câu nói ông ấy làm gì?"
Như Hạnh bắt ngay lời Đằng Sơn:
"Nếu không nghĩ mà thốt ra bằng lời, hóa chẳng phải là hồ đồ sao? Tôi không tin một người đã lớn tuổi như ông Đào Khanh lại là kẻ hồ đồ, nói mà không suy nghĩ."
Trần Quảng Nam cười rất đểu:
"Không phải hồ đồ, mà là hèn đấy!"
Tôi ngẩn ra, nhìn Trần Quảng Nam.
Trần Quảng Nam giải thích:
"Tức là theo như ông Đằng Sơn thì ông Đào Khanh vẫn thường nói những điều mà ông ấy không nghĩ rằng thực. Trong khi cái điều ông ấy nghĩ thực thì lại chẳng dám nói ra, cứ muốn kẻ khác nói giùm. Thái độ ấy tôi gọi là ‘đổ vấy trách nhiệm lên người khác’."
Trần Nghi Hoàng vừa tiếp rượu vào ly của Đào Khanh, vừa bình thản bày tỏ:
"Trong Vân Đài Loại Ngữ, quyển Thứ Năm, chương Văn Nghệ Loại, Lê Quí Đôn khi luận về văn chương, đã có viết: 'Chớ nên lầm lẫn Đức với Văn là hai chữ khác nhau'. Vậy thì chữ Đức trong tâm hồn một người nghệ sĩ chân chính cũng quan trọng bằng, hay có khi còn hơn cả tác phẩm nữa. Với anh Đào Khanh, tác phẩm của anh dẫu hay hoặc dở hơn tác phẩm của Diệu Tần hay bất cứ nhà văn nào anh muốn đề ra làm tiêu chuẩn so sánh, điều ấy đối với tôi vẫn không quan trọng. Điểm quan trọng chính là tư cách và đạo đức của một nhà văn chân chính, anh đã có hay không mà thôi. Ở đây, tôi xin trả lời rằng không!"
Nét mặt Đào Khanh tái đi, nhưng ông vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh. Mọi người trong bàn rượu hầu như phấn khích theo làn không khí gay go xuyên qua các lời tranh luận.
Trần Nghi Hoàng nói tiếp:
"Thời gian tôi làm chủ biên trang Văn Học Nghệ Thuật cho tuần báo Dân Tộc ở San Jose cũng là thời gian mà anh Đào Khanh vừa mới vượt biên đến Mỹ. Một lần tôi nghe Mạng Văn kể rằng ở quán Hiền Vương có tay bồi bàn bưng phở tỏ ra là một người trí thức. Điều ấy làm tôi xúc động. Người bưng phở đó chính là anh Đào Khanh. Một buổi chiều, tôi và Mạng Văn đến quán Hiền Vương gặp anh Đào Khanh, mời anh đi uống rượu sau giờ làm việc. Anh Đào Khanh còn nhớ chứ? Trong buổi nhậu ấy, anh đã kể cho chúng tôi nghe đời riêng giữa anh và Lệ Hằng. Những chuyện anh chê trách Lệ Hằng như thế nào, tôi không muốn nhắc lại ở đây. Nhưng có một điều làm tôi khó chịu chính là sự kiện anh tuyên bố rằng tất cả những tác phẩm in ra của Lệ Hằng đều do anh viết, Lệ Hằng chỉ là người làm cái công việc đứng tên tác phẩm. Lần ấy, anh Đào Khanh có nhớ là tôi đã nói gì không? Tôi bảo, cho dù có thật là anh đã viết những tác phẩm mang tên Lệ Hằng chăng nữa thì sự tự trọng tối thiểu của người đàn ông trong anh bắt buộc anh phải giữ kín, càng phải giữ kín hơn khi người đàn bà ấy giờ đây không còn là vợ của anh. Tôi coi thường anh ngay từ ngày đó. Sau này, đọc những truyện ngắn anh viết ra tại Mỹ, tôi lại coi thường anh hơn bởi vì hai dòng văn của anh và Lệ Hằng khác xa nhau, nếu không muốn nói rằng anh viết kém hơn Lệ Hằng. Vậy thì cái chuyện anh viết và Lệ Hằng đứng tên, theo tôi, chỉ là do anh bịa đặt."
Không khí bàn rượu trầm xuống hẳn. Như Hạnh nhếch môi cười mỉm. Trần Quảng Nam rót rượu vào ly. Ly rượu sec được Trần Quảng Nam đưa lên môi uống vào cổ họng một cách dễ dàng như đang uống nước lạnh.
Đằng Sơn đi lui đi tới nhiều hơn trong hành lang quán sách, thái độ ra tuồng bứt rứt. (Từ nãy giờ, anh vẫn là người đứng chứ không phải ngồi uống rượu.)
Tôi nhìn Đào Khanh, thấy ông vẫn cúi đầu bình thản, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. Điều này khiến tôi vị nể, đồng thời cũng nghe e ngại. Có một chút gì không thành thật nơi ông mà tôi cảm nhận mơ hồ, đã tạo trong tôi cái ấn tượng rằng đang đối diện với một người được bao bọc bằng một lớp vỏ lạnh lùng cứng ngắc. (Một người làm chính trị hay thương mại chứ không làm nghệ thuật.)
Trần Minh Quang là người đầu tiên phá tan sự lặng im khó chịu. Anh quay sang Trần Nghi Hoàng đang ngồi bên cạnh:
"Trần Nghi Hoàng dùng lời nặng quá. Có đáng gì đâu giữa anh em với nhau? Trần Nghi Hoàng còn nói như thế nữa, tôi sẽ bỏ đi về!"
Nét mặt Trần Nghi Hoàng đanh lại:
"Anh nên đi về đi anh Quang! Những con người còn có tính khách sáo đãi bôi như anh chẳng nên ngồi lại trong những cuộc tranh luận thẳng thừng dựa trên sự thật phải được tôn trọng thế này!"
Rồi Trần Nghi Hoàng kể tiếp giữa mọi người:
"Một lần khác, gặp tôi đang đi với anh Trần Lam Giang trong khu Senter, anh Đào Khanh đã mời chúng tôi vào một quán bánh ngọt uống café. Lần đó, anh Đào Khanh có nói với tôi: 'Trần Nghi Hoàng là một Henry Miller của Việt Nam!' Tôi đã nổi giận thật sự mà trả lời: 'Tôi là tôi, chẳng là Henry Miller nào cả!' Anh Trần Lam Giang cũng bày tỏ: 'Các ông nhà văn Việt Nam thường hay mắc cái bệnh lấy nhà văn ngoại quốc ra làm tiêu chuẩn so sánh. Rõ là thiếu tự tin! Mình là mình, Tây là Tây, có điểm nào tương đồng đâu mà phải đem Tây ra làm cái đích định giá?'"
Trần Nghi Hoàng kết luận:
"Hai điều rất thật tôi vừa kể đã đủ cho tôi nhận biết anh là ai mà chẳng cần phải đọc văn của anh, anh Đào Khanh à!"
Không khí bàn rượu càng lúc càng thêm căng thẳng. Mỗi người như rơi vào một tâm trạng khác nhau khi Trần Nghi Hoàng vừa dứt các câu chuyện kể trên. Riêng tôi lại cảm nghe khó chịu và ái ngại giùm cho Đào Khanh. Ông cứ ngồi nhìn ly rượu trước mặt, vẻ thản nhiên không biểu lộ chút nào xúc cảm. Tuy nhiên, từ khóe môi, ông vẫn giữ nụ cười khó hiểu.
Trần Minh Quang vừa rót rượu vào ly của mình vừa nói:
"Anh em uống đi chứ! Tranh luận nhau mãi cũng chẳng ít lợi gì!"
Đằng Sơn cười hề hề:
"Nói vui cả, lo gì anh Quang!"
Đột nhiên, Đào Khanh lên tiếng với nét mặt thật lạnh lùng bình thản:
"Tôi nghĩ rằng ông Như Hạnh và Trần Nghi Hoàng có phần quá khích nên không chịu công nhận một điều thật. Đó là việc trong các ông, chẳng ai qua nổi Diệu Tần!"
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Vậy tôi xin thua anh, anh Đào Khanh ạ!"
Như Hạnh tiếp ngay lời Trần Nghi Hoàng:
"Tôi cũng thua ông Đào Khanh luôn!"
Có một nỗi im lặng nặng nề phủ vây bàn rượu. Cái lạnh từ đâu bỗng dưng như ập đến. Tôi uống cạn ly rượu của mình, nghe một luồng khí nóng lan tràn cơ thể. Và tôi thấy như cần phải nói lên một điều gì đó đang đè nặng trong lòng từ ban nãy, hay cũng là từ sau buổi chuyện trò cùng Đào Khanh một tuần lễ trước, dù biết rằng lời nói của mình có thể gây nên một đổ vỡ...
Tôi giơ cao ly rượu, ngỏ ý xin được tỏ bày ý nghĩ. Cả bàn ngồi im. Tôi nói:
"Thực ra, văn chương của Diệu Tần tôi chưa có dịp đọc, chỉ loáng thoáng đâu đó những truyện ngắn của ông ấy đăng trên các báo địa phương hay báo miền Nam Cali. Tuy nhiên, tôi không lạ gì khi nghe anh Đào Khanh phát biểu rằng tất cả những tay viết miền Bắc Cali chẳng ai qua nổi Diệu Tần. Anh Như Hạnh và Trần Nghi Hoàng chẳng nên nổi giận làm chi với một người có sự thẩm thấu và hiểu biết về văn chương cỡ anh Đào Khanh. Một tác phẩm như Léviathan của Julien Green mà anh Đào Khanh lại bảo là lãng nhách và hiểu sai lạc tâm trạng nhân vật chính được viết ra cách đây đã 62 năm là tâm trạng của một người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do sau 1975, thì sự việc anh Đào Khanh cho rằng Diệu Tần hay bất cứ nhà văn nào dưới miền Nam Cali viết hay hơn Như Hạnh, Tưởng Năng Tiến, Đằng Sơn hay Trần Nghi Hoàng..., có chi là lạ?"
Và tôi cười, tiếp:
"Ở Việt Nam phân chia Nam Bắc để đến nỗi quốc gia tan rã; qua đến Mỹ, cái bệnh phân chia này cũng chẳng đổi thay gì mấy. Nam Cali với chả Bắc Cali, đâu cũng chỉ là quê người đất khách, quí hóa gì mà tự hào tự hãnh mình là người miền Nam hay miền Bắc? Điều quan trọng đối với một nghệ sĩ, một nhà văn là tác phẩm mình cấu tạo ra có giá trị thực sự đối với quần chúng độc giả hay không? Chứ còn việc mình ở Nam Cali hay Bắc Cali, hoặc việc xưng tụng phong chức cho nhau trên chiếu văn nghệ, có chi là báu?"
Như Hạnh vỗ đùi cười lớn:
"Đúng!"
Tôi quay qua Đào Khanh, nói giữa mọi người:
"Tôi mong anh Đào Khanh đừng buồn nếu tôi nói ra điều chi không đúng ý anh. Nhưng tôi thà nhìn tác phẩm mình bị dìm chết đi trong quên lãng một cách cố ý bởi những tay viết đố kỵ khác, còn hơn được một người có sự thẩm thấu và hiểu biết về văn chương cỡ như anh ngợi khen!"
 
 
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
Có khi tự hỏi điều gì đã làm hài hòa được cuộc sống giữa tôi và Trần Nghi Hoàng thì câu trả lời phải nhấn mạnh hàng đầu đến những thói quen thân thuộc trong quãng đời độc thân của mỗi phía vẫn được duy trì và tôn trọng trong một môi trường mà tất cả mọi sự phải được gom chung thành một khối chia xẻ. Trần Nghi Hoàng vẫn thênh thang trong đam mê viết lách và tôi vẫn tự do trong cách sắp xếp phòng ốc của riêng mình.
Căn phòng 45 thước vuông của cuộc đời làm vợ hiện tại chẳng khác biệt bao nhiêu với căn phòng 9 thước vuông của cuộc đời độc thân xa cũ. Các bức tường đầy sách. Cái piano à queue kê ngay góc phải nhìn ra cửa sổ đường Số Hai; trên nắp, cây vĩ cầm nằm im lìm trong chiếc hộp gỗ. Chiếc bàn viết của Trần Nghi Hoàng kê gần cửa chính; chàng thường có thói quen sáng tác bằng computer, giữa những quyển sách bày bừa bộn, ngổn ngang. Bàn viết lớn hơn của tôi sát ngay cửa sổ hông có treo màn trắng nhìn ra khung trời rộng. Rải rác ở mỗi góc phòng là những pho tượng mỹ thuật bằng đồng bằng gỗ. Bức sơn dầu Thu Vân Với Cây Vĩ Cầm chiếm vị trí trang trọng ở khoảng tường phía trên chiếc đàn dương cầm. Bức Cây Vĩ Cầm Của Thu Vân chênh vênh nơi giá vẽ nhìn ra cửa chính. Một phần nhỏ khiêm nhường của kệ sách được sắp bày những chai rượu mạnh đủ loại. Chất men nồng lại mở ra cho tôi những chân trời huyễn mộng kể từ ngày tôi "chọn" Trần Nghi Hoàng để dừng bước lãng du.
Nhớ lại chuyện một nhà văn Mỹ cảm nhận "sự tự do rộng lớn" qua cách để trần truồng thân thể mà nằm, ngồi, đi, đứng một mình trong căn phòng sang trọng nơi một cao ốc nhìn ra khung trời New York; rồi đem so sánh với "sự tự do gần như sờ mó được" trong căn phòng 45 thước vuông chẳng có chút nào vật chất xa hoa, tôi tự hỏi, chắc gì sự tự do mà nhà văn Mỹ kia cảm nhận đã cao hơn sự tự do tôi đang được thụ hưởng?
Ý nghĩa của tự do, với tôi, đến từ chiều sâu tâm tưởng chứ không từ bề ngoài hình thức. Đời sống giữa tôi và Trần Nghi Hoàng, sự-hiện-diện và sư-vắng-mặt của mỗi người được nhìn như hai bề trái, phải của một khối phẳng; trên đó, giá trị của từng bề là cần thiết và bổ túc cho nhau chứ không là phân hóa lẫn nhau.
San Jose . Tháng 2/1992. Một buổi tối...
Lữ Mộc Sinh, Vô Thường, Trần Quảng Nam, Trần Nghi Hoàng, Trần Minh Quang ngồi vây chung quanh chiếu rượu tại nhà tôi. Những dĩa bánh chưng chiên, dưa món mặn được tôi đều đặn mang từ dưới bếp lên làm cho không khí bữa rượu càng thêm đặc biệt cái hương vị ngày Tết đang còn quẩn quanh đâu đó. Câu chuyện văn chương giữa các người đàn ông càng lúc càng thêm hứng thú.
Lữ Mộc Sinh, cao lớn khỏe mạnh, tóc cột đuôi dài như con gái, ăn nói mạnh bạo nhưng giọng cười nghe rất chói tai, the thé. Vô Thường, gốc miền Trung, người tầm thước, gầy gầy, khuôn mặt có nét độc đáo. Anh là một tay guitariste với giọng đàn ngọt ngào truyền cảm, tác giả của nhiều cuốn băng nhạc Ru Khúc Mộng Thường do chính anh độc tấu Tây Ban Cầm. Điểm đặc biệt của anh là lối nói từ từ chậm rãi nhưng nghe có duyên đáo để. Mỗi lời anh phát âm đều dễ dàng khiến mọi người chung quanh thú vị mà bật cười to.
Trong câu chuyện, anh nói với Trần Nghi Hoàng:
"Dưới Santa Ana thấy nhiều chuyện ruồi bu, chán lắm Trần Nghi Hoàng ạ. Anh em ra mắt sách, ra mắt băng nhạc, cứ ưa mắc cái bệnh mời người nổi tiếng lên để người nổi tiếng này phát biểu cảm tưởng về chính họ chứ chẳng phải về tác phẩm của buổi hôm ấy. Không hiểu để làm gì? Độc giả người ta mua một cuốn sách, về đọc phần nội dung, chứ nào ai đọc suông những lời phi lộ?"
Vô Thường tiếp:
"Trong một buổi ra mắt sách, người ta mời Phạm Công Thiện lên phát biểu. Anh này cũng lên trước máy vi âm, nhưng đâm hơi liền: 'Quí vị có lòng thương mời tui lên đây thì tui cũng lên, nhưng bây giờ cái đầu tui trống rỗng, chẳng có gì để nói!'"
Trần Nghi Hoàng gật gù:
"Mời người nổi tiếng lên nói những lời phi lộ còn may, chứ tôi thấy có nhiều buổi ra mắt, ban tổ chức chỉ cốt ý cho trình diễn mấy cái màn hát hò của ca sĩ để câu khán giả tham dự cho đông, y chang một buổi đại nhạc hội. Phần khách tham dự thì đó là dịp để các bà phô trương nữ trang quần áo, các ông chứng tỏ mình là người vẫn còn lưu tâm đến văn hóa, chữ nghĩa. Mà thật, suốt buổi ra mắt, thấy có ai tơ hào gì đến tác phẩm? Còn tác giả thì cứ đi lui đi tới như thể mình là nhân vật quan trọng, trong bụng tin rằng tác phẩm mình hay nên buổi ra mắt mới đông người tham dự, và như vậy có nghĩa là thành công. Nào ai biết, số tiền bán sách thu vào trong buổi hôm ấy chẳng thấm tí nào so với tiền phải trả cho các nàng ca sĩ cùng biết bao thứ linh tinh lỉnh kỉnh khác?"
Trần Nghi Hoàng cười lớn:
"Tuy nhiên, kể từ sau ‘buổi ra mắt lỗ vốn’ ấy, nhân vật chính có quyền đi đến đâu thì mặt cũng vễnh lên trời cao, ngồi đâu cũng hiu hiu tự đắc ra cái điều mình thuộc vào hàng ‘văn nghệ sĩ’, từng có tác phẩm ‘được ra mắt’!"
Và chàng tiếp:
"Nói chuyện ra mắt sách, tôi nhớ lại kỷ niệm về bà Minh Đức Hoài Trinh. Bà này lúc ấy đang dạy đàn tranh cho vợ một thằng bạn tôi. Bữa Nguyễn Hữu Lộc tổ chức ra mắt tập Thơ Trần Nghi Hoàng của tôi ở Santa Ana, bà ấy cũng thấy hiện diện, tôi không biết do ai mời tới. Khi đang còn sắp xếp các thứ chờ bắt đầu cuộc ra mắt, thằng bạn giới thiệu tôi với Minh Đức Hoài Trinh. Tôi nghe bà ấy nói: 'Tôi có đọc kịch thơ của anh trên báo.'
Lúc đó tôi sực nhớ bà ấy cũng đã sáng tác một kịch thơ, đại khái có những câu như kiểu 'Về giựt lại quê hương!...', nên tôi tỉnh bơ nói với bà ấy: 'Kịch thơ của tôi hay hơn của chị!'
Minh Đức Hoài Trinh hỏi tại sao tôi lại nói vậy? Tôi cười: 'Bởi vì quê hương đâu phải là một món đồ để ai cũng có thể về mà giựt lại như kiểu kịch thơ chị đã viết!'
Bà ấy có vẻ quê quê, nói với tôi: 'Thông thường những tay viết mới ưa tấn công những tay viết chuyên nghiệp để dễ bề nổi tiếng!'
Tôi đớp ngay: 'Ngay giờ phút này, có một điều chị cần phải học từ tôi là tôi coi giới viết lách Việt Nam từ trước đến nay chưa ai đủ trình độ và kiến thức để hiểu biết văn chương triết học một cách đàng hoàng đứng đắn. Nếu nói như chị là tôi tấn công những người tôi khinh chỉ vì lý do muốn nổi tiếng thì bỏ mẹ tôi rồi! Tôi cho chị biết, tôi cầm cây viết từ khi 15 tuổi mà cho mãi đến bây giờ 30 tuổi tôi mới in tập thơ đầu tiên. Lý do in cũng chỉ vì muốn làm vui lòng bè bạn khi tụi nó ứng tiền ra lo cho hết. Chứ chẳng phải tôi muốn in để nổi tiếng đâu!'
Bả bỏ đi một nước, không vào dự buổi ra mắt đêm đó."
Trần Nghi Hoàng gật gù:
"Khi mình làm một bài thơ là vì nhu cầu đòi hỏi của tinh thần riêng, chứ đâu phải làm thơ để chờ một ông hay một bà nào đó (kiểu Minh Đức Hoài Trinh) đọc, rồi khen hay, chê dở."
Và Trần Nghi Hoàng kể:
"Tôi đã từng nằm trên sân chùa Thích Quảng Đức ở Sài- gòn hai năm trời, sáng tác không biết bao nhiêu bài thơ. Ông Bùi Giáng bảo tôi: 'Mày gom thơ mày, đưa tao in cho.' Tôi nói không. Rồi giải thích: 'Chú (tôi gọi Bùi Giáng là chú) in thơ tôi xong, chú sẽ viết bài lăng xê, ca tụng tôi như đã từng lăng xê, ca tụng Đỗ Quảng. Nếu tôi được ít nhiều độc giả hâm mộ, chú sẽ không ngần ngại viết bài đăng báo chửi tôi, như đã từng chửi Đỗ Quảng tơi bời. Chơi kiểu đó, tôi tuy nhỏ hơn chú thật, nhưng đâu ngu gì mà chịu!' Mấy cái trò bẩn thỉu ấy trong giới văn nghệ Việt Nam, tôi từng thấy xảy ra ở Sàigòn khi mới 16 tuổi, đâm tởm ghê gớm."
Vô Thường cười:
"Cái chuyện ra mắt sách, ra mắt thơ hay băng nhạc, nếu mình chỉ nghĩ rằng đó là dịp để anh em ngồi lại uống rượu với nhau thì hay lắm. Chứ còn nghĩ đến chuyện kiếm tiền thì ể quá!"
Rồi anh kể:
"Trong đời, tôi chưa bao giờ ra mắt cuốn băng nhạc nào tục bằng cuốn băng nhạc đầu tiên của tôi. Tôi lên trước máy vi âm, nói rằng: ‘Thưa quí vị, băng nhạc này là băng nhạc hang động, tức là chúng tôi thâu nó từ trong hang động. Chúng tôi đã nghe nó nhiều lần, chán lắm rồi, nên tung ra cho quí vị nghe. Nếu quí vị nghe được thì quí vị mua, quí vị nghe không được thì quí vị không mua...’ Thế rồi phe ta bò ra mà cười. Xong, một anh chàng trong phe ta lại lên nói: ‘Băng nhạc này có tên là Ru Khúc Mộng Thường, nhưng ông Phạm Công Thiện đọc ngược Ru Khúc là Rúc Khu, và Mộng Thường là Thượng Mồng, và sẽ còn tiếp tục hồi hai là Hạ Mồng...’ Cứ vậy mà anh em giỡn! Ba cái chuyện ra mắt sách, ra mắt băng nhạc mà chờ mấy ông thứ dữ mặc áo veste chuẩn bị lên micro tằng hắng vài cái rồi nói đôi lời giới thiệu một cách trịnh trọng, thấy nó xưa quá xá!"
Trần Nghi Hoàng giễu:
"Vô Thường nói chuyện áo veste, tôi cũng kể chuyện áo veste các ông nghe. Cái ngày mà bà Vi Khuê, vợ ông Chử Bá Anh, ra mắt tập thơ Cát Vàng của bà ấy tại San Jose thì tôi đang làm chủ biên trang Văn Học Nghệ Thuật cho tờ tuần báo Dân Tộc. Ông chồng bà Vi Khuê vận động với Hà Túc Đạo, Nguyễn Xuân Phác làm sao không biết mà hai ông này (chủ nhiệm, chủ bút tờ Dân Tộc) đưa tôi ra để nói về thơ bà Vi Khuê bữa ra mắt tập thơ. Tôi từ chối. Hai ổng không chịu, cứ nằng nặc, buộc tôi phải đến, lấy cớ vì vấn đề giao tế, lại còn thuyết phục: 'Trần Nghi Hoàng nên nhớ, trong tương lai, Chử Bá Anh có thể cho tờ Dân Tộc tin –vì ông này làm giám đốc một hãng tin- mình khỏi tốn tiền mua. Số tiền dư ấy, chúng tôi dành trả lương cho cậu cao hơn!' A! Cái này nghe cũng có lý, nên tôi nhận lời lên nói về thơ bà Vi Khuê.
"Bữa đó xui một cái là tôi nhậu xỉn mẹ nó rồi, tới giờ ra mắt, vội vàng đi cùng Nguyên Thanh đến quán Thằng Bờm. Cái tật tôi xưa nay không bao giờ mặc veste, quanh năm suốt tháng chỉ quần jean, áo chemise phanh ngực. Thiên hạ đông đủ tề tựu ở quán Thằng Bờm, từ ông giáo sư Triết học Ngô Đức Diễm ở Nha Trang trước 75, cho đến lão già nhà văn đại tá Vũ Văn Lộc, ông thi sĩ chủ quán bún bò Ngô Đình Chương. v.v... đều có mặt đầy đủ. Mùa hè nóng chết mẹ mà anh nào cũng mặc veste thấy nó khổ làm sao! Tôi ở ngoài đi vô cùng Nguyên Thanh. Hà Túc Đạo, Nguyễn Xuân Phác gặp, mừng quá, kêu lên: 'Hú hồn! Tưởng cậu không đến!' Tôi cười khà khà: 'Đến chứ! Đã hứa đến thì phải đến!' Phác nổi khùng: 'Đến mà ăn mặc thế này à?' Tức thì tên Nguyên Thanh đứng cạnh tôi, khỉa ngay Phác: 'Trần Nghi Hoàng là thằng thi sĩ, nó ăn mặc thế nào mà chẳng được!'
"Chưa hết, nhiệm vụ tôi hôm đó là phải lên nói về tác phẩm, còn anh giáo sư Ngô Đức Diễm người Huế thì có bổn phận nói về tác giả. Cái thối của Ngô Đức Diễm chính ở chỗ, bữa đó là buổi ra mắt tập thơ Cát Vàng của bà Vi Khuê mà hắn lại lợi dụng, đem cuốn Bông Hồng Cho Em gì đó của hắn, tặng cho tất cả các vị khách.
"Khi ấy, tôi đang ngồi lơ mơ vì rượu thì ông già Vũ Văn Lộc, hội trưởng cái hội gì đó ở đây tôi chẳng bao giờ biết đến, tới bên cạnh, đưa cho tôi quyển thơ bà Vi Khuê. Tôi lật lật đọc ro ro. Đến chừng thiên hạ mời tôi lên, tôi mới khệnh khạng ‘kiểu thi bá Mai Thảo’, đứng trước máy vi âm mà nói: ‘Thưa quý vị, có hai điều tôi muốn thưa, trước khi đi vào cái chuyện phải nói. Thứ nhất, bổn phận tôi hôm nay là trình bày về thơ bà Vi Khuê, nhưng mà tập thơ ấy tôi chỉ mới nhận được từ tay ông Vũ Văn Lộc cách đây 5 phút 34 giây, thì quí vị phải công nhận giùm tôi rằng làm sao tôi có thể hiểu được nguyên một tập thơ để phát biểu khi mà chỉ đọc nó trong 5 phút 34 giây? Điều thứ hai là chuyện ông Ngô Đức Diễm lúc được mời lên trình bày về tác giả tập thơ Cát Vàng, cũng đã làm luôn cái phần của tôi rồi. Nghĩa là ông ta đem phân tích đoạn này, câu kia trong thơ bà Vi Khuê hay hơn thơ Nguyễn Du, đoạn kia câu nọ hay hơn thơ Bà Huyện Thanh Quan.v.v.. tùm lum tà la hết cả rồi. Tuy nhiên, đã được mời lên thì tôi phải làm cho xong công việc của tôi, nghĩa là tôi sẽ nói về thơ bà Vi Khuê theo ý riêng tôi trong vòng 5 phút 34 giây.'
"Nói xong, tôi lật lật vài trang, tới cái bài Nựng Cháu, đọc lên, rồi lại nói tiếp: ‘Bà Vi Khuê đã có tuổi rồi vậy mà bà vẫn tưởng là còn trẻ, chưa bao giờ tự nghĩ mình già. Chỉ có đoạn thơ tôi vừa đọc trên, khi nói về sự nựng cháu, bà mới tự hỏi, té ra mình đã làm bà rồi sao? Đoạn ấy, tôi thấy nó hay đáo để!’
"Lúc tôi nói câu ấy, ở dưới vỗ tay rào rào. Khi bước xuống khỏi bục sân khấu, bà Vi Khuê níu tay tôi lại mà hỏi: 'Ông Hoàng nói hay quá, sao không nói thêm nữa đi!'"
 
Trần Nghi Hoàng giễu tiếp:
"Không chỉ bà Vi Khuê thôi, tôi còn phải nhiều lần bị mời lên nói chuyện về tác giả. Như tại San Jose này có anh chàng tên Phạm Ngọc Châu, tác giả cuốn Vấn Đề Triết Học. Triết lý thế giới hằng bao nhiêu trăm năm vậy mà anh ta chỉ thu vén cái vèo trong khoảng ba trăm trang giấy. Tôi đã cố trốn rồi, vậy mà hắn vẫn tìm cho ra để bắt tôi đi dự chỉ với mục đích lên máy vi âm nói vài lời phi lộ. Bữa đứng trước micro, tôi nói ngay: 'Nền triết học được xây dựng trong biết bao trăm năm, vậy mà tác giả Phạm Ngọc Châu lại chỉ tóm thâu trong chỉ vài trăm trang giấy. Thái độ đó tôi cho là rất can đảm. Lính tráng như tôi thì cả đời cũng sẽ không bao giờ dám làm cái chuyện can đảm ấy. Vì vậy, tôi rất ngưỡng phục sự can đảm này của tác giả Phạm Ngọc Châu!' Nói xong, tôi đường hoàng bước xuống trong khi thiên hạ vỗ tay rào rào."
Lữ Mộc Sinh bật cười ha hả. Vô Thường kể:
"Lúc trước, ở dưới Santa Ana, tôi với hai thằng bạn có đăng một cái quảng cáo như thế này: 'Công ty chúng em chuyên môn viết hồi ký.'"
Lữ Mộc Sinh ngắt lời Vô Thường trong tiếng cười the thé:
"Thằng luật sư, bác sĩ cóc nhái nào cũng đều khoái viết hồi ký. Dưới đó, Trần Nghi Hoàng biết, tụi tôi có một đống hồi ký mấy thằng ấy đặt viết."
Vô Thường kể tiếp:
"'Công ty chúng em chuyên môn viết hồi ký, đặt nhạc, làm thơ và viết văn tế trước khi chết. Đời người rồi ai cũng phải một lần nằm xuống, không trước thì sau, chẳng ai thoát cả. Chết, một là chôn, hai là đốt. Đốt thì nóng, chôn thì ngợp. Nhưng mà nếu có tí miu-zích (music) vào thì êm ả lắm! Công ty chúng em đã được công nhận là nhạc tế chi bảo, đã từng viết nhạc tế cho Hoài Điệp Tử, Jenny Mai. Nếu cần, chúng em sẽ cung cấp một ban khóc mướn. Bảo đảm khóc không hay không lấy tiền! Viết hồi ký từ tướng tới tá, từ quan tới lính. Tổng thống, phó tổng thống viết luôn! Một, chúng em nói một trăm! Binh nhì chúng em sẽ viết là Trung Tá! Nếu đặt tiền trước thì bớt 20 phần trăm đít-cao (discount). Đưa tiền nhiều viết nhiều. Đưa tiền ít viết ít..."
Lữ Mộc Sinh thêm:
"Muốn viết mềm thì mềm, muốn viết cứng thì cứng..."
Trần Quảng Nam phụ họa:
"Có quay phim và có cả nhạc 'ráp' Mỹ đen nữa!"
Trần Nghi Hoàng:
"Giá nào tiền nấy, muốn gì được ấy, món hàng phẩm chất thế nào đều tùy theo bàn tay chi địa mà quý vị đưa ra cho chúng em dẻo ít hay dẻo nhiều!"
Vô Thường cười:
"Cứ vậy mà làm. Tướng, tá, nha sĩ, bác sĩ, thằng nào cũng muốn viết hồi ký hết. Đến cái tên bán chợ mà còn muốn viết hồi ký nữa là!"
Trần Nghi Hoàng nhận định:
"Cái business mà ông Vô Thường vừa nói, tôi thấy ‘ăn’ lắm đó nghe!"
Vô Thường gật đầu:
"Ăn chứ! Thằng Hoàng Việt nó có cái hay. Nó biết thằng Cao Xuân Huy đang ‘đọi’, nên nói với Cao Xuân Huy: ‘Mày đói quá, con vợ mày làm neo (nail) cũng đói quá. Bây giờ nói thiệt với mày, mày nên đăng cái quảng cáo Chuyên Môn Viết Hồi Ký Nhà Binh đi! Nhà binh là nghề của mày mà! Nếu mày nhận, tao kiếm mối cho mày.’"
Lữ Mộc Sinh lại cắt ngang lời Vô Thường:
"Đừng nói nhà binh, đến cả bác sĩ, nha sĩ, gái lấy Mỹ, thương gia, chủ chợ, ai muốn viết hồi ký cũng nhận tuốt! Một bản năm ngàn!"
Rồi anh tiếp:
"Một bữa tao chợt tự hỏi: 'Ủa, từ xưa tới giờ mình có gạt đứa nào đâu, tại sao bây giờ mình không nổi điên lên mà làm một cái dịch hồi ký coi nó ra làm sao?'"
Trần Nghi Hoàng đề nghị:
"Bây giờ mình ‘công ty’ nhau đi! Các ông đưa cho tôi cái quảng cáo như vừa kể, tôi đăng lên Văn Uyển. Hễ có ai order về nhạc thì tôi đưa ông Vô Thường, về văn nhà binh thì Cao Xuân Huy, về bài tế thì Lữ Mộc Sinh, còn thơ thì tôi lãnh?"
Lữ Mộc Sinh cười lớn:
"Ừ! Tại sao mình không phá một mách cho vui?"
°

*

Khi ấy đã hơn 10 giờ, Đằng Sơn mới đến nhập cuộc rượu. Câu chuyện giữa các người đàn ông bỗng chuyển sang vấn đề văn chương triết học. Trần Minh Quang lên tiếng hỏi:
"Các anh Lữ Mộc Sinh, Vô Thường ở dưới Santa Ana, có biết Phạm Công Thiện lúc này viết lách sao không?"
"Lai rai gặp chả mà không thấy tác phẩm nào mới xuất hiện cả", Lữ Mộc Sinh đáp.
Vô Thường phát biểu:
"Có nhiều anh chàng kỳ lắm. Phạm Công Thiện cũng vậy. Tôi nhớ dạo mới quen Phạm Công Thiện, một lần vô quán Song Long ngồi với anh ta, gặp Phạm Duy đang ngồi ở một bàn khác. Thấy Phạm Công Thiện, Phạm Duy nói ngay: ‘Mấy chục năm qua rồi, moa chờ toa viết một bài về moa mà chẳng bao giờ thấy viết.' Phạm Công Thiện trả lời thẳng thừng: 'Phạm Duy thì có gì đâu để tôi phải viết?’"
Trần Quảng Nam thắc mắc:
"Có lẽ Phạm Công Thiện nói đùa, chứ dưới mắt Phạm Công Thiện, Phạm Duy phải có cái gì chứ?"
Lữ Mộc Sinh đáp thay Vô Thường:
"Không! Nói thiệt đó! Phạm Công Thiện mà đã nói đùa tức là phải có tục!"
Bỗng dưng, Vô Thường phê bình:
"Phạm Công Thiện chỉ giỏi tài rút tất cả những ý tưởng trong sách của các triết gia quốc tế ra làm ý tưởng anh ta, chứ Phạm Công Thiện không đủ khả năng sáng tác bằng chính những gì riêng anh ta có!"
"Đúng! Đúng!", Lữ Mộc Sinh gật đầu.
Trần Nghi Hoàng bày tỏ:
"Phạm Công Thiện có điểm đặc biệt là chỉ thích ca tụng những thằng trẻ hơn mình. Anh ta có thể quỳ lạy một thằng trẻ mà nói nó là thiên tài, còn mọi thằng khác đều là đồ bỏ hết! Nhưng anh ta không bao giờ dám tỏ lời hay viết bài khen ngợi những người cùng cỡ anh ta trở lên!"
Lữ Mộc Sinh và Vô Thường lại đồng kêu:
"Đúng, đúng!"
Trần Quảng Nam bào chữa:
"Mình chửi Phạm Công Thiện, nhưng đâu thấy thằng nào viết hay hơn anh ta?"
Trần Nghi Hoàng đưa ý kiến:
"Tôi có nhận xét thế này về Phạm Công Thiện: anh ta là người bất lực trước cái điều quá lớn nào đó mà anh ta nghĩ trong óc, bởi vì khả năng bị giới hạn. Do đó, đâm ra đau khổ. Một điều nhận xét nữa là cả đời Phạm Công Thiện không mơ làm triết gia, nhà văn gì cả, mà mơ làm thi sĩ."
Lữ Mộc Sinh kêu to, tán thành:
"Đúng, nhận xét của Trần Nghi Hoàng rất đúng. Tôi chơi thân với Phạm Công Thiện, thấy chả không bao giờ muốn người khác gọi chả là triết gia. Khi thiên hạ kêu chả là triết gia, chả cảm thấy bị phỉ nhổ, bởi vì chính tự chả biết chả không thể nào là một triết gia đích thật. Mà nếu người ta kêu chả nhà văn lại là điều ngu xuẩn hơn nữa, lý do là chả không bao giờ viết văn. Cả đời chả chỉ muốn người khác gọi mình thi sĩ. Tôi nhận xét vậy là ở điểm thấy chả coi thường tất cả, trừ ra thi ca."
Trần Minh Quang cắt ngang câu chuyện Phạm Công Thiện:
"Lúc này Trần Trúc Giang có viết gì không?"
"Nó vừa cưới con vợ Á Hậu bên Việt Nam nhưng cũng ‘dẹp tiệm’ rồi!…", Lữ Mộc Sinh đáp.
(Có tiếng Trần Quảng Nam cười chen ngang: "Nó thích dê gái lắm!")
Lữ Mộc Sinh tiếp:
"Nó ra cuốn đầu tiên, Đời Sống Với Cây Bút Chì, xong, một số người chung quanh cự nó là bởi vì trong đó nó viết y chang cách thức một thằng nhà văn Mỹ."
Trần Quảng Nam ngắt lời Lữ Mộc Sinh:
"Tôi nghĩ nó viết giống Phạm Công Thiện chứ?"
Đằng Sơn phủ nhận:
"Trần Trúc Giang không viết giống Phạm Công Thiện, nhưng kiểu viết riêng cũng chẳng có gì lạ".
Đằng Sơn nói tiếp:
"Cuốn thứ nhì nó viết rất dở! Mình đang tính mua về đọc, có ông nọ bảo đừng mua, dở lắm!" (Anh cười hề hề).
"Phải nói là dở vô cùng!", Lữ Mộc Sinh gật đầu. "Chính tôi tổ chức buổi ra mắt cuốn đó cho nó chứ đâu! Nhưng nó ra ba cuốn chứ không phải hai. Tác phẩm thứ ba là Thế Giới Của Loài Vật hay Loài Bò Sát gì đó."
Lữ Mộc Sinh lại nói:
"Cái cách Trần Trúc Giang là bắt chước không sai một nét với cuốn The Sound and The Fury của William Faulkner. Nó có thể gạt được kẻ khác chứ không gạt nổi tôi vì tôi ở chung với nó."
Trần Nghi Hoàng lên tiếng:
"Tôi biết điều Lữ Mộc Sinh vừa nói. Về Trần Trúc Giang, khi đọc cuốn Đời Sống Với Cây Bút Chì của nó, tôi thích lắm, đánh giá nó là thằng có tài. Tuy nhiên, lần đầu gặp nó lên máy vi âm trong một buổi ra mắt của ai đó tổ chức ở quán Rosa II tại San Jose, tôi tự nhủ ngay 'Tên này, dẹp! Không khá nổi!' Cái style khi nói trước micro của Trần Trúc Giang bắt chước y chang Phạm Công Thiện, nhưng không thành công như Phạm Công Thiện. Nó không qua nổi Phạm Công Thiện trong giới Việt Nam, lại càng bị nghẽn hơn trước Henry Miller hay William Faulkner trong giới quốc tế. Các ông đọc Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thật của Phạm Công Thiện với Đời Sống Với Cây Bút Chì của Trần Trúc Giang thấy đâu có gì khác?"
Trần Nghi Hoàng kết luận:
"Khi mình đã bắt chước thì phải làm sao cho hay, chứ nếu dở hơn, chỉ có nước làm trò cười cho thiên hạ."
Lữ Mộc Sinh phát biểu:
"Khi viết xong cuốn đầu, Trần Trúc Giang đến nói với tôi: 'Em còn cuốn hai, anh giới thiệu cho em!' Trong cuốn hai này, nó chối bỏ hoàn toàn những gì của cuốn một, nghĩa là chối bỏ hoàn toàn cái khúc ‘bắt chước’ phía trước, coi như chẳng có gì liên quan cả!"
"Tôi nghĩ Trần Trúc Giang có quyền đó chứ? Chẳng hạn, nó đọc kỹ những gì đã viết mà thấy không có gì thì nó từ bỏ hết!…"
Trần Nghi Hoàng ngắt lời Đằng Sơn:
"Tôi hiểu ý Lữ Mộc Sinh. Chính Đỗ Khiêm cũng làm công việc như vậy."
Lữ Mộc Sinh la lớn:
"Nhưng mà Đỗ Khiêm khác!"
Trần Nghi Hoàng gật:
"Đúng! Trần Trúc Giang không chứng tỏ được là nó có cái gì mới để thay thế cho cái mà nó muốn xóa bỏ."
Lữ Mộc Sinh giơ tay tán thành:
"Đúng! Và phải nhớ rằng, anh được quyền đập phá bất cứ tư tưởng nào trên thế giới với điều kiện là anh phải có một tư tưởng mới thế vào."
Đằng Sơn gật gù:
"Điều đó thì tôi đồng ý".
Trần Minh Quang nhận định:
"Theo tôi, Phạm Công Thiện và Trần Trúc Giang có khác nhau ở chỗ rằng thế giới suy tưởng của Trần Trúc Giang nó gần với thế giới suy tưởng của tôi, nghĩa là tôi hiểu được điều hắn viết. Còn Phạm Công Thiện thì tôi hoàn toàn không hiểu! Anh ta viết cuốn Mặt Trời, Tư Tưởng Hố Thẳm gì đó, tôi có nặn óc bao nhiêu cũng không thể nào hiểu được."
Đằng Sơn cười:
"Anh Quang vừa đưa ra vấn đề thú vị là ‘đối tượng suy tưởng’".
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Hai thằng cha đó y chang nhau trong cách viết, nhưng Phạm Công Thiện có khả năng sử dụng chữ nghĩa, còn Trần Trúc Giang thì không."
Lữ Mộc Sinh lại la lớn:
"Trần Nghi Hoàng nói đúng! Đây nè, tôi đọc cho anh Quang nghe chữ nghĩa của Phạm Công Thiện đại khái thế này: Tôi giao cấu với mặt trời- (mặt trời chả viết là La Soleil chứ không phải Le Soleil đâu)- Để sinh ra mặt trăng- Tôi thủ dâm cùng Thượng Đế- Để sinh ra con người- Mặt trời có thai- Sinh cho tôi một thằng con trai mù mắt. Đó, anh Quang nghe có khủng khiếp không?"
Đằng Sơn thản nhiên :
"Tôi thì chẳng thấy gì cả!"
Lữ Mộc Sinh cao giọng tiếp, vẻ "ái mộ" Phạm Công Thiện phô bày rõ trên khuôn mặt:
"Khi Phạm Công Thiện viết, chả đem triết Đông vô, đem Phật giáo Tây Tạng vô, thành ra khó ai hiểu được chả."
Trần Quảng Nam bày tỏ:
"Có hai cách để người ta không hiểu mình: một, mình chính là thằng stupid đếch ra cái gì hết; hai, mình là thằng vĩ đại! Tôi thì nghĩ Phạm Công Thiện nằm ở trường hợp thứ nhất. Có điều tôi tôn trọng văn tài hắn bởi tôi thấy hắn viết rất hấp dẫn."
Trần Nghi Hoàng búng tay cười lớn:
"Tôi đồng ý với Trần Quảng Nam điểm văn tài của Phạm Công Thiện. Nhưng cho dù bây giờ có mặt Phạm Công Thiện ở đây, tôi vẫn nói rằng, tác phẩm ‘đàng hoàng’ nhất của hắn chính là cuốn Bồ Đề Đạt Ma viết ra năm 18 tuổi, thêm nữa là cuốn Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn."
Trần Nghi Hoàng ngừng lại một chút rồi tiếp:
"Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn tôi nói khá là bởi có sự xúc động trong đó, tuy rằng nếu xét lại, giá trị thực sự chưa chắc đã đạt. Còn tất cả mọi cuốn triết lý rắc rối cuộc đời khác của hắn đều là đồ bỏ! Hắn chẳng muốn làm triết gia gì ráo bởi vì chính tự thâm tâm, hắn biết mình chỉ đã làm cái hành động sao chép lại tư tưởng người khác, chứ đích thực hắn chẳng có gì cả. OK! Cái vụ giao cấu mặt trời rồi đẻ ra mặt trăng gì gì đó, tôi nói thật, nếu bây giờ các ông về đè cái thằng Henry Miller ra mà đọc, các ông sẽ thấy nó y chang như thế. Vấn đề là ‘ai ăn cắp tư tưởng ai'’ (?), Henry Miller hay Phạm Công Thiện, các ông tự trả lời sẽ thấy."
Đằng Sơn biểu đồng tình:
"Tôi đồng ý rằng các cuốn tư tưởng của Phạm Công Thiện đều đáng vứt đi hết!"
Lữ Mộc Sinh cười khà khà:
"Bởi vậy tôi đã nói là thằng cha Phạm Công Thiện chả ‘chê’ độc giả!"
Trần Nghi Hoàng phát biểu tiếp:
"Trong tác phẩm, Phạm Công Thiện đưa ra những hình ảnh rất lạ lùng mà thật thì chẳng ẩn dụ gì hết. Tuy nhiên, có nhiều thằng tuổi trẻ Việt Nam thế hệ mình khi đọc Phạm Công Thiện về ba cái vụ mặt trời mặt trăng giao cấu gì đó, lại thấy dễ sợ quá, đâu phải giỡn, thằng nhỏ đâm ra suy nghĩ."
Và Trần Nghi Hoàng kết luận:
“Trong đời sống, Phạm Công Thiện rất thành thật, tôi giao thiệp với hắn, tôi biết. Nhưng trong chữ nghĩa, Phạm Công Thiện có xài bạc giả, có chơi dơ!”
Trần Minh Quang bào chữa:
“Riêng tôi thì không nghĩ Phạm Công Thiện xài bạc giả mà nghĩ công trình của hắn chưa đơm bông kết trái một cách hoàn mỹ”.
Đằng Sơn nhún vai:
"Còn tôi lại cho rằng tại sao mình cần phải hiểu một cái vất đi làm gì cho mất thì giờ của mình? (Cười hề hề). Ví dụ như quyển sách của một thằng điên viết ra, tốt hơn hết là đừng nên đọc đến. Viết một cách khó hiểu à? Bây giờ nếu anh nhất định viết một cuốn sách khó hiểu, anh sẽ viết được; nếu anh chủ tâm viết một cuốn sách cho thế giới không hiểu, thế giới sẽ không hiểu. Cái đó ai cũng làm được hết! Nhưng, so what?"
°

*

Tôi thấy nản vì đề tài Phạm Công Thiện mà các người đàn ông đang đưa ra trên chiếu rượu. Trong ý nghĩ riêng, tôi thấy (giống như "hiện tượng âm nhạc Trịnh Công Sơn") Phạm Công Thiện từng là "hiện tượng chữ nghĩa" giữa thập niên 60 qua 70 ở Sàigòn. Rất nhiều người trẻ thời ấy (trong số có bạn bè, người thân tôi) đâm trở thành những anh chàng, chị chàng "khùng khùng điên điên, lúc nào cũng cứ tưởng mình là thiên tài triết học" vì đã đọc các quyển sách tối tăm u ám của Phạm Công Thiện. Ở điểm này, tôi tự cho mình "may mắn" mới không bị vướng vào cái chứng "dở hơi té giếng" ấy, dù rằng tất cả các tác phẩm Phạm Công Thiện, tôi đọc không sót cuốn nào.
Trong óc nhớ lại ngay những đoạn thơ của Joyce Mansour (1928-1986):
"Khởi đầu, Thượng Đế ngự trong một lỗ đất nẻ
Và người em sinh đôi với Ngài thì ngủ trên trời
Vũ trụ không có hình thể và trống rỗng
Chỉ vài con người còn sót lại sống nơi hố thẳm sâu
Bị đảo lộn rối mù bởi những ý tưởng sáng tạo trong một
khách sạn miền Bắc Phi
Nhìn ra biển cả."
(trong quyển Les Gisants Satisfaits.)
Hay:
"Bọn họ cùng được sinh ra bởi màn đút hậu của một con
 bò cái và một tên phu đào huyệt mộ
Sau hai giờ làm việc cật lực
Thấm đẫm mùi bia rượu."
(trong quyển Jules César, 1958)
Hoặc là:
"Nếu như cái lưỡi uốn quanh cái sex
Như con rắn uốn quanh thân cây
Phallus(°) sinh tồn trên tấm gỗ chết
Thì tại sao kẻ ưa tưởng tượng lại đong đưa theo các từ
Ở trong, ở ngoài."
(Trong Le Grand Jamais).
Ít nhiều, tôi tự hỏi, có phải "tư tưởng" của Phạm Công Thiện mang hơi hướm tư tưởng trong thơ Joyce Mansour, một nữ thi sĩ siêu hiện thực Ai Cập, nổi tiếng thế giới từ năm 1953 với tác phẩm Tiếng Gào (Le Cris), khi mà lúc ấy Phạm Công Thiện mới chỉ là một chàng thanh niên vừa lớn?
Vấn đề viết ra đây là nếu các người trẻ của thời 65-75 ở Sàigòn được sống nước ngoài (như bây giờ tôi đang sống) và được dịp đọc rất nhiều tác phẩm tư tưởng ngoại quốc, thì dưới một thứ ánh sáng của "Mặt Trời Bao Giờ Cũng Có Thật", liệu rằng các "tư tưởng" Phạm Công Thiện có cơ may tồn tại và làm điên khùng nổi đầu óc họ hay không?
Chú thích:
(°) Phallus tượng trưng dương vật, biểu hiện sức sống của dân Ai Cập.