- 11 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose. 
Vân San về nhà một giờ khuya, tôi thức đến một giờ khuya; hai giờ sáng nó về, tôi thức đến hai giờ sáng; ba giờ, có khi bốn, năm, tôi thức trọn bấy nhiêu giờ giấc. Cứ vậy mà gần hai năm nay, nhiều đêm tôi ngủ rất ít. Đôi mắt trũng sâu và cả tâm hồn nặng nề ưu uất. "Lòng mẹ thương con", bây giờ tôi mới ngắm hiểu và cảm thông được cặn kẽ những buồn phiền mà mẹ tôi đã trải qua trong suốt hai mươi năm theo những bước giang hồ bay nhảy của tôi.
Đêm đêm, ngồi nơi bàn computer cạnh cửa sồ, tâm tư tôi để trôi theo bóng hình biền biệt của đứa con trai lớn. Mười ngón tay vẫn thoăn thoắt chạy trên hàng phím chữ, những trang bản thảo vẫn  liên tiếp chào đời. Vậy mà có nhiều lúc, tôi chẳng hiểu mình đang viết điều gì nữa. Cứ thế, lại phải tĩnh tâm đọc, bôi xóa, sửa nhiều, sửa ít... Nhưng cho đến bao giờ vẫn còn chưa nghe tiếng xe của Vân San vọng lại từ đầu đường William, tôi vẫn còn thấy mình hốt hoảng đâu đâu.
Trần Nghi Hoàng cảm biết những xáo trộn này trong trái tim tôi; nhưng chàng im lặng. Và tôi cũng âm thầm cảm ơn sự lặng im ấy. Có những nỗi đau mà nếu nói ra được, con người sẽ thấy lòng nhẹ nhõm. Nhưng cũng có những dày vò, người ta chỉ nghe an ổn khi một mình ôm giữ trong tim. Trên rất nhiều mặt của đời sống này, Trần Nghi Hoàng là người bạn chí tình của tôi. Nhưng cũng trên những khổ đau thuộc nội tâm sâu kín, tôi không  được chàng chia xẻ. Nhưng đành chịu. Tôi không thể cầu xin hay nhận nơi chàng bất cứ sự gì nếu như không tự ý chàng bày tỏ. Tôi đủ kiêu hãnh để không làm vậy. Và tôi cũng không thể quy trách nhiệm cho bất cứ ai nếu như trong cuộc sống mình lúc nào cũng chỉ đối diện với những lao đao.
San Jose. Tháng 3/ 1993. Một đêm...
Ngồi đối diện tôi trong quán Denny's, Trần Ngọc vẻ mặt vừa buồn vừa ngượng, nói với tôi:
“Thu Vân hiểu cho anh. Kỳ này về San Jose tính ở nhà Thu Vân & Trần Nghi Hoàng ít hôm, uống rượu, nói chuyện văn chương cho nó đã, nhưng vẫn cứ bị nhiều anh em kéo lôi, phiền quá. Thật tình anh đâu có muốn làm Thu Vân giận."
Tôi dửng dưng:
"Em đâu thèm giận anh. Mà em và Trần Nghi Hoàng bỏ anh!"
Trần Nghi Hoàng tiếp ngay lời tôi, vẻ nghiêm  trang:
"Anh Trần Ngọc à, tôi tưởng lẽ ra anh phải không đến nữa mới đúng chứ? Đêm qua vợ chồng tôi đã chấm dứt sự liên lạc với anh rồi mà!"
Trần Minh Quang, nét ngạc nhiên, xen vào câu chuyện:
"Sao? Có việc gì mà Thu Vân và Trần Nghi Hoàng nói với anh Trần Ngọc những lời ghê gớm như vậy?"
Cả tôi lẫn Trần Nghi Hoàng đều im lặng. Trần Ngọc lên tiếng đáp thay:
"Có gì đâu! Đêm qua uống rượu nhà Thu Vân, tôi đứng lên bỏ đi về sớm, làm cho Thu Vân và Trần Nghi Hoàng buồn."
Quay sang tôi anh tiếp:
"Anh xin lỗi Thu Vân!"
Trần Minh Quang phê bình
"Thu Vân có cái khuyết điểm là cứng rắn còn hơn cả một người đàn ông. Chuyện anh em chơi với nhau, nhiều khi cần phải thông cảm người khác một chút chứ! Lý do tại sao tôi ít khi dám đến chơi nhà Thu Vân là bởi vì tôi biết mình hay bị mệt phải về sớm, sợ làm mất vui anh em. Nhưng phần Thu Vân phải thông cảm cho anh em chứ!"
Rồi anh cười:
"Tôi nghe kể chuyện, Thu Vân hay bỏ người bạn này, từ người bạn kia, tôi cũng ngán!"
Tôi phản đối:
"Tôi đâu có bỏ có từ ai bao giờ như anh Quang nói đâu. Chỉ có điều giao thiệp mà thấy không hạp thì ngưng, chứ đâu gọi là bỏ? Anh dùng sai chữ rồi, bởi ngay từ chữ bỏ đã hàm ý nghĩa có. Những người xung quanh, đâu bao nhiêu kẻ tôi xem là bạn?"
Trần Minh Quang bày tỏ:
"Phải nhận rằng Thu Vân và Trần Nghi Hoàng có điểm đặc biệt làm cho anh em mến nên mới thích tụ họp tại nhà hai người đều đặn mỗi tuần. Ở đây, tôi thấy chẳng ai làm được điều ấy. Nhưng mà chơi với nhau, mình nên cảm thông cho hoàn cảnh của nhau."
Tôi gật:
"Anh Quang nói đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Còn nửa kia, anh chưa hiểu về tôi nên dẫu anh nói sai, tôi cũng chẳng buồn. Thực sự trong đông đảo những tốp người khác nhau vẫn hay đến nhà tôi uống rượu mỗi cuối tuần, có chưa đầy trên một nửa bàn tay tôi xem là bạn quý. Vì vậy cái chuyện đôi khi vì lý do này lý do nọ họ không giao thiệp với tôi nữa, đâu có gì quan trọng. Tôi chẳng buồn gì họ cả. Nhưng có những người dẫu không hạp mà nếu mời đến uống rượu, vẫn đến, thì tại sao (nói theo kiểu anh Quang) tôi lại phải ‘từ’ họ? Mình người lớn mà, đâu phải trẻ con để giận dỗi vì ba cái chuyện tầm phào kiểu đó!"
Trần Minh Quang phân trần:
"Theo tôi nhận xét thì thấy anh em nào cũng mến Thu Vân. Vậy mà lâu lâu lại nghe nói Thu Vân không tiếp vợ chồng Hoàng Anh Tuấn, không mở cửa đón Trần Vấn Lệ, không muốn gặp người này, người kia nữa, tôi đâm e dè tự hỏi không biết bao giờ đến phiên mình bị cấm cửa đây?"
Tôi bật cười:
"Thật thiên hạ đồn ghê quá, tội nghiệp tôi! Trường hợp vợ chồng Hoàng Anh Tuấn là bởi vì họ bỏ chúng tôi chứ chúng tôi đâu có bỏ họ. Tất cả đang giao thiệp với nhau đậm đà chén thù chén tạc mỗi cuối tuần như anh Quang vẫn cùng có mặt, đùng một cái, thấy mời dăm ba lần mà họ chối từ không đến, ra đường gặp nhau lại ngoảnh mặt làm lơ, thì thôi, tụi tôi không mời nữa."
Tôi tiếp:
"Còn như anh nhà thơ Trần Vấn Lệ, ngay từ buổi sơ giao thấy đã tỏ ra không lịch sự thì ngưng, không giao thiệp, đâu có gì làm phật lòng ai kia chứ?"
Trần Ngọc tò mò:
"Trần Vấn Lệ là ai vậy?"
Trần Nghi Hoàng đáp:
"Người có biệt danh ‘thi sĩ chuyên môn làm thơ tán gái’, tự nhận mình làm thơ ‘nhiều hơn Nguyễn Du’. Có điều anh ta chưa đến nỗi như Trần Chí Phúc lộng ngôn phán rằng ‘thơ Nguyễn Du trừ khoảng 20 câu hay, còn tất cả đều xoàng xĩnh!’"
Trần Minh Quang:
"Tôi có nghe tiếng anh ta. Thu Vân cũng quen anh ta sao?"
Tôi cười:
"Trần Vấn Lệ là bạn một người bạn cũ ở Dalat của tôi. Anh ta từng gọi đến xin làm quen với cả tôi lẫn Trần Nghi Hoàng. Hai bên đôi lần có chuyện trò trong điện thoại. Thấy cũng được! Một chiều chủ nhật tự dưng anh ta xách nửa chai Courvoisier VS lại nhà tôi. Đó là lần đầu tiên tôi và Trần Nghi Hoàng gặp Trần Vấn Lệ. Cả ba cùng uống. Được một chặp, thấy cái cách nói chuyện của anh ta không hạp, vẻ tự mãn hiện ra trên mặt rõ quá làm tôi khó chịu, nên tôi điện thoại rủ Trần Quảng Nam và Đằng Sơn đến uống chung như thường lệ bọn tôi vẫn gặp nhau mỗi cuối tuần.
"Lúc hai người này đến, tự dưng Trần Vấn Lệ đứng lên bỏ đi về, lý do đưa ra là: ‘Có con chó nhỏ đang ở ngoài xe, sợ nó lạnh và đói thì tội nghiệp.' Tôi gợi ý: ‘Anh ra đem nó vô đây cho nó ăn cái gì đi!’ Mọi người chèo kéo thế nào cũng không được, Trần Vấn Lệ vẫn nằng nặc đòi bỏ đi. Tôi thấy bực, nói: ‘Cái đời tôi giang hồ cũng lắm, từng đối ẩm với cả trăm người khác nhau trên đủ mọi giai cấp, mà chưa bao giờ gặp một tay nào có tư cách uống rượu bết như anh đó anh Trần Vấn Lệ.’ Anh ta bắt đầu lên vẻ sừng sộ. Tôi hỏi: ‘Tôi nói không đúng sao? Người ta vì lý do này lý do nọ thấy đã không ổn, còn anh chỉ vì một con chó nhỏ mà bỏ bạn rượu ra đi, anh cho như vậy là đúng nghĩa hào sảng tri âm sao?’ Trần Vấn Lệ thực sự nổi giận: ‘Tôi thất vọng về chị đó chị Bông Giấy à. Từ nay mấy cuốn sách chị viết ra, chị nên dẹp mẹ nó hết đi!’ Tôi cười khẩy: ‘Chuyện! Tôi đâu có bảo anh hy vọng gì nơi tôi mà lại gọi là thất vọng? Còn sách tôi viết ra ai muốn đọc thì đọc, tôi đâu có buộc ai mua mà bảo rằng tôi dẹp. Nhất là sách tôi viết, không bao giờ tôi đợi chờ một kẻ coi con chó trọng hơn con người như anh đọc đâu! Anh khỏi lo!’”
Trần Minh Quang hỏi tới:
"Rồi Trần Vấn Lệ bảo sao?"
Tôi nhún vai:
"Sao nữa? Anh ta bỏ đi một nước, trong lòng chắc hận thù tôi ghê lắm nên từ đó không thấy gọi điện thoại đến."
Tôi tiếp:
"Đó là những ‘cas’ giao thiệp tôi cho là không quan trọng; vì vậy, nếu càng lánh xa được các loại ‘bè’ kiểu đó, mình càng đỡ mất thì giờ. Xứ Mỹ này, thì giờ là vàng bạc mà! Tuy nhiên, trường hợp Trần Ngọc hoàn toàn khác. Vợ chồng tôi nghĩ anh ấy không chỉ là bạn, mà còn là một người anh em ruột thịt nữa. Anh ấy không thể nhân danh bất cứ lý do nhỏ nhặt nào để làm tổn thương tình bạn giữa anh ấy và chúng tôi. Mà nếu anh ấy cố tình làm điều đó, thì chúng tôi từ bỏ hẳn. Bây giờ dùng chữ ‘từ bỏ’ của anh Quang mới là chính xác anh Quang à!"
Trần Nghi Hoàng tiếp lời tôi:
"Đúng như Thu Vân nói, trường hợp Trần Ngọc rất cá biệt, bởi tụi tôi coi trọng ảnh. Biết ảnh buồn, nên cả tôi lẫn Thu Vân đều nhiều lần điện thoại xuống Santa Ana, tha thiết mời ảnh lên chơi. Ảnh bằng lòng, còn nói là sẽ nằm nhà đọc sách trò chuyện uống rượu với vợ chồng tôi vài ngày. Tụi này đợi chờ từng bữa. Vậy mà lên đây, ảnh chỉ ghé được một buổi chiều, xong nghe nhóm Võ Bình này kia gọi, bỏ đi tuốt! Đêm qua gầy cuộc rượu mời nhiều bạn bè đến cũng chỉ vì ảnh, mà đang uống giữa chừng, ảnh sốt ruột vì cái hẹn Võ Bình sao đó, lại bỏ đi, cản gì cũng không được. Tôi và Thu Vân tuyên bố từ ảnh luôn!"
Trần Ngọc nét mặt trông chừng xúc động rõ rệt. Đến lúc này thì có lẽ anh tin rằng câu nói "Nếu anh bước chân ra khỏi cửa nhà tôi ngay bây giờ thì xin anh đừng bao giờ quay lại nữa!" của cả tôi lẫn Trần Nghi Hoàng đêm qua là thật sự quan trọng. Anh cúi đầu lặng yên, nghe tôi nói với Trần Minh Quang:
"Tôi quan niệm, cuộc chơi cũng như cuộc đời. Mình có đi tới tận cùng mới biết được ai là ai. Chưa chi mà anh bỏ cuộc ngang xương, làm sao tôi hiểu để dám nhận anh là bạn?"
Và tôi tiếp:
"Cả đời, tôi rất quí bạn, nhưng phải là người bạn thật sự đúng nghĩa cao đẹp của từ ngữ ấy kìa. Vì lẽ đó, tôi nay sống đã hơn 40 năm mà kiểm điểm lại, số bạn của mình chưa đếm đủ trên một nửa bàn tay. Tôi kể anh Quang nghe chuyện này thì anh hẳn biết tôi coi trọng bạn đến chừng nào. Thuở còn học trong trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, tôi có một anh bạn lớn hơn hai tuổi, học violon-alto. Chúng tôi giao thiệp rất thân trong suốt nhiều năm như hai người bạn trai, tâm sự với nhau mọi nỗi, đi uống café với nhau hằng bữa, vậy mà chẳng bao giờ tôi nghĩ đến điều yêu anh và anh cũng không hề một lần tỏ cho tôi thấy ý nghĩ hay hành động suồng sả với tôi.
"Khi đã trưởng thành, ra đời, mỗi người mỗi hướng, nhưng hễ bất chợt gặp nhau đâu đó, tôi và anh vẫn tỏ lộ cho nhau thấy sự mừng rỡ thật tình.
"Sau 1975, một đêm, anh bất ngờ đến hậu trường rạp Hưng Đạo ở Sàigòn tìm tôi. Tôi ngạc nhiên lắm bởi vì đã lâu chẳng biết anh ở đâu và làm gì. Qua câu chuyện café, anh hỏi tôi có thể giúp giùm một người bạn trai khác (tôi chưa từng gặp) một chỗ lưu trú trong thời gian anh lo cho bạn vượt biển? Dưới chế độ Cộng Sản, việc kiểm soát từng nhà từng tổ xảy ra như cơm bữa, thì phải kể việc nhờ cậy này là một điều khá nguy hiểm cho tôi. Dù vậy, tôi vẫn không do dự mà gật đầu ngay. Anh bạn tôi thắc mắc: ‘Tại sao Thu Vân không hỏi chi tiết?’ Tôi cười: ‘Tôi cần gì hỏi? Chỉ cần biết anh là bạn tôi, tình bạn giữa anh với tôi đủ nói lên tất cả, cần gì biết thêm chi tiết xem người bạn anh gửi tôi lo là ai, làm gì nguy hiểm đến nỗi phải trốn tránh luật pháp?’ Tôi nói thêm: ‘Nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi thì tôi nghĩ tại số tôi xui, chứ chẳng phải tại anh muốn dây hại cho tôi.’
"Khi ấy, ngồi nơi một quán cóc café ven đường Trần Hưng Đạo chờ xuất hát tối, trời tháng 12 gió hiu hiu lạnh, anh bạn nhìn tôi, cái nhìn thật sâu, rồi đột nhiên, lần đầu tiên kể từ ngày giao thiệp, anh nắm bàn tay tôi xiết mạnh mà nói: ‘Mười mấy năm nay, tôi vẫn nhiều lần tự hỏi, nơi Thu Vân có điều gì làm cho tôi đặc biệt quí trọng? Bây giờ tôi đã có câu trả lời: sự trung tín trong tâm hồn và cái nghĩa khí đặt để trong tình bạn là điểm nổi bật của Thu Vân.’ Anh lại tiếp: ‘Đúng là Thượng Đế bù trừ nên Thu Vân ít có bạn. Chứ nếu nhiều, sẽ có ngày Thu Vân chết không kịp trở tay bởi một người bạn nào đó!’
"Từ ấy, tôi cũng chẳng hề một lần hỏi ‘anh bạn được gửi gấm’ xem đã làm gì trong quá khứ, mà chỉ biết vận động cái thế quen biết của mình để xin cho anh khi ở nhà này dăm ngày, lúc  sang nhà khác vài bữa, tránh sự săn đuổi của công an. Sau, anh được bạn tôi lo cho vượt biên đến nơi đến chốn. Còn người bạn học chung trong trường Nhạc thì lại bị chìm chết với tất cả mọi người đi cùng trên chiếc ghe dài 13 mét do chính anh tổ chức năm 78 ở Bình Đại, Bến Tre."
Trần Minh Quang nói với tôi:
"Tôi không biết được điều này nơi Thu Vân nên không hiểu. Cứ ngỡ là Thu Vân thích đối xử thẳng thừng trong vòng giao thiệp."
Tôi cười:
"Tôi đâu có khùng đến vậy? Thật sự tôi rất quí bạn, mà cái số tôi không may nên chẳng có được mấy người bạn quí."
Tôi tiếp, nửa đùa nửa thật:
"Ngay cả với Trần Nghi Hoàng, nếu tôi không tìm được tình bạn mà tôi cần thiết, hẳn là chúng tôi cũng đã có ‘vấn đề’ quan trọng rồi!"
°

*

Câu chuyện bỗng chuyển hướng sang đề tài Một Truyện Dài Không Có Tên tôi đang viết. Trần Ngọc là người đặt câu hỏi trước nhất:
"Thu Vân viết quyển ấy đến đâu rồi?"
Tôi đáp:
"Chưa vào đâu cả!"
Đào Thị Lương suốt từ đầu câu chuyện vẫn ngồi im, bấy giờ đột nhiên bày tỏ:
"Em được chị Thu Vân dành cho cái hân hạnh là người đầu tiên đọc bản thảo tất cả các bài viết trong quyển ấy. Trên tư cách một độc giả, em thấy đó là một tác phẩm rất lôi cuốn và cảm động vì cái độ ‘thật’ ghê gớm của nó. Nhưng mà cũng nguy hiểm quá!"
Trần Ngọc cười:
"Theo Lương thì nguy hiểm như thế nào?"
Đào Thị Lương ngần ngại: "Theo em, nếu cuốn sách được tung ra, chắc chắn tác giả sẽ bị ‘ăn đạn’. Còn chuyện ăn đạn thật hay ăn đạn trên báo thì chưa biết!"
Đột nhiên Trần Minh Quang lộ vẻ giận dữ:
"Tôi thành thật quí Thu Vân như một cô em gái, nên xin nói lời này với Thu Vân. Cái chuyện viết lách của Thu Vân, nếu đặt ‘cho vui’ thì được, còn đặt quan trọng thì theo tôi, chẳng nên! Nhất là Một Truyện Dài Không Có Tên lại càng không nên hơn nữa. Lý do để tôi nói lên điều ấy chính là câu hỏi, viết ra một tác phẩm như vậy, Thu Vân có lường được cái hậu quả nguy hiểm của nó cỡ nào không? Có đáng để cho Thu Vân đánh đổi sinh mạng mình vì tác phẩm ấy?..."
Tôi dợm hỏi:
"Anh Quang nói xong chưa?"
Trần Minh Quang lắc đầu:
"Thu Vân muốn nói gì, cứ nói?"
Tôi gật:
"Đầu tiên xin ghi nhận tình cảm anh dành cho tôi. Sau nữa, xin nói với anh rằng tôi không làm việc gì để ‘cho vui’ suông cả. Mọi việc trong đời tôi làm đều có mục đích, kể luôn những cuộc chơi."
Giọng Trần Minh Quang gay gắt:
"Vậy chứ mục đích viết ra một tác phẩm với những nhân vật thật, những câu chuyện thật của hiện tại như trong quyển ấy là thế nào? Có phải chẳng có gì khác ngoài việc Thu Vân đang tự gây thù chuốc oán trong giới văn nghệ hải ngoại?"
Tôi cười:
"Không phải tôi coi thường anh Quang đâu, nhưng tôi nghĩ rằng mục đích trong Một Truyện Dài Không Có Tên của tôi, có nói, anh cũng không muốn hiểu, bởi vì anh đã có định kiến ‘nên viết lách vì vui’ rồi, nên tôi chẳng nói làm chi cho uổng.”
Trần Minh Quang càng thêm khó chịu:
"Tôi nói thật, nếu viết được như Thế Giang trong Thằng Người Có Đuôi thì viết. Cuốn ấy, Thế Giang phô bày được cho độc giả thấy cả một xã hội miền Bắc. Còn không, nên dẹp cây viết, lo kiếm tiền gầy dựng gia đình, cuộc sống là hơn!"
Bên cạnh tôi, Trần Nghi Hoàng đột nhiên lớn giọng:
"Tưởng anh Quang đem ai làm tiêu chuẩn so sánh, té ra đem cái anh chàng Thế Giang, bỏ mẹ tụi tôi rồi!"
Tôi cười khẩy:
"Cái chuyện lo gầy dựng gia đình, cuộc sống, chúng tôi chẳng cần phải đợi anh Quang khuyên bảo đâu!"
Biết mình đã hớ lời, Trần Minh Quang nhe răng cười trừ. Tiếng Trần Ngọc vang lên bênh vực tôi:
"Riêng với tôi, Một Truyện Dài Không Có Tên của Thu Vân rất cần thiết để có mặt. Tôi chưa được may mắn đọc hết bản thảo như Lương, nhưng xuyên qua các bài đã đăng, tôi thấy rằng cái giá trị sự thật của nó đúng là có. Anh Quang hẳn phải nhận như tôi, nền văn chương Việt Nam hải ngoại từ sau 75 cho thấy có đưa ra rất nhiều khía cạnh sống xã hội khác nhau của cộng đồng Việt Nam, vậy mà có tác phẩm nào phô bày được con người thật của văn nghệ sĩ Việt Nam chưa? Họa hoằn mới có tác phẩm như Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ Đi Qua Đời Tôi của Tạ Tỵ, nhưng trong ấy độc giả không tìm thấy được giá trị sự thật gì ngoài một ‘sự tự tâng bốc cá nhân tác giả’. Văn nghệ sĩ cũng là một phía làm nên xã hội, tại sao lại bỏ quên họ mà không dám nói đến?"
Trần Minh Quang xẵng giọng (tôi thấy ngạc nhiên vì sự nổi giận vô lý của anh):
"Tôi nói điều này, Thu Vân & Trần Nghi Hoàng có buồn tôi cũng chịu, tôi không đọc nhiều những cái gì của hai người viết, chỉ đọc loáng thoáng, nhưng thật tình tôi thấy nó chưa ra làm sao cả. Về các bài nghiên cứu sắc tộc Việt Nam của Trần Nghi Hoàng thì chẳng ăn thua gì nếu đem so sánh với các bài của những nhà viết nghiên cứu khác..."
Trần Nghi Hoàng nhún vai, nói gằn từng chữ:
"Tôi hỏi anh Quang, anh đã đọc một cách đàng hoàng được bao nhiêu cuốn về sắc tộc rồi? Bao nhiêu cuốn về nghiên cứu rồi? Anh nói thật thì tôi cũng nói thật. Những bài sắc tộc tôi viết ra, tôi không thèm chờ đợi những người đọc loáng thoáng như anh ngó ngàng tới đâu..."
Tôi tiếp ngay lời Trần Nghi Hoàng.
"... Bởi những người như anh Quang, chỉ có những loại sách khùng điên tăm tối như của Phạm Công Thiện, Trần Trúc Giang mới được gọi là giá trị!"
Nét mặt Trần Minh Quang có vẻ sượng sùng, giả lả hỏi tôi:
"Thu Vân có nhớ một lần Thu Vân nói gì với tôi về việc viết lách không?"
Tôi gật đầu, vẻ nghiêm trang:
"Tôi nhớ chứ, ngay tại quán này, trong cuộc café giữa anh, tôi và Trần Nghi Hoàng, có con bé Âu Cơ đi theo nữa. Lần ấy tôi nói với anh, ‘Tôi là một độc giả rất khó tính. Cho tới bây giờ, văn chương Việt Nam ở hải ngoại, tôi đọc rất nhiều mà chưa thấy tác phẩm nào ưng ý, kể cả tác phẩm của tôi’. Anh hỏi, ‘Ưng ý là như thế nào?’ Tôi đáp, ‘Có lẽ tôi quá hoài vọng cho văn chương Việt Nam, mà thật tình, tác phẩm ưng ý tôi muốn đề cập phải là cỡ tác phẩm của Dostoievski’. Và tôi nói thêm, ‘Trong đời tôi vẫn ao ước viết được một tác phẩm có tầm vóc như vậy’”
Tôi tiếp:
"Khi tôi nói ‘Tôi ao ước viết được một tác phẩm có tầm vóc như vậy’ không có nghĩa là tôi kiêu ngạo bảo rằng ‘sẽ viết được.’ Đó chỉ là cái mức tuyệt diệu của văn chương mà tôi ngưỡng mộ và ao ước. Tôi có quyền ao ước phải không? Còn tài năng tôi cỡ nào thì tôi viết cỡ đó, đâu phải vì tôi ao ước mà cứ mãi ngồi chờ ‘sung rụng’ không viết gì cả, chỉ đi làm cái chuyện ba hoa khoác lác cho thiên hạ (như anh) chê ghét?"
Tôi kết luận với Trần Minh Quang:
"Anh Quang phê bình gì thì cứ việc, đó là quyền của anh. Nhưng dù sao anh cũng đã từng uống rượu với tôi và Trần Nghi Hoàng, tôi nghĩ anh không nên mạt sát sự viết lách của hai chúng tôi, hoặc là làm cái chuyện so sánh bọn tôi với người này người khác. Giá mà anh đem so sánh tôi với một phần tư ngón chân út của Dostoievski, tôi còn thấy thật nhiều vinh dự cho mình. Đàng này, với Thế Giang! Chẳng khác nào anh chửi vào mặt tôi! Chơi với nhau mà mạt sát nhau như kiểu anh, tôi thật bái lạy, chẳng dám!"
Trần Minh Quang  cúi đầu ngượng ngập:
"Thôi, nếu tôi có lỡ lời gì thì xin Thu Vân và Trần Nghi Hoàng bỏ qua cho!"
Giọng Trần Nghi Hoàng lạnh lẽo:
"Thực sự, nếu anh Quang đem so sánh Thế Giang với Trần Thị Bông Giấy, tôi thấy đã là trật. Trong khi Trần Thị Bông Giấy mỗi năm đều đặn cho chào đời một cuốn, bốn năm liên tiếp bốn cuốn, dù trong số có một cuốn tái bản viết thêm, thì Thế Giang kể từ sau sự xuất hiện của Thằng Người Có Đuôi, được tụi Người Việt dưới Santa Ana bốc thơm lên tận mây xanh, hình như anh chàng ‘cụt hẳn cái đuôi’ rồi?"
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Từ 21 năm nay, cứ đến ngày sinh nhật Vân San là tôi lại mua cho nó một món quà và lại tự mình nghĩ ngợi về những cái gì xảy ra trên nó trong một năm -và nhiều năm- trước đó. Mỗi mùa sinh nhật Vân San trôi qua là trái tim tôi lại bị đè thêm một chút buồn vì định luật  'hợp tan" không bất cứ ai có thể thoát. Hơn bốn mươi tuổi mới thấy rằng cuộc đời rõ ràng phù du khi mà mọi điều nằm trong tầm tay đều lần lượt mất đi, cách này, cách khác. Tình yêu, tình gia đình, tình quê hương, tình bè bạn... bây giờ đến cả tình mẹ con... đều cũng phải nhạt phai. Tôi thấy mình bất lực. Một mặt nào, tôi rất sáng suốt khi nhận định được khả năng tàn phá của thời gian. Nhưng mặt khác vẫn cứ muốn trốn chạy với lòng mình sự tàn phá ấy. Đó là điều vẫn làm cho tôi đau khổ. Và đó cũng là điều dày vò tôi trên nhiều nuối tiếc đêm lại qua đêm.
San Jose, tháng 1/1993. Một đêm...
Trong buổi tiệc cưới Hồng Lan và Nguyễn Quang Vinh một đêm thứ bảy, tôi, Trần Nghi Hoàng và Âu Cơ ngồi cùng bàn với Trần Quảng Nam, Kim Sơn, Đằng Sơn và vợ chồng Ngẫu Hồ. Ngẫu Hồ cầm chai Rémy Martell trên bàn, khui ra, rót vào ly mỗi người một ít. Tôi nhớ lại cái đêm anh say tại nhà tôi, mỉm cười một mình. Nâng ly lên mời mọi người, rồi mời tôi, Ngẫu Hồ bày tỏ:
"Chị Thu Vân đúng là có phong độ đàn chị. Uống rượu cũng tài mà nói chuyện văn chương cũng lưu loát."
Tôi lắc đầu cười:
"Tôi đâu dám!"
[Câu nói của Ngẫu Hồ làm tôi tự dưng nhớ lại một lần xuống Santa Ana, được Trần Ngọc đưa đến gặp cụ Lê Tư Vinh. Trong câu chuyện, trước mặt nhiều người, cụ Lê Tư Vinh hướng về tôi, nói với Trần Nghi Hoàng: "Ông Cao Thế Dung sau chuyến đi Cali dạo tháng 6/92 vừa rồi, về D.C kể cho tôi nghe những cuộc gặp gỡ giữa ông và từng văn nghệ sĩ bên ấy. Khi nói về Bông Giấy, ông ấy bảo: ‘Đó là một mẫu đàn bà Chung Vô Diệm!’ Tôi bèn chữa: ‘Sao lại bảo Bông Giấy là Chung Vô Diệm. Chung Vô Diệm người ngợm xấu xa, còn Bông Giấy mặt mày duyên dáng!’ Tức thì Cao Thế Dung cãi: ‘Điểm Chung Vô Diệm tôi muốn đề cập không phải là vẻ xấu xí bề ngoài, mà chính là tài năng của bà, đến cả vua cũng phải sợ!’ Ông Cao Thế Dung tỏ ra quí Bông Giấy lắm, có bảo tôi rằng: ‘Từ trước đến nay, tôi chỉ gặp hai người đàn bà uống rượu mạnh mà trông rất tỉnh. Một người ở Việt Nam và người nữa là cô Bông Giấy. Nhưng khác với cô Bông Giấy, người kia uống thì chỉ biết uống, ai uống đến đâu thì theo đến đó, còn Bông Giấy uống càng nhiều, nói chuyện văn chương càng sắc bén!'"]
Ngày hôm sau, tôi, Trần Nghi Hoàng và Âu Cơ sẽ đáp chuyến bay sớm nhất về Việt Nam. Trong buổi tiệc cưới, Trần Quảng Nam ngồi bên cạnh, nghiêng đầu sang tôi, dặn nhỏ:
"Chị về, lên Dalat, ráng kiếm cho được Mỹ Vân, nói với Mỹ Vân giùm, rằng tôi so sorry về tất cả mọi chuyện!"
Tôi nghe lòng cảm động một cách ngạc nhiên. Hai mươi năm liên hệ! Quãng thời gian không phải là ngắn để con người có thể lãng quên và từ bỏ một cách phũ phàng mọi cái gì thuộc về tình cảm. Qui luật đổi thay của thời gian mà tôi hằng tin tưởng, có lúc cũng bị chao đảo lung lay trong ý tưởng. Như đêm nay. Như bây giờ. Tự dưng thấy một nỗi ấm lan nhẹ trong tim. Một Trần Quảng Nam đầy phong thái thư sinh nghệ sĩ, tâm hồn chưa dạn dầy chai đá, đang hiện hình trước mắt. Một Trần Quảng Nam từng được tôi thương quí từ hai mươi năm trước cơ hồ tìm thấy lại qua cái tên "Mỹ Vân" được nhắc đến bất ngờ, đầy âm điệu nhớ thương.
Trong phần cuối tiệc, Cẩm Hằng và Phạm Việt Cường từ bàn khác kéo sang, ngồi cạnh bên tôi. Tôi nghe Cẩm Hằng nói:
"Đêm 31/12 vừa qua, em năn nỉ Cường đến chơi nhà Thu Vân, nhưng Cường không chịu. Em nói với Cường, em chỉ cần gặp để chúc mừng sinh nhật Thu Vân một chút thôi chứ không la cà nhậu nhẹt, năn nỉ mãi mà Cường vẫn không chịu."
Tôi chưa kịp tỏ bày gì thì Cẩm Hằng lại nói:
"Hôm Noel, ngồi uống rượu tại nhà Hoàng Anh Tuấn, trong câu chuyện với Thu Vân, cảm biết được nhưng mối khổ tâm tình cảm giữa chồng và con riêng trong đời sống hiện tại của Thu Vân, em như muốn rớt nước mắt. Em phải nhận Thu Vân thật can đảm. Lâm vào hoàn cảnh ấy, không phải người đàn bà nào cũng có được lối hành sử sáng suốt như Thu Vân."
Dường như hơi say say nên trong lời nói Cẩm Hằng, nghe có điều run run xúc động.
Cẩm Hằng tiếp:
"Những gì Thu Vân trải qua trên khía cạnh nội tâm phức tạp ấy, chính em cũng từng bị dày vò, vướng mắc. Em không dám nghĩ mình là tri kỷ của Thu Vân, nhưng em tin rằng Thu Vân hiểu được tâm tư em."
Tôi ngồi im, trân trọng lắng nghe.
[Nhiều năm trước, tôi từng một lần gặp Cẩm Hằng trong cuộc rượu do Trần Quảng Nam mời tôi và Trần Nghi Hoàng ở quán Pepper Mill. Cẩm Hằng và tôi chẳng nói gì với nhau suốt buổi gặp gỡ, ngoại trừ câu chào chia tay khi cả hai Trần Quảng Nam và Cẩm Hằng đưa chúng tôi về tới đầu ngõ.
Trong tiệc cưới Tâm Nguyên & Xuân Liên dạo tháng 11 /1992, Cẩm Hằng -khi ấy đã trở thành vợ chính thức của Phạm Việt Cường- trước lúc ra về, dừng lại bên tôi mà nói:
"Nghe thiên hạ bảo rằng tại nhà Thu Vân mỗi cuối tuần, anh em văn nghệ sĩ hay đến họp mặt uống rượu vui lắm? Hôm nào Thu Vân cho em đến dự được không?"
Tôi hơi khựng vì lối nói thân mật của Cẩm Hằng, đồng thời cảm nghe e ngại trước một mẫu đàn bà có cái bề ngoài rất khác biệt với tôi, tuy nhiên vẫn ôn tồn đáp:
"Sao lại cho, phải mời chứ!"
Vậy là từ đó tôi và Cẩm Hằng quen nhau. Năm bảy lần trong các buổi rượu tại nhà tôi, một lần tại bữa rượu nhà Hoàng Anh Tuấn, cái ý niệm trong tôi về đêm thứ nhất vài năm trước gặp Cẩm Hằng vẫn chưa tan biến: người đàn bà có nét đẹp lạ, trang điểm rực rỡ, ăn mặc "chic", trên khuôn mặt hiện rõ vẻ kiêu hãnh, đam mê!]
Nhưng đêm nay, bỗng dưng trước mặt tôi hiện diện một Cẩm Hằng rất khác biệt. Nét bề ngoài lộng lẫy dường như mờ nhạt đi trước phần sâu kín bên trong tôi đang nhận biết. Một mẫu đàn bà cô đơn với một nội tâm bất ổn. Sự sôi nổi ồn ào vẫn không che giấu được những lao đao trong sâu thẳm trái tim.
Điều nhận xét của tôi được Cẩm Hằng gián tiếp xác định bằng câu tâm sự:
"Em cười nói như vậy mà thật thì trong lòng lúc nào cũng như có điều vò xé."
Tôi lặng im, cảm nghe e dè trước những lời đau khổ mà người đàn bà trước mắt đang bày tỏ:
"Nếu hỏi rằng trong đời em, người đàn ông nào được em yêu thương nhất, em hẳn trả lời, trước là thằng Nguyễn, con trai lớn của em, sau là Cường."
Thật tình, tôi có ngạc nhiên. Cẩm Hằng và tôi giao thiệp nhau không lâu, vậy mà trên nhiều câu chuyện, Cẩm Hằng phô bày được với tôi một nỗi chân thành tin cậy.
Cẩm Hằng tiếp:
"Thu Vân biết là em rất mong mỏi được ổn định đời mình, làm người vợ hiền, người mẹ tốt, nhưng bao năm qua em không sao thực hiện được một mái gia đình chồng con đầm ấm. Cho đến bây giờ gặp Cường, làm vợ Cường, em thương quí tôn trọng Cường và Cường tỏ ra cũng rất hiểu em, yêu em..."
Ngừng một chút trong tiếng thở dài, Cẩm Hằng nói nhỏ:
"... Nhưng chẳng biết rồi điều ước mong kia, em có đạt được không?"
[Trong óc đột nhiên vang vang những chữ: "Ôi! Những người khóc lẻ loi một mình!" Ngày nào rất xa, trong các cuộc café dưới những tàng me xanh trên lề đường Gia Long-Nguyễn Trung Trực, Sàigòn, Nguyễn vẫn thường đọc lên với tôi câu thơ trên. Chàng rất ngưỡng mộ sự tài hoa và cuộc đời gió bão của Thúy Kiều. Chàng hay ví tôi là Thúy Kiều. Câu thơ Thanh Tâm Tuyền được chàng yêu thích đặc biệt. Chàng thường nói với tôi: "Đàn bà vốn dĩ yếu đuối đáng thương. Lại càng đáng thương hơn với những người đàn bà mang cái định mệnh long đong chao đảo. Còn điều nào buồn hơn dáng dấp một người đàn bà cúi đầu giữa khuya đi vào ngõ vắng? Có điều nào bi thảm hơn hình ảnh người đàn bà nằm khóc lẻ loi (chàng nhấn mạnh) mà lại ‘khóc lẻ loi một mình’ như Thanh Tâm Tuyền đã viết trong câu thơ kia?"]
Tôi e dè nhận định:
"Từ trước, thấy tánh Cường vẫn thâm trầm kín đáo."
Cẩm Hằng gật đầu:
"Bây giờ cũng vậy. Có thể nhiều người bạn cho rằng Cường yếu đuối trong những cách thế đối phó với mọi sự việc, nhưng em hiểu Cường. Đàng sau cái vẻ bề ngoài điềm đạm còn ẩn chứa một tâm tư mạnh mẽ. Em tin rằng em đã chọn đúng người đàn ông để dừng cuộc đời mình, Thu Vân ạ."
Một thời gian, từng được nghe về Cẩm Hằng, tôi bị cái ấn tượng in trong óc rằng Cẩm Hằng là người đàn bà rất tàn nhẫn trong tình cảm với đàn ông. Nhưng điều này quả tình không đúng. Nói về các người đàn ông từng đeo đuổi, nhất là về Phạm Việt Cường, người chồng hiện tại, Cẩm Hằng tỏ được với tôi một bản chất phụ nữ biết quý trọng nhưng gì đã nhận được trong tình yêu.
Cẩm Hằng tiếp:
"Lúc trước, em rất e ngại Thu Vân. Chữ ‘e ngại’ này không có nghĩa là em nghe điều gì xấu về Thu Vân, vậy mà em không dám giao thiệp. Có lẽ vì một thời gian quen với Trần Quảng Nam, thấy Trần Quảng Nam dành cho Thu Vân một sự quý mến đặc biệt nên em đâm e ngại?"
(Cẩm Hằng nhấn mạnh:
"Trần Quảng Nam nể và thương Thu Vân lắm!")
Rồi lại kể:
"Nhưng từ sau lần gặp Thu Vân tại tiệc cưới Tâm Nguyên & Xuân Liên, cảm nghĩ ‘e ngại’ trong lòng em tan biến. Thay vào đó là một nỗi mến thương thật sự. Bây giờ thì em chẳng lạ với những lời nói của Nguyễn Thành Út và Phạm Việt Cường rằng: ‘Thu Vân trông khó khăn cách biệt, nhưng lại là người rất dễ chịu, phóng khoáng’"
Tôi lặng im trước sự xúc cảm của Cẩm Hằng. Người đàn bà này có cái vẻ gì thật yếu đuối, cô đơn, dù rằng bề ngoài rất sôi nổi kiêu hãnh. Trên nhiều phương diện của cái nhìn ngoại tại, Cẩm Hằng rất "khác" với tôi. Tuy nhiên cũng trong một phía nội tâm sâu kín, tôi nhận ra được một cá chất chân thành, mơ ước và đi tìm hạnh phúc nhưng cũng dễ dàng thất vọng vì một thứ hạnh phúc không hoàn toàn đúng với ước mơ.
Tôi nghe Cẩm Hằng tâm sự:
"Trước nay em rất ghét giao thiệp với đàn bà. Với tất cả mọi người đàn bà, điều căn bản họ đánh giá em là qua cái áo cái quần em mặc, cái nhà cái xe em có. Thu Vân là người đàn bà đầu tiên mà em thành thật quý trọng dù rằng em chỉ mới gặp. Có lẽ một cách vô tình nào đó, Thu Vân tạo được cho em cảm nghĩ rằng mình đang giao thiệp với một người đàn ông mang tâm tư độ lượng. Em  thấy thật thoải mái trước mặt Thu Vân."
Tôi bày tỏ:
"Thượng Đế rất công bình. Khi ngài cho Cẩm Hằng một sắc đẹp quyến rũ hay một vật chất đầy đủ, có nghĩa rằng về phần ấy, Cẩm Hằng được hưởng, không lý do gì để kẻ khác phải ganh ghét..."
Cẩm Hằng ngắt lời tôi:
"Cũng như Thượng Đế cho Thu Vân sự tài hoa, kẻ khác phải biết chiêm ngưỡng cái tài hoa của Thu Vân!"
Tôi cười:
"Chỉ mỗi Cẩm Hằng nói vậy, xin không dám nhận!"
Tôi tiếp:
"Điều đáng đề cập là nếu mỗi người ai cũng đều nhận ra rằng đã được Thương Đế đặt cho một giá trị khác biệt thì trên đời chẳng bao giờ có sự ganh ghét. Còn lại chỉ là nỗi ngưỡng mộ cái thiếu của mình mà người khác có và chia xẻ cái có của mình mà kẻ khác thiếu, thế thôi!"
Giọng Cẩm Hằng thành thật:
"Nơi Thu Vân có điều gì đó thật mạnh mẽ mà nếu chỉ cần ngồi trò chuyện chốc lát với Thu Vân, em tin rằng những viên thuốc ngủ em vẫn có thói quen dùng như một điều an ủi sẽ trở nên không cần thiết."
Tôi nhìn người đàn bà nổi tiếng được nhiều đàn ông đeo đuổi mà nghe trong tim một mối xúc động lan nhẹ. Nơi đôi mắt kẽ đậm sắc sảo có một nét gì không yên bình trầm lặng. Trên khóe môi tô màu đỏ rực có lúc thấy nhếch lên một nụ cười buồn. Sự cô đơn trong tâm hồn Cẩm Hằng cũng ngút ngàn như trong tâm hồn tôi, nhưng điểm khác biệt giữa hai người là Cẩm Hằng không dám đối diện và tìm an ủi từ chính “nó”. Trên khía cạnh này, tôi không có ý niệm gì cả. Tất cả mọi người đều cô đơn. Nhưng để đối phó với sự cô đơn thì mỗi người hành sử mỗi khác.
Trước khi chia tay, tôi nói với Cẩm Hằng:
"Cảm ơn những lời tâm sự của Cẩm Hằng. Con người thường hay có khuynh hướng hiểu lầm, gièm pha kẻ khác. Hoặc vô tình, hoặc cố ý. Tuy nhiên trong bất cứ cá nhân nào cũng đều có hai mặt tốt và xấu. Điều quan trọng là mỗi người hãy ráng nhận thức cho ra phần tốt để có thể cảm thông hay tha thứ được phần xấu của kẻ khác thì hơn."
Mặt tốt của con người, tôi luôn luôn nghĩ rằng có thật. Đó cũng là điều giúp tôi tin tưởng để giữ vững được bản chất nguyên thủy của mình trong một định mệnh bị quất đầy nhưng vết roi đời tàn nhẫn. Như lúc nào ngắn ngủi trong buổi tiệc cưới Hồng Lan & Nguyễn Quang Vinh, điểm tốt ấy tôi nhìn ra được trong sự cô đơn của Cẩm Hằng, một người bạn mới. Và tôi cũng nhìn thấy lại trên cả phần nội tâm dạt dào mà Trần Quảng Nam –kẻ đã kết cùng tôi một tình thân sâu đậm từ hai mươi năm cũ- luôn luôn có khuynh hướng giấu che.