- 9 -

10 đầu thu, 1993. San Jose.
 
Nửa đêm về sáng, ngồi nơi bàn viết nhìn ra ngã tư Số Hai & William yên bình vắng vẻ mà nghe trong lòng nổi trôi rất nhiều cơn sóng. Cả một thời tuổi trẻ mênh mông ước vọng cơ hồ sống dậy nhanh trong giây phút nào. Lại chợt nhận ra rằng, mấy lúc gần đây, tôi hay có khuynh hướng tự kiểm điểm đời mình những đêm ít ngủ. Lòng không chối được với lòng một nỗi u hoài buồn bã mang mang...
Có khi tự hỏi, nếu bây giờ cho trở lại tuổi hai mươi, tôi phải làm gì? Những giấc mơ sôi nổi có còn nên hiện hữu trong đầu óc? Những ước vọng điên cuồng, tôi có nên dành cho chỗ đứng trong tim?
Câu trả lời rõ ràng kỳ cục; nhưng thật, tôi sẽ hành sử lại giống y như cũ tất cả những gì đã trải, từ tốt tới xấu. Sẽ không ngại ngần giẫm chân trên con đường chông gai định mệnh; không từ nan bất cứ hẻm hóc tối tăm nào của cuộc đời. Nhưng khi ấy, không phải chỉ một "cái tôi trinh nguyên" chấp hành mọi nỗi, mà trong tôi, còn có một "con người thứ hai già dặn hơn" đang dõi theo "con người kia" bằng cái nhìn thú vị, vui tươi.
Tuy nhiên, giấc mơ không phải là thực tế. Ngày nay, mỗi khi cất lời khuyên răn Vân San theo những hành động ngông cuồng của nó, tôi nhận ra ngay trong chính tâm tư mình một sự mâu thuẫn đến nực cười.
"Lịch sử vẫn luôn luôn tái diễn!"
Phải hai mươi năm trời trôi đi, tôi mới hiểu được từng chữ những lời dạy thiết tha của mẹ tôi ngày trước. Vậy thì những cái gì hiện tại đang quan tâm tha thiết, tôi có nên đợi đến hai mươi năm sau, chúng mới có điều kiện để thấm nhuần trong trí óc đứa con trai?
San Jose. Tháng 11/1992. Một khuya...
Ba giờ sáng tỉnh giấc với nỗi hụt hẫng đè nặng tâm tư. Trước khi uống rượu, đã buồn. Tỉnh cơn rượu lại càng buồn nhiều hơn nữa. Một điều không thể trốn chạy khi một mình đối diện tâm hồn trong đêm vắng chính là việc ghi nhận sự cô đơn cùng cực, "tuyệt đối cô đơn và hoàn toàn cô đơn" -theo lối nói của Kafka- mà Thượng Đế đã khắc ghi trên cuộc đời tôi.
Nhớ lại một lúc nào, Âu Cơ đã đến cạnh bên mà nói:
"Con biết tại sao cô Hai, cô Tư, bác Lợi, ai cũng đều ghét mẹ!"
Tôi chưa kịp hỏi gì, nó đã tự kết luận trước:
"Tại vì mẹ ‘dữ’ quá!"
Nhiều lần, trong các cuộc rượu, (và ngay cả cuộc rượu tối nay), luận về tính nết đàn bà, Đằng Sơn luôn nói rằng tôi dữ! Qua lời Trần Nghi Hoàng, trong giới bạn bè giao thiệp của chàng bên ngoài, ai cũng cho rằng tôi dữ... Trước những điều này, tôi không bao giờ thắc mắc hay tự biện hộ gì cho mình, ngoại trừ với Âu Cơ, tôi chỉ hỏi lại nó:
"Con cũng tin là mẹ dữ như cô Hai, cô Tư và bác Lợi đã tin, nhưng con có ghét mẹ như họ đã ghét mẹ không?",
thì nó lắc đầu quầy quậy:
"Con biết mẹ dữ nhưng con vẫn thương mẹ vì biết rằng không ai thương mẹ cả!"
Lần ấy, nghe Âu Cơ nói, tôi vô cùng xúc động. Sự xúc động không hẳn chỉ đến từ câu nói nó bảo thương tôi, mà còn ở sự việc nó đã nhận định đúng cái điều mà bất cứ người lớn nào cũng nhận định theo nhãn thức của họ về bề ngoài của tôi.
Nguyên nhân nỗi hụt hẫng được kiểm lại rất nhanh.
Trong cuộc rượu mừng sinh nhật cả Phương Trâm lẫn Trần Nghi Hoàng ban tối tại nhà tôi, khi các người đàn ông nói về "văn chương chửi lộn nhau" của các người đàn bà Nam Trung Bắc, Trần Quảng Nam là người đầu tiên kể:
"Hồi nhỏ, mỗi khi một bà hàng xóm người Huế và một bà người Quảng Nam tốc váy cãi nhau thì tôi cứ đứng bên hàng rào mà dòm một cách rất thú vị."
Và Trần Quảng Nam đùa:
"Xem váy thôi chứ chẳng phải là nghe chửi nhau! Có hiểu gì đâu, nhưng nghe chửi cũng thấy mê lắm!"
Hoàng Anh Tuấn thêm:
"Tốc váy rồi thì xem chim chứ lỵ!"
Trần Nghi Hoàng cũng kể:
"Hồi Việt Nam, nhà tôi ở tại ngã ba Cây Quéo, tôi vẫn thường hay đi xem một bà Nam kỳ với một bà Bắc kỳ di cư chửi lộn nhau. Dễ sợ! Bà người Bắc vỗ bèm bẹp lên ‘chỗ đó’ mà nói: ‘Mày nhìn này nhé, dòng dõi nhà mày, tam tộc nhà mày là nằm cả trong cái này này!’"
Vừa nói chàng vừa diễn tả bằng cách cũng vỗ bèm bẹp lên ngay giữa đũng quần.
Đến phiên Hoàng Anh Tuấn:
"Một ông họa sĩ tài ba của Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phái(°) có cái tật, hễ thấy đàn bà trong xóm nhà ông ấy chửi nhau là tự động ra trước hàng ba, bắc ghế ngồi nghe. Có lần ông ấy bảo tôi: ‘Tao thích lắm, nghe chúng nó chửi nhau, sướng mê mày ạ!’"
Rồi Hoàng Anh Tuấn quay sang nói nhỏ với tôi đang ngồi bên cạnh:
"Những cái này, em phải ghi vào trong quyển Một Truyện Dài Không Có Tên để cho độc giả biết về cá chất từng mỗi nghệ sĩ."
Hoàng Anh Tuấn chưa dứt câu đã bị Trần Nghi Hoàng cướp lấy diễn trường ăn nói. Tôi phê bình với Trần Nghi Hoàng:   “Lúc nào cũng thấy bố lấn lời kẻ khác!"
Trần Quảng Nam cười hề hề, giọng giễu cợt:
"Bởi vậy trong tiểu thuyết mới có câu: 'Chàng từ tốn nói rằng..."
Tôi bật cười:
"Trần Quảng Nam muốn chơi khăm tôi! Ý hắn nói trong văn chương, tôi diễn tả Trần Nghi Hoàng rất từ tốn đó mà!"
Trần Quảng Nam càng cười to hơn:
"Hay là ‘Chàng trầm ngâm với ly rượu trong tay!’ Đây, đây, chàng đang trầm ngâm đây!"
Trần Nghi Hoàng xua tay:
"Cái vụ này từ tốn không được! Tôi đang nói cách chửi của bà người Nam. Bả chửi nhanh lắm, từ tốn làm sao được: ‘Đụ má mày, tao xé quần mày cho mày coi, đồ con đĩ ngựa!’ Nói rồi, bả bay ngay lại nắm lấy quần bà người Bắc xé cái rẹt! Thế là thằng nhỏ đứng coi, khoái quá vỗ tay reo! Chung quanh, mấy thằng nhóc khác cũng vừa la vừa nhảy: ‘Dô! Dô! Tới luôn bác tài!’..."
Trần Quảng Nam lại giễu:
"Đó, thấy chàng trầm ngâm chưa?"
Tôi bỉu môi cười:
"Bởi vậy tôi đâu có chờ đợi sẽ bán sách được cho những người như Trần Quảng Nam!"
Trần Nghi Hoàng cãi:
"Đôi khi chàng cũng từ tốn lắm chứ!"
Trần Quảng Nam gật:
"Đúng rồi! Những khi chàng hết uống được và cũng chẳng còn nói được, say mẹ nó rồi thì chàng rất là từ tốn!"
Hoàng Anh Tuấn xen vào:
"Dân Bắc Kỳ có cái thế này: nghe từ tốn lắm, nói cũng từ tốn lắm, nhưng trong cách nói có cái ý rất xỏ lá. ‘Vâng, anh nói đúng lắm!’ Thế mà, cái nghĩa thực là... ‘đéo đúng!’ Đó là thằng Bắc kỳ. Còn thằng Nam kỳ: ‘Đụ má, mày nói lôi thôi, tao đánh chết mẹ mày!’ Khác! Biết là mày nói xỏ nhưng chữ nghĩa tao yếu hơn nên chỉ có cách đánh chết mẹ mày là xong chuyện!"
Trần Nghi Hoàng mai mỉa:
"Bởi vậy dân miền Nam chúng tôi mới có cái câu ‘Bắc Kỳ đểu!’"
Rồi chàng kể tiếp:
"Có lần tôi chứng kiến hai bà hàng xóm đánh nhau ngay ngày Tết. Trước khi xáp trận tay chân, một trận võ mồm xảy ra đã. Tất cả tinh túy của văn chương và văn hóa Việt Nam đều được phô bày hết. Một bà Bắc và một bà Nam. Trước hết là văn chương của bà Bắc: ‘Ối giời ơi, bà đào cả tam đại nhà mày ra, cái váy lủng của bà mà mày còn ăn cắp thì còn cái gì cho mày từ kia chứ?’ Riêng bà người Nam tính tình bộp chộp, không thâm, nghe chữ ‘cái váy’ không hiểu bà kia ngụ ý gì, nên nói bừa: ‘Cái mặt của mày là mặt l.’"
Hoàng Anh Tuấn ngồi cạnh, kể cho tôi nghe:
"Anh quen một ông Tây, ông ấy chết mà anh thấy tiếc ghê lắm là bởi vì tiếng Việt Nam, ông ấy rành còn hơn mình nữa. Ngồi nghe ông ấy kể, cả bọn cứ lăn ra mà cười, ‘Bà cho vào l. bà, bà xốc lên xốc xuống...’ này kia; đủ các thứ ngôn từ bình dân, ông ấy thuộc hết."
Tôi quay sang nói với Trần Quảng Nam:
"Cái chữ độc đáo kia, nghe ai nói tôi cũng không nhớ cho bằng một lần Nam kể câu chuyện đi bia ôm với Nguyễn Thành Út và Phong Râu, có cô bia ôm hát lên câu tân nhạc..."
Nguyễn Thành Út bật lên tiếng cười ha hả. Còn Trần Quảng Nam thì gật gù ra dáng nhớ lại ‘bữa rượu một lần tại đây đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đi bia ôm với Nguyễn Thành Út và Phong Râu, sau đó hát lên câu hát của cô gái bia ôm kia: ‘Em đem cái l. về tặng anh!’"
Tôi tiếp:
"Mình là dân âm nhạc, câu ấy nó cứ dội dội trong đầu làm cho nhớ. Càng nhớ càng thấy hay đáo để!"
Trần Quảng Nam nói:
"Bữa nọ cái em bia ôm hát câu đó có tới tận lớp nhạc của tôi."
Câu chuyện bắt đầu từ đây.
Tôi nghe Trần Nghi Hoàng dõng dạc bày tỏ:
"Bây giờ, tôi muốn xin phép một điều với nhà tôi."
Rồi chàng quay sang tôi:
"Hôm nào em cho phép bố đi uống bia ôm với mấy tên này nghe?"
Tôi vụt nói nhanh:
"Không bao giờ!"
Trần Nghi Hoàng tiếp giữa bàn rượu:
"Từ nhỏ đến nay, tôi chưa hề biết bia ôm nên muốn đi một lần coi nó ra làm sao?"
Tôi gằn giọng hỏi:
"Như vậy chứng tỏ là bố cũng khoái?"
Cả bọn ồ lên cười. Trần Nghi Hoàng cải chính:
"Không phải khoái, mà là tò mò muốn biết?"
Giọng tôi gay gắt:
"Nếu em không cho phép, bố sẽ lén đi chứ gì?"
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Không, nếu em không cho phép thì bố sẽ không đi! Nhưng lòng riêng bố vẫn muốn thử một lần cho biết!"
Tôi lắc đầu ngao ngán.
[Ngày xưa tôi 22 tuổi, một lần Đ. nói với tôi:
"Bữa nào nếu em cho phép, anh sẽ chứng minh với em rằng anh cua con Mai dễ ẹt, bởi vì nhìn vào mặt nó, anh biết là nó cũng ‘muốn’ anh lắm!"
Tôi thấy rợn người khi nghe Đ. phô bày ý nghĩ bằng ánh mắt rất thành thật, nhưng hoàn toàn không phản ứng, cũng không nói lời nào.]
Phương Trâm bày tỏ:
"Tôi không biết ông Hoàng nghĩ sao, không biết quan niệm tôi sai hay đúng, chứ theo tôi, thà tôi để ông Tuấn đi chơi đĩ chứ không để đi bia ôm, thấy nó dơ lắm."
Trần Quảng Nam mai mỉa:
"Càng ngày tôi càng thấy chị Phương Trâm giống y như ông Đằng Sơn, nghĩa là toàn nói về những chuyện mà mình chẳng biết chút gì cả. Hôm nào tôi xin trân trọng mời chị đi vào một quán bia ôm với chúng tôi và đương nhiên là phải có ông Hoàng Anh Tuấn."
Phương Trâm la lên:
"Thì đi chứ, sợ gì! Nhưng tôi nghĩ là nó dơ ở cái chỗ trơ tráo chứ không được kín đáo như trong ổ đĩ."
Hoàng Anh Tuấn vội giải hòa, quay sang Phương Trâm:
"Nó không kinh khủng như em tưởng đâu!"
Giọng Nguyễn Thành Út từ tốn:
"Bia ôm là chỉ ngồi uống rượu với mấy cô bán quán, rồi hát hò với nhau chứ đâu có ôm iếc gì!"
[Ngày xưa, 22 tuổi, còn rất hiền lành nhỏ nhẹ, tôi chỉ biết bỏ chạy một mạch ra đường, đón xe taxi đến nghĩa địa Trung Việt, vào ngồi cạnh bên nấm mộ cha tôi, khi một bữa mở cửa phòng mình, nhìn thấy Đ. đang trần truồng ôm cô Mai hàng xóm, vợ bé hờ của một ông lớn nào đó.]
Trần Nghi Hoàng quay qua Hoàng Anh Tuấn:
"Thu Vân không hiểu. Thật ra tôi muốn đi bia ôm là vì tò mò muốn coi nó ra làm sao, chứ không hề có ý gì khác."
Tôi đáp lời Trần Nghi Hoàng:
"Vấn đề đặt ra ở chỗ, giữa một người độc thân với một người đã lập gia đình có một điểm cách biệt rất xa. Một kẻ độc thân có quyền làm chuyện gì họ muốn, nhưng một người đã có gia đình, khi làm chuyện gì, phải nên suy nghĩ xem việc làm của mình có ảnh hưởng xấu đến vợ con mình hay không. Nếu bố muốn đi bia ôm với bất cứ người bạn nào của bố, bố cứ việc đi, đừng nên hỏi em, bởi vì khi bố đặt ra câu hỏi ấy tức là bố đã sỉ nhục em rồi đó."
[Ngày xưa, một lần lang thang mua sách trên phố Lê Lợi, trong bụng, cái thai Vân San đã lớn, thấy Đ. đang ôm vai một cô gái đẹp đi ngược chiều, tôi hoảng sợ bước nhanh vào trong con hẻm đàng sau rạp Casino Sàigòn, nơi có những quán hàng ăn uống, ngồi suốt buổi, cúi đầu co dúm -như con nai bị thương- trước một món ăn gọi ra mà chẳng hề động đũa: một hình thức trốn lấp sự thua cuộc của lòng mình...]
Trần Nghi Hoàng cao giọng:
"Em nói điều đó sai! Bố không muốn đi bia ôm nhưng bố muốn biết coi bia ôm nó ra làm sao?"
Tôi tỏ lộ sự tức giận:
"Tại sao cái thời tuổi trẻ của bố, bố không đi, lại đợi đến bây giờ có vợ con, đòi đi cho biết bia ôm là nghĩa lý gì?"
Phương Trâm cười:
"Thời ấy chưa có bia ôm."
Trần Nghi Hoàng cũng gật:
"Đúng, chưa có."
Hoàng Anh Tuấn kéo dài giọng:
"Có chứ!"
Tôi bắt đầu xưng "tôi" với Trần Nghi Hoàng:
"Thời nào mà chẳng có bia ôm? Đàn bà như tôi còn biết, nói gì đàn ông như bố lại làm ra vẻ ngây thơ chưa từng nếm trải. Thuở trước, có lần tôi đi uống rượu với hai anh bạn tại Khu Dân Sinh Sàigòn. Đêm ấy tụi tôi uống từ 11 giờ khuya đến gần 4 giờ sáng với mấy cô gái làng chơi, mấy cổ thấy cây violon tôi cầm theo nên tò mò xin nghe đàn. Tôi đã đàn giữa các quán bia ôm san sát, ghế bàn thấp chũn và các cô thích tôi lắm. Tuy nhiên đó là thời tuổi trẻ. Còn nay, tôi phải cư xử cho đúng trên cương vị của một người đàn bà có chồng, và tôi đòi hỏi người chồng tôi cũng phải cư xử như vậy. Bây giờ xin hỏi bố, nếu vô tình một bữa có cha mẹ đứa học trò nào nói cho tôi nghe là đã từng thấy bố ngồi quán bia ôm nọ, kia với cô gái kia, nọ... bố thử tưởng tượng, còn nỗi nhục nhã nào to lớn hơn cho tôi? Vậy, hành động đi bia ôm vì tò mò muốn biết có đáng để cho bố đặt ra hay không?"
[Khi 22 tuổi, tôi quá dễ dãi với Đ.. Sự dễ dãi không phát sinh từ cá tính thờ ơ mà chính là kết quả của một nền giáo dục tốt đẹp nhận từ mẹ tôi. Bà luôn luôn chịu đựng những cuộc ngoại tình của cha tôi một cách lặng câm như tượng đá. Thuở ấu thơ tôi chưa từng bao giờ thấy bà lớn tiếng với cha tôi dù rằng tôi cũng "biết" và "hiểu" được chút ít những đào hoa tính trong cá chất nghệ sĩ của ông đã làm mẹ tôi khổ dường nào. Ngày xưa 22 tuổi, tôi cũng hành sử y hệt mẹ tôi, nghĩa là tự biến mình giống như tượng đá và không hề phàn nàn trước bất cứ cuộc ngoại tình nào của Đ.. Trong tâm hồn tôi, sự kiêu hãnh lớn hơn lòng ghen, tôi thà câm lặng chứ không thà để cho Đ. thấy nỗi đau khổ của mình.]
Trần Quảng Nam đâm hơi ngang xương:
"Phải rồi, Trần Nghi Hoàng muốn đi thì đi lén thôi chứ đừng có hỏi gì hết."
Rồi Trần Quảng Nam cười, tiếp:
"Lại thêm một lý do để tôi không lấy vợ!"
Giọng Trần Nghi Hoàng bắt đầu nhuốm phần bực dọc:
"Quí vị hiểu lầm hết. Cái vụ này không nghiêm trọng đến như vậy. Phải nghe cho rõ ràng mới được. Sở dĩ tôi nói chuyện bia ôm là bởi vì..."
Tôi ngắt ngang:
"Tại sao bố cần phải biết?"
"Tại vì bố là thằng cầm viết!"
Tôi xì một tiếng thật dài:
"Trong đời sống này thiếu gì đề tài để viết?"
Đằng Sơn chen vào:
"Nếu mà lấy đề tài bia ôm thì tôi thấy nó nghèo nàn lắm. Chính tôi đã thử viết rồi, nhưng phải bỏ vì chẳng có gì thú vị."
Hoàng Anh Tuấn cũng nói:
"Có những thằng thi sĩ làm thơ say hay lắm dù rằng chẳng bao giờ uống được rượu. Như Vũ Hoàng Chương chẳng hạn. Trần Nghi Hoàng cứ gì phải đi bia ôm mới viết được về bia ôm!"
Trần Nghi Hoàng vỗ ngực:
"Tôi thành thật tới mức độ..."
Tôi cướp lời Trần Nghi Hoàng:
"Tôi xin cảm ơn sự thành thật của bố!"
[Suốt cả đời, tôi chưa bao giờ một lần hỏi mẹ tôi lý do nào đã khiến xui bà chịu đựng sự cô đơn ghê gớm bên cạnh một người chồng thiếu thủy chung như vậy. Suốt cả đời, tôi ngưỡng mộ mẹ tôi mặt ấy. Càng nhiều hơn khi biết rằng nếu là tôi, bằng mọi giá, tôi sẽ tìm cách thoát ra.]
Trần Nghi Hoàng nổi giận:
"Em ở với bố 5 năm đã đủ biết bố là ai."
Tôi gật đầu:
"Đúng! Chính vì biết bố là ai, cho nên khi nghe bố nói lên ước muốn ấy, tôi vô cùng thất vọng."
[Ngày xưa, có lần Đ. hỏi tôi:
"Sao không bao giờ anh nghe em nói em yêu anh?"
Tôi không đáp câu hỏi ấy.
Thực sự tôi không yêu Đ., nên trước nhưng cuộc ngoại tình trắng trợn của Đ., tôi không hề nghe xúc phạm; chỉ thấy buồn rầu héo hắt vì những giam cầm trong cuộc sống hôn nhân mà tôi phải chịu đựng. Ngày nay, tôi có yêu Trần Nghi Hoàng không khi tôi sẵn sàng nổi giận chỉ vì một câu nói của chàng?]
Trần Nghi Hoàng hỏi:
"Nếu bố không thành thật hỏi em, lại tự ý đi, làm sao em biết? Bởi vì bố xem cái chuyện bia ôm nó giống như chuyện uống rượu, nên bố tò mò muốn biết, bố đặt câu hỏi vậy thôi."
[Khi tôi 22 tuổi, một bữa nghe Đ. hỏi:
"Đàn bà thường bản chất rất tò mò, hay lục bóp lục ví chồng. Vậy mà tại sao không bao giờ anh thấy em làm điều ấy?"
Tôi cười: "Có hai lý do khiến em không bao giờ tự cho phép mình lục ví anh. Thứ nhất, điều đó biểu lộ sự thiếu giáo dục của một con người. Thứ hai, em sợ nhìn thấy trong ví có một tấm ảnh của người đàn bà nào đó rồi tự khổ lấy mình. Chẳng thà em cứ mang ảo tưởng anh còn thành thật với em, em ít khổ hơn."
Ngày nay, tôi cũng không hề một lần lục ví Trần Nghi Hoàng, nhưng liệu ý nghĩa của sự việc ngày nay có giống với ý nghĩa sự việc ngày xưa hay không?]
Tôi kêu lên:
"Chẳng thà bố đi mà đừng cho tôi biết. Còn nói giống làm sao giống được. Khi bố ngồi uống rượu với bạn bè bố, tôi đã biết họ. Còn khi bố đi bia ôm, làm sao tôi biết cô bia ôm này là ai, cô bia ôm kia là ai?"
Trần Nghi Hoàng vẻ tức giận lộ hẳn ra mặt:
"Bố đã đi chưa?"
Tôi cười khẩy:
"Nếu bố đi rồi thì cái hậu quả đã là tất biết, cần gì phải đưa vấn đề ra bàn cãi. Chỉ vì bố chưa đi và muốn đi, nên mới có chuyện."
[Ngày xưa, trong một lá thư gửi mẹ tôi, tôi đã viết: ‘Không bao giờ Đ. bắt con nấu ăn hay giặt ủi, dù là giặt một cái khăn tay. Đ. nói con không biết nấu ăn giặt ủi, mà con thì nghĩ rằng Đ. không muốn con làm vì sợ con mệt. Tất cả những điều này, tự Đ. làm lấy. Đi đâu về, Đ. cũng mua cho con một gói kẹo, cái bánh hay món quà nhỏ. Luôn luôn Đ. đối với con như với một đứa con nít mỏng mảnh... Nhưng có một cái gì mà chỉ riêng con mới nhận rõ. Đó là, con không bao giờ có được hạnh phúc thật sự tối thiểu bên Đ.’..."]
Trần Quảng Nam nói với tôi:
"Bây giờ chị hãy đặt vấn đề như thế này này, nếu Trần Nghi Hoàng muốn đi bia ôm, chị cứ để ông ấy đi..."
Tôi nghiêm giọng ngắt lời Trần Quảng Nam:
"Tốt hơn Nam đừng nên nói gì cả, bởi vì trên phương diện đạo đức và gia đình, Nam không phải là một người chủ trương xây dựng, thành ra Nam không đủ tư cách để nói với tôi về những chuyện ấy."
Trần Quảng Nam cãi:
"Tư cách không thành vấn đề. Xin cho tôi nói một câu vớ vẩn thôi, hoàn toàn không có gì xây dựng cả. Tôi chỉ muốn hỏi, tại sao chị không một lần cùng Trần Nghi Hoàng đi bia ôm với tính cách tham quan để tìm đề tài viết như Trần Nghi Hoàng nói?"
Tôi lắc đầu:
"Tôi đâu có thì giờ làm chuyện đó. Vả lại, như trên tôi đã nói, không cứ gì chuyện đi bia ôm, nhà văn mới có đề tài sáng tác."
Tôi tiếp:
"Ở đây ba vị độc thân chưa hiểu cái điều, khi quí vị làm một chuyện gì đó mà vợ quí vị không bằng lòng, quí vị có hài lòng cỡ nào cũng không đạt được cao điểm thích thú. Thì bây giờ, nếu tự cho rằng mình là một nghệ sĩ có lương tâm, mình có nên đánh đổi cái hạnh phúc to lớn của chung nhiều người cho một ý thích ích kỷ của riêng mình hay không?"
Trần Nghi Hoàng la lớn:
"Tôi rất ngạc nhiên khi thấy câu chuyện chuyển hướng trầm trọng như vậy."
Phương Trâm cũng la lớn với Trần Nghi Hoàng:
"Ông cho rằng ông nói câu ấy trước mặt chị Thu Vân là điều không xúc phạm chị ấy sao? Chẳng thà ông đi chơi lén, chứ đừng nên nói ra với chị ấy."
[Cũng trong lá thư của năm 22 tuổi, tôi đã viết: "Ai cũng có thể nghĩ là con đòi hỏi nhiều quá. Nhưng xin mẹ hiểu cho, con không thể nào có được hạnh phúc khi chồng con cứ bỏ đi mỗi ngày từ 9 giờ sáng cho đến mãi 3, 4 giờ khuya mới trở về, lãng quên con một mình với nỗi cô đơn vời vợi. Con không thể nào có được hạnh phúc khi nhìn thấy chồng con cứ ngồi thừ người mà nhớ đến những quãng đời cũ hoặc các người đàn bà khác, hoặc nói lên những câu vô tình làm đau đớn trái tim con –trong khi con lại là đứa rất nhậy cảm để hiểu ngay những câu nói của kẻ đối diện..."]
Trần Quảng Nam lý luận, vẻ châm biếm:
"Tôi thấy chị đâu có hạnh phúc. Cái hạnh phúc chị tưởng có, thật ra chỉ là bắt người khác phải nô lệ ý thích của riêng chị!"
Tôi bật la:
"Đúng, chưa bao giờ tôi thấy hạnh phúc, từ ngày xưa đến tận ngày nay. Nhưng cái điều tôi cố gắng gìn giữ không phải là hạnh phúc cho riêng cá nhân tôi, mà là cho tất cả những người liên hệ, cho con cái và cho cả Trần Nghi Hoàng."
[Và trong lá thư của năm 22 tuổi, lần duy nhất từ trước và về sau, tôi thú nhận với mẹ tôi tất cả mọi nỗi thật trong đời sống nội tâm riêng: "Hấp thụ sự giáo dục tốt đẹp của mẹ, con biết rằng, sức chịu đựng, sự dịu dàng im lặng sẽ làm cho người chồng hối hận mà thương yêu vợ mình hơn. Nhưng mặt khác, con vẫn tin rằng, đàn ông rất vô tâm và dễ sa ngã, một phút trước họ còn thương, còn hối hận, phút sau đã quên lãng. Càng với những người trẻ như Đ., tình cảm này càng thêm ít ỏi. Hay nếu có thì nó chỉ xảy đến khi trở về bên con, ngoài ra mọi thì giờ khác, Đ. sẽ không bao giờ nhớ rằng mình đã là nguyên nhân cho nỗi đau khổ lớn lao trong tâm hồn một người vợ nhỏ dại cô đơn. Vả chăng, sự chịu đựng quá đáng cũng không thúc đẩy con ngoại tình nổi –như một hình thức trả đũa-, mà chỉ khiến con thêm héo hon tàn úa. Con cũng biết con không thể nói bậy nói bạ để làm giảm giá trị mình trước mặt Đ., mà chỉ là ôm giữ trong sâu thẳm tấm lòng mọi nỗi niềm dằn vặt. Đây là một ví dụ: Một hôm, nhân câu chuyện tâm sự về cô Lâm, Đ. đã nói rằng: ‘Ngay giờ phút này, nếu anh đến với nó, nó vẫn sẵn sàng ngoại tình với anh vì nó còn yêu anh và chồng nó đang ở Mã Lai. Nhưng anh đã không đến.’ Con hỏi tại sao? Đ. đáp ngay không do dự: ‘Tại vì anh lỡ nói với thằng anh của nó rằng anh đã hết yêu nó và anh tự ái!’ Câu chuyện chỉ vậy mà đã khiến con đau đớn thật nhiều. Ở đây con phải khẳng định với mẹ rằng sự đau đớn không xuất phát từ lòng ghen mà chỉ vì con không thể chấp nhận được ý nghĩ mình đau khổ trong khi chồng mình thì vô tình quá. Cái điều con chờ đợi nơi Đ. là câu nói: ‘Vì anh đã có em!’. Nhưng câu trả lời này Đ. không bao giờ nghĩ đến. Đ. đã rất thành thật trong câu đáp. Chữ ‘lỡ’ đi kèm đã cho con hiểu rằng Đ. vẫn còn nuối tiếc cô Lâm, và đó chính là sự thật phát xuất tự trái tim. Tuy nhiên, những điều như thế, con không bao giờ đủ can đảm nói ra với Đ.. Tình thực, con không ghen, mà chỉ là thất vọng. Và khi đã thất vọng ai, điều đầu tiên con làm là không bao giờ cho phép người ấy biết được ý nghĩ thật của mình về họ. Có phải rằng con đã quá kiêu hãnh không trước mặt Đ.?"]
Trần Quảng Nam lý luận tiếp với tôi:
"Lỗi tại chị là người đưa ra chuyện này. Chính chị nhắc đến câu hát của cô bia ôm trước."
Tôi gằn giọng:
"Nếu là một người đàn ông đàng hoàng thì dù có đứng trước bất cứ hoàn cảnh nào chăng nữa, người ấy vẫn cứ đàng hoàng. Không phải vì câu tôi khơi ra mà Trần Nghi Hoàng có quyền nói lên điều đòi hỏi ấy. Người ta bảo, lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông. Quan niệm hạnh phúc của tôi là như vậy. Tôi luôn luôn thử Trần Nghi Hoàng. Trường hợp này cũng có thể gọi là một cách thử."
Trần Nghi Hoàng nổi giận thật sự:
"Em là vợ bố mà không tin bố, lúc nào cũng đòi thử thách."
Tôi cười lạt:
"Trên đủ mọi mặt, tôi tin bố, nhưng trên mặt tình cảm, tôi phải xin lỗi mà nói rằng không bao giờ tôi tin được đàn ông, dù người đàn ông đó mình có gọi là chồng, chia xẻ mọi thứ với nhau như hiện tại bố và tôi đang chia xẻ. Trong ngôi nhà này, chúng mình đã từng cho bao nhiêu người đàn ông lạ ở trọ, nhưng có bao giờ bố hỏi tại sao tôi không hề mời bất cứ người đàn bà nào về đây trong quá hơn một buổi? Điều đó do bởi vì tôi biết rõ tôi là ai, nhưng bố thì tôi vẫn chưa bao giờ dám nói rằng biết bố, trừ phi bố đã hoàn toàn nằm xuống bằng cái chết."
[Ngày xưa 22 tuổi, tôi kết thúc lá thư viết cho mẹ tôi:
"Nhiều lần Đ. thành thật bày tỏ: ‘Em là người vợ hoàn hảo. Chỉ có điều anh không hiểu tại sao nhiều lúc em như điên loạn?’ Sự điên loạn Đ. muốn nói chính là những lúc con ngồi lặng im một chỗ giờ này qua giờ khác. Tuy nhiên Đ. không bao giờ hiểu rằng đó chỉ là kết quả của một sự chịu đựng quá mức nỗi cô đơn hằng ngày hằng đêm trong căn nhà vắng mà chẳng bất cứ ai và điều gì có thể làm cho khuây lãng; kết quả của những hành động ngoại tình trắng trợn của Đ. mà con từng chứng kiến nhưng không chút phản ứng tỏ bày. Ở đây, con có nên đổ cho sự giáo dục quá kỹ của mẹ về vai trò làm người vợ tốt không? Ở đây con có nên đặt ra vấn đề với chính mình rằng phải tiếp tục duy trì cái danh hão của một người vợ tốt để tự vùi chôn lấy mình như thế? Và mẹ, mẹ có muốn nhìn thấy con tàn tạ theo sự chịu đựng cô đơn bên cạnh một người chồng vô tâm và không bao giờ chung thủy, trong khi con chỉ mới 22 tuổi, cần được vui tươi hạnh phúc? Cả thời son trẻ của mẹ đã bị vùi chôn theo cái danh dự hão ấy, bây giờ con có nên đi lại bước đường đau khổ của mẹ không?..." (Lá thư đề ngày 22/11/1970 tại Sàigòn)].
Đầu chiếu rượu bên kia, tôi nghe tiếng Đằng Sơn nói với Nguyễn Dũng và Kim Sơn, Kim Thủy:
"Bà Thu Vân bả dữ quá!"
[Sau khi xa nhau hẳn, một lần gặp lại tại Nha Trang, ngồi nhắc chuyện cũ, Đ. đã cười rất buồn; "Dạo ấy nếu biết rằng em cũng có lưu ý tới anh, anh đâu đến nỗi bê tha như thế. Anh đã yêu em thật mà! Chỉ vì thấy em không hề một lời phiền trách mà anh phải nghĩ là anh chẳng có chút chỗ đứng nào trong trái tim em. Anh đâu ngờ em cũng từng khổ đau như vậy?"]
Tôi bày tỏ tiếp giữa cuộc rượu:
"Trong đời sống vợ chồng, có những qui luật hai người đặt ra với nhau. Cái qui luật của chúng tôi là anh hay tôi, khi mỗi người làm bất cứ điều điên rồ nào cũng có thể khả dĩ được người kia tha thứ, trừ một điều duy nhất. Đó là sự việc có dính dáng tình cảm với một người đàn bà hay người đàn ông thứ hai."
Trần Nghi Hoàng cãi:
"Đi bia ôm đâu có nghĩa là dính dáng tình cảm với đàn bà."
Tôi gật:
"Đúng, mọi sự đều khởi đầu rất đơn giản. Đơn giản như anh Nguyễn Thành Út đã nói là đi bia ôm chỉ có hát hò với nhau thôi chứ chẳng làm gì khác. Nhưng đàng sau những cái đơn giản đó, ai biết được chuyện gì hay tình cảm thế nào sẽ xảy ra giữa một người đàn bà với một người đàn ông? Bố chưa phải là ông Phật để có thể nói rằng sẽ thấy lòng trơ trơ trước nữ giới!"
[Ngày xưa 22 tuổi, còn ngây thơ quá, tôi chưa biết cách giữ hạnh phúc đã đành; nhưng ngày nay, 21 năm dài trôi qua, tôi liệu có "đang biết giữ hạnh phúc" không bằng ý nghĩ cho rằng đàn ông chỉ là đứa trẻ sẵn sàng sa ngã để dễ dàng đánh rơi những gì trong tay đang nắm được? Tôi dùng chữ "đánh rơi" mà không là "đánh đổi". Trong quá khứ riêng, tôi từng đóng vai "người tình", làm đau khổ một cách không cố ý cho "người vợ" của một người đàn ông. Vì vậy, tôi nghĩ, tôi hiểu được cái điều, trong sự chia xẻ "nhất thời" tình cảm riêng cho người đàn bà thứ hai (là tôi), người đàn ông vẫn cứ tin rằng đã "không phạm tội" đối với vợ trong lý luận "mình được quyền" tham lam, chinh phục và hưởng thụ tình cảm của hai người đàn bà khác nhau trong cùng thời gian, miễn là vẫn -một cách tự ngụy tín- "có ý nghĩ" thương yêu vợ nhà là đủ!]
Đằng Sơn nói to với tôi:
"Ô-kê, tóm lại cái điều tôi đã nói rằng chị dữ là đúng chứ gì?"
[Tôi dữ hay hiền, chưa bao giờ tôi đặt ra với mình câu hỏi ấy. Chỉ có một điều "rất khác" trong chính con người tôi giữa ngày xưa và ngày nay. Đó là tôi tự nhận biết rằng, ngày xưa tôi không thành thật bằng ngày nay trong tất cả mọi suy nghĩ về tình cảm. Ngày xưa tôi không bao giờ nổi giận trước bất cứ xúc phạm nào của Đ. trên tấm lòng trong sáng của tôi. Tôi giả dối hơn nhiều trong những che giấu. Nhưng đối lại, tôi được cả Đ. lẫn gia đình chàng ngợi khen là người vợ hiền lành xứng đáng. Còn ngày nay, tôi bị các anh chị của Trần Nghi Hoàng chê ghét và từ bỏ do bởi sự thành thật ghê gớm trên những tỏ bày tình cảm và ý nghĩ, đến độ sẵn sàng để lộ ra bản chất nóng giận tồi tệ nhất của mình.
Tóm lại, cái nhận định của kẻ bàng quan rằng tôi hiền hay dữ, liệu có phải là điều quan trọng, nếu như chỉ riêng tôi –mà không bất cứ ai trên đời- hiểu và chia xẻ được cái định mệnh cô đơn khắc nghiệt mà tôi từng và vẫn còn đang đeo mang trong cuộc sống?]
Tôi nhận biết tất cả mọi người trong bàn rượu đang trố mắt nhìn sự nóng nảy một cách rất điên cuồng của tôi, nhưng vẫn không muốn tự kềm hãm mình lại với những ý nghĩ đang ào ào tuôn ra một cách mạnh mẽ:
"Nếu Trần Nghi Hoàng lấy một cô vợ nào khác, có lẽ cô ấy sẽ chấp nhận được cái việc ‘Hôm nay anh đi ngoại tình, ngày mai anh về ôm tôi, tôi sẵn sàng có con với anh.’ Nhưng với tôi, không bao giờ có được chuyện đó."
Trần Quảng Nam nói:
"Điều ấy cũng bình thường, đâu có gì ghê gớm!"
[Ngày xưa, đêm Noel, từ 5 giờ chiều, Đ. đã ăn diện thật đúng mốt, miệng xúc bằng nước hoa thơm phức, rồi bảo tôi: "Đêm nay trong căn cứ Không Quân có cái dạ vũ, anh phải vào dự, em bầu bì mệt mỏi, chứ nếu không, anh đã đưa em theo".
Lúc ra cửa, Đ. đứng lại nhìn tôi, vẻ ái ngại: "Hay là anh ở nhà với em? Thấy em tội quá! Nếu không làm vợ anh, em đâu phải nằm nhà trong đêm Giáng Sinh nhộn nhịp thế này. Còn biết bao cuộc vui chờ đợi, bao người đàn ông sẵn sàng đưa đón!"
Tôi cười: "Em cảm ơn anh đã nghĩ giùm cho em điều đó. Anh cứ đi dạ vũ với bạn gái anh –bởi vì một người như anh làm sao lại không có bạn gái. Em không muốn anh ở nhà. Thà anh đi rồi có lúc nào nhớ đến em, em cho vậy là đủ, còn hơn nhìn thấy anh ở nhà với tâm trạng nuối tiếc một cuộc vui ở xa."
Ngày xưa, tại sao tôi lại nhẫn nhục quá trong tình cảm?
Hay phải chăng, khi hành sử như vậy là tôi đã sẵn sàng để cất cánh bay xa khỏi đời Đ.?
Còn Trần Nghi Hoàng của ngày nay? Tôi cũng không bao giờ giữ chân chàng ở nhà nếu như chàng đã tỏ ra muốn đi dự một cuộc vui không có tôi, cho dù có là cuộc vui với những người bạn không được tôi tin tưởng. Nhưng khác với Đ., tôi đòi hỏi tâm hồn Trần Nghi Hoàng phải duy nhất thuộc về đời sống tôi. Hoặc là vậy, hoặc không là gì cả!
Trong cuộc đời, mỗi người có một cách hành sử riêng về chuyện tình cảm của mình mà không bất cứ ai có quyền can dự để xét đoán. Và một thời gian quá khứ nào đó, tôi từng vô tình gieo đau khổ vào đời sống một người đàn bà bởi sự kiện chấp nhận tình yêu mà người chồng của bà đã trao tặng cho tôi. Nhưng ở đây, điều tôi muốn đưa ra là "cái cách hành sử của tôi" nếu đứng vào vị trí một người vợ bị chồng phụ bạc: "Tôi thà khóc trong cô đơn vĩnh viễn, chứ không thà chấp nhận sự hiện hữu trở về của thân xác khi mà tâm hồn chồng mình đã chia xẻ với ai kia?"]
Hoàng Anh Tuấn "cướp" được diễn đàn ăn nói bằng lời nhân danh tuổi già, bày tỏ:
"Mình đừng bao giờ nên đánh giá người mình yêu với mức quá cao thì mình sẽ không thất vọng nếu một lúc nào nhận ra cái tầm thường của họ..."
Tôi ngắt lời anh:
"Em không định giá Trần Nghi Hoàng quá cao, nhưng trong đời sống vợ chồng –chứ không phải tình nhân- giữa em và Trần Nghi Hoàng, những quy luật đặt ra, mỗi người không được quyền vi phạm trên giới hạn của nó. Khi vi phạm, có nghĩa là đã tự chọn cho mình cái giá của khổ đau hay hạnh phúc. Đối với em, hạnh phúc hoặc có hoặc không, không thể có chuyện người này cứ tha hồ làm người kia khổ bằng những tình cảm vung vít riêng tư rồi lại bắt người kia ẩn nhẫn đợi chờ và tha thứ."
[Nhớ lại một câu nhật ký viết tại Dalat năm 25 tuổi: "Khi người đàn ông bắt đầu làm cho ta cảm nghe bơ vơ trong đời sống tâm tư với họ bởi hình bóng một người đàn bà khác, tức là lúc ta bắt đầu từ bỏ họ. Ta không ghen mà chính là từ bỏ. Chữ ‘từ bỏ’ này có thể được hình dung trên nhiều phương cách, nhưng điều đáng nói vẫn là sự bay xa trên khía cạnh tâm hồn của riêng ta."]
Trần Nghi Hoàng lên tiếng:
"Lòng riêng bố chỉ là tò mò."
Trần Quảng Nam tiếp lời:
"Có lần tôi đưa Cẩm Hằng vào quán bia ôm với tôi, các cô bia ôm hỏi Cẩm Hằng là ai, tôi đáp là chị họ tôi. Ai cũng có quyền tò mò muốn biết điều mình chưa biết cả."
Tôi gật:
"Đúng, ai cũng có quyền tò mò, nhưng điểm quan trọng là ‘anh có nên tò mò không trong hoàn cảnh của anh?’ Đây, lấy ví dụ, nếu có kẻ bảo rằng tôi được một người đàn ông nào đó rất hâm mộ theo nghĩa tình cảm nam nữ, thì trên cương vị một người đàn bà đã có chồng, tôi có được quyền tò mò hỏi tới rằng người đàn ông lạ kia là ai, thân thế thế nào, mà không nghĩ đến điều làm tổn thương chồng tôi không? Bởi vậy, giống như một lần tôi nói với ông Đằng Sơn, ai cũng đều ưa thích chuyện tình dục, nhưng hơn kém nhau ở chỗ mỗi người có chế ngự được cái dục tính ấy đúng thời đúng lúc hay không mà thôi."
[Trần Nghi Hoàng không hiểu được điều tình cảm tôi dành cho chàng y hệt như đã dành cho Vân San hay Âu Cơ. Nghĩa là tôi bao bọc và tránh ngăn giùm chàng bất cứ cạm bẫy nào bằng cách giữ chàng xa khỏi cái cạm bẫy ấy. Hẳn nhiên, như đã viết ở trên, nếu có "sự cuối cùng" xảy ra thì điều tôi sẽ làm là cất cánh bay bổng khỏi đời chàng. Nhưng dẫu thế nào, làm sao tôi có thể quên được rằng chính tôi là kẻ có lỗi nặng nhất trong sự việc đã đẩy chàng đi đến gần những cạm bẫy (dù một cách vô tình nào đó)? Chẳng lẽ 21 năm trời trôi qua, tôi không học được chút kinh nghiệm thất bại nào từ sau cuộc hôn nhân đầu tiên và sau cả một tình trường sóng gió đảo điên?]
Đằng Sơn nói:
"Theo tôi nhận thấy, Trần Nghi Hoàng còn là người tốt bởi vì Trần Nghi Hoàng còn hỏi bà Thu Vân câu xin phép ấy. Nếu bà ấy nói không, có thể Trần Nghi Hoàng sẽ không làm. Còn tôi, tôi không nghĩ mình xấu, nhưng nếu là tôi, tôi không thèm hỏi vợ tôi, mà tôi chỉ làm. Riêng chị Thu Vân, đứng về mặt lý, tôi đồng ý với chị. Nhưng về mặt tình, chị quá cứng rắn đến độ cực đoan trong những phán xét."
Trần Quảng Nam lập lại câu nói ban nãy:
"Chị là người không bao giờ có hạnh phúc. Ngay cả bây giờ trong đời sống với Trần Nghi Hoàng, tôi thấy chị cũng sẽ không tìm ra hạnh phúc. Là bởi vì có những điều Trần Nghi Hoàng muốn nghĩ tới thì cứ việc nghĩ nhưng câm miệng, không được nói ra. Như vậy có khác nào chị đang sống trong hạnh phúc của một tên nô lệ nó dâng cho chị chứ chẳng phải hạnh phúc của một người tự do. Một người tự do thì có quyền làm những cái gì người ta muốn."
Tiếng Đằng Sơn vang lên:
"Bà Thu Vân đâu bao giờ cấm ông Trần Nghi Hoàng làm những cái gì ổng muốn. Có điều bả có những quy luật riêng trong đời sống hôn nhân của bả, Trần Nghi Hoàng đã chấp nhận thì không được bước qua giới hạn đó."
Tôi cười khẩy, đáp lời Trần Quảng Nam:
"Tôi chưa bao giờ cấm ông Trần Nghi Hoàng làm những điều ông ấy muốn nếu như cái chuyện muốn ấy tôi thấy không phương hại đến hạnh phúc chung trong đời sống..."
Trần Nghi Hoàng gật đầu:
"Tôi xác nhận điều đó."
Tôi tiếp:
"... Nhưng có những điều nếu tôi vẫn để Trần Nghi Hoàng tự do định đoạt mà không ngăn cản thì có khác nào tôi tiếp tay với ổng? Đó là những gì tôi nhìn thấy trước được là sẽ có nguy cơ dẫn tới sự ngoại tình với một người đàn bà khác không chóng thì chầy."
Trần Nghi Hoàng nổi cơn tự ái:
"Lòng bố đàng hoàng hay không, bố biết. Em có ngăn cản cũng không được một khi bố là người xấu."
Tôi đồng ý:
"Đúng vậy! Làm sao tôi cản ngăn được bố khi bố đã muốn thay lòng đổi dạ. Nhưng đã là vợ bố, tôi thấy có bổn phận phải giới hạn trước những cái gì có thể phương hại cho hạnh phúc hai người. Ngày nào biết bố không chấp nhận sự can ngăn của tôi, tôi không thể làm gì khác, thì khi đó dẫu có thua hoàn toàn, tôi cũng sẽ thấy lòng an bình, không vướng chút nào hối tiếc."
Trần Quảng Nam bày tỏ:
"Điểm mà Trần Nghi Hoàng đã nói ra, nếu là tôi, tôi sẽ không nói. Nhưng sự tò mò của tôi thì tôi vẫn cứ hành sử, không thể cấm tôi được. Nếu lần sau Trần Nghi Hoàng muốn đi bia ôm, cứ âm thầm mà đi, đừng nói gì với bà ấy là xong!"
Tôi nghiêm giọng:
"Tự do không có nghĩa là bừa bãi phóng túng. Tự do chỉ thực sự có giá trị hay ý nghĩa khi nó được đặt trên căn bản của cái vòng trật tự, kỷ luật."
Tôi nói thêm với Trần Quảng Nam:
"Nếu hỏi tôi, thế nào là một người bạn, tôi trả lời, một người bạn là phải hiểu hoàn cảnh đời sống vợ chồng của bạn mình để không tiếp tay phá vỡ bằng những hành động hay lời nói không xây dựng. Trên mặt này, Trần Quảng Nam không phải là bạn tôi. Bởi vì nếu Nam tôn trọng tôi thì đã không đưa ra câu vừa nói. Đó là về phía Trần Quảng Nam. Còn phía Trần Nghi Hoàng, cho dù có đứng trước bất cứ cạm bẫy dục vọng ghê gớm nào chăng nữa, nếu Trần Nghi Hoàng yêu và cần tôi thì phải có thái độ đứng đắn và thẳng thắn, chứ đừng nói gì đến chuyện mở miệng đưa ra lời yêu cầu như ở trên."
Trần Quảng Nam cười hề hề:
"Như vậy thì từ nay trở đi coi như tôi không còn là bạn chị nữa."
Đằng Sơn xen vào:
"Tôi muốn hỏi chị Thu Vân rằng trước khi Trần Quảng Nam nói câu vừa rồi, chị có xem ông ấy là bạn không?"
Tôi gật đầu:
"Con người tôi, một chút ân tình cũng đủ khắc ghi cả kiếp; huống chi Trần Quảng Nam và tôi đã từng có biết bao kỷ niệm. Trước kia luôn luôn tôi coi hắn là bạn, nhưng từ nay thì thôi, hắn không còn xứng đáng là bạn tôi."
Trần Quảng Nam vẫn cười hề hề, nhưng trong cái cười đã bắt đầu thấy thái độ cứng rắn:
"Vậy thì từ rày, nếu ông Trần Nghi Hoàng yêu cầu tôi đưa đi bia ôm, tôi sẽ đưa ổng đi mà không cần cho chị biết."
Tôi gằn giọng:
"Nam cứ việc làm bất cứ cái gì Nam muốn trên cá nhân Trần Nghi Hoàng, bởi vì kể từ giờ phút này, tôi đâu còn coi Nam là bạn."
Trần Quảng Nam giơ cao ly rượu, giọng nửa đùa nửa thật:
"Như vậy chị và tôi nên uống ly cuối cùng chia cách. Từ nay mình không còn là bạn nữa."
Tôi đưa ly cụng vào ly Trần Quảng Nam, tuyên bố:
"Từ nay, tôi và Trần Quảng Nam chỉ xem nhau như hai người xa lạ."
Trần Quảng Nam cười:
"Kể từ ngày mai tôi sẽ phá hạnh phúc của chị, sẽ dẫn ông Trần Nghi Hoàng đi bia ôm!"
Tôi gật đầu:
"Tôi thách Nam! Nếu Nam nói mà không làm thì Nam hiểu rằng tôi sẽ khinh bỉ Nam đến chừng nào."
°

*

Nửa đêm về sáng, nằm trong bóng tối, nghe lòng cô đơn hụt hẫng kỳ lạ. Nhớ lại từng lời đã thốt ra ban tối trong cuộc rượu mà tự xấu hổ. Đúng như Đằng Sơn đã bảo, câu nói của Trần Nghi Hoàng đâu có đáng làm cho tôi phải nổi giận đến thế? Vậy mà tôi đã nổi giận thật sự, một cách kỳ quặc, một cách không che đậy trước thiên hạ những cái gì vốn dĩ tầm thường nhất của mình.
[Một đoạn nhật ký cũ năm 1976: "Hôm nay đi ăn cưới đứa bạn gái nổi tiếng lãng mạn một thời. Ta kinh ngạc nhìn nụ cười tươi rói biểu lộ một hạnh phúc viên mãn trên khuôn mặt nó khi cặp tay anh chồng giáo viên già nua xấu xí mà nghĩ đến những mối tình sôi nổi của nó ngày còn đi học. Ta lại nhớ Nguyễn với lời kể về các bà chị chàng, khi lấy chồng, yêu chồng và quên hẳn người yêu xưa một cách dửng dưng, lạt lẽo. Cũng nhớ lần ấy ta đã cười khì, bảo Nguyễn, chẳng bao giờ ta muốn lấy chồng để chẳng bao giờ quên các người yêu cũ... Vậy mà hôm nay, ngồi trong tiệc cưới con nhỏ bạn, sao cứ miên man tự hỏi, người đàn ông nào sau rốt có khả năng làm ta quên được các người tình cũ? Ta nghĩ là không dễ có. Nhưng nếu có, hẳn người ấy sẽ vượt bực và là tổng hợp cá tính của tất cả các người đàn ông đã từng đi qua định mệnh ta"...]
Ban tối, khi nghe Trần Nghi Hoàng đưa ra câu hỏi ấy, tôi thấy vang vang trong đầu cái ý hướng rủ bỏ, như thói quen trong định mệnh vẫn thường rủ bỏ. Có phải rằng chàng đã chạm đúng vào vết thương suốt đời tôi không ngừng bị ám ảnh: "Sự không chung thủy của người đàn ông được tôi đặt trọn lòng tin?"
Ngày xưa tôi không hề yêu Đ. và cũng không bao giờ cần Đ. Nhưng ngày nay tôi có yêu và cần Trần Nghi Hoàng không? Đó là câu hỏi luôn luôn tôi tự vấn lòng mà không tìm cho ra câu đáp thỏa đáng cả bề sâu lẫn bề mặt của từ ngữ "yêu" ấy.
Nếu có, tại sao trên cái nhìn phiến diện của kẻ ngoại cuộc và luôn cả chính chàng, tôi (con người chủ trương không bất cứ ai có quyền phán đoán tình cảm kẻ khác) lại tỏ ra quá khắt khe đối với những gì thuộc về tình cảm riêng chàng? Và nếu không, tại sao tôi lại phải quan tâm lo lắng cho chàng như tình cảm lo lắng của người mẹ cho đứa con trai 21 tuổi trước những cạm bẫy cuộc đời mà nó sắp sửa nhúng chân?
Ở với nhau đã hơn 5 năm, trong bản chất Trần Nghi Hoàng, tôi nhận biết có điểm đối nghịch thật đặc biệt. Chàng là người đàn ông rất thông minh, sâu sắc trên mặt trí tuệ. Nhưng cũng trên một điểm đứng hay cách hành sử thuộc tình cảm, chàng còn rất nhiều nông nổi, trẻ con. Phải chăng đó là kết quả cấu tạo của một thân xác mang cùng lúc hai tự thể khác biệt:  "Cái đầu của một người làm công việc nghiên cứu và trái tim dễ dàng rung cảm của một nhà thơ lúc nào cũng xung khắc với nhau"?
Nhiều lần trong đời sống này, Trần Nghi Hoàng cho rằng tôi không yêu chàng, và tôi cũng không bao giờ đi sâu trên vấn đề ấy với chàng. Nhưng một con người đã được tôi đặt lên ngôi vị "vượt bực và tổng hợp cá tính của tất cả nhưng người đàn ông từng đi qua định mệnh tôi" bằng một đời sống hôn nhân, một đứa con và những ràng buộc tinh thần trước gia đình và xã hội như hiện tại, liệu có nên nhìn tình yêu trong tôi bằng cái bề mặt tầm thường hời hợt? Liệu có nên kết luận vội vã rằng tôi vô tâm với đời sống và với hạnh phúc mà cả hai từng chút một gầy dựng trong 5 năm qua, để rồi có những câu nói hay quyết định sai lầm?
Dù gì thì tôi vẫn không thể chối được một điều rằng kể từ ngày làm chồng tôi, Trần Nghi Hoàng (vô tình) trở thành là "nạn nhân" của tất cả những đớn đau trong cuộc đời quá khứ ngày xưa tôi đã trải.
Ngày xưa... Ngày xưa...
"Ôi những câu chuyện ngày xưa bao giờ cũng đẹp"... chỉ là lối diễn tả một lúc nào của văn chương tôi viết. Mà thật thì cái ngày xưa ấy đã để lại một dấu ấn tác hại đến gần như khó lòng phai nhạt trên tâm hồn tôi.
°

*

Giữa đêm, đối diện lòng, nhớ lại câu phê bình về cái cá chất dữ của tôi mà Đằng Sơn và bạn bè Trần Nghi Hoàng nhiều lần nhận xét, lòng càng thêm cô đơn vời vợi. Đi tìm một người hiểu thật sự được con người sâu kín của mình vốn dĩ là điều tôi không bao giờ hoài vọng. Nhưng một lúc nào nhận biết rằng chính vì cái vẻ bề ngoài lạnh lẽo, những ý tưởng băng băng cứng cỏi và cái cá chất dữ mà bị mọi người xa lánh thì cũng là điều không chối cãi được rằng trong cuộc sống, tôi đã thất bại rất nhiều.
Suốt bao nhiêu năm, tôi chưa từng mong chờ bất cứ một thứ tình cảm nào của ai khác dành cho nếu như tôi phải đánh đổi nó bằng những dịu dàng giả dối không thể nào thực hiện. Tuy nhiên giai đoạn này của định mệnh -giống như bờ bến cuối của chiếc thuyền đời tả tơi rách nát-, tôi có nên cho rằng Trần Nghi Hoàng vẫn "chưa hoàn toàn" là kẻ tri kỷ tri âm tôi đã mong tìm trong suốt kiếp hay chăng? 
Chú thích:
(°)  Thật sự là BÙI Xuân Phái, họa sĩ. Hoàng Anh Tuấn nhớ lầm nên goi ông ta họ Nguyễn.