- 8 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Một lần đã lâu, có người bạn chuyên nghiên cứu về tướng số, nhìn vào mặt tôi, nói: "Thu Vân là người đàn bà mang cái định mệnh không ngừng đối diện với những lao đao, mặt này hay mặt khác!" Câu ấy, nhiều năm qua, ngẫm lại thật đúng. Như một ám ảnh. Như một cô nghiệt. Đến nỗi có lúc tôi lạ lùng vì những an bình, Trần Nghi Hoàng đã đem lại được cho tôi trong cuộc sống hôn nhân.
Tuy nhiên, xét cho kỹ, sự an bình có thật hiện hữu trong tâm hồn tôi hay chăng? Điều này không thể khẳng quyết. Hẳn nhiên, hạnh phúc nào mà chẳng được đúc kết từ những gay go tranh đấu? Nhưng cái hạnh phúc tôi đang có quả thật đã phải đánh đổi với rất nhiều dằn vặt chua cay hơn mức độ bình thường.
Phải nhận rằng, con người, dù cho là một nghệ sĩ hay một nhà văn, cũng khó lòng thoát được ra ngoài những tình cảm tầm thường nhỏ nhặt. Tôi cũng vậy. Trần Nghi Hoàng cũng vậy. Trong sâu thăm thẳm của hai trái tim nhiều nghị lực đã có lúc nghe tả tơi mệt mỏi vì những giằng co nội tâm và ý thức riêng từ mỗi phía. Bao quanh những cái "chung" giữa tôi và chàng chính là những cái "riêng" chết người, cay đắng. "Những cái riêng" mà nếu không từng có một cuộc đời gió bão trước đó, hẳn là tôi, dù cứng mạnh đến đâu, cũng dễ dàng bị đánh gục để phải giơ tay đầu hàng hai chữ "hạnh phúc" thôi!
San Jose. Tháng 1/1993. Một buổi chiều...
Tôi và Đào Thị Lương ngồi với nhau trong phòng khách nhà tôi. Buổi chiều xuống nhanh. Tôi nghe Lương nhận xét:
"Mười một năm rồi mà Thu Vân vẫn không thay đổi!"
Tôi lắc đầu:
"Có chứ. Nhiều nữa, từ tâm hồn cho đến thân xác."
Lương kêu lên:
"Không đúng đâu! Thấy Thu Vân vẫn trẻ trung như ngày cũ."
Tôi cười. Lương tiếp:
"Hai mươi năm, thời gian thật là dài! Có nhiều lúc em phải tự lạ lùng vì mối giao tình giữa em với Thu Vân. Em thấy như một định mệnh. Cái định mệnh cứ xui khiến em lúc nào cũng không rời Thu Vân, cho dù rất nhiều tháng năm chúng mình bặt nhau tin tức."
[Tôi biết Đào Thị Lương cùng một thời gian với sự biết Trần Quảng Nam. Cả hai đều là học trò Quốc Gia Nghĩa Tử, Sàigòn. Trần Quảng Nam kém Lương một lớp.
Vóc dáng Lương cao lớn, mái tóc rủ dài, nước da ngâm đen, đôi môi dầy kênh kiệu. Nơi nàng không có điểm đặc sắc nào làm tôi chú ý, ngoại trừ cái thái độ "làm ra vẻ" rất khinh thị ngạo mạn đập vào mắt tôi trong những lần chạm mặt nhau đâu đó giữa sân trường hay trong phòng hiệu đoàn. Khác hẳn bất cứ người học trò nào, (luôn cả Trần Quảng Nam, vẫn dành cho tôi một tình cảm đậm đà thân ái), có thể nói, sau hầu hết các giáo sư nữ của trường, Lương là người nữ sinh duy nhất luôn luôn tỏ lộ trực tiếp hay gián tiếp với tôi một mối ác cảm. Trong số lớp tôi dạy, có nhiều em học sinh nội trú đến kể tôi nghe: "Chị Lương kiếm lý do phạt cấm túc ngày chủ nhật bất cứ đứa nào trong giờ ra chơi chị ấy thấy quấn theo cô trên sân cỏ. Chị ấy đang nắm chức đại diện nữ toàn trường và trưởng khu nội trú nên chị ấy có quyền làm thế." Có đứa lại kể: "Chị ấy rất ghét cô. Nhưng tụi em biết chị ấy cũng như các cô giáo khác ganh tị vì cái bề ngoài đẹp đẽ của cô và cũng vì cô được rất nhiều học trò ưa thích!"
Cho đến một hôm, trong cuộc đi thâu chương trình văn nghệ Quốc Gia Nghĩa Tử ở đài truyền hình, trong có hai màn vũ do tôi phụ trách, gặp riêng tôi trong phòng sửa soạn y trang, Lương đột nhiên gật đầu chào rất lễ độ và nói:
"Em xin cô hôm nào cho em được một lần trò chuyện?"
Tôi đáp:
“Chẳng phải là em đang trò chuyện cùng cô đây sao?".
Vậy là Lương phá ra cười một cách thích thú. Rồi tiếp:
"Em ‘nể’ cô lắm. Cô là người nữ giáo sư duy nhất của trường làm cho em thích thú. Cô còn trẻ mà dám sống, dám chơi, dám chịu! Em khoái điều ấy nơi cô lắm!"
"Em nói gì cô không hiểu!", tôi ngạc nhiên.
Lương gật đầu:
"Cô không hiểu là phải, bởi cô có bao giờ ngờ rằng cái buổi toàn thể ban văn nghệ, đại diện nam đại diện nữ của trường làm tiệc tất niên khoản đãi các giáo sư hiệu đoàn, cô đã bị em ‘chơi’ một vố! Em cố ý không mời cô nước ngọt như các giáo sư nữ khác, mà em tiếp cô bia, và cứ gần như rót liên tục chai này qua chai khác vào ly cô. Em cố tình làm cho cô say. Nào dè cô đã không say, mà còn tỏ ra phong độ dân chơi sành sõi!"
Rồi xòe tay với tôi, Lương nói tiếp trong cái cười hớn hở:
"Xin cô cho phép em được tỏ lòng ngưỡng mộ."
Tôi thích thái độ thẳng thắn này nên giơ tay ra cho nàng xiết mạnh. Từ đó, chúng tôi trở thành bạn của nhau. Lương kém tôi vài tuổi. Cái rào ngăn cách giữa cô giáo và học trò không còn nữa.]
Lương hỏi:
"Đời sống Thu Vân có gì khác lạ?"
Tôi cười:
"Thì Lương thấy rồi đó! Một người chồng, hai đứa con, lũ học trò, một mái gia đình đầm ấm.”
"Thu Vân bằng lòng với hiện tại?"
Tôi không đáp câu hỏi này.
[Trong cuộc sống sôi nổi hai mươi năm trước của tôi, Đào Thị Lương có một chỗ đứng rất khiêm nhường. Nhưng trong ký ức tâm tư tôi, Lương chiếm hữu một vị trí khá lớn. Đó là một người bạn, một đứa em, một cái bóng, con người hiện diện đúng lúc với tôi trong những khúc quanh định mệnh bi thảm.]
"Lúc này Thu Vân còn viết nhật ký?"
Tôi lắc đầu. Lương tiếp:
"Đôi khi em nghĩ, định mệnh em gắn liền với Thu Vân do từ những trang nhật ký của thuở nào Thu Vân đã viết. Hơn mười năm xa cách, em vẫn nghĩ đến Thu Vân và những trang nhật ký. Em không bao giờ ngờ lại được gặp Thu Vân trong cùng một không gian như hiện tại. Câu chuyện Thúy Kiều với Đạm Tiên rõ ràng cứ ám ảnh em, từ ngày xưa cho tới ngày nay trong mối giao tình ngày cũ với Thu Vân."
Tôi nhìn Lương trong ánh sáng chiều tà hắt qua khung cửa. Cả một dĩ vãng như bất ngờ hiện trở về qua hình ảnh người bạn ngày xưa. Trong chuỗi ngày xưa đầy lao đao đó, Lương là kẻ duy nhất được tôi kể cho nghe những khúc quanh bi thảm. Kẻ duy nhất được đọc tất cả mọi trang nhật ký của tôi như một nhân chứng quan trọng trong mối tình dầy đặc khổ đau.
[Dalat, thứ Sáu 30/7/1976.
Trên phố chiều, tôi và Lương đi cạnh nhau. Vóc dáng Lương cao lớn, đối nghịch hẳn với tôi, mong manh gầy yếu. Nàng hay bảo tôi giống như đứa con nít bệnh hoạn cần phải được lưu tâm chiều chuộng. Trời mưa lạnh. Dalat mang cái vẻ thiểu não kỳ lạ. Lương nhắc đến Phùng Kim Ngọc. Còn tôi lại bảo không muốn gặp lại. Lương khẳng định rằng tất cả ước muốn của tôi trong chuyến đi đều phát sinh từ con người ấy. Ít nhiều đâu đó trong tâm tư, tôi nghe mang mang đau đớn vì cái sự thật không thể trốn chạy này. Tôi mỉm cười:
"Mình cũng không hiểu là đang đi tìm cái gì trong hiện tại. Nhưng chắc chắn là có tìm. Ngày nay đời sống anh Ngọc đã ổn định, vậy mà mình vẫn cứ bị ray rức?"
Lương nắm tay tôi, xiết mạnh:
"Thu Vân thật mong manh! Một đứa con nít cô đơn tội nghiệp!".
Tôi phá lên cười giữa phố:
"Nhưng lại là đứa con nít có khả năng cầm trái tim mình bóp mạnh mà không để cho người đàn ông làm điều ấy!" (Đồng thời trong thoáng giây, bất chợt nhớ ra rằng chưa bao giờ tôi được thật sự trải qua thời kỳ trẻ thơ!)
Lương gật đầu, vẻ ngậm ngùi rung động:
"Vâng, em vẫn nghĩ thế. Và em tin rằng không bất cứ người đàn ông nào của Thu Vân có thể quên nổi Thu Vân khi đã mất hẳn Thu Vân rồi!"
Dalat, Thứ Bảy 31/7/1976
Buổi sáng ngồi đợi Lương trong quán café Tùng. Có một nỗi gì êm ái pha lẫn phiền muộn len lỏi vào hồn. Dalat vẫn còn đáng say mê quá, nhưng sao cũng vô cùng nghiệt ngã. Một thời sống mãnh liệt như vẫn còn vương vất, làm bần thần ký ức buổi sáng hôm nay.
Lúc 10 giờ, Lương trở lại, kể tóm tắt "sứ mạng" mà tôi đã giao trong việc đi tìm anh Ngọc:
"Anh ấy có vẻ buồn, hỏi khéo rằng em lên đây với ai? Chắc là đông vui lắm? Có Thu Vân đi cùng không? Khi biết ra Thu Vân đang hiện diện tại Dalat, anh ấy biến hẳn sắc mặt, vẻ buồn bã. Có lúc trong câu chuyện rất niềm nở, anh ấy nói một câu thế này: 'Khi mình được một điều quý trong tay, mình không nghĩ nhiều đến, bởi cho rằng lúc nào thì điều quý ấy cũng vẫn đang hiện hữu. Chỉ lúc mất đi rồi mới thấy cả một hối tiếc lớn. Với những cái mất đi như vậy, kẻ còn lại có khi một đời còn đau đớn mênh mang...'"
Tôi bất chợt cảm nghe lúng túng khi nhận ra rõ ràng nỗi đau theo một sự "mất đi" như anh bày tỏ. Tưởng như mình đang khóc... Tôi bỉu môi nói:
"Lương dở ẹt, không biết uống rượu! Giờ phút này chỉ muốn được say với ai đó để trốn chạy cái 'mất đi' này trong chính mình thôi!"
Dalat Chủ Nhật 1/8/1976
Buổi chiều trời thật lạnh. Tôi ngồi đối diện Lương ngoài hiên Thủy Tạ. Những hạt mưa mỏng rơi xuống lăn tăn trên mặt nước. Xa xa về phía đồi Cù vẫn còn con đường mòn nhỏ hẹp. Trên các ngọn thông, một lớp sương mơ màng giăng phủ. Chai rượu Beehive để trước mặt, chỉ một mình tôi uống; Lương thỉnh thoảng cầm lên châm tiếp vào ly của tôi.
Tiếng Lương ái ngại:
"Thu Vân gầy quá! Lúc trước thấy Thu Vân ăn ít, em cứ ngỡ Thu Vân thích làm nũng để được chiều chuộng. Nhưng qua mấy ngày ở cạnh nhau mới nhận ra rằng Thu Vân ăn ít thật."
Tôi không nói gì, chỉ ngồi nhìn mưa rơi, co ro thân mình trước những cơn gió lạnh từ mặt hồ thổi tới, lòng thốt nghe rung động kỳ lạ. Dalat của một thời dĩ vãng! Nơi đâu cũng đều ẩn chứa bóng hình kỷ niệm và kỷ niệm nào cũng khiến tâm hồn dễ dàng dậy lên cơn sóng. Cả một định mệnh sôi sục khắc nghiệt hiện ra trong trí nhớ. Tôi không có một cuộc đời dài như những người đàn bà khác. Cuộc đời tôi chỉ là những mảng đời ghép lại, tan tác, thương đau, mảng này tiếp nối mảng kia một cách rất có lớp lang, thứ tự.
Tôi kể cho Lương nghe:
"Mười tám tuổi, sự rung động đầu tiên âm thầm dành cho một Trung úy Dù người Chàm rất nghèo nhưng cũng rất ngang tàng khí khái. Vậy mà tình cảm sớm vùi chôn theo cái chết của anh ấy trên chiến trường Quảng Trị xa xăm. Buổi trưa nhận tin, đón xe thẳng lên nghĩa tử đường Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, đứng với người bạn trước một hàng quan tài có phủ những lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhìn tấm ảnh tươi cười rạng rỡ của anh ấy, mình không thể nào tin được rằng anh ấy đã chết. Cứ nghĩ người trong quan tài là ai khác. Và làm sao mà tin được khi bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng nói tiếng cười của anh ấy chưa đầy một tuần lễ trước đó, hứa hẹn sẽ trở về dự buổi concert sắp tới của bọn mình... Nước mắt không thể ứa ra, nhưng thật sự trọn cả tâm hồn chỉ là nỗi tái tê tuyệt vọng...
"Qua đến Vũ, tình yêu đầu đời chỉ dành để xây biết bao ước vọng làm vợ, làm mẹ, sống một cuộc đời ấm êm hạnh phúc... Vậy mà, khi nhận tin anh ấy bị bắn gãy chân trong một trận đánh dữ dội ở Bình Long, vào bệnh viện Cộng Hòa thăm, lại chạm mặt một người con gái lạ. Vậy là, mặc cho bao lời van lơn nài nỉ, mặc cho những nỗi khẩn thiết trần tình của Vũ, ước vọng đã vỡ toang, tình yêu cũng chết đi trong hồn từ khi ấy...
"Kỷ niệm với Đ. cũng thật đẹp. Đêm 30 Tết, từ Nha Trang trở về Sàigòn trên chuyến bay cuối, sắp đến giờ giao thừa, đứng một mình trên sân ga vắng chờ hành lý, gặp Đ. cũng một mình đợi đón bà chị... Thì cái dáng này, tóc dài xuống lưng, áo dài vàng sang cả, đã làm xúc động Đ. Cái dáng mà Đ. bảo là lẻ loi cô đơn quá trong một không gian đặc biệt của đêm cuối năm buồn bã, đã chỉ khiến Đ. muốn ao ước bảo bọc một đời. Nhưng rồi Đ. cũng để mất! Những ngày cuối cùng ở với nhau, mình nhiều lần van xin: 'Đ. hãy cố lòng giữ em đi, đừng đánh mất!...’ Khi nói câu ấy tức là mình đã sẵn sàng để bay xa mãi mãi khỏi đời Đ.. Sự kêu gọi là vì đứa con. Nhưng định mệnh vẫn là định mệnh. Đ. không có lỗi gì nếu như đôi chân đời của mình sớm bước qua một khúc chông gai ghê gớm.
"Từ ngày xa Đ., cho đến lúc đi vào kỷ niệm anh Ngọc, nhiều khi nghe đâu đó Lệ Thu hát: ‘Năm năm rồi không gặp...’ mình chỉ muốn khóc. Hai mươi hai tuổi, còn trẻ quá để phải làm một thiếu phụ cô đơn; còn sớm quá để phải dừng lại mọi ước mơ tươi đẹp...
"Cũng vậy, cái dáng lẻ loi cô đơn này đã làm xúc động anh Ngọc ngay từ đêm đầu tiên gặp gỡ. Một tình yêu mãnh liệt tức khắc chào đời. Ở đây, phải nói rằng có khuôn mặt định mệnh dự phần sâu đậm. Bởi, cũng là định mệnh mà mình xuất hiện vào đúng ngay giai đoạn tàn tạ tuyệt vọng nhất của anh ấy. Cũng là định mệnh mà từ một bản chất quyết liệt sôi nổi, mình ‘lôi’ được anh ấy ‘ra ngoài đống sắt phế thải của thành phố Nha Trang’ như anh ấy vẫn thường đùa cợt nói lên với tất cả bạn bè.
"Ở đây không chỉ tình yêu thôi, mà chiếm hữu hàng đầu chính là đam mê nghệ thuật. Tám tháng đảo điên trong cuộc cờ định mệnh, phải nhận rằng mình đã tìm ra được những gì gọi là hạnh phúc và đau khổ cao nhất. Những giọt nước mắt kết thành chuỗi hạt châu quí báu; nỗi đọa đầy thống khổ làm bật tuôn những xúc cảm tuyệt vời. Thông thường, tình yêu được biểu tượng như một kết hợp giữa ‘cho’ và ‘nhận’. Nhưng với mối tình này, trong tám tháng, từng giờ từng phút là từng mỗi cơn gió bão phũ phàng đổ xuống; tình yêu không có điều kiện êm đềm để nẩy nở nếu không là tự sinh sôi 
“Và rồi cũng không thoát được ra ngoài định mệnh khắc nghiệt. Ngày sinh nhật 31/12 (năm 1974) anh Ngọc đưa tặng mình bản nhạc Gypsy Air Mambo, anh ấy soạn riêng cho violon độc tấu, giàn nhạc và kèn trompette phụ đệm. Trong buổi rượu khuya uống mừng sinh nhật với nhau, mình nghe anh ấy kể: ‘Đêm khai trương dancing, anh ngồi nơi quầy rượu, nhìn thấy em từ ngoài sân bước vào cửa vũ trường Nautique, mái tóc dài bay xòa theo gió biển, cái áo khoác ngoài hai vạt bật tung; trên tay, cây violon có chiếc vỏ xác xơ được em ôm như ôm người tình yêu dấu; nơi dáng dấp, nét gitane tỏa ra mạnh mẽ; toàn thể con người em như nói lên cả một cá chất phiêu bạt giang hồ. Và rồi khi em cúi đầu đi ngang qua trước mặt anh, anh thốt nghe trái tim mình đập rối loạn. Một vùng ánh sáng bị em che khuất. Ngay lập tức, anh nhận thức được một điều ghê gớm: Suốt cả cuộc đời anh rồi sẽ vĩnh viễn bị trùm lấp bởi cái bóng của em. Bản nhạc Gypsy Air Mambo được soạn ra ngay trong đêm ấy. Anh muốn nhờ nó để vinh danh nỗi xúc động hãn hữu của mình.’ Ngần ngừ một lát, anh ấy nói: ‘Anh mong giữ chân em suốt đời bằng nhà cửa công việc, bằng đam mê âm nhạc và tình yêu dành cho em tha thiết. Nhưng anh biết rằng cũng có ngày em sẽ bứt ra đi, bởi vì trong em, cá chất gypsy rõ ràng vẫn còn hiện hữu'"...
Tôi kể tiếp:
"Về sau, khi đã mãi mãi bay xa khỏi đời anh Ngọc, có những đêm nhớ lại chuyện cũ, mình không thể nào rời được nỗi u hoài man mác trong tim. Tự hỏi do đâu mà yêu anh ấy mãnh liệt quá để có thể chịu đựng được mọi nhục nhằn ghê gớm đổ xuống trên định mệnh? Do đâu mà trong những ngày cũ, lại chỉ thấy anh ấy đẹp đẽ duy nhất để có thể cúi đầu nhận lãnh với không một tiếng kêu ca tất cả mọi lời lẽ và hành động thô bạo của người đàn bà? Chỉ bao giờ nhớ lại cái đêm 31/12 ngồi uống rượu khuya sau khi từ dancing trở về, mình mới tìm ra câu đáp và nghe thương cảm anh ấy càng nhiều hơn nữa. Trong cuộc tình mãnh liệt năm xưa, anh ấy bị đặt vào hàng ‘thứ yếu’ nên luôn luôn sống với tâm trạng lo âu dằn vặt. Anh ấy vừa yêu, vừa vinh danh cá chất gypsy của mình, lại cũng vừa sợ hãi rằng cá chất ấy sẽ làm tình yêu biến tan một ngày nào đó. Anh ấy đâu có chút nào hạnh phúc? Vậy thì sự tan vỡ hẳn nhiên phải xảy đến do từ chính nỗi ‘không tin tưởng của anh ấy về mình’ mà ra...
"Riêng với Nguyễn, tình yêu của Nguyễn là thứ tình của Nguyễn Du dành cho Thúy Kiều, của Tư Mã Giang Châu dành cho Tì Bà nữ. Một buổi chiều tháng 11 năm 75, đi qua quán sách trên lề đường Nguyễn Trung Trực, Nguyễn bị xúc động ngay vì đôi mắt quá ư tuyệt vọng của mình. Chàng tuổi trẻ hấp thụ dồi dào một nền văn hóa Tây Phương mà lại yêu cuộc đời Thúy Kiều, yêu câu chuyện lòng của Tì Bà Nữ canh khuya nơi bến Tầm Dương vắng vẻ... hẳn nhiên khó cưỡng được với nỗi ham muốn lấp đầy nỗi cô đơn trên dáng dấp mình bằng một tình yêu say đắm. Một lần nói về mình, Nguyễn ghi vào sách: ‘Nàng hay viết nhật ký, hay gom góp những kỷ niệm nho nhỏ làm tài sản riêng. Ta càng yêu quí nàng hơn và càng tôn trọng cái không gian chất chứa kỷ niệm của nàng. Ta vẫn quan niệm đó chính là nàng nguyên thủy nhất. Một mẫu người nhậy cảm tài hoa và phải khổ sở mãi vì cái sức tài hoa nhậy cảm của mình. Thỉnh thoảng nàng vẫn đọc cho ta nghe những trang đời của nàng. Đôi khi là những trang đời nàng đã làm vợ một người xưa! Ta nghe lòng mình nức nở xót xa. Người xưa còn sống trong cuộc chết đã thành vĩnh viễn. Chỉ có nàng, ta thương nàng thật nhiều ở điểm ấy. Nàng cứ âm ỉ mãi trong lòng hình ảnh xưa. Điều này không có nghĩa tầm thường. Ở những người khác, kẻ đã chết trong cuộc sống thì chết hẳn rồi. Nhưng với nàng, kẻ chết trong cuộc sống vẫn sống mãi, đeo đẳng đến khổ sở. Ta hiểu nàng và không kỳ vọng ở ngôn ngữ một nhịp cầu thông cảm. Chỉ cần nói ‘Phong vận kỳ oan ngã tự cư!’ và ‘vô thanh’ để cho phần ‘tự cư ‘ được sâu sắc, bén nhậy!...'"
Tôi cười, nói tiếp:
"Thế nhưng, mọi thấm hiểu của Nguyễn đều vô ích, không thể thay đổi được gì, bởi vì trước cả một bão tố của định mệnh mình, Nguyễn chỉ là một chàng tuổi trẻ còn mong manh tâm hồn quá!"
Tôi mệt mỏi. Và tôi say. Châm điếu thuốc lá cuối cùng, lần đầu tiên tôi cảm nhận được tất cả mùi vị thơm ngon của cái chất nicotin vẫn gây ra cho con người biết bao bệnh trạng. Nhất là trong một không gian đượm đầy tính chất biệt ly như khi ấy, mùi thơm này càng mạnh mẽ hơn trong ý nghĩ riêng.
Tôi kêu lạnh quá. Lương bèn dời tất cả ly tách vào một cái bàn nơi góc, phía bên trong nhà Thủy Tạ.
Thế rồi trong cơn say đang bắt đầu lan ra từ từ trên từng sớ thịt, tôi cơ hồ bắt gặp đúng ngay "sắc thái đặc biệt của định mệnh mình." Thuở ấu thơ, tôi sớm nghe yêu thích vô cùng ánh đèn vàng tỏa ra từ các ngôi nhà mỗi đêm tan trường Nhạc về, tôi vẫn thấy. Màu đèn ấm áp, biểu tượng cho tình thương và hạnh phúc gia đình mà tôi hằng thèm muốn. Qua văn chương đọc thời tuổi nhỏ, tôi tìm kiếm màu đèn vàng từ những "chiếc quán lạnh" của các nhân vật trong tiểu thuyết Victor Hugo, Balzac, Kim Dung... để mà tưởng tượng, say mê. Khi lớn lên, phiêu bạt nhiều nơi, điều quyến rũ tôi vẫn chỉ là màu đèn vàng trong một chiếc quán hắt hiu nào đó ở đầu ghềnh, cuối bãi. Bây giờ, hai mươi sáu năm, lần đầu tiên tôi mới bắt gặp đúng hình ảnh "màu đèn vàng trong một quán lạnh tràn đầy hương vị lãng mạn" mà tôi hằng chiêm nghiệm, vẽ vời. Điều này thật khó hiểu nhưng vô cùng xác thực. Hai mươi sáu năm, cái mà tôi đi tìm mãi không phải là một mái gia đình với chồng con đầm ấm, mà chính là một "chiếc quán lạnh" tượng trưng cho nỗi cô đơn, ly biệt. Cá chất gypsy nơi tôi như anh nhiều lần nhận xét, phải chăng được biểu lộ rõ ràng nhất trong những khoảnh khắc tình cờ bắt gặp -như đêm nay? Quán café nhạt nhòa mang hình ảnh chiếc quán trong trí tưởng từ ngày thơ dại. Ánh đèn vàng hiu hắt. Vài ba người khách chụm đầu bên nhau, thì thầm câu chuyện. Cô thâu ngân ngồi bên quầy, lơ đãng. Không gian tuyệt diệu một cách rất ư là liêu trai quỉ mị trong cơn lạnh bất ngờ bao phủ. Và tôi, người khách giang hồ dừng chân lúc nào với khói thuốc, men rượu, với nỗi nồng thắm của quá khứ được khơi lại, lẫn cái lạnh lẽo của hiện tại chia phôi.
Tôi ngồi đối diện Lương, quay lưng lại phía các người khách, bàn tay trái cầm cái lõi bắp ai đó để lại, bàn tay phải chống vào một bên trán, đầu nghiêng gục xuống, mái tóc buông rủ. Cứ vậy, tôi nhìn mọi người mọi sự chung quanh qua hình thể những vòng tròn liên tiếp đổ xoáy lên nhau...
Và rồi nghe tiếng Lương vang khẽ bên tai:
"Mình về cho người ta đóng cửa nhé?"
Tôi mệt mỏi lắc đầu và tiếp tục yên lặng...
Thật lâu...
Lâu bằng một giấc ngủ ngắn, tôi choàng tỉnh, nói với Lương:
"Thôi về! Cảm ơn Lương đã dự phần trong chuyến đi, bởi nếu không có Lương, chắc chắn mình không dám trở lại Dalat khi vết thương lòng vẫn còn ươm mủ..."
Tôi bỏ dở câu nói, đứng lên đi ra cửa. Ngang qua một bồn lớn trồng đầy hoa marguerite, tôi ngồi xuống, gục đầu trên hai gối, ra sức chống cự cái lạnh. Trong cơn ngất ngây, nỗi buồn phiền hiện ra rõ rệt hơn bao giờ hết. Khuôn Mặt Của Định Mệnh, nét bi thương ẩn lộ trên nhiều góc cạnh! Thốt nhiên, sao nghe thật sợ hãi nỗi cô đơn cùng tận trong định mệnh... Niềm u hoài dâng cao, dâng cao khi nhận ra điều rằng cho đến cuối đời, tôi biết mình vẫn còn chưa hết cô đơn!
Sàigòn, thứ Hai 2/8/1976
Rời Dalat sáng sớm hôm nay, trong lòng nghe đã héo, còn héo hon nhiều thêm một chút. Từ bến xe nhìn lên rạp hát Ngọc Lan, tôi âm thầm ngỏ lời giã biệt thành phố đã ôm giữ của tôi ngút ngàn kỷ niệm làm sao!
Trên suốt quãng đường dài Dalat-Sàigòn, như bao giờ, Lương chỉ nói về tôi:
"Suốt từ 1972, lần đầu trước cổng trường Quốc Gia Nghĩa Tử, nhìn thấy Thu Vân trong tấm áo dài đen, dáng vẻ tuyệt vọng, cho đến tận bây giờ, chưa lúc nào em nghe xúc động bằng đêm qua. Đêm qua ngồi nhìn Thu Vân chống tay gục đầu lên bàn, mái tóc rủ xuống, dáng bất động, em đã thật vô cùng sửng sốt. Nơi Thu Vân toát ra cả một nỗi khổ đau cùng cực mà sức con người khó lòng kham nổi. Thu Vân mong manh quá khi ấy. Em sợ hãi, nhưng em chiêm ngưỡng. Thế rồi em thật dịu dàng (trong đời em chưa từng dịu dàng với ai như thế) nói với Thu Vân: 'Mình về cho người ta đóng cửa nhé!', thì Thu Vân lắc đầu. Cái lắc đầu nhẹ nhàng nhưng cương quyết như một mệnh lệnh em không thể cưỡng!"
Tôi lo lắng nói:
"Mình có làm gì bậy không?"
Lương lắc đầu:
"Không. Càng uống, Thu Vân càng lặng im, trên dáng dấp bao trùm một nỗi buồn man mác. Ít ra trong cuộc đời, em từng được chứng kiến một hình ảnh tuyệt diệu. Và phải nói đó là điều may mắn. Sự may mắn đến từ đêm qua khi em ngồi trước khuôn mặt và thân hình mang trọn vẹn nỗi cô đơn của một đứa con nít bơ vơ."]
Buổi chiều, không gian u ám mang sắc thái của một Dalat quãng đời quá khứ. Tôi nghe Lương hỏi:
"Lần cuối cùng Thu Vân gặp anh Ngọc là cách đây bao lâu?"
Tôi không ngạc nhiên với câu hỏi này bởi vì trong vài mảng đời vô cùng khổ đau nào đó của định mệnh tôi, Lương từng giữ vai trò quan trọng của một chứng nhân. Tôi cúi đầu đáp:
"Năm 1981, tại Dalat, thời gian trước khi bỏ quê hương ra đi."
Chúng tôi cùng lặng im. Mỗi người ngậm ngùi mỗi góc. Thật lâu, Lương hỏi:
"Trong hiện tại này, tình cảm Thu Vân có còn khổ đau quay quắt như ngày cũ?"
Tôi lắc đầu, thành thật:
"Ở lớp bốn mươi mới thấy rằng con người nhiều khi chẳng cần đến tình yêu sôi nổi như thuở hai mươi mà cuộc đời vẫn cứ bay bổng thăng hoa."
Lương tỏ ra không hiểu. Tôi cũng không giải thích, chỉ nói thêm:
"Trong mối tình năm cũ cũng như trong cuộc sống hiện tại, cả hai người đàn ông đều có điểm trùng hợp là đã nhìn thấu và làm cho mọi năng khiếu nghệ thuật trong mình phát tiết ra hết. Cả hai đều yêu mình rất thành thật. Cả hai đều ước mong đem lại cho mình hạnh phúc cao nhất. Nhưng khác với Trần Nghi Hoàng, anh Ngọc không mang cảm tưởng nắm được đôi cánh giang hồ của mình. Và cũng khác với anh Ngọc, Trần Nghi Hoàng vẫn tôn trọng và giữ nguyên bản chất mình mà không muốn tìm cách biến hóa nó đi. Mình cảm phục Trần Nghi Hoàng nhiều nhất do ở điều đó."
Lương lập lại câu hỏi ban nãy:
"Thu Vân bằng lòng với hiện tại này?"
Tôi đáp:
"Thực ra thì lúc nào mình cũng đều bằng lòng với hiện tại khi ấy. Tuy nhiên, phải nhận rằng, trong tất cả mọi hiện tại của từng mảng định mệnh tiếp nối nhau từ trước cho đến tận nay, không có một hiện tại nào mà mình tìm được đúng những gì đã đi tìm suốt hơn nữa đời người, như hiện tại lúc này với Trần Nghi Hoàng. Bốn mươi tuổi rồi chứ không còn là thanh xuân nông nổi. Giờ đây, mọi đam mê, tình cảm đều vững vàng chững chạc. Vậy, hà cớ gì mình lại không biết trân trọng những điều đang nắm được trong tay?"
Tiếng Lương vang  nhẹ:
"Thu Vân có thể kể cho em nghe buổi gặp gỡ cuối cùng giữa Thu Vân và anh Ngọc?"
Tôi ngồi im lúc lâu. Tự hỏi mình còn nhớ hay đã quên quãng đời xa xăm cũ? Câu trả lời thật mơ hồ không rõ. Nhớ và quên, sự-hiện-diện và sự-vắng-mặt không phải là điều quan trọng, mà đáng nói chính là tự trong sâu thẳm tâm tư, từ ngày xưa cho tới ngày nay, tôi biết rằng mình vẫn không thể nào lấp đầy hoàn toàn nỗi cô đơn vời vợi bằng hình ảnh một người đàn ông!
Tôi ngậm ngùi nói với Lương:
"Kỷ niệm chính là một loại gia tài làm cho tâm tư và cuộc đời con người thêm phong phú. Đối với mình, đó còn là những nét chấm phá nhiều màu sắc trên bức tranh đời mình từng sống. Con người mình không bạc. Những gì đã trôi qua, mình vẫn thương hoài, nhưng không tiếc và nhất là không bao giờ mong tìm lại nữa. Kỷ niệm lần ấy cũng là như vậy. Ngồi đây chuyện trò với Lương về những gì xảy ra trong quá khứ, đột nhiên sao cứ nghĩ mãi đến tác phẩm Le Train của George Simenon. Tâm trạng chàng nhân vật chính khi ghi lại câu chuyện tình ngắn ngủi khởi đầu bằng một chuyến xe lửa đó, bây giờ mình nghĩ là hiểu được sâu sắc hơn bất cứ lúc nào."
[Dalat 19/8/1981
Ngày thứ hai!
Buổi sáng Cao Quang Ngộ đến sớm, rủ tôi đi dạo một vòng quanh phố. Năm năm rồi mới trở lại Dalat, tâm trạng nghe sao thật ủ rủ muộn phiền. Gió lạnh ngất ngây, phố xá đìu hiu buồn bã. Khu Hòa Bình mất hết dáng vẻ kiêu sa của nó. Nhà hàng Mékong bị đập phá để thay vào đó một quán sách Cách Mạng. Tôi cũng đi qua ngôi nhà cao 4 tầng trên con đường Duy Tân năm cũ, lòng dấy lên chút nào chua xót... Tâm trạng buổi sáng hôm nay giống y hệt tâm trạng ngày nào tháng 3/1975, kẹt lại tại Dalat, đi trên phố cũ mà lòng bàng hoàng không tìm thấy được dấu vết xưa.
Đang bước song song cạnh nhau, bỗng nghe Ngộ nói:
"Một lần anh và Gigi đến ngôi nhà nọ để xem cái piano thì thấy có người đàn ông dáng rất gầy, đang gục say, đầu úp xuống bàn, cạnh cái piano. Anh chưa kịp tìm biết là ai, đã nghe Gigi bảo: bác Ngọc đó ba à!..."
Tôi kêu lên:
"Bao lâu rồi?"
"Khoảng bốn tuần trước."
Bỗng dưng trong tim nghe như dậy lên một nỗi đau ghê gớm từ tiềm thức nào quá khứ. Đồng thời cũng như một hạnh phúc bất ngờ thoáng hiện làm chao đảo tâm tư.
Buổi chiều cùng với Cao Quang Ngộ và cả nhà đi chơi phố tiếp. Trong lúc chờ mẹ vào thăm o Sửu, tôi đề nghị Ngộ cùng mấy đứa em lái xe thẳng vô Nguyễn Hoàng.
Từ Phan Đình Phùng dẫn vào khu nghĩa địa, bao nhiêu kỷ niệm sống dậy từ từ sau sáu năm im ngủ. Từng ngôi nhà hiện ra là từng nỗi bàng hoàng cựa mình trở giấc. Con đường quạnh hiu năm xưa đã biết bao lần tôi từng in gót chân mong manh và cái tâm hồn tả tơi tuyệt vọng. Biết bao lần tôi đến ngồi nơi những nấm mồ trong khu Mã Thánh để cầu nguyện cho mình lại được lên đường phiêu bạt lãng du!
Cuối cùng khi nhìn thấy căn biệt thự xinh đẹp màu đỏ của anh đơn độc chơ vơ nơi đầu dốc con đường Nguyễn Hoàng vắng vẻ, tôi nghe trái tim mình đập rối loạn. Ngôi nhà năm xưa tôi từng chôn chặt khối tình tuyệt vọng, ngày nay sao vẫn còn mãnh lực làm tê dại cả thân hình? Nghe như có gì khuấy động đến đau thấu trên từng sớ da khi nghĩ lại thời gian tháng 3/1975 ngày cũ... Vậy mà chưa một lần trong sáu năm qua tôi lại mang ý nghĩ hận thù con người đã tạo ra cho mình nỗi đau đớn mênh mang!
6 giờ chiều trở về khách sạn.
Chưa kịp thay áo đã thấy người bồi phòng vào báo có ai muốn gặp. Trái tim tôi như muốn bật tung khi từ trên bậc thang cuối của khách sạn nhìn xuống đã thấy anh và Triệu Trung Tiên đang ngồi đợi. Trong cuộc tình năm cũ, chúng tôi trải qua rất nhiều kỷ niệm đẹp. Thì buổi chiều nay, sự gặp gỡ sau sáu năm cũng tràn đầy xúc cảm. Phòng khách ấm áp lịch sự theo lối kiến trúc Tây Phương. Tôi đi từ cầu thang xuống, gần như chạy khi thấy anh từ ghế salon nhổm dậy. Cả hai lao thẳng vào nhau. Bốn bàn tay tìm nhau xiết chặt.
Anh chẳng đổi thay gì mấy. Trên bộ dáng cao gầy với cái pardessus bằng nỉ đen, tóc dài quá cổ, đầu đội mũ laine xanh, đôi kính trắng nơi mắt, anh làm tôi nhớ lại một hình ảnh thật khinh khoát nghệ sĩ đã từng nhìn thấy trước đó 6 năm. Hơi thở anh nồng nàn mùi rượu. Toàn thể ánh mắt và nụ cười rạng rỡ hân hoan.
Tôi nghe anh kể:
"Sáng nay anh Tiên nhìn thấy em trong quán café khách sạn Dalat, vội đến nhà báo cho anh hay. 1 giờ trưa, anh cùng anh Tiên đến đây tìm em, không gặp, lại bay ngay đến bác sĩ Thực, cũng không gặp. Nên anh ngồi lại đó uống rượu, chờ đến chiều trở lại khách sạn tìm em."
Tôi quay nhìn Triệu Trung Tiên, lòng dậy lên xúc cảm. Ngày xưa, tôi và anh kết hợp với nhau thành một hình ảnh đẹp trên sân khấu Duy Tân Dalat. Nhiều người bạn từng chiêm ngưỡng và nói lên điều ấy. Triệu Trung Tiên cũng là một trong số bạn cũ. Sáu năm trôi qua rồi mà hình ảnh xưa vẫn chưa tan biến trong lòng bè bạn. Để đến nỗi vừa nhìn thấy tôi là họ phải nghĩ ngay đến hình ảnh anh trong một nối kết muộn màng.
Anh đến bên quầy rượu, lấy ra ba cái ly nhỏ, rồi thật bất ngờ, rút chai rượu từ trong túi pardessus, rót đưa mời tôi và Triệu Trung Tiên. Anh lại châm cho tôi điếu thuốc lá, cử chỉ dịu dàng âu yếm. Tôi nhìn sững để cũng bắt gặp trong đôi mắt anh ngập tràn sự đắm say hớn hở. Tôi hỏi:
"Anh hiện đang làm gì?"
"Anh chẳng làm gì cả."
"Anh bỏ đàn rồi sao?"
"Phải! Anh bỏ đàn đã từ lâu lắm."
Một nỗi lặng im xúc động vậy phủ ba người.
Đột nhiên anh nói:
"Anh có lỗi với em nhiều lắm. Ngày xưa anh thật hẹp hòi ích kỷ nên đã mất em. Anh phung phí đi quá nhiều cái hạnh phúc ngày đó. Sáu năm nay, anh suy gẫm đủ mọi mặt để kết luận được một điều rằng chỉ có anh thôi mới là kẻ đáng trách."
Tôi lạ lùng nhìn anh, một con người sôi nổi đam mê như đang bày ra trước mắt. Không bao giờ tôi tin rằng anh còn muốn gặp lại, nói gì đến tình cảm tràn trề tỏ bày như thế?
Tôi cúi đầu:
"Nhưng chúng mình không thể phủ nhận rằng ngày ấy anh đã mang cho em hạnh phúc cao nhất."
Bàn tay chúng tôi vẫn nằm trong nhau, tôi nghe năm ngón dài của anh xiết lại mạnh mẽ. Cũng nghe anh nói, giọng thật buồn và xúc động:
"Hạnh phúc anh đem lại dẫu có to lớn bao nhiêu cũng không thấm gì so với nỗi khổ đau mà anh đã tạo ra cho em ngày đó. Sáu năm nay, anh ân hận thật nhiều. Có những đêm, anh bị dày vò đến không ngủ được."
Dáng vẻ anh thật lạ kỳ khi phô bày nội tâm sâu kín. Hình như men rượu khiến anh trở nên sôi nổi? Nên buổi chiều nay, trong không khí ấm áp của một khách thính sang trọng, tôi như bắt gặp lại đúng một Phùng Kim Ngọc của thuở ngày xưa.
Tôi cũng nghe giữa trái tim mình có điều mang mang đau đớn. Trong cuộc đời tình cảm đầy bão tố từ trước, chưa người đàn ông nào tạo được cho tôi nhiều cảm xúc như anh đã tạo. Tôi cơ hồ bị cuốn hút vào khuôn mặt và tiếng nói anh đến sửng sốt; lòng thấm cảm nỗi nhói buốt với ý nghĩ rằng "Cớ sao chúng tôi lại mất nhau?"
Anh tiếp:
"Sáu năm nay, anh lên án mình thật gắt gao nghiêm khắc. Anh nói ‘chúng mình’ mà thật thì chỉ có anh thôi mới là kẻ phung phí nhiều cái hạnh phúc mình đạt được ngày cũ. Em đã đem cho anh một tình yêu và đam mê cao nhất, trong đời anh chưa từng gặp, nhưng anh lại hẹp hòi ích kỷ quá mà đánh mất nó đi."
Trong điệu nói ấm áp của anh, tôi tưởng như có vương dòng nước mắt:
"Càng những năm về sau, anh càng tự mình phân tích kỹ hơn mọi việc xảy ra trước đó. Từ đêm đầu tiên gặp gỡ và tình yêu nẩy nở ở Nha Trang; từ cuộc sống ngắn ngủi và danh vọng chung ở Dalat, cho đến cuối cùng là sự tan vỡ năm xưa, em mãi mãi bỏ ra đi... Anh suy gẫm cặn kẽ mọi sự để nhận thức được một điều quan trọng ghê gớm rằng anh và em có hai bản chất trái ngược nhau nhưng lại bổ túc cho nhau một cách thật hoàn hảo. Chúng mình y hệt như hai nhân vật trong tác phẩm của Hesse mà mình từng đọc chung những ngày còn ở Dalat. Dẫu rằng suốt đời, Goldmund giang hồ xa Narzissus rồi cuối cùng trong ngày trở về đã gục chết trên tay Narzissus, thì chàng vẫn là người duy nhất được Narzissus quý trọng thương yêu. Chàng làm phong phú cho tâm hồn Narzissus hơn bất cứ ai và thứ gì khác."
Anh ngưng ngang câu nói, nhìn tôi thật sâu. Mãi sau, cúi đầu trầm giọng:
"Em chính là chàng Goldmund phiêu bạt ấy của anh."
Đêm sâu hơn trong tiếng gió rít mạnh trên đồi thông nơi con đường Yersin hun hút. Từ nhà thờ con Gà, tiếng chuông ngân dồn điệu nhạc trầm ai. Anh châm thêm cho tôi điếu thuốc lá. Tôi cúi đầu, lắng nghe trong hồn mình nhịp gõ đều đều của một nỗi tiếc thương ngơ ngẩn. Sáu năm rồi, vậy mà mọi sự tưởng như chỉ mới xảy ra ngày hôm trước! Tôi ngước nhìn anh, bày tỏ:
"Thật lâu rồi, em mới gặp anh. Em mất hẳn thăng bằng kể từ ngày bỏ ra đi khỏi Dalat. Và có những lần rơi xuống thấp nhất trong nỗi khổ đau buồn bã, em chỉ nghĩ đến anh. Kỷ niệm về anh giống như luồng ánh sáng mỏng manh để em níu kéo trong những cơn cuối cùng tuyệt vọng. Cho đến mấy lúc gần đây, soạn đọc lại tất cả các tập nhật ký cũ, em đã sửng sốt đến không ngờ ngày ấy mình lại có thể sống và mãnh liệt khổ đau như vậy."
Đôi mắt anh đăm đăm vào tôi (và hình như anh khóc?)
Tôi nhìn thẳng anh:
"Em định, một lúc nào trước khi bỏ quê hương ra đi, em sẽ cố một lần tìm đến anh để nói với anh chỉ một điều duy nhất..."
Anh chờ đợi, vẻ nôn nóng hiện rõ trên mặt.
Tôi cúi đầu trầm giọng:
“Ít ra mối tình năm cũ anh trao cho em không phải là uổng, bởi vì chính em cũng đáp lại anh xứng đáng bằng một tấm lòng tha thiết. Ít ra với những khổ đau em mang đến trong cuộc đời anh, anh cũng đã được đền bù bằng nỗi bóp thắt tàn nhẫn trái tim em trong hành động bỏ em ra đi.”
Tôi lặng im. Và anh cũng lặng im. Cuối cùng, anh rót thêm rượu vào ly tôi, dáng xúc động, lúng túng. Mãi sau, anh nói nhỏ, giọng run run nước mắt:
"Anh cũng muốn nói với em như vậy: ‘Tấm tình em trao cho anh ngày ấy cũng không phải uổng; bởi vì cho dù có làm em đau đớn bao nhiêu thì anh vẫn chỉ yêu em, nghĩ về em suốt sáu năm qua và sẽ còn mãi mãi về sau!'"
Rồi anh kể:
"Thời gian đầu sau Cách Mạng, anh còn đánh đàn để kiếm 12kg gạo và một chỗ đứng yên ổn cho con cái. Nhưng ngày tháng càng trôi, anh càng nhận rõ rằng mình không còn hứng thú gì nữa trong âm nhạc. Em ra đi khỏi đời anh, đem theo của anh hết mọi đam mê xúc cảm. Vì vậy mà anh đánh đàn như một cái máy, tâm hồn không thể nào tìm ra được nỗi rung động như trong thời gian cũ với em. Điều này đè nặng lòng anh, ngày càng thêm nặng nề sâu sắc. Thế rồi anh quyết định bỏ đàn. Cả một giới văn nghệ ở Dalat rất trọng vọng và thèm muốn có anh hợp tác. Nhưng với lòng riêng, có gì còn đáng cho anh phô diễn nữa đâu? Đối tượng nghệ thuật của anh đã rời xa; anh nào thiết tha một chỗ đứng trong giới văn nghệ tại Dalat. Ngày ngày anh cứ tà tà uống rượu, chạy xe moto không bảng số... Vậy mà chẳng một người công an nào muốn hỏi giấy tờ anh..."
Và anh mỉm cười, nụ cười kỳ lạ.
Tôi kinh ngạc trước thái độ sôi nổi của anh. Cũng nghe trong tim mình dấy lên mối buồn man mác. Tôi nói:
"Em cũng vậy. Kể từ ngày đi khỏi Dalat, em không còn tìm ra hạnh phúc, dù nhỏ nhoi đến đâu chăng nữa. Em làm việc với nhiều pianiste  khác, nhưng phải thật mà nói, em không gặp ai tài hoa hơn anh, nhất là không ai hết lòng nâng tiếng violon em lên tới đỉnh cao như anh đã làm ngày đó cho em. Có một đêm đi dự một cái party với cây violon, em đã tuyệt vọng uống đến say, rồi vào toilette khóc. Trên đường khuya trở về một mình, em phải đau đớn tự kêu lên rằng: ‘Cuộc đời này thôi đã hết! Âm nhạc và đam mê không thể nào tồn tại khi mà em đã mất hẳn anh!’ Ngày đó, anh đem cho em quá nhiều hạnh phúc, từ tình yêu cho đến âm nhạc, từ nghề nghiệp cho đến đời sống. Nhưng rồi, như anh nói, chúng mình đành bỏ mất. Tuy nhiên em không nghĩ ai là người đáng trách. Trước một định mệnh cay nghiệt, cả anh lẫn em đều thật nhỏ bé làm sao!"
Dáng vẻ anh mang đầy tiếc nuối
"Suốt đời anh nhiều lần lầm lẫn. Nhưng sự lầm lẫn to tát nhất chính là đã phung phí quá nhiều những gì nhận được từ em."
Rồi nhìn đồng hồ tay, anh nói:
"Chúng mình đi đến nhà anh Thực đi! Anh thèm đàn lại với em!"
Tôi lắc đầu:
"Anh chờ cho em một lát! Em có hẹn với Cao Quang Ngộ lúc 7 giờ. Anh có nhớ Ngộ không? Người đàn ông mà anh rất căm thù trong Duy Tân ngày trước?"
Anh cúi đầu nói nhỏ:
"Ngày xưa anh hẹp hòi ích kỷ quá trong câu chuyện về anh Ngộ. Anh xin lỗi em!"
Tôi thấy mình thật xúc động:
"Nhưng sự hẹp hòi ấy phát xuất từ lòng anh yêu em ghê gớm!"
Anh tiếp ngay câu nói:
"Cũng vì vậy mà anh mất em!"
Tôi mỉm cười:
"Anh có nhớ ngày xưa, khi hiểu được nỗi đau khổ ghen tương của anh về Ngộ, nhiều lần em đã xin anh nên nhận lời mời dùng cơm của anh ấy; để trong cuộc gặp gỡ tay ba này, em minh chứng được với cả hai người đàn ông tấm tình lớn lao trong em, chỉ có anh duy nhất là người được sở hữu. Ngày xưa anh không hề nhận đề nghị. Đêm nay chúng mình đang trở lại điều ấy. Mình sẽ mời Ngộ cùng ăn một cái gì..."
Tức thì anh vụt nói:
"Ngày nay, điều ấy còn ích lợi gì nữa đâu em?"
Trong âm vang sao như vương dòng nuối tiếc.
Cao Quang Ngộ đến trễ quá nên cả ba chúng tôi rời khách sạn ra đi. Lúc nhìn thấy cái moto của anh đậu ngoài sân, tôi chợt nghe lòng đau nhói. (Ngày xưa, anh thường tỏ bày với tôi nỗi ưa thích cho các loại moto và thường vẽ vời ra trong ánh nhìn thích thú: 'Anh sẽ mua cho bé bộ đồ da và cái nón sắt. Rồi sẽ chở bé phóng xuống Nha Trang qua ngã đèo Ngoạn Mục. Bé sẽ ngồi thõng hai chân như con trai, cây violon ôm vào giữa bụng. Tóc bé bay xòa trong gió. Đi đến đâu, thích thì mình ngừng lại và bé sẽ kéo violon giữa trời cho anh nghe." )
Tôi nhớ lại... Và mỉm cười, nói:
"Ước mơ ngày xưa của anh đã thành tựu. Anh có cái moto đẹp quá!"
Anh bật kêu:
"Nhưng mà ngày nay anh đã mất hẳn em rồi!"
Chiếc xe phóng ào ào trong đêm tối, qua ngõ Bờ Hồ có ánh đèn mờ ảo tỏa ra từ nhà Thủy Tạ. Trời lạnh đến cóng người. Trong tim tôi dấy lên mối buồn mất mát. Anh quay lại hỏi:
"Em có lạnh không?"
Tôi lắc đầu, khe khẽ ngân nga bài hát ngày xưa cả hai vẫn hát với nhau:
"The shadow of your smile when you're gone
Will color all my dream and lights the dawn
Look into my eyes, my love, and see
With the lovely things you are to me
Our wishful little star was far so high
A teardrop kissed your lips, and so did I
Now when I remember Spring
All the joys that love can bring
And I' ll remember You
The shadow of your smile..."
Tôi nói:
"’Our wishful little star was far so high'. Vì sao ước mơ của chúng ta thì xa quá.  'A teardrop kissed your lips, and so did I’. Một giọt nước mắt hôn đôi môi em, và anh cũng khóc vậy thôi!... Bi thảm nhưng vô cùng đẹp. Anh có thấy giống với nỗi đau khổ của chúng mình không?"
Giờ phút này, tôi không ngờ anh lại trẻ trung dường ấy sau bao nhiêu năm đấu tranh với cuộc sống mệt mỏi và cái nội tâm buồn phiền rách nát. Tôi lạ lùng cảm động vì tấm tình sâu đậm của anh, đồng thời nghe thật bồi hồi theo những gì ngắn ngủi của hiện tại. Với tôi, người đàn ông này quả có sức thu hút mãnh liệt. Trước mặt anh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn chỉ thấy mình giống như một đứa trẻ con bé nhỏ bơ vơ.
Trong nhà bác sĩ Thực.
Anh ngồi ngay vào piano, dạo lên những âm thanh thánh thót; đầu tiên là bản Hương Xưa mà anh biết tôi từng yêu thích. Nhìn tôi, mỉm cười, anh nói:
"Bài này anh hay bị em la vì câu cuối đàn sai!"
Tôi ngạc nhiên đến xúc động khi nghe anh nhắc lại một kỷ niệm cũ. Con người tôi, cuộc đời và tâm hồn chỉ là biểu tượng cho nỗi lãng mạn thi vị; tôi ôm ấp ghi giữ kỷ niệm như những báu vật... Chứ còn anh? Thực tế mạnh mẽ quá, suốt sáu năm qua phải tranh đấu ghê gớm mới mong đứng vững, có lý nào một kỷ niệm nhỏ trong quãng đời cũ, anh lại chẳng quên?
Mười ngón tay anh bất ngờ chuyển qua bản Unchained Melody. Ngước nhìn tôi, ánh mắt thật buồn, anh cất tiếng hát:
"Oh! My love, my darling
I've hungered for your touch a long lonely time
Time goes by so slowly
And time can do so much
Are you still mine?
I need your love
I need your love
God speeds your love to me..."
Âm nhạc và tiếng hát anh xoáy buốt lại với nhau trong nỗi buồn vô cùng để trong không gian lạnh giá của Dalat đêm nay, tôi tưởng như đang được sống lại kỷ niệm ngày nào trên sân khấu Duy Tân. Những âm thanh cuồn cuộn từ đôi bàn tay phát ra dập dồn như thác lũ; toàn thể con người anh như được bao bọc trọn vẹn bởi đam mê. Mười ngón dài vẫn không ngừng nhảy múa trên hàng phím trắng và cả thân hình gục hẳn xuống trước cái dương cầm. Anh hát theo tiếng đàn, bản nhạc Unchained Melody có những câu thiết tha buồn bã. Rồi cứ mỗi lần đến những chữ "I need your love", anh lại ngẩng đầu lên, nhìn tôi bằng đôi mắt sáng ngời đau khổ.
Tôi sững người, ngắm nhìn người đàn ông trước mặt với cái tâm trạng nhói đau kỳ quặc. Trong cuộc tình năm cũ, tôi đã nhiều lần nghe anh đàn, nhưng chưa lần nào ngạc nhiên -như đêm nay- vì sự vượt bực tài hoa của anh. Hình như đêm nay, anh bị phấn khích dữ dội? Tôi không biết được; chỉ cảm nhận, qua âm nhạc của anh, hạnh phúc và đau khổ cùng đạt lên tới một cao điểm mãnh liệt.
Từ anh, tôi cũng như lây với niềm tê tái. Sáu năm qua rồi, không bao giờ tôi nghĩ mình còn được nhìn lại vóc dáng này với trọn vẹn say mê như vậy. Trái tim tựa hồ bóp thắt. Nỗi buồn mênh mang tràn ngập thâu thân. Trong cuộc đời tình cảm đầy giông bão, có thể nói rằng anh là người đàn ông duy nhất -mà khi gặp lại- vẫn có đủ khả năng làm đau đớn được trái tim tôi dù cho bao năm xa cách. Anh "lớn" quá trên nhiều mặt. Nhất là đêm nay, trong không gian giá lạnh của Dalat, anh hiện diện lại trong tư thế một nghệ sĩ thực sự ngày nào đã từng khiến tôi say mê ngưỡng phục. Tôi nghe tiếc nuối những gì đã mất. Tiếc 10 ngón tay tài hoa như những chiếc đũa thần đem cho tôi hạnh phúc. Và đâu đó trên khuôn mặt anh, niềm tiếc thương này cơ hồ cũng thấy lộ ra...
Cho đến khi Ngộ tới, anh ngưng đàn, bắt tay Ngộ, nói:
"Tôi xin lỗi anh! Ngày xưa tôi đã nghĩ sai về anh nhiều quá!"
Ngộ không hiểu gì cả. Nhưng tôi thì hiểu do đâu lại có lời xin lỗi trong một con người nhiều kiêu hãnh như anh. Nâng ly rượu đưa tôi, anh mỉm cười phân trần, vẻ xấu hổ:
"Lâu quá anh mới đàn lại hứng thú như đêm nay. Tay anh lao động nhiều nên cứng quá."
Tôi cũng cười, quay qua nói cùng chị Thực:
"Sáu năm trước, nếu bọn em đến đây, chị hẳn sẽ rất thích thú khi nghe cả hai hòa nhạc. Ngày nay đã hết. Em và anh Ngọc đã mất nhiều thứ, nhất là âm nhạc..."
Anh ngậm ngùi nói tiếp, đủ cho một mình tôi nghe:
"Chỉ vì em bỏ anh mà đi!"
Trái tim tôi thắt lại, lặng im không tỏ bày gì nữa. Định mệnh sao thật muộn màng tơi tả. Ngày nay hiểu được lòng nhau thì mọi sự đã vĩnh viễn nát tan.
Chúng tôi uống rượu và trò chuyện. Những câu chuyện cũ thật buồn được khơi lại trong làn khí lạnh Dalat. Tôi nghe anh hỏi:
"Em có nhớ anh Thăng, quản lý dancing Duy Tân? Anh ấy hiện đang là cán bộ cao cấp của công ty du lịch Dalat, một người đàng hoàng ngăn nắp và không có chút gì tính nghệ sĩ. Vậy mà gặp anh, anh ấy vẫn nhiều lần bày tỏ rằng không thể tìm thấy được sự kết hợp nào đẹp đẽ và xứng đáng hơn sự kết hợp mối tình cùng tài năng của cả hai chúng mình ngày đó trên sân khấu Duy Tân... Những người bạn thì tiếc nuối, trong khi chính anh lại là người phung phí quá nhiều những cái gì từ em mà anh nhận được."
Tôi hỏi riêng anh:
"Có bao giờ anh hoài tưởng cây đàn violon của em?"
Anh gật đầu, vẻ vô cùng buồn bã:
"Suốt sáu năm nay, với anh, đó là nỗi ám ảnh nặng nề nhất mỗi lần gợi nhớ trong đêm vắng. Tiếc cây đàn và đôi bàn tay tài hoa. Tiếc đôi mắt to khờ dại anh đã yêu vô cùng ngày đó. Nhưng trên hết là anh tiếc tâm hồn em, vừa trẻ thơ vừa đam mê, nhân ái. Cái tâm hồn mà dẫu có đốt đuốc đi giữa ban ngày, cũng không thể nào anh còn cơ hội tìm ra..."]
Dứt câu chuyện kể, đột nhiên tôi thấy lòng thật ngại ngần xa vắng. Có cái gì sao cứ mãi trĩu nặng trong tim? Buổi chiều muộn càng trở nên thê lương u ám. Bầu trời đầy mây chập chùng giăng mắc. Bóng tối đêm dài bắt đầu lan rộng không gian.
Tôi và Lương không ai nói gì nữa, mỗi người chìm lắng trong một nỗi niềm riêng biệt. Tôi nghĩ nhanh đến Trần Nghi Hoàng với những ân tình hiện tại. Trong đời sống này, Trần Nghi Hoàng đem được cho tôi rất nhiều an bình tâm tưởng để đến nỗi có lúc tôi tự thấy mình như hư đi hết mọi bản chất. Những kỷ niệm đau lòng không còn dày vò giấc ngủ. Những ám ảnh tang thương không còn quấy phá các giấc mơ. Lâu lắm rồi, tôi cơ hồ không còn nhớ... Bụi thời gian vùi lấp tất cả trong ký ức thâm sâu... Vì vậy mà một lúc nào –như buổi chiều nay- tôi đã nghe bồi hồi thật sự khi lật lại với lòng những trang đời cũ...
Ngày xưa! Ngày xưa!...
Ôi những trang đời ngày xưa (!), giờ đây bay tan tác nơi đâu?
Tháng 10 đầu thu, 1993, San Jose.
Bài thơ Trần Nghi Hoàng, tặng sinh nhật 31/12 (1993).
TRÊN FREEWAY ĐỜI
với chúng ta
tình yêu không phải là những thứ
dịu-dàng-lãng-mạn
mà là
chúng ta cùng có chung
bao vết đời bầm trong trí tuệ thâm sâu
dù vậy
ở mỗi người tôi-em
có riêng một niềm ngạo mạn
u sầu
cô độc
em vẫn là con kình ngư biết khóc
giữa lòng-đại-dương-tôi một phút gió mưa
tôi vẫn là con chim cú giữa trời-khuya-em
cất tiếng kêu gọi hồn
uể oải
có những điều giữa chúng ta
mà tôi-em muốn gìn giữ mãi
như một đứa con
và những đứa con
trên freeway đời
chuyến xe mình vẫn chạy
nhưng còn exit?
quẹo trái?
quẹo phải?
cũng có khi chúng ta cần thay tốc độ
nhưng nên nhớ là
chúng ta đang cùng điều khiển
một chiếc xe đời
em đúng lúc bật đèn
tôi nhịp nhàng đổi hướng
với chúng ta
tình yêu không phải là những buổi chiều vàng
có mây bay lãng đãng
mà là những đêm giông bão cuồng điên
mà là những ngày ngụt ngàn núi lửa
nhưng tinh thể của mỗi người chúng ta
sẽ sáng ngời sau từng giây phút đó
bởi ở trong tận cùng đau khổ
chúng ta chỉ cho nhau lòng chân thực
phải không em?
San Jose. Tháng 3/1992. Một buổi chiều...
Có cơn bão từ Alaska thổi về qua San Jose. Đã gần một tháng rồi gió mưa tầm tã. Bầu trời mây giăng u ám, đường xá ướt át, những chiếc xe di chuyển qua lại làm bắn tung những hạt nước bẩn sang hai bên vỉa phố.
Tôi và Trần Nghi Hoàng ngồi ở cái bàn café nhỏ nơi vòng cung hành lang quán sách. Trần Nghi Hoàng gợi chuyện:
"Mấy ngày nay, em có vẻ xuống tinh thần? Điều gì vậy?"
Tôi lắc đầu:
"Em đang viết một bài về tiểu sử Van Gogh cho Văn Uyển Số Mùa Hạ 1992 nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đời bi tráng cao đẹp của ông."
Trần Nghi Hoàng hỏi tại sao. Tôi không đáp. Nhiều khi lời nói trở nên nghèo nàn hạn hẹp trong việc muốn phô diễn một nội tâm dạt dào nào đó. Nhất là với tôi, kẻ vẫn có thói quen gói kín những khắc khoải riêng cho chính mình.
Trần Nghi Hoàng nhận định:
"Trông em phờ phạc lắm. Có việc gì, cố gắng chia với bố, em sẽ cảm nghe vơi bớt phần nào đi."
Tôi âm thầm cảm ơn chàng. Trên nhiều mặt của đời sống này, chàng là người bạn tốt của tôi. Chàng lưu ý đến tôi trên từng thay đổi nhỏ của nét mặt và ánh mắt. Điều này đôi khi làm tôi bực bội, nhưng cũng rất nhiều lúc khiến tôi cảm kích.
Buổi chiều mưa gió lê thê làm gợi nhớ rất nhanh đến các buổi chiều mưa ở Âu Châu năm cũ. Những ngày sống ảm đạm mịt mờ không tương lai đó đã trở thành quá khứ. Tôi là người luôn luôn yêu mến quá khứ. Đặc biệt những quá khứ khổ đau vẫn được tôi khoác cho giá trị rất cao khi cũng nhờ đó mà tôi có được một hiện tại và tương lai ý nghĩa hơn. Trần Nghi Hoàng là một hiện tại. Cuộc đời chồng vợ năm năm cũng là một hiện tại. Ngày nào, cái hiện tại này trở thành quá khứ hay là sự tiếp nối quá-khứ-hiện-tại, tôi chưa biết. Chỉ có điều không thể phủ nhận rằng hai chữ "ý nghĩa" viết ở trên về hiện tại này đã đạt được một giá trị tương đối cao trên cách nghĩ riêng tôi.
Nhìn những hạt mưa bám lên cửa kính, tôi giải thích:
"Mấy ngày nay, em bị rơi vào một tâm trạng thật là trống rỗng. Không có lý do để phân tích rõ ràng sự việc. Em thấy tất cả những gì mình đang làm, đang sống, tác phẩm mình đang cấu tạo, cho đến cả cuộc đời đang xây dựng từng giờ từng ngày đều chỉ là vô nghĩa."
Khuôn mặt Trần Nghi Hoàng thoáng vẻ ngạc nhiên.
Tôi cười:
"Có lẽ em sẽ không đủ khả năng diễn tả cho bố hiểu được về một sự dày vò không ngớt trong em từ khi thơ ấu. Bao năm, tùy theo từng thời kỳ mà điều này lắng êm hay bùng dậy. Nhưng dù gì thì em biết là nó vẫn hiện hữu. Và đặc biệt mấy ngày nay, viết về Van Gogh, sự dày vò em nói ở trên trỗi dậy rõ rệt hơn bao giờ."
Giọng Trần Nghi Hoàng ái ngại:
"Em suy nghĩ nhiều quá!"
Trời mưa và cái khí lạnh làm cho trái tim mang mang xao động. Những kỷ niệm xưa lơ xưa lắc chen lấn nhau tìm chỗ đứng trong ý nghĩ buổi chiều. Ở với nhau hơn năm năm mà quá khứ tôi, Trần Nghi Hoàng cũng không tường tận mấy. Cái quá khứ có chứa đựng những điều, bao năm rồi vẫn xoi mòn tâm hồn tôi như một chứng ung thư. Tôi kể cho chàng nghe:
"Thuở xưa cha em có hai vợ. Mẹ em là thứ. Bà mẹ lớn bỏ đi lấy chồng khác, để lại hai con gái cho cha nuôi. Bà chị thứ hai sàng sàng cỡ em. Cha rất thương chị này. Tình thương của cha rõ rệt và thiên vị đến nỗi từ khi còn thơ ấu, em đã nhận ra trong mình một mặc cảm bị bỏ quên trước cái nhìn của một người cha.
"Khi em tám tuổi, cha qua đời. Buổi chiều nhận tin cha chết trong bệnh viện, cả nhà đều gào lên khóc. Chỉ có em là không. Thực tình thì em cũng rất xúc động, nhưng nỗi xúc động này chỉ dâng lên tới cổ rồi đứng lại, không tụ thành tiếng khóc để bật ra khỏi miệng. Cứ vậy, suốt cả buổi chiều âm u ngày ấy, trời mưa thật lớn, em đứng trong phòng ngủ, mặt úp vào chiếc pardessus của cha, lắng nghe tiếng nước ào ào trên mái ngói. Lạ một điều là em chẳng nghĩ gì đến cha mà đầu óc cứ gõ nhịp đều theo tiếng mưa rơi.
"Từ đó em cũng không được sống gần mẹ. Vì công việc làm ăn mà mẹ phải đưa cả gia đình đổi sang cư ngụ tại một thành phố khác, chỉ em và đứa em trai lưu lại Sàigòn, dưới cái kỷ luật sắt của một ông cậu cứng rắn và bà mợ tính tình hững hờ lạnh nhạt. Một tuổi thơ biết cảm nhận sâu sắc sự cô đơn và buồn bã bắt đầu đến với em.
"Năm lên 9, em thi đậu vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn. Đây là nơi qui tụ con cái những gia đình thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời ấy. Năm đầu tiên rất khó để được thâu nhận. Trong các kỳ thi lên lớp, nếu không là con ông cháu cha hay học sinh xuất sắc thì dễ dàng bị đánh rớt và loại ra khỏi trường. Từ 9 tuổi, em đã ý thức được điều này nên tự buộc mình học hành rất gắt. Khi ấy với em, thi đậu lên lớp không chỉ là kết quả tốt sau một năm học mà còn mang ý nghĩa cao hơn, sâu kín hơn. Âm nhạc cổ điển Tây Phương đã trở thành cần thiết với em, nuôi sống em, an ủi em. Nó cũng là bạn tâm giao của em, em không thể đánh mất. Em tìm sự trú ẩn trong nó, trao gửi nỗi lòng cô đơn cho nó. Và em thấy được lối thoát thật sự cho cái tâm tư u uẩn của mình."
Tôi cười:
"Em kể bố nghe kỷ niệm này thì bố đủ hiểu rằng thời gian vừa lớn ấy, âm nhạc quan trọng chừng nào với em. Mỗi năm trước mùa nghỉ hè, các nhạc sinh phải trải qua một kỳ khảo hạch lý thuyết. Có đậu lý thuyết mới được vào kỳ thi nhạc khí; mình được ở lại hay phải rời khỏi trường trong mùa học tới cũng là do điều ấy. Ngoài ra, trong niên khóa, các nhạc sinh của từng mỗi vị thầy phải thi riêng với nhau tại lớp hai kỳ đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Năm cuối cùng, kỳ đệ nhất lục cá nguyệt, em chiếm hạng nhì trong khi hạng nhất rơi vào tay một anh bạn, mù cả hai mắt. Đến kỳ đệ nhị lục cá nguyệt, cũng vẫn chỉ anh ấy chiếm hạng nhất, trong khi em hạng nhì. Điều này làm em suy nghĩ. Sau, đi đến kết luận rằng anh bạn kia ‘may mắn’ vì mù cả hai mắt nên ngoại cảnh không làm anh chi phối, tiếng đàn hay ho trong trẻo hơn. Lần ấy, bố biết em đã làm gì không? Em quyết định hủy hoại đôi con ngươi của mình để đạt cho được cái độ bình tĩnh của anh bạn cùng lớp. Nên về nhà, lẻn vào phòng một ông cậu lúc đó đang học Dược, ăn cắp lọ thuốc độc ông vẫn dùng làm thí nghiệm hóa học, rồi tự tay điểm hai giọt vào mắt. Cả mấy chục ông trời đổ ập vào em khi ấy. Em nghe như đau xé ruột gan, như có ai lấy trăm ngàn kim nhọn chọc vào toàn bộ thần kinh. Khi cơn đau dịu xuống, thử hé mắt nhìn, chẳng thấy gì cả, tưởng thành công! Nào dè mọi sự mờ mờ hiện ra, rồi rõ hẳn... Sau này nhớ lại, nghĩ là mình điên. Nhưng nếu có trở lui mọi sự, em tin mình vẫn chỉ hành động như cũ. Bởi vì lúc ấy không phải lý trí dẫn dắt, mà chính là con tim."
Tôi kể tiếp:
"Năm 17 tuổi, em tốt nghiệp violon nhạc cổ điển Tây Phương điểm hạng nhất, đồng hạng với anh bạn mù cũ. Em lại tiếp tục theo học ban đối âm đệ nhị cấp. Lúc này em đã biết mơ mộng xa xăm. Con đường Nguyễn Du có nhiều cây cao với những chiếc lá me bay tới tấp trong những chiều thu xám đã là bối cảnh rất thích hợp cho những nẩy nở tình cảm. Tuy nhiên, trong khi lũ bạn nhà giàu chung quanh, con gái chỉ toàn nói chuyện ăn chơi nhảy nhót, con trai tính chuyện du học nước này nước nọ, thì em lại thâu đêm suốt sáng đọc các tác phẩm của Dostoievski. Cũng giống như âm nhạc, văn chương là người bạn thiết của em từ thuở nhỏ. Em đọc rất nhiều và rất sớm. Đọc tất cả các quyển trong tủ sách gia đình hay bất cứ thứ gì có thể mượn được trong thư viện nhà trường. Nhưng, những nhân vật cùng khổ của Victor Hugo hay Balzac dẫu có để lại trong em một ấn tượng nào đó suốt tuổi thơ, thì cũng không bằng thời gian mới lớn, những nhân vật của Dostoievski đã mở ra cho em một vùng trời khác lạ. Có thể nói là từ Dostoievski mà em được ‘mặc khải’. Em luôn luôn tự hỏi, trên đời sao lại có những kẻ khốn cùng đến vậy? Ai sẽ là người xoa dịu được cho họ những đau thương?
"Cũng thời gian này, chiến trường miền Nam sôi động dữ dội. Em có hai lớp bạn, một ở trường nhạc và một ở trường văn khoa. Trong khi các bạn ở trường nhạc lần lượt mời em dự tiệc tiễn đưa lên đường du học ngoại quốc, thì em cũng nhận tin chết của nhiều người trong nhóm bạn kia trên các chiến trường miền Nam. Một khái niệm về giai cấp xã hội, giữa người giàu với người nghèo, giữa giới thống trị và giới bị trị bắt đầu làm em suy nghĩ. Và em chuyển hướng đọc qua lịch sử, say mê nghiền ngẫm từng pho sử lớn. Thời kỳ Pháp thuộc có những cuộc khởi nghĩa đánh Tây làm dội lên trong em những tình cảm đặc biệt. Cuộc nội chiến hơn hai mươi năm với mọi góc cạnh bi thương của nó chiếm ngụ ý nghĩ em nhiều hơn bất cứ điều ao ước nào trong tuổi thanh xuân.
"Khi ấy đang học năm thứ ba của lớp đối âm đệ nhị cấp trường Nhạc, em tự mình quyết định bỏ ngang. Với ông thầy vẫn uốn nắn em từ nhỏ, em là một nhạc sinh có triển vọng tài hoa nên ông chẳng hiểu tại sao em không tiếp tục theo đuổi âm nhạc. Nhưng với em, âm nhạc không còn đạt được cao điểm say mê nữa. Ngày nay, có lúc nghĩ lại, em thấy mình nông nổi. Nhưng ngày ấy quả thật em đã ngu xuẩn đồng hóa âm nhạc cao đẹp với một xã hội thượng lưu gồm những đứa bạn con nhà quyền thế đi học bằng xe hơi sáng loáng có tài xế đưa rước, mở miệng ra đối đáp với nhau bằng tiếng Tây y hệt những đứa Tây con; gồm những cuộc thi mà hết 90 phần trăm các vị giáo sư giám khảo khi quyết định chấm điểm đậu cho các nhạc sinh đều xét vào lý lịch xem có  phải là con ông cháu cha hay con một đại thương gia Chợ Lớn nào đó? Cái xã hội ấy đã un đúc em trong một tinh thần hướng thượng suốt bao năm dài đằng đẵng, nay lại làm em ghê tởm. Và rồi trong những ngày mới lớn ấy, có một câu hỏi cứ dày vò đầu óc em: ‘Thượng Đế có thật công bình hay không?’"
Tôi xin Trần Nghi Hoàng điếu thuốc lá. Trong làn khói mỏng quyện lên mờ ảo như buổi chiều sắp tắt, cuộc đời hơn hai mươi mấy năm trở về rõ nét trong trí nhớ.
Tôi kể tiếp:
"Năm 22 tuổi, em lập gia đình và có đứa con trai với một người đàn ông. Cuộc liên hệ sớm chấm dứt, để lại trong tâm hồn em một ấn tượng sâu đậm. Tự dưng, em thấy sợ hôn nhân, sợ sự ràng buộc vợ chồng, nhất là sợ một cuộc đời cô đơn vời vợi bên cạnh người đàn ông thiếu chung thủy. Hôn nhân từ ấy làm em kinh hãi; ý nghĩ dừng lại bằng một đời sống lứa đôi mất hẳn chân đứng trong em.
"Và rồi em đi dạy. Cô giáo trẻ nhất của trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử Sàigòn, thời ấy đặt dưới quyền hiệu trưởng của ông Hoàng Xuân Thiệu. Ngôi trường này chỉ dành riêng cho con cái gia đình các quân nhân VNCH bị tử trận hay đã thành thương phế. Tại đây, em có dịp đi sâu vào đời sống những học trò nghèo, những trẻ em mồ côi cha, mẹ tảo tần bán buôn cực khổ. Hằng buổi chiều tan lớp, em ngồi lại trên sân cỏ, hoặc nơi cái quán café gần trường để nghe những đứa trẻ thiếu tình thương này trò chuyện. Những tâm hồn ngây thơ tìm thấy nơi em nguồn cảm thông để có thể dễ dàng trút ra biết bao mẩu tâm sự một cách đầy tin cẩn. Những ngày cuối tuần, em thường tổ chức những cuộc picnic Thủ Đức, Suối Lồ-Ồ cho đám học trò. Đêm đêm, từng tốp năm bảy đứa đi bộ từ Lăng Cha Cả đến Yên Đỗ chỉ cốt thăm em dăm phút. Trong các dịp Tết hay nghỉ hè, em dạy đám con gái múa hát, làm văn nghệ đêm này qua đêm khác trong các lớp bỏ trống, còn đám con trai lại tự nguyện ‘gạt-đờ-co’ và làm ‘tài xế’ chở em về trên những chiếc xe đạp mỏng manh.
"Thời gian này phải kể là đẹp nhất trong cuộc đời em. Em nổi tiếng là cô giáo được rất nhiều học trò yêu mến. Những em nhỏ vừa trai vừa gái, thiếu thốn từ tình thương sang vật chất. Những tâm hồn ngây thơ trong lớp tuổi từ 12 đến 18, thuộc và không thuộc vào các lớp dạy của em.
"Tuy vậy, em vẫn nghe buồn trong bụng. Có vài em học sinh nhìn ra nỗi buồn này bởi vì chúng đã đến bên em hỏi nhẹ: ‘Cô cười mà sao thấy như đang khóc?’ Có những buổi chiều trên lầu cao, trong khi đám nhỏ đang cúi đầu làm bài, em ngồi nhìn ra cửa sổ, ngắm những cụm mây trôi biền biệt về chân trời vô định. Lúc ấy em cảm được hạnh phúc mong manh như sương khói, tưởng có mà tuồng như ảo ảnh. Lúc ấy em quên đi mọi hiện tại. Quên lũ học trò. Quên cuộc đời dở dang như cung đàn chùng phím. Và đột nhiên nhận biết ra mình mang cái định mệnh lang thang như một kiếp mây!
"Vậy là cùng với đứa con và cây đàn violon, em bỏ gia đình và Sàigòn mà đi. Em đã đi rất nhiều trong thời tuổi trẻ: các thành phố miền Trung, miền cao nguyên, miền Nam và nhất là Dalat. Em yêu Dalat hơn tất cả. Tại đó, em đã sống quãng đời điên cuồng sôi nổi nhất. Tại đó, em làm đủ thứ nghề để nuôi mình và nuôi con: đi dạy học, biểu diễn violon trong các dancing, đứng bán sách, bán café, bán hoa, có khi đi làm bồi bàn, chùi cầu tiêu trong một nhà hàng Tây nữa. Chỉ riêng một nghề em không hề nghĩ đến: đó là làm điếm! Ngoài ra, không gì khiến em xấu hổ. Cũng không gì làm em sợ hãi. Không cả một giọt nước mắt trào ra trên khóe. Em hút thuốc, uống rượu như một người đàn ông bợm bãi, quay mặt lại trước những mối tình say đắm và sẵn sàng chà đạp những cơn chết lòng của ai đó như một kẻ vô lương tâm. Em giao thiệp với những cô gái giang hồ, những chàng du đãng, tìm thấy tình bạn ấm áp với những người Thượng nghèo nàn đen đủi chung quanh vùng núi đồi em cư ngụ. Có lúc em lên tới đỉnh cao của sự thành công và cũng có khi em rớt xuống tận cùng của cơn thất bại. Em vẫn thường nói đến Dalat với một tình cảm ưu ái là bởi vì nơi đó, em đã trải qua những ngày sống nồng nàn nhất trên cả hai chiều hướng cao và thấp. Nơi đó, em được hoan hô rất nhiều từ tiếng violon buồn rũ, gặt hái và vung phí tiền bạc dễ dàng hơn mọi giai đoạn nào của định mệnh, hưởng thụ sự tự do đúng nghĩa từ tinh thần cho đến đời sống... Cũng nơi đó, nhiều ngày mẹ con em đói rã ruột đến phải đi nhặt các cành khô trên đồi làm củi chụm, hái từng cụm rau lang trong vườn luộc lên chấm nước mắm, thế cho cơm thịt, lót dạ qua ngày. Nhiều đêm, vì không đủ tiền trả, căn phòng em ở trọ trong ngôi biệt thự đổ nát trên đường Calmette, gần Nhà Vĩnh Biệt của bệnh viện Dalat, bị cúp hết điện đóm. Em phải dẫn con trai ra quán café Tao Đàn ngoài phố của cô bạn quen, ngồi từ giờ này qua giờ khác để tránh cái lạnh tàn bạo và bóng tối ghê rợn của căn phòng trọ; có khi còn ngủ lại qua đêm trên những chiếc ghế trống với nỗi sầu vô hạn tại quán café.
Tôi ngừng lời, nhìn hồi lâu ra con đường Số Hai dập dồn xe cộ. Xong, cúi đầu kể tiếp:
"Tuy nhiên, tận trong đáy tim tưởng như đã hoàn toàn lạc lối trước gia đình và xã hội, em biết có một điều vẫn còn tồn tại. Đó chính là sự muốn vươn lên tới một cái gì thật cao quí. Một điều gì giống như Đức Phật Thích Ca hay Chúa Jésus đã dạy cho nhân loại bằng hai chữ ‘tình thương’. Em bị dày vò bởi điểm này. Tâm hồn em không lúc nào được an ổn. Và có nhiều lần em tự tử khi nhận ra cuộc đời mình vô nghĩa quá. Một lần đâm vào ngực bằng con dao mổ của bác sĩ, lún sâu gần 2 cm. Một lần dùng lưỡi lam cắt cổ tay trái mình. Một lần toan bế đứa con trai ba tuổi nhảy xuống vực Tử Thần thác Datangla trên quốc lộ 20 dẫn vào Dalat. Hai lần kia được cứu kịp. Lần thứ ba, chính Thượng Đế đã cứu bằng tình thương cho đứa con trai và nghị lực bất ngờ trở lại trong em."
Tôi kéo dài hơi thuốc lá, kết luận:
"Tuy vậy, không bao giờ em nghe an ổn. Lúc nào cũng cảm thấy như mình chưa làm tròn được cái gì mà mình đã mắc nợ từ tiền kiếp nào xa lắc."
Buổi chiều chuyển nhanh sang màu tối. Cơn mưa vẫn chưa dứt. Tôi nghe Trần Nghi Hoàng nói:
"Bố cám ơn em những điều vừa kể. Nhưng mà sao em không nghĩ rằng chính em đã sống một cuộc đời xứng đáng và tấm lòng em không phải tầm thường như em nghĩ?"
Tôi cười:
"Có lúc em cũng tin như vậy. Nhưng tự trong sâu kín tâm tư, em biết rằng mình đã ngụy tín. Em còn nông cạn hẹp hòi quá. Em chưa đạt được chút nhỏ cái mà em muốn với tới. Mấy ngày nay, viết về Van Gogh, em bị xao động dữ dội. Từ cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp hội họa vĩ đại của ông mà em được nhắc nhớ lại những nỗi dày vò tưởng như lãng quên trong em từ bấy lâu nay."
Một sự im lặng ngắn rơi giữa hai người. Tôi nhìn những hạt mưa bám lên bức tường bằng kính. Hình ảnh những ngày mưa lê thê với bầu trời ảm đạm năm xưa ở Âu Châu trở về nhanh trong trí. Có một sự rung động nhẹ lan trong tim khi nghĩ đến cái hiện tại bình an mà Trần Nghi Hoàng đã đem lại cho tôi.
Tôi nói tiếp:
"Em mong bố hiểu. Trong đời sống chung, có nhiều điều mình không nói được với nhau. Nhất là em, em không nói được với bố. Không có nghĩa rằng em không thương quí bố, mà chỉ đơn giản vì con người em không thích chia xẻ với bất cứ ai những nỗi dày vò trong sâu kín nội tâm riêng."
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Em có quyền không chia xẻ với bố những cái gì em muốn giữ, nhưng còn bố, lúc nào bố cũng vẫn chờ đợi để được nghe em chia xẻ."
Tôi gật đầu:
"Em cảm ơn bố về ý nghĩ ấy."
Rồi lại cười:
"Có một điều, nếu em không nói ra, hẳn bố cũng không bao giờ biết. Đó là trên cái nghĩa của tình thương trong cuộc sống năm năm, bố đem được cho em rất nhiều điều mà em cần thiết: sự bình an, đứa con và một cuộc đời không sóng gió. Nhưng trên cái nghĩa của một tình yêu và sự rung cảm con tim, em thú thật là từ ngày làm vợ bố, điều này thiếu hẳn."
Nét mặt Trần Nghi Hoàng có chiều biến đổi. Tôi khoác tay chận lại:
"Khoan, bố đừng nên lấy làm thương tổn vì những gì em nói thật. Trong đời, em đã trải qua nhiều cuộc tình, đã hiểu rõ những khắc khoải đau đớn, cũng như những đam mê say đắm của tâm tư. Nhưng mà tình yêu là gì? Với em, chỉ là biểu tượng cho cái hình Parabol trong Toán học. Khi em nói yêu một người nào tức là em đã nghĩ phải có ngày em lìa xa người ấy. Với bố, trong năm năm qua, em chưa hề nói yêu bố. Bố đừng nên buồn điều ấy. Bố giữ được em không phải vì tình yêu của em cho bố mà chính là tình thương của bố cho em. Hơn nữa là tình thương và sự bảo bọc của một người cha mà em thiếu thốn từ bé. Bố thành công với em nhiều nhất do ở điểm ấy."
Và tôi cúi đầu nói tiếp:
"Trong đời sống này, em tri ân bố nhiều thứ. Em muốn đối xử tốt với bố, với tất cả mọi người chung quanh, nhưng ít khi thực hành được điều mình muốn. Ví dụ như với bố, em luôn luôn mang mặc cảm mình không phải là người vợ tốt. Em không dịu dàng, em không đầy đủ kiên nhẫn như những người đàn bà khác. Nhất là..."
Tôi ngưng ngang lời nói, ngồi im hút thuốc. Trần Nghi Hoàng ngước nhìn tôi chờ đợi. Tôi cúi đầu tiếp:
"Nhất là cái mặc cảm thiếu sót trong việc gối chăn. Hơn bốn năm nay, kể từ khi Âu Cơ chào đời, em thấy mình không còn là người vợ đầy đủ bổn phận. Em sợ hãi việc ái ân, sợ cái giường ngủ ban đêm, sợ cả bố. Em không biết bố có hiểu hay không, nhưng mà thật thì em rất sợ. Nhiều khi thấy thương bố vô cùng do từ điểm ấy, nhưng sợ thì vẫn không thể chối."
Và tôi cười, nói tiếp:
"Trong cương vị nhỏ hẹp của một người vợ mà em còn làm chưa trọn, nói gì đến những điều cao quí khác? Sự dày vò em nói ở trên một phần cũng từ đó mà ra."
Bóng tối buông sâu trên thành phố. Trời vẫn mưa như trút nước. Ánh đèn của tiệm sách rực sáng lên màu vàng ấm. Tôi nhìn Trần Nghi Hoàng, thấy nét buồn đượm trên khuôn mặt. Mãi lâu nghe chàng nói:
"Em đừng nên tự dày vò mình quá. Lỗi không phải tại em. Suốt chín tháng mang thai Âu Cơ cho đến khi sanh ra nó, em đã quá mệt mỏi. Chưa đầy một tháng sau lại phải mổ ung thư tử cung. Cơn mệt mỏi này chưa dứt thì sự mệt mỏi kia đã kéo đến. Trong đời sống, em lại là người làm việc miên man, suy nghĩ quá độ, ăn uống thất thường, thức khuya dậy sớm, những nỗi này hợp lại làm cho em kiệt sức, từ tinh thần cho đến thân xác. Bố rất hiểu điều ấy. Thành ra, như em thấy, bố thương em nên cũng đã tự chế ngự mình rất nhiều. Chúng mình chưa ai thật sự già thì sự khiếm khuyết này phải kể là một bất hạnh. Nhưng may mắn là chúng mình còn biết tìm ngã thoát: Đó là nghệ thuật và sự làm việc say mê. Em chỉ nên nghĩ như vậy là đủ."
Tôi gật đầu:
"Em cảm ơn bố vì những hiểu biết như vậy. Nhưng em nói thật lòng, nếu bây giờ có phải bị đau khổ vì mất bố, em cũng cam tâm. Bởi vì chính em đã làm ra cái điều không đầy đủ bổn phận trước với bố."
Trần Nghi Hoàng nghiêm nét mặt:
"Đời sống còn nhiều cái đáng để lưu tâm nghĩ ngợi. Nhất là đời sống của những con người bị cái nghiệp nghệ sĩ đeo vào thân như chúng mình. Điều cốt yếu là làm sao giữ cho tâm hồn thanh thản. Em hãy nên nghĩ rằng, giờ đây bố và em không phải chỉ sống cho riêng cá nhân mỗi người, mà chính là sống cho con cái, trên cả hai nghĩa đen và bóng. Tác phẩm cũng là các đứa con mình cấu tạo. Mình không có quyền hủy hoại chúng bởi những điều tầm thường thuộc về xác thân khiếm khuyết. Trái lại, mình phải thăng hoa chúng lên từ những thiếu sót mà mình đã cưu mang."