LỜI TÁC GIẢ

[Một lần đêm khuya, chuyện trò về vấn đề văn chương, tôi nghe Trần Nghi Hoàng nói:
"Mỗi người sinh ra đời ai cũng ít nhiều bị vướng vào một cái nghiệp nào đó. Tình, tiền, danh vọng, hỉ nộ ái ố, luôn cả sự giết người, ăn mày, trộm cắp.v.v..  đều là nghiệp cả. Văn chương cũng là một cái nghiệp, không phải muốn là được."
Lại nghe chàng bày tỏ:
"Bố không lạ nếu bây giờ em cầm cây viết. Bởi bố tin rằng cái nghiệp của em là nghệ thuật. Cả một đời dài hơn ba mươi năm trước đó, em dính liền với cây violon. Âm nhạc, văn chương, thi ca, điêu khắc, hội họa, tất cả đều gom chung thành một mối nghệ thuật."
Tôi ngẫm nhanh những lời Trần Nghi Hoàng vừa nhận định; nghe chàng tiếp:
"Bố thấy trong em cũng có cái nghiệp văn chương đeo đuổi. Bằng chứng là đầu óc em không lúc nào ngừng thao thức theo những đề tài em kể cho bố nghe."
Trong đời sống giữa tôi và Trần Nghi Hoàng dẫu xảy ra rất nhiều đột biến đau khổ, nhưng có một điểm chung chúng tôi không bao giờ bất hòa xung khắc. Cũng nhờ điểm chung ấy mà cuộc hôn nhân lắm khi đi đến chỗ gần như đổ vỡ mà vẫn kịp thời hàn gắn từ ý thức của mỗi phía. Đó là những gì liên quan đến nghệ thuật, từ âm nhạc, hội họa, cho đến văn chương, thi ca. Khiếu thưởng ngoạn và phê bình nghệ thuật của hai chúng tôi giống nhau chi tiết đến độ kinh ngạc. Đồng thời, khuynh hướng làm việc rất nghiêm chỉnh trên con đường viết lách, dù riêng biệt mỗi người mỗi phía, đã thật nói lên điểm may mắn "yêu nhau có nghĩa là cùng nhau nhìn về một hướng" (Saint Exupéry) mà cả tôi lẫn Trần Nghi Hoàng đều được Thượng Đế ban cho.
Tôi tâm sự với chàng:
"Tới giờ phút này, sau khi đã cho ra đời tập bút ký Nước Chảy Qua Cầu và tập truyện ngắn Gã Cùi Và Miếng Dừa Non, rồi tái bản Nước Chảy Qua Cầu viết thêm 100 trang nữa, lại chuẩn bị cho chào đời bộ Tài Hoa Mệnh Bạc mà em dự trù ít nhất phải là 10 tập, viết về tiểu sử các nghệ sĩ hàng đầu trên thế giới, vậy mà em vẫn thấy mình 'chưa ra làm sao' cả. Em đã bỏ âm nhạc, đó là nỗi mất mát ghê gớm cho em. Em bám víu vào văn chương không phải với mục đích trở thành nhà văn mà chỉ là để tự giải thoát khỏi sự hụt hẫng cực kỳ được gây ra bởi cái ám ảnh âm nhạc trong sâu xa tâm khảm."
Tôi nói thêm:
"Một lẽ khác, trong em, thấy còn rất nhiều điều đang đọng ứ nhưng lại không biết làm cách nào phô diễn ra cho hết trên chữ nghĩa."
Trần Nghi Hoàng gật đầu:
"Bố nhận đúng điều em vừa nói, bởi vì ở cạnh em suốt nhiều năm, theo dõi những biến chuyển nội tâm em, thấy chúng vô cùng mãnh liệt. Em nên viết ra hết đi những gì ứ đọng..."
Chàng cười, tiếp câu nói:
"...Nếu không, em sẽ điên mất!"
Rồi chàng gợi ý:
"Nước Chảy Qua Cầu là một tác phẩm thành công vì lối viết lôi cuốn và ý tưởng chân thành trong đó. Ưu điểm của em là gợi nhớ dĩ vãng qua hình thức bút ký, nhật ký. Tại sao em không tiếp tục viết một cuốn thứ hai kiểu như vậy?"
Tôi thắc mắc:
"Bây giờ em đâu còn đi giang hồ như xưa? Kể từ ngày làm vợ bố, đã 6 năm qua, em có khác nào ở tù, ngày đêm chỉ bốn bức tường với đống sách, Âu Cơ, lũ học trò đến rồi đi, không bạn bè giao thiệp, lấy đề tài đâu mà viết?"
Trần Nghi Hoàng lắc đầu:
"Bây giờ ngồi một chỗ, em để cho cái đầu nó phiêu bạt..."
Tôi ngạc nhiên:
"Nghĩa là sao?"
"Nghĩa là em viết lại tất cả mọi việc em nhìn thấy, đối diện, theo dõi hằng ngày trong đời sống. Một kiểu tâm bút. Em rất có khả năng về điều ấy. Ngày xưa em đã đi và sống rất nhiều, Nước Chảy Qua Cầu là kết quả của những bước giang hồ đi và sống ấy. Ngày nay, em ngồi một chỗ, nhưng ai bắt được tư tưởng và ý nghĩ em dừng lại? Em không cần phải đi bằng đôi chân nữa mà vẫn viết lên được một quyển Nước Chảy Qua Cầu khác bằng 'cái đầu đang đi rất xa' của em. Điểm đặc biệt là như thế."
Và Trần Nghi Hoàng kể:
"Bố biết câu chuyện này. Năm xưa ở Sàigòn, Nguyễn Đức Sơn được một anh chàng tên Thành, chuyên xuất bản và phát hành sách, mướn viết một tác phẩm nói lên những cái thật nhất của đời sống từng nghệ sĩ. Nguyễn Đức Sơn nhận tiền xong, viết đến đâu, đưa anh Thành này giao nhà in sắp chữ tới đó, định sẽ xuất bản thành sách. Đến một đoạn viết về chuyện những 'anh sư dân chơi' (trong số có Nguyễn Hữu Hiệu, Phạm Công Thiện.v.v..) cởi áo cà sa đi uống rượu đế, ăn thịt chó, anh chàng Thành hoảng quá, không chịu, đòi cắt bỏ vì sợ văn giới xỉ vả. Nguyễn Đức Sơn giận, không thèm viết nữa. Cuốn sách ngưng ngang xương tại đó."
Chàng nói tiếp:
"Ưu điểm trong ngòi viết em, phản ảnh trực tiếp từ cá chất, chính là sự thành thật. Thành thật đến độ chuyển đạt được sự rung cảm từ chính em đến cho độc giả. Quần chúng thường nhìn vào giới văn nghệ sĩ bằng hào quang mà nghệ sĩ tạo ra trên bề ngoài, danh vọng hay tác phẩm. Ít ai biết được những sự thật xấu xa bên trong tâm hồn và đời sống họ. Em hãy nên làm công việc ghi lại những gì em nhận biết, về những sinh hoạt bình thường của giới văn nghệ sĩ, từ tốt tới xấu, bằng ngòi viết thành thật của em. Năm ba chục năm sau, lớp hiện tại của bọn mình chết đi, ít ra công việc em đang làm bây giờ cũng khả dĩ giúp cho những người đi sau có một cái nhìn chính xác nào đó về giới văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại thời đại hôm nay."
Chàng thêm:
"Cứ thẳng thắn viết mọi điều, miễn vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật, hơn nữa là cá chất, bản tánh của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, viết đề tài này, điều đầu tiên em phải thành thật với mình với người là lẽ đương nhiên, nhưng có một sự cần thiết quan trọng khác là em phải lì, phải cứng cựa để đón nhận hậu quả phản nghịch từ những nhân vật em sẽ đề cập đến trong tác phẩm. Với cả hai điểm này, bố tin rằng em không dở, nghĩa là em sẽ vượt qua dễ dàng bằng nghị lực mạnh mẽ và sự làm việc nghiêm chỉnh của em."]

°

*

Đó là bước gợi ý đầu tiên của Trần Nghi Hoàng để tôi viết quyển Một Truyện Dài Không Có Tên kể từ tháng 11/1991.
Hằng ngày, hằng đêm, tôi khép mình trong căn phòng yên tĩnh, sống chân thành với từng câu chuyện. Cũng chính căn phòng rộng 45 thước vuông, trên lầu hai căn nhà cũ kỹ nhìn ra góc đường William & Số Hai này mà tôi đã cho chào đời Nước Chảy Qua Cầu, Gã Cùi Và Miếng Dừa Non, và cuốn khởi đầu cho bộ 10 tập Tài Hoa Mệnh Bạc đã qua. Bây giờ là Một Truyện Dài Không Có Tên.
Phải nhận, đây là tác phẩm "tưởng rằng dễ viết" nhưng thật rất khó. Với Nước Chảy Qua Cầu, tôi sống một mạch những ý tưởng thênh thang của mình bằng kỷ niệm, bằng nội tâm xúc động như  "con cá gặp nước" (theo Trần Nghi Hoàng nhận xét). Còn với Một Truyện Dài Không Có Tên, điểm khó nẩy sinh ở chỗ làm sao "đạt cho được cái độ khách quan tối đa" trên những sự việc ghi lại bằng ngòi viết của mình. Tôi viết, rồi tôi xóa hàng chục bài dài, rồi lại viết... Mãi vẫn loay hoay không thể nào vừa ý. Nhiều lúc tưởng bỏ, không tiếp tục được. Những xáo trộn trong đời sống riêng có khi làm nghẽn ý nghĩ. Thêm nữa, "đạo đức của trái tim" đối nghịch với "lẽ phải của đầu óc" trên những câu chuyện kể làm xung đột thật nhiều trong tư tưởng. Nghĩa là, cùng một sự kiện nhìn thấy, tôi phải vận dụng cả lý trí lẫn tình cảm để cân đo mà bày tỏ, làm sao cho ngòi viết của mình không bị rơi vào cái vòng mâu thuẫn, loanh quanh.
Một điều đáng nói là kể từ khi tôi đăng bài viết đầu tiên trích trong Một Truyện Dài Không Có Tên trên tờ tạp chí của chúng tôi, (Văn Uyển bộ mới, số mùa xuân 1992), sau đó thêm vài bài khác nữa cũng trên Văn Uyển, trong vòng dư luận bạn bè Trần Nghi Hoàng mười phần thì hết chín tỏ ra chống đối, chỉ một phần lửng lơ ba phải. Có những cú điện thoại gọi đến kêu đích danh Trần Thị Bông Giấy ra mà "xài xể". Có bài báo phỉ nhổ cá nhân tôi và Trần Nghi Hoàng. Có những người bạn phàn nàn thẳng với chàng về "cô vợ tả xung hữu đột đang làm Trần Nghi Hoàng mất đi rất nhiều bạn hữu..." Có những người bạn đang rất thân với Trần Nghi Hoàng, mỗi cuối tuần vẫn hay đến nhà chúng tôi rượu chè bù khú, đột nhiên khi gặp nhau tình cờ đâu đó, lại biểu diễn ngay nét mặt "trong đời chưa từng biết từng quen!".
(Một câu chuyện kể của Trần Quảng Nam thấy cũng cần nên ghi vào đây như một dẫn chứng về điều vừa viết:
Trong bữa họp mặt vui tại nhà ông bà Hàn Phong Cao & Vũ Triều Nghi, qui tụ nhiều tay nghệ sĩ vào một tối thứ bảy, Trần Quảng Nam thắc mắc hỏi ai đó: "Sao không thấy mời vợ chồng Trần Nghi Hoàng & Trần Thị Bông Giấy?" Đào Khanh khi ấy trả lời: "Chắc chẳng thân lắm với Triều Nghi?" Trần Quảng Nam lại hỏi Hoàng Anh Tuấn đang đứng gần: "Sao, ông thi sĩ, lâu quá bỏ anh em, không thấy đến chơi nhà vợ chồng Trần Nghi Hoàng nữa?" Hoàng Anh Tuấn đáp: "Không sợ Trần Nghi Hoàng, mà sợ con vợ của nó. Bữa gặp cuối cùng ở nhà Tami Lê, thấy nó như sắp sửa muốn chửi nên phải tìm đường lỉnh trước. Anh em đến nhà nó, sắp hàng để nghe nó chửi à?"
Kể xong câu chuyện này tại bữa rượu nhà tôi, Trần Quảng Nam cười lên hô hố, vẻ khoái trá hiện trên nét mặt.)
Cũng có những người bạn không lãng xa hẳn, nhưng e dè từng lời ăn tiếng nói mỗi khi có dịp gặp tôi đâu đó. Có người làm ra vẻ thương hại trong hành động "Thu Vân đang bơi lội trong cái bể thù oán của tất cả mọi người..." Luôn cả mẹ tôi cũng nhiều lần phàn nàn các bài viết mà bà cho là "quá thật". Đứa em gái tên Mỵ Châu đang ở Bruxelles cũng gọi điện thoại qua, không phàn nàn như mẹ, mà lại bảo: "Nếu có chuyện gì nguy hiểm xảy ra cho chị, liên quan đến tánh mạng, chị xin anh Hoàng gửi Âu Cơ qua đây, em nuôi nó giùm cho."
Chỉ riêng Trần Nghi Hoàng là người duy nhất luôn luôn khích lệ tinh thần tôi trên công việc hoàn thành tác phẩm. Một Truyện Dài Không Có Tên rõ ràng có cái định mệnh cô đơn giông bão như lời chàng nhận xét. Chàng chưa được đọc bất cứ bài nào trong hơn 1,000 trang tôi hoàn tất từ từ (trừ ra những bài đã đăng trên Văn Uyển), nhưng nhìn cái cách âm thầm làm việc ngày đêm của tôi, nhìn những trang bản thảo mỗi ngày cứ dầy thêm mãi, chàng tỏ ra rất hứng thú, như thể đó chính là đứa con cưu mang của riêng chàng.

°

*

Mãi rồi, tôi thấy tức cười, đồng thời cũng ngập tràn trong tim một nỗi buồn theo những gì chung quanh đang nhận biết. Đời người rồi ai cũng nằm xuống. Mọi chuyện lần lượt như nước chảy qua cầu, trôi vào lòng đại dương sâu thẳm. Tất cả sẽ xóa nhòa theo năm tháng. Luôn cả điều tôi đang làm, tác phẩm tôi đang ghi lại dẫu sẽ gây cho tôi một hậu quả bằng sự chống đối thù ghét của rất nhiều bạn bè Trần Nghi Hoàng một mai khi chào đời của nó, thật tình tôi thấy cũng bình thường thôi.
Cuộc đời, đa số con người vốn ưa điều giả dối. Cái vòng nhân sinh chỉ 60 năm ngắn ngủi, vậy mà tính lại sổ đời, đã mấy ai sống được đôi lần trọn vẹn cho những gì mình nghĩ, mình muốn, một cách rõ ràng trung thật? Tôi tin, nếu có, hẳn là rất ít. Ít, không phải vì đó là điều khó thể thực hiện; mà ít, chỉ vì con người có thói quen sống hợp đoàn, suy nghĩ và hành sử mọi nỗi tốt xấu trong đời sống riêng không theo ước muốn của mình, mà là -một cách nô lệ- nương vào ý thích của mọi người chung quanh.
San Jose, 19/5/1994