- 10 -

Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Đêm đã quá khuya. Ba giờ sáng. Trần Nghi Hoàng đã về phòng ngủ. Tất cả đều tĩnh lặng. Chỉ còn tôi ngồi lắng nghe tiếng nước phun xèo xèo, âm vang cực kỳ buồn tẻ, từ chiếc xe quét đường mỗi đêm vẫn chầm chậm chạy qua đây vào cái giờ vắng lặng nhất của quãng đường Số Hai & William.
Một ngày mới lại đến. Một ngày cũ đã nhanh chóng trôi qua. Tôi ngẫm lại mình. Sự thất bại vẫn là điểm cố định trong đời sống. Lòng có nghe nao nức khi nhìn thời gian trôi đi mà mình vẫn cứ chưa làm được gì ích lợi cho kẻ khác và cho ngay cả chính bản thân.
San Jose. Tháng 2/1993. Một đêm...
Tôi và Trần Nghi Hoàng là hai người đến sớm nhất trong cuộc tiệc mời của Cẩm Hằng và Phạm Việt Cường một đêm thứ bảy. Độ nửa tiếng đồng hồ sau, Mai Thảo xuất hiện. Ông từ cửa chính bước vào, xăm xăm đến ngồi ở cái trường kỷ, vẻ thản nhiên lãnh đạm như không cần để ý mà đáp lại cái gật đầu chào của tôi - khi ấy cũng đang ngồi với Cẩm Hằng và Trần Nghi Hoàng nơi salon.
Đây là lần thứ nhì tôi gặp Mai Thảo. Cái dáng ông cao gầy, khuôn mặt xấu xí với màu da xám xịt; trên đôi mắt hiện rõ vẻ hiu hiu khinh khỉnh. Trong óc tôi nghĩ nhanh đến những lời kể của Trần Nghi Hoàng, Trần Quảng Nam, Nguyễn Tất Nhiên về Mai Thảo với cái lối kẻ cả coi đời bằng vung một cách rất là lố bịch.
Khi mọi người tề tựu đông đủ, Cẩm Hằng mời tất cả vào bàn ăn. Đằng Sơn quay cười với tôi:
"Chị ngồi ở đâu, cho tôi biết, tôi sẽ tránh đi chỗ khác để khỏi bị lạc đạn!"
Tôi cũng cười:
"Một tháng cách xa, gặp nhau đã thấy gây hấn rồi!"
Một người đàn bà trẻ tóc ngắn ngang vai xuất hiện. Cẩm Hằng giới thiệu với tôi là Quỳnh Như, sắp trở thành cô em dâu Cẩm Hằng. Tôi nghe Trần Quảng Nam hỏi Đằng Sơn:
"Đây có phải ‘Quỳnh Như, Quỳnh Như, Quỳnh Như ơi’ hay không?"
Nhìn thấy cái gật đầu của Đằng Sơn, tôi biết rằng đó là nàng thơ trong một sáng tác của anh vẫn được ngâm lên trong các buổi rượu ở nhà tôi.
Hoàng Anh Tuấn và Phương Trâm đến khá trễ. Tôi có hơi ngạc nhiên vì sự lãnh đạm mà Phương Trâm tỏ lộ cho tôi đêm nay. Chị không đáp lại lời chào của tôi dù rằng xưa nay chị đối với tôi không phải là xa lạ. (Tôi tự cười chính mình trong ý nghĩ muốn đợi chờ một tình cảm bạn hữu! Bốn mươi tuổi ngoài, quả tình tôi còn quá "ngây thơ" như Trần Nghi Hoàng thường giễu! Lòng người là cái hố sâu không đáy, khó dò cho rõ. Tôi lại cứ ngỡ mình "hiểu" được "bạn" khi mãi đem cái chân thật của mình ra mà đối đãi. Trên đời dễ có mấy người ưa thích điều chân thật? Và mấy người cảm nhận nổi giá trị của một tình cảm chân thật khi mà chung quanh nó không được bao bằng những cái hào nhoáng phù du!)
Tôi được xếp ngồi giữa Mai Thảo và Trần Nghi Hoàng. Những câu chuyện về đề tài Nguyễn Chí Thiện & Lý Đông A nổ như bắp rang giữa Trần Nghi Hoàng và Đằng Sơn. Tôi nghe Đằng Sơn kể:
"Trần Nhu viết một cuốn sách lấy tên Kết Thúc Vụ Án Thiếu Văn Hóa Của Thế Kỷ XX chửi phe cụ Lê Tư Vinh nhiều lắm. Có cả tên ông và bà Bông Giấy bị lôi vào nữa."
Giọng nói của anh ồn ào như thường lệ khi đào sâu vấn đề cho Trần Nghi Hoàng rõ. Trần Quảng Nam ngồi cạnh Đằng Sơn, giơ một ngón tay bịt vào tai mà nói:
"Cái môn Đại Thanh Đồng Tử Thần Công của ông Đằng Sơn luyện càng ngày càng tấn tới nên khổ cho lỗ tai người khác quá! Yêu cầu ông nói nhỏ hơn đi!"
Nét mặt Đằng Sơn vẫn tỉnh bơ không tỏ ra chút nào lưu tâm đến lời Trần Quảng Nam vừa thốt. Anh vẫn oang oang giọng điệu. Cẩm Hằng lên tiếng bênh vực:
"Nếu Đằng Sơn mà nói nhỏ thì không phải là Đằng Sơn!"
Tôi gật:
"Tôi cũng đồng ý với Cẩm Hằng rằng cứ nên để cho Đằng Sơn nói lớn. Có vậy, cuộc rượu mới hào hứng."
Ngồi cạnh Mai Thảo, tôi thấy ông chỉ nhấp nháp ly rượu mà chẳng ăn gì cả. Tôi mời ông một miếng gỏi dưa leo tôm thịt, ông đưa tay chận lại: "Cô cứ để kệ tôi". Mời món nào cũng bị ông từ chối nên tôi mặc, không tỏ ra lịch sự nữa. Thái độ ông có vẻ cách biệt với tất cả mọi người trong bàn tiệc. Và hầu như cũng chẳng ai lưu ý đến ông. Chỉ riêng cô Quỳnh Như ngồi cạnh ông, đầu bàn phía bên phải là vẫn cùng ông chuyện trò nho nhỏ.
"Tôi đã nói với anh bạn này ông là tác giả của Mười Năm Tình Cũ, vậy mà ông ấy vẫn không tin, cứ hỏi tôi hoài ‘Thật Trần Quảng Nam đây sao?’"
Trần Quảng Nam cười hề hề:
"Tôi cũng như anh thôi, đâu có gì lạ?"
Góc đầu bàn phía trái, tiếng Đằng Sơn vẫn vang vang những câu chuyện kể. Tôi nghe Trần Nghi Hoàng nhắc:
"Ông Đằng Sơn còn thua tôi ba chai Rémy Martin kỳ cá độ trước khi tôi về Việt Nam, ông nhớ chứ?"
Nguyễn Hữu Liêm hỏi:
"Thua độ gì vậy?"
Đằng Sơn gật đầu:
"Làm sao tôi quên! Tôi thua Trần Nghi Hoàng một độ về chính trị. Tôi sẽ đền ông ấy ngay cuộc ruợu tối mai mừng anniversary lần thứ sáu của hai ông bà."
Thế rồi, đột nhiên Đằng Sơn la lớn:
"Tôi vừa mới khám phá ra rằng Khái Hưng có dịch thơ Đường."
Tôi vội nói:
"Vậy anh cho tôi tài liệu ấy khi tôi viết về Khái Hưng nhé!"
Bên cạnh tôi, tiếng Mai Thảo khề khà cất lên:
"
Đằng Sơn như được gãi đúng chỗ ngứa:
"Vậy thì cá không?"
Tôi đã quá quen với cái tánh của Đằng Sơn. Anh không phải là tay cờ bạc nhưng lại rất hay đánh cá vì bất cứ vấn đề gì liên quan đến những câu chuyện văn học nghệ thuật hay chính trị mà anh dẫn chứng. Anh cũng là người trọng chữ tín, đã thua thì nhận và đền chứ không bao giờ cãi chầy cãi cối. Anh hỏi lần nữa với vẻ hăng say cố hữu:
"Tôi bảo Khái Hưng có dịch thơ Đường. Ai muốn độ không? Nói có sách mách có chứng mà!"
Phạm Việt Cường phê bình:
"Chuyện văn học mà đem ra đánh cá làm gì?"
Tôi cười:
"Đánh cá chứ, nếu không, đâu biết ai đúng ai sai?"
Trong bàn rượu, Mai Thảo là người đầu tiên giơ một ngón tay lên nói cùng Đằng Sơn:
"Tôi bắt cá bốn chai với anh. Tôi bảo Khái Hưng chưa hề dịch thơ Đường bao giờ cả!"
(Tôi hơi ngạc nhiên với con số "bốn" mà Mai Thảo đưa ra, nhưng nghĩ liền trong óc rằng có lẽ ông vừa nghe con số "ba chai Rémy Martin" Đằng Sơn thua Trần Nghi Hoàng trong kỳ cá độ chính trị vừa kể, nên muốn chơi trội mà "cá bốn chai" chăng?)
Đằng Sơn nói lớn, vẻ vô cùng thích thú:
"Anh Mai Thảo đã bắt bốn chai, tôi đồng ý theo anh ấy bốn chai. Như vậy là bốn ăn bốn. Còn ai bắt nữa?"
Tức thì tôi giơ tay:
"Tôi bắt theo Đằng Sơn một chai, nghĩa là nếu Đằng Sơn thua, tôi chung thêm một thành ra năm chai."
Trần Nghi Hoàng cũng giơ tay:
"Còn tôi thì bắt theo anh Mai Thảo một chai, nghĩa là nếu phe Mai Thảo thua phải thua năm chai Rémy Martin."
Và chàng thêm:
"Làm vậy cho công bình. Quí vị thấy có fair không? Vợ chồng tôi chủ trương, nếu cần cũng phải đứng ở hai giới tuyến đối nghịch nhau trong các cuộc bàn luận văn học."
Trần Quảng Nam nói với Trần Nghi Hoàng:
"Ông khôn bỏ mẹ! Thua hay thắng gì thì hai ông bà cũng có rượu uống!"
Trần Nghi Hoàng cười to:
"Đâu phải chỉ riêng tụi tôi, mình làm cái cớ để có nhiều rượu cho anh em cùng uống vui cả mà!"
°

*

Câu chuyện cá độ tạm ngừng khi Lý Khôi Việt chợt hỏi Trần Nghi Hoàng:
"Trần Nghi Hoàng đi Việt Nam có mang gì về không?"
Trần Nghi Hoàng đáp:
"Mang được một số thơ Huy Tưởng và thơ Bùi Giáng cùng rất nhiều sách của các tác giả trong nước."
Lý Khôi Việt lại hỏi:
"Ông làm cách nào mà mang ra được hay như vậy?"
Trần Nghi Hoàng cười:
"Có hay gì đâu, chỉ là may thôi. Tụi quan thuế phi trường Tân Sơn Nhất khi lục tung sáu cái valise của tôi, thấy rất nhiều sách, định làm tiền. Ai dè lật một cuốn xem lại đúng ngay chóc là cuốn thơ Từ Ấy của Tố Hữu. Nhờ vậy mà ‘nó’ mới cho ‘đi’ đó chứ!"
Rồi Trần Nghi Hoàng giễu:
"Theo tôi, thơ Tố Hữu có nhiều bài hay..."
Trần Nghi Hoàng chưa dứt lời đã thấy Phạm Việt Cường gật đầu đồng ý, còn Đằng Sơn phát biểu:
"Kỹ thuật thơ của Tố Hữu cao!"
Trần Nghi Hoàng tiếp:
"...Mà bài hay nhất có lẽ là bài Khóc Staline. Trong bài ấy, Tố Hữu có câu thế này: ‘Thương bà thương một, thương ông thương mười’. Bà ngoại hay bà nội gì đó của Tố Hữu chết mà ông ta đâu có đau đớn cho bằng Staline chết! Bài Khóc Staline nếu xét về tội bất hiếu với tổ tông thì đáng đọa địa ngục. Nhưng nếu chỉ xét về khía cạnh thi ca trường phái ‘bợ đàn anh’, thì quả là tuyệt tác. Nịnh lãnh tụ đến cỡ ấy thật siêu quá, không gọi rằng hay sao được."
Mai Thảo chen vào, (giọng khinh khỉnh; cái giọng mà một lần tôi từng nghe Nguyễn Tất Nhiên nhận định là ‘nhựa hơn cả giọng một con đĩ già hết nước’):
"Cái thằng Tố Hữu mà hay nỗi gì! Thằng đó chỉ là thằng Cộng Sản!"
Tôi có phần ngạc nhiên vì hầu như ai trong bàn rượu cũng nhận ra cái ý giễu cợt của Trần Nghi Hoàng khi nói về bài thơ Khóc Staline của Tố Hữu, chỉ Mai Thảo là không.
Trần Nghi Hoàng lại nói:
"Ngay tại San Jose này, nói về thi ca, tôi thấy có một tên luật sư quen cái miệng cãi, vậy mà hắn làm thơ cũng ‘ra gì’ lắm!"
Tôi quay hỏi Trần Nghi Hoàng:
"Có phải bố muốn ám chỉ luật sư Nguyễn Hữu Liêm nhà ta? (Trần Nghi Hoàng gật). Nếu vậy thì em đồng ý!"
Và tôi hướng về Nguyễn Hữu Liêm, đề nghị:
"Xin anh Liêm hãy ngâm bài Những Đêm Sáng Trên Đồi do anh sáng tác và đã đăng trong Văn Uyển số 5 bộ cũ đi!"
Nguyễn Hữu Liêm cười, vẻ lúng túng:
"Bài đó đọc nhiều lần rồi, đọc nữa nó nhàm lắm!"
Trong bàn có nhiều người cùng lên tiếng:
"Nhưng mà tôi chưa nghe..."
[Xưa nay, tôi vốn không ưa giới bác sĩ và luật sư Việt Nam. Trong ý nghĩ tôi, không kể một thiểu số hiếm hoi có lương tâm nghề nghiệp và đạo đức tâm hồn, hầu hết những người trong các giới này, thường được gọi "trí thức" mà thật chỉ là những kẻ biểu tượng cho sự hợm hĩnh vì tiền bạc dễ dàng kiếm được, đặc biệt trong người "chẳng có" mấy chút chữ nghĩa, văn hóa (ngoại trừ các hiểu biết chuyên môn thu lượm từ nghề nghiệp). Giới luật sư, nhất là luật sư tại Mỹ, -được mệnh danh nói dối nhiều nhất- tôi lại càng không có thiện cảm. Với những luật sư càng nổi danh bao nhiêu, mối chán ghét của tôi càng thêm mạnh mẽ bấy nhiêu, bởi, đó chính là những kẻ có khả năng tô đen thành trắng, biến tên sát nhân thành người vô tội bằng miệng lưỡi ma quỷ của mình.
Ý nghĩ này của tôi cũng không thoát ra ngoài trường hợp Nguyễn Hữu Liêm. Sự giao thiệp với anh không được Trần Nghi Hoàng xếp vào hàng thân; với tôi lại càng cách xa nhiều hơn năm, bảy bậc. Anh trạc tuổi 40, bề ngoài nho nhã, có phần khắc khổ, ra vẻ một ông luật sư cứng rắn. Theo những đồn đãi, tôi biết anh là một luật sư giỏi của San Jose, đã từng giữ chức Phó Biện Luận quận hạt Santa Cruz và từng cãi thắng nhiều vụ kiện cho thân chủ mình.
Tác giả của cuốn Dân Chủ Pháp Trị dày hơn 600 trang, anh cũng còn là người tỏ ra rất ưa thích loại nhạc Chế Linh hay hát (mà bạn bè thường gọi là nhạc sến, nhạc máy nước). Luôn luôn hễ có dịp gặp nhau uống rượu là anh lại cất lên một bài ca nào đó trong loại này bằng giọng Quảng Trị của mình một cách rất hào hứng. Có vài người bạn giễu, đặt cho anh cái tên "Chế Liêm", anh cũng hoan hỉ nhận, không chút gì xấu hổ.]
Tôi nói tiếp với Nguyễn Hữu Liêm:
"Tôi biết anh chẳng ưa gì tôi, nếu không muốn gọi rằng ghét! Bằng chứng là tôi vẫn thường nghe Trần Nghi Hoàng kể lại những lời phàn nàn của anh về việc ‘Tại sao Trần Nghi Hoàng lại để cho vợ mình viết những bài công kích anh em lung tung’..., và rằng ‘Làm như thế mất cả bạn bè, không ai dám chơi với ông nữa’. Luôn một lần trong cuộc rượu tại nhà tôi, anh đã nói trước mặt nhiều người là ‘Trần Nghi Hoàng rất sợ vợ!’"
Nét mặt Nguyễn Hữu Liêm trông sượng sùng một chút, nhưng cười cười mà không nói gì cả.
Trần Nghi Hoàng quay sang tôi, phân trần:
"Bố đâu thèm coi lời Nguyễn Hữu Liêm ra cái quái gì! Bố vẫn luôn luôn nói với Liêm rằng: ‘Thu Vân tuy là vợ tôi, nhưng trên chỗ đứng văn nghệ, ngòi viết cô ấy là của riêng cô ấy. Cá nhân tôi nghĩ, những bài viết của Thu Vân chỉ là ghi lại những chuyện thật xảy ra trong giới văn nghệ, chứ không có ý công kích bêu xấu ai cả. Nhưng nếu bảo như ông rằng bạn bè bị Thu Vân công kích thì họ cứ việc viết bài phản đối, làm sao tôi lại có thể tự cho mình cái quyền ngăn cản ngòi viết Thu Vân?’"
Từ góc bàn bên kia, Đằng Sơn chen vào:
"Đã bảo Trần Nghi Hoàng nịnh vợ chỉ thua có Ngẫu Hồ hạng nhất ở San Jose thôi!"
"Em cũng đâu coi lời phàn nàn của Nguyễn Hữu Liêm ra cái gì! Chí ta ta biết, lòng ta ta hay! Em tự biết điều mình đang làm, không xấu hổ lương tâm, thành ra vàng thật đâu sợ chi lửa!"
Nhìn Nguyễn Hữu Liêm, tôi tiếp:
"Dẫu vậy, không phải vì những lời lẽ đó mà thơ anh hay tôi lại bảo rằng thơ anh dở! Vậy anh hãy ngâm bài thơ của anh cho anh em ở đây ai chưa nghe thì cùng nghe luôn."
Và tôi nói thêm giữa mọi người:
"Tôi chưa biết Nguyễn Hữu Liêm cãi ngoài tòa hay cỡ nào, nhưng tôi bảo đảm với quí vị rằng bài thơ của Nguyễn Hữu Liêm mà tôi vừa nói đến, quả tình không dở!"
Nguyễn Hữu Liêm cười:
"Được chị Bông Giấy khen thì có chi hân hạnh bằng. Tôi phải làm ngay kẻo chị ấy đổi ý không khen nữa. Nhưng thay vì ngâm, tôi xin đọc lên bằng cái giọng Quảng Trị nặng trịch của tôi!"
Dòng nước trong qua ghềnh
Mưa chiều đông Thạch Hãn
Cuộn gió buồn phương Bắc
Về luống cày thê thảm
Ta lần từ giã ngọn núi Tây
Từng đêm thèm được múi mít gầy
Mỗi lần trông gió về bên nội
Tóc muốn đùa theo những cụm mây
Những đêm sáng trên đồi
Hồn câu ca quật khởi
Chiu chắt giọt mồ hôi
Thắt nguồn tin mong đợi
Mơ về bên dòng sông xưa
Lửa lên ở cuối ngày mùa
Đong gạo so bằng bao nước mắt
Mấy lần bạn mất dịp tiễn đưa
Mơ về ngăn gió đồi A Tử
Thấy bạn cỡi trâu chốn núi đồi
Đêm sao sáng dòng sông vớt củi
Hẹn với Ba Lòng, Cam Lộ
Hẹn với Tân Sở, hẹn với Cùa
Ta trả máu xương về bên ấy
Ta ở cuối đời ở đó ngàn thu. 
Cả bàn tiệc –trừ Mai Thảo- vỗ tay khen hay. Tôi cười:
"Quí vị thấy tôi nói đâu có sai? Thơ Nguyễn Hữu Liêm có hồn lắm phải không?"
Trần Quảng Nam gật gù:
"Ừ, bài hay! Hay!"
Nguyễn Hữu Liêm cười, vẻ sượng sùng:
"Chị Bông Giấy quá lời, chứ tôi thì thấy nó tầm thường lắm!"
Tôi nói cùng Nguyễn Hữu Liêm:
"Theo tôi, con người vốn quý nhất ở đức khiêm nhường. Tôi không biết anh khiêm nhường thật hay giả, nhưng dù sao tôi cũng xin chân thành ngợi khen câu nói vừa rồi của anh."
Trần Nghi Hoàng nhận định:
"Cái khí thơ ấy của Nguyễn Hữu Liêm nghe giống thơ Giang Nam."
Bên cạnh tôi, tiếng Mai Thảo lại gằn từng chữ:
"Thằng Giang Nam cũng là một thằng Cộng Sản, có gì hay ho mà khen."
Tôi thấy Trần Nghi Hoàng bắt đầu khó chịu. Chàng cũng gằn giọng trở lại:
"Phê bình văn học đâu cứ phải gọi người khác là thằng này thằng nọ mới thành văn học?"
Mai Thảo vỗ vào ngực mình, giọng cực kỳ kiêu ngạo:
"Chính tôi là văn học đây!"
Bỗng dưng tôi nghe nôn nao như muốn để bật tuôn ra ngoài miệng câu nói: "Nếu ông Mai Thảo là ‘văn học’, hẳn tôi xin làm người ngu dốt không biết chút gì chữ nghĩa có lẽ thích hơn", nhưng kịp dằn lại và đè xuống dưới cổ.
[Xưa nay tôi vẫn nghe Trần Nghi Hoàng và bạn hữu chàng bảo rằng Mai Thảo là con người rất "khệnh khạng hợm hĩnh", nhưng quả tình tôi không nghĩ Mai Thảo hợm hĩnh đến vậy qua câu tuyên bố trên. Thuở còn đi học, tôi vẫn đọc văn Mai Thảo, nhưng thật phải nói, ngoại trừ tác phẩm Đêm Giã Từ Hà Nội của ông, chẳng có quyển nào khác tôi cho là thật sự có giá trị. Vì vậy, tôi bỏ, không muốn mất thì giờ theo "một mớ chữ nghĩa lộn xộn được đặt nằm trong một cấu trúc văn phạm với cách chấm, phết bừa bãi vô trật tự" nữa.
Mới đây, đưa tôi xem quyển Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam của Mai Thảo (Văn Khoa xuất bản năm 1985), Trần Nghi Hoàng gần như "nài nỉ" tôi (bởi chàng biết tôi rất không muốn mất thì giờ với những cái gì vô bổ!) để chàng đọc cho nghe bài viết Đi Thăm Người Nhập Thất (trang 143-145) trong cuốn ấy. Đọc tới đâu, chàng ngừng lại phẩm bình tới đó bằng giọng điệu tức giận pha lẫn giễu cợt khinh bỉ:
"Căn phòng nhỏ, trên lầu, nằm ở phía ngoài cùng, sát cổng vào và nhìn xuống một ngã tư người đi kẻ lại, như còn muốn chân trong chân ngoài chưa chịu hòa nhập hẳn với vùng khói hương tín mộ của nơi thờ Phật tận đáy cùng khu nhà nhiều phòng ốc kiến trúc theo hình chữ U trên con đường Berendoo nhờ ngôi chùa đã trở thành một con đường Việt Nam danh tiếng."
("Em thấy đã lê thê chưa? Chữ nghĩa Mai Thảo là như vậy đó." Chàng cúi đầu đếm đếm "78 chữ trong một câu văn mà chẳng có cái dấu chấm ngắt câu nào ở giữa.")
(Trần Nghi Hoàng lại đọc):
"Nhìn sang, cửa sổ và cửa vào của căn phòng đều im lặng đóng kín. Chúng tôi đứng ngoài hàng hiên ở giữa. Buổi chiều Los. còn chói nắng, nhưng cuối ngày đang thả dần vào khu vực thờ Phật những luồng gió mát hây hẩy đầu tiên qua những tàng cây lao xao.
"Thượng Tọa Thích Mãn Giác, hồng hào tươi tắn, cười cười một cách vui thú ngộ nghĩnh, chỉ cho tôi và Du Tử Lê căn phòng nghiêm lặng đóng kín:
-Phòng Phạm Công Thiện đó.
-Triết gia có ở chùa lúc này?
Hội Chủ Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ngửa cổ cười lớn:
-Nhập thất kiểu Tây Tạng mà không ở chùa sao?
Du Tử Lê gật gù, thán phục:
-Giỏi. Thật giỏi. Ở Phạm Công Thiện.
Tôi đùa:
-Được bao nhiêu ngày?
Câu nói đùa chứa đầy ngờ vực về một thời gian nhập thất của bạn thật ra chỉ là đùa cợt có nửa phần. Đùa, khi tôi nhớ lại những buổi chiều, những buổi tối tan hoang của Phạm Công Thiện, còn là đại đức Thích Nguơn Tánh, ở Sàigòn ngày trước. Những chiều Phạm Công Thiện đi cùng Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan tới nhậu nhẹt ở tư gia nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng."
(Trần Nghi Hoàng "xì" lên một tiếng khinh bỉ).
"Cái đầu không tóc, tấm áo nâu sồng, đích thực đại đức và khoa trưởng Vạn Hạnh, nhưng bừng bừng, say ngất và bất chấp hết thảy, rủ đi là đi, suốt đêm tới sáng, ngất ngưởng gấp trăm lần Cung Tiến, bừa bãi gấp nghìn lần Hoàng Anh Tuấn là hai sự ngất ngưởng đã đi vào huyền thoại văn nghệ một thời."
(Nét mặt Trần Nghi Hoàng cau lại. Chàng bày tỏ bằng giọng điệu ghê tởm: "Đúng là sư hổ mang, khoác áo cà sa làm chuyện tà dục, khiến ô danh Phật giáo!")
(Trần Nghi Hoàng cúi đầu đọc tiếp):
"Nửa phần đùa, vậy thôi (mỗi lần gặp là tôi muốn trêu nghịch Phạm Công Thiện) trong nhớ lại số tháng năm phóng túng cũ của tác giả Ý Thức Bùng Vỡ và Ngày Sinh Của Rắn. Giờ đâu giám đùa quá nữa. Triết gia đã đoạn tuyệt với hết thảy mọi sinh hoạt, chặt đứt với hết thảy mọi ồn động. Đã nhập thất. Đúng kiểu Tây Tạng, ba năm ba tháng ba ngày."
(Trần Nghi Hoàng nhíu mày la lớn: "Sách nào nói Phật Giáo Tây Tạng nhập thất ba năm ba tháng ba ngày? Riêng Phạm Công Thiện, bố tin là cả đời chưa chắc anh ta đã nhập thất được tới ba tháng, nói gì ba năm ba tháng ba ngày").
"Bây giờ là chót vót Hy Mã Lạp Sơn một chỗ ngồi cho quán tưởng và thiền định tịch mịch. Từ một cực đoan sống này sang hẳn một cực đoan sống khác, không có chuyển tiếp từ từ, đó là tất cả con người Phạm Công Thiện."
(Nét mặt Trần Nghi Hoàng giễu cợt: "Cái câu mới thiệt là vô duyên! Chót vót Hy Mã Lạp Sơn cái gì mới được chứ? Ngồi trong căn phòng của một cái chùa chẳng ra cái chùa ở Los Angeles, do anh sư Thích Thiện Ân sáng lập rồi để lại cho anh sư Thích Mãn Giác, mà gọi là Hy Mã Lạp Sơn sao? Cái chùa ấy bố biết quá rõ bởi vì năm 75 mới qua Mỹ, bố và Như Hạnh được anh sư Thích Thiện Ân bảo trợ vào ở trong đó. Mấy bức tranh vẽ Phật và vẽ chân dung các ông sư tự thiêu của bố còn treo trong chùa mà.")
"Theo dọc hàng hiên chúng tôi đi sang, đến trước cửa phòng. Nghe ngóng. Đoạn thận trọng gõ ba tiếng vào vách Hy Mã bằn bặt đóng kín."
(Tôi chận hỏi: "Hy Mã Lạp Sơn có được đề trong hai ngoặc kép không?" Trần Nghi Hoàng đáp: "Không. Lối viết của Mai Thảo là như vậy đó. Làm dáng một cách trơ trẽn. Ví dụ như trong một bài, ông ta viết: ‘Từ ở đáy xe bus nhìn lên...’ Câu này bị ai đó bố không nhớ tên, giễu rất hay trong một bài báo. ‘Đáy xe bus’ ở đây Mai Thảo muốn nói là ‘cuối xe bus’. Chữ nghĩa Việt Nam ông ta xài như vậy, làm nhà văn nhỏ còn chưa xứng, nói gì đòi làm nhà văn lớn?"
Và chàng cười mỉa: "Em vẫn thường nghe bố dùng danh từ ‘con đĩ già văn chương’ là ý bố muốn ám chỉ đến những anh nhà văn như Mai Thảo. Con đĩ già đã tàn phai nhan sắc mà thói đĩ vẫn không chừa, nên cứ muốn làm dáng, đâm thành trơ trẽn!")
(Trần Nghi Hoàng đọc tiếp):
"Một lát. Rồi tiếng chân người, tiếng cửa mở. Tiếng cười, ngạc nhiên vui mừng. Tôi và Du Tử Lê đưa mắt nhìn nhau. Nhập thất thật rồi. Tây Tạng thật rồi."
(Trần Nghi Hoàng lại la lớn: "Vô duyên thậm tệ! Viết đoạn này, Mai Thảo phô bày sự thiếu kiến thức rõ rệt của mình về Phật Giáo Tây Tạng.")
"Tây Tạng và nhập thất ngon lành giữa thành phố của những thiên thần, giữa những buổi chiều Los Angeles vàng nắng.
-Vào đây, hai cụ."
(Trần Nghi Hoàng giải thích: "Nhập thất có nghĩa là vô một căn phòng, hay một hầm đá, đóng kín cửa lại, tự giam mình trong một thời hạn ấn định nào đó, tuyệt đối không gặp ai hết. Viết đoạn này, Mai Thảo cho thấy là không biết chút gì về Phật Giáo Tây Tạng. Khi đã nhập thất, nếu có kẻ đến gõ cửa, kẻ đó đã là ngu, mà người bên trong thất mở cửa ra còn ngu hơn nữa. Điều ấy chứng tỏ là kẻ bên trong không nhập thất gì cả; biết đâu chừng chỉ đóng kín cửa mà nằm thủ dâm!")
"Đạo sĩ né sang một bên cho chúng tôi bước vào. Căn phòng nhập thất rất nhỏ nhưng ăn thông với một căn khác, lớn rộng hơn, cửa thông mở rộng. Phòng nhỏ, giường cá nhân, chủ nhân nói mấy ngày trước thiền sư Nghiêm Xuân Hồng ghé thăm nằm dài cả một buổi trưa ở đó."
(Trần Nghi Hoàng bĩu môi khinh bỉ: "Mấy anh nhà văn thiếu máu này ưa lạm dụng danh từ quá! Nghiêm Xuân Hồng nổi tiếng là một tay chuyên ‘xài bạc giả’, khi muốn viết một bài nào về Phật Giáo, bèn điện thoại cho Như Hạnh ‘học hỏi’ đôi điều, xong đem về viết ngay thành một bài Phật Giáo bằng kiến thức góp nhặt tại chỗ từ Như Hạnh. Điều này bố biết quá rõ vì bố từng giao thiệp với anh ta. Vậy anh ta là thiền sư cái khoản nào?"
Nét mặt Trần Nghi Hoàng lại đỏ lên vì tức giận: "Đoạn trên cho thấy, anh chàng Phạm Công Thiện khi đã nhập thất rồi, mà nếu ai muốn tới thăm, hắn cũng đều mở cửa cho hết. Biết đâu lại chẳng dắt cả đĩ vào ‘thất’ nữa?!")
"Góc đối diện, kệ sách, bàn viết, một đĩa cam trái, những khoảng trống còn lại là từng chồng sách dầy nặng đủ cỡ và báo, giấy chồng chất ngổn ngang trên mặt sàn.
Phòng ngoài, dáng chừng là phòng đọc sách chung của nhà chùa, một khay cơm chay trên một mặt bàn trần trụi. Khay cơm chay ăn dở. Một đĩa rau, một đĩa đậu nguội lạnh. Tôi hỏi:
-Vừa ăn?
-Ừ, để đó. Lát nữa đói, ăn nữa. Bây giờ thường tôi chỉ ăn ngày một bữa. Thấy khỏe trong người hơn là ăn nhiều lần.
Tôi trở lại căn phòng nhỏ. Xin phép người nhập thất được lấy một trái cam ăn. Nhìn căn phòng với cái không khí vừa bừa bãi của một sinh viên vừa ngăn nắp của một giáo sư thiền viện, với những cuốn sách triết học, văn chương, kinh Phật nhiều thứ tiếng, và chen lẫn, một tập thơ Rimbaud, một tiểu luận của Sartre, tôi và Du Tử Lê đã ở lại trong căn phòng nhập thất kiểu Tây Tạng với Phạm Công Thiện hơn nửa tiếng đồng hồ."
(Trần Nghi Hoàng dừng đọc, phẩm bình cách mai mỉa: "Viết kiểu trên, Mai Thảo ngầm cho thấy đã ‘từng biết’ một phòng nhập thất kiểu Tây Tạng như vậy ở đâu rồi? Vấn đề là ở chỗ, qua đoạn văn nãy giờ, rõ ràng ông ta tỏ ra chưa từng bao giờ đọc một cái gì về Tây Tạng, mà lại dám phóng ngôn là ‘ở lại trong căn phòng nhập thất kiểu Tây Tạng’ một cách tỉnh khô chắc nịch như thế.")
"Nói chuyện. Ăn cam. Trong một buổi chiều Los thư thái, yên tĩnh. Trước một Phạm Công Thiện nhẹ nhàng, từ tốn, một Phạm Công Thiện khác, một Phạm Công Thiện trước nhập thất, say ngất chân nam đá chân xiêu, phát ngôn bừa bãi và luôn luôn gây sự với mọi người.
Một lúc nào tôi lại đùa:
-Vùng này có quán rượu?
-Chắc có.
-Vậy tới giờ rồi. Mặc quần áo vào ra đường, còn chờ gì nữa
Phạm Công Thiện cười cười, không trả lời. Rồi chúng tôi cáo từ. Suốt dọc đường từ chùa Việt Nam về Santa Ana, tôi và Du Tử Lê còn kể cho nhau nghe rất nhiều chuyện vui về Phạm Công Thiện, mà cái tin nhập thất ba năm đã làm cho hết thảy bạn bè sửng sốt, như con người, đời sống đấng giáo sư triết học này vẫn là vậy, đối với bạn bè, từ hai chục năm nay..."
(Trần Nghi Hoàng kết luận sau khi bản văn được đọc: "Ngay cả đến kiến thức bình dân về Phật Giáo, Mai Thảo cũng không có. Tức là các người bình dân xem phim Tàu phim chưởng, họ đều biết rằng, khi vị chưởng môn của một phái võ muốn nhập thất để luyện võ –chứ chưa nói đến nhập thất để thiền định- cũng không tiếp ai cả. Lại nữa, Phật Giáo Tây Tạng là một tôn giáo rất nghiêm khắc trên khía cạnh đó; nó còn được gọi là Mật Tông. Người nhập thất rồi đương nhiên đoạn tuyệt thật sự với tất cả bên ngoài, không nhìn, không nói với ai, chỉ tự mình lặng im mà suy niệm hay tu luyện. Ngay cả cơm ăn, người bên ngoài đem đến, mở cánh cửa nhỏ đẩy bát cơm vô; chứ người bên trong tuyệt nhiên không để cho tâm vọng động. Các bậc cao tăng nhiều khi ba ngày mới được mang cơm vô một lần."
Chàng thêm: "Luật lệ nhập thất vô cùng nghiêm khắc; chứ không phải khi không tự nhiên đang nhập thất mà có hai anh chàng ‘cà chớn’ đến gõ cửa, kẻ nhập thất bèn mở cửa cho vô, như kiểu Phạm Công Thiện ‘mở thất’ cho Mai Thảo và Du Tử Lê vào khơi khơi như vậy đâu!"]
Tôi nghe Mai Thảo nói, điệu kiêu ngạo rõ rệt:
"Nếu nói về thi ca Việt Nam thì phải mang ơn Thanh Tâm Tuyền bởi vì Thanh Tâm Tuyền là cái mốc khởi điểm của thi ca hiện đại."
Trần Nghi Hoàng cười mỉa:
"Đối với tôi, Thanh Tâm Tuyền không phải là thi sĩ. Ông ấy viết văn thì được. Chính cụ Hà Thượng Nhân cũng đồng ý với tôi điều ấy."
Phạm Việt Cường góp lời:
"Thanh Tâm Tuyền trước 75 còn khá, chứ tập thơ mới in ở hải ngoại của ông ta, tôi thấy cũng tầm thường thôi!"
Mai Thảo vẫn với giọng khinh khỉnh:
"Luôn cả Hà Thượng Nhân cũng chẳng ra thế nào cả!"
Trần Nghi Hoàng thực sự tỏ lộ vẻ khó chịu:
"Ai thì anh Mai Thảo cũng chê là chẳng ra gì cả. Chỉ có cái đám Sáng Tạo các anh với nhau mới ra gì thôi. Nhưng thật sự mấy anh là thế nào? Chỉ tuyền một nhóm, kẻ này ôm đít kẻ kia để ngợi khen nhau. Các anh đâu có biết thi ca văn chương thế giới đi đến đâu rồi. Tới bây giờ mà các anh vẫn khư khư bấu lấy cái kiến thức văn học thời Đệ Nhị Thế Chiến, chỉ cho Sáng Tạo cũ xì mấy chục năm về trước của các anh là nhất, là đánh dấu cho một mốc văn học Việt Nam, quả thật lố bịch, chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng!"
Tôi đảo một vòng mắt liếc nhìn, thấy khuôn mặt những người chung quanh, từ ông cháu của Mai Thảo đến cô Quỳnh Như, từ vị hôn phu cô Quỳnh Như đến hai người con của Cẩm Hằng, từ Phạm Việt Cường, Cẩm Hằng đến đám Nguyễn Hữu Liêm, Lý Khôi Việt, từ Phương Trâm đến Hoàng Anh Tuấn... hầu như cùng khựng lại trong một giây rất ư là khó chịu. Chỉ riêng Trần Quảng Nam và Đằng Sơn vẫn nói lớn và câu chuyện thách đố về Khái Hưng vẫn được Đằng Sơn đưa ra.
[Cuộc rượu nào cũng có sự ồn ào vui thú của nó. Không khí như vậy, tôi từng quá quen thuộc. Có những đêm cuối tuần ở nhà tôi, Đằng Sơn, Trần Quảng Nam, Nguyễn Thành Út, Trần Ngọc, tôi và Trần Nghi Hoàng... ngồi lại với nhau trong cuộc rượu bắt đầu từ 7 giờ tối đêm thứ Bảy kéo dài đến 6 giờ sáng hôm sau (thường thì 3 giờ rưỡi, 4 giờ khuya), trong khi từ 8 giờ sáng kế tiếp, tôi đã bắt đầu lớp dạy cho nguyên cả ngày Chủ Nhật. Một điểm giống nhau giữa tôi và Trần Nghi Hoàng là sự hiếu khách. Không bao giờ tôi và chàng phật ý nhau về bất cứ cuộc rượu nào tại nhà tôi, dù kéo dài đến đâu chăng nữa, dù ồn ào đến đâu chăng nữa.]
Buổi tối thứ Bảy trong cuộc rượu nhà Cẩm Hằng, ngồi cạnh Mai Thảo, tôi thấy trong lòng có điều không thoải mái khi những lời của ông trò chuyện cùng cô Quỳnh Như cứ lọt vào tai tôi một cách khó chịu. Tôi cố không lưu tâm mà vẫn không được. Có lẽ ông cũng chẳng có ý muốn nói cho tôi nghe đâu, nhưng khổ nỗi tôi vẫn cứ phải bị nghe cái giọng nhừa nhựa của ông với những câu khinh miệt, đại loại như sau:
"Văn nhân nghệ sĩ đâu có ăn nói ồn ào giống hàng kẻ chợ như vậy!"
Hoặc là khi có ai đó bên phía chỗ ngồi Nguyễn Hữu Liêm lên tiếng yêu cầu Mai Thảo đọc các bài thơ của ông, ông chẳng nói chẳng rằng gì cả. Cô Quỳnh Như ngồi cạnh bảo nhỏ ông:
"Không khí tạp nhạp thế này, đâu phải chỗ đọc thơ bác nhỉ?"
Mai Thảo gật đầu:
"Thơ với thẩn nỗi gì? Còn hơn cái chợ vỡ!"
Đêm trong tiệc rượu nhà Cẩm Hằng đã không có sự hiện diện của Nguyễn Thành Út với Hành Phương Nam, bỗng dưng, tôi thấy như thiếu thiếu cái gì đó rất quen thuộc!]
Đến một lúc, Đằng Sơn trở lại với câu chuyện cá độ về Khái Hưng. Anh oang oang nói:
"Như vậy không có gì thay đổi chứ? Nghĩa là vẫn bốn chai ăn bốn giữa tôi với anh Mai Thảo và một ăn một giữa hai ông bà Trần Nghi Hoàng?"
Tôi và Trần Nghi Hoàng gật đầu biểu đồng tình. Đằng Sơn cười hề hề, tiếp:
"Tôi biết có cá cũng sẽ thua tôi mà thôi! Vậy bây giờ còn kịp để rút, tôi sẵn sàng cho rút!"
Phía Nguyễn Hữu Liêm có tiếng người nhắc Mai Thảo:
"Anh Mai Thảo vẫn đồng ý cá độ với Đằng Sơn về chuyện Khái Hưng có dịch thơ Đường chứ?"
Mai Thảo khinh khỉnh nói riêng với cô Quỳnh Như:
"Cá làm gì! Thằng ấy láo! Làm gì có chuyện Khái Hưng dịch thơ Đường! Chỉ tài nói phét!"
Tôi bắt đầu cảm nghe khó chịu thật sự. Tôi thấy Mai Thảo rất dở! Ông là người lớn tuổi nhất trong bàn rượu, có lẽ lớn hơn cả Hoàng Anh Tuấn nữa. Với câu chuyện cá độ, cũng chính ông ta người bắt trước tiên khi Đằng Sơn lên tiếng thách cá. Vậy mà bây giờ "rút" chẳng thẳng thắn nói rút, lại thì thầm chê bai Đằng Sơn là "tên láo!" Cái dở của ông chính là như thế!(°)
Trong khi ấy, câu chuyện cá độ của Đằng Sơn vẫn chưa dứt. Anh nói giữa mọi người:
"Tối mai 15/2 là buổi kỷ niệm lần thứ 6 ngày cưới của ông bà Trần Nghi Hoàng & Trần Thị Bông Giấy, anh em đến dự cả đi! Tôi sẽ thua Trần Nghi Hoàng 3 chai Rémy Martin, anh em tha hồ uống!"
Rồi quay qua Mai Thảo, Đằng Sơn vui vẻ:
"Anh Mai Thảo cũng đến vui với vợ chồng Trần Nghi Hoàng chứ? Ngày mốt anh mới về lại Santa Ana phải không?"
Mai Thảo trả lời, tiếng nói lê thê nhừa nhựa, thái độ làm ra vẻ chán chường ghê gớm:
"Đêm nay đến đây là đã ngấy lắm rồi!"
Tôi bỗng dưng thấy rất "nực" nên tiếp ngay lời Mai Thảo bằng cái giọng rất lạnh mà không để dư một nháy mắt nào trống trải:
"Đúng như anh Đằng Sơn nói, ngày mai là buổi kỷ niệm lần thứ 6 ngày cưới của vợ chồng tôi. Vậy tôi xin trân trọng mời tất cả mọi người trong bàn rượu này tối mai đến nhà uống cùng chúng tôi ly rượu. Chỉ riêng ông Mai Thảo, -xin lỗi anh Đằng Sơn- tôi thẳng thắn không mời."
Chưa ai trong bàn rượu kịp thời phản ứng thì tôi lại tiếp:
"Lý do rất dễ hiểu để tôi không mời ông Mai Thảo là bởi vì tôi không muốn sự hiện diện của ông ấy làm các bạn tôi mất vui đi. Khi tôi mời họ có nghĩa tôi muốn họ vui, tôi chấp nhận cái ồn ào như vỡ chợ của họ. Họ có toàn quyền la hét hay hát bội trong nhà tôi nếu như họ muốn. Nãy giờ ngồi cạnh ông Mai Thảo, tôi vô phúc nghe lọt vào tai những lời chê bai khinh miệt sự ồn ào của nhiều người tại đây, trong số có tôi. Vì vậy không lý do gì để tôi phải mời ông Mai Thảo cả!"
Mai Thảo giơ tay chỉ về phía đối diện nơi chỗ Trần Quảng Nam đang ngồi, nói với tôi:
"Thế thì cô qua bên kia ngồi đi!"
Tôi nhún vai trả lời:
"Nếu không có lời mời tha thiết của Cẩm Hằng, không bao giờ tôi đến đây. Và cũng nếu không phải Cẩm Hằng xếp tôi ngồi cạnh ông Mai Thảo thì cho đến chết, tôi cũng chẳng hề có ý muốn đó. Vậy không việc gì ông Mai Thảo phải chỉ định chỗ ngồi cho tôi."
Tôi không nhìn ai hết, giữ vẻ thản nhiên lạnh ngắt, nhưng tôi biết tất cả mọi người đang nhìn tôi và một số người đang rất muốn "làm thịt" tôi!
Đầu bàn bên kia, Đằng Sơn lên tiếng:
"Nhưng nếu tôi mời anh Mai Thảo cùng đi thì sao?"
Tôi bỉu môi, cười lạt:
"Thì tôi sẽ tiếp ông ấy, nhưng là tiếp trong cương vị một người tháp tùng với anh Đằng Sơn chứ không phải trong tư cách một người được tôi chính thức trân trọng mời đến."
Cô Quỳnh Như bỏ bàn rượu đứng lên. Tôi nghe tiếng cô từ bếp vọng ra một vài lời cục cằn thô lỗ! Kế tiếp là Mai Thảo cũng đứng lên, bảo người cháu đưa về. Trước khi ra khỏi chỗ ngồi của mình, Mai Thảo giơ tay lên hướng về Đằng Sơn mà nói:
"Thôi, cái vụ cá độ giữa anh với tôi vừa rồi, xin hủy bỏ!"
Đằng Sơn cười hề hề:
"Ừ, anh Mai Thảo tuyên bố bỏ thì tôi bỏ!"
Thái độ anh vẫn vui vẻ như lúc mới khởi đầu cuộc cá.
Riêng Hoàng Anh Tuấn sau khi Mai Thảo đã rời khỏi nhà Cẩm Hằng, vẫn ngồi lại bàn rượu chuyện trò cùng cả đám. Anh cất giọng phê bình:
"Thái độ Mai Thảo dở! Anh em chơi với nhau bằng cái tình mà lúc nào cũng làm ra vẻ mình ngon, đàn anh đàn iếc thì bố thằng nào nó chịu!"
Nét mặt Hoàng Anh Tuấn đang rất hăng, rất hứng thú, đột nhiên tôi thấy thay đổi hẳn. Hoàng Anh Tuấn bỏ bàn rượu đứng lên, vội vàng mặc áo khoác vào người rồi theo Phương Trâm ra cửa. Trừ các vị chủ nhà, Hoàng Anh Tuấn và Phương Trâm chẳng thèm chào ai trong bàn rượu. Tôi không hiểu làm sao cả! Trần Nghi Hoàng giải thích:
"Có gì đâu! Bà Phương Trâm nổi giận chuyện em làm tổn thương Mai Thảo nên bà ấy lôi ông Tuấn đi về, không cho ngồi lại bù khú với bọn mình ấy mà!"
Rồi chàng cười lớn, vẻ giễu cợt. Phía Cẩm Hằng, tôi cũng bắt gặp cái gật đầu tán thành với lời Trần Nghi Hoàng vừa nói. Cái ý ngạc nhiên của tôi ngay từ đầu cuộc tiệc lúc nhìn vẻ lạnh lùng của Phương Trâm, giờ đây hiện ra càng rõ hơn trong óc khi thấy thái độ đùng đùng một nước đi ra cửa của chị, theo sau là Hoàng Anh Tuấn khuôn mặt rất thảng thốt như của một ‘con nai vàng ngơ ngác!’ (Xưa nay tôi vẫn ngưỡng mộ sự quảng giao hoạt bát của Phương Trâm, điều mà tôi hoàn toàn thiếu sót. Xưa nay tôi vẫn nghĩ rằng chị rất lịch sự, cái lịch sự vốn dĩ đa số các người đàn bà miền Bắc đều có, và cái lịch sự từ vai trò "làm vợ" một "thi sĩ nổi tiếng" như Hoàng Anh Tuấn khiến cho nẩy sinh ra!)
Đến lúc này thì lại tới phiên Phạm Việt Cường "hỏi thăm sức khỏe" tôi. Anh khoảng ngoài 40, nói giọng Nam nhưng hình như người gốc Bắc, dáng cao ráo lịch sự, vẻ vô hồn, nhu nhược, khuôn mặt đầy đặn, đôi má phị (mà về Việt Nam, tôi nghe vợ chồng Huy Tưởng kể là từ trong trường Văn Khoa, Phạm Việt Cường đã có biệt danh "Cường Bủng"). Anh là bạn cùng trường thời trung học với Trần Nghi Hoàng, nhưng không gọi rằng thân. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc các bài thơ và vài bản dịch văn chương của anh đăng đây đó trên các báo miền Nam Cali, nhưng thật sự, nét tài hoa trong sự viết lách, anh chẳng có. Lộ rõ từ anh chỉ là một lớp sơn hào nhoáng của áo quần đúng mode, thêm nữa, nét đĩnh đạc trầm tư, làm dáng "trí thức kiểu Bolsa"; mà không phải là cái vẻ đơn giản, ngạo mạn của một nghệ sĩ có thực tài.
Một lần trong cuộc rượu nhiều người tại nhà tôi, khi nhắc đến Phạm Việt Cường, Trần Ngọc đã nói: "Phạm Việt Cường xuống Santa Ana, đâu làm nên công trạng gì ngoài vài ba bài thơ nhai đi nhai lại hoài trên nhiều báo?" Tức thì Tưởng Năng Tiến nhận định, vẻ cực kỳ châm biếm: "Đ.M. Anh Trần Ngọc nói vậy không công bằng với thằng Cường! Nó từ Việt Nam qua Mỹ, đến định cư San Jose, thấy không ổn, bỏ xuống Santa Ana một thời gian, trở về lại San Jose, nghe đã thỏa chí vì ‘cõng theo được trên lưng’ hai chữ ‘thi sĩ’. Đ.M.(°) anh còn muốn nó làm gì hơn mới được chứ?"
Dù biết Phạm Việt Cường đã gần 6 năm (thời gian anh đến lưu trú nhà Tưởng Năng Tiến, tôi và Trần Nghi Hoàng thường cùng anh có chung những cuộc rượu tại nhà tôi hay nhà Tưởng Năng Tiến), nhưng thực sự, nơi anh ẩn chứa điều "giả tạo" xa lạ nào đó vẫn khiến tôi không thoải mái mỗi khi có dịp giao tiếp cùng anh. Một lần tôi nghe Cẩm Hằng, vợ anh, kể: "Cường bảo em nếu có đến chơi nhà Thu Vân thì nên giữ mồm giữ miệng, chớ nói ra điều gì quan trọng!" Lần khác, Lưu Hy Lạc, một bạn thân của Phạm Việt Cường, tự dưng xách rượu đến uống với Trần Nghi Hoàng và tôi, cũng kể rằng, "có người" cố lòng ngăn cản anh đừng tới nhà Trần Nghi Hoàng, nhưng không cản được, bèn dặn thêm, nếu có tới, tốt hơn phải luôn luôn nhớ rằng đừng nói gì trước mặt Thu Vân!
Thái độ Phạm Việt Cường tỏ ra nóng giận thật sự. Hơi rượu (có lẽ) làm anh xóa tan đi cái vẻ lặng câm vô hồn thường lệ. Anh gay gắt "đặt vấn đề" với tôi:
"Thu Vân muốn chứng tỏ điều gì trong sự việc làm tổn thương Mai Thảo?"
Tôi rùn vai lắc đầu:
"Tôi chẳng làm tổn thương ai cả! Không thích thì không mời vậy thôi. Anh cũng đã nghe tôi nói rõ điều ấy lúc nãy kia mà. Tôi không muốn cá nhân ông Mai Thảo làm mất vui bữa rượu tối mai của bạn bè và của cả chính vợ chồng tôi nữa!"
Phạm Việt Cường tức giận:
"Lấy quyền gì mà Thu Vân nói lên những lời ngạo mạn với ông ấy?"
Tôi lạnh lẽo đáp:
"Quyền làm người! Vả lại, tôi không ngạo mạn gì cả. Chính ông Mai Thảo mới là người ngạo mạn."
Phạm Việt Cường to tiếng:
"Ông ấy đã già, nói như thế cũng đâu có gì nặng?"
Tôi bật cười, vẻ châm biếm:
"Xin lỗi anh, chính vì ông ấy đã già mới cần phải nên giữ mồm giữ miệng. Chẳng lẽ cứ vì nhân danh tuổi già mà muốn nói bậy nói bạ gì thì nói sao? Nhất nữa, ông ấy lại ‘mang tiếng’ là ‘nhà văn’?"
Nét mặt Phạm Việt Cường vẫn đầy sự bực tức. Anh nói lớn giữa mọi người:
"Nếu tao chết mà có ai công kích Mai Thảo, tao cũng đội mồ sống dậy để binh Mai Thảo!"
Anh nói đi nói lại câu này vài lần.
[Quả tình tôi thấy lạ lùng vì thái độ nổi giận của Phạm Việt Cường; qua đó, hình như có một sự gì quá đáng, vô lý và gượng ép? Đúng hơn là một nỗi "làm nư đầy tính giả tạo." Trong óc tôi lóe lên ý nghĩ khôi hài rằng, Phạm Việt Cường đòi đội mồ sống dậy để bênh Mai Thảo chỉ vì Mai Thảo là người đã có danh (dù là cái danh "hão nhiều hơn thực"), bênh như vậy cho nó "chắc ăn", cho thiên hạ thấy rằng mình cũng thuộc hàng "biết chữ nghĩa!"]
Tôi cười khẩy, nói với Phạm Việt Cường:
"Việc anh bênh anh cứ bênh, việc tôi không thích thì tôi nói không thích. Hai sự việc đâu có gì liên hệ với nhau mà sợ!"
Trần Nghi Hoàng giơ tay về phía Phạm Việt Cường:
"Như vậy là mày ngon lắm Cường à! Tao nể mày từ câu nói ấy với ông Mai Thảo!"
Tôi gật đầu:
"Tôi cũng nể anh Cường vì ít ra, dưới mắt tôi, anh ‘khá’ hơn đám Hoàng Anh Tuấn, Đằng Sơn, Trần Quảng Nam ở điểm tỏ được cho tôi thấy lập trường của anh trong chuyện này, dù có thể đàng sau đó có cái gì tôi chưa biết rõ!"
Chỉ tội nghiệp Cẩm Hằng, khi ấy xen vào giữa tôi và Phạm Việt Cường, cố hết sức can ngăn một cuộc đụng độ có thể xảy ra.
Đột nhiên tôi thấy rất thương người đàn bà đang ngồi bên cạnh, nên nắm tay Cẩm Hằng nói:
"Cẩm Hằng đã mời bọn mình đến; bây giờ nếu Cẩm Hằng muốn bọn mình đi thì chỉ cần nói một tiếng, mình sẵn sàng đứng lên đi ngay mà không có gì buồn phiền cả!"
Cẩm Hằng vẻ mặt rất khổ sở:
"Không, em muốn Thu Vân ở lại."
Rồi nói thêm:
"Cường nói vậy chứ không giận Thu Vân đâu!"
Tôi giơ ly về phía Phạm Việt Cường:
"Bây giờ tôi đề nghị mình uống rượu tiếp, nói chuyện khác, được không?"
Phạm Việt Cường nét mặt vẫn chưa vui vẻ:
"Đồng ý!"
Hai cái ly chạm nhẹ vào nhau, màu vàng của rượu lung linh sóng sánh. Tôi cười, tiếp:
"Anh Cường là bạn thân của Huy Tưởng, tôi cũng quen Huy Tưởng từ mấy chục năm nay. Có lý nào bây giờ chúng ta lại không thể nhân danh một người bạn chung để làm đầy thêm tình quen biết giữa tôi và anh Cường?"
Phạm Việt Cường ánh mắt đã dịu xuống:
"Huy Tưởng chơi có tình lắm. Ngày tôi đi Mỹ, nó đưa tôi ra phi trường mà nó khóc!"
Trần Nghi Hoàng xen vào:
"Những ngày Sàigòn, Huy Tưởng cũng nhiều lần đi uống café, đi nhậu lê la đầu đường xó chợ với tụi tao."
Tiếng Cẩm Hằng cười khanh khách vì một câu chuyện gì đó với Trần Quảng Nam hay Đằng Sơn tôi chẳng rõ. Tôi nhìn nụ cười của Cẩm Hằng mà nghe vui trong bụng.
Và tôi xiết tay Cẩm Hằng, nói:
"Bấy lâu vẫn biết Cẩm Hằng có lối chơi đẹp. Bây giờ càng chứng thật hơn nơi Cẩm Hằng cái phong độ ấy! Xin cảm ơn về tất cả!"
Tháng 10 đầu thu, 1993. San Jose.
Ba mươi lăm năm trước, một lần tôi theo mẹ vào thăm cha tôi trong bệnh viện, khi ấy đang bị ung thư phổi đến hồi quỵ ngã. Nhìn cái cách cha tôi ôm ghì cây violon vào giữa ngực (mà ông yêu cầu mẹ tôi đem vào bữa ấy), đôi tay run rẩy vuốt nhẹ lên cần đàn thật dịu dàng âu yếm, tôi thốt xúc động kỳ lạ. Lại nghe ông nói cùng mẹ tôi: "Các con còn nhỏ quá, học hành chưa đâu vào đâu cả." Ông bỏ lửng không kết thúc câu nói.
Tám tuổi, nào có hiểu gì! Vậy mà lạ, tôi tưởng như mơ hồ cảm nhận được trọn vẹn nỗi lòng cha tôi trước những cái gì thật yêu dấu mà ông biết rằng rồi không còn bao lâu nữa, ông phải vĩnh viễn cách xa.
(Tôi nhớ lại buổi anh Ngô Thế Vinh và anh Từ Mẫn ghé nhà chúng tôi ngủ lại qua đêm; nhân nói về quan điểm làm việc và hưởng thụ trong đời sống của từng người, tôi bày tỏ: "Ở tuổi 40 này, tôi không có quyền nghỉ ngơi thong dong nữa mà là phải chạy đua với giờ khắc. Mười năm trôi qua rất nhanh, nói gì đến một ngày, một tháng. Nhìn lại, còn biết bao điều chưa làm cho trọn; tôi nghĩ đáng tiếc vô cùng nếu như bây giờ mình phải nhắm mắt xuôi tay.")
Thật. Tôi vẫn tin như thế.
Chẳng phải thân xác không biết mệt; chẳng phải đầu óc không biết thèm muốn sự nghỉ ngơi; nhưng vượt cao hơn cả những nỗi này là một hiện tại với quá nhiều trách nhiệm lo còn chưa trọn khiến tôi không cho phép mình ngơi tay làm việc. Niềm vui và nỗi buồn của bà mẹ già gần đất xa trời. Tương lai vời vợi của Âu Cơ. Cuộc sống riêng chưa được ổn định của Vân San. Cuộc sống chung vẫn còn quá nhiều bấp bênh sóng gió giữa tôi và Trần Nghi Hoàng. Đó là những trách nhiệm trực tiếp. Và còn bao nhiêu trách nhiệm gián tiếp khác nữa. Các dự định cưu mang trong óc. Những mơ ước để lại một mai tôi làm cuộc vĩnh viễn giã từ. Thêm các ân tình, các liên hệ bạn bè, họ hàng thân thuộc ứ đầy trong óc, để chỉ nghĩ đến thôi, tôi thấy mình không thể nào nằm yên mà hưởng thụ sự thản nhiên lẳng lặng của thời gian.
Mỗi ngày nhìn thấy tôi phải dùng đến 6 viên Tylenol 500 mg để làm dịu đi cơn nhức đầu liên tục, mẹ tôi vỗ về rằng nên mặc kệ hết mọi lo toan mà hướng về Phật pháp. Tôi cũng cố làm vui lòng bà bằng cách để ra mỗi đêm nửa tiếng đồng hồ, cùng với bà đọc kinh Cầu Siêu, Sám Hối. Nhưng thấy chẳng mảy may tìm ra an lạc, lại nghe lòng xao động thêm vì tiếc thời gian trôi đi, tôi bỏ, không đọc nữa.
Có điều, trong đời sống hiện tại, sự làm việc mang ý nghĩa quan trọng hàng đầu không phải chỉ vì "thích làm việc" thôi; mà còn bởi vì tôi biết đó là "con đường duy nhất" tạo ra lối thoát và làm thăng bằng được cho tôi cái tâm trí rất dễ dàng bị khủng hoảng. Câu chuyện cha tôi hơn nữa đời người trước nhìn thấy cứ ám ảnh đầu óc không ngớt. Đó cũng một phần là lý do cho sự làm việc gần như không nghỉ thời gian này của tôi.
San Jose. Tháng 11/1992. Một đêm Chủ Nhật...
Buổi tiệc cưới Tâm Nguyên & Xuân Liên được tổ chức linh đình tại khách thính sang trọng trong một hôtel Mỹ. Chú rể là luật sư, giao thiệp rộng, nên gần như khắp cả giới tai mắt và nghệ sĩ  San Jose đều được mời tham dự.
Từ lâu, tôi vốn không ưa nên rất hiếm khi xuất hiện giữa đám đông. Vì vậy, trước sự tưng bừng của đám cưới Tâm Nguyên & Xuân Liên hôm nay, đâm cảm nghe lạc lõng hẳn. Ý nghĩ lạc lõng càng nhiều hơn khi ngồi bên cạnh, tôi được Phương Trâm chỉ cho thấy và nêu tên từng nhân vật "tai mắt" ở San Jose một cách rành rẽ; trong số, rất nhiều người tôi không hề biết! Nhìn các phụ nữ thanh lịch chung quanh, nhìn Phương Trâm lộng lẫy bên cạnh, bỗng dưng tôi thấy thật thương cho Trần Nghi Hoàng có cô vợ bề ngoài đơn giản trong chiếc áo dài kim tuyến màu bạc, trang điểm sơ sài và không chút gì tỏ ra muốn xã giao lịch thiệp!
Thực vậy, trong vai trò người vợ của một nghệ sĩ, trên phương diện này, tôi thấy mình quả tình rất thiếu sót. Tôi không có được cái tánh quảng giao như Phương Trâm, không biết ăn nói duyên dáng để vừa lòng kẻ khác, không thích lân la làm quen với những người có tiếng tăm địa vị, và luôn luôn giữ một khoảng cách trên các giao thiệp, đặc biệt những cuộc giao thiệp với đàn bà. Có thể nói rằng, từ thuở nhỏ, tôi chưa hề có cơ may tạo tình cảm thân mật với những người cùng phái. Luôn luôn tôi nhận biết giữa họ với tôi có những cái rất khác biệt, tuy nhiên cũng chưa bao giờ thử tìm hiểu tại sao lại như thế. Tôi ngưỡng mộ sự hoạt bát của Phương Trâm (hoặc bất kỳ người phụ nữ nào tôi biết), ưa thích ngắm nhìn những ai ăn mặc kiểu cách cầu kỳ, nhưng, để làm giống như họ thì đó là điều không bao giờ tôi muốn nghĩ tới.
Cả tôi lẫn Trần Quảng Nam đều nhìn thấy nhau trong lúc uống rượu khai vị tại vườn hoa rất đẹp của khách sạn, nhưng chẳng một nụ cười hay cái gật đầu chào nhau! Dư âm của đêm tôi "xài xể" anh tuần lễ trước đó có lẽ vẫn còn đọng trong trí nhớ, làm thành nỗi xa lạ trong cả hai con người đã từng có với nhau một tình thân kéo dài ròng rã ngót hai mươi mấy năm.
Cho đến lúc, ngồi cạnh Phương Trâm chờ Trần Nghi Hoàng  và Hoàng Anh Tuấn đi lấy thức ăn, tôi thấy Trần Quảng Nam cầm ly rượu đến bàn tôi như có ý muốn ngồi xuống. Tôi đưa ly champagne của mình lên, nói với Trần Quảng Nam:
"Bữa nọ mình cụng ly chia phôi, bây giờ cụng ly tái hồi đi chứ?"
Anh cười hề hề; hai cái ly chạm nhẹ vào nhau.
Đám cưới nào cũng vậy, bấy nhiêu nghi lễ rườm rà, bấy nhiêu màn giới thiệu người quen kẻ lạ. Âm thanh của cái micro mà cô ca sĩ đang hát bản Aline rú lên chát chúa. (Phải nói là cô đang hét đúng hơn!) Âu Cơ đưa cả hai tay bịt mang tai.
Ngồi cạnh Trần Nghi Hoàng, cùng bàn với cặp Phương Trâm & Hoàng Anh Tuấn và Đỗ Vẫn Trọn, nhìn cô dâu chú rể đang đưa mời nhau ly rượu, nghe một cô ca sĩ khác hát Oui, Devant Dieu có những chữ "Je t' aimerai toujours!" ở phần cuối, tôi thốt bùi ngùi nhớ lại Hà Cẩm Tú, vợ cũ của Tâm Nguyên.
[Trong buổi tiệc cưới tôi và Trần Nghi Hoàng nhiều năm trước, Hà Cẩm Tú đi với Tâm Nguyên, cũng đã lên hát bản Oui Devant Dieu tặng chúng tôi. Thời gian trôi, cảnh đời tang thương dâu bể, lòng dạ con người dễ dàng biến đổi, những ân tình thâm sâu nhất cũng tàn phai, héo úa. Trước Thượng Đế, hai kẻ yêu nhau thốt lời nguyện ước giữ vẹn lòng cho nhau mãi mãi; nhưng trước sự cám dỗ của cuộc đời, những lời thề nguyền gắn bó đều chỉ là sáo ngữ phù du!
Tôi và Hà Cẩm Tú quen nhau từ dạo đó. Cô nhỏ hơn tôi vài tuổi, tính tình vui vẻ. Trong khoảng thời gian đau khổ theo sự lạnh nhạt của Tâm Nguyên, Hà Cẩm Tú đâm gần gũi với tôi, tâm sự cho tôi nghe tất cả những dày vò trong đời sống hôn nhân, và tìm nơi tôi những lời cảm thông, an ủi. Qua cuộc giao thiệp, tôi nghĩ về Hà Cẩm Tú như một đứa em nhiều hơn người bạn, lắng nghe trân trọng nỗi lòng ký thác của người đàn bà đang đau khổ, dù phải thú nhận đôi lúc tôi thấy bực bội vì cái cách giải quyết “chẳng giải quyết gì cả” của cô trước những rắc rối rạn nứt trong tình cảm vợ chồng.
Cho đến một lúc, Hà Cẩm Tú không còn liên lạc với tôi. Những cuộc chuyện trò bằng điện thoại cũng ngưng. Tôi được biết cô đã ly dị với Tâm Nguyên và trở thành một ca sĩ tại các phòng trà địa phương. Thấy nhau vài lần đâu đó, tôi “cảm” ngay được sự thay đổi của cô, từ trang phục bề ngoài đến cách ăn nói; gặp tôi, tỏ ý như chẳng muốn chào! Tôi tự hiểu nên không có gì phiền giận. Thời gian trôi, sỏi đá còn mòn nhẵn, nói chi đến tình cảm con người! ]
Một lúc nào trong phần dạ vũ, Trần Quảng Nam đến đứng sau lưng ghế Trần Nghi Hoàng, đưa mời tôi ly rượu. Tôi quay nói với anh:
"Hai mươi năm của một tình thân chứ đâu phải mới ngày hôm qua, làm sao tôi có thể bỏ?"
Trần Quảng Nam cúi mình hôn vào má tôi trước sự chứng kiến của các người hiện diện. Đến lớp tuổi 40, các người thân và những người bạn "rụng rơi" gần hết; trong tâm hồn, sự cô đơn chiếm hữu vị trí càng to rộng hơn.
[Mối giao thiệp giữa tôi và Trần Quảng Nam được kể là lâu hơn bất kỳ ai trong xứ Mỹ hiện tại. Tình thân tôi dành cho anh nẩy sinh từ những buổi làm văn nghệ trong trường Quốc Gia Nghĩa Tử  Saigon hai mươi năm trước, Trần Quảng Nam -khi ấy học lớp Đệ Nhị- nắm chức trưởng khối văn nghệ và tôi trong vai trò một giáo sư  âm nhạc hướng dẫn các màn vũ cho học trò.
Khi bỏ Sàigòn lên Dalat dạy, năm 1973, tôi và Trần Quảng Nam (cũng như rất nhiều các em học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử) vẫn liên lạc với nhau. Những nhạc phẩm đầu tiên được anh viết ra trong thời gian này. Thỉnh thoảng một cách bất ngờ, anh đáp xe đò lên thăm và lưu lại đôi ngày trong căn phòng của ngôi biệt thự cổ tôi thuê trên đường Calmette. Dạo ấy, Trần Quảng Nam gầy, cao, dáng dấp nghệ sĩ, lối chuyện trò nhã nhặn, lễ độ. Chúng tôi hay hòa nhạc với nhau trong các cuộc café tại quán hay tại nhà. Mỗi lần lên Dalat, có sáng tác mới nào là anh lại đưa tôi kéo violon rồi đệm theo bằng guitare trước các thân hữu bè bạn. Tôi quý Trần Quảng Nam như đối với một người bạn nhỏ hơn vài tuổi, có cá tính và tài năng đặc biệt. Trên nhiều mặt, tình cảm nể vì của anh biểu lộ rõ rệt cho tôi và điều này càng củng cố nhiều hơn cái nhìn  quý mến trong tôi.
Hơn 10 năm mới gặp lại nhau tại Mỹ, Trần Quảng Nam và tôi đều đổi thay ở bề trong tinh thần lẫn cả bề ngoài thể chất. Anh trông dày dặn, ít lễ độ nhã nhặn hơn đối với tôi. Và tôi cũng không còn hiện thân là cô giáo nghệ sĩ được nhiều học trò ưa thích như thời gian nào xa cũ. Tuy nhiên, trên nhiều vị thế, chúng tôi nhận đúng giá trị của nhau mà không còn khoảng cách nào ngăn chia cả. Trong những cuộc rượu, nhiều lần anh và tôi, người này công kích thẳng thừng quan điểm đối nghịch của người kia bằng những từ ngữ không chút kiêng nể e dè.
Dẫu vậy, tôi vẫn "thấy được" trong con người Trần Quảng Nam một điểm "chưa thay đổi": bản chất yếu đuối bao gồm kỷ niệm, bao gồm những ân tình tuổi trẻ. Đó là điều khiến tôi còn hình dung được nơi anh hình ảnh một người bạn nhỏ -một cậu em- từng trải với tôi rất nhiều cuộc café từ  Sàigòn lên Dalat, Nha Trang thời gian hai mươi năm cũ. Cũng chính đó là lý do khiến tôi vẫn duy trì sự giao thiệp với anh mà không bị cái "hào quang Mười Năm Tình Cũ" làm cho ngăn trở và cắt đứt (như tôi vẫn thường dễ dàng cắt đứt mối liên hệ lạt lẽo với bất cứ người bạn nổi danh nào.)]
°

*

Cuộc vui càng về khuya càng thêm hào hứng. Cả đám chúng tôi kéo nhau ra sàn, nhảy liên miên. Ý niệm bùi ngùi theo hình ảnh Hà Cẩm Tú tan loãng dần theo tiếng nhạc của một quãng đời nào tôi từng yêu dấu. Đã thật lâu rồi, dễ có đến sáu năm, tôi mới hiện diện trở lại trong môi trường quen thuộc một cách hứng thú như thế.
[Thời gian mới làm vợ Trần Nghi Hoàng, tôi vẫn tiếp tục cái nghề biểu diễn violon mỗi cuối tuần trong ban nhạc của Lê Đức Cường ở dancing Palace, do hai ông bà Minh Cường làm chủ. Nhưng trong tâm trạng khi ấy, tôi nghe vừa nhớ nhung quãng đời cũ, lại cũng vừa chán chường nơi chốn mình đang có mặt. Dạo ấy, trên sân khấu nhìn xuống, thấy những người đàn bà ở lớp sáu mươi nhún nhảy lả lơi trong tay các chàng thanh niên chỉ đáng hàng con cháu; đối diện hàng tuần với những vị chủ nhân không biết chút gì giá trị của nghệ sĩ ngoài sự bóc lột tận cùng công sức họ, tự dưng tôi thật thương cho ngón đàn nổi tiếng tài hoa một thuở của mình. Cũng dạo ấy, tôi nhận ra rằng xứ Mỹ không phải là đất "sống còn" cho tôi trong vị thế con người âm nhạc và với cái đầu rất ư là "mây trôi lãng đãng"! Cây violon và cá chất thích thảng của gần 20 năm sống đời du mục đã va chạm đúng ngay bức tường thực tế bằng sắt đến phải dội ngược và vỡ nát.... Một cách bất ngờ, tôi bỏ hẳn đàn. Cả Trần Nghi Hoàng cũng kinh ngạc khi thấy tôi làm điều ấy.
Có đôi lúc, tôi nói với Trần Nghi Hoàng như một lời đùa cợt: "Ở với bố, em đánh mất đi gần hết những cá tính lãng mạn riêng!"
Trần Nghi Hoàng bào chữa: "Bố đâu bao giờ cấm em ‘lãng mạn’?"
Tôi gật: "Bố không cấm, nhưng em tự cấm."
Điều trên, tôi nói thật. Gần bảy năm ở Mỹ, bỗng dưng tôi thấy mình xa lánh hẳn những cái gì "đã làm nên tôi ba mươi năm trước đó." Không chỉ rằng đời sống vật chất phải tranh đấu hằng ngày là nguyên nhân chính, mà bởi từ trong sâu xa tâm khảm, nỗi chán ghét đám đông, sự ghê tởm những phù du hào nhoáng, đồng thời là nỗi ý thức giá trị thời gian của cuộc đời mong manh ngắn ngủi, mà tôi tự dừng lại. Tôi cắt đứt hết những nơi chốn vui chơi, chấm dứt mọi se sua chưng diện, xếp vào xó các quyển nhật ký và chẳng hề một lần lưu tâm đến "cái nhìn của đàn ông" theo bề ngoài vóc dáng của tôi.
Thảng hoặc có những lần đối diện đau khổ nội tâm trong cuộc sống với Trần Nghi Hoàng, hay những lúc đơn độc tìm về với tiếng violon buồn bã, tôi cũng có nghe lòng bâng khuâng thương nhớ quãng đời bay nhảy cũ. Nhưng, mọi điều này mơ hồ như một cái nhói đau nhè nhẹ và cũng tan biến liền ngay khi ấy. Thế vào đó, tôi đứng hẳn một chỗ, làm việc, suy nghĩ và bỏ quên ngày tháng. Sự thay đổi đã khiến cho tất cả mọi người thân và bạn bè trong thời gian cũ phải lạ lùng kinh ngạc. Ngay cả mẹ tôi cũng khó thể nghĩ rằng tôi đang đi ngược hoàn toàn với điểm khởi hành mọi đam mê và đời sống trong nửa đời người đã qua].
Đêm trong tiệc cưới Tâm Nguyên & Xuân Liên, đắm mình trong tiếng nhạc cuồng nhiệt, tôi như kẻ mộng du vừa giật mình thức giấc. Để rồi, có lúc, vang vang bên tai những bản đàn vô cùng quen thuộc, tôi tự cảm nhận nỗi lạ lùng trong chính mình với sự không ngờ rằng "đã quá xa với những gì tưởng là sẽ gắn bó suốt đời trong định mệnh!" Âm nhạc, sân khấu, ánh đèn, những tràng pháo tay nồng nhiệt, những chuyến đi không mỏi, những mối tình cay đắng... tất cả mọi đam mê dữ dội như thế trong một thời dài quá khứ, ngày nay không còn gì nữa! Điều này tôi đã biết và chấp nhận từ lâu lắm... Vậy mà, nghe như có nỗi buồn lan tràn mạnh mẽ trong tận sâu tâm khảm khi một lúc nào bất chợt lắng lòng "nhìn lại nó."
Ôi! Không chỉ cây violon, mà chính ngay những gì "thật sự là tôi nhất" cũng chịu chung số phận rút vào bóng tối thiên thu!

 
(°) Sau này, TNH cho tôi biết là quả tình Khái Hưng có dịch một số thơ Đường. Trong Đường Thi Tuyển Dịch của Hoàng Duy Từ, chúng ta có thể tìm thấy mấy bài Khái Hưng dịch thơ Lý Bạch. Thí dụ: trang 182, bài Nguyệt Hạ Độc Chước I; trang 190, bài Nguyệt Hạ Độc IV.. v.v.
 
Chú thích:
(°) Tưởng Năng Tiến có một cố tật là hay chửi thề trong các câu chuyện bè bạn, dẫu có đàn bà cũng mặc. Mười chữ anh nói ra thì hết năm chữ là “Đ.M!"