Dịch giả: Từ Du
Chương 39

Thương tích của Giáo sư Trung đã khả quan, tôi cũng vui mừng vô hạn. Lưu Triết cho tôi biết vì bệnh viện thiếu giường, nên giáo sư đã về nhà. Ngay hôm đó, bác sỹ Vi đã đến săn sóc ông ta ngay. Và nghe đâu ông phải tĩnh dưỡng một tháng mới hy vọng trở lại trạng thái bình thường. Trong thời gian tĩnh dưỡng, tuyệt đối cấm thăm viếng, và nhất là nhắc đến dĩ vãng của ông ta.
- Cậu có nghe giáo sư Trung nói gì không?
- Ông ấy ngủ li bì, thức dậy chỉ đòi uống nước
- Ông ta có nhận ra cậu không?
- Có, nhưng ông tá ghét tôi lắm! – Triết thở dài – Có lẽ vì tôi không thích cô con gái của ông ta!
- Trương Đức Sanh còn ở đó không?
- Hắn đi Ma Cao rồi, hắn vội lắm.
- Theo cậu thì việc giáo sư Trung có gì đáng nghi ngờ không?
- Rõ ràng ông ta ngộ nạn vì say rượu. Cậu chịu ảnh hưởng của Đức Sanh toàn ngờ thần nghi quỷ không. Thật ra, tai nạn xe cộ có gì nguy hiểm đâu. Ở bên Mỹ, chỉ trong đêm Giáng Sinh, hàng ngàn người tử thương vì tai nạn xe cộ. Ở đây kém gì Nữu Ước!
- Tôi nghi vì giải phẫu xong ông ta nói rất nhiều điều mà không ai hiểu nổi, và ngay cả tôi mà ông ta cũng nhận lầm.
- Có khi bị chụp thuốc mê mà sinh ra vậy. Dù bây giờ có thuật thôi miên song tôi không tin tưởng lắm.
- Tôi lo cho ông ta quá, nếu ảnh hưởng đến não bộ của ông thì thật rắc rối.
- Không đến nỗi nghiêm trọng như vậy đâu. Cho dù có như vậy cũng có sao.
- Cậu lạ lý luận gàn bướng nữa rồi.
- Tôi nói thật đấy! – Triết chắp tay thở dài – Anh nghĩ xem, ai lại không có lỗi lầm. Càng lớn tuổi, lỗi lầm càng chồng chất. Có một số lỗi lầm, tôn giáo gọi là tội, nhưng theo tôi nghĩ thì không công bằng lắm. Người già cả như giáo sư Trung lẩm cẩm chẳng khác gì một con sên già, đeo trên lưng một túi sai lầm nặng nhọc. Nhưng trường hợp mất trí lại khác. Nếu đến tuổi già mà mất trí thì cũng giống như đã trút được chiếc gói lỗi lầm kia đi. Như vậy là may mắn chứ sao.
- Bộ giáo sư Trung đã phạm lỗi lầm gì hồi trước à?
- Lúc còn trẻ ai không có lỗi lầm?
- Tôi muốn biết sự thật, chứ không phải cái lý luận rỗng tuếch của cậu.
- Cậu không nghe kể quãng đời của ông thuở trước à?
- Tôi làm sao tin được.
- Tôi không muốn tìm chứng cớ làm gì. Trong tương lai, chúng ta là những nhân chứng đáng tin cậy nhất. Khi chúng ta già, bản thân chúng ta là viên kiểm soát tội phạm của giới trẻ.
- Cho dù giới trẻ có phạm lỗi lầm khi yêu nhau, thì cũng đáng được tha thứ chứ sao?
- Hừ! – Triết trề môi cười nhạt – Tôi chưa trông thấy mối tình nào thuần khiết. Theo tiêu chuẩn đạo đức mà nói, theo đuổi nhau chỉ là một trò lường gạt nhau mà thôi.
- Dường như cậu đã nếm mùi vị tình yêu như thế phải không?
Triết tỏ vẻ không muốn bàn tiếp vấn đề này bèn đổi giọng:
- Dạo này cậu thường hay ra ngoài, có tìm được đề tài nào không?
- Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người quái dị, và rất nhiều sự việc mới mẻ. Nhưng dường như không liên quan đến cái đề tài mà tôi đã nghĩ.
- Dĩ nhiên, đâu phải việc nào cũng đều thích hợp cả đâu. Có những tài liệu phải nhai, nuốt và tiêu hóa, cậu không thể nào mang nó lên sân khấu khi nó còn sống nhăn như vậy được.
- Tôi công nhận cậu nói đúng! Nhưng cái khó nhất là tôi chỉ nhìn bề ngoài, mà tác phẩm văn học phải đi sâu vào bên trong. Chẳng hạn những người mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày như lão Trần, giáo sư Trung hay Trương Đức Sanh, nhìn bề ngoài làm sao thấu hiểu được tâm trạng của họ.
- Tầm thường lắm. Nếu cậu chỉ nhắm vào bản thân họ thì cậu lầm rồi.
- Tôi quyết khám phá những đề tài siêu việt trong những con người tầm thường đó.
- Tại sao cậu lại không chịu sáng tạo những đề tài mới lạ, biểu hiện đôi chút triết lý tầm thường, - Triết vẫn cười không ngớt – Được rồi, tôi sẽ đợi tác phẩm của cậu.
- Thế thì cậu bằng lòng xuất hiện trên tác phẩm của tôi!
- Viết về chuyện tình của tôi và Phụng à? – Triết ngưng tiếng cười – Đó có ý nghĩa gì đâu, Phụng cũng giống như nhân vật trong quyển “Kiêu ngạo và Thiên kiến”. Còn tôi, tôi có gì đáng để viết đâu? Cậu không thể viết tôi thành Rodin đâu nhé.
- Không phải bây giờ, có lẽ sau này cậu sẽ tạo ra những chuyện ly kỳ cũng nên.
- Nếu không may tôi chết đi, tôi thích cậu viết cho tôi một bài văn tế, Triết cười nhạt sau câu nói.
Triết sắp nổi cơn ngông. Quả nhiên, hắn nói không ngừng những bi kịch của con người, và kiến thức của các phe triết học. Tôi không đưa ý kiến, chỉ yên lặng nghe hắn thao thao bất tuyệt. Đã lâu lắm Triết mới lại nổi hứng như vậy. Quãng thời gian trước hắn rất trầm lặng, mà bây giờ lại thay đổi một cách hết sức đột ngột. Trong lời nói của hắn, tôi hé thấy một hiện tượng rất lạ. Đối tượng hắn nói không phải là tôi, mà là chính cá nhân hắn hay một người nào đó.
- Nói một cách tổng quát, đời người là trống không, trống không như một diễn viên vừa bước xuống sân khấu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải bán sức để diễn hết vở tuồng này.
Tôi ngơ ngẩn nhìn hắn đăm đăm
- Chúng ta không biết chúng ta đang diễn vai trò gì. Hắn ngưng giây lát rồi buông tiếng thở dài – Chúng ta cũng không mong khán giả vỗ tay, nhưng chúng ta vẫn phải chụp chiếc mặt nạ vào để cảm ơn khán giả. Phải thế không?
Tôi làm sao đoán được ý nghĩ của Triết.
- Khi Aristote uống độc dược, có ai hiểu được tâm trạng của ông ta? Ông ta đã mệt mỏi, mệt mỏi bởi cuộc hành trình của kiếp người, ông ta cần có một chén nước để giải khát chứ.
Tôi không thể nào hiểu được Triết. Dằn lòng không được, tôi lên tiếng hỏi:
- Triết, cậu đang nghĩ gì thế? Ý cậu muốn ám chỉ gì vậy?
Triết đưa tay dụi mắt như vừa tỉnh cơn mơ, hắn xem đồng hồ rồi trả lời:
- Lạ thật, tôi nói nhiều quá nhỉ! À, đến giờ tôi phải đi rồi.
- Cậu đi đâu thế?
- Đi họp! – Triết lấy sổ tay ra – Cuộc hội thảo do tòa báo tổ chức, sau đó tôi đến thăm một người bạn.
- Nếu tiện đường, cậu đến Phụng xem cô ta có gì cần mình không?
- À! Cậu không nhắc suýt nữa tôi quên mất rồi! – Triết lấy trong sổ tay ra một lá thư – Hôm qua Phụng đã nhờ tôi đưa thư này cho cậu.
Sao Phụng lại gửi thư cho tôi? Tôi linh cảm có lẽ là việc Hà Phi theo đuổi cô ta làm Lưu Triết hiểu lầm cô ta thêm. Tôi vào phòng mở thư ra. Vật trước tiên đập vào mắt tôi là một tấm chi phiếu một ngàn đồng. Tôi đã ngạc nhiên, nhưng khi xem xong nội dung thư lại càng thắc mắc thêm nữa.
Nàng rất cảm ơn sự giúp đỡ của tôi, nhất là việc đưa cho nàng một ngàn đồng tiền mặt đúng lúc, nhờ vậy nàng mới có tiền trả bệnh viện. Nhưng hiện nay nàng đã nhận được tiền bồi thường bảo hiểm, đủ tiêu xài trong vài tháng và nàng nghĩ tiền này tôi cũng phải vay mượn bạn bè nên trả lại cho tôi để thanh toán với bạn bè.
Tôi có nhờ ai đưa tiền cho nàng bao giờ đâu? Tiền của tôi gửi ở ngân hàng cũng đã cạn, tiền sửa bài của Tiền Bào Tử đưa cho tôi hôm trước Lưu Triết vay mất mà, Triết càng không đủ khả năng đưa tiền cho cô ta mượn.
Ai đã đưa tiền cho giáo sư Trung? Sao lại phải mượn danh nghĩa của tôi, việc này tôi không làm sao đoán ra.
Sau cùng, tôi nghĩ có thể là Phụng đã nhớ lầm người, không chừng dạo này nàng vì lo nghĩ quá độ, nên đưa lầm. Tuy nhiên, không thể nào lại hồ đồ đến mức này được. Tôi gọi điện cho Phụng. Nàng đi vắng. Cô tớ gái cho tôi biết là giáo sư Trung đã đỡ rất nhiều. Hôm nay ông đã trở lại trường dạy học. Tôi biết nếu có hỏi nơi cô này thì cũng bằng vô ích, nên tôi đành giữ lấy tấm chi phiếu, để khi gặp Phụng hãy hỏi nàng sau cũng chẳng muộn.