Dịch giả: Từ Du
Chương 16

Tôi gặp Cao Mục Địch tại tòa báo.
Đúng như Đức Sanh đã tả, hắn ốm yếu hơn trước thật. Sắc mặt tái mét, hắn lại mặc chiếc áo Hawai rộng thùng thình và một đôi giày da to như hai con chuột cống.
- Đợi tí nhé, vài ba phút nữa thôi – Mục Địch vừa nói vừa cắm cúi vẽ - Hôm qua tôi đến tìm cậu, cậu đi vắng, bộ về khuya lắm à?
- Khuya lắm, sáng nay mới thấy mảnh giấy cậu để lại.
- Cậu đi xem phim hả?
- Tôi đi thăm một người bạn.
- À, lại đến nghe lão Ngô Doãn Trung nói khoác rồi. Tôi có nghe Đức Sanh nói các cậu hay đến nhà ông ta uống rượu lắm.
Tôi mỉm cười, không chấp nhận mà cũng không phủ nhận.
- Lão chẳng hiểu gì cả, chỉ biết khoác lác – Cao Mục Địch vẫn kiêu ngạo, ngông cuồng, mở miệng ra là chê bai thậm tệ - Lão bán đồ cổ của mình cho người ngoại quốc và bán cho mình toàn đồ Tây vứt bỏ.
- Thôi đi cậu, sao cậu lại ngày càng ghét ông ta đến thế?
- Tôi đã từng làm thơ chế nhạo ông ta, ông ta cũng đã từng mắng nhiếc tôi trước mặt học trò của ông ta – Cao Mục Địch thản nhiên – Nhưng hiện nay tôi chẳng giận ông ta chút nào.
- Tôi đề nghị hai người nên gắng nói chuyện với nhau một phen để tìm hiểu nhau.
- Có gì đáng nói đâu, đến chết tôi cũng không thể nào hợp với lão được! – Cao Mục Địch buông viết đỏ xuống cười nhạt – Của César thì phải trả về cho César, của Thượng Đế phải trả lại cho Thượng Đế.
Tôi ngập ngừng nói:
- Thôi được rồi, cậu làm việc xong hãy nói.
- Xong rồi – Mục Địch cuốn lấy tờ giấy, vươn vai há miệng đứng dậy – Đi thôi, hãy rời khỏi nơi xui xẻo này.
- Xem ra cậu cũng đã mệt lắm rồi, uống tách cà phê nhé?
- Không, xưa nay tôi chưa từng vào quán cà phê bao giờ! Chúng ta đến công viên Bình Đầu để ngắm giếng nước phun dưới ánh trăng, đẹp lắm.
Tôi ngạc nhiên trước sự làm việc của hắn. Đứng trước cửa tòa báo, tôi bảo:
- Mục Địch, tôi phải thẳng thắn nói rằng dường như cậu không chú tâm tới công việc.
- Nhưng tôi đã phải phí mất một quãng thời gian hút một điếu thuốc thơm.
- Giản dị như thế thật sao?
- Sao lại không? Phụ trang của tôi gần như hoàn toàn là những mục liên tục, mà tôi chỉ có một khu vực nhỏ như chiếc hộp thuốc, chỉ cần điền vào một bài thơ mười bốn hàng là đủ rồi.
- Cậu có quyền thay đổi cách sắp xếp như thế chứ?
- Cậu không hiểu – Mục Địch lườm tôi một cái – Những người giữ cột dài đều do ông chủ mời đến, tôi còn có quyền gì nữa?
- Hình như cậu có vẻ chán nản việc làm này thì phải.
- Không! Cái khiến tôi chán nán nhất là cuộc sống thực tại của con người – Mục Địch hắng giọng khẽ thở dài – Đôi lúc tôi muốn tự tử cho xong, nhưng lại thiếu kiên quyết.
- Tại sao?
- Chính tôi cũng không biết tại sao.
Cả hai chúng tôi đều lặng thinh, dường như hắn đang tìm nguyên nhân, tôi cũng không muốn cắt đứt nguồn tư tưởng của hắn. Về đêm, trong khu trung tâm thành phố người qua lại rất ít, các đường phố đều vắng lặng, chúng tôi đi xuyên qua  một con hẻm nhỏ, bước lên dốc núi.
- Mệt quá rồi! – Cao Mục Địch khom lưng thở hổn hển, lấy một sấp báo cũ trải trên bậc thang đá -
ở đây ngắm trăng đi.
- Không đến công viên Bình Đầu à?
- Có gì khác đâu? Dù sao thì trên trời cũng chỉ có một mảnh trăng thôi! Mục Địch ngồi trên bậc thang, ra dấu bảo tôi ngồi xuống.
- Hình như gần đây cậu gặp chuyện buồn phiền?
- Không! Xưa nay tôi chỉ biết làm buồn người khác mà thôi.
- Nếu cậu đừng khó tính lắm, có lẽ cậu sẽ thấy đời này còn có chỗ đáng yêu của nó.
- Nay tôi còn vô dụng hơn cả đà điểu nữa. Cậu không thấy sao? Vì muốn kiếm mấy đồng tiền tanh hôi, mà tôi đã phải bò trên mặt bàn như một con rùa, và còn phải ngắm bộ mặt xấu xí của tên chủ biên nữa.
- Cậu có thể đổi nghề khác đi, ai cấm? Sao cậu không chịu theo nghề chính của cậu, cậu học kịch nghệ, giới điện ảnh tại đây rất cần những nhân tài như các cậu.
- Bảo tôi phải bợ đỡ những người làm phim ảnh à? Tôi thử rồi. Tôi vừa đến Hương Cảng là đã chui đầu vào con đường này rồi. Có một người tự xưng là đạo diễn, bảo tôi viết một truyện phim cho hắn, thù lao là năm trăm đồng nhưng hắn đứng tên.
- Cậu không chịu làm à?
- Làm chứ, tôi không bận tâm về điều đó. Tôi cảm thấy vì nghệ thuật điều đó cũng chẳng đáng kể gì!
- Sao không chịu làm tiếp nữa?
- Khi tôi xem chiếu thử, tôi liền tự tặng cho mình một cái tát, và dùng những danh từ mất dạy nhất để mắng mình.
- Sao, hắn đã làm nhơ nhuốc đến tâm huyết của cậu à?
Mục Địch giận dữ nói:
- Chẳng có gì đáng nói cả, tôi có thể chịu đựng được bóc lột, và chịu được con mình không nhận mình là cha; nhưng tôi không bằng lòng bán rẻ nhân cách, nhân cách của người làm nghệ thuật. Mặc dù tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt.
- Thế thì cậu có thể xuất bản truyện đó, công khai cho người khác đọc?
- Ai chịu phí tổn ấn loát chứ? Có lẽ sau hai mươi năm, hoặc giả tôi có cái hứng thú đó. Vì thế tôi mới đổi nghề làm thơ, làm thơ cũng có cái hay của nó, có thể bày tỏ chút tình cảm chân chính. Nhưng, tôi lại nhận được sự buồn bực to tát hơn.
Tôi biết Mục Địch sắp phát tác cái tính ngông cuồng của hắn, bèn vội chuyển sang hướng khác:
- Sao cậu không cố tìm một người bạn gái để có tình yêu xem sao?
- Yêu à? Tôi đã thử tìm trò chơi vô vị này rồi, đúng lắm, tôi xin cậu hãy thưởng thức bài thơ này của tôi.
Mục Địch đứng lên, lấy sấp báo cũ rút ra một tờ, đưa cho tôi và nói:
- Cậu hãy xem dưới ánh đèn đường đi. Xem xong hãy cho tôi một lời phê bình nhé.
Tôi đọc bài thơ đó rất nhanh, một bài thơ hết sức mới lạ và yểu điệu với nhan đề là “Tiếng khóc của Vicnas”
Tôi đọc xong trang này rồi trang nữa, nhưng không sao hiểu được lý do khiến Vicnas phải rơi lệ; vả lại trong thơ cũng không có đoạn  nào nói nàng khóc, có chăng là rải một lớp bột lên quả táo.
- Tôi tin rằng cậu có thể thưởng thức được – Mục Địch nhìn tôi với ánh mắt chờ đợi – Trong số bạn bè, có lẽ chỉ có mình cậu hiểu được thôi.
Tôi lắc đầu cười như mếu
- Thế thì có lẽ Vicnas phải khóc thật rồi! – Mục Địch thất vọng – Tôi phải phí mất hai giờ mới viết xong được đấy.
- Sao cậu không chịu viết dễ hiểu hơn một chút chứ? Lối thơ này không thơ mộng bằng những sáng tác của cậu trước kia.
- Trước kia? Trước kia đâu có thơ – Mục Địch cười nhạt – Lúc đó có một tư tưởng tồi tệ, những thi ca sắp bán cho Công ty điện ảnh để làm nhạc thời đại, cái tôi viết hiện nay mới đúng là đồ thật. Bởi vì tôi có tiền thu vào cố định nên không thèm làm những công việc nhàn nhã, rẻ tiền đó nữa.
- Nhưng bài thơ của cậu như vậy, tôi chẳng hiểu trong đó nói gì.
- Tôi không phải viết cho chính mình, mà chỉ thương xót cho thời đại này thôi.
- Nhưng độc giả không thể đón nhận được.
- Điểm này tôi công nhận. Đối với độc giả không chịu suy ngẫm, có thể gọi là đàn gảy tai trâu; hãy cứ để cho họ chìm đắm trong vũng sình lầy của quỷ sắc dục đi thôi! Tôi mong rằng cậu nói sự thật, chúng ta có thể liên kết tâm hồn với nhau chăng?
Tôi thẳng thắn nói:
- Tôi tưởng là thợ sắp chữ sắp sai đó chứ?
Tôi tưởng là Mục Địch giận, nhưng trái lại hắn còn vui vẻ nói:
- Với tư tưởng lạc quan như vậy, cậu cũng phải chờ đợi một thời gian lâu; nhưng chưa chắc sẽ thành công.
- Có lẽ số mệnh đã an bài cho tôi phải thất bại! Vì rằng chúng ta bắt đầu đã bị những người kia làm hỏng. Các bạn của chúng ta còn có điện ảnh của phái Tân trào và tiểu thuyết thuộc xu hướng ý thức. Cũng chẳng được gì, nhưng cậu không thể dập tắt cái tinh thần khai sáng này.
- Xem ra cậu phải làm một cái gì cho đích đáng mới được.
- Đúng, hôm qua tôi đến thăm cậu chính vì việc này. Gần đây tôi định làm một cuộc hội thảo văn nghệ, hầu bành trướng thơ mới này, mong cậu cũng đến tham dự, thời gian và địa điểm tôi sẽ đăng trên báo sau.
- Tôi mong rằng có thể nhìn thấy cậu thành công! Nếu không có việc gì quá cấp thiết, tôi sẽ đến dự.
- Điều này đối với tôi rất hệ trọng! Nếu không có tia hy vọng này, thì tôi đã rời Hương Cảng này từ lâu rồi. Giờ đây, khi nào xong việc tôi mới ra đi.
- Cậu có kế hoạch gì nên mới rời Hương Cảng hả?
- Chỉ muốn bỏ đi thôi, chưa định đi đâu cả - Mục Địch buồn bã nhìn tôi – Tôi muốn nghe ý kiến của cậu.
- Khi chim mỏi cánh sẽ bay về tổ, tôi đoán cậu định về quê nhà
- Quê tôi giờ chẳng còn ai nữa cả! Cho dù tôi trở về họ cũng chẳng thích tôi. Vả lại, tôi cũng không muốn phá hoại ấn tượng của tôi với quê hương tôi.
- Hoa Kỳ là nơi cậu rất quen thuộc, cậu có thể sang đó làm ăn.
- Thôi đi! Tôi quá quen thuộc bộ mặt di dân của họ.
- Nghe nói bên Âu Châu không có nạn kỳ thị chủng tộc.
- Bầu trời Luân Đôn cũng buồn tẻ hơn cả Hương Cảng! Tôi đã ở ngoại quốc khá nhiều năm mà không thể nào quen được.
- Đó có lẽ là vấn đề văn hóa dân tộc, chúng ta dù sao cũng là người Trung Hoa! Cậu có cảm tưởng như thế không? Nó như một gánh nặng đè lên lưng chúng ta.
- Đúng! – Mục Địch móc hộp thuốc, châm một điếu thuốc, hít lấy một hơi dài – Ngay cả thuốc lá thơm Hoa Kỳ cũng gắt như thế.
- Cậu chán ghét nó lắm thì phải. Lần đầu tiên tôi trông thấy một du học sinh Hoa Kỳ lại không thích đồ Hoa Kỳ.
- Không! – Mục Địch phà một luồng khói dày đặc – Tại Hoa Kỳ, có một thời kỳ tôi còn định nhập quốc tịch Hoa Kỳ nữa đấy, vì rằng khi trở thành công dân Hoa Kỳ thì làm cái gì cũng dễ dàng hơn.
- Cậu đã nhập tịch chưa?
- Rồi, với hai người bạn nữa – Mục Địch vươn vai ngáp – Không hiểu vì sao đứng trước cửa Tối Cao Pháp Viện Nữu Ước, chân tôi như bị xích sắt khóa chặt, không sao bước lên được nữa. Vừa rồi cậu có bảo, nền văn hóa dân tộc như một gánh nặng đè lên lưng chúng ta, đúng lắm, nhưng chúng tôi không nỡ vứt nó đi. Do đó, tôi bèn nói với hai người bạn rằng “Tôi bệnh rồi, bệnh cũ của tôi lại tái phát rồi!”