Dịch giả: Từ Du
Chương 35

Trương Đức Sanh được tiền đua ngựa thật, giáo sư Trung lại thua sạch chẳng còn một xu.
Kẻ thất bại phải được an ủi, người thắng cuộc phải ăn mừng, bởi vậy không cần tôi lên tiếng đòi thì Đức Sanh đã gọi điện thoại đến. Tôi rất thắc mắc, công việc của hắn bận gần chết mà sao hắn vẫn có thời giờ đến trường đua. Giáo sư Trung là một nhà kinh tế học, xưa nay vẫn không tán thành việc đánh cá ngựa thế mà ông lại mang số tiền mồ hôi nước mắt đổ cả lên bãi cỏ. Nhưng Đức Sanh đã cho tôi biết là vì phải theo dõi một người nên mới bước chân vào trường đua. Nhưng giáo sư Trung lại chẳng hiểu tí gì về cảm hứng cờ bạc của Đức Sanh. Về việc chọn lựa nơi giải trí. Giáo sư Trung và Đức Sanh cũng cãi cọ đôi chút. Đức Sanh muốn vào một quán ăn sang trọng, giáo sư Trung lại muốn đến một quán rượu nhỏ ở ngoại ô, để thở chút không khí trong lành.
Đức Sanh phải chiều theo ý của giáo sư đến một thị trấn nhỏ ở gần núi Thanh Sơn. Giáo sư Trung đích thân chọn vài con cá tươi, mang đến một quán rượu nhỏ ven biển.
Quán rượu này tuy thô sơ nhưng rất sạch sẽ, còn đủ hương vị nồng nàn của thôn quê. Tôi chợt nhớ đến Phụng, một cô gái trưởng thành ở đô thị, sặc mùi Tây Phương, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Tây phương, chẳng biết tí gì về quê hương xứ sở, sẵn dịp này nên để cho nàng mở rộng tầm mắt.
Tôi đưa ý kiến này với Đức Sanh và giáo sư Trung. Đức Sanh hết sức tán thành còn giáo sư Trung xua tay phản đối tức khắc:
- Tôi cương quyết không cho nó đi với chúng ta. Nó câu thúc tôi nhiều rồi, hôm nay tôi phải vui chơi thỏa thích mới được. Hơn nữa, nó sẽ làm trở ngại cuộc vui của chúng ta.
Tôi nói:
- Được rồi. Thế thì bác phải kể một câu chuyện thật hay nhé.
Giáo sư Trung uống ực một hớp rượu rồi thở khì:
- Tôi đã kể quá nhiều rồi.
- Câu chuyện của bác không bao giờ có kết cuộc cả - Đức Sanh rót thêm rượu cho ông ta – Chẳng hạn như bác kể đến lúc “Độc Mai Quế” trong quán rượu ở Ba Lê, cháu cảm thấy hơi lạc đề đấy, cháu không tin quan niệm luyến ái của đàn bà Pháp như bác kể.
- Có lẽ đó là ly rượu được nấu bởi những quả nho chưa chín – Giáo sư Trung lắc đầu chua chát – Một ly rượu đắng!
Tôi chen vào:
- Kết cuộc thế nào hả bác?
- Lần trước tôi kể đến đâu rồi nhỉ?
- Bác đã thắng được một bữa tiệc Giáng Sinh thịnh soạn! Chẳng khác nào như ngựa về ngược vậy.
- Nhưng tôi đã thua cuộc thê thảm và đau thương hơn cả ngày hôm qua! – Giáo sư Trung ngẫm nghĩ một hồi lâu mới kể tiếp – Qua hôm sau, “Độc Mai Quế” đến ký túc xá tìm tôi, tôi ngỡ nàng đến tìm tôi để đòi tiền “qua đêm”. Để giữ thể diện cho tôi, các bạn đã gom góp cho tôi vài chục phơ răng bỏ vào phong thư đưa cho nàng. Cậu đoán xem sự việc diễn tiến ra sao?
- Tôi phải bó tay trước câu chuyện hoang đường này.
Giáo sư Trung đưa tay sờ chiếc má ửng hồng của ông và cười một cách hữu ý. Đức Sanh nhìn ông ta nói lững lờ.
- Bác gặp rắc rối rồi!
- Cũng không đến nỗi như vậy – Giáo sư Trung vươn vai – May là nhờ thằng anh cả của chúng tôi giải vay, hắn hăng hái đứng lên thay thế tôi, đây là một diệu kế để đối phó với những sự phiền phức của một lũ du học sinh chúng tôi. Lúc bấy giờ chúng tôi gọi đó là thuật luyến ái tiếp sức.
- Tôi không tin là lại có việc như vậy. Phải phạt một ly mới được.
Giáo sư Trung chẳng thèm tranh luận với Đức Sanh, tiếp tục nói:
- Thế nào rồi cậu cũng phải tin vì người thay thế tôi chính là cha của Lưu Triết.
Tôi và Đức Sanh kinh ngạc nhìn ông ta:
- Rất tiếc là cha của Lưu Triết không có mặt ở đây. Cha già ấy có nhiều mối tình mê li lắm…
- Chẳng lẽ Triết cũng mang dòng máu Pháp sao?
- Dĩ nhiên là không. Tôi bảo luyến ái tiếp sức! Lão Lưu đã hưởng thụ một năm diễm phúc, xong lén trở về nước. Mặt ngoài là về nước kháng chiến, thật ra là trốn tránh trách nhiệm vì Độc Mai Quế đã mang thai, còn hắn đã có vợ từ lâu, có lẽ Triết lúc đó đã đi học rồi.
- Độc Mai Quế kia chịu bỏ như vậy à?
- Chúng tôi tưởng nàng sẽ làm phiền chúng tôi, nhưng nàng chẳng hé môi. Về sau, nàng đã hỏi thăm địa chỉ của lão Lưu ở tòa Đại Sứ, chúng tôi lại tưởng nàng đến để tố cáo lão Lưu về cái tội sở khanh chứ.
- Trò đùa này chắc bị phóng đại rồi.
- Nàng đến Thượng Hải tìm lão Lưu nhưng ngoài sức dự liệu của chúng tôi. Về sau nàng đã lấy một người bạn học của chúng tôi, sau này không còn tin tức gì nữa.
Đức Sanh nói:
- Tôi tin rằng câu chuyện này chưa được chấm dứt. Đến đây có lẽ là mối tình đa giác bắt đầu bùng nổ.
- Nhưng câu chuyện kết thúc tại đây thì tốt hơn! – Giáo sư Trung buông tiếng thở dài ai oán – Thời chiến tranh, tôi có gặp nàng tại Trùng Khánh, nàng mời tôi uống rượu và cho tôi biết nàng đã li dị, vì lẽ chồng nàng không thích đứa con gái của nàng, nàng hỏi thăm tôi địa chỉ của lão Lưu, định giao đứa con đó cho hắn.
- Nếu lúc đó bà ta gặp Lưu Triết thì may quá, hắn có thêm một đứa em gái.
- Lúc đó tôi không biết tin tức của lão Lưu thật! Thiên hạ loạn lạc, con người chẳng khác nào cánh bèo không ngừng trôi giạt. Tôi chỉ biết nhiều người đã chạy sang Hương Cảng rồi.
- Người đàn bà Pháp kia đa tình quá nhỉ?
- Không! Nàng căm hận đàn ông. Nàng nhạo báng tôi trước mặt con gái của nàng, dù sao thì nàng cũng còn giữ thể diện cho tôi, không hề nhắc lại món nợ xưa kia, nhưng tôi cũng đủ đau khổ rồi.
- Thôi, hãy uống thêm một ly nữa! Thức ăn mang lên rồi – Đức Sanh gắp vài con tôm càng bỏ trước mặt ông ta.
- Đừng tưởng đây là một trò đùa! – Giáo sư Trung bùi ngùi nói – Đến khi lớn tuổi hối hận không kịp.
- Cái gì qua hãy để nó qua đi! – Đức Sanh tha thiết an ủi ông – Thời trai trẻ ai lại chẳng lếu láo.
Giáo sư Trung gật đầu
- Hai cậu biết sao hôm nay tôi lại đến trường đua không?
Tôi và Đức Sanh ngơ ngác
- Tôi đã gặp tình nhân cũ – Giáo sư Trung trợn to mắt – Thật đấy, tôi đã gặp nàng, “Độc Mai Quế”!
- Bác không chào hỏi bà ta à?
- Tôi không tiện chào hỏi nàng, vì nàng đi với một lão già, rất có thể là chồng nàng. Có lẽ nàng vừa đi xem phim về, họ đi bằng xe kéo, gây sự chú ý của người khác. Tôi đã chạm mặt nàng tại một con hẻm nhỏ.
Đức Sanh hỏi:
- Bà ta nhớ bác không? Hoa hồng có lẽ đã biến thành hoa vạn niên thanh rồi nhỉ?
- Già rồi, tất cả đều già rồi! Dường như nàng có để ý đến tôi, tôi vội bước vào quán ăn, và đứng bên cửa sổ nhìn trộm nàng, nàng đi loanh quanh trước cửa quán một hồi rồi mới chịu bỏ đi.
Hay bác nhìn lầm người. Mà cũng có thể là tiềm thức của bác đã làm bác bối rối!
Lúc đó tôi cũng nghĩ như vậy. Về sau tôi chẳng thấy sai trật vào đâu cả.
Bà ta đến quán ăn tìm bác à?
Không! Nhưng tôi bối rối đến chết đi được, vì sau ba tiếng đồng hồ, vừa bước ra khỏi quán ăn, tôi phát giác có một con bé theo dõi tôi, tôi nhận thấy con bé rất có thể là con gái của Annie, vì nó giống Annie lúc còn trẻ lắm.
Sao bác lại sợ cô bé đó như vậy?
Tôi cho rằng Annie sai nó đến theo dõi tôi. Tôi không muốn them phiền phức, vì nhược điểm của tôi Annie biết quá rõ.
Đức Sanh lắc đầu tỏ vẻ không tin:
Nếu bác đóan đúng thì cô ta phải chận bác lại hỏi chuỵên chứ?
Tôi không để cho nó có cơ hội. – Giáo sư Trung tức tối – Ban đầu tôi đi thì nó cũng đi, về sau tôi lên taxi, nó cũng gọi taxi đuổi theo. Đến khi ra tới bến tàu tôi mới thoát được, nhưng vừa bước xuống phà tôi lại đụng đầu nó nữa. Tôi không dám về nhà ngay, sợ nó biết địa chỉ. Thế nên tôi nghĩ đến trường đua, nơi đó đông người không dễ gì đụng đầu tôi.
Cô ta có theo vào trường đua không?
Không! Không hiểu tại sao nó lại hối hả chen vào thang máy của một công ty.
Công ty nào vậy bác?
Tôi không để ý, chỉ nhớ là vách tường màu đỏ, có một bảng hiệu chữ vàng rất nhỏ.
Phục sức của cô bé đó như thế nào bác?
Áo tơ trắng, váy xếp màu lam.
Đội một chiếc mũ tro tựa như một chiêu đãi viên hàng không vậy.
Đúng, nó cầm chiếc nón đó trên tay! Cậu cũng thấy nó ở trường đua hả?
Ha ha! – Đức Sanh đột nhiên vỗ tay cười – Cô gái mà bác gặp chính là nhân viên làm việc tại đó.
Tôi cũng dằn lòng không được phải bật cười. Giáo sư Trung chỉ ngồi lặng thinh giụi mắt ngớ ngẩn.
Đó thấy không, như vậy đủ chứng minh là tiềm thức đã làm rối trí bác?
Nhưng tôi không làm sao yên tâm được.
Sao bà ta không theo vào trường đua luôn. Thật ra, trong trường đua cũng dễ gặp người quen lắm, bác không thấy đâu đâu cháu cũng đụng đầu với bạn bè sao.
Giáo sư Trung xoa miệng:
Cầu cho sự phán đoán của cậu là đúng.
Hèn gì bác chẳng thua bạc. Hèn gì bác cứ đánh con ngựa hạng bét, những con ngựa trứ danh tôi cho bác biết thì bác lại không tin.
Tinh thần của giáo sư Trung đã khả quan hơn. Ông đứng lên bước đến cửa sổ, ngơ ngẩn nhìn ra biển cả. Một tô canh chua đựơc mang lên, Đức Sanh bảo đây là món mà giáo sư Trung thích nhất, nhưng mãi đến khi tôi lên tiếng gọi ông mới chịu lừ đừ trở lại bàn.
Bác vẫn còn nhớ đến việc kia?
Không phải! – Giáo sư khẽ ho một tiếng, chỉ ra ngoài song cửa – Hai cậu có thấy cái đảo kia không?
Có gì đẹp đâu!
Nó rất giống đảo St. Hélène. – Giáo sư Trung trầm ngâm giây lát – Cậu biết Napoléon ở trên đảo đó đã nghĩ những gì không, ông ấy nhất định không phải là nghĩ đến Waterloo, cũng không phải là nghĩ đến đảo Corse, mà tôi tin rằng ông ấy không bao giờ quên được nàng Joséphine.