Nguyễn Văn Thọ tự bạch

     ính thưa các nhà văn, các nhà báo!
Thưa các bạn văn!
Trong cuộc sống của cá nhân tôi, cũng như nhiều cử toạ ở đây, có thể có duyên hạnh ngộ, được coi là may mắn; dù để gặp nó, người ta phải trải qua đời sống không bình yên. Tôi đã có hai lần trong đời như vậy, khi được trực tiếp chứng kiến hai sự kiện quan trọng của thế giới.
Lần thứ nhất, 30-4-1975, chúng tôi tiến vào Sài Gòn và nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, khi hơi đạn đối phương vẫn còn khét quanh mình. Đó là một ngày hạnh phúc, vì chiến tranh chấm dứt, đất nước chia cắt bao nhiêu năm, sau một ngày, lại hoà thành một nước Việt Nam thống nhất, không còn máu chảy.
Lần thứ hai trong đời, đêm Noel năm 1989, tôi tận mắt chứng kiến Bức tường Berlin sụp đổ, và chỉ nửa năm sau, nước Đức cũng trở thành một quốc gia thống nhất.
Lần thứ nhất, tôi bàng hoàng biết mình còn sống và mừng chảy nước mắt. Tôi không còn phải đi tìm ai mà diệt, vì chiến tranh chấm dứt, nước nhà liền một mối. Tôi đã đi tìm người bác ruột trong thành phố Sài Gòn vừa tan khói súng, theo lời dặn của cha tôi, sau ba mươi năm cách chia. Tôi cảm ơn sự hiện diện của mình vào ngày ấy, bởi vì, sau đó tôi đã tìm thấy bè bạn tôi, người thành thân thiết của tôi, ngay trên mảnh đất nhờ hoà bình mà có.
Lần thứ hai, với tư cách người ngoại quốc, tôi lặng lẽ quan sát vẻ mặt của những người Đức khi họ gặp lại nhau cổng thành Brandenburg và, thực sự hiểu được nước mắt hạnh phúc của họ, bởi vì tôi, một người Việt Nam thợ khách, chính là người trong cuộc trước đây như họ. Sao không hiểu được, nếu như chính cuộc thăng trầm thứ nhất cho tôi nhận ra sức nóng của nước mắt - chảy hay chỉ âm thầm, trong ngày thứ nhất - Hạnh phúc của những người lính đã chiến đấu hết lòng vì Tổ quốc. Sao không hiểu được, khi ở cuộc thăng trầm tiến tới ngày thứ hai và vượt qua điểm mốc ngày thứ hai của những người Việt trên khắp tinh cầu này, để nhận ra người phía Tây hay người phía Đông, người Nam hay người Bắc lại có thể yêu - thương - nhớ khác nhau, dầu là yêu nước hay yêu người?
Phải nói rằng, để đi qua những sự kiện ấy, cá nhân tôi cũng trải qua, nếm náp đủ mùi vị của đời sống vốn chẳng bao giờ ngòn ngọt, dù bất kì ở đâu trên thế giới bao la này. Tôi xin cá cược với các bạn điều ấy, chính bằng cái mà chúng tôi đã đi qua trong chiến tranh và cả trong cuộc trôi nổi Thợ khách xứ người. Biết bao năm tháng trước đó và sau hai duyên ngộ kể trên, ở Việt Nam chiến tranh hay hoà bình, hậu chiến cam go hay sang xứ người, một đất nước phát triển, trong thân phận làm thợ khách; ở bối cảnh chính trị thế giới nhiều điều bất ngờ, giữa cuộc sống cuồn cuộn chảy, một hối thúc bát buộc tôi không thể nào không cầm lấy bút mà chép lại. Và, chính điều đó, vô tình biến tôi thành một người viết văn, dù chưa khi nào tôi mơ ước, có ngày cái tên nôm na Nguyễn Văn Thọ được các nhà báo thân mến, yêu quý gọi là Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Tôi dò dẫm trên con đường ghi chép ấy, qua các sách vở của các nhà văn thế giới, cũng như ngay trong sách của các nhà văn Việt, kể cả trong số các nhà văn ngồi đây, học cả thất bại và thành công, để 12 năm viết 7 cuốn sách và cùng nhiều bài báo liên quan tới văn học, nghệ thuật hay môi trường, giáo dục xã hội.
Cuốn tiểu thuyết Quyên, cuốn sách thứ 8 trên tay các bạn hôm nay, cuốn sách thứ 8, chính là mạch tiếp nối của con đường cảm xúc. Con đường trải dài trong hai mươi năm hạnh ngộ đầy cay ngọt, khi rời xa Việt Nam - Tổ quốc tôi. Nó là kết quả của hai năm ba tháng, khi thì giữa phòng lạnh hơi băng tuyết nước Đức, khi thì trong dịu dàng Hà Nội và ngược lại... đánh vật với cái nghề nghiệp chẳng có mẫu cho sẵn, để có riêng mình. Liều mạng viết tiểu thuyết đầu tay khi tự tôi tự biết, tự ngộ rằng, nó là loại hình trượt ra ngoài sự quen bút của thể loại truyện ngắn. Lạy Phật, may mắn sao, khi đặt bút dựng lên những chương đầu của Quyên, tôi được bạn bè cổ xuý... Báo Văn nghệ, anh Nguyễn Trí Huân và chị Dạ Ngân lập tức đón nhận, chính là những cú hích đầu tiên cho tôi.
Kính thưa các cử toạ, các bạn thân mến,
Đất nước đã sinh ra chúng ta thật vô cùng đẹp đẽ và yêu dấu. Nó càng yêu hơn, khi từng tấc đất ở đây đã thấm biết bao xương máu của tổ tiên, ông cha, bè bạn và có khi bằng chính xương máu của mình. Những con người dĩ vãng đã có công tạo dựng và gìn giữ đất nước, tất nhiên rất đáng thương yêu vì không thể yêu nước chung chung mà không có tình yêu thương ai đó, điều gì đó, cụ thể trên mảnh đất ấy.
Cuộc di dân của nhiều người Việt sau năm 1975 của cả hai miền Nam Bắc tới nay ngót nghét bốn triệu người. Xa quê hương, họ, những đứa con lưu lạc ấy có biết bao được và mất? Nhiều nhà văn hải ngoại đã chấp bút đưa vào văn học ít nhiều phản ảnh đời sống người Việt ở nước ngoài. Là một người ở Đức gần 20 năm, Quyên - tiểu thuyết này, xin góp một giọt nước, hoà vào mạch chảy Văn học sinh ra sau di dân, cụ thể hơn là của người Việt trên toàn cầu hôm nay đã đang viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Pháp, Đức hoà trong thế giới toàn cầu làm thành con sông DÒNG VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM.
Những người Việt ở đâu cũng có những tập tính hay và dở. Trong nước, Việt tính nhìn nhập nhoà hơn, khi ra biển cả: Làng Thế giới, con thuyền di dân Việt chạm vào các con sóng của các nền văn hoá khác, sự thất bại và thành công của từng cá nhân ở từng nước cụ thể đều bị thử thách để bộc lộ tương phản rõ rệt hay, dở của Tính Việt một cách đầy đủ và rõ nhất. Chuyện này giản dị như chiều cao của một thiếu nữ, không có người thứ hai so sánh, thì sao có thể nói cô ấy cao hay thấp, nếu giả tưởng trái đất chỉ có một Eva. Sự sống còn của Việt tính, không phải cứ cố chấp khư khư bảo vệ toàn bộ cái nguyên thủy, kể cả sự nguyên thuỷ ở đất gốc, nơi Văn hoá làng xã hình thành và phát triển. Sự sống còn của Việt Tính, trong xu hướng toàn cầu, nằm ở những điểm giao thoa, nơi các tính thiện gặp nhau, điểm Văn hoá Việt có những nét tương đồng với các nền văn hoá khác, dù biểu hiện bằng sắc thái (bản sắc) khác...
Tất nhiên, ở một góc chiếu đầy tính chủ quan và cá nhân, 444 trang Quyên, chỉ là một mảnh rất nhỏ, một góc chiếu đầy dãy số tham chiếu mà không đầy đủ kết quả, lại chứa chất tham vọng của một người cũng lắm tham vọng mà tài năng hạn chế là tôi, ắt nó có nhược điểm. Song thế nào, kể cả ngôn từ có chỗ vụng dại, tôi vẫn hy vọng, người đọc có thể chia sẻ ở Quyên ít nhiều về tình yêu cuộc sống, lời cảm ơn cuộc sống dưới đáy những con chữ trong tiểu thuyết kể về nàng Quyên, trong tiến trình cấu trúc một sợi chỉ mong manh xuyên suốt. Chia sẻ ở đó, của tôi, qua các hệ thống nhân vật, lòng khao khát được yêu, được yên hàn yêu và sống, khát khao một gia đình yên ấm, dù cho là có khi phải cay đắng soi vào hố thẳm ngay trong tâm hồn tác giả, kinh nghiệm sống của tác giả, chứ không riêng chỉ đầm mình không hoang tưởng với những người đồng hương lao khổ trên châu Âu, ở Đức hoặc Tiệp hay Hung, Ba Lan và Nga. Sự tra vấn giữa thiện và ác giữa yêu và ghét, giữa chân thành và giả tạo! Tôi nghĩ, không có đúng và sai như đen với trắng!
Việc bếp núc, ngay từ khi khởi thảo, tới khi đặt bút chấm hết, Thuyền Quyên đã được thử thách ở báo giới trong nước và ngoài nước, ở nhiều mạng và blog. Nó thực sự như một cơ thể sống, cũng sinh sôi, đau ốm và chữa bệnh để có Quyên hôm nay.
Xin một lần cảm ơn cuộc sống!
Tôi cảm ơn cuộc sống, bởi giản đơn hai lần đã qua hai hạnh ngộ có tính thế giới, dầu khổ nhục thế nào vẫn cứ yêu sống biết bao, khi vượt được qua nó, đứng dậy mà dám sống có ích và hoàn nguyên tính thiện ở ngay bản thân mình.
Được các nhà văn, nhà báo ưu ái có mặt đây, thiếu vài người mà tôi yêu quý! Có người đã vĩnh viễn ra đi! Xin cho phép tôi nhắc tới họ trong giây phút này, những người như nhà thơ Tràn Lê Văn, Bế Kiến Quốc, nhà văn Xuân Thiều v.v... và, được sự yêu mến của những người đi trước như thế, những nhà văn, thi sĩ hết lòng với văn chương, tôi thấy hạnh phúc! Tôi cảm ơn sự hiện diện của các nhà văn, nhà báo, bạn bè hôm nay, ở buổi ra mát nàng Quyên của Nguyễn Văn Thọ.
Nhân dịp Quyên ra mắt độc giả, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà sách 30 Hàn Thuyên, trong vai trò bà đỡ, tạo mọi điều kiện, cho con Quyên, đứa con thứ 8 của tôi ra đời.
Tôi cũng xin bày tỏ ở đây lời trân trọng biết ơn, cảm ơn tới những người trực tiếp góp phần tài năng và trí tuệ, tình cảm rất đầy cho cuốn sách. Đó là hoạ sĩ Lê Huy, người đạo diễn xiêm y chính cho nàng Quyên, cảm ơn hoạ sĩ Thành Chương và nhà phê bình, nhà văn, nhà báo Đỗ Quyên cùng như nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo và, nhà văn Cao Giang cùng kĩ thuật viên máy tính Nguyệt Lệ.
Đặc biệt, tôi xin chân thành lần thứ hai cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa, người bạn rất có trách nhiệm với việc văn và bè bạn, đã theo sát từng bước đi của Quyên, biên tập rất cẩn trọng những chương cốt tử trong cuốn tiểu thuyết này.
Xin cảm ơn Nhà kinh doanh Nguyễn Quang Hà, một tấm lòng với nghệ thuật, đã quan tâm tới các tác phẩm của tôi và hai làn tài trợ để những cuốn sách được ra mắt.
Kính thưa các cử toạ,
Các bạn thân mến!
Tôi chân thành cảm ơn tất cả các độc giả mạng trong ngoài nước, độc giả báo chí từ Mỹ, Canada, bà con lao động Đức, Hung, Nga và trong nước đã theo dõi con thuyền Quyên.
Lời cuối cùng xin cảm ơn con gái - Nguyễn Huyền Trang, người thực hiện triển khai buổi giới thiệu sách hôm nay.
Cảm ơn tất cả các cử toạ đã lắng nghe ý kiến này.
Hà Nội cuối tháng 3.09 Kim Mã Thượng