Tập Nhà Tây Sơn này, tôi viết theo những tài liệu của cha tôi là Quách Tấn đã sưu tầm, tập hợp và ghi chép lại.Trước khi viết, trong khi viết và sau khi viết xong, tôi đã được cha tôi hướng dẫn và uốn nắn sửa chữa những chỗ chưa phản ánh đúng, đầy đủ sự việc và tinh thần.Gia tộc tôi sinh cư lâu đời tại xứ Tây Sơn.Từ nhỏ chúng tôi đã được nghe cha tôi và các thân sĩ kỳ cựu trong vùng trao đổi với nhau những chuyện về Tây Sơn. Và trong gia đình, cha tôi cũng thường kể cho con cháu nghe những chiến công oanh liệt của nhà Tây Sơn, gây lòng tự hào, kính phục.Thời trung học, tôi cũng đã học sử Tây Sơn, cũng đã đọc nhiều sách về Tây Sơn. Nhưng tài liệu thì nghèo nàn và sự việc có nhiều điểm không giống những điều tôi đã được nghe truyền. Cha tôi đã nhiều lần giải thích sự sai biệt ấy, cho biết rằng:A. Do ngòi bút kẻ viết sử thời ấy xuyên tạc, giấu bớt sự thật cho vừa lòng nhà Nguyễn Gia Miêu đang thống trị.Do các sử gia thời ấy ở xa (miền Bắc nên không sát).Do sự đàn áp của chính quyền rất khốc liệt, nhân dân địa phương có liên quan trực tiếp với Tây Sơn ngậm miệng không dám nói lại rõ sự thật.B. Mà sự thật về Tây Sơn từ khi nhen nhóm cuộc đại nghĩa đến lúc bại vong rất phong phú, nhiều gia phả còn ghi, nhiều cháu con các danh tướng, danh thần còn nhớ biết và truyền lại. Các sách ghi chép của các nhà Nho yêu nước sống gần thời ấy về sau có ghi chép lại.Cha tôi đã có ý muốn viết lại lịch sử Tây Sơn cho đủ hơn, đúng hơn, để lưu lại những điều hay, đẹp, cao cả của ông cha cho con cháu về sau biết mà tự hào, tự cường. Vì vậy, từ năm 1930 đến 1945, suốt 15 năm, cha tôi đã sưu tập, ghi lại, tiếp xúc và đi đến cả một số nơi xảy ra các sự kiện lịch sử ấy để quan sát để thông cảm với cổ nhân.Số tài liệu khá phong phú. Nhưng đến năm 1945, gia đình về Bình Ðịnh, tài sản sách vở để lại nhà ở Nha Trang, bị giặc Pháp chiếm. Mãi đến năm 1954, hòa bình lập lại, trở về Nha Trang thì chỉ còn một cái nhà trống trơn, tài sản, sách vở, tài liệu đều mất cả!Từ năm 1955 đến nay, cha tôi làm lại cuộc sưu tập, tiếp xúc, ghi chép... nhưng một số tài liệu chính thức nay không tìm lại được, nhiều người hiểu rõ sự việc (truyền lại trong gia đình) đã chết hoặc đi biệt tích... Tuy nhiên số tài liệu mới thu thập trong thời gian này cũng khá phong phú. Lại một lần nữa bị mất mát trong cuộc tháo chạy tháng tư năm 1975. Tài liệu gom góp, sách vở ghi chép trong 20 năm trường, mười phần không còn được một.Cha tôi nay đã già yếu - 76 tuổi rồi - tự thấy khó mà sưu tập được nữa, và sợ cũng không đủ sức ngồi viết lại những điều đã tìm, đã nghe, đã ghi chép suốt 50 năm nay, nên bảo tôi nghiên cứu các tài liệu còn sót lại theo sự bổ sung, hướng dẫn, giải thích của cha tôi, cố gắng viết kỹ lại cho con cháu biết được rõ hơn về nhà Tây Sơn.Tôi ra công viết từ đầu 1983 và viết xong vào cuối xuân 1984.Theo ý kiến của cha tôi, tập này không thể gọi là một cuốn lịch sử, vì tài liệu, một số chưa được phối kiểm chặt chẽ.Ðây chỉ là một số tư liệu được chọn lọc, sắp xếp có hệ thống, những điều mà chúng tôi thấy nên chép, đáng chép. Nghe sao chép vậy, có nhiều sự việc chính xác, cũng có sự việc chỉ cắm một hoa tiêu để làm dấu cho những người sau tiếp tục khai tầm. Lại có cả những chuyện hoang đường theo kiểu Hán Cao Tổ chém rắn, kiểu sâu đục lá cây thành Lê Lợi vi vương Nguyễn Trãi vi thần trong sử sách cổ. Cha tôi bảo cần ghi lại, vì đó chỉ là những biện pháp tuyên truyền cổ động ngày xưa dựa vào thần quyền, dị đoan, và sự thực là nó cũng có ít nhiều tác dụng.Các bộ sử trước viết về Tây Sơn thường chỉ chú trọng đến Vua Quang Trung. Ðúng. Vì chính Vua Quang Trung mới thật là người có công với dân tộc. Nhưng xét kỹ nếu không có Vua Thái Ðức đổ nền đắp móng, thì chắc gì một mình Vua Quang Trung đã có thể hoàn thành ngôi nhà Tây Sơn? Các sách cũng ít nói đến các tướng võ các quan văn đã giúp nhà Tây Sơn xây dựng sự nghiệp. Trong tập tư liệu này, chúng tôi mong lấp được phần nào những chỗ khuyết ấy.Chúng tôi lại đưa ra một đôi chi tiết làm sáng tỏ nghĩa chữ Trung mà phần đông người Bình Ðịnh đã theo từ xưa đến nay: không phải trung với Vua, mà trung với Tổ Quốc, với Dân tộc, không phải trung với một người hay một nhà, mà trung với nghĩa vụ tận ngã nghĩa vụ, tức là TẬN KỶ theo Ðạo đức cổ truyền. Và thái độ không tranh quyền vị của các quan văn võ thời Thái Ðức, Quang Trung, thái độ không noi gương phần đông di thần của Vua Chiêu Thống khi nhà Lê mất, của các danh tướng danh thần của Tây Sơn còn sống sót sau khi Vua Cảnh Thịnh bị Gia Long giết, chứng tỏ rằng phần đông người Bình Ðịnh không bị cái học Trung Quân của Hán Nho nhồi sọ.Ðó là mục đích viết tập Nhà Tây Sơn này.Viết xong, vâng lời cha tôi, tôi trình lên cho hai bác là bác Lộc Ðình, bác Giản Chi, cùng hai chú là chú Nguyễn Ðồng, chú Quách Tạo nhã chính. Hai bác đã chỉ cho những chỗ sai lầm, hai chú đã thêm cho những điều thiếu sót, và ban cho những lời khuyến lệ. Tôi hết sức vui mừng. Ðể cho Nhà Tây Sơn được hoàn hảo, cúi mong thêm sự chỉ giáo của các bậc cao minh.
QUÁCH GIAO