Thời kỳ cực thịnh 1810 - 1811
Chương 11-Phần 4

Ngay từ cuối mùa thu năm 1811, người ta đã bắt đầu nhận thấy hàng hoá Pháp bán ra chậm dần, và hiện tượng đó phát triển nhanh chóng, lan ra khắp đế quốc, và đặc biệt là ở các "quận cũ" hay nói cách khác là ở ngay trên đất nước Pháp chính cống. Các nhà công nghiệp và thương nghiệp thỉnh cầu một cách lễ phép nhất rằng cuộc phong tỏa không những chỉ đánh vào túi tiền của người Anh mà đã bắt đầu tác hại đến cả bản thân họ, rằng họ thiếu nguyên liệu làm, rằng trong khi bóc lột các dân tộc bị thua trận (những người làm đơn thỉnh cầu đã phải dùng những câu ẩn ý vô cùng trang nhã và tế nhị) thì Đức Hoàng đế bệ hạ ngài đã làm giảm sút sức mua của người tiêu thụ trên toàn lục địa châu Âu, và do những cuộc tịch thu độc đoán các hàng hóa tồn trữ trong kho, cũng như trong khi để cho những hành động bất hợp pháp tự do phát triển và để cho bọn đương chức nhà binh và nhân viên hải quan lộng hành (dĩ nhiên họ không nói như thế, mà họ nói bằng những lời lẽ nhẹ nhàng hơn nhiều), hoàng đế sẽ làm phương hại đến sự thu nhập bình thường của ngân hàng, mà không có ngân hàng thì cả công nghiệp và thương nghiệp đều không thể tiếp tục tồn tại được.
Mỗi ngày cuộc khủng hoảng mỗi trở nên trầm trọng thêm. Nhiều xí nghiệp dệt và kéo sợi, thí dụ xí nghiệp sản xuất vải in hoa Rít-sa-lơ-noa, trước cuộc khủng hoảng có tới 3.600 thợ kéo sợi nam nữ, 8.822 thợ dệt, 400 thợ in hoa, tổng cộng hơn 12.000 người, mà đến nay, nếu như Na-pô-lê-ông đã không trợ cấp đặc biệt cho xí nghiệp đó một triệu rưỡi phrăng vàng thì hẳn là số người không còn đến 1/5. Nhưng vẫn cứ hết xí nghiệp này đến xí nghiệp khác đăng ký vỡ nợ. Tháng 3 năm 1811, Na-pô-lê-ông chỉ thị trợ cấp một triệu cho các nhà sản xuất ở A-miêng và cho thu mua hàng đống sản phẩm của các nhà sản xuất ở Ru-ăng, Xanh Căng-tanh và Găng số hàng trị giá hai triệu phrăng. Ngoài ra còn có nhiều khoản trợ cấp khổng lồ cho các nhà sản xuất ở Ly-ông. Nhưng đó chỉ là một giọt nước trong biển cả.
Trong số những tư liệu mà tác giả cuốn sách này đã tìm kiếm được ở Sở lưu trữ Quốc gia Pháp và những tư liệu nêu bật được mức độ đặc biệt của cuộc khủng hoảng thì chỉ có những tư liệu trong bảng tổng kê là đáng chú ý nhất. Ngày 19 tháng 4 năm 1811, bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo lên cho Na-pô-lê-ông biết rằng thợ thuyền ở rất nhiều xí nghiệp khiếu nại là không có việc làm; ông ta còn quả quyết rằng thợ thuyền bỏ đi ra ngoài nước rất nhiều. ở Ru-ăng, nạn thất nghiệp khủng khiếp và sự thiệt hại của các nhà sản xuất rõ ràng đến nỗi Na-pô-lê-ông buộc phải trích 15 triệu để trợ cấp cho các xí nghiệp đang đứng trên bờ vực thẳm.
Các quan chức cao cấp đã mạnh dạn hơn lên. Ngày 7 tháng 5 năm 1811, Viên giám đốc Ngân hàng Pháp đã báo cáo thẳng lên hoàng đế rằng nền kinh tế của các nước bị chinh phục đã quá kiệt quệ và trước khi Pháp xâm chiếm các nước đó thì, trên thị trường các nước đó, hàng hoá Pháp lại chiếm địa vị quan trọng hơn nhiều, rằng ở Pa-ri thợ thủ công chuyên làm hàng xa xỉ đang bị chết đói; rằng sức tiêu thụ ở trong nước cũng như ngoài nước bị giảm sút đáng kể... Na-pô-lê-ông ông lại trợ cấp, nhưng không hề từ bỏ cuộc phong toả. Hàng hóa Anh (người ta coi như thế tất cả những sản phẩm của các nước thuộc địa) vẫn bị tịch thu như trước đây. Mùa hạ năm 1811, hội chợ Bô-ke đã bị cảnh binh bất thình lình ập đến giải tán và tịch thu được cả một phố đầy ắp những kho đường, đồ gia vị, chàm, v.v.
Ngoài hàng triệu đồng ứng trước và trợ cấp cho các nhà sản xuất, năm 1811 Na-pô-lê-ông còn lấy tiền của ngân khố ra chi cho các đơn đặt hàng đồ sộ: Na-pô-lê-ông tiến hành đặt mua một số lớn vải len cần dùng cho quân đội, đặt nhiều đơn rất lớn mua lụa và nhung của Ly-ông cho cung điện và còn chỉ thị cho các triều đình chư hầu cũng phải mua hàng của Ly-ông; nên, tháng 6 năm 1811, công nghiệp lụa Ly-ông chỉ có tất cả 5.630 máy dệt hoạt động mà đến tháng 11 đã lên tới 8.000 máy. Đến mùa đông, tình cảnh lại càng khó khăn. Trong suốt thời gian đó, không khí sôi sục ầm ầm diễn ra trong khu vực thợ thuyền ở ngoại ô Pa-ri cũng như ở những khu trung tâm công nghiệp khác. Đúng là bọn mật thám không nghe được hết, bọn khiêu khích không phải lúc nào cũng làm cho thợ thuyền nói thật những điều họ nghĩ và, dù sao, tình trạng tư tưởng của giới thợ thuyền vào năm 1811 cũng hoàn toàn không thuận lợi như các nhà viết sử thời bấy giờ và hiện nay cố gắng mô tả. Na-pô-lê-ông thường nói rằng chỉ có "cuộc cách mạng của những người bụng lép" là cuộc cách mạng nguy hiểm nhất. Bộ trưởng Sáp-tan viết trong tập hồi ký của ông ta: "Na-pô-lê-ông đã nhiều lần nói với tôi rằng thợ thuyền thiếu việc làm. Lúc đó thì họ sẽ hoàn toàn đi theo bọn quá khích. Tôi sợ những cuộc khởi nghĩa bắt nguồn từ sự thiếu bánh mỳ ấy. Tôi còn sợ hơn là một cuộc chiến đấu chống 200.000 người".
Tuy nhiên sự việc không đi đến chỗ nổ ra những vụ rối loạn nghiêm trọng trong quần chúng thợ thuyền ở thủ đô và ở các tỉnh, mặc dù đã có những dấu hiệu giận dữ, bất mãn, chán nản và đôi khi tuyệt vọng nữa mà đám cảnh binh và bọn điều tra mật đã ghi được.
Nếu có thể rút ra được một bài học về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1811 thì về phần ông ta, Na-pô-lê-ông đã vội vã giải thích nó một các dứt khoát: chừng nào cuộc phong tỏa lục địa còn chưa đánh gục được nước Anh, chừng nào hàng hóa Pháp còn bị bế quan tỏa cảng thì tình hình thương mại và công nghiệp Pháp vẫn còn bị bấp bênh và một cuộc khủng hoảng mới vẫn luôn có thể xảy ra. Vậy nên cần phải làm cho xong dứt cuộc phong toả, và nếu như có vì thế mà người ta phải chiếm Mát-xcơ-va thì cũng cứ phải chiếm.
Na-pô-lê-ông nhớ rất rõ rằng những nhà sản xuất lụa Ly-ông đã quy nguyên nhân nạn khủng hoảng một phần là vì nước Nga đã "bất thình lình" đình chỉ các đơn đặt hàng do việc hoàng đế A-lếch-xan đã ban hành bằng thuế quan mới vào tháng 12 năm 1810 đánh thuế nặng vào các hàng xa xỉ như lụa, nhung, rượu nho hảo hạng - tức là tất cả các hàng hóa từ Pháp nhập vào nước Nga.
Na-pô-lê-ông cũng đã không quên ghi việc ấy vào cuốn sổ nợ của A-lếch-xan mỗi ngày một dài thêm ra kể từ trận éc-phua. Và suốt trong năm 1811, hoàng đế Pháp đã tâm tâm niệm niệm là cần phải thanh toán các món nợ ấy và chỉ có thể thanh toán tại Mát-xcơ-va.
Vậy Na-pô-lê-ông đối phó bằng cách nào với các triệu chứng nguy ngập biểu lộ tính chất không bình thường của tình trạng kinh tế trong đế chế?
Cuộc khủng hoảng đã báo hiệu từ lâu và Na-pô-lê-ông đã nhận thấy nó đang đến gần. Từ trước lúc ấy, Na-pô-lê-ông đã phải đối phó với những giai đoạn nguy cấp cho nền tài chính nhà nước, với sự chớm nở của nạn "lạm phát", với việc phải phát hành tiền giấy không có vàng bảo đảm, và sau hết là với mưu mô của bọn tài chủ kếch xù đang tìm cách đánh xoáy công quỹ bằng cách thỏa thuận cho Na-pô-lê-ông vay những món tiền ám muội với điều kiện lãi nặng. Na-pô-lê-ông đã phải chịu đựng như vậy ngay từ những năm đầu lên nắm chính quyền (1799 - 1800), vào năm 1805 và đầu năm 1806. Nhưng Na-pô-lê-ông đã từng giải quyết được những khó khăn đó, hoặc bằng cách mang về hàng triệu đồng tiền vàng chiến phí, hoặc vin cớ này, cớ nọ đánh thuế nặng vào nhân dân các nước bị thua trận - ngoài những khoản cống vật mà chính phủ các nước này đã phải nộp cho Na-pô-lê-ông - hoặc cuối cùng, bằng cách bắt bọn tài chủ phải nhả ra một phần lớn số tiền mà bọn chúng đã xoáy được, như năm 1806 chẳng hạn. Sau chiến dịch Au-xtéc-lít, vào cuối tháng 1 năm 1806, ngay khi vừa về tới Pa-ri, Na-pô-lê-ông đã yêu cầu người ta báo cáo tình hình tài chính và nhận thấy tay triệu phú nổi tiếng và tham tàn U-vơ-ra cùng công ty tài chính do hắn điều khiển, mang cái tên "Hội Liên hiệp thương gia", đã biển thủ công quỹ bằng một loạt thủ đoạn rất xảo quyển dựa vào những biện pháp pháp lý cũng rất tinh vi và đã gây cho Na-pô-lê-ông nhiều tổn thất nặng nề. Na-pô-lê-ông lập tức cho đòi U-vơ-ra và ban giám đốc của cái "Hội Liên hiệp thương gia" đến cung điện Tuy-lơ-ri, tuyên bố trắng ra rằng ông hạ lệnh ngay cho họ phải hoàn lại tất cả những món tiền mà bọn họ đã ăn cắp được trong những năm sau cùng U-vơ-ra đã cố nhử Na-pô-lê-ông bằng cách đề nghị với Na-pô-lê-ông những biện pháp mới "có lợi cho công quỹ", và chắc "đức hoàng thượng" ngài sẽ chấp nhận, nhưng "đức hoàng thượng" đã chẳng giấu giếm gì ý kiến của mình cho rằng biện pháp có lợi nhất cho công quỹ là bắt giam ngay tức khắc U-vơ-ra và đồng loã của hắn vào lâu đài Vanh-xen rồi truy tố bọn chúng trước tòa án hình sự. "Hội Liên hiệp thương gia" đã đặc biệt chú ý đến ý kiến đó của hoàng đế, và hoàn toàn biết rõ tính chất của người đang nói chuyện với chúng nên chúng đã thừa nhận những bằng chứng xác thực, không thể chối cãi được của Na-pô-lê-ông: trong những ngày sau đó, bọn chúng đã nộp cho ngân khố 87 triệu phrăng vàng và, trong khi giũ cho xong cái chuyện đau đớn ấy, bọn chúng đã không đòi hỏi phải có một trát lệnh rõ ràng nào của ngành tài chính hoặc của tòa án. "Tôi đã móc họng cả một ổ bọn ăn cắp", Na-pô-lê-ông đã nói như vậy về sự việc ấy trong một bức thư gửi cho anh là Giô-dép, lúc đó là vua xứ Na-plơ.
Tiền tệ đã vững giá, trong ngân khố của nhà nước đã có kha khá vàng, hệ thống bóc lột tài chính và kinh tế ở tất cả những nước bị đế chế xâm chiếm cũng như ở cả châu Âu chư hầu để phục vụ lợi ích của các "quận cũ", tức là lợi ích của nước Pháp chính cống, hình như đã chịu đựng nổi những cuộc thử thách hàng mấy năm trời.
Bất thình lình một cơn chấn động ghê gớm đã làm rung chuyển toàn bộ tòa lâu đài đồ sộ ấy: bài học năm 1811 đã dạy cho Na-pô-lê-ông thấy rằng đấu tranh chống cuộc tổng khủng hoảng kinh tế sẽ gay go hơn việc giải quyết các khó khăn tài chính tạm thời đến mức độ nào và việc lấp lỗ hổng ngân quỹ dễ dàng hơn đến mức độ nào, so với việc khám phá và nhất là tiêu diệt nạn nhũng lạm đang đục khoét toàn bộ hệ thống kinh tế và tổ chức đời sống vật chất của cái đế quốc khổng lồ. Cho dù có thu được thuế má, có móc họng được bọn tài chủ cú vọ lấy được hàng triệu đồng, có chế độ kế toán mẫu mực và có cả một bộ máy thơ lại hoàn chỉnh do Na-pô-lê-ông sáng lập chăng nữa thì cũng không thể cứu vãn được một con bệnh như thế. Cuộc khủng hoảng năm 1811, trước hết (nhưng không phải là độc nhất vì còn nhiều cuộc khác) là một cuộc khủng hoảng thị trường tiêu thụ sản phẩm thương nghiệp và công nghiệp, những thứ đã mang lại sự giàu có đầu tiên cho nước Pháp. Những sản phẩm nổi tiếng của những nhà kim hoàn ở Pa-ri bán cho ai? Những đồ dùng trong nhà quý giá mà gần ba phần tư nhân dân ngoại ô Xanh Ăng-toan làm ra bán cho ai? Hoặc những đồ da thượng hạng đã nuôi sống ngoại ô Xanh Mác-xô và cả toàn khu Múp-phơ-ta rộng lớn bán cho ai? Hoặc cả những bộ quần áo rực rỡ của phụ nữ và lịch sự của nam giới mà một số lớn các xưởng may mặc và thợ may ở cái thủ đô của thế giới làm ra ấy sẽ tiêu thụ đi đâu? Làm thế nào để giữ vững được giá lụa và nhung Ly-ông, vải len thượng hạng Xê-đăng, quần áo vải nõn của Lin-lơ, A-miêng, Ru-be, hàng thêu của Va-lăng-xiên?
Tất cả các loại hàng xa xỉ ấy của Pháp sản xuất không phải chỉ để cung cấp cho thị trường nội địa mà còn để cung cấp cho toàn thế giới, nhưng thị trường tiêu thụ hàng Pháp trên thế giới ngày càng co hẹp lại nhiều: nước Anh đã không tiêu thụ nữa, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cũng thôi, các nhà trồng trọt giàu có ở Ăng-ti và ở Mát-ca-re-nhơ cũng vậy. Nói chung, những khách hàng giàu có nhất và đông đảo nhất đã bỏ đi mất hàng mảng, nghĩa là những khách hàng ở tất cả các nước bị "nước mặn" ngăn cách với lục địa, bởi vì trên "nước mặn" người Anh đang nắm quyền bá chủ. Nhưng tình hình ở ngay trên lục địa châu Âu cũng chẳng thuận lợi gì. Những nước bị Na-pô-lê-ông chiếm cứ đã hoàn toàn kiệt quệ và những nước thua trận, mặc dù không bị người ta gọi cho đúng là những nước bị chiếm cứ, đều thấy mình bị buộc phải theo cuộc phong tỏa lục địa đang làm cho tiền tệ của họ bị phá giá dữ dội. Từ khi bọn đại địa chủ Nga không tiêu thụ được nông phẩm sang nước Anh thì tiền vàng của Anh mà bọn họ dùng để mua hàng của Pa-ri cũng không có nữa: sau trận Tin-dít; đồng rúp sụt giá, chỉ còn 26 cô-pếch. Sự rủi ro đó cũng đến với bọn quý tộc Ba Lan, áo và ý. Trong các quốc gia ở miền tây, miền nam, miền trung và cuối cùng là miền bắc nước Đức, quá trình bần cùng hóa của giai cấp địa chủ phong kiến cũng diễn biến nhanh chóng và đúng như vậy, nhưng nguyên nhân không phải duy nhất là cuộc phong tỏa lục địa, mà còn là kết quả của sự tan rã và sự thủ tiêu chế độ nông nô ở nhiều nơi.
Vấn đề không phải là chỉ có sự bần cùng hóa của tầng lớp chúa đất phong kiến làm giàu trên chế độ nông nô. Giai cấp tư sản mới, đã phát sinh cùng với sự phát triển của tư bản công nghiệp, đang tiếp tục sự nghiệp của họ, đang lớn lên và đang được củng cố ở trong các nước bị Na-pô-lê-ông chiếm cứ và ở các nước trên toàn bộ lục địa châu Âu bị phụ thuộc hay nửa phụ thuộc và Na-pô-lê-ông; và không một biện pháp nào có thể bóp chết được sự phát triển công nghiệp ở miền tây và ở một phần miền trung nước Đức, ở Bô-hêm, ở Bỉ, ở một phần xứ Xi-lê-di là những miền công nghiệp hóa cao nhất ở châu Âu hồi đó. Sự cạnh tranh ấy (không nói đến việc tích cực buôn hàng lậu của Anh) đã loại trừ hàng hóa Pháp đến cả các thứ hàng chẳng có gì đáng gọi là xa xỉ phẩm cả. Đối với vải len và vải sợi thông dụng, đối với hàng kim loại, đối với sự tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng thông thường thì, trong một chừng mực nào đó, chỉ trông vào thị trường nội địa của các "quận cũ", nơi mà hoàng đế đã không cho một kẻ nào khác lọt vào, người Bỉ - không, người Đức - không, những người sản xuất tơ tằm ý - cũng không, nói chung là không một ai cả. Tuy nhiên, vẫn có một ngành sản xuất quan trọng và được hưởng sự bảo hộ của Na-pô-lê-ông từ lâu, không những chỉ bị tình trạng thị trường thu hẹp tác động (không lớn lắm) mà còn phải chịu đựng giá cả nguyên liệu vọt lên cao một cách kinh khủng: chúng tôi muốn nói đến ngành công nghiệp bông sợi. Do bản quy định ngăn cấm nhập cảng các sản phẩm thuộc địa mà bông đã lên giá đắt như vàng. Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã xảy ra gay gắt và, trong năm 1811, đã bức các nhà chế tạo phải hạn chế rất nhiều sức sản xuất. Đứng trước nạn khủng hoảng, trước sự đe dọa ngày càng tăng của nạn thất nghiệp và đói kém trong các khu phố thợ thuyền ở thủ đô, ở Ly-ông, ở Ru-ăng, trước sự điêu tàn của các quận trồng nho, Na-pô-lê-ông đã thừa nhận một vài điều ngược với những điều luật của cuộc phong toả. Ông ta cho phép phát hành (rất hạn chế) những giấy phép đặc biệt hoặc những bài chỉ cho phép nhập cảng vào nước Pháp một trị giá nhất định nào đó "hàng cấm" với điều kiện là người được cấp bài chỉ phải bán ra ngoại quốc những hàng hóa Pháp trị giá tương đương với trị giá hàng hóa nhập cảng. Giá những giấy phép đặc biệt ấy đắt một các lạ lùng vì tình trạng tham nhũng của cơ quan công an phụ trách việc cấp phát, nhưng người được cấp giấy phép vẫn coi là một món lợi béo bở.
Việc nhân nhượng đó chứng tỏ cuộc khủng hoảng 1810 -1811 đã làm cho Na-pô-lê-ông phải lo nghĩ đến thế nào. Đúng là những giấy phép đặc biệt của Pháp chẳng mang lại cho người Anh những quyền lợi vật chất gì lớn, song đó là một sự vi phạm rất rõ ràng về nguyên tắc. Với tư cách là biện pháp đấu tranh chống khủng hoảng, các bài chỉ đó chỉ có thể góp phần yếu ớt vào việc mở rộng thị trường. Cái ý muốn của Na-pô-lê-ông là trông thấy quần thần trong triều và các viên chức cao cấp của mình vận những bộ quần áo lịch sự nhất và sang trọng nhất, năng thay đổi phục trang đến mức tối đa, v.v. lại càng ít tác dụng hơn nữa. Những yêu cầu ấy của hoàng đế không thể đem lại thị trường tiêu thụ rộng lớn cho một nền công nghiệp quan trọng như nền công nghiệp xa xỉ phẩm, mặc dù dưới thời Na-pô-lê-ông, đời sống ở trong triều đình, kể cả trước năm 1811, đã đặc biệt xa xỉ phóng túng, nhưng sau khi hoàng đế đề ra những biện pháp ấy thì việc lãng phí những món tiền quá lớn để mua đồ trang sức Pa-ri, hàng lụa Ly-ông, để mở những bữa tiệc hàng trăm suất mà rượu sâm-banh, rượu vang thượng hạng chảy thành suối, để thay đổi đồ dùng trong nhà lấy những bộ đồ quý giá hơn và đắt tiền hơn, để trang trí không những quần áo của họ mà còn cả quần áo của gia nhân bằng những ren quý, để đặt mua những chiếc xe sang trọng, v.v. đã trở thành một kiểu cách sống. Năm 1811, chính bản thân Na-pô-lê-ông đã đặt các nhà công nghiệp và thợ thủ công ở Ly-ông một loạt đơn mua hàng rất lớn và rất đắt tiền để trang bị cho các cung điện và các lâu đài khác của nhà nước.
Năm 1811, cũng như trước kia vào năm 1806, tình trạng sa sút đã bớt gay gắt và bớt kéo dài nên Na-pô-lê-ông bám chặt lấy cái nguyên tắc do ông ta đề ra từ lâu: ông ta không nhằm mục đích cứu vãn sự vỡ nợ của các nhà kinh doanh, vì nền tài chính của nhà nước không đủ chi vào việc đó, mà nhằm cứu vãn sự đóng cửa của một xí nghiệp này hay xí nghiệp nọ. Và khi bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn chi một khoản trợ cấp nào thì Na-pô-lê-ông yêu cầu ông ta phải đảm bảo cho sự chi tiêu ấy bằng cách vạch rõ ra rằng Bộ đã ứng tiền cho một xí nghiệp để sử dụng một số công nhân là bao nhiêu đó và nếu xí nghiệp không làm như vậy thì sẽ phải đóng cửa. Bước vào mùa đông năm 1811 -1812, cuộc khủng hoảng bắt đầu dịu dần, tuy vậy Na-pô-lê-ông biết rõ rằng chưa có một nguyên nhân nào của cuộc khủng hoảng bị loại trừ cả và cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn dưới một hình thức âm ỉ. Na-pô-lê-ông cũng hiểu rằng cuộc chiến tranh với nước Anh và cuộc phong tỏa lục địa, có liên quan với cuộc chiến tranh, chính là những nguyên nhân cản trở việc cải thiện một cách căn bản tình hình kinh tế của đế chế. Trước khi chấm dứt cuộc phong toả, trước hết cần phải buộc nước Anh hạ khí giới đã. Hơn bao giờ hết, Na-pô-lê-ông coi việc gấp rút chiến thắng nước Anh là phương sách tất yếu để củng cố nền đế chính ở bên trong cũng như ở bên ngoài. Và cũng hơn lúc nào hết, Na-pô-lê-ông tin rằng người Anh đã khoét được một lỗ hổng lớn trong bức thành phong toả, rằng A-lếch-xan đã giở ngón và lừa bịp mình, rằng hàng hóa Anh là từ nước Nga, đi qua biên giới phía tây rộng lớn của nước Nga, qua Phổ, qua Ba Lan, qua áo, hàng nghìn kẽ hở khác nữa mà chui vào châu Âu, điều đó làm cho cuộc phong tỏa lục địa mất hết hiệu quả, và do đó cũng hết cả hy vọng duy nhất là "bắt nước Anh quỳ xuống". Na-pô-lê-ông được biết và được khắp nơi báo cho biết trước là hàng lậu của Anh không những lọt vào các nước châu Âu đã bị quy phục mà còn lọt vào tận nước Pháp, vào các "quận cũ" của đế quốc rộng lớn của Na-pô-lê-ông, và các hàng lậu đó đi từ những "bờ biển phía bắc" của lục địa châu Âu vào ngày 7 tháng 5 năm 1810.
Trong suốt đời mình, cặp mắt của Na-pô-lê-ông đã thường xuyên chao đảo, khi thì hướng về rặng núi An-pơ, khi về Viên hoặc Béc-lin, hoặc Ma-đrít, nhưng cho đến cuộc ngừng chiến đầu tiên của những cuộc chiến tranh ở châu Âu thì cặp mắt ấy đã chẳng nhìn ngó sang Luân Đôn; lúc này đây, cặp mắt chằng chằng hướng về Luân Đôn ấy đã bắt đầu rời bỏ Luân Đôn để nhìn sang phía cái kinh thành xa xăm nhất của châu Âu.
"Những bờ biển phía bắc" kia đặt dưới quyền của tên Hy Lạp xảo quyệt của cái đế quốc La Mã suy tàn kia, tức là Nga Sa hoàng... Nên từ bỏ chiến tranh với nước Anh, từ bỏ thắng lợi đã gần tới nơi, từ bỏ việc tiêu diệt quyền lực kinh tế của nước Anh hay nên tóm cổ A-lếch-xan và buộc hắn phải nhớ lại những điều đã cam kết ở Tin-dít? Đó là vấn đề mà Na-pô-lê-ông đã bắt đầu đặt ra từ năm 1810.
Thật ra, ngay từ năm 1810, Na-pô-lê-ông đã ra lệnh sưu tầm những tác phẩm trong đó có tài liệu về lịch sử và những đặc điểm của nước Nga.
Căn cứ vào những lời của Na-pô-lê-ông thỉnh thoảng nói lộ ra và qua những tin tức sơ sài của đám cận thần của ông ta thì, ngay từ mùa thu năm 1810, Na-pô-lê-ông đã bắt đầu tập làm quen với cái ý nghĩ là chỉ có ở Mát-xcơ-va mới có thể giáng một đòn quyết định và sấm sét vào đầu người Anh, một địch thủ ghê gớm, bất trị và dai dẳng, một địch thủ mà Na-pô-lê-ông đã không thể thắng nổi họ ở Cai-rô, Mi-lan, Viên, Béc-lin hay Ma-đrít. Tháng này qua tháng khác, ý định đó ngày càng ăn sâu trong đầu óc Na-pô-lê-ông.
Đại quân tiến vào Mát-xcơ-va, đó sẽ là sự đầu hàng của A-lếch-xan, đó sẽ là sự thi hành toàn bộ và đúng đắn cuộc phong tỏa lục địa, và như vậy là chiến thắng nước Anh, là chấm dứt chiến tranh, là chấm dứt khủng hoảng, là chấm dứt nạn thất nghiệp, là củng cố nền đế chính hoàn cầu cả ở trong cũng như ở ngoài. Cuộc khủng hoảng năm 1811 đã xác định dứt khoát cho ông hoàng đế đi theo hướng đó. Về sau này, ở Vi-tép, khi bắt đầu tiến quân sang Mát-xcơ-va, bá tước Đa-vu đã thẳng thắn tuyên bố với Na-pô-lê-ông rằng quân đội, đến cả số lớn cận thần của hoàng đế, không ai hiểu được mục đích của cái chiến dịch gian khổ đánh nước Nga này, bởi vì nếu chỉ do nguyên nhân hàng hóa Anh mà gây chiến với A-lếch-xan thì lợi không bù hại. Nhưng đầu óc Na-pô-lê-ông không thể nào tiếp thu luận điểm ấy được. Na-pô-lê-ông tìm thấy ở trong việc bóp nghẹt nền kinh tế của nước Anh, mà Na-pô-lê-ông đã quyết tâm theo đuổi, một phương sách duy nhất để bảo đảm sự vững bền của nền đại quân chủ mà ông ta đã xây dựng nên. Đồng thời Na-pô-lê-ông cũng còn thấy rõ ràng cuộc liên minh với nước Nga bị tan vỡ không phải chỉ vì sự bất đồng ý kiến xung quanh vấn đề Ba Lan, không phải chỉ vì A-lếch-xan giận dữ và lo ngại về việc Na-pô-lê-ông chiếm đóng một phần các quốc gia Phổ và xâm chiếm miền bắc nước Đức, mà trước hết vì nước Nga rất tin cậy vào nước Anh trong tương lai, cũng hệt như nước Anh đã đặt hết lòng tin của mình vào nước Nga. Nhưng Na-pô-lê-ông không thể với thẳng đến nước Anh được: vậy phải đánh nước Nga.
Quái tượng đẫm máu của một cuộc xung đột vũ trang mới và khổng lồ đang vạch vẽ ở chân trời thế giới.

Xem Tiếp: ----