Ngày 18 tháng sương mù 1799
Chương 4-Phần 3

Mãi đến hôm trước ngày 18 Tháng Sương mù mới dứt khoát phân công cụ thể. Sáu giờ sáng hôm đó, trong nhà Bô-na-pác và ở các phố xung quanh đấy, các tướng lĩnh và sĩ quan bắt đầu đến chật ních. Lúc đó quân bảo vệ Pa-ri có 7.000 người, Bô-na-pác hoàn toàn tin cậy vào đội quân đó, và chứng 1.500 binh lính chịu trách nhiệm bảo vệ Viện Đốc chính và hai viện lập pháp là Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Không cần đặt ra giả thuyết rằng đội quân đó sẽ cầm vũ khí chống lại Bô-na-pác. Tuy vậy, điều tối quan trọng là ngay từ lúc đầu đã cần phải che giấu thực chất của việc này, và không để cánh "Gia-cô-banh", tức là cánh tả của Hạ nghị viện đến phút quyết định có thể kêu gọi binh lính đứng lên "bảo vệ nền Cộng hoà". Như vậy là mọi việc đều đã được bố trí đến nỗi tưởng như chính hai viện lập pháp đã mới Bô-na-pác lên nắm chính quyền. Tảng sáng ngày 18 Tháng Sương mù, sau khi tập hợp quanh mình các tướng lĩnh đặc biệt tin cẩn (Muy-ra và Lo-cléc, cả hai đều là em rể của Bô-na-pác, Béc-na-đốt, Mắc-đô-nan và vài người khác) và một số sĩ quan được Bô-na-pác mời đến, Bô-na-pác đã báo cho họ biết là đã đến ngày cần phải "cứu lấy nền Cộng hoà". Các tướng lĩnh và sĩ quan đều cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn về quân lính của họ. Xung quanh nhà Bô-na-pác, quân lính của họ đã xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Bô-na-pác đợi cái đạo luật mà bạn bè và một số tay chân của Bô-na-pác vừa bức Thượng nghị viện, được cấp tốc triệu tập từ sáng, phải biểu quyết.
Trong phiên họp của Thượng nghị viên, bao gồm phần lớn những đại biểu của tầng lớp trung và đại tư sản, một tên Coóc- nê nào đó, một kẻ hết lòng sùng bái Bô-na-pác, đã công bố sự phát hiện được "một âm mưu ghê gớm của bọn khủng bố": "nền Cộng hoà và bộ xương của nó sẽ rơi vào tay lũ cú vọ và chúng sẽ tranh giành xâu xé những chân tay trơ xương", những câu ấy, lờ mờ, trống rỗng và huênh hoang, không phát hiện được điểm gì cụ thể, không chỉ tên ai, đã đưa đến việc đề nghị Thượng nghị viện ra ngay một đạo luật quyết định Thượng nghị viện cũng như Hạ nghị viện (mà người ta cũng không cần hỏi ý kiến) phải di chuyển đến Xanh Clu, và nhiệm vụ trấn áp cái "âm mưu ghê gớm" đó được giao cho tướng Bô-na-pác, tổng chỉ huy tất cả các lực lượng vũ trang của thủ đô và các vùng lân cận. Đạo luật ấy được những người biết rõ mục đích của nó cũng như những người đến lúc ấy mới biết, biểu quyết một cách rội vã. Không một ai dám chống lại. Đạo l uật được tức khắc chuyển đến tay Bô-na-pác.
Tại sao Bô-na-pác lại cần phải chuyển hai viện lập pháp đến Xanh Clu trước rồi mới bóp chết chúng sau? Trong trường hợp này, phải kể đến những ký ức và những ấn tượng, di sản những năm cách mạng vĩ đại. Trong trí tưởng tưởng của lớp người ấy, những phút kinh khủng, tuy nay đã xa song vẫn còn rõ nét, những phút mà đông đảo quần chúng nhân dân ngoại ô, dù đứng trước bất cứ một bạo lực nào cũng đều chống lại ngay; những phút mà từ miệng các nghị sĩ bị đe doạ giải tán còn ngân vang câu nói sau đây: "Về bảo với chúa của ông rằng bọn tôi ở đây là tuân theo ý chí của nhân dân và bọn tôi sẽ chỉ ra khỏi nơi đây bằng sức mạnh của lưỡi lê"
ông chúa đã không dám dùng tới lưỡi lê, và chính những lưỡi lê ấy đã quay lại phá ngục Ba-xti. Người ta cũng còn nhớ nhân dân đã làm thế nào để kết liễu một chính thể quân chủ già cỗi hàng 1.500 năm, để đè bẹ p bọn Gi-rông-đanh, và lần cuối cùng, vào Tháng Đồng cỏ năm 1795, nhân dân đã làm như thế nào khi bêu đầu một uỷ viên Hội nghị Quốc ước Tháng Nóng trên một ngọn giáo và giơ lên cho những kẻ còn lại trong Hội nghị Quốc ước xem, khiến người họ lạnh toát đi vì khiếp sợ... Dù có tự tin đến đâu, Bô-na-pác cũng thấy rằng làm ở Pa-ri những điều mà Bô-na-pác định làm ắt sẽ nguy hiểm, chứ không như làm ở một thị trấn nhỏ, nơi chỉ có cái biệt thự ngoại ô của vua chúa Pháp là trụ sở duy nhất quan trọng.
Công việc đã được tiến hành đúng như ý Bô-na-pác mong muốn: cái mã ngoài hợp pháp được tôn trọng, và chiểu theo đạo luật, Bô-na-pác tuyên bố cho quân đội biết là từ nay trở đi họ thuộc quyền chỉ huy của ông ta và họ phải "hộ tống" hai viện đi đến Xanh Clu.
Trước hết, Bô-na-pác đưa quân đội đến Tuy-lơ-ri, nơi Thượng nghị viên đương họp, cho bao vây xung quanh rồi vào phòng họp cùng với một số sĩ quan hậu cận. Trước đây cũng như về sau này, không bao giờ Bô-na-pác có tài nói trước công chúng, trừ trước binh lính, nên Bô-na-pác đã tuyên bố vài câu rời rạc như sau: "Chúng ta muốn có một nền Cộng hoà xây dựng trên tự do, bình đẳng, trên những nguyên tắc thiêng liêng của quốc dân đại biểu. Chúng ta sẽ có, tôi xin cam đoan như vậy!". Nhưng, bây giờ cũng chẳng cần đến tác dụng của tài hùng biện nữa. Tài hùng biện trong chốn nghị trường trước kia đã từng giữ một vai trò to lớn trong nước Pháp cách mạng từ nay sẽ vĩnh viễn im hơi lặng tiếng.
Sau đó ra phố, Bô-na-pác đã thấy quân tiền vệ của ông ta, và họ hoan hô ầm ĩ. Lúc này một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Một gã Bốt-tô nào đó do Ba-ra phái đi đang tiến đến gần Na-pô-lê-ông, lúc này Ba-ra rất lo lắng vì chưa thấy Na-pô-lê-ông cho gọi mình.
Vừa chợt thấy Bốt-tô, Bô-na-pác đã la mắng tới tấp, nhưng thực ra là để mắng Viện Đốc chính: "Các người đã làm được gì cho cái nước Pháp vô cùng huy hoàng mà ta đã để lại cho các người. ta để lại cho các người hoà bình, thì nay ta gặp lại chiến tranh! Ta để lại cho các người chiến thắng, thì nay ta gặp phải những cảnh rủi ro! Ta để lại cho các người hàng triệu phrăng vàng của nước ý thì nay đâu đâu ta cũng gặp lại những luật lệ cưỡng đoạt và sự cùng khổ! Các người đã làm gì cho hàng chục vạn quân Pháp mà ta từng biết rõ họ, họ là những bạn chiến thắng của ta? Họ đã chết cả rồi!". Sau đó, Bô-na-pác nhắc lại là ông ta muốn nền Cộng hoà được xây dựng trên những cơ sở của "quyền bình đẳng, đạo đức, quyền tự do công dân và quyền tự do chính trị".
Viện Đốc chính, cơ quan chấp chính tối cao của nền Cộng hoà, đã bị thủ tiêu không một chút khó khăn, và cũng chẳng cần phải bắn giết hay bắt bớ một ai: Xi-ay-ét và Rô-giê Đuy-cô thì đã nằm trong âm mưu, Gô-ni-ê và Mu-lanh, thấy tất cả đều tan vỡ, đã đi theo binh lính đến Xanh Clu. Còn lại Ba-ra "để thuyết phục" y làm ngay đơn xin từ chức. Biết rằng Bô-na-pác quyết định không dùng mình. Ba-ra đã làm ngay điều người ta yêu cầu. Vừa ngỏ ý muốn rút lui đời hoạt động chính trị để trở về quê hương sống ẩn dật và bình thản ở nơi thôn dã, lập tức Ba-ra được kỵ binh cận vệ hộ tống về nơi ở mới. Thế là con người trước đây từng lừa dối mọi người, nay đột nhiên đến lượt mình bị lừa dối, đã vĩnh viễn biến khỏi vũ đài chính trị.
Như vậy là Viện Đốc chính đã hoàn toàn bị thủ tiêu. Chiều ngày 18 Tháng Sương mù, các uỷ viên phụ trách quản trị hành chính của hai viện đều có mặt ở Xanh Clu. Bây giờ còn phải thanh toán nốt hai viện này. Mặc dù hai viện đã bị pháo binh, kỵ binh cận vệ của Bô-na-pác bao vây chặt chẽ, đã hoàn toàn trong tay Bô-na-pác, nhưng Bô-na-pác vẫn muốn làm thế nào để bản thân hai viện tự nhận thấy mình bất lực, tuyên bố tự giải tán và giao lại quyền hành cho Bô-na-pác. ý muốn thực hiện những kế hoạch của mình dưới những hình thức ít nhiều có tính chất hợp pháp, nói chung không phải là đặc điểm của Na-pô-lê-ông. Nhưng lần đó, nếu như ngay từ đầu mà Na-pô-lê-ông công bố thẳng với binh lính cái kế hoạch thủ tiêu hiến pháp bằng bạo lực thì làm sao có thể bảo đảm tuyệt đối được rằng trong binh lính không có những người hoang mang, do dự. Vậy thì, cũng là để công việc tiến hành thuận lợi và nhanh chóng hơn, không nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. nhưng nếu làm như thế không được thì chỉ khi đó mới dùng đến lưỡi lê. 30.000 quân trong số những bạn chiến đấu của Bô-na-pác hiện còn đang ở Ai Cập, bận làm nhiệm vụ chiếm đóng đất nước ấy. Binh lính trước kia đã tham dự chiến dịch nước ý chưa có đủ mặt. Cũng cần phải đếm xỉa đến số người chưa hề biết còn người Bô-na-pác và Bô-na-pác cũng chẳng hề biết họ.
Lệnh phân tán quân đội đóng rải từ Pa-ri đến Xanh Clu của Bô-na-pác được truyền ra và chấp hành ngay từ sáng sớm. Dân Pa-ri tò mò theo dõi sự di chuyên của các tiểu đoàn, đoàn xe và đoàn người đi bộ dài dặc từ thủ đô đến Xanh Clu. Về thái độ của thợ thuyền ở các vùng ngoại ô thì người ta kể lại rằng: họ vẫn làm việc như thường lệ và người ta không nhận thấy một dấu hiệu xao xuyến gì cả. Trong những khu trung tâm, thỉnh thoảng vang lên tiếng hô: "Bô-na-pác muôn năm", nhưng dân chúng nói chung giữ thái độ chờ đợi. Ngày 18, rất nhiều nghị sĩ chưa có mặt ở Xanh Clu, số đông đã để đến ngày 19 mới tới, ngày quy định cho phiên họp thứ nhất.
Sáng sớm ngày thứ hai và là ngày cuối cùng của cuộc đảo chính, tướng Bô-na-pác có khá nhiều mối lo âu quan trọng. Đúng chiều ngày 18 Tháng Sương mù, hai trong ba cơ quan tối cao của chế độ Cộng hoà đã bị thủ tiêu; Viện Đốc chính không còn nữa. Thượng nghị viện đã chịu khuất phục và sẵn sàng xin tự giải tán. Nhưng còn phải thủ tiêu nốt viện dân biểu, tức Hạ nghị viện. Và trong Hạ nghị viện có chứng 200 ghế thuộc phái Gia-cô-banh, hội viên của "Hội những người bạn của Tự do và Bình đẳng" đã bị Xi-ay-ét giải tán. Thật ra, có một số hội viên đã sẵn sàng bán mình vì quyền lợi hoặc sẵn sàng đầu hàng vì sợ hãi, nhưng ở đó cũng còn có nhiều người tỏ ra có phẩm chất khác, đó là những người sống sót sau những trận bão táp lớn của cách mạng, những người đã coi việc chiếm ngục Ba-xti, việc lật dổ chế độ quân chủ, việc đấu tranh chống bọn phản bội, khẩu hiệu "tự do, bình đẳng hay là chết" không phải là những danh từ vô nghĩa. Có những người coi thường tính mạng mình cũng như tính mạng của người khác và họ nói rằng nếu có thể được, cần phải giết bọn bạo chúa bằng máy chém, nếu không thì cũng bằng lưỡi dao găm của Ba-rau-tút.
Suốt ngày 18 Tháng Sương mù, có nhiều cuộc hội họp bí mật của cánh tả (phái Gia-cô-banh) nhưng họ không biết phải làm gì. Lũ tay sai của Bô-na-pác, cũng có cả những tên mật thám, đã chui được vào trong hàng ngũ của phái này, luôn luôn làm cho họ bị lạc hướng, chúng quả quyết rằng đó không phải chỉ là những phương pháp nhằm đánh tan nguy cơ bảo hoàng. Những người Gia-cô-banh đã nghe chúng và chỉ còn biết tin lời chúng là thật. Sáng ngày 19 Tháng S ương mù, khi họ đến họp ở lâu đài Xanh Clu thì hàng ngũ của họ rối loạn. Nhưng có một số người đã mỗi lúc một phẫn nộ sôi sục thêm.
Sáng hôm ấy, Bô-na-pác trên xe bỏ mui từ Pa-ri đến Xanh Clu cùng với những người thân cận, có kỵ binh hộ vệ.
Vừa tới nơi, Bô-na-pác đã biết là trong Hạ nghị viện có nhiều người công phẫn ra mặt khi thấy binh lính tập trung vây quanh lâu đài, và họ giận dữ phản đối, coi việc di chuyển hai viện tới cái "làng" Xanh Clu này là phi lý và họ không thể hiểu được, họ nói thẳng ra rằng bây giờ họ đã biết rõ ý đồ của Bô-na-pác. Người ta kể lại rằng, họ cho Bô-na-pác là kẻ gian hùng, chuyên quyền và thường thường họ gọi là tên ăn cướp. Lúc đầu Bô-na-pác hơi nao núng, nhưng sau khi đi duyệt đội ngũ thì ông ta lấy làm mãn nguyện.
Vào hồi một giờ chiều, hai viện khai hội ở hai phòng khác nhau. Bô-na-pác và các bạn của ông ta ngồi ở phòng bên chờ đợi hai viện biểu quyết đạo luật giao cho tướng Bô-na-pác thảo bản hiến pháp mới, sau đó hai viện mới giải tán. Nhưng hàng giờ đã trôi qua, bản thân Thượng nghị viện vẫn không quyết định được gì, và trong tình trạng bối rối, viện cũng đã biểu lộ ý muốn - tuy rằng chậm chễ và e dè - chống lại những mưu toan bất hợp pháp ấy. Bóng chiều tháng Mười một đã đổ xuống. Bô-na-pác phải quyết định hành động ngay tức khắc, nếu không công cuộc sẽ bị thất bại. Lúc bốn giờ chiều, Bô-na-pác thình lình vào phòng họp của Thượng nghị viện. Trong không khí im lặng như chết, Bô-na-pác diễn thuyết, ý tứ lời lẽ còn rối rắm và rời rạc hơn cả ngày hôm trước. Đại để Bô-na-pác yêu cầu Thượng nghị viện phải có những quyết định mau lẹ, và ông ta đến đây để giúp Thượng nghị viện thoát khỏi những nguy cơ đang treo trên đầu họ, rồi Bô-na-pác nói thêm: "Người ta đã vu khống tôi quá nhiều, người ta nói đến Xê-da, người ta nói đến Crôm-oen", trong khi ấy thì, trái lại, Bô-na-pác muốn cứu vãn tự do, trong lúc đã không còn chính phủ nữa. "Tôi đâu phải là một tên quỷ quyệt; các ngài đã biết tôi... Nếu tôi là một tên gian hùng thì xin mời tất cả các ngài hãy là Ba-raut-tút". Rồi Bô-na-pác mời các đại biểu cứ cầm dao găm đâm chết ông ta nếu ông ta mưu hại đến nền Cộng hoà. Người ta trả lời Bô-na-pác bằng những tiếng la ó ầm ĩ. Và sau khi phun ra những lời doạ nạt, sực nhớ ra mình có lực lượng vũ trang, Bô-na-pác bèn ra khỏi phòng họp của Thượng nghị viện, không thu được điều mong muốn, tức là đạo luật trao quyền hành cho ông ta. Tình hình công việc có vẻ xấu và có thể trở nên rất xấu: Bô-na-pác phải làm cho ra chuyện với Hạ nghị viện, và ắt hẳn là trong cánh tả Gia-cô-banh sẽ xuất hiện một tay thực sự cùng cỡ với Ba-raut-tút.
Bô-na-pác đem theo một nhóm lính cận vệ. Nhưng số lính này ít quá, không thể đẩy lùi được số đông người nhất tề xông vào đánh Bô-na-pác, điều này rất có thể xảy ra lắm. Trong số những người khác nữa, Bô-na-pác mang theo cả tướng Ô-giơ-rô là người dưới quyền chỉ huy của ông ta trong thời gian xâm chiếm nước ý. Khi đi đến phòng họp, Bô-na-pác ngoảnh về phía Ô-giơ-rô nói rằng: "Ô-giơ-rô, hãy nhớ đến trận ác-cô-lơ". Bô-na-pác nhớ đến phút kinh khủng đó, phút mà Bô-na-pác lao mình dưới làn mưa đạn của quân áo để chiếm cầu. Và, thực ra, một phút tương tự như thế đang tiến gần. Bô-na-pác mở cửa và bước lên ngưỡng. Những tiếng la hét dữ dội, điên giận nổi lên ầm ầm để tiếp Bô-na-pác: "Đả đảo tên tướ cướp! Đả đảo tên bạo ngước Cho ra ngoài pháp luật! Cho ra ngoài pháp ngay lập tức!". Một nhóm đại biểu sấn sổ tới Bô-na-pác, nhiều bàn tay vung tới Bô-na-pác, người nắm cổ áo, người tìm cách túm lấy cổ Bô-na-pác. Một đại biểu lấy hết sức giáng một quả đấm vào vai Bô-na-pác. Bô-na-pác chẳng hề trội hơn ai về mặt thể lực, vóc người gầy gò bé nhỏ, dễ bị kích động, thỉnh thoảng lại như bị ngất, bị các vị dân biểu đang thịnh nộ làm cho gần như tắc thở. Vài người lính cận vệ cố xông được đến bao xung quanh mình Bô-na-pác, nhưng lúc ấy ông ta đã bị tơi bời; họ đưa được ông ta ra khỏi phòng họp. Các đại biểu căm phẫn trở về chỗ, vừa la hét giận dữ đòi biểu quyết kiến nghị đưa tướng Bô-na-pác ra ngoài pháp luật.
Hôm đó, Hạ nghị viện do Luy-xiêng Bô-na-pác, em Na-pô-lê-ông, chủ toạ và Luy-xiêng Bô-na-pác cũng là kẻ tham gia âm mưu. Hoàn cảnh đó đã giúp một cách đắc lực cho công việc của Bô-na-pác thắng l ợi. Lấy lại tinh thần và sau khi màn kịch kinh khủng đó xảy ra, Bô-na-pác dứt khoát quyết định quét sạch Hạ nghị viện bằng vũ lực, nhưng trước hết phải đưa bằng được Luy-xiêng ra khỏi phòng họp. Na-pô-lê-ông đã làm này chẳng khó khăn gì lắm. Khi Luy-xiêng đến được với Na-pô-lê-ông, Na-pô-lê-ông bảo Luy-xiêng đi hô hào quân sĩ, tuyên bố với họ rằng tính mạng chủ soái của họ đang nguy khốn và kêu gọi họ hãy giải phóng cho tuyệt đại đa số hạ nghị sĩ "khỏi tay một nhóm cuồng dại". Thế là, nếu trong binh sĩ còn có chút nghi ngờ cuối cùng gì về tính chất bất hợp pháp của việc thủ tiêu Quốc hội bằng vũ lực thì nay đã hết. Một hồi trống vang lên, và lính cận vệ, do Muy-ra chỉ huy, xông vào chiếm lấy cung điện.
Theo lời những người được chứng kiến thì trong khi tiếng trống trận liên hồi thúc giục xung phong người ta nghe thấy trong số nghị sĩ có tiếng gọi kháng cự và chết tại chỗ. Cửa mở, lính cận vệ, lưỡi lê chĩa thẳng, ùa vào phòng, nhanh chóng tản ra khắp chỗ, quét sạch trong nháy mắt. Trống vẫn đổ liên hồi át tất cả mọi thứ tiếng. Các vị đại biểu bỏ trốn hết, người chạy qua cửa, người thì mở hoặc phá cửa để nhảy ra sân. Tấn kịch diễn ra chỉ từ ba đến năm phút. Lệnh truyền ra là không được giết hoặc bắt các vị đại biểu. Khi đã chạy thoát ra ngoài, các đại biểu của Hạ nghị viện thấy mình đứng ở giữa quân đội đang vây quanh bốn bề cung điện. át cả tiếng trống, tiếng hét ầm ầm như sấm của Muy-ra truyền xuống cho đội cận vệ: "Tống cổ tất cả bọn này ra ngoài kia". Những tiếng ấy đã vang đến tai các đại biểu. Qua những cuốn "Ký ức" của họ, chúng ta được biết rằng một số lớn trong các vị đại biểu đã suốt đời không thể quên được câu nói đó.
Một ý kiến, có lẽ do Luy-xiêng gợi, đã đến trong óc Bô-na-pác. Binh lính bỗng nhiên nhận được lệnh tóm bắt lấy ít người trong số các đại biểu đang chạy trốn khắp từ phía và dẫn họ về cung điện; sau đó, Bô-na-pác quyết định cùng với các đại biểu bị bắt mở một "phiên họp của Hạ nghị viện", Bô-na-pác ra lệnh cho họ phải biểu quyết thông qua đạo luật thành lập chế độ Tổng tài. Một số trong bọn họ, được thu nhặt ở trên đường hoặc ở các hàng quán và được đưa về cung điện, run cầm cập vì sợ, vì mưa, vì rét, đã làm ngay tất cả những gì mà người ta yêu sách. Cuối cùng người ta thả họ ra, sau khi họ đã biểu quyết tự giải tán.
Buổi tối, tại một căn buồng lờ mờ trong điện Xanh Clu, Thượng nghị viện, không cần bàn cãi, đã ra một đạo luật trao quyền tối cao của nền Cộng hoà cho ba người, gọi là các Tổng tài. Bô-na-pác, Xi-ay-ét và Rô-giơ Đuy-cô được chỉ định vào những chức vụ đó, vì Bô-na-pác nhận thấy rằng: vào lúc này mà đã giành ngay chức chủ tể duy nhất là không hợp thời, nhưng Bô-na-pác đã quyết định trước là sẽ biến chức Tổng tài của mình thành một nền chuyên chính thật đúng với nghĩa của nó. Bô-na-pác cũng biết hai viên đồng sự của mình sẽ không đóng vai trò gì đáng kể và sự khác nhau duy nhất giữa hai người đó là Đuy-cô, con người kém tế nhị, ngay bây giờ cũng biết rõ là như vậy, còn Xi-ay-ét, con người sâu sắc, kín đáo, hiện còn chưa biết gì về điều đó, nhưng chẳng bao lâu rổi cũng sẽ nhận ra được.
Nước Pháp đã nằm dưới chân Bô-na-pác. Hai giờ sáng, ba vị Tổng tài làm lễ tuyên thệ trung thành với nền Cộng hoà. Đêm khuya, Bô-na-pác lên xe rời Xanh Clu, có Bu-riên đi cùng. Bô-na-pác trầm lặng và về đến tận Pa-ri mới nói một vài lời.
Chú Thích:
. Câu nói của Mi-ra-bô. Ngày 17-6-1789, các đại biểu Đẳng cấp thứ ba tự tuyên bố họp thành Quốc hội, vì lẽ đẳng cấp này bao gồm 90% dân số Pháp. Với đường lối cách mạng, họ tự tuyên bố là có quyền lực tối cao.
Ngày 23-6-1789, vua Pháp Lu-i XVI đối phó quyết liệt: y triệu tập hội nghị, hăm doạ và tuyên bố huỷ bỏ tất cả những quyết nghị của Quốc hội, rồi ra lệnh cho các đại biểu họp riêng theo đẳng cấp. Tăng lữ và quý tộc theo lệnh Đẳng cấp thứ ba vẫn ngồi yên tại chỗ. Một viên quan đến nhắc lại lệnh nhà vua. Đại biểu của giai cấp tư sản bấy giờ là Mi-ra-bô đã thét lên câu nói nổi tiếng kể trên. Một đại biểu khác là Xi-ay-ét đề nghị: "Vào chương trình nghị sự đi thôi". Thế là Quốc hội lại tiếp tục làm việc, trước sự bất lực của nhà vua.
. Mác-cút Ba-rau-tút (Marcus Ba-rautus): cháu của Lu-xi-út Ba-rau-tút, một trong những người đã thiết lập nước Cộng hoà La Mã cổ đại, Mác-cút Ba-raut-tút được Giuyn Xê-da - danh tướng và nhà chính trị nổi danh của La Mã cổ đại - nhận làm con và luôn được Xê-da che chở. Nhưng Mác-cút đã ám sát Xê-da ở giữa Thượng nghị viện. Từ đó, tên tuổi Mác-cút Ba-rau-tút được dùng để chỉ những người chống đối mưu sát.