Trận Ma-ren-gô-sự củng cố nền độc tài-pháp chế của Tổng tài thứ nhất 1800-1803.
Chương 6-Phần 3

Trong lĩnh vực cảnh sát chính trị, Bô-na-pác đã chọn được một tên trùm về thuật khiêu khích và nghề mật thám như Phu-sê, thì trong lĩnh vực ngoại giao, Bô-na-pác cũng may tay chọn được một trợ thủ, bởi vì hoàng thân Tan-lây-răng đã tỏ ra là một tay kỳ tài về nghệ thuật ngoại giao. Nhưng thái độ của Tổng tài thứ nhất đối với hai còn người này có khác nhau: Na-pô-lê-ông sử dụng Phu-sê và bộ hạ của y, nhưng vẫn coi và gọi chúng là lũ côn đồ; nghi ngờ Phu-sê, Na-pô-lê-ông còn có tổ chức riêng của mình để giám sát Phu-sê, dẫu rằng trong loại tranh chấp này, đương nhiên là Na-pô-lê-ông khó mà thắng được viên bộ trưởng của mình. Về mặt này thì, dù là Na-pô-lê-ông hay A-lếch-xan Ma-xê-đoan cũng chẳng hơn được Phu-sê. Trong nháy mắt, Phu-sê đã vạch mặt được nhưng người do Na-pô-lê-ông bố trí theo dõi y. Trong phạm vi cảnh sát Na-pô-lê-ông cần tới Phu-sê và những tài ba đặc biệt của y, vì trong vấn đề này Bô-na-pác còn bám gót viên bộ trưởng của ông ta và còn phải nhờ cậy vào Phu-sê. Trái lại, trong nghệ thuật ngoại giao, Na-pô-lê-ông không chịu nhường Tan-lây-răng một ly, mà còn trội hơn về một số điểm. Mặc dầu Tan-lây-răng là một viên bộ trưởng ngoại giao vô cùng tài năng, nhưng chính Na-pô-lê-ông đã chỉ giáo cho Tan-lây-răng, và chính Na-pô-lê-ông đã chỉ đạo những cuộc đàm phán hòa bình quan trọng; vai trò của Tan-lây-răng thu hẹp lại trong phạm vi góp ý kiến, thảo các văn kiện ngoại giao và thực hiện đường lối đã định để đạt mục đích.
Không chút nghi ngờ gì về một trong những thắng lợi to lớn của Na-pô-lê-ông là ông ta đã làm cho đường lối chính trị của nước Nga thay đổi hoàn toàn. Na-pô-lê-ông báo cho hoàng đế Pôn, người đang chính thức tiến hành chiến tranh với nước Pháp, biết rằng ông ta muốn giao trả ngay tức khắc về Nga tất cả những tù binh người Nga đang bị người Pháp giữ sau cuộc thất bại của đạo quân Coóc-xa-cốp vào mùa thu năm 1799, không yêu sách một sự trao đổi nào hết (thật ra lúc đó hầu như không có tù binh Pháp ở Nga). Chỉ một cách ấy mà đã làm cho Pôn bị mê hoặc, quyến rũ, và để kết thúc công việc, Pôn phái tướng Xpren-poóc-ten đến Pa-ri.
Xpren-poóc-ten tới thủ đô Pháp vào giữa tháng 12 năm 1800. Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, Bô-na-pác đã vừa biểu lộ mối thiện cảm đằm thắm nhất và lòng quý mến nhất đối với hoàng đế Pôn, vừa nhấn mạnh lòng độ lượng và tâm hồn cao cả của Pôn mà theo ông ta chính là những cái đó đã làm cho Nga hoàng nổi bật lên. Hơn nữa, vị Tổng tài thứ nhất không những chỉ ra lện giao trả tất cả tù binh Nga (khoảng 6.000 người), mà còn chỉ thị phải trang bị mới hoàn toàn cho tù binh, do ngân sách nước Pháp chịu, những bộ đồng phục thích hợp với quân đội của họ, chỉ thị cấp giày mới và trả lại vũ khí cho họ.
Kèm theo cái biện pháp hữu nghị có một không hai ấy giữa những người đứng đầu các quốc gia đang chiến tranh với nhau còn có một bức thư riêng của Bô-na-pác viết gửi hoàng đế Pôn; trong thư, Tổng tài thứ nhất nói bằng những lời lẽ thân thiết nhất rằng hòa bình giữa nước Pháp và nước Nga có thể thực hiện được trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu Pôn cử đến Pa-ri một người mà Pôn hoàn toàn tin cẩn. Pôn bị bức thư ấy mua chuộc. Từ kẻ thù không đội trời chung của nước Pháp, đột nhiên Pôn trở thành người bạn của nước Pháp và tức khắc gửi thư trả lời Bô-na-pác. Trong thư, Pôn chấp thuận hòa bình trước hết, vừa tỏ ý mong muốn chung sức với vị Tổng tài thứ nhất trả lại cho châu Âu "sự an ninh và sự bình yên".
Khi tiếp tướng Xpren-poóc-ten, phái viên của Pôn, Na-pô-lê-ông đã nói với hắn rằng chủ hắn và ông ta là những người "có sứ mệnh làm thay đổi bộ mặt của thế giới".
Sau thắng lợi đầu tiên ấy, Na-pô-lê-ông quyết định không những ký hòa ước với nước Nga, mà còn ký một hiệp ước liên minh quân sự. ý định liên minh xuất phát từ hai lý do: trước hết là xoá bỏ sự xung đột quyền lợi giữa hai cường quốc và thứ hai là cái viễn cảnh sau này tập trung hết thảy lực lượng uy hiếp nền đô hộ của Anh ở ấn Độ, bằng đường miền nam nước Nga và Trung á. Kể từ cuộc viễn chinh sang Ai Cập cho đến tận những năm cuối cùng triều đại của ông ta, đất nước ấn Độ luôn luôn ám ảnh tư tưởng Na-pô-lê-ông. ý nghĩ căn cốt ấy cứ cắm sừng sững trong đầu óc ông ta, mặc dầu lúc ấy cũng như về sau này chẳng bao giờ nó được biểu hiện thành một kế hoạch dứt khoát. Năm 1798, ý nghĩ ấy đến với ông ta lúc ông ta ở Ai Cập; năm 1801, ý nghĩ ấy nảy ra cùng với mối tình giao hảo bất ngờ với Nga hoàng, và đến năm 1812, lại diễn lại trong giai đoạn đầu của chiến dịch Mát-xcơ-va. Trong cả ba trường hợp, ý nguyện hướng về mục đích xa xôi đó đều không bao giờ thực hiện được, nhưng, như sau đây chúng ta đã rõ, dẫu sau, về bề ngoài, công việc cũng mang hình thức một cuộc thăm dò.
Sự tiến triển tình cảm nhanh chóng đến ngạc nhiên của hoàng đế Pôn đối với Bô-na-pác đi song song và liên hệ chặt chẽ cũng hoàn toàn bất ngờ với việc Pôn căm hờn sôi sục nước Anh, người bạn liên minh khi trước của Pôn trong cuộc chiến đấu chống nước Pháp. Vào lúc này, Na-pô-lê-ông đã trù tính, trên những nét lớn, một cuộc phối hợp lực lượng dựa trên việc phái một đạo quân viễn chinh Pháp đặt dưới quyền chỉ huy của ông ta sang miền nam nước Nga, nơi ông ta sẽ cùng hội sư với quân đội Nga, xong, ông ta sẽ dẫn cả hai đội quân qua Trung á và ấn Độ. Không những Pôn chộp vội lấy ý định đánh người Anh ở đất ấn Độ mà còn đi trước cả Bô-na-pác trong những bước đầu nhằm thực hiện kế hoạch đó. Thủ lĩnh Cô-dắc Mát-vây I-va-nô-vích Pla-tốp, bị giam cầm theo lệnh của Nga hoàng vì lý do gì không rõ ở pháo đài Pi-e Pôn từ sáu tháng nay, bỗng được lôi ra khỏi hầm giam và dẫn thẳng đến phòng làm việc của hoàng đế. Bất cần mào đầu, hoàng đế hỏi ngay Pla-tốp một câu bất ngờ sau đây: có biết đường sang ấn Độ không? Pla-tốp chẳng hiểu ất giáp gì cả, nhưng biết rằng nếu trả lời không biết thì chắc chắn sẽ phải trở lại ngồi tù trong pháo đài, nên đã vội vã trả lời có biết. Tức khác Pla-tốp được chỉ định chỉ huy một trong bốn quân đoàn của quân độn sông Đông và được lệnh đem hầu hết toàn bộ lực lượng tiến sang ấn Độ, với số quân là 22.500 người. Bốn quân đoàn đó rời sông Đông ngày 27 tháng 2 năm 1801, nhưng cuộc hành quân của họ chẳng được bao lâu thì...
Châu Âu theo dõi với một mối lo âu ngày càng tăng sự thắt chặt tình hữu nghị giữa người thủ lĩnh của nước Pháp và hoàng đế Nga. Nếu sự liên minh giữa hai cường quốc này được củng cố thì sẽ chỉ có hai cường quốc ấy chỉ huy lục địa: ý kiến ấy không những là của Na-pô-lê-ông và của Pôn mà còn là dư luận của tất cả những nhà ngoại giao ở châu Âu hồi ấy. Một tình trạng báo động khẩn cấp thật sự trùm lên nước Anh. Đúng là hạm đội Pháp yếu hơn hạm đội Anh, và thuỷ quân Nga thì không đáng kể đến, những những ý đồ của Bô-na-pác về ấn Độ, việc phái quân Nga bất ngờ tiến về hướng đó làm Uy-liêm-Pít thủ tướng nước Anh, bực dọc lo nghĩ, người ta run sợ chờ đợi mùa xuân năm 1801 vì trong mùa này, hai nước lớn rồi đây sẽ là đồng minh với nhau có thể hành động quyết định. Nhưng ngày đầu tiên của mùa xuân, ngày 11 tháng 3, đã mang lại một sự tình khác hẳn.
Na-pô-lê-ông nổi điên nổi khùng khi tin hoàng đế Pôn đệ nhất bị ám sát thình lình bay về Pa-ri. Mọi công việc mà Na-pô-lê-ông đã tiến hành tốt đẹp trong vòng vài tháng một cách tài tình và hiệu quả với nước Nga nay đều sụp đổ hết. Na-pô-lê-ông kêu lên:
"Bọn Anh đã thua tôi ở Pa-ri ngày 3 Tháng Tuyết (vụ mưu sát ở phố Xanh Ni-két - lời tác giả), nhưng chúng đã không thua tôi ở Pê-téc-bua!". Theo Na-pô-lê-ông, vụ ám sát Pôn đúng là do người Anh âm mưu. Cuộc liên mình với nước Nga sụp đổ vào đêm tháng 3 lúc những kẻ mưu sát bước vào buồng ngủ của hoàng đế Pôn.
Vị tổng tài thứ nhất phải thay đổi tức khắc và thay đổi căn bản tất cả mưu chước ngoại giao của mình. Mà về những hoạt động mưu chước này thì Na-pô-lê-ông là người có tài sử dụng nhanh nhạy và khéo léo cũng như khi sử dụng những khẩu đại bác.