Trận Ma-ren-gô-sự củng cố nền độc tài-pháp chế của Tổng tài thứ nhất 1800-1803.
Chương 6-Phần 1

Na-pô-lê-ông không có thói quen định trước và định tỉ mỉ các kế hoạch chiến dịch. Ông chỉ chú ý đến những "đối tượng" chủ yếu, những mục đích cụ thể chính, quy trình thời gian (dĩ nhiên là phỏng đoán) và những đường tiến quân. Na-pô-lê-ông chỉ thật sự bận tâm lo nghĩ đến chiến tranh khi chính chiến dịch đương diễn ra; trong chiến dịch, không những ông chú ý đến những mục đích cần phải đạt, còn chú ý đến những tình huống, và đặc biệt là những tin tức, động tĩnh của đối phương mà ông thường xuyên nhận được, từ đó ông luôn thay đổi kế hoạch bố trí của mình, thay đổi từng ngày và có khi từng giờ. Na-pô-lê-ông tự đặt cho mình một quy tắc bất di bất dịch là chừng nào thực tế chưa chứng tỏ cho mình rõ là đối phương ngu ngốc hơn thực tế và nên đặt giả thuyết: đối phương sẽ hành động có lý lẽ không kém gì bản thân mình trong trường hợp ấy.
Na-pô-lê-ông phải chống với một đạo quân áo rất mạnh và được trang bị rất đặc biệt đang chiếm đóng miền bắc nước ý, nơi mà Xu-vô-rốp năm trước đã quét sạch quân Pháp. Nhưng Xu-vô-rốp không còn ở với người áo nữa, điều đó đã làm Na-pô-lê-ông quan tâm nhiều nhất. Na-pô-lê-ông biết nước Nga đã rút khỏi khối liên minh, mặc dầu ông còn chưa thể biết được rằng cũng vào tháng 5 năm 1800 ấy, trong khi ông cùng quân đội của mình tiến vào nước ýđể triệt tiêu những chiến quả của Xu-vô-rốp thì Xu-vô-rốp đã được mai táng trong tu viện A-lếch-xan Nép-xki ở Pê-téc-bua. Không phải Xu-vô-rốp đối đầu với Bô-na-pác, mà chỉ là tướng Mê-la, một tay chiến thuật cừ, một sĩ quan tham mưu, một trong số những tướng lĩnh giỏi mà trước cũng như sau năm 1800, Na-pô-lê-ông đã và đang giáng cho nhiều trận thua vô cùng khủng khiếp và bọn họ đã không ngớt chứng minh một cách chua chát rằng Na-pô-lê-ông đã không hành động theo nguyên tắc nào cả. Trung thành với nguyên lý của mình, Na-pô-lê-ông đánh Mê-La như thể Mê-La là Na-pô-lê-ông, và Mê-la đánh Na-pô-lê-ông như thể Na-pô-lê-ông là Mê-la.
Quân áo tập trung lực lượng về phía nam chiến trường theo hướng đi Giên. Mê-la không phán đoán nổi rằng Bô-na-pác đã chọn con đường đi khó khăn nhất, qua nước Thuỵ Sĩ và đèo Béc-na, do đó, Mê-la sơ hở không tăng cường lực lượng để giữ sườn phía ấy. Vị Tổng tài thứ nhất lại chọn đúng con đường ấy. Cái lạnh khủng khiếp của những ngọn núi tuyết phủ, những vực sâu thẳm dưới chân, những trận mưa băng, những cơn bão tuyết, những cuộc trú quân ngoài trời trong tuyết, binh sĩ của Bô-na-pác đã chịu tất cả những thử thách đó vào năm 1800, cũng như binh sĩ của Xu-vô-rốp đã từng nếm trải vào năm 1799 và cũng như những chiến binh của An-ni-ban đã từng nếm trải cách đây 2.000 năm trước Xu-vô-rốp và Bô-na-pác. Có khác là không phải những con voi bị chìm sâu trong vực thẳm như thời An-ni-ban, mà là những khẩu pháo, những bệ pháo, những hòm đạn. Tướng Lan-nơ đi tiên phong và đằng sau là toàn bộ quân đội của Bô-na-pác kéo thành một đường dài vô tận giữa một bên là vách đã, một bên là bờ vực cheo leo. Cuộc vượt qua núi An-pơ bắt đầu ngày 16 tháng 5 đến ngày 21, Bô-na-pác cùng với quân chủ lực đã tới đèo Xanh Béc-na, trong khi ấy, đằng trước họ, ở sườn núi bên nước ýđã bắt đầu có những cuộc chiến đấu của đội tiên phong với lực lượng tiền đạo nhỏ yếu bảo vệ sườn núi của quân áo. Quân áo bị đánh lui, quân Pháp càng tiến gấp xuống phía nam vào toàn bộ lực lượng của Bô-na-pác thình lình tràn ra. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác, từ những khe núi miền nam rặng An-pơ xuất kích, triển khai sau lưng quân áo.
Không bỏ phí một giờ, Bô-na-pác tiến thẳng đến Mi-lan và, ngày 2 tháng 6 năm 1800, đã vào thủ phủ xứ Lông-bác- đi; Bô-na-pác chiếm tiếp Pa-vi, Crê-môn, Ple-dăng, Brét-xi-a và nhiều thành phố khác và đến đâu cũng làm quân áo thất điên bát đảo; họ không hề ngờ rằng hướng tiến công chính lại từ phía ấy. Quân đội của Mê-la đang còn ở xung quanh Giên và đáng lẽ vài ngày sau nữa thì chiếm lại được Giên từ tay quân Pháp. Nhưng sự xuất hiện của Bô-na-pác ở Lông-bác-đi đã làm tiêu tan thắng lợi ấy của quân áo.
Cũng bất ngờ như vậy, Mê-la hộc tốc kéo quân đi chạm trán với quân Pháp từ phía bắc kéo xuống. Làng Ma-ren-gô nhỏ bé nằm giữa cánh đồng trải rộng A-lếch-xăng-đri và Tóc-tôn. Ngay từ đầu mùa đông năm 1800, trong cung điện ở Pa-ri, ngón tay chỉ vào cái địa phương ấy trên một tấm bản đồ chi tiết về miền bắc nước ý, Bô-na-pác đã nói với các tướng lĩnh rằng: "Đây, chúng ta phải đánh bại quân áo ở đây".
Cuộc giao chiến lớn của cả đôi bên đã xảy ra ngày 14 tháng 6 năm 1800, đúng ở chỗ đó.
Nói chung, trận này, đã có ảnh hưởng to lớn trên trường chính trị quốc tế, cũng như đối với sự nghiệp lịch sử của Na-pô-lê-ông nói riêng. Một bầu không khí lo âu bao trùm lấy Pa-ri và khắp nước Pháp. Ngày ngày, bọn bảo hoàng mong chờ tin báo Bô-na-pác chết trong vực thẳm núi An-pơ; người ta cũng biết quân đội áo rất mạnh và pháo binh của họ còn mạnh hơn pháo binh của quân Pháp. Có tin đồn quân Anh sẽ đổ bộ ở Văng-đê. Ca-đu-đan và bạn hữu của y, những thủ lĩnh bảo hoàng, nhận định sự phục hưng của dòng họ Buốc-bông nếu chưa phải là sự việc đã thành thì trong một ngày rất gần đây tất cũng sẽ thành. Họ chỉ đợi hiệu báo: tin Bô-na-pác chết hoặc quân đội Pháp bại trận. ở châu Âu, ngay trong các nước trung lập người ta lo âu theo dõi quá trình của các biến cố. ở những nơi đó người ta cũng chỉ đợi chờ sự chiến thắng của quân áo để gia nhập khối liên minh chống lại nước Pháp. Bọn Buốc-bông chuẩn bị để lên đường về Pa-ri.
Na-pô-lê-ông, các tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính của ông đều thấy rất rõ tầm quan trọng của trận đánh và những khả năng dẫn tới bại trận: lần này quân áo trội hơn hẳn về số lượng; họ được nghỉ ngơi thoải mái, được yên ổn đóng quân trong các thành phố và các làng mạc ý, trong khi ấy binh lính của Na-pô-lê-ông phải gian khổ vượt đèo Xanh Béc-na, Bô-na-pác có cả thảy 20.000 quân và chỉ điều động bộ phận pháo loại tồi nhất cùng vượt đèo Grăng Xanh Béc-na với ông hồi tháng 5, còn pháo binh chủ lực đã hành quân đến chậm vì bị mắc vây và đánh chiếm một cứ điểm mạnh trong núi che chở cho quân áo. Trong khi Mê-la chỉ huy một đạo quân 30.000 người và 100 cỗ pháo có đầy đủ đạn dược thì Bô-na-pác lại còn phải giao cho tướng Đơ-xe một phần trong số pháo tồi của mình. Thế là Bô-na-pác chỉ có 15 khẩu pháo để chống với 100 khẩu của quân áo.
Trận đánh khởi đầu vào buổi sớm ngày 14 tháng 6 năm 1800 ở gần Ma-ren-gô, và đã phát hiện ngay được lực lượng quân áo. Quân Pháp vừa đánh vừa lùi và giáng cho quân địch những đòn đích đáng, nhưng bản thân cũng bị thiệt hại nặng. Đến hai giờ chiều, trận đánh xem chừng thất bại, không thể cứu vãn được. Quá ba giờ, Mê-la ca khúc khải hoàn, cử người về Viên báo tin quân áo toàn thắng, thu nhiều chiến lợi phẩm và tù binh, tướng vô địch Bô-na-pác đã thất bại. Tình trạng hỗn độn đã bao trùm lên tổng hành dinh quân đội Pháp. Bô-na-pác giữ thái độ bình tĩnh, vừa nhắc nhở cần phải cầm cự, vì trận đánh chưa kết thúc. Và đến ba giờ chiều, tình thế đột nhiên thay đổi một cách bất ngờ, bởi sư đoàn Đơ-xe được phái xuống phía nam để cắt đường rút lui của quân địch đang từ Giên trở về cấp tốc hành quân quay trở lại, đã công kích ồ ạt vào quân áo đúng giờ phút quyết định chiến trường.
Quân áo hết sức tin tưởng vào sự toàn thắng của họ đến nỗi lúc ấy có nhiều đơn vị quân đội áo cho toàn thể đơn vị bố trí chuẩn bị nghỉ ngơi và ăn chiều. Bị sư đoàn tinh nhuệ của Đơ-xe ập đánh và tiếp đó là tất cả các đơn vị của Bô-na-pác cũng đánh vào, quân đội áo hoàn toàn bị đánh bại. Năm giờ chiều, quân áo bỏ chạy, bị kỵ binh Pháp truy kích. Tướng Đơ-xe hy sinh ngay từ phút đầu của trận đánh, và khi trận ấy - một trong những chiến thắng lớn nhất của đời mình-sắp kết thúc, Na-pô-lê-ông nghẹn ngào nói:
"... Nhưng Đ-xe!... Chao ôi, ngày hôm nay ắt là đã đẹp lắm nếu tối nay tôi được ôm hôn Đơ-xe ở trên chiến trường! Tại sao không cho phép tôi được khóc?...", đó là những lời nói mà trước đây vài tiếng đồng hồ, lúc cuộc chiến đấu đang gay go quyết liệt nhất, Na-pô-lê-ông đã phải thốt ra khi được tin Đơ-xe vừa mới từ trên mình ngựa ngã xuống.
Những bạn chiến đấu của Na-pô-lê-ông chỉ thấy có hai lần mắt ông ta đẫm lệ sau khi giao chiến. Lần thứ hai vào vài năm sau, khi Na-pô-lê-ông nhìn thống chế Lan-nơ chết ở trong tay mình, hai chân bị đạn đại bác tiện đứt.
Trong lúc triều đình Viên đang hoan hỉ đến cực điểm về những tin tức đầu tiên tốt lành của Mê-la đưa về thì một người thứ hai đến báo tin thất bại thảm hại vừa mới xảy ra. Nước ý lại bị mất, với quân áo thì dường như là mất vĩnh viễn. Kẻ thù đáng sợ của họ lại một lần nữa chiến thắng.
Những tin tức đầu tiên về một trận đánh lớn ở ýbay về đến chính phủ Pa-ri vào ngày 20 tháng 6 (ngày đầu Tháng Gặt), sáu ngày sau trận đánh. Nhưng mới chỉ là những tin đồn đại mập mờ. Trong thành phố, người ta lo âu chờ đợi tin tức. Người ta kể chuyện lại rằng: theo một vài nguồn tin thì trận đánh đã thất bại và Bô-na-pác đã chết. Bỗng nhiên, vào buổi trưa, một phát đại bác nổ vang, phát thứ hai, rồi thứ ba; một người đưa thư về, mang những tin chính thức như sau: quân đội áo bị đánh tan hoàn toàn, bị tước một nửa số pháo và hàng nghìn quân áo bị bắt làm tù binh hoặc bị chém; nước ýlại sao vào tay Bô-na-pác.
Lần này, nỗi vui mừng hoan hỉ không phải chỉ có trong những khu tư sản mà còn cả trong những khu thợ thuyền: đã từ lâu người ta chưa thấy vùng ngoại ô Xanh Ăng-toan có quang cảnh tấp nập như vây. Thợ thuyền đã không thể thấy trước được rằng người chủ mới sắp hoàn thành việc đàn áp họ bằng bàn tay sắt, sắp ban hành "tiểu bạ công nhân" để họ phụ thuộc hoàn toàn vào bọn chủ, rằng chính thể mới vĩnh viễn bóp chết cách mạng và sẽ mở đầu cho thời đại của sự củng cố vững vàng và nền nếp một trật tự xã hội dựa trên sự bóc lột sức lao động một cách hợp pháp và dễ dàng của tư sản.
Vẫn ở Pa-ri, ở lân cận các thị trường chứng khoán, các nhà ngân hàng, trong đám cưới người sang trọng ở các khu phố lớn, nỗi vui mừng hoan hỉ lại càng lớn chính là vì cái người chiến thắng, chàng Bô-na-pác kia, đã bóp chết cách mạng vào ngày 18 và 19 Tháng Sương mù và vừa đổi mới ổn định được địa vị của mình ở các chiến trường bằng trăm nghìn thủ đoạn, một mặt giơ bàn tay thép đè bẹp "sự vô chính phủ", phá tan mọi âm mưu chống các nhà hữu sản và quyền tư hữu, mặt khác không quay trở lại chế độ quân chủ quý tộc và phong kiến.
Một vài người Gia-cô-banh bất mãn thì trùm chăn, bọn bảo hoàng thì đau khổ. Nhưng bọn họ, ai nấy đều bị làn sóng vui mừng lớn đang tràn dâng ở Pa-ri và ở các tỉnh gạt ra một b ên. Trong không khí ấy còn lẫn lộn cả sự say sưa kiêu ngạo của tinh thần "ái quốc quân sự" cuồng nhiệt bốc lên như một cơn sốt, kể cả những người đến tận bây giờ vẫn còn tỉnh táo nhất. Khi vị Tổng tài thứ nhất về Pa-ri thì những mối hân hoan cuồng nhiệt ấy trào lên đến cực điểm. Trong quần chúng đi đón, một biểu hiện, dù là rất nhỏ, tỏ ra lạnh nhạt đối với Bô-na-pác đều bị coi là bằng chứng thân bảo hoàng. Người ta la ó: "Đây là nhà của bọn quý tộc! Sao cái nhà này không trưng đèn lên!" và tức thì người ta đập phá cửa kính của căn nhà khả nghi đó. Suốt ngày, một khối người đông nghịt vây quanh cung Tuy-lơ-ri, hoan hô mời Bô-na-pác ra mắt. Nhưng Bô-na-pác không ló mặt ra ban công.