Để tặng Trần Dương Tường và mười năm Hà Nội, 1983-1993
Chương 9
Văn chương. Những sung sướng và đau khổ của một tiểu thuyết gia

Mỗi thằng lao vào một việc. Chúng tôi phải chứng minh mình. Sến không mê đời thanh đạm của Đoài, vậy anh chàng phải giàu sụ lên. Sến không thích thằng Đủ lỗ mãng, vậy nó phải thành trí thức. Sến không bằng lòng thằng Hồng cơ hội, vậy nó phải thành super lương thiện. Sến không đồng ý ông Thân ôn hoà, vậy ông phải làm một cái gì đó cực đoan. Sến không ưa thằng Tân trí thức trùm chăn, vậy nó phải lao vào đời thực. Còn tôi phải tích cực vì Sến không thích tôi lười. Ôi tình yêu của chúng tôi cuối thể kỉ hai mươi sặc mùi truyện cũ mốc meo, mùi hiệp khách và giai nhân, như thế là chúng tôi trai nước Nam quyết tiến bộ trên cơ sở một lac hậu. Trông bề ngoài có thể cả sáu thằng đều là công dân thời đại, không lạ cái computer, biết đổi đô đê ra đồng, đã thôi chùi đít bằng giấy báo và chấp nhận phần nào luật giao thông, nhưng bên trong, tôi đảm bảo rằng trái tim thằng nào cũng tụt lại vài thế kỉ và sự chậm tiến của nó còn làm chúng tôi kiêu hãnh. Tôi không nói ngoa, tiến bộ và lạc hậu ở đất nước này quan hệ với nhau kì khôi lắm.
Tôi nghĩ đến việc viết văn. Là sự bận rộn dễ tha thứ nhất trong phạm vi lí tưởng thong thả của phương Đông. Vả lại theo thiển ý tôi, đấy là khả năng vượt rào chắc ăn cho một thằng trí thức Việt kém sự nghiệp. Ở đó hắn chẳng có gì để mất. Dẫu không hẳn có tài nhưng có tâm và liên tục sản xuất thì thể diện của hắn cũng dầy lên thuận với số trang. Tôi nghe nói chữ “tâm” đáng ba chữ “tài”. Chính là những nhà văn có tài bị rủa là thiếu tâm, chứ chưa bao giờ một nhà văn có tâm bị trách là thiếu tài. Vậy là có thể yên lòng. Nếu lấy chữ “tài” làm đầu thì bố ai dám cầm bút nữa! Ngoài ra nhà văn Việt không bắt buộc phải thành đạt. Nhà văn Việt được quyền không có bạn đọc. Và nếu không xuất chúng thì suốt đời chẳng sợ búa rìu của dư luận và chính quyền.
Tôi chưa từng thấy một nhà văn Việt có khuynh hướng làm học giả, sách của họ chật cứng những tình tiết phức tạp và đa cảm của cuộc đời, học thức không len vào nổi, học thức ở đó không đúng chỗ, có chăng thì như một lớp kem mỏng phun hoa lên bề mặt mà thôi. Giới phê bình khen xỏ ai thì bảo đấy là một tác giả thông minh và có học thức. Trong khi đó, sở thích ngầm của tuyệt đại đa số các học giả Việt là làm nhà văn và công khai làm nhà thơ. Tôi cũng thế. Tôi có dăm chục bài thơ và đã nhiều lần suýt viết sách. Tôi khoái hình dung là được tự do không ai quấy nhiễu. Một mình với giấy bút! Có chỗ nào người ta được tự do như thế không? Thuở bé tôi thích đi cầu tiêu thật lâu, cầu tiêu xóm tôi là một dãy nhiều chuồng xí, tôi luôn chọn một chuồng xí bị mất cửa, cầm một cái que dài thò ra ngoài rung rung để báo hiệu có người, thế là chẳng ai quấy rầy tôi. Nếu ngồi trong chuồng xí có cửa, nhưng cửa chẳng bao giờ đủ móc, tôi sẽ luôn phải hắng giọng hoặc nơm nớp lo ngại bị bắt quả tang đang tận hưởng tự do. Thuở bé tôi không thấy cầu tiêu xóm tôi là đáng kinh hoàng.
Lần này tôi vượt qua được ranh giới của sẽ viết và viết, cũng như khi người ta quyết định ra đường đi ăn xin, rồi từ lúc quyết định đến lúc chìa được bàn tay ra và mồm xin bố thí là một đường ranh, vượt qua rồi thì không có gì trở ngại nữa. Người thúc vào lưng tôi hẳn là Sến như bạn đọc đã rõ. Người khích lệ tôi là Đoài. Từ hôm được hắn nhận xét là không có lí tưởng, tôi tự nhủ cầm bút là hoàn toàn thích hợp. Tôi vẫn yêu Nguyễn Du vì lẽ ông không tiết lộ lí tưởng, ông sợ những tiếng ồn, một người châu Á điển hình không ưa bộc lộ tình cảm, lâu lâu thì thốt lên một tiếng, xé lòng. Tôi cũng yêu Nguyễn Tuân trước bốn lăm, người này ồn ào hơn, quấy rầy độc giả nhiều hơn, một người Á vừa nhiễm tính Tây cứ thật thà lộn trái mình ra như lộn túi quần, bày tỏ, phân trần, ngang phè phè, tha thiết. Ông không hướng dẫn ai, không hướng dẫn cả chính mình. Viết như thế là sướng cho mình và sướng cho người đọc. Tôi không có ý định đau đớn vật vã với con chứ. Không có tôi thì các nhà văn Việt Nam cũng vật vã mấy ngàn năm rồi và sẽ còn vật vã nữa, như bị lịch sử hành hạ, như mình tự hành mình. Căn bệnh quốc gia này cũng miễn trừ như aids. Không, tôi không thích được đóng dấu positive, có thể dịch là đóng dấu “tích cực” tí nào.
Tôi sẽ không viết sách khoa học, đấy là việc của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và phó tiến sĩ, xưa nay chưa bao giờ một phó nghiên cứu viên xoàng lại cả gan làm tác giả. Mỗi năm tôi nộp cho Ban chuyên môn hai bài nghiên cứu bài thu hoạch gì đó chẳng ai buồn ngó. Hoặc chép lại bài từ những năm trước, cập nhật hoá vài khái niệm, thế là đời Viện sĩ của tôi được bình yên. Bây giờ ngồi xem lại luận án tốt nghiệp đại học tôi cứ ngạc nhiên: hai trăm trang ấy do tôi viết ra. Người ta bảo tuổi trẻ không biết sợ là có lí. Nếu muốn thành một phó tiến sĩ tôi phải viết thêm hai trăm trang nữa và lê gót qua cửa nhà các giáo sư phản biện luôn luôn. Rồi thì minimom, chẳng may rơi vào bàn của vợ thằng Hồng thì hết đường rút. Triết học biện chứng của chị ta là một đồng tiền hai mặt, một con dao hai lưỡi, không chạy đâu cho thoát. Rồi lên thực đơn cho lễ bảo vệ thử. Xin vợ một triệu và một trăm gói kẹo sô cô la. Rồi lên thực đơn cho lễ bảo vệ chính thức. Xin vợ hai triệu và hai trăm gói kẹo sô cô la. Tên mình thì dài ra ba chữ cái PTS. Cột sống của vợ bên dây chuyền của xưởng bánh kẹo thì ngắn lại.
Tạm biệt các Viện sĩ, tôi đi làm nhà văn. Tôi chưa biết sẽ viết gì nhưng nhất định không kể chuyện đời lao nô của hai chàng chủ quán Apocalypse Now. Tất cả những gì có thể thuật lại bằng miệng thì không cần viết ra nữa, những chuyện li kì bóc lột đĩ điếm buôn lậu Mafia chém giết quốc tế hai thanh niên ấy đã bật ra đằng lưỡi thì ngòi bút tôi là thừa. Vả lại đó không phải là cuộc đời tôi, tôi không thấy mình có lí do gì nhảy vào đó, trừ phi để trình làng một thiên phóng sự xã hội động trời. Nhưng đã nói, nhổ một cái lông chân mà làm làm lợi cho thiên hạ tôi cũng không, tôi không có ý định ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Cuộc cách mạng này là của cá nhân tôi. Cho Sến. Có thể cũng cho tôi. Ngoài ra không dính gì đến ai. Nguyễn Du có nguy cơ ngày càng xa lạ vì ông phải mướn cả sân khấu lẫn vai tuồng để cải trang xuất hiện riêng cho những cặp mắt tinh tường nhất. Khi được xưng tôi và làm tôi, Nguyễn Tuân đầy quyến rũ. Từ khi xưng chúng tôi và làm người ta thì ông mất sức thuyết phục, thành ngay văn nghệ mậu dịch, phiếu C.
Tôi viết: “Một con giun trắng đi dạo trong sân gặp một con giun đen.” rồi ngồi nửa ngày nghĩ những đối thoại thâm thuý khác nhau của hai con giun. Nếu con giun trắng hỏi vì sao con giun đen đen thì con giun đen đáp vì sao con giun trắng trắng. Tôi cũng cho hai con giun nói về con người. Nhưng truyện hai con giun thông thái theo truyền thống ngụ ngôn phương Đông còn chán hơn những bài nghiên cứu của tôi; ở đó tôi chép lại tôi, ở đây tôi chép lại cả một chương dài văn học sử của thiên hạ. Thực ra niềm vui duy nhất của tôi là được viết: “một con giun đi dạo trong sân”, tôi thưởng thức hình ảnh con giun của tôi đi dạo, đi dạo, trong sân, tôi thấy con giun này có sức thuyết phục, đáng tin, thỉnh thoảng tôi có thể nhớ đến nó ngộ nghĩnh, thấy trong lòng vui vui, cười một mình, và chỉ thế mà thôi. Tôi không có lí do gì để kéo dài câu chuyện, không cần viết gì thêm và phải đặt một dấu chấm rất tự nhiên ở sau từ “sân”. Chỉ yêu một dáng đi mà phải cưới một người vợ là cái chết của tiểu đăng khoa, chỉ sướng bảy chữ mà tuôn ra vạn chữ là cái chết đại đăng khoa. Tôi không có ý định viết để chết. Không có tôi thì rất nhiều nhà văn Việt Nam cũng đã chết đi chết lại nhiều lần trên trang giấy. Họ thổ tâm huyết. Họ hiến dâng đời mình. Chừng ấy cái chết là đủ làm đám tang tập thể linh đình cho một nền văn học tập thể.
Sau hai con giun bịa, tôi thử viết về môi trường thật quanh tôi như sau:
“Các nhà khoa học xã hội trong cơn lốc.
Đấy là một cơn lốc tệ hại. Nếu nó giày xéo tan nát các trang sách khả kính của nền khoa học xã hội, ầm ầm cuốn sạch các Viện lớn Viện nhỏ, các Hội đồng khoa học và Hội đồng chuyên viên cao cấp, các giáo sư cấp I và giáo sư cấp II, các tiến sĩ và phó tiến sĩ, các thư kí khoa học và các nghiên cứu viên, các tư liệu viên và các thi cử viên, các bàn bạc viên và đấu đá viên, các tập sự viên cũng là các nhân viên bộ máy chức năng ra ngoài biển Đông, vùi sâu chôn chặt ở đó, để lại một hiện trường trống trơn thê thảm, thì ít nhất chúng ta rồi cũng có lúc được hoàn hồn mà bắt tay vào công việc mới. Quốc gia một ngày không thể thiếu khoa học xã hội. Chúng ta sẽ được thật sự bận rộn. Còn nếu nó là một cơn lốc ngầm như tính tình người phương Đông, bề ngoài tuyệt phẳng lặng nhưng âm ỉ công phá, đục ruỗng, reo rắc ung thư, thì chúng ta được an nhàn. Đằng này nó chẳng Đông chẳng Tây, chẳng nổi chẳng chìm, chẳng cho ta bận rộn, chẳng cho ta an toàn, nó là một cơn lốc tệ hại.
Quả là tệ hại. Nó dám làm phiền cả các giáo sư là những người đã mọc rễ sâu lắm vào mảnh đất khoa học. Với già nửa thế kỉ sau lưng, họ đã kinh qua bao nhiêu lần viết tự kiểm điểm và sơ yếu lí lịch, đấy là những trước tác giàu thông tin và đậm đà cảm xúc hơn bất kì công trình khoa học nào. Họ đã trôi dạt theo biết bao tan hợp của bộ máy ngiên cứu, khắc nhập khắc xuất, khắc vọt lên ngôi khắc nằm trên thớt. Đã võ nghệ cao cường bò từ bìa E, một tháng sáu lạng thịt, lên dần các vần chữ cái cao hơn. Đã sinh tử từ đợt công nhận học hàm này đến đợt phong chức kia. Đã sắm đầy mấy ngăn kéo các giấy mời họp hội nghị, tất nhiên cả hội ở nghị nước ngoài. Đã quen e hèm trước đám đông. Đã làm chủ cả trong lúc ngủ các quy luật vận động và phát triển xã hội. Họ vô cùng thông thái. Trước khi khởi đầu một công trình khoa học họ đã biết rõ các kết luận từ lâu, việc chứng minh những kết luận ấy chỉ còn là vấn đề của sức lao động. Họ lại có một sức lao động phi thường. Rất nhiều giáo sư đã bỏ ra một đời cặm cụi để chứng minh những điều mà lũ ngoại đạo chúng ta coi là hiển nhiên.
Vậy mà bây giờ cơn lốc tệ hại ấy đến phá bĩnh. Nó chẳng làm gì được đâu nhưng cũng gây nhiễu nhương ít nhiều. Vài năm gần đây số lượng giáo sư khoa học xã hội tăng gấp bội, vô khối người hôm trước ta còn tưởng là một tay nói leo, hôm sau đã thực sự là giáo sư rồi. Danh hiệu này đã phong là không bãi đi được…»
Thật là một khổ sai. Bạn đọc hẳn thấy là tôi đã thử một cú làm nhà văn có trách nhiệm, mãi suy tư về những vấn đề thời sự nóng hổi của nước nhà… Nhưng viết như thế là rởm, vì thực ra tôi không có lí tưởng trách nhiệm gì hết. Viết như thế là cùng cấp độ với hô những khẩu hiệu láo toét. Là như những hồi kí nào đó rất phi thường. Nhưng quan trọng hơn cả: viết như thế là chép ra giấy cuốn sách đã hiện rõ trong đầu. Chép lại cái mình đã biết quá rõ thì còn gì là vui thú nữa!
Xin đủ cơn lốc đã biết. Viết sướng phải như là phiêu lưu: ngả nào quen thì tránh, cứ xứ lạ mà nhằm. Viết sướng phải như là yêu Sến: không biết lúc nào phải lòng nàng, có thể mệt mỏi, có thể hoài công, có thể phụ người và người phụ lại, nhưng là yêu, là sống. Nghĩa là không biết chữ sắp tới, dòng sắp tới, chương sắp tới sẽ ra sao, nhưng một lòng chờ đợi, háo hức, một lòng tin vào chính mình và tin vào đời. Có thể thất bại, nhưng là học, là tìm. Tôi không thể viết một cuốn sách đã biết. Lí thuyết của tôi là viết như yêu Sến, và cuốn sách của tôi sẽ phải là chuyện chúng tôi yêu Sến.
Ôi Marie Sến của tôi, con công yêu đời, tôi đâu ngờ đời tôi có lúc quên cái sự nhàn, quên rằng mình không thể tỉ mỉ và kiên nhẫn, để ngồi bồng bột mải miết viết một áng văn. Bằng tiếng Việt hiện đại nhé. Cứ xoè đuôi vươn cổ hồn nhiên, con công ơi, em đẩy chúng tôi vào thế tự mình phải vượt lên mình. Tôi bầu em làm tổng bí thư, tôi bầu em làm chủ tịch nước, làm quốc hội, cho nước mình dân chủ phồn vinh và trìu mến văn chương. Tôi lặn lội qua từng chữ, từng dòng, từng trang, từng chương chưa biết. Tôi dựng nên em, nhân vật chính của sách tôi, duy nhất từ âm thanh của cái tên Marie Sến. Tôi đuổi theo một xúc cảm mơ hồ do cái tên ấy gây ra, chỉ một xúc cảm mà thôi và nó dẫn đến đâu tôi không biết, nhưng tôi hoàn toàn vững tin vào tầm vóc của nó. Đây có thể là sách trinh thám vì tôi làm con chó cảnh sát chỉ ngửi một cái tên rơi ở hiện trường để lần theo đánh hơi em. Vụ án Marie Sến là một vụ án chưa xong. Xong rồi thì còn gì vui thú nữa.
Tôi không nghĩ rằng người ta viết để tự giải phóng khỏi một cái gì. Tôi viết để buộc thêm vào mình những cái nợ chưa biết. Trước khi bắt đầu cuốn sách về yêu Sến, tình yêu của tôi nhàn tênh không vướng bận, tôi tự do, đời tôi yên bình, những cơn ghen là thứ khó chịu nhất cũng có thể được coi là lợi nhuận của tâm hồn. Giờ đây mỗi chữ, mỗi dòng, mỗi trang, mỗi chương đè lên tôi, nhưng tôi sướng cái sức nặng của chúng, tôi vui vẻ được mất tự do nội bộ như thế.
Tôi cũng không nghĩ người ta viết cho đời. Các cụ ngày xưa vốn trọng chữ khiêm, “không có kiêu, không có phóng túng nữa mới có thể thành đức. Khi đức nghiệp đã tiến, công danh tất phải thành.” Mà sao cứ mải mê làm thứ văn chương cho đạo, cho đời? Cứ theo thiển ý tôi, người viết nào xác định rằng đời cần văn mình thì khí kiêu hẳn là bốc lên cao lắm. Nhưng khí kiêu không phải là cái đáng ngại nhất. Đôi khi văn kiêu cũng đánh thức độc giả đang ngủ gật, và làm sống động cái nền văn chương quá mực thước này. Tôi không nhất thiết mê chữ khiêm.
Đáng ngại nhất là sự giả tạo. Trăm người viết thì may lắm một người có thể tránh được nó. Có thể thôi. Nó lại cũng như aids, đặc biệt ưa truyền vào những người ăn nằm không phòng ngừa gì với những lí tưởng, những phong trào, những giáo điều, ăn nằm không phòng ngừa và đẻ bừa những đứa con thiếu tháng. Vì sao sách của phần lớn những nhà văn dấn thân cho sự thật thường ngẫu nhiên có vị hài hước ngoài ý định của tác giả? Những sách ấy rất muốn thật mà hiếm khi được thật và tác giả càng hăng hái trình bày sự thật bao nhiêu thì sự thật càng trốn đi bấy nhiêu? Sự thật là một người đẹp nhạy cảm và khó tính. Nàng biết giá của mình lắm, nhà văn đâu chỉ có lòng thành là tậu nổi. Vả lại nàng được yêu từ ngàn đời nay, nàng quá từng trải trong tình yêu của người đời, nàng cho phép mình kiêu kì và quay lưng lại những người hâm mộ nàng quá đáng, nàng biết rõ lời tỏ tình của mỗi chúng ta với nàng thực ra phải hiểu như thế nào. Cho nên tôi là người cuối cùng dám tương tư nàng. Nếu nàng ngồi trong bếp với vợ tôi, và vợ tôi cũng cầm tay nàng van nàng thương lấy tôi thì nàng sự thật sẽ xử sự ra sao nhỉ? Tay mơ như tôi thậm chí có hi vọng gì phát hiện ra nàng giữa cuộc đời này mà phải lòng!
Tôi chỉ viết một cuốn sách cho tình yêu Sến. Có thể cũng cho tôi, hoặc cho Sến, nhưng trước hết là cho tình yêu Sến, theo tôi đấy là một sự khác nhau rất lớn. Tôi phải nối dài cán bút thò ra ngoài rung rung để báo hiệu rằng đây là lãnh địa riêng tư, cấm người ngoài.
Lúc nghe nói tôi viết một cuốn sách, Sến lập tức sáng mắt lên, Sến ngưỡng mộ các nhà văn mặc dù em cho Nguyễn Tuân và Vũ Bằng là hai tiệm phở. Bây giờ tôi có cảm giác là Sến kính trọng tôi. Lẽ ra toàn bộ các nhà văn thế giới nên nhập quốc tịch Việt Nam, ở đất nước này văn chương vẫn luôn là một cái gì đặc biệt. Nhân dân thì sùng kính và không có thì giờ đọc. Chính quyền thì hộ tống luôn luôn. Chúng tôi ngồi trong công viên Lê Nin, Sến tuột khỏi ghế băng, ngả nằm trên cỏ. Tôi thấy mình có phận sự của gió hồ cúi vờn mấy sợi tóc em, hôm nay tóc dài thiếu nữ. Vừa được kính trọng vừa ở tư thế nhìn xuống, tôi mới thật rõ làm một đàn ông ở bên trên một đàn bà là sướng như thế nào. Hợp tự nhiên như thế nào. Thằng gia trưởng trong tôi như vậy sẽ sống sót sang thế kỉ hăm mốt. Sến hỏi tiểu thuyết hở anh. Ừ, tiểu thuyết. Tiểu thuyết gia thì được hôn lên môi ấy, môi phồng như bánh đa, răng như mãnh thú cắn cắn nhả nhả. Tôi ngửi ra mùi thèm hăng hắc ngòn ngọt. Mắt Sến thất thần. Mắt Sến ráo riết canh chừng, không cho tôi vào quá gần, không cho tôi bỏ đi. Tôi xoay lưng lại một bà hàng nước trà rong và một cậu bé câu cá lậu. Những lần hôn trước là hôn cuống quýt, răng gặp răng nhiều hơn môi gặp môi; là hôn lịch sự có giáo dục, môi gặp môi là xong như tay bắt tay. Lần này tôi sục vào miêng Sến, Sến sục vào miệng tôi. Lưỡi tôi dài tổng cộng mười bảy phân, em chỉ nhả ra khi hai đứa sắp nghẹn. Tôi ngẩn tò te trước hai cánh áo cứ từ từ vén lên như màn sân khấu, ngực em bày chật mắt tôi, mươi phút dài tôi mụ mị ngắm nghía, tôi thằng đàn ông không có chỗ nào trong người kì vĩ như thể để mà tặng mắt em. Đành làm người có lỗi, tôi bắt đầu mơn man. Thì hai đầu vú đã lại như hai hòn đạn. Bây giờ tôi biết vì sao người ta mê những Kim Tự Tháp, vì sao người ta âu yếm nặn bóp những chiếc oản đặt lên bàn thờ. Tôi thầm thì những lời khen lịch sự. Thực ra tôi muốn nói những lời tục tĩu cho thoả, cho đã, cho đúng với sự việc, cho không giả tạo. Nhưng Sến cứ “đừng anh đừng anh đừng”, tôi nói tục làm sao được. Người ta thế nào lộ cả ra trong lúc yêu. Thằng Hồng chắc gọi vú vợ nó là hai trái tuyết lê, đầu vú là hai nhũ hoa. Ông Thân chắc dùng từ khách quan là bộ ngực. Đoài chắc sẽ xin sờ tí. Đủ hẳn là phải bóp vú và Tân thì gộp chung vào toà thiên nhiên. Ôi viết cũng như là yêu, khi nào thì tục khi nào thì thanh?
Chúng tôi ngồi trong công viên Lê Nin, tôi tiểu thuyết gia được hết mọi diễm phúc trên em, chỉ trừ không được trong em, nói theo cách lịch sự. Sến để dành cho đêm tân hôn hay sao? Không phải, tính em không thích để dành. Sến sợ tôi khinh hay sao? Không phải, bao nhiêu nhục dục nơi em, em đã buông ra, bông hoa đĩ của tôi, bao nhiêu cánh em xoè cả ra rồi và toả hương thèm hăng hắc ngòn ngọt. Tôi thì mê đi vẻ đẹp của Sến. Sến mê đi trong lạc thú của chính xác thịt mình. Tay tôi đâu thuộc về tôi, em túm được nó em dẫn nó đi vào hang em. Rồi rung lên như dây đàn bầu. Rồi nằm yên, miệng cười, mắt đi chơi trên vòm sấu. Không, Sến không sợ tôi khinh. Tôi ngồi đó vơ vẩn ngạc nhiên vì sự ích kỉ thẳng thắn của Sến: hoá ra thằng gia trưởng sống dai trong tôi với em chỉ là một thằng hầu, một thằng hầu hạnh phúc. Bao giờ thì tôi thôi ngạc nhiên về em, câu đố tên là Marie Sến? Tôi kết luận rằng Sến dành diễm phúc cuối cùng cho giây phút tôi, tiểu thuyết gia, hoàn thành tác phâm. Xin bạn đọc hãy cùng tôi kiên nhẫn! Tôi chẳng phải là người duy nhất chờ chực, có Sến trong tay mà chẳng bao giờ vào nổi Sến. Tất cả chúng tôi, cha và con, đồng nghiệp và láng giềng, trong biên chế và ngoài biên chế, nhà quê và tỉnh thành, người và ma, sẽ gặp nhau tuốt tuồn tuột trong vũng yêu tập thể quái dị tên là Marie Sến. Sẽ ngụp lặn trong đó. Sẽ tăng ga cho cỗ máy dục tình của mình gầm rú. Trong một cuộc chạy không tải. Chạy suông.