Để tặng Trần Dương Tường và mười năm Hà Nội, 1983-1993
Chương 11
Học thức. Những phiêu lưu của Hậu Thánh Gióng

Thằng Tân bỏ tri thức để đi vào đời thực thì thằng Đủ bỏ đời thực mò vào tri thức. Những cậu ấm của khu cầu thang này đổi chỗ cho nhau. Sự luẩn quẩn tuyệt vọng của chúng làm ta phụ huynh đau lòng. Sự hăng hái mù quáng của chúng làm ta lo âu. Sáu thằng chúng tôi cùng lên đường tiến bộ vì Sến, nhưng những đứa con đi trước, những ông bố đi sau: tuổi già chạy theo tuổi trẻ ngay cả ở một xứ Nho giáo đóng cặn ngàn năm như nước Việt.
Thằng Đủ chiếm chỗ thừa ra của thằng Tân trong căn hộ đùng đục sáng xế bên phải tôi, bù vào một tấm hộ chiếu chỉ chưa dán ảnh: đây là cuộc đổi chác của hồn Trương Ba, da hàng thịt. Vì sao thằng Đủ hay thằng ích xì i cờ rét nào đó có hộ chiếu còn chúng ta không thể có, câu hỏi này chẳng cứ tôi mà toàn dân nước Việt đều không trả lời được. Vì sao nó đổi chỗ cho thằng Tân? Đấy là cơn hứng ngẫu nhiên, một cái mốt, một thói quen bình thường của tuổi trẻ mà chúng ta đã đánh mất; là tình bạn đặc biệt giữa hai cậu ấm, hay là âm mưu nham hiểm của thằng Đủ nhằm gửi tình địch vào chỗ chết? (Có lẽ ít nhất một thằng nham hiểm trong số sáu thằng chúng tôi phải ra tay như thế nào đó cho các tình tiết trở nên căng thẳng và bạn đọc có thể thấy câu chuyện tình tay bảy này có bóng dáng của hiện thực chăng? Cho đến lúc này, ngoài mấy cơn ghen không gây thiệt hại gì, chưa thằng nào trong chúng tôi xử sự đáng mặt một thằng đàn ông, một thằng tình địch! Như thể chúng tôi sống ở đâu chứ không trong đời thực!) Cả bạn đọc và tôi đều chỉ có thể phỏng đoán. Chúng ta có quyền phỏng đoán, nhưng lời đáp chính xác thì một nửa đã vùi trong lọ tro vốn là thằng Tân, và nửa kia cũng sắp theo thằng Đủ ra đi không hẹn ngày trở lại.
Trong vòng một trăm ngày, hai ngàn bốn trăm tiếng đồng hồ, ông bố uyên bác của thằng Tân có trách nhiệm nhồi học thức vào khối thịnh nộ lừng lững nhất nước Nam. Hậu Thánh Gióng hai mươi mốt tuổi còn nằm bất động trong cõi u mê, bỗng vươn vai đánh chén một trăm ngày toàn món tinh thần thành một superman siêu trí tuệ. Đó là một trăm ngày tôi hôi hám đi tuần qua nước Mĩ với nỗi khốn cùng của nổi loạn bét be. Một trăm ngày thằng Tân hoá kiếp. Một trăm ngày ông Thân tháo ruột như xì săm xe, bao nhiêu chữ nghĩa vô dụng của một đời già nửa thế kỉ phong trần cấp tốc vọt từ bụng ông sang cái bụng khổng lồ của ấm Đủ. Chữ nghĩa cũng như của cải, tích vào thì khó, tiêu thì đánh vèo như ra khỏi một giấc mơ. Bao nhiêu sáng tạo, bao nhiêu loé sáng của thiên tài, lẽ ra đã chắp cánh, giúp ông tiết kiệm những bậc thang khó nhọc dẫn lên đỉnh núi của tri thức, thì bây giờ, khi ông xuống núi, mới bàng hoàng trỗi dậy. Ông đã rất siêng năng xây cất một ngôi đền và đinh ninh đấy là ý nghĩa duy nhất của đời mình, nhưng tài năng thực sự của ông nằm ở việc đánh đổ đền. Nếu không có khoá học đặc cách này, ông sẽ là tù nhân chung thân của nửa bộ óc bên trái vĩ đại, phân tích, giảng giải, đi đi lại lại trong chi tiết và đặt tên mới vô nghĩa cho những nội dung cũ mèm. Bây giờ thì nửa bộ óc bên phải của ông hoạt động, sáng tạo, tổng hợp, bao quát. Ông độc đáo, tiên phong, hóm hỉnh, mạnh mẽ và có thẩm quyền trong một trăm ngày này hơn cả một đời già nửa thế kỉ cộng lại. Dường như suốt một đời lao lực vì con chữ, gom góp gia tài, gom góp cho cọp nó xơi, ông chỉ biết trách nhiệm mà chưa từng có niềm vui. Bây giờ, tung hê chữ nghĩa đi, trao gia tài không cho đứa con duy nhất mà cho thằng con trời đánh của hàng xóm, sự khoái trá ngấm ngầm gần như là hoan lạc mới bùng lên. Cái tinh thần thận trọng nghiêm trang và biện chứng ngời ngời của trường phái cấp tiến ôn hoà có lẽ đã đến ngưỡng tẩu hoả nhập ma, bây giờ nó nhảy điệu rock phá phách sôi nổi của thời đại. Sau đó nó sẽ dịu dàng im lặng. Đó sẽ là một im lặng trọn vẹn, thoả mãn, không phải sự im lặng căng thẳng nhức nhối của tri thức bị đòn. Nhưng xin bạn chớ hình dung rằng ông hàng xóm đáng kính của tôi đã chờ đợi từ lâu một dịp xuất thần kiểu này. Như đã nói, con người bị chính thống hắt hủi là ông suốt đời khát khao chính thống. Nếu có thày tử vi báo trước rằng đỉnh cao của cuộc đời học giả của ông không diễn ra trên giảng đường của Học viện Nguyễn Ái Quốc hay Viện Hàn Lâm quốc gia với cử toạ là toàn bộ Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản và đoàn giáo sư các cấp, mà trong chính căn hộ dài ngoẵng đùng đục sáng của ông, với thằng Đủ là thính giả duy nhất, nằm chình ình trên chiếc chiếu hôi trải nơi sàn và nốc bia Vạn Lực, nếu có sự dự báo chắc chắn ấy, tôi chắc ông Thân đã tự tử trong trại cải tạo ba mươi năm trước như vài đồng nghiệp của ông. Đạo xuất xử của kẻ Nho luôn là con đường đau đớn vòng vèo nhằm tiến lại gần thiên tử, tiến lại gần quyền lực, bất kể ấy là quyền lực chân hay hư, minh hay mê, miễn là quyền lực chính thống. Tôi xin mạo muội nhắc bạn đọc nhớ đến một số trí thức còn nổi tiếng hơn ông Thân ở bi kịch bị đày đoạ của họ, chỉ một buổi gặp không chính thức với lãnh đạo lớn của quốc gia là toàn bộ những năm tháng đau thương của họ kể như được phục hồi. Trong mắt kẻ thường dân chúng ta điều đó hoàn toàn lố bịch (phải tay ta thì ân oán không trừu tượng như vậy được!), nhưng có lẽ những tham vọng và ảo tưởng của chúng ta nhìn từ phía họ lại hết sức tầm thường, và ở vị trí họ ta cũng không làm gì khác hơn là tham vọng và ảo tưởng theo kiểu họ. Như tất cả các nghệ sĩ phản kháng của đất nước này, niềm đam mê trở thành lương tri của dân tộc ở ông Thân đã lấn át dần khát vọng chuyên môn. Dường như ở tất cả các quốc gia chậm tiến, sứ mệnh cứu rỗi của lương tri như một chiếc tàu bay cổ lỗ kêu rầm trời đặc biệt ưa đậu xuống đường băng không lấy gì làm dài rộng lắm của giới văn nghệ sĩ và trí thức. Có lẽ chẳng có đường băng nào khác. Một thằng trai Việt trung bình về mọi phương diện như tôi đôi lúc có thể cần dùng đến một cái lương tri của người khác, nhưng mấy chục ngàn cái lương tri, và cái nào cũng hơn hẳn những cái còn lại thì quá nặng nề.
Có lần tôi bảo ông Thân, nước Việt mình cuối thế kỉ hai mươi lặp lại đầu thế kỉ: cũng là một đổ nát bên trong cho bên ngoài tràn vào thống trị, cũng là những lương tri của dân tộc ẩn dật trong nhà và bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Mãi mãi tìm đường cứu nước. Đầu thế kỉ có cụ Phan chính thức bàn giao sứ mệnh cho ông Nguyễn Ái Quốc. Ông Nguyễn thì ăn cơm tối với ông Phạm Quỳnh ở Paris để chê cái ảo tưởng văn hoá giáo dục truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn của ông này. Xin mở ngoặc là trong không khí đổi mới, một giáo sư ở Viện, chính là ông chuyên gia cứu nguy mà bạn đọc làm quen ở chương 7, đã pha rất khéo Phạm Quỳnh, giám mục Puginier (với nhận định nổi tiếng: “Có hai điều đặc biệt làm công cụ tối hảo để thay đổi cả một dân tộc: đó là tôn giáo và ngôn ngữ”), nước mắm Phú Quốc và phòng nạo thai của bệnh viện C thành món Long Drink Extra National: ngôn ngữ, đức tin, ăn và yêu là bốn chỉ tiêu cho một dân tộc tính. Trở về với ông Nguyễn và ông Phạm ở Paris, cả hai ông vào giờ phút ấy không quan tâm đến ông nhà văn Nhất Linh đang chuẩn bị thành nhà chính trị Nguyễn Tường Tam ở Hà Nội. Ông Nguyễn Tường Tam đến lượt mình chẳng quan hệ gì đến ông Tạ Thu Thâu ở Sài Gòn. Mỗi người một chính kiến và không có Marie Sến nào gom họ lại. Ông Thân bảo, khoan đã nào, Sến cái gì, bỏ cô ấy ra ngoài, cậu lẫn lộn hết nhân vật ngày tháng địa điểm thì không kết luận khoa học được. Ông Thân bao giờ cũng tỉ mỉ, chính xác, thận trọng, sở trường của ông là nửa bộ óc bên trái.
Trở về chuyện ông đặc trách đào tạo thằng Đủ, tôi xin hình dung thay cho bạn đọc, rằng lúc đầu đấy hoàn toàn là một cử chỉ phẫn uất của sự bất đắc chí bị đẩy đến bước đường cùng. Ông chỉ có một sự nghiệp học giả để trao lại cho thằng con, hi vọng của ông, vô vọng của ông. Nhưng nó từ chối. Nó đã nếm đủ khai vị và thuộc lòng thực đơn tinh thần của kẻ sĩ Hà Thành. Rồi nó rơi vào lòng Sến. Sến có đòi hỏi gì đâu. Không như vợ ta ở nhà cằn nhằn anh phải thế này thế nọ, Sến ô kê lũ chúng ta trong cuộc đời hiện tại kém giá của chúng ta. Sến cho chúng ta mỗi đứa một cơ hội ngang bằng. Sến treo phần thưởng. Thế là chúng ta nôn nóng lao ra khỏi chính mình như động rồ. Cái thằng Tân cần là một tấm hộ chiếu. Bà Mùi với tất cả lòng thành và những nén nhang thắp mãi vào hư không chẳng xin được thị thực ở thánh thần nên ông Thân vô thần bán trắng mình cho con.
Về phía ấm Đủ, thằng quái vật này tuy là tất cả ngoài cử toạ lí tưởng của ông Thân, nhưng nó không đơn giản là một cái tàu há mồm ngốn kiến thức. Lũ chúng ta có học có giáo dục chính quy, chúng ta ngoan mở sẵn nắp sọ cho các trường đại học chầm chậm rót từng giọt xám mấy năm ròng và khi đóng vào thì bên trong vơi như bình gas đong điêu. Chúng ta chỉ mở miệng để chào thày trước mặt và thỉnh thoảng chửi thày sau lưng, còn trong xê mi ne thì im thin thít. Chúng ta cần mẫn chép từ sách sang vở và từ quyển vở này sang quyển vở kia. Đứa khá nhất trong chúng ta là bản cóp biết đi của một từ điển phổ thông xuất bản vào những năm sáu mươi. Bọn còn lại may ra là những mục lục sách dẫn. Cho nên tôi thấy nể hậu sinh: khoá bổ túc của thằng Đủ diễn ra dưới dạng một cuộc vấn đáp hai ngàn bốn trăm tiếng đồng hồ có ghi âm. Khổng phu tử với thất thập nhị hiền xưa nếu tái sinh chắc cũng làm như vậy. Ông Thân cứ nói. Chưa bao giờ ông được nói sướng mồm như thế. Và thằng Đủ hỏi. Hỏi đập vào giữa. Những câu hỏi bất lịch sự của một thằng hoàn toàn không biết gì nhưng rất sáng trí và liều lĩnh xem ra kích thích bậc thông thái hơn hẳn những trao đổi phải đạo với bạn hàn lâm.
Buổi mở đầu chắc ông Thân nhìn vào cái mặt đen sì của học trò, không biết nên kể cho cậu bé khổng lồ này những cổ tích nào để cậu ta lăn ra ngủ. Ông biết dùng xuất sắc những lời uyên bác pha nhiều tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Hán Việt. Trung bình mười phút ông có thể sử dụng một vốn hai ngàn từ; một từ điển cỡ sáu chục ngàn từ với ông là năm tiếng đồng hồ; vậy hai ngàn bốn trăm tiếng đồng hồ đủ để ông chia cho cả huyện Tứ Kì quê thằng Đủ mỗi người cả một thiên, trong khi họ dùng đi dùng lại cả đời không quá hai trăm chữ.
Nhưng thằng Đủ không lúng túng như ông. Nó bảo, ông thày ạ, tôi cóc cần ông truyền đạt kiến thức, tôi cóc cần ông giải thích, tôi cóc cần ông gợi ý, tôi cần ông làm cho tôi mê món học thức của ông. Một cử toạ đọc không thạo, viết không thông, với yêu cầu cao nhất trong mọi yêu cầu: có lẽ sự thách thức độc đáo này đã đẩy ông Thân từ bất đắc chí dần dần qua mỗi ngày vô thức thành thăng hoa. Ông vượt cạn trăm ngày, đau đớn, hoan lạc, thoả mãn, khước từ, đầy dồn nén, mặc cảm, và mâu thuẫn như bản thân kẻ sĩ nước Việt.
Rồi những gì ông Thân đánh mất, những gì thằng Đủ tạm sở hữu, sẽ lại về nằm gọn trên gác Sến. Chúng tôi đã chọn em làm thủ kho, làm nhà chứa. Rồi tôi sẽ cùng bạn đọc lên gác Sến kiểm kê tất cả, những đau thương những khoái lạc những điên rồ và tốc độ chạy không tải, chạy suông, của mỗi trào lưu tiến bộ, sẽ nghe đi nghe lại một ngàn hai trăm cuộn băng, nhưng đấy là chuyện sau này. Bây giờ, khi thằng Đủ ra đi với chiếc va li khổng lồ đựng một Viện hàn lâm là lúc hồn thằng Tân đòi trở về, và cái xác rỗng của ông Thân bỏ nhà đi vắt trên đùi Sến. Sến hoàn toàn vô can. Ai bắn ai, cướp chữ ai, ai một đời đi tong trong trăm ngày, là chuyện Việt Nam cuối thế kỉ, còn tình yêu của Sến là muôn thuở.
Cho nên từ căn lầu an ủi, Sến hân hoan dõi theo thằng Đủ cao hai mét mốt xách Viện hàn lâm bỏ túi làm thần đồng đi quẩn trong phố. Bây giờ kích thước trí tuệ của nó làm nó thêm cô đơn gấp bội. Thỉnh thoảng nó một mình trích Marx bằng tiếng Đức pha giọng Pháp của ông Thân và muốn trèo lên cột cờ Hà Nội để trường khiếu nhất thanh. Thỉnh thoảng nó ngồi bất động bên Hồ Gươm vô vi hoặc đợi rùa vàng dâng kiếm. Đi vào thư viện quốc gia rồi lại đi ra vì không có gì đáng đọc. Lang thang giữa cuộc đời. Cô liêu giữa vạn người. Nghĩa là cũng đủ thói thường của một đại kẻ sĩ Hà Thành cô đơn, có thể thấy là nó đã nhiễm, đã ngấm, đã mê vào bệnh học thức. Phàm là cỡ mét thì cô đơn.
Nhưng những đại kẻ sĩ chúng ta không bao giờ cao quá một trăm sáu mươi phân, chiều cao của họ không đo bằng khoảng cách từ đất dưới chân tính lên mà bằng từ trời trên đầu tính xuống; và nặng không quá nửa tạ, mặt họ nhiều nếp nhăn lạ và họ có một ý thức nhất định về dòng máu cao quý chảy trong người mình. (Họ khen vua Quang Trung xuất thân áo vải đấy, nhưng là chỗ bạn thân tình nên họ cho bạn liếc qua cuốn gia phả lừng lẫy tòan những danh nhân văn hoá – và hẳn quý tộc – đã được xếp hạng của dòng họ mình). Thằng Đủ kiếm đâu ra gia phả. Tôi cuộc là giấy khai sinh của nó thậm chí cũng sai toét. Ngay cái tên, như đã nói ở chương 2, nghe đã thấy hạ đẳng. Trong những ngày làm đại trí thức này nó bỏ dấu hỏi và cái gạch ngang của chữ “Đ”, như cách viết tên Việt của người Tây, vậy nó tên là thằng Du, nghe rất Hán Việt, có mùi thơ Đường nữa, ổn lắm. Khu cầu thang của chúng tôi thế là không có thằng nào tên là Đủ, ai hỏi đến thì bảo thằng Đủ vừa chết ở bên Tây, thế cũng ổn.
Nhưng những chỗ thừa và thiếu ở thằng Du alias Đủ vẫn còn đó, khiến cuộc phiêu lưu vào cõi văn hoá của nó như kamikaze vào bến lạ, một chiếc va li đi về bến lạ, không hiểm nguy như vào hang mãng xà để Hậu Thánh Gióng có thể lập kì tích, nhưng đầy sỉ nhục. Bây giờ thì thằng Du chưa hề cảnh giác. Nó mới chỉ cảm thấy sự cô đơn là một căn phòng thiếu không khí. Càng ở trên cao khí quyển càng loãng và khó thở hơn. Nó sắp ngạt thở đến nơi, hai lá phổi ngoại cỡ của nó hô hấp như một nhà máy khí công thiếu dưỡng khí. Nó phải đi tìm giới hàn lâm, đi tìm đồng thanh khí.
Thằng bạn tốt là tôi lại được tháp tùng bố con Đoài, men theo giường ngủ của một gia đình tầng dưới, nhảy qua vô khối thùng nước gạo và chậu rác ở sân trong, sờ soạng một cầu thang xoắn, băng qua mâm cơm của một gia đình tầng hai, và sờ soạng tiếp một cầu thang xoắn để ngồi vào ba chiếc ghế nhựa trắng đối diện với ông Viện trưởng. Ông Viện trưởng đang xem tivi kênh 2, chương trình xiếc quốc tế. Mỗi lần Đoài e hèm, ông Viện trưởng lại tặc lưỡi khen xiếc giỏi, cho nên chúng tôi cùng xuýt xoa. Đoài bóc tem một bao ba con năm, hắn cũng bắt chước thằng Hồng chìa một lúc cả hai mươi ngón tay trằng nuột thơm phức ra bắt tay người ta. Ông Viện trưởng không hút. Cuối cùng bằng cách nào đó Đoài cũng tranh thủ giữa tiết mục khỉ đi xe đạp, thông báo rằng “thằng cháu nhà em vừa tốt nghiệp cao cấp đang đi tìm việc”. Ông Viện trưởng lại khen giỏi rồi chúng tôi ra về.
Từ nhà Viện trưởng chúng tôi đến nhà Viện phó, hi vọng của Đoài còn lớn lắm vì anh chàng luôn hộ tống Viện phó những sáng thứ hai và sáng thứ năm ở Viện; từ nhà Viện phó đến nhà thư kí hội đồng khoa học, từ nhà thư kí hộI đồng khoa học đến nhà bí thư chi bộ, từ nhà bí thư chi bộ đến nhà thư kí công đoàn, từ nhà thư kí công đoàn trở về khu cầu thang có những chiếc bóng đèn điện sạch nhất hành tinh của chúng tôi. Suốt cuộc du hành qua giới hàn lâm thằng Du không nói một câu nào và cũng không ai hỏi nó. Tôi không biết nó chờ đợi điều gì. Vác bịch chữ của ông Thân đi từng nhà bán rong chăng? Hay nó cho rằng thiên tài của Hậu Thánh Gióng đủ quét sạch nền khoa học xã hội vô dụng này ra biển Đông? Hay nó đủ kiên nhẫn lê từng bậc lương, leo từng chức danh học vị học hàm, qua ít nhất một phần ba thế kỉ để cuối cùng được ai đó hỏi tới? Rút cục thì địa hạt này không phải ngành giải trí của nước Mĩ để nói làm một ngôi sao vụt xuất hiện trên bầu trời. Địa hạt này cần một xuất xứ sáng tỏ, một quá trình phát triển liên tục, cần rất nhiều thâm niên và chứng chỉ. Nó không thể từ dưới đất mọc lên, hai mét mốt đen sì như thế, lừng lững đi vào ngồi cùng các vị giáo sư trên chiếc ghế Việt Bắc những sáng thứ hai và sáng thứ năm thiêng liêng được. Hệ tôn ti trật tự này là hiện thực, bao nhiêu thần thoại trong nhân vật phi thường là Hậu Thánh Gióng cũng không thể đảo lộn. Hệ tôn ti trật tự này không có chỗ cho thần đồng, lại càng không có chỗ cho kẻ mới nỏi. Bản thân tôi, thú thật, không làm quen được với tư cách mới của thằng quái vật mặc dù tôi chẳng có chỗ trải một manh chiếu rách trong hệ tôn ti này. Tôi khâm phục nó hai ngàn bốn trăm tiếng đồng hồ vừa ăn, vừa ngủ, vừa đại tiểu tiện và nhồi sọ. Nhưng mẹ kiếp, một trăm ngày ngồi trong ánh sáng đặc biệt ở nhà ông Thân, trong tranh tối tranh sáng của tri thức, cái mặt xôi thịt cóc có nếp nhăn của nó chẳng thư sinh thêm chút nào. Trông vẫn muốn ngất. Laị thêm cái va li kè kè, đựng súng hợp hơn chữ. Chỉ thiếu điều nó quay sang thảo luận với tôi bằng giọng của ông Thân về đề tài tâm thức Việt Nam đang thịnh hành trong giới học giả Hà Nội!
Tôi chuồn khỏi cơn đột biến của thằng Du, mặc xác bố con nhà nó tính kế đột nhập giàn thượng lưu trí thức Hà Nội. Tôi chỉ tiếc những điếu ba số mà thôi. Một điếu bằng mười điếu Thăng Long. Ôi Thăng Long ngàn năm! Thằng Du có thể theo gương người xưa, hạ mình đi chăn trâu cho một nhà quyền quý trọng hiền đãi sĩ, rồi nhân một bữa anh tài họp mặt đi thẳng lên nhà trên tuyên ngôn vài câu về quân tử và tiểu nhân là đổi được vai chủ tớ, rồi chẳng mấy chốc được tiến cử, ngồi trong trướng bàn kế trị thiên hạ với minh quân! Mẹ kiếp Thăng Long thời nay cũng chẳng thiếu các sa-lông cả tin những hào-kiệt-một–trăm–ngày!
Nhưng thằng Du không đi chăn trâu. Nó xách va li đến Sến. Sến là đường tiến cử lí tưởng, là nhịp cầu với những vòm cong tuyệt mĩ bắc vào chỗ nào cũng được. Nhiệt thành, tốt bụng, và đầy lòng tin vào con người, Sến hớn hở cặp đôi với Hậu Thánh Gióng lần lượt trình diện các nhân vật lỗi lạc của thành phố. Đến đâu Sến cũng vỗ tay gọi vừng ơi, thế là mọi cánh cửa đều mở. Đoài và tôi không biết cái mật khẩu hiệu nghiệm ấy. Thằng Du nghiễm nhiên một lần nữa lại chiếm chỗ thừa ra của thằng Tân bên những câu chuyện trầm mặc của các bậc đại trí thức. Như đã nói, đề tài của họ không bao giờ thay đổi. Là những cú đánh khiếp đảm của bạo lực và ngu xuẩn giáng xuống trí tuệ và lòng lành, là nghệ thuật tránh đòn và những chiến công nho nhỏ của nhân cách…
Nhưng thằng Du không phải là thằng Tân. Nó không có sự kiên nhẫn với học thức của con nhà nòi. Như đã nói, nó không có gia phả. Không có quá khứ. Chỉ có một hiện tại vừa chụp giật được bằng một cuộc đổi chác chết người. Một cuộc đánh quả tri thức. Bạn đọc đã biết, nó thuộc thế hệ mì ăn liền, chỉ vì một trớ trêu của số phận (hay một âm mưu nham hiểm?), chỉ vì một người đàn bà (hay một thói hư đốn của đám đàn ông?) mà lạc vào thế giới của các triệu phú thời gian. Nó hỏi đốp vào mặt các bậc đại trí thức rằng, các vị có maso không, các vị có AQ không, hay các vị mắc bệnh Oblomov lười như hủi? Từ độ cao hai mét mốt gây ấn tượng tốt, thằng Du nói tiếng Việt pha nhiều ngôn ngữ nước lớn và ôn tồn kết luận, địt mẹ entre nous soit dit, moa nói cho các vị biết các vị thấp như kiến dạng chân. Mỗi vị ngồi đây trung bình mười năm rặn được một idée tàm tạm, mười giây moa nôn ra mẹ kiếp cả đống xài đủ. Đủ, hiểu chưa, moa là Đủ! Thế mà các vị rung đùi ngồi chờ bất tử. Tưởng thế nào chứ làm trí thức mà ngu mà nhục, mà mất thời gian như thế, quant à moi, thì moa ỉa vào. Moi c’est autre chose. Lebt wohl ihr Arschlöcher chào các vị!
Nói rồi rũ áo bỏ đi, khoác vai Sến cả cười, cô đơn một Từ Hải một Thuý Kiều trên đường Hà Nội.
Đứng thật lâu trên gác Sến, thằng Du, bây giờ lại là thằng Đủ, nhìn sang toà nhà Mĩ và ngắm lại Hà Nội. Từ vị trí ấy có thể thấy khách sạn Phưong Đông xinh xinh như nhà búp bê mở thẳng vào bãi phơi rác ở giữa hai làn đường Láng Hạ. Mỗi lần xe tải chạy qua, hàng nghìn mảnh ni lông đã giặt bằng nước sông Tô Lịch xôn xao điệu nhạc của rác loại I. Xa hơn một chút là đài truyền hình Hà Nội mới khánh thành, tối nào cũng phát phim action Mĩ lồng tiếng Sài Gòn. Xế bên phải là bãi bia hơi và bãi rửa xe máy. Xế bên trái là hai ki lô mét hàng si đa dọc vỉa hè phố Thái Thịnh. Xa xa phía trước là khu tập thể Thành Công của chúng tôi, tổng cộng tám mươi tư dãy nhà lắp ghép năm tầng với những ban công bọc sắt và áo quần phơi trên dây điện và dây điện thoại. Ôi Hà Nội nhỏ bé! Nó đã chán làm thủ lĩnh đám nhà quê ra tỉnh. Nó đã chán làm đại trí thức. Có lẽ toà nhà Mĩ bên cạnh gợi ý đi buôn xương Mĩ, hay ít nhất là đi Nam tiến. Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, và miền Nam là nước Mĩ của Việt Nam. Xin Hà Nội cứ tiếp tục ngủ giấc ngủ thủ phủ của cựu thế giới sâu sắc trang nghiêm, cứ bác học, cứ văn chương, cứ vẽ mãi những ngói cũ rêu xanh lên tranh lụa, cứ cắn những miếng chả quế bé xíu làm mười để giữ hồn thành tao trong thân xác mỏng như khói Hồ Tây! Thằng Đủ lên đường đến tân thế giới. Ở đó không ai hỏi gia phả. Lí lịch của miền Nam là lí lịch tập thể của người tứ xứ, của những kẻ khai hoang, những tay phiêu lưu, những trai đạo tặc và gái giang hồ đi làm lại cuộc đời, những ông tướng thất trận đi chiêu lính mới, những tù nhân đi đày, những thuyền nhân đi tìm bờ, những thương nhân đi săn cửa khẩu, những người dân vong quốc… Ở đó đất rộng người thưa và trời không đè xuống hai vai lừng lững của thằng Đủ.
Gửi chiếc va li trên gác bây bi thằng Đủ ra đi. Nó tạm biệt Sến: “Em ơi bây bi, take it easy!”. Hai cái hôn của nó để lại trên má Sến mỗi bên một vết thủng to như bóng điện.
Thế là một đứa đi Viễn Tây, một đứa đi Nam tiến. Chẳng bao lâu nữa sẽ thêm một thằng đi Đông du, một thằng đi Bắc phạt, một thằng bay thẳng lên trời, và một thằng đâm đầu xuống đất. Là sáu chúng tôi, khối lục lăng đa tình.