Để tặng Trần Dương Tường và mười năm Hà Nội, 1983-1993
Chương 4
Sự nghiệp. Những xứ tuyết

Bao nhiêu tình thương cũng là không đủ, tôi vẫn ngậm ngùi rằng thế. Tôi không sao biết mang quà gì cho khỏi bẽ mỗi dịp Tết ngồi giữa bố mẹ anh chị em dâu rể nhà vợ, nên thường đến tay không và huy động kho tiếu lâm trợ lực, lâu dần người ta thôi chờ đợi quà cáp ở tôi. Tôi không chở cô ấy chiều thứ bảy đi vòng Bờ Hồ xem người ta ăn kem, không ngược Hồ Tây xem người ta hôn nhau bạt ngàn. Tôi không đưa Vân và Kiều đi tảo mộ, đi công viên ngồi đờ trong hoa cười của ông thợ ảnh. Tôi không để tóc râu mắt nhìn sáng quắc cho vợ con tôi được ru trong hào quang một nhân vật lớn. Không mời các tên tuổi ngân vang về nhà uống rượu. Không chửi nát thiên hạ để vợ tôi sướng tai. Không kể chuyện giang hồ để các con tôi tròn xoe mắt. Không có gì hấp dẫn ở tôi hết. Thậm chí tôi không có nổi một bức ảnh chụp ở nước ngoài để treo lên bốn bức tường nghiêng: tôi không có sự nghiệp.
Ba phần tư cán bộ khoa học Viện tôi có sự nghiệp. Có ảnh chụp ở những xứ tuyết. Ảnh nào cũng cho thấy họ cười trong công viên và trên quảng trường, với măng tô thật dài trên nền trắng xoá. Người Việt chúng ta không thích sự độc đáo. Người Việt chúng ta thích giống nhau. Xe đạp thì màu xanh lơ, xe máy thì cùng Giấc Mơ Tím; nhà một thời cùng vuông vức mái bằng như trại lính, bây giờ cùng trổ tháp Alibabạ; giường cùng kiểu Đức gỗ lát, ấm chén cùng Trung Quốc hoa leo; thết người sống cùng sáu đĩa bốn bát, đãi người chết cùng vòng hoa ni lông cho được bền; đàn bà cùng slip Bông Hồng Thái Lan, đàn ông cùng ba con năm, ba con ba, và trẻ em cùng Đô Rê Môn. Người đã vậy, thần linh trong đền chùa miếu mạo và trên điện thờ ở nhà chúng ta cùng hình thù giống nhau, đứng ngồi giống nhau, tiêu cùng một loại tiền và lắng nghe cùng một bài cầu xin in sẵn của chúng sinh đệ tử. Tính tập thể là một cái gì cao hơn lí trí.
(Khi Sến hỏi chuyện nước ngoài, tôi ngượng ngùng bảo mình chưa bao giờ đặt chân ra ngoài biên giới. Tôi thuộc một phần tư còn lại ở Viện, một phần tư nội địa, gồm: bác lao công, anh lái xe, cô thủ quỹ, cô văn thư, cô tiếp tân, cô thủ thư, chị đánh mày, chị chữa mô rát, ba tập sự, Đoài, ông Thân, và hai đồng nghiệp nữ. Không biết hai cô này là chuyên gia về vấn đề gì mà cứ đến Viện là sà ngay vào chiếc bàn Liên Khu đọc tất cả các loại báo tiếng Việt. Đọc một tờ, ngồi lên những tờ khác đúng như nghĩa của từ xí chỗ, giằng được tờ báo dưới mông hai cô ấy ra là có thể mắc tội cưỡng dâm.
Cho nên Sến nói, trông anh nội địa lắm, nghe chưa. Cho nên Sến khoe, ngoài đường khối người tưởng em là Việt kiều, trẻ con chạy theo từng đàn, chắp tay xin ma đam thương như tế sao. Sến lại nài, mình đi chụp ảnh thông tấn xã đi anh, có tháp Ép Phanh nghiêm chỉnh. Tôi đã lấy cớ Paris không mấy khi có tuyết để đánh bài chuồn. Hôm ấy ở Hà Nội là ba mươi chín độ trong bóng râm, bốn mươi ba độ dưới nắng, lòng nào em khoác chiếc măng-tô muôn thuở của studio, giẫm lên tuyết mượn, ngả đầu vào tháp Effel vay! Hôm ấy tôi gọi thẳng em là Marie Sến. Em cười ngặt nghẽo. Em thích cái Marie. Tên Pháp hở anh? Ừ, tên Pháp. Ừ, bên Tây. Em yêu sự uyên bác đểu giả của tôi. Mắt em đã lại ngời lên rồi, hai cánh mũi phập phồng như cánh bướm. Em có hiểu gì đâu, rác người ta nhặt còn bán lại được, những kiến thức vụn tôi mót chỗ này chỗ kia chẳng dùng vào chỗ nào, nay được dùng vào em là phúc lớn. Em có hiểu gì đâu, lời tôi mơ hồ, hồn tôi đi lung tung, chân tay tôi thừa ế như thịt phản chợ chiều.
Một mảnh thôi, một mảnh rởm made in Tây, đặc biệt là Tây Pháp, cũng đủ khua rộn rã những giấc mơ Việt. Tôi trách Sến làm sao được. Chính tôi cũng thế, nước Pháp không nghe tôi nói giọng mũi học lỏm entre nous soit dit, c’est-à-dire, quant à moi, il me semble, alors, voilà, peu à peu, ensuite, vous avez raison, oui, c’est ca, nhưng ngồi ở Hà Nội ít ra tôi cũng cảm thấy đương kim mình thuộc giới quý tộc Nga thế kỉ mười chín.
Rồi Sến xuất hiện lần thứ hai ở cầu thang chúng tôi. Vẫn mắt, má, môi, cằm rực rỡ ấy, vẫn hai nốt ruồi, nhưng tất cả nống lên như bánh ga tô ba tầng ở phố Thợ Nhuộm, tôi không nói ngoa, một lớp kem ba li trắng nhoét làm nền, vô số hoạ tiết xanh đỏ tím, tôi ngỡ một mợ cất công đi mở phủ, và chất ngất ngự trên tất cả là cái kì quan tóc, một búi mấy vòng dăm bảy lọn hững hờ buông, với cặp chùm lược xíu lại còn trâm. Sến có phép gì mà tóc dài qua đem, tóc duỗi tóc co, mỗi lần gặp em một tóc?
Tôi nghe thoảng tiếng gió chào anh dọn đường cho một cơn bão nước hoa ào ạt kéo qua và rớt lại đáng kể. Hoặc là cái mũi của tôi nội địa mũi ngồi đáy giếng, hoặc Sến cho rằng phải khử mùi cho môi trường quanh em bằng thứ thuốc phun nồng độ ghê gớm đến thế. Tôi tự hỏi vì sao hôm trước tôi có thể phải lòng mợ nạ giòng sùng sục này. Dù chỉ để dâm ô chớp nhoáng thì bới đào qua lớp kem vữa trát ngoài đến được thịt da mùi vị thật của mợ ấy cũng khó khăn mệt mỏi còn thiết gì nữa.
Trên đầu tôi chuông đã bính boong, duy nhất hàng xóm xế bên trái tôi dùng chuông cửa, nhà tôi chẳng hạn thường mở toang hoác cho đủ ô xy bình quân mỗi đầu người. Sến đã ỏn ẻn “nghe anh Đoài giới thiệu anh sắp đi”, và thằng Hồng đã trọ trẹ “vâng mời chị vào” lịch sự phát tởm. Thế là từ Đoài sang nhà tôi, từ Đoài sang Đủ, từ Đoài sang Hồng, bố con ông Thân cũng sắp đến lượt, ở Hà Nội quả là không ai giữ được gì lâu cho riêng mình. Sến xuất hiện giữa chúng tôi sáu thằng đàn ông tuổi từ sáu chục đến hăm mốt, những ông bố cùng những ông con, những hàng xóm và đồng nghiệp, những địch thủ và chiến hữu. Bao nhiêu tầng quan hệ cá nhân và xã hội chồng lên, kiếp nhân sinh bẹp gí của chúng tôi bây giờ được cái bơm ái tình bơm lại cho phồng và sẽ nổ tung vì quá áp. Anh cán bộ thoát li không biết rằng mình đã mời cơn bão tên là Marie Sến đến hoành hành ở khu cầu thang tập thể bốn hộ chúng tôi Làm sao anh ta biết nổi! Chẳng có gì trong cái lí lịch nhạt phèo phèo của anh ta báo trước tình yêu không hẹn này. Chẳng có gì trong cuộc sống hờ của chúng tôi báo hiệu một cơn đại bùng nổ… Nhưng chuyện còn dài, bây giờ hãy quay về với Sến trước cửa nhà hàng xóm xế bên trái tôi.
Nếu biết Sến đến gặp y, tôi đã mách em cách gây ấn tượng. Thằng trẻ trai ấy thuộc lớp cán bộ nòng cốt của tương lai. Y không dí dỏm như Viện phó, mẫu của y là gentleman lạnh lùng. Thằng ăng-lê xứ Nghệ này đánh giá cao những tảng băng, cứ nhìn vợ y là rõ. Từ những xứ tuyết, y tậu về một tinh thần văn minh sang trọng. Cái sang của y không giống cái sang của đám thanh niên đi Đức gặp may trở về, đám ấy huỳnh huỵch xây nhà hai tầng có ban công treo những bóng điện li ti rồi trang hoàng phòng khách bằng xa lông đệm mút và tủ tường bày ra muôn ngàn vật dụng có giá, thế thôi, đám ấy có một cơ hội giàu sang duy nhất quá ngắn ngủi trong đời, chưa kịp sang cho thoả, chưa ngấm máu sang đã rơi trở về ngày thường Hà Nội. Cái sang của y cũng khác của ông Viện trưởng. Ông Viện trưởng nhà ở phố lớn, trên lầu cao, đến được với ông phải men theo giường ngủ của một gia đình tầng dưới, nhảy qua vô khối thùng nước gạo và chậu rác ở sân trong, sờ soạng một cầu thang xoắn, băng qua mâm cơm của một gia đình tầng hai và sờ soạng tiếp một cầu thanh xoắn. Đến nơi, khách đơn sẽ ngồi vào một trong hai chiếc ghế bành màu ghi còn nguyên lớp ni lông bọc ngoài, ghế kia phần chủ; khách đông sẽ dùng ghế nhựa trắng muốt mua ở phố Hàm Long kê sát tường. Khách sẽ uống trà trong sứ Trung Quốc, uống rượu trong thuỷ tinh Tiệp Khắc và gạt tàn trong nhãn hiệu Métropole Hotel, sẽ thỉnh thoảng nhìn trộm mình trong chiếc gương bầu dục Hồng Kông và nhân tiện kiểm tra ngày tháng trên tờ lịch có bức Van Gogh tự hoạ, sẽ ngưỡng mộ cái sập gụ nằm ềnh ra giữa nhà và hỏi thăm chiếc tủ lim ba cánh sừng sững như ba ông hộ pháp, sẽ đưa tay khẽ đụng vào đầu Gandhi đặt cạnh chân Nữ thần Tự do, hai thần tượng này đội một con Matrjoshka cực lớn. Khách sẽ được nhắc nhở bởi một chiếc đồng hồ Gimiko mạ vàng có hai con ngựa phi nước đại, và sau khi từ biệt ông Viện trưởng bằng xương thịt có thể quay ra chào ông Viện trưởng khổ mười tám hăm bốn trên tường, măng tô thật dài, đăm chiêu bên một dòng sông xứ tuyết.
Ông Viện trưởng có thể tiếp khách trong quần pijama phía dưới, áo len phía trên, mà không thấy gì bất tiện. Ông là một người Việt điển hình, nhặt nhạnh khắp nơi trên thế giới và sống chen chúc với những vật dụng tuỳ tiện của mình, nhà ông giống một cửa hàng bán đồ lưu niệm đông tây kim cổ. Dân thường chúng tôi nhặt chỗ này một tí chỗ kia một tí, miễn là dùng được, không vứt đi đâu cái gì. Nhà chúng tôi lủng củng tạm bợ. Dân sang các ông cũng nhặt chỗ này một tí chỗ kia một tí, miễn là bày được, không vứt đi đâu cái gì. Nhà các ông hỗn độn và cũng tạm bợ chẳng kém. Hồng khác chúng tôi và các ông. Y không tha những mẩu xú-vơ-nia từ mọi xó xỉnh về làm tổ. Y thích sang trọng một lèo, tôi đánh cuộc là quần áo lót của y cũng không phá cách, triệt để tận nơi chót cùng như thế thì không còn là người Việt.
Quả thật tôi ngỡ vừa thoát địa phận Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một hôm được mời sang chơi nhà anh hàng xóm xế bên trái. Tôi ngọ ngoạy di chuyển như cục bụi khổng lồ duy nhất trong căn hộ tuyệt vô trùng, mi li mét nào cũng ngời tinh thần khai sáng của y. Tôi quay sang trái, tôi quay sang phải, tôi dán mắt lên trần gục mặt xuống chân, có thể thấy là tôi đã rất cố gắng tự trọng bằng nụ cười tỉnh bơ, chủ nhà cũng tỉnh bơ, thằng đểu, nhưng tôi biết khí phách thày đồ của mình trong suốt cuộc viếng thăm đã theo cái máy thông khí trong nhà bếp của y mà bay đi mất. Tôi có thể gọi tên gần đúng một nửa đồ vật trong nhà y, vì chí ít thì y cũng là một con người tương tự tôi, cũng nằm giường ngồi ghế soi gương và ăn uống bằng cốc chén bát đũa. Nhưng một nửa còn lại, trong đó có cái máy thông khí tôi nhìn đầy lo ngại, cũng như tập hợp đồ make up của Marie Sến, tôi biết đại loại chúng là những vũ khí tối tân yểm trợ cho người ta vững tin ở mình, nhưng từng thứ một dùng vào việc cụ thể gì thì tôi xin chịu. Trong khi đợi cà phê máy espresso, y không dùng phin như lũ chúng ta, Hồng cho tôi biết tên cái máy thông khí bằng tiếng Anh, như thế mỗi lần quạt chả vợ y không phải ra cầu thang làm mất vệ sinh chung. Tôi bảo, thảo nào nhà ông Tuất ở trên đầu y cứ thơm lừng mùi thịt nướng, ông ấy đã phá băng ống thông khói để có chỗ cho một cái chạn. Hồng đáp, ông ấy phải tự chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Con gái lớn của Hồng, Bội Lan, bình luận: “Càng tốt. Nhà ông ấy làm gì có chả nướng mà ăn.” Hôm ấy Hồng và tôi ngồi uống cà phê trong căn phòng y trổ thêm ra ba mét từ ban công. Tôi bảo, ai cũng vươn ra thế này thì cái nhà đổ kềnh. Y đáp, vấn đề là ở chỗ không phải ai cũng có thể vươn ra như thế, thằng đê tiện, câu cú của y bao giờ cũng đầy đủ, ngữ pháp đứng đắn, y nói tiếng Việt không như người Việt. Trọ trẹ và lịch sự phát tởm. Y còn vươn tiếp trên mái hiên che lối vào mỗi cầu thang làm phòng cho hai cô con gái, nếp văn minh của y không chấp nhận vợ chồng con cái khách khứa và tổ tiên chung đụng gần gũi nhau. Ăn ở lộn bậy như lũ một phòng chúng ta hẳn là vô luân lắm.
Nếu biết Sến đến gặp y tôi đã chuẩn bị cho em cách để nguyên guốc mà gõ lên bốn chục mét vuông thảm len và trước đó nhất thiết em nên lội qua ngõ chợ Khâm Thiên hoặc phố rác Triệu Quốc Đạt, hãy tương cả cái thành phố bẩn thỉu người và phân người đuổi nhau từ trong nhà ra ngoài đường này lên lớp lót chân êm ru của y, hãy cho y biết những chú chuột cống ngạt thở trong nước cống có thể lắc lư vui mắt thế nào và thế nào là những hạt sạn xinh xinh trong bát bún rong mà chúng ta vẫn lùa vào họng ngay trên hè phố. Như thế mới xứng là người Hà Nội cuối thế kỉ. Như thế thằng trẻ trai trưởng giả đó mới lưu ý đến em. Hoặc em phải đứng đầu danh sách chị em thượng lưu, nghĩa là giống hệt một nữ tiếp viên hàng không quốc tế hay nữ thư kí nhà băng Pháp đóng tại Hà Nội. Thế thôi. Giới thượng lưu của chúng ta dừng ở đấy, mỗi tháng từ năm đến mười vé, cũng là xa vời với cánh chân đất chúng tôi. Nhưng Sến sẽ chẳng nghe đâu, em bướng nắm, bướng nắm, em sẽ bỏ lời tôi xót xa ngoài tai, sẽ hăng hái rong ruổi làm con thoi tự nguyện nối một nhúm giàu sang với đám đông cùng khổ của xứ sở này, sẽ là hạt giống hiếm hoi của nếp trung lưu tương lai, sẽ là hi vọng của chúng ta, chúng ta cần một nếp trung lưu cố chấp, thiển cận, tầm thường và ham làm trưởng giả. Nếu không, đám dân đen bên dưới trong đó có tôi biết lấy đâu làm đích vươn lên? Nếu biết Sến đến gặp y tôi đã khuyên… Nhưng em sẽ chẳng nghe đâu, tôi lại thấy em bĩu dài: nghe chưa, ai đời đi ghen ăn tức ở, rởm lắm. Sến sẽ vặn hỏi, sao anh không tự đi mà làm? Vì em biết rõ, tôi không làm gì hết, nhổ một cái lông chân mà lợi thiên hạ tôi cũng không, tôi là một thằng trai Hà Nội trung niên bô lô nhếch yêu nhất cái nhàn, tôi đại diện tới cùng triết lí nhân sinh thong thả của phương Đông; tôi thà no một nửa dạ dày, nửa kia thổi lên khâu lại, phết màu, thả lên trời làm bóng bay cho sướng mắt còn hơn bận rộn cũng chỉ vì mưu sinh.
Muộn mất rồi, bây giờ thì Sến cũng đang ngọ nguậy di chuyển, con giống Trung Thu sặc sỡ vụng về và có lẽ hơi béo, chân trần rón rén, bảng màu chói chang phô nhất trong căn hộ tuyệt hài hoà không mi li mét nào phản lại mi li mét nào của y. Chắc chắn Sến đang đờ đẫn ngắm tuyết xịn trong những công viên những quảng trường. Chắc chắn y đã mở máy thông khí. Nhà ông Tuất tầng trên hôm nay thơm lừng mùi nước hoa rẻ tiền Marie Sến.
Sến còn đến bính boong ở xế bên trái nhà tôi nhiều lần nữa, em luôn sẵn thư cần gửi đến những xứ tuyết. Tôi tin đấy là lí do chính đáng, người Việt chúng ta ai cũng sẵn ít nhất một người bạn một người thân ở ngoài biên giới. Sến chọn thằng Hồng là phải. Bộ dạng, câu cú và cái mặt tròn sáng sủa của y đại diện tốt cho một nền khoa học xã hội Việt Nam mang tầm vóc quốc tế thời mở cửa. Số lần đi nước ngoài mỗi năm ở y nhiều hơn số lần ngủ với vợ. Với Sến y là một chuyên gia lớn. Một sự nghiệp lẫy lừng. Tôi bảo, thằng đó không kể nổi tên các triều đại Việt Nam theo đúng thứ tự. Sến cười hơ hớ: “Cần gì, ông Tây nào sang đây kể lộn tùng phèo các triều vua Tây em cũng gật tuốt”. Tôi lại bảo, thằng đó thời trước lảm nhảm về phong trào công nhân, bây giờ tí toét văn hoá dân gian, mẹ kiếp, loại người gì mà thời nào cũng trúng! Sến lại cười: “Chứ sao, không linh động không đi di năng thì chết!” Ôi, em là cán bộ, em là nhân dân, Marie Sến, lí lẽ của em sáng tỏ giản đơn, tôi lại biết phải lòng em là hợp lẽ. Cuối cùng tôi bảo: “Cứ nghe nó thời trước thì có bao nhiêu niềm tin dốc cả vào giai cấp vô sản, cứ nghe nó bây giờ thì có bao nhiêu tiền đầu tư sạch vào quan họ Bắc Ninh. Thằng đê tiện ấy có mỗi món võ phương pháp luận, thời trước nó bảo phải đặt lại vấn đề một cách hệ thống và toàn diện, bây giờ nó bảo phải đặt lại vấn đề một cách toàn diện và hệ thống, ngày xưa chống duy tâm, bây giờ chống duy ý chí, tiên sư khỉ, món phương pháp luận với mớ tiếng Anh là đi khắp thế giới.”
Sến đáp: “Ai chẳng thích đi khắp thế giới, phương pháp luận thì lo gì, có giỏi í à, có giỏi thì nói tiếng Anh đi, nói đi, ai lớp viu, ai lớp viu, ai lớp…”