Để tặng Trần Dương Tường và mười năm Hà Nội, 1983-1993
Chương 8
Vợ chồng. Những biểu hiện của tình thương

Sau hội nghị “Di sản và đổi mới”, tất cả chúng tôi đều tạm ngưng áp phe Sến. (Ấm Đủ không dự hội nghị nhưng được ấm Tân thông tin, thế là nó cũng gầm lên: “Địt mẹ con nhỏ bậy quá!”). Chúng tôi thôi tập trung nói giọng cường quốc ở trường. Đứa có vợ hết nịnh đểu vợ ở nhà. Thằng ở Viện không đi đái rắt để nghe lỏm điện thoại nhau. Chúng tôi cùng lùi lai, chừa ra một khoảng cách tỉnh táo để khẳng định rằng: câu chuyện mùi mẫn sặc mùi cải lương Nam Bộ này đối với sĩ phu Bắc Kì chúng ta là đáng ngờ lắm!
Chúng tôi quay về với tôn chỉ của mình. Đoài lên dây cót đức hạnh. Thân rà lại lí trí phê phán. Tân bắt ấn, hai ngón trỏ chỉ thẳng lên tầng cao của sự khinh miệt tuyệt đối: nó gọi đấy là giác ngộ. Hồng chui tọt vào chiếc lô cốt văn minh, y đếch liên quan đến mục giải trí rẻ tiền. Đủ lại được một cơ hội chê cười lũ trong biên chế mạt vận suy đồi. Tôi làm một con tằm nhả ra những sợi tơ lòng chí lí, đại loại đời phù du thật, và đàn bà là cái hoạ. Thông thường ý nghĩ của tôi khiêm tốn hơn. Những tiếng lòng đúc kết quá nhiều sự trải đời của người quân tử như trên đang làm bùi ngùi văn chương Việt Nam hiện đại. Tự nhiên sau hội nghị tôi cũng lẫn lộn thật giả, cũng ưa một chút quân tử bùi ngùi.
Sến rõ là một thiên đường cửa khép hờ, chỉ mạnh chân một chút là cả bọn chúng tôi ùa vào đại náo. Nhưng tiếu lâm hiện đại đã nói rồi, người Việt chúng ta giẫm chân nhau, chúng ta thà kéo tuột nhau cùng rơi trở về địa ngục. Chúng tôi là một bọn đàn ông Việt điển hình. Ăn pho-mát như thằng Hồng, khinh tiền bối như thằng Tân, nói ngọng như thằng Đoài, nói bậy như thằng Đủ, nói năm ngoại ngữ như ông Thân, nói vu vơ như tôi, những phẩm chất ấy đều thuần Việt. Cho nên thay vì đại náo nơi Sến, chúng tôi lui về tuần tiễu những vương quốc thế gian bé xíu của mình. Cái triển vọng thiên đường tập thể nghe thì hấp dẫn nhưng không mấy thích hợp với chúng tôi. Chỗ nào dành cho những cá nhân thì chúng tôi hùng hổ xưng danh một tập thể. Chỗ nào dành cho tập thể thì chúng tôi thu lu trong cái xác đơn chiếc của mình. Và chẳng bao giờ tiến bộ trong vấn đề chiếm đoạt, chúng tôi mãi là những thằng gia trưởng thoả hiệp với luật hôn nhân. Sến ơi, em hãy thương chúng tôi mà đừng yêu và chúng tôi yêu em mà không thương! Bao nhiêu tình thương chúng tôi đã gói để đầu giường cho các bà vợ hằng đêm gối ấp. Lấy chúng tôi làm chồng sang hèn thế nào chưa biết, nhưng cái bọc tình thương ấy các bà có thể mang theo xuống đáy mồ.
Sến đã thấy vợ tôi dưới dạng vỏ lon Coca Cola bẹp rúm. Mỗi sáng khi cô ấy rời nhà đến cơ quan, xưởng bánh kẹo, tôi luôn nhìn theo. Như mọi người Hà Nội cuối thế kỉ hai mươi, cô ấy không còn đi bộ. Chỉ xuống xe dắt lên con dốc La Thành, nhìn từ xa như một con cào cào lôi con châu chấu, xe là chủ người, không phải người là chủ xe. Rồi thoắt một cái đã trên yên. Tôi mất vợ vào dòng xe, bây giờ cô ấy giống hệt bất kì ai, là muôn loài, là nhân loại, tuyệt lắm. Chỉ không là thiếu nữ mười lăm năm trước thường thả bộ dọc phố Sinh Từ về Quốc Tử Giám. Thời ấy nửa triệu người Hà Nội giống nhau như nửa triệu giọt nước sông Hồng. Một tập thể phù sa mặc vải pha ni lông cắt phiếu và đi dép nhựa căng tin. Thời ấy nếu không có cái quần đen bên dưới và tóc dài bên trên chẳng ai biết người trước mặt liền ông hay liền bà. Từ gót chân đến đỉnh đầu không chỗ nào hở ra cho một tia quyến rũ riêng tư. Phô phang một phân vuông cá lẻ khác người có thể là phạm thượng. Khí phách đàn ông và nhan sắc đàn bà chỉ có trong sách, những dáng thướt tha chỉ thấp thoáng trong văn thơ, tất cả những gì bốc mùi mĩ thuật đều bị những nhát chổi mạnh mẽ của tinh thần sạch sẽ quét phăng khỏi hiện thực
Tôi thường vẩn vơ nhìn ngó những dáng đi. Bỏ qua chuyện sách vở dối lòng, tôi mạo muội khẳng định với bạn đọc là người Hà Nội thời ấy đánh mất dáng đi. Họ chuyển động trong thành phố trên những đôi chân không thuộc về họ, vung vẩy những cánh tay giả, so vai rướn cổ như được lắp ráp và nhẫn nại lê cái túi thịt tương đối lép của họ bằng một tốc độ nhỉnh hơn bản thân sự ngưng đọng tí ti. Thằng Hồng hồi ấy vừa đi thực tập một năm Liên Xô trở về. Đối diện lại với hiện thực Hà Nội, y nói thâm thuý rằng: “Sống thế này mà vẫn sống, ôi sự sống quả là bất diệt!”. Lúc đó y đầy lòng ngưỡng mộ đấy nước Xô Viết, cho đó là thiên đường của nhân loại, nhưng chủ yếu là y còn trẻ, còn biết ngạc nhiên và rút ra những kết luận khả quan. Bây giờ mấy cậu nghiên cứu sinh Ban lịch sử thế giới của Viện tôi ngồi luyện kim ở đôm Năm lại khinh dân Nga như rác. Trở lại thiếu nữ tên Phần, tôi muốn nói rằng nàng có một dáng đi. Không yêu kiều kiêu hãnh gì nhưng là một dáng đi. Cho thấy cá nhân nàng chứ không phải nửa triệu đồng bào. Rút cục tôi không thể cưới một tập thể về làm vợ. Phần thả bộ dọc phố Sinh Từ, cũng tóc dài bên trên quần đen bên dưới không khác mẹ nàng chị nàng và bà ngoại nàng, nhưng bước chân của nàng thuộc về nàng, bám sát sau nàng tôi thấy rõ; hai tay nàng mọc tự nhiên từ hai vai thảnh thơi; cổ chắc nịch an toàn; nàng không nhún nhảy và ngửng nhìn trời như trong sách, nhưng không lê bước, tốc độ của nàng tuỳ thuộc những hoàn cảnh rất riêng của nàng: nàng có một dáng đi.
Tôi đã cưới một dáng đi. Bây giờ sáng sáng tôi mất vợ vào dòng xe. Đến Giảng Võ dòng xe chia ba. Vợ tôi chắc đang lật đật vẫy tay xin đường. Tay cô ấy cũng khác xưa, tự động chắp vào vai, bên dưới là đôi chân tự động nối vào hông, bên trên là cái cổ tự động ngồi đúng chỗ. Chân, tay và cổ đàn bà phải mọc tự nhiên như nhành thuỷ tiên đơm từ củ. Nhưng tôi không là cây tùng, vợ tôi không là thuỷ tiên. Tôi đứng trên ban công nhà mình căng mắt nhìn về hướng xưởng bánh kẹo nhưng không thế, không thể nhận ra vợ mình. Đường chi chít những hình nấm khum khum lăn trên hai bánh. Bây giờ, khi dân Hà Nội bắt đầu có nhu cầu là những cá nhân riêng tư thì vợ tôi chìm vào một đám đông hỗn loạn ba triệu người. Cô ấy không còn thuộc về mình. Cô ấy thuộc về tôi và các con tôi, thuộc về xưởng bánh kẹo.
Nhưng đàn bà đánh giá nhau thực tế như tính tuổi vàng, miệng thì chị chị em em, mắt thì so đo từng sợi lông mi ngắn dài của đối tượng, tôi kể Sến nghe về một dáng đi mười lăm năm trước có ích gì? Sến hẳn cũng đã được dịp chào hỏi vợ thằng Hồng. Chị nay dạy triết ở Đại học tổng hợp, tối nào cũng xem vô tuyến đến mục “Con kênh xanh xanh” và là người đàn bà giàu sáng kiến nhất khu cầu thang. Khi chúng tôi mới dọn về, chị ta treo ngay ở hành lang một bảng phân công trực nhật, “Nguyên-Thân-Hồng-Đoài”, trẻ con khu tập thể chữa thành “Nguyên-Nhân-L…-Dài”, đứa nào đi ngang qua cũng rú lên: “Tạisaotạisaotạisao”-“Tạitaotạitaotạitao”. Vợ thằng Hồng viết một bảng phân công mới, treo tít lên cao, “Đoài-Hồng-Thân-Nguyên”. Bảng không suy suyển, nhưng bên dưới xuất hiện dòng chữ nguệch ngoạc “đùi Hồng chân Nguyên”. Vợ thằng Hồng thay quý danh của chúng tôi bằng những chữ cái, “H-N-T-Đ”. Nhưng bí danh kiểu này cũng không an toàn: khẩu hiệu mới to tướng trên tường là “Hôm Nay Thèm Đ…”
Lũ trí thức chúng tôi dưới sự chỉ đạo của một nữ triết gia hí hửng nêu một tấm gương nếp sống văn hoá. Cho một khoảnh toen hoẻn hai mét vuông với những phiến lát màu gạch cua gập gềnh. Một ốc đảo, một utopia, một trò cười và một triển lãm bích báo khiêu dâm.
Vợ thằng Hồng chuyển sang sáng kiến thứ hai: chị ta lên một chương trình bóng điện. Lúc đầu chị ta tự nguyện mắc một bóng đèn ở ngoài hành lang, đúng bảy giờ tối bật, mười giờ đêm tắt. Cuối tháng đi các nhà thu tiền ánh sáng công cộng, ba tiếng đồng hồ nhân lên với bốn mươi oát cứ thế tính ra, cuối cùng chia bốn, cực kì minh bạch. Mỗi nhà bốn trăm rưởi. Nhưng không tháng nào chỉ bốn trăm rưởi. Hai bóng nổ, năm bóng bị tháo trộm, và tháng sau lại những số liệu bất ngờ khác. Vợ tôi vừa đưa tiền vừa nói: “Sao bị tháo nhiều thế nhỉ”. Vợ ông Thân thì hỏi: “Cô mua phải hàng rởm sao mà cháy luôn thế?”. Vợ thằng Hồng triệu tập một cuộc họp. Kết quả là chúng tôi mỗi nhà mắc ra ngoài một bóng của mình. Lần lượt theo chiều kim đồng hồ để khỏi viết bảng, hôm nay nhà này chiếu sáng, ngày mai nhà bên cạnh, cứ thế quay vòng. Nhưng giải pháp này sớm tỏ ra không thực tế. Bốn cái bóng đèn ngon lành ngoài hành lang, ngay đêm đầu tiên cả bốn đều bay. Vợ thằng Hồng đề nghị quay vòng theo tuần. Hết tuần nhà này gỡ bóng mang vào thì nhà kia lắp lên, mỗi nhà mạo hiểm một tuần, hưởng thụ ba tuần. Hai mét vuông chung của chúng tôi thôi đành bẩn thỉu như mọi mét vuông trong khu nhà tập thể, nhưng những chiếc bóng đèn thì sạch nhất hành tinh. Tôi nói như thế với giáo sư triết một hôm chị ta trèo lên gỡ bóng. “Chị Chuyên ạ, cũng giống triết học của chị, triết học tiến bộ nhất lịch sử loài người.” Vợ thằng Hồng đánh rơi cái bóng. Bội Lan và Bội Hoàn chạy ra. Chị ta cứ đứng trên chiếc ghế đẩu nhìn xuống tôi. Nếu ở Mĩ chắc chị ta đã phát đơn kiện tôi tội sàm sỡ. Những dịp Tết và kỉ niệm quân đội tôi sang chơi, (tôi đã nói ở trên, chúng tôi bán anh em xa mua lấy sự gần gũi của nhau), vợ thằng Hồng lập tức bỏ sang phòng khác. Nhà ấy lắm phòng. Nếu chị ta sang thăm vợ tôi, tôi chỉ còn cách lẻn vào nhà xí kéo ri đô kĩ.
Tôi chắc giáo sư triết không tránh mặt Marie Sến. Nếu vợ tôi ghen, cô ấy bảo tại bóc hành cay mắt. Vợ thằng Hồng là loại Hoạn Thư, thế nào cũng mời Sến đến ăn cơm thân mật với gia đình. Cơm thân mật nhà ấy có Trưởng khoa đằng vợ và Viện trưởng Viện phó đằng chồng làm gia vị. Sến sẽ được giới thiệu là cô em nuôi, vợ chồng nó nâng cốc nhìn vào mắt nhau. Bội Lan Bội Hoàn vỗ tay, thằng Hồng có mà nhớ đến những chiều ăn phó-mát ở Lotus như nhớ ác mộng! Tôi biết tỏng chị ta tự cho mình là cái gì: là sự hoàn hảo không hơn không kém. Trí tuệ nhất, đảm đang nhất, thành đạt nhất, giàu sáng kiến nhất, ngoài ra còn là hoa khôi của khu cầu thang vì cái mặt trắng bệch như nhúng nước trong khi vợ tôi da nâu còn vợ ông Thân đã già. Thỉnh thoảng tôi ngứa mồm muốn hỏi thằng Hồng xem ở trên giường vợ y là người thế nào. Có lắm sáng kiến không? Có sạch nhất hành tinh không? Tôi chưa được có diễm phúc với một đàn bà hoàn hảo như thế. Biết đâu cũng quỵ luỵ dịu dàng như ai? Thằng Hồng nhạy lắm. Y cũng ngồi những cuộc đàn ông tầm phào, nhưng cứ đến đoạn chúng tôi thăm hỏi nhau chuyện mây mưa là y đứng dậy. Y đếch liên quan đến mục ái ân truyền miệng.
Còn vợ ông Thân, tên là bà Mùi, tôi ít thấy mặt. Mỗi lần gặp bà đều chào “Cơm chưa?”, tôi đáp “Dạ đã ạ”, là đủ thân mật. Bà bận đi lễ quanh năm. Giữa một đấng chồng và một đấng con, cả hai đều thiên tài ngang trái, bà Mùi phải tự chăm lo đời sống tinh thần của mình như thế nào đó, tôi có thể hiểu được. Một hôm sau khi “Dạ đã ạ” như thường lệ, tôi hỏi bà thờ vị nào. Bà Mùi bảo, Phật này, Quan Âm này, Mẫu này, Cụ Hồ này, với một bà cô chết trẻ hồi Ất Dậu thiêng lắm. Tôi buột miệng bảo năm ấy nhà tôi cũng có người chết. Hôm sau chẳng phải ngày lương vợ tôi cũng luộc ba lạng thịt để lên bàn thờ, rồi tự nhiên thấy bà Mùi khăn áo trịnh trọng vào cúng đỡ, vợ tôi đứng đằng sau tập sự, cúng xong kéo nhau ra cầu thang đốt vàng, đốt xong lại cúng tiếp lần nữa. Vân và Kiều hỏi ai chết hở bố. Tôi bảo hai triệu người, bố không nhớ hết tên. Nghe nói ở nước ngoài phụ nữ rủ nhau đi giải phóng phụ nữ. Ở đây phụ nữ rủ nhau đi tâm linh. Thỉnh thoảng đi viếng đền chùa tôi phải nép sang bên cho những phái đoàn các mẹ các chị tiến vào hành sự. Nếu ra ngoài họ cũng tự tin, nói năng trôi chảy, biết rõ họ ước gì muốn gì như ỏ đền chùa thì đấy là một tập thể mạnh. Nếu ngày thường họ cũng uống rượu, hút thuốc, múa gươm, hào phóng phát tiền và hơi điên điên như lúc ngồi đồng thì bao nhiêu phẩm chất quý nhất của lũ chúng ta đàn ông chạy cả sang phía họ. Cho nên tôi lo ngại canh chừng phong trào tín ngưỡng đang dần nhen nhúm ở cầu thang này. Hai người đàn bà với một que hương là thành một giáo phái. Vợ thằng Hồng chắc không ai dám rủ rê, tôi đoán chiều ba mươi Tết thắp hương tất niên chị ta đứng xa xa bàn thờ mà lẩm bẩm “tôn giáo là thuốc tôn giáo là thuốc, phiện của nhân dân phiện của nhân dân”.
Với bà Mùi, Sến không có gì phải ngại, nhục nhã người đàn bà đáng kính ấy đã nếm đủ những năm chồng đi cải tạo, còn buồn vui bây giờ của bà thuộc cả về thế giới bên kia. Sến là người đi lại lộn xộn giữa cái sướng và cái khổ của mình rồi bắt người khác phải lộn xộn theo, nhưng Sến không thể khuấy đảo bà Mùi được. Sến được nhận làm hội viên mở rộng của giáo phái cầu thang này. Xin bạn đọc đừng cho rằng gia đình chúng tôi văn minh tự do ngoại tình. Theo thiển ý tôi thì nhà tù trên toàn thế giới không thể kiên cố bằng gia đình Việt. Ở đây người ta không cùm nhau lại bằng luật pháp và bạo lực. Người ta giam nhau trong tình thương. Những biểu hiện của tình thương vừa sòng phẳng vừa nhập nhằng. Nhận Sến vào lúc nào và đẩy Sến ra lúc nào là chiến lược tình thương của các bà vợ, chúng tôi không kiểm soát nổi. Tôi chỉ thấy Sến ngày sóc ngày vọng sôi nổi theo đàn chị đi thờ, chắc nhà em cũng có người dự vào năm Ất Dậu. Hoa cúng em cầm hớn hở như hoa cưới. Chương trình tập sự bắt đầu chỉ đơn giản thế thôi, dần dần Sến sẽ có một cuốn lịch con con như của bà Mùi ghi kín các ngày, cộng thêm sổ công tác của nữ điệp viên quốc tế thì em phải sống thật gấp mới đủ hiến mình cho cả người lẫn thánh.
Một tuần trôi đi hai tuần trôi đi. Suýt nữa thì câu chuyện tình tay bảy này bị quẳng vào một xó cũng như cái hội nghị kia, không ai rờ đến nữa. Tất cả chúng tôi đều sẵn một xó lỉnh kỉnh những đồ bỏ thì thương vương thì tội như thế: tất thủng, bút bi rỗng, rất nhiều loại đinh vít và túi ni lông, một đống địa chỉ, những quyển nhật kí thiếu kiên nhẫn, danh thiếp của người khác, mơ mộng của mình… Dường như không còn gì có thể nhổ phăng chúng tôi khỏi những ngày đực rựa lười thối thây và phét lác, mồm thối hoăng thuốc lào… Dường như những cậu bé mặc quần thủng đít đã mệt rồi trò chơi nói giọng nước lớn. Cũng chẳng đáng ngạc nhiên: trong cái nóng nhiệt đới buồn này người ta thật dễ mệt mỏi và bỏ cuộc.
Nhưng tôi đã nói, Marie Sến là một câu đố, một thách thức. Tôi mãi hâm mộ ở em cái bí quyết vực dậy những thằng đàn ông thối chí. Sến cho chúng tôi về nghỉ phép hai tuần, sang tuần thứ ba cuộc phấn đấu cho tiến bộ lại quyết liệt hơn.
Bao giờ Sến cũng mở đầu ở Đoài. Anh cán bộ thoát li chính là mắt xích yếu nhất có thể bẻ gãy. Nhờ Sến tôi mới nhìn ra sự nhạy cảm đặc biệt và cái tiềm năng điên khùng của Đoài; trước đây tôi nghĩ, chấp cả mọi thủ đoạn ranh vặt và những khúc mắc nào đó của tâm hồn thì Đoài chẳng qua là một sinh vật thẳng một lèo như cái ống quần vuốt li của anh ta mà thôi. Và hèn, hèn hơn tất cả lũ chúng tôi. Như đã nói, đời thoát li như anh chàng là đời lí tưởng. Anh ta chẳng dại gì thay đổi cái quan hệ hoàn hảo giữa hậu phương nơi quê nhà và tiền tuyến chốn đô thành. Ai ngờ nghỉ Sến hai tuần, Đoài lập mưu sắp xếp lại cuộc đời. Trong toan tính của anh ta, phần ranh vặt của thằng tiểu nông vẫn lộ ra đáng ghét, nhưng cái tham vọng cải tạo cuộc đời thì trong trắng và dũng cảm. Chúng tôi ngoại tình tay, ngoại tình mồm, ngoại tình đầu, chắc chắn thằng nào cũng nghĩ đến vợ theo một cách nào đó, đơn giản nhất là ra sức nịnh vợ hơn, nhưng cái đạo đức chết tiệt của thằng trí thức trong biên chế không cho phép chúng tôi coi Sến là một trọng lượng đáng để cân bằng với gia đình. Đoài không thế. Dắt cả vợ và kinh nguyệt của vợ vào cơn ghen vì một đàn bà khác, kiếp cán bộ thoát li đẻ ra quả lắm điều trái khoáy. Tôi vẫn thầm khinh anh chàng là hoàn toàn tầm thường nhạt nhẽo, nay bỗng giật mình: Đoài lún sâu trong cuộc tình này hơn tất cả chúng tôi. Sự yêu của anh chàng thoạt trông thì tức cười, nhưng là một sự yêu mù quáng nghiêm trọng. Khi ấy tôi vẫn còn chưa biết nó sẽ thê thảm, và ngay trong thê thảm vẫn có phần tức cười như thế nào.
Đoài quyết đưa Sến về quê Tứ Kì. Anh ta cần một mức độ chính thức hoá nào đó, anh ta cần một ràng buộc. Tôi được mời đi hộ tống và nghi binh. Đoài về trước, anh ta gọi là đi tiền trạm, mẹ kiếp, chẳng khác nào cái thời hắn đi tiền trạm Thái Bình mua lợn cho Viện. Tôi hỏi: “Ông tính chuyện chết người đấy à?” Đoài đáp nghiêm trọng: “Tôi phải để nàng nàm quen với bà xã ông ạ, không thì nàng thiếu nòng tin.” Tôi hỏi vì sao hắn chọn mặt tôi gửi vàng. Đoài đáp: “Nhìn chung cậu chẳng có ní tưởng gì nhưng nà một người bạn tốt.” Tôi nghĩ đến những chiều theo Đoài và nàng của hắn cặp kè ở tiệm phở. Tôi nghĩ đến những cuộc ngồi ở Apocalypse Now khi Sến đặt ngực lên bàn. Nàng biết vú nàng là một kì quan. Nàng dâm đãng quá, làm sao tôi là thằng bạn tốt được và cũng chẳng tin thằng nào tốt với tôi. Nếu những lúc ấy thay vì ghen suông, tôi lùa tay xuống dưới thì cái mu tình đầm đìa của nàng sẽ ngoạm lấy không chịu buông tha.
Nhưng suốt ba tiếng đồng hồ trong xe khách chật, tôi làm thằng bạn tốt cho Sến ngủ trên vai, nàng thả bừa tóc vào mặt tôi rồi bỏ đi mơ vài giấc mơ trinh nữ trên những ổ gà khét tiếng của đường Năm, còn tôi thấy mình như Vân Trường đang canh giấc nồng cho một trong hai phu nhân của Lưu Bị.
Rồi phố huyện, rồi con đường làng, cảnh vật tẻ nhạt vừa phải, không văn hoa mà cũng không chất phác, Tứ Kì của anh hàng xóm sát vách tôi là một vùng quê trung bình nhạt nhẽo. Nhưng Đoài không lấy đó bận tâm, bao nhiêu tâm tình và tài trí anh ta dồn cả vào cuộc viếng thăm này. Chúng tôi được thấy nhà Đoài ngăn nắp, lợn trong chuồng không tru chéo đòi ăn, nhạc Trịnh Công Sơn, quạt Điện Cơ, cô con gái út chưa đi lấy chồng thật ngoan và vợ Đoài, người đàn bà vốn “xinh nhất nàng”, thật chậm thật hiền. Tôi ngà ngà say, bỏ mâm đàn ông có gà béo và vị trưởng phòng văn hoá huyện cùng vị phó hiệu trưởng trường trung học. Cô con gái út ngồi nhổ lông mày ở ngoài hiên. Trong bếp vợ Đoài cầm tay Sến bảo: “Chị xin em đừng hắt hủi anh Đoài nhà chị. Đàn ông người ta ai cũng có nòng tự hào, thôi thì, em cho được gì thì cho, em đẹp thế này đừng khinh anh ấy phải tội, chị già rồi.”
Tôi rón rén quay về mâm đàn ông huyên thiên thêm những gì về Tần Thuỷ Hoàng, Quang Trung và Goócbachốp cho xứng mồm một Viện trưởng, về nhà quê thì một thằng vô danh như tôi cũng được thấy mình quan trọng. Cỡ trưởng phòng như Đoài ra đình là ngồi chiếu nhất, mở miệng là thốt ra chân lí ở mức trung ương. Ngoài hiên hai chiếc lông mày của cô gái tên Là đã mảnh như hai sợi chỉ, tôi sợ chúng biến mất, như cái tinh thần gia đình trung cổ sáng suốt mà mù quáng và thiếng liêng nơi đây sẽ bị nhổ đi cho kịp với gu của thời đại. Và tôi run cầm cập hình dung ngay lúc này thằng Đủ có thể về thăm nhà. Nó sẽ đi xuống bếp và mẹ nó lại xin Sến thương thêm cả nó…
Ôi những bà vợ!
Chúng tôi không biết Sến là vợ của ai. Điều ấy chắc là không quan trọng. Sến xuất hiện giữa chúng tôi, giữa những bà vợ của chúng tôi, tất cả rồi sẽ bùng lên trong một cuộc cách tân, trước em tôi đâu ngờ cải cách ở xứ mình nó lẻn vào lòng mỗi người như bị bỏ bùa như vậy. Tôi Viện sĩ tôi nhận xét mạnh rằng xứ mình chưa bao giờ tự canh tân, cuộc cách mạng nào cũng do sáng kiến của những nòi phi Lạc Việt. Nay Sến xúng xính như ma-đam phương xa, tên thì lai, tính tình thì Quỳnh Dao, nhưng chắc chắn là của đất nước này, Sến đẩy chúng tôi vào những cuộc cách mạng cá nhân điên khùng. Rồi mỗi đứa sẽ ra sao? Gia đình sẽ ra sao? Xưa nay hễ bị đòi hỏi là chúng tôi mang gia đình ra xin lỗi. Chỉ có chiến tranh là không cho chúng tôi xin lỗi. Bây giờ em lại châm mồi chiến tranh, Marie Sến!
Lần lượt từng thằng chúng tôi sau đợt nghỉ Sến sẽ lao mình vào cuộc chiến ái tình này. Chúng tôi sẽ liều mình xông lên, đảm đương những việc vượt quá sức chúng tôi. Sẽ thành anh hùng. Sẽ trì hoãn ngày hoà bình. Khi ấy tôi còn chưa biết, ngày hoà bình mới thật Apocalypse Now.