Để tặng Trần Dương Tường và mười năm Hà Nội, 1983-1993
Chương 12
Ứng xử. Bên trái, bên phải, và một điểm giữa

Sến chịu đựng sự ra đi của Tân và Đủ như thế này: thắp hương cho một thằng và chờ đợi một thằng. Thằng nào được hương, thằng nào được đợi, Sến không phân biệt. Trương Ba và hàng thịt, đôi bên chỉ đổi chỗ cho nhau để cùng mất hút vào những giấc mơ bay xa của tuổi trẻ. Sến bảo: “Thế còn hơn ngồi nhà làm thằng hèn.” Với chúng ta đàn ông, hèn là nhục mạ số một. Hơn cả ngu. Hơn cả đểu. Thà dã man thâm độc, thà lừa thầy phản bạn, rước voi về giày mả tổ, nợ máu nhân dân, còn hơn làm thằng hèn.
Nhưng chẳng bao lâu sau Sến sẽ than rằng, một cái thây ma là một cái thây ma, thằng đàn ông hèn đè lên em còn có trọng lượng hơn cả đội âm binh kiêu hùng xúm lại. Là một quan điểm mới. Hiện đại. Chỉ một trí tuệ thiếu nhất quán nhưng thực tế như ở Sến mới dễ dàng đi từ cũ đến mới, từ truyền thống đến hiện đại như đi chợ vậy. Nhưng đấy là chuyện của nhiều tháng sau. Rồi nhiều tháng sau nữa Sến sẽ lại đổi ý, sẽ nghiện những hồn ma si tình hiện về dằn ngửa ra mê man. Ôi vật đổi sao rời và chính trị và thời trang và ý đàn bà! Tôi không dám triết lí thối, sợ thằng Đủ từ trong Nam lộn về chửi, chỉ xin gói trọn một câu, rằng tinh thần vô thường thổi từ Sến như gió mùa lùa vào khu cầu thang này, đập ràn rạt vào sự thụ động hèn đớn và nhàn nhã bất thiện của chúng tôi, không cho các ông bố nhân danh cú sốc khi những đứa con ra đi để ngồi bất động trong vương quốc trần gian bé tí của mình. Chúng tôi phải cuốn theo chiều gió.
Mỗi thằng một tốc độ. Tôi nhích từng chữ trong cuốn tiểu thuyết viết dở. Chương mười hai. Vì cái văn chương sến này tôi bắt đầu bỏ họp sáng thứ hai và sáng thứ năm nhưng không ai ở Viện thấy thiếu tôi. Ông Viện trưởng sắp đi Manila, Viện phó bận xếp hàng đăng kí đề tài Toyota với người Nhật. (Trước khi Viễn Đông Bác Cổ của người Pháp trở lại Hà Nội thì hãng ô tô của người Nhật đã lăn bánh vào nền khoa học của chúng ta từ lâu.) Các Viện sĩ còn lại, người nào có nhà tập thể đã hoá giá khu Đội Cấn gần Lăng Bác và sát Daewoo thì bận bán nhà xây biệt thự, mỗi mét vuông ân sủng của khoa học xã hội bây giờ trị giá mười tờ xanh, người nào không có nhà khu Đội Cấn thì bận đấu tranh. Vả lại sắp tới là những ngày cuối năm, trước Tết một tháng, toàn dân còn bận chạy tiền mặt. Trong cái nhộn nhịp như của chợ Đồng Xuân vừa bị cháy, buôn bán ào ra ngoài đường, không ai ở Viện thấy thiếu tôi.
Tốc độ của tôi nhanh hơn ông Thân. Ông cứ mãi di chuyển giữa những con vẹt Hồng Kông năm màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, là màu của ngũ hành, trong năm chiếc lồng, và chúng cứ mãi bé bằng chiếc thìa cà phê ngoáy lung tung trong ánh sáng bại liệt tâm thần của căn hộ xế bên phải tôi. Năm con đực, năm con cái, chia làm năm hộ, chim của ông Thân là thứ chim có nền nếp, biết luật hôn nhân một vợ một chồng, không giống chim của mấy anh buôn chim ở chợ, sinh hoạt tập đoàn và bề hội đồng, con đẻ ra không có giá thú. Ông Thân bảo ba tháng một lứa. Ông nghỉ hưu ở Viện đã sắp ba tháng. Như thế là sớm một năm, nên ngoài lương hưu còn được tiễn chân bằng ba trăm ngàn đồng, mua được vừa đúng năm đôi chim và một cân kê dự trữ.
Nhưng những nàng chim của ông Thân mãi không cho thấy dấu hiệu chửa đẻ, nếu chúng quả là những nàng chim. Phân biệt đực cái ở loài này cũng tương tự như ở loài ruồi, nhầm lẫn là thường, nên tôi gợi ý cho ông Thân, cách tốt nhất là dựa vào vòng sinh thành và tiêu trưởng của ngũ hành và âm dương mà ghép đôi cho phải đạo trời, chứ cứ theo đạo người thời buổi này cộng thêm kĩ thuật gen thì chim không vô sinh cũng đồng tính luyến ái. Chúng tôi cùng đánh dấu chim bằng vòng sắt cho con đực và vòng nhựa cho con cái. Nhựa là thứ vật liệu trái cựa, không ăn nhập gì vào vũ trụ cổ truyền phương Đông, nhưng dễ kiếm, rẻ tiền và đánh một nốt thời đại. Chúng tôi tranh luận hết một buổi chiều về việc âm sinh dương hay dương sinh âm, bởi lẽ cho một con đen dương thuỷ kết hợp với một con xanh âm mộc theo cách dương sinh âm, hay cho con vợ âm thuỷ sinh con chồng dương mộc là một khác biệt tối quan trọng. Cuối cùng chúng tôi thoả thuận rằng việc này có thể giải quyết bằng cách: sau ba tháng thử nghiệm lại thay vòng sắt ra nhựa và nhựa ra sắt, nghĩa là vợ chồng đổi vai cho nhau, thế là ổn, là một lô-gích vĩ đại. Tạm thời chúng tôi xuất phát từ nguyên lí tính nam của xã hội người cũng như chim, vòng sắt sinh xuất vòng nhựa, ông Thân và tôi đều không thuộc trường phái tính nữ ở Viện. Chậm nhất là ba tháng nữa chúng tôi sẽ được biết kết quả trong lồng thí nghiệm của xã hội nam tính.
Công cuộc nuôi chim của ông Thân quả là đáng cho ông từ bỏ vai lãnh tụ trí thức cấp tiến ôn hoà và quên đi giấc mơ bảo vệ luận án phó tiến sĩ đặc cách. Mới ngày nào ông còn than, ông có bốn học trò bây giờ đều nổi tiếng, một thằng thực tài, một thằng láu cá, một thằng cơ hội, một thẳng rởm, ông muốn làm luận án phó tiến sĩ đặc cách (đặc cách vì không đủ chứng chỉ bằng cấp như lũ chúng tôi) phải rơi đúng vào thằng rởm hướng dẫn. Tiên sư cái sự đời! Thêm vào thằng trò cuối cùng, thằng Đủ, nhét trọn sự nghiệp của sư phụ vào va li rồi gửi va li ở nhà ga Sến! Ôi sự đời quả là không nương người hiền!
Bây giờ thì qua rồi, qua hết rồi những giấc mộng hoàng lương những giấc mộng hàn lâm, qua rồi qua hết rồi những sáng thứ hai và sáng thứ năm, những hội nghị, những câu hỏi có hay không, lấy tủ hay không lấy tủ, những phê phán sự phê phán có tính phê phán, những biện chứng pháp bạch mã phi mã, những đa nguyên và chuyên chế, những Marx trẻ Marx thật Marx rởm Mác sờ Lê Nin và hậu Marx… Ông hàng xóm già của tôi chỉ còn di chuyển như một hiền giả tinh khiết giữa vòng âm dương ngũ hành của một bầy chim tí hon sẵn sàng hi sinh giới tính, hi sinh hạnh phúc lứa đôi và giống nòi mình cho những người nuôi chim. (Nhân sự kiện này tôi để công đào bới trong điển tích cổ kim, thỉnh thoảng lại gặp một ngư ông, nhưng tuyệt không có người nuôi chim nào đáng lưu ý). Thế cũng là một bước chuyển. Cực đoan. Cho vừa ý Sến. Qua rồi cuộc đối diện với những kích thước trung bình của đồng loại. Bây giờ ông ngụ trong trường mênh mông từ cực tiểu của vẹt Hồng Kông đến cực đại của vũ trụ. Bao nhiêu khổ đau đè nặng lên căn hộ này để bây giờ hai mươi cánh chim nhẹ bay. Bao nhiêu âm thầm cân lặng một kiếp người bây giờ ùa vào giàn đồng ca mười giọng líu lo suốt ngày.
Ông Thân mải miết theo chim hót và bận quét vỏ kê, vỏ kê tung bay vui mắt lắm, chúng biến căn hộ ảm đạm của ông thành huyền ảo và sinh động, ông không nghe những chiếc xe của Đoài gầm rú. Tôi tưởng có động đất, lần đầu tiên kể từ tháng Chạp năm Ất Hợi 1335, theo quyển biên niên sử của Viện tôi soạn, (tổng cộng mười một lần, chỉ xảy ra trong lịch sử trung đại. Cũng như hạn hán, lụt lội và bệnh dịch, bạn đọc không thể tìm ra trong lịch sử từ cận đại trở về đây một dòng nào về thiên nhiên đâu, từ cận đại trở đi thiên nhiên hoàn toàn không đáng đếm xỉa!), khi Đoài gài số, đẩy xe máy lên cầu thang. Tôi tưởng đây là lần thứ mười hai sau tròn 660 năm, mười một hoa giáp, một con số không tầm thường chút nào, bây giờ cũng là tháng Chạp Ất Hợi, nghiệp chướng của lịch sử xem ra nặng lắm!
Đấy là một chiếc Suzuki toả khói nhiều hơn bếp lò của cả khu cầu thang vào giờ cơm chiều. Đoài có lí do để quyết cho chúng tôi thưởng thức kì đủ mùi địa ngục trung cổ. Ở Viện hắn không có thẩm quyền phát biểu gì về nội dung của lịch sử. Bây giờ ở chung cư tập thể, hắn thuyết trinh bằng Cup 78, 79, 80, 81, (không bao giờ quá ngưỡng 81, từ 82 đèn vuông trở đi thuộc về cận đại và từ 89 là hiện đại đổi mới), bằng Honda 67, hắn đặc biệt mê những con 67 trải đời, đầy hồi ức về giải phóng Sài Gòn. Nông thôn nơi sinh ra hắn yên tĩnh, tiếng thầm thì của những chiếc Dream và Cup 89/94 mới toanh mà dân Hà Nội đang ngưỡng mộ chỉ làm người nhà quê thêm buồn ngủ; ở đấy xe cộ phải gầm lên cho trẻ con lao ra đường chạy theo reo hò, cho nên bao nhiêu nghĩa tình với nơi chôn rau cắt rốn Đoài gom vào đống rác Nhật, đánh quả quê hương. Thế mới biết người Hà Nội tiến nhanh, dăm năm trước xe bãi rác máy mổ toét ra chục lần, cần số phong thấp lục cục, đèn thong manh, còi thất thanh chấp chới, qua tay tan nát bao dặm trường mà lượn phố phường vẫn cao giá như gái đồng trinh. Bây giờ khác rồi, Hà Nội đã xài đủ sái đầu của thuốc phiện Nhật, sái nhì nhường cho nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, sái ba chắc dành cho Bình Trị Thiên khói lửa, sái bét cho đồng bào các dân tộc thiểu số anh em, thế là trọn vẹn tình quốc gia ruột rà pha màu hữu nghị quốc tế.
Đoài dẫn những con xe máy đồng trinh của một thời về khu cầu thang của chúng tôi, vênh vang như dẫn gái. Tôi không nói ngoa. Giữa hành lang tập thể, hắn lột yếm trắng của chúng ra trần truồng; hắn ngoáy vào chỗ này chỗ nọ, buổi đầu còn vụng về bỡ ngỡ nhưng tiến bộ nhanh, như thể tài cán của hắn mấy chục năm ngủ quên trên ghế trưởng phòng hành chính ở một Viện nghiên cứu khoa học nhân văn, bây giờ mới choàng dậy, đổ nhớt, gí điện, leo lên leo xuống hùng hục, vật nghiêng vật ngửa, rúc đầu vào bụng các con xe, nhòm ngó, rên rỉ, đạp, mân mê, lau, cưỡi, nhún nhảy, chửi tục, sờ soạng, mông má, và thỉnh thoảng cả xe lẫn người lại gầm lên từng cơn rung chuyển đất trời. Bạn đọc phải ở trong một khu nhà lắp ghép, trần cách sàn hai mét tám và bốn hộ chung nhau một hành lang hai mét vuông, chỉ một bánh pháo đốt lên là thành Tết Mậu Thân, một tiếng khóc thầm rớt xuống nền gạch men là hoá đám ma công cộng, ở như vậy bạn đọc mới đánh giá hết cơn hành nghề hành lạc của Đoài và những con xe của hắn cỡ bao nhiêu trăm đề-xi-ben. Ở nước Mĩ, chúng tôi có thể đem Đoài ra kiện và thu về tiền đau lỗ tai, nhưng ở nước Việt đau đớn triền miên, ngứa tay xin nhau tí huyết là thường, không toà án nào rách việc đi chăm lo cho mấy cái màng nhĩ.
Gương cưới mười lăm năm treo tường của vợ chồng tôi đã rơi, những cô gái trên tờ lịch cũng ngã xuống, nụ cười bất diệt của các cô ấy trông như mếu, và bông gòn đút nút tai chúng tôi đã chảy nước thối thì vợ thằng Hồng quyết định can thiệp, chị ta quả là người đàn bà giàu sáng kiến nhất khu cầu thang. Đoài không được chiếm đoạt không gian công cộng để hành nghề, ngoài ra phải bồi thường ba chiếc bóng điện rơi ở hành lang. Bây giờ hắn rút vào nhà hắn, bên này ngay sát vách tôi và bên kia sát vách thằng Hồng, tường nhà hắn và tường nhà tôi vốn đã nghiêng ngược chiều nhau sẽ từ từ tách ra thành một hình chữ V cho hố xí và bếp núc của gia đình tầng trên ụp vào chính giữa. Hắn động đất từ căn hộ đóng kín của hắn động ra, không sáng kiến nào của nữ triết gia trị nổi, một hộp bê tông rung rinh và nổ đùng đùng, nguy hiểm hơn, giết thần kinh hơn, man rợ hơn.
Bây giờ Đoài không có thời gian để chăm sóc răng. Bộ sưu tập bàn chải mười hai chiếc của hắn phân theo độ cứng, độ dài và độ cong, mẹ kiếp hơn đứt chuyên gia nha khoa. Có lẽ hắn đánh răng hàm riêng, răng cửa riêng, răng nanh riêng. Hôm nào ăn thịt gà rắt răng, hôm nào nhai kẹo lạc dính răng có bàn chải riêng hôm đó. Bây giờ nướng vào chải xe. Không phải anh chàng đồng-nhà-quê đã thôi kì cọ cái sĩ diện sạch bong của mình giữa đô thành. Sĩ diện chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Yếm trắng của các nàng xe mẹ mướp phải trắng bóc lên cho dậy màu thanh nữ, còn áo quần Đoài bắt đầu chua như cứt mèo, chua hơn áo quần thằng Đủ mà bạn đọc đã biết. Đầu giờ sáng mỗi ngày hắn đến Viện, kí chữ kí của trưởng phòng hành chính nhoe nhoét dầu mỡ. Nhưng không phải Đoài tự đày ải tấm thân, hành khổ nhục kế vô nghĩa như tôi một trăm ngày nào. Kiếp cán bộ thoát li tuy hàm chứa một tiềm năng điên rồ bệnh hoạn khổng lồ, bằng chứng mới nhất là những vụ truy hoan đùng đùng giữa người và xe nạ giòng trong phòng kín, nhưng căn bản của nó vững chắc, không phù phiếm, không vụ cảm giác, luôn theo đòi một mục đích cụ thể, rõ ràng. Sự quá trớn ở một thằng như Đoài có sức thuyết phục và dễ được chấp nhận hơn sự quá trớn ở một thằng như tôi. Tôi quá trớn để tự giễu và tự thương mình, để tự thắng những địch thủ thực ra mạnh hơn tôi. Sự quá trớn của tôi tóm lại cũng như tình yêu của tôi, là những thứ đã nhúng đi nhúng lại trong rất nhiều dung dịch văn hoá, là những đặc sản của giới trí thức. Đoài mù quáng và thông tục, nhưng hắn quá trớn cho một lí tưởng. Lí tưởng của hắn bây giờ là «giết mỗi con một vé”, tôi tạm dịch là buôn mỗi con xe máy về quê ăn lãi một tờ trăm đô la, đổi ra tiền Việt là một triệu một trăm bảy chục ngàn, bằng chính xác sáu tháng lương tôi (đã cộng phụ cấp mỗi tháng 3 đô nếu Viện được Toyota duyệt một đề tài).
Căn cứ vào độ nghiêng của tường nhà, tôi đoán chằng bao lâu Đoài sẽ giết đến con thứ một trăm, hắn cũng sẽ vướng vào con số đó, chúng ta người Việt coi trọng số trứng nguyên thuỷ nở ra nòi Hồng Lạc. Một trăm vé chắc đủ cho Đoài lên đường du lịch ái tình trăm năm. Hắn cứ đi đi, tình yêu sẽ dạy hắn phép nhẹ nhàng ý tứ, đi càng xa càng lâu càng tốt, tốt nhất là biến hẳn, biến hẳn như thằng Đủ, tôi rất thích những anh hàng xóm không còn là hàng xóm nữa.
Nhưng tôi ngờ rằng Đoài không hề có ý định du lịch, như đã nói hắn không phù phiếm, không rởm theo một nghĩa nào đó. Hắn hoàn toàn chân thật, vấn đề chỉ là bạn có tiêu hoá nổi cái thật của hắn hay không mà thôi. Xong con thứ một trăm chắc chắn Đoài sẽ đến nhà tắm côsanhsinoa của Sến làm tổng vệ sinh tảy sạch cái nghèo hèn, rửa kĩ mười nghìn đô la và tẩm thêm nước hoa, anh ngố chắc sợ nàng chê tiền bẩn là thiếu văn hoá. Sau đó Đoài sẽ làm gì? Mua kiềng vàng cho nàng đeo cổ nhé, dễ thế lắm, kiềng của nàng phải nặng như gông mới là sang và chàng thì đánh nhẫn to tổ bố mặt vuông ở ngón tay út, rồi chàng nàng vàng choé như hai tiệm kim hoàn mới khai trương sóng đôi trên phố? Hay là sắm Sony 36 inch như ở nhà thằng Hồng, cộng thêm đầu vi-đê-ô để xem phim ướt? Có thể lắm, một trăm vé là vào tốt cửa trung lưu, trung lưu là đeo vàng ngồi xem điện ảnh Hồng Kông và chở nhau bằng Dream II lên Hồ Tây ăn bánh tôm kèm bia Tiger, trung lưu cũng lo mua đất ngoại thành xây nhà hai tầng có tháp Alibaba…Trời đất, tôi ngồi hứng một bức tường sắp đổ, đo độ Richter, và lo tiêu tiền của thằng hàng xóm và tình địch!
Bên này, chim của ông Thân đã một lần thay vòng, cuộc thí nghiệm đợt một cho thấy nguyên lí tính nam là hoàn toàn vô tích sự. Ba tháng nữa, nếu tính nữ cũng chẳng giúp giống nòi sinh sôi nảy nở, ông hàng xóm của tôi có thể kết thúc cuộc cách mạng trên phương diện giới tính luẩn quẩn này bằng cách đeo tuốt cho mỗi con cả vòng sắt lẫn vòng nhựa, chim cũng như người may mắn rằng có hai chân. Như thế là trong mỗi thực thể đều có âm có dương, không sai sách thánh hiền. Nhưng lúc ấy vấn đề có thể là chân nào đeo vòng nào, nguyên lí khuynh tả hay khuynh hữu?
Ông Thân bảo, ông chỉ đi từ tả sang hữu rồi lộn từ hữu về tả là xong một đời. Một đời bận rộn xê dịch bởi những vận động bên ngoài. Sâu bên trong, ông mãi là kẻ trung dung. Cho nên lúc người ta cùng đi sang trái thì có cái gì đó cứ kéo ông một chút về bên phải. Lúc người ta ngả về bên phải, nó lại kéo ông một chút về bên trái, một chút thôi, cho gần với điểm trung dung của ông hơn, một chút những cũng đủ biến ông thành lạc điệu, đi sai bước nhảy của bầy đàn. Ông làm con lắc đánh bên này đánh bên kia bao nhiêu tiếng chuông vô nghĩa và luôn chệch đi một tích tắc so với giờ chính thống suốt cuộc đời. Bây giờ cái đồng hồ của ông không chạy nữa, con lắc đứng im rồi…
Tôi hỏi, có nhất thiết phải như thế không?
Ông Thân đáp rằng, nhất thiết với thế hệ ông, và rất có thể với chí ít nửa thế hệ tiếp theo. Một thế hệ rưỡi này đã di chuyển theo những đường vạch thoạt nhìn thì rất phức tạp của lịch sử, nhưng tựu trung chỉ là sự xê dịch giữa hai cấp độ: cấp độ thoát tục và cấp độ thông tục. Dường như người Việt nào có chút học thức cũng như thế cả. Loay hoay giữa trời và người. Ở cấp độ này thì được ở nhà làm một triết gia, một đạo sĩ, một chân tu, một cá nhân hoàn toàn giữa vũ trụ. Ở cấp độ kia thì được ra ngoài dấn thân thực thi những lí tưởng hoàn toàn cụ thể và trần thế, tranh đấu cho những phía khác nhau của lẽ phải, được hoà vào một tập thể. Nhưng động cơ của sự chao đảo giữa xuất và xử chẳng có gì cao siêu. Là sự bế tắc. Sự bất lực. Không phải nhận thức về những vấn đề của vĩnh cửu tất yếu dẫn tới những vấn đề thời sự. Hay ngược lại. Đáng tiếc không phải như vậy. Người ta mò vào thời sự khi bị vĩnh cửu bỏ rơi, và khi nào bị thời sự bỏ rơi lại quay về với vĩnh cửu. Một lúc nào đó thì cả cấp độ này lẫn cấp độ kia đều ở quá tầm tay, bản năng bình thường, thông tục đã tiêu tan, lạc hậu với chính cuộc đời, xa lạ với người, và hoài bão thoát tục, khác thường cũng đổ vỡ, bất cập với trời… Nếu có thể làm lại tất cả, chỉ xin trời cho được là người phiến diện, ở hẳn bên này hay bên kia. Cứ một ít thứ này một ít thứ kia, một thế hệ rưỡi là thế hệ hàng xén…
Ôi bên này bên kia và điểm giữa! Tôi ở đâu? Có run rủi mà chui và một nửa thế hệ tiếp theo bi thương đó chăng? Nếu không, nửa còn lại trong thế hệ bị chia đôi của tôi ra nhập nơi nào? Bên này, những con chim hót giọng hiền triết véo von; bên kia, những trận động đất của đời thường triền miên, như không còn lí trí, như không có ngày mai. Tôi ở giữa, giữa một khung cảnh rất Việt Nam, hoàn toàn Việt Nam, Việt Nam thời chiến, Việt Nam thời bình, Việt Nam giầm chân trong lịch sử và tiến vào thế kỉ hăm mốt; tôi không phát điên và những người xung quanh cũng không ai điên, vẫn cầm bát cơm lên nhai thản nhiên và ngủ say trên những chiếc giường rung rinh, giữa những bức tường sẽ đổ. Xin bạn đọc cũng coi mọi chuyện là thường: take it easy!