Một trăm xu trong túi

Ngày xưa, có ba anh em sống rất nghèo khổ. Một buổi tối, khi họ sắp đi ngủ, không ăn uống gì, thì người anh cả nói:
- Các em ơi, không thể tiếp tục sống như thế này. Đồng ruộng quá hẹp để có thể cung cấp cho chúng ta lương thực cần thiết. Ngày mai anh sẽ ra đi. Anh sẽ đi khắp thế giới để kiếm tiền. Nếu anh kiếm ra tiền, anh sẽ quay trở về và chúng ta sẽ sống như những ông hoàng.
Sáng hôm sau, người anh cả ra đi. Anh ta đi rất lâu. Sẩm tối, anh ta vẫn còn đi... Cuối cùng, anh ta dừng lại ở một cái quán giữa rừng. Anh ta ăn một mẩu bánh mì với phô-mai rồi đi vào phòng ngủ đông người. Tất cả giường, trừ một chiếc, đã có người nằm ngủ. Anh ta đi nằm và rồi ngủ thiếp đi.
Anh ta dậy sớm, vì nông dân có thói quen thức dậy từ sáng sớm. Anh ta mặc quần áo, trả tiền trọ rồi ra đi. Anh ta đã đi được một đoạn đường khá dài và thấy cần hỉ mũi. Anh ta cho tay vào túi và bật lên cười.
- Ủa? Cái gì đây nhỉ? Một đồng phơ-răng! Mình đâu có nhiều tiền để bỏ vào túi, thế mà... À, mình hiểu rồi, đúng như thế! Trong đêm tối, chắc mình đã lấy nhầm cái quần của người bên cạnh. Trông bề ngoài, cái quần này cũng không đắt hơn cái quần của mình. Nói thật, không ra cái gì cả. Vậy thì, quay trở lại đổi quần làm gì, vô ích... Mà ủa, cái gì đây nữa nhỉ? Đồng một phơ-răng khác nữa! Hình như lại có một đồng khác nữa. Người ta thường nói: "Không bao giờ có hai mà lại không có ba." Xem thử, có đồng thứ ba không? Mà đúng thế! Đúng rồi! Như thế là ba phơ-răng... Hầu như ta có một ngày thành công!
Anh ta không ngờ rằng mình nói đúng đến thế! Cứ mỗi lần anh ta thọc tay vào túi, anh ta lại thấy một đồng phơ-răng. Các bạn chắc phải nghĩ rằng anh ta không ngừng rút ra hết đồng này đến đồng khác, không biết chán. Chẳng mấy chốc được một đống lớn. ANh chàng trai trẻ quá đỗi sung sướng. Anh ta bắt đầu chạy. Hai giờ sau đã về đến nhà.
- Các em của anh ơi, mấy em yêu quí của anh ơi! Anh đã làm ra tiền rồi, nhìn này!
- Đúng rồi! Tiền!
- Anh muốn có bao nhiêu cũng được...
- Anh đã tìm được một cách làm ra tiền à?
- Đúng thế! Một cách đơn giản tuyệt vời! Này nhé, đây là một phơ-răng, đây là một phơ-răng nữa...
Đứa em kế nói:
- Rất hay! Nhưng không có lý do gì chúng em sống bám anh. Sáng mai. em đi kiếm tiền. Bởi vì anh đã thành công thì không có lý gì em lại không thành công. Sau đó, chúng ta, ba anh em sẽ sống như vua.
Hôm sau, đứa em kế lên đường. Nó cũng đến quán đó như anh nó, cũng đi ngủ trong phòng đó.
Trời sáng, nó dậy, xỏ quần của người bên cạnh, rồi ra đi. Sau khi đi được một lúc, nó dừng lại, lục túi
- Xem một tí, ta có được may mắn như anh ta không... Không có gì trong túi hết... Nào, trong túi này có cái gì... hừ, không phải tiền. Đúng là có một mẩu giấy! Nhưng đó là tờ mười phơ-răng. Có thể có một tờ khác. Đúng, còn một tờ nữa, rồi tờ nữa! Ta giàu có rồi! Giàu có rồi!
Thực ra, nó luôn tìm được tờ mười phơ-răng. Khi nó lấy tờ mười phơ-răng này thì trong đáy túi lại xuất hiện tờ mười phơ-răng khác.. Cái quần này cũng là một cái quần ma thuật! Tất nhiên, cũng như anh nó, đứa em kế trở về nhà, điên lên vì sung sướng. Từ xa, nó đã kêu lên:
- Anh em ơi, anh em thân mến ơi, em đã làm ra tiền rồi! Hơn nữa, em nghĩ rằng em còn giàu hơn cả anh nữa kia, anh hai thân mến ạ!
- Thật không? Những xấp tiền đẹp đẽ quá!
- Em muốn có bao nhiêu cũng được!
Đứa em út lên tiếng:
- Vậy thì, anh cũng đã có cách làm ra tiền, tốt lắm. Ngày mai đến lượt em cũng đi khắp thế giới. Hai anh đã đi khắp thế giới, thế thì tại sao em lại không?
Hai người anh nói với đứa em:
- Em không cần đi nữa. Hai anh đã làm ra tiền cho mọi nhu cầu của chúng ta.
- Em cám ơn lòng rộng rãi của các anh, nhưng em không muốn ăn bám vào các anh một chút nào. Em muốn tự mình tìm ra của cải.
Đứa em út nhét đồ đạc vào một cái bọc và lên đường. Nó đi hồi lâu, đến cái quán nổi tiếng đó, ăn uống, đi ngủ, thức dậy và...
Và câu chuyện dừng lại ở đó. Các bạn kể tiếp tục đi. Về phần tôi, tôi tưởng tượng ra ba đoạn kết.
ĐOẠN KẾT THỨ NHẤT
Đứa em út tìm thấy một triệu trong túi, rồi một triệu thứ hai, rồi nhiều triệu khác nữa. Từ trong túi của nó, nó rút ra nhiều bạc đến nỗi tất cả những két sắt của ngân hàng Pháp Quốc cũng không chứa được nữa.
Nó trở về nhà. Họ nổi nhạc lên để đón tiếp nó, họ bắn pháo hoa để tôn vinh nó. Ba anh em phân phát tiền cho tất cả mọi người để họ khỏi ganh tỵ.
Không ai có ý nghĩ ăn cắp những cái quần nổi tiếng đó. Tại sao họ phải làm khác đi? Bởi vì cả ba anh em không từ chối tiền bạc với ai cả, dù cho họ xin một phơ-răng hay một triệu phơ-răng.
Ba anh em đã chết từ lâu. Nếu tình cờ bạn đi qua làng của họ, hãy xem nhữn cái quần được trưng bày trong viện bảo tàng địa phương, đặt cạnh thanh gươm lừng danh của vị tướng lừng danh Fend-la-Bise.
ĐOẠN KẾT THỨ HAI
Đúa em út tìm thấy trong túi một tờ giấy có ghi như sau: "Như thế đủ rồi, bạn quá đòi hỏi!" Ký tên: NHÀ ẢO THUẬT, NGƯỜI ĐÃ TẶNG NHỮNG CÁI QUẦN ẢO THUẬT CHO AI MÀ NÓ THÍCH.
ĐOẠN KẾT THỨ BA
Đứa em út tìm thấy một triệu. Nó để tiền trong một cái bao, rồi thọc tay vào đáy túi lần nữa, lại một triệu khác! Nó nói:
- Ta muốn biết, tiền này là của ai? Có phải để dành riêng cho ta không? Ta không muốn ăn cắp của ai chút nào.
Và với ba bước nhảy, nó trở lại quán và hỏi:
- Ai đã mặc lầm quần của tôi?
Những người đi đường kiểm tra lại quần của họ. Vài người, bạn sẽ hiểu tại sao, kiểm tra lại áo khoác và áo sơ mi.
Ở một góc phòng, một người nhỏ nhắn tiếp tục ăn như không nghe thấy gì. Chính anh ta mặc lầm quần.
- Xin lỗi, sáng nay chúng ta đã mặc lầm hai quần với nhau. Làm thế nào đây?
Người nhỏ bé nuốt một ngụm cà phê và không nói gì.
- Vậy giờ sao nào?
Đứa em út nài nỉ. Người nhỏ bé vẫn im lặng, phết bơ lên bánh.
- Ông không muốn đổi lại quần à?
Người bé nhỏ kêu lên:
- Ồ, đồ quỷ! Ăn một miếng cũng không yên nữa sao? Này, cầm lấy, cái quần chết tiệt của mày...
Ông ta cởi quần ra, ném lên bàn. Chú em út của chúng ta cởi cái quần mà nó đang mặc, xỏ cái quần của nó vào.
Đi được vài bước, nó đặt tay vào túi. Nó thấy trong đó một tỉ, rồi một tỉ khác, rồi một tỉ nữa. Chuyện thật là kỳ lạ.
Lời tác giả: Cả ba đoạn kết đối với tôi, hình như đều làm bực mình. Không giấu gì các bạn, thực ra, đó không phải là một câu chuyện mà là những điều vớ vẩn của kẻ không muốn lao động. Cũng phải hiểu cho người nghèo, anh ta đã làm việc cả đời mà không bao giờ có đủ tiền để có được một trăm xu trong túi.