-- IX --

     iáp lúc này chỉ còn là cái xác người. Mặt đỏ gay, mắt đỏ tía, ngực thở không ra hơi, thái dương thì nghe như có một đàn ong vỡ tổ.
- Trời ơi, anh mệt đến thế cơ à?
Giáp chẳng trả lời, thấy bóng mát thì nằm ngay xuống.
Khánh Ngọc cúi xuống lấy mùi xoa lau mặt cho Giáp:
- Anh có làm sao không?
Giáp lim dim hai mắt không nói. Và cũng không nhận thấy rằng Khánh Ngọc đang lau mặt cho mình. Trọng Khang lấy lọ dầu bạc hà của ông Phó xoa mặt, xoa cổ, xoa thái dương, xoa khắp cả mình mẩy cho Giáp. Một lúc lâu, Giáp mới hơi tỉnh:
- Ông cho tôi uống nước, không tôi đứt ruột mất.
- Ông uống từ từ nhé. Không sao, ông cứ nằm nghỉ một lát thì khỏi. Mệt và say nắng đấy thôi.
Giáp quay nhìn lên đỉnh núi:
- Nhưng còn từ đây lên thì làm thế nào? Cố nữa thì sợ ốm, rồi lại phải nằm ở Cờ Cải thì nhỡ hết cả hành trình của bao nhiêu người.
Khánh Ngọc nói ngay:
- Hay để tôi nhường ngựa cho anh François.
Trọng Khang gạt ngay đi:
- Không được. Từ đây cho đến nơi cũng còn nhiều đường đất.
- Anh François mệt lắm rồi. Ông cũng phải để cho tôi thử qua cái mùi nhọc mệt một tí chứ.
Trọng Khang trỏ Giáp đang nằm thiêm thiếp:
- Thì cô cứ trông đây cũng đã hình dung được nó là thế nào rồi.
- Sao bằng cảm thấy tung hoành ngay ở trong cơ thể mình. Để cho François trèo nữa, nhỡ ốm một cái thì rầy rà.
- Thế cô không sợ cô ốm à?
- Còn một phần đường nữa. Mà tôi vì được đi ngựa nên chưa mệt tí nào.
- Nếu cô có bụng tốt như thế thì càng hay.
Cúi xuống lay Giáp:
- Thôi ông dậy đi. Cô Khánh Ngọc nhường ngựa cho ông đấy. Lên trên kia nghỉ hẳn một thể.
Giáp thở hổn hển ngồi dậy, nhìn xung quanh:
- Chết người! Thế Marie lấy gì mà đi?
- Tôi chưa mệt. Gần đến nơi rồi. Tôi có thể trèo được. Anh cứ đi đi, không nhỡ ốm nặng.
- Cám ơn Marie, tôi thấy cứng cả chân không thể nào trèo được nữa. Đầu như muốn vỡ ra.
Giáp lảo đảo trèo lên ngựa. Chàng quên không bám lấy đầu yên, thành ra con ngựa vừa đi được mấy bước thì một suýt nữa, chàng bị ngã ngửa ra đằng sau, nếu Khánh Ngọc không nhanh chân lại đỡ kịp.
- Đường dốc, anh phải nắm lấy yên.
Giáp đi rồi, Khánh Ngọc quay lại nhìn thấy Trọng Khang đang lúi húi đẽo lại cái gậy:
- Cô cũng nhanh ghê nhỉ. Nhưng nếu ở đường bằng mà cô chạy sát ngay chân ngựa như thế, thì có khi giật mình, nó đá phải. Vì nó mệt rồi, hai nữa đương lúc lên dốc, nó không cất nổi chân, mà có lẽ vì nó khôn, nó biết rằng cô. Lần sau, cô nhớ đừng có chạy sát ngay đằng sau nó như thế. Có muốn đỡ thì phải đứng lánh ra một bên.
- Nhưng trong lúc vội vàng, ai còn nghĩ được thế?
- À, cái khó là phải nghĩ được.
- Nhưng tôi có phải là... đàn ông đâu?
Khánh Ngọc nói xong nhìn Trọng Khang tủm tỉm cười. Trọng Khang đưa cái gậy cho nàng:
- À đã vậy, từ giờ cô đừng có trách đàn ông chúng tôi vô lễ và ghê gớm nữa nhé.
Khánh Ngọc đón lấy chiếc gậy:
- Không. Bây giờ chẳng những tôi không trách, mà tôi lại còn cho rằng đàn ông cần phải ghê gớm. Và lâu lâu... cũng cần phải biết vô lễ. Và... có lẽ chỉ những người đàn ông ghê gớm mới biết vô lễ một cách... phải lẽ mà thôi.
Trọng Khang mỉm cười, móc mùi soa ở túi:
- Cô phải để tôi quấn cổ tay cho cô, chứ không chống gậy rã cánh ra rồi không cầm nổi cương ngựa nữa.
Khánh Ngọc tháo găng da, cởi khuy “măng-xét”, vén áo, để lộ một cổ tay tròn và trắng như ngà.
- Ông buộc nhè nhẹ chứ nhé, bàn tay ông thế kia mà ông ghì mạnh, thì có lẽ tôi đến gẫy xương.
- Cô là một tay thể thao cừ khôi cơ mà?
- Ồ! Cái thứ thể thao tiêu cơm của những con người vô công rồi nghề dùng gì được ở chốn này.
Trọng Khang quấn khăn mặt vào cổ tay cho nàng xong thì nàng vùng hỏi:
- À, ông, có lẽ... trong đời ông, ông không bị cảm xúc mạnh bao giờ có phải không?
-...
- Lúc nãy, khi chiếc mảng bị nước cuốn đi, nếu ông cũng bị xúc động như chúng tôi thì có lẽ cái phút quý báu đã trôi mất, mà ngày hôm nay đã có tai nạn. Ông nói phải: nên dành sự xúc cảm cho đàn bà.
- Thế cô cho tôi là hòn đá à?
- Không phải. Nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Thế ông cũng có khi bị xúc động à?
- À, một khi người ta không phải là hòn đá. Nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Tôi chỉ xúc động khi nào có một cái gì đáng để cho tôi xúc động.
- Thế cái mảng trôi với ba người kêu cứu ở trên không phải là một cớ chính đáng để cho lòng ta xúc động sao?
- Như thế gọi là hoảng hốt. Mà sự hoảng hốt thì không đẹp đẽ, và không bao giờ dùng được việc gì cả. Những thứ lòng như thế gọi là lòng sò, lòng hến. Còn có thứ gì cứng, mạnh và bền chắc mọc được ở trong ấy nữa!
- Thế lòng tôi tức là lòng sò, lòng hến có phải không?
Trọng Khang cười:
- Cô thật là lôi thôi. Tôi nói là... không nên dễ cảm động quá, chứ tôi có chê sự cảm động đâu. Tôi ghét thứ lòng đá gỗ ngang với với thứ lòng sò hến. Cô thử tính coi: một tí, một tí gì cũng có thể làm cho lòng mình rối loạn thì còn đâu là sinh lực để hành động nữa?
- Thế nghĩa là ông chê thứ lòng đàn bà chúng tôi chứ gì?
- Cô lắm chuyện lắm. Thôi ta đi.
Khánh Ngọc dận gót giày xuống đất:
- Ông phải trả lời thì tôi mới đi.
Trọng Khang cầm tay Khánh Ngọc kéo đi:
- Thì vâng, tôi chê. Ta đi đi không tối.
Khánh Ngọc bước theo:
- Ông chê mặc ông, nhưng lòng tôi thế nào, tôi cứ giữ, tôi không bỏ.
- Cái đó là quyền cô.
Rồi giơ gậy, chỉ con đường dốc ngược:
- Nhưng nếu cô lên hết con đường dốc này mà cô thở thì cái đó lại không là quyền ở cô.
- Tôi không muốn thở mà nó cứ thở thì có phải tại tôi đâu?
- Ấy, cái đó mà sai khiến được thì mới là khó chứ!
Trèo được hai trăm thước, Khánh Ngọc đang đi trước, quay lại:
- Thế này, thảo nào François mệt là phải.
- Thì người ta đã gọi là cái dốc bạc đầu cơ mà.
- À, lần đầu ông trèo cái dốc này, ông có mệt không?
- Cũng mệt. Nhưng chưa đến nỗi như ông Giáp. Hôm ấy trời mưa, thành thử tôi cứ phải bò bốn chân luôn.
Khánh Ngọc đi giày cao gót, dẫm phải một hòn cuội, té sấp xuống, ném cả gậy. Nhưng may, nàng chống hai tay đỡ kịp. Nàng phá lên cười:
- Ông vừa mới nói bò bốn chân, tôi đã thực hành ngay.
Trọng Khang nhặt chiếc gậy đem lại:
- Cô đã đỏ ửng cả mặt. Cô nắm vào cánh tay tôi mà đi.
- Ấy tôi cũng vừa mới định xin với ông như thế. Nhưng ông đã mệt chưa? Thêm một gánh nặng cho ông...
- Cô cứ vịn, không sao.
Đi được ba trăm thước nữa, Trọng Khang đã thấy hơi thở gấp của Khánh Ngọc tràn vào gáy mình. Chàng dừng lại:
- Hay ta nghỉ một chút?
- Thôi ta cứ đi, ta nghỉ nhiều lắm rồi. Ba tôi thấy tôi lâu lên, ba tôi lại nóng ruột.
Trọng Khang lại đi, nhưng từ đây thì chàng thấy bàn tay bám vào vai mình mỗi lúc một nặng thêm. Chàng đổi tay gậy, luồn tay ra sau lưng Khánh Ngọc:
- Cô dựa nhiều vào tôi mà đi. Và nếu có mệt quá thì thôi vất gậy đi, tôi đỡ cô cũng được rồi.
Khánh Ngọc lẳng vất gậy, nắm vào cánh tay Trọng Khang. nàng thở dốc và hai chân thấy nặng như chì. Tuy là mệt, nhưng nàng cũng không còn đủ sáng suốt mà nhận thấy rằng người bên cạnh nàng cứ bước phăng phăng; mà bàn tay nó quàng vào lưng nàng là một thứ gì rắn chắc ghê gớm. Nàng có cái cảm tưởng như mình dựa vào một cái gì bằng sắt, bằng đá. Rồi ở chỗ sâu thẳm của lòng nàng, đột khởi lên một ước nguyện mơ hồ: giá luôn luôn và mãi mãi, nàng được nâng đỡ bởi cái sức mạnh ghê gớm ấy. Trước cái sức mạnh ấy, nàng cảm thấy mình yếu, yếu một cách lạ lùng. Nhưng nàng lại cũng sung sướng cảm thấy rằng mình yếu để được nâng đỡ, được che chở.
Từ trước tới nay, bao giờ nàng cũng thờ cái thuyết đàn ông và đàn bà ngang nhau. Và nàng coi như một cái nhục, nếu để cho người đàn ông phải che chở và dìu dắt mình. Trong những cuộc giao thiệp của nàng với Giáp và với tất cả các bạn trai khác, nàng không chịu nhận một sự săn sóc của ai bao giờ. Và không bao giờ nàng chịu được cái ý nghĩ: để cho một người đàn ông coi mình như một kẻ vị thành niên, lúc nào cũng cần phải chăm chút đến.
Cạnh Trọng Khang, bao nhiêu ý tưởng ấy đều biến đổi ráo. Nàng thầm cảm thấy rằng mình yếu đuối, yếu đuối trước sự sống dồn dập và tàn nhẫn trong một khung cảnh mà loài người chỉ có thể trông cậy vào sức mình. Nàng thấy mình kém cả về phần sức, phần trí và phần hồn.
Cái điều tin chắc rằng văn hóa Tây phương đã đúc cho mình “những bắp thịt, một tinh thần” đủ để đối chọi với sự sống, bây giờ đã lung lay. Nàng cảm thấy rằng thứ bắp thịt ấy chỉ đủ để nhảy nhót trong sân vận động mà cái tinh thần ấy chỉ đủ để lòe nhau trong những phòng khách. Va đầu vào sự sống to, rộng và tàn bạo trong những nơi mà mình không được che chở bởi cái địa vị sẵn có của mình, những thứ ấy ngã ngục ngay xuống như cành khô chạm phải sức nặng. Bao nhiêu năm du học chỉ đem đến cho nàng và cho Giáp những mảnh bằng, đủ để đi làm công, và để hãnh diện với xã hội. Chứ đứng trước sự sống nó chuyển những khối sức mạnh hùng liệt của nó, trước sự sống mà đâu đâu cũng có thể nấp một nguy hiểm, phục một thiên tai, đợi một quyết định, nàng và Giáp chỉ là những cái gì lòe loẹt nhưng cực kỳ vô dụng.
Liếc nhìn con người mặt khắc khổ, mắt sáng quắc, cứ thản nhiên bước đi như sức sống mãnh liệt và tàn nhẫn, nàng vụt thấy con người ấy lớn lên như một khổng lồ. Lòng rạo rực, nàng đặt má nàng vào cánh tay của Trọng Khang, sung sướng bởi sự gần gũi, sung sướng được nâng đỡ bởi một bàn tay thép.
Trọng Khang thấy thế lại tưởng nàng mệt lả, vội vàng dìu nàng lại dưới một gốc cây:
- Chúng ta nghỉ một tí chứ.
- Em chưa muốn nghỉ.
Chàng cười một cái cười nhân từ:
- Nhưng tôi cần phải nghỉ.
Và chế giễu:
- Tôi thở dốc ra đây này.
Khánh Ngọc vội vàng lấy hai bàn tay che ngực:
- Ông cứ chế em.
Dưới làn lụa đẫm mồ hôi, cái ức đồng trinh đang phập phồng như con chim câu lúc bị bắt.
Trọng Khang nhếch mép, rồi tháo bình nước rót một cốc:
- Cô uống đi.
- Uống từ từ...
Trọng Khang phì cười, lật mũ. Những giọt mồ hôi lã chã rỏ xuống. Chàng cho tay vào túi quần. Khánh Ngọc vội vàng rút chiếc khăn mặt vải nhỏ thơm sực mùi nước hoa thượng hảo hạng đưa ra:
- Khăn mặt ông đã buộc tay cho em rồi, còn đâu đấy nữa mà móc. Đáng lẽ ra thì hôm nay ông không bị mồ hôi ra nhiều như thế này đâu?
- Tại sao?
- Tại vì em và François báo hại ông. Và nếu ông không tử tế nhường ngựa cho em và François cưỡi thì bây giờ ông đã ung dung ở trên đỉnh núi kia rồi.
Trọng Khang đưa trả chiếc mùi soa đã ướt đẫm:
- Nếu thế thì không bao giờ tôi tha thứ cho sự ích kỷ ấy của tôi cả.
- Sao lại gọi là ích kỷ. Con ngựa ấy của ông cơ mà. Em với François mới là những người lợi dụng lòng tử tế của ông chứ.
Trọng Khang cười chế giễu:
- Cô hay dùng những chữ to lớn quá đi thôi. Kìa, ông Phó ông ấy đã mang ngựa xuống kia. Cô có lợi dụng thì cứ lợi dụng nữa đi.
- Ông bảo mang xuống đấy à?
- Không.
- Thế tại làm sao ông Phó lại mang xuống?
- Có lẽ ông ta sợ cô mệt.
- Tôi làm gì mà được ông ta săn sóc cho như thế?
- Y bây giờ cũng như tôi, không phải là một người làm công cho cô sao?
Khánh Ngọc nhìn Trọng Khang bằng một con mắt cầu xin:
- Từ giờ ông đừng nói thế nữa. Em bằng lòng rằng ông Phó chỉ là đầy tớ, đầy tớ của ông không thôi - Ông Phó, ai bảo ông mang ngựa xuống đấy? Như thế có phải mệt cả nó và mệt cả ông không?
Ông Phó không trả lời, móc túi lấy ra hai trái lê xanh rờn, đưa cho mỗi người một quả.
Khánh Ngọc mừng quá:
- Chà! Em cứ trông thấy trái lê này, mà em thấy hết mệt và mát cả người.
Thuận tay rút con dao săn của Trọng Khang đeo ở bên mình:
- Ấy, đừng cắn cả vỏ thế, để em gọt cho.
Ông Phó buộc ngựa, rồi rút cái quạt ở thắt lưng phẩy cho hai người.
- Ồ, “cụ” Phó, sao bây giờ “cụ” bày vẽ thế? Thôi “cụ” có quạt cho cô Khánh Ngọc thì “cụ” quạt, chứ nếu “cụ” quạt cho tôi thì tôi mát, tôi nằm đây ngủ ngay một giấc, không ai khiêng được tôi đi bây giờ đâu.
Khánh Ngọc gọt trái lên rồi bổ làm ba.
- Ông Phó ăn một miếng đi.
- Bẩm con đã ăn mía rồi.
Khánh Ngọc bắt chước giọng Trọng Khang:
- Ồ, cụ Phó. Từ giờ cụ đừng bẩm báo nữa. Cụ cứ ăn đi cho tôi bằng lòng.
Ông Phó bật phì cười:
- Con chưa thấy ai tính dễ dãi và vui vẻ như cô. Cô giống như cô Tuyết Vi con ở Hà Nội.
- Ồ nếu thì may mắn cho tôi lắm. Tôi lại được là em ông Trọng Khang cơ à.
Trọng Khang ngước mắt nhìn ông Phó. Ông Phó sợ tái mặt.
- Trên đầu đã hai thứ tóc như thế này mà cứ hay bép xép.
Khánh Ngọc bênh ngay:
- Ấy, không phải lỗi tại ông ấy đâu. Lỗi tại tôi ngứa mồm hay hỏi. Vả ông ấy là người không có đủ đảm lực để... vô lễ như ông, nên ông ấy phải trả lời tôi. Ông có mắng thì mắng tôi này này.
Khánh Ngọc gọt quả lê thứ hai, cắt một miếng đặt vào lòng bàn tay đưa lại tận mõm con ngựa:
- Mày ăn lê đi, và bảo chủ mày đừng có mắng tao nhé.