-- XXVI --

     rọng Khang cởi áo ngoài:
- Bây giờ rượu say, cơm no rồi, ta phải nghĩ đến chỗ ở và giường nằm chứ. Này tiên sinh nào đứng gác đấy?
Một tên đại hán nhòm vào.
- Tiên sinh làm ơn cho tôi xin một ít nước lạnh và một cái chổi để tôi rửa cái sàn đá lồi lõm này đi. Chứ bẩn và hôi thế này, chúng tôi ở đây lâu e có lẽ đến chết mất. Lúc ấy lại mất công tiên sinh phải chôn.
Tên đại hán mủm mỉm cười:
- Tiên sinh nói dại. Tiên sinh khỏe như thế, chết làm sao được. À, mà tiên sinh đừng có gọi tôi như thế. Tôi tên là Séo Súng.
Cửa mở, Trọng Khang ló đầu nhòm ra ngoài thì thấy ở phía đầu hang có chừng mười tên giặc đang xúm nhau vào hút thuốc phiện và đánh bạc.
- Gớm có ba chúng mình mà cái ông Vương Nhân này cắt những một vệ đội để canh. Lại những hai lần cửa. Này ông Giáp, ông thử tưởng tượng, nếu khẩu súng này không phải là của ông Vương Nhân cho chúng mình để bảo vệ, tôi bổ chết ngay tên đại hán đứng gác, rồi xông ra chỗ đang đánh bạc kia. Tôi bắt họ giơ tay, đoạt hết khí giới, dồn tất cả vào gian buồng này, khóa trái cửa lại, rồi chúng ta ung dung ra đi, có phải tiết kiệm được mười vạn đồng không?
- Thế ngộ nhỡ họ đuổi theo thì làm thế nào?
- Cứ xem đi bộ lúc nãy khá lâu, thì từ đây ra chỗ xóm cũng đến gần một cây số. Bọn bị giam ở đây có kêu cũng chẳng ai nghe tiếng. Đến khi họ biết thì chúng mình đã đi xa rồi.
Trọng Khang cười khà khà:
- Hay ta thực hành?
Giáp vội nắm áo Trọng Khang:
- Thôi, tôi can ông, nhỡ họ bắt được thì họ giết mất. Chúng mình lại không thuộc đường lối, biết đi ngả nào?
- Ta cứ liều, rồi khắc tìm được đường về. Mười vạn bạc to lắm, không liều chết sao có được.
Giáp lại van vỉ:
- Thôi đừng ông. Nhỡ một cái thì khốn cả. Kìa, Marie không can ông ấy đi.
Khánh Ngọc lúc ấy đang vun đống tranh, chạy lại:
- Ông định làm thật đấy à?
- Tôi cùng cô, ta thử mạo hiểm một phen.
- Tôi rất thích mạo hiểm. Nhưng dùng khẩu súng của người ta cho để bảo vệ danh tiết của tôi mà làm phản người ta thì tôi xem ra nó không đẹp. Mười vạn bạc tuy to, nhưng thôi ông ạ.
Khánh Ngọc nói đến đây thì tên đại hán xách một thùng nước và một chiếc chổi lại. Trọng Khang đổ thùng nước xuống sàn đá:
- Này chú, chú có biết chúng tôi đang bàn bạc gì không?
Séo Súng cười:
- Tôi có phép thần đâu mà bảo nghe được các tiên sinh bàn bạc.
- Chúng tôi đang định bàn nhau trốn đấy. Tôi khuyên các chú canh gác cho cẩn thận, chứ tôi xem ra hình như hớ hênh, chểnh mảng lắm. Giá tôi dùng súng này mà choảng vào đầu chú, rồi xông ra áp bách bọn đang đánh bạc kia phải tránh đường cho chúng tôi đi thì hẳn là trốn thoát.
- Nhưng lão gia tôi đã biết rằng các ông không bao giờ trốn. Còn dùng súng bắn chúng tôi thì ông không dám, vì là khẩu súng của lão gia tôi tặng. Ông có biết vì lão gia chúng tôi thương chúng tôi, không muốn cho phải thay nhau gác nhọc mệt, nên mới biếu ông khẩu súng ấy không?
- Thế thì lão gia chú ghê gớm lắm.
- Lão gia tôi cái gì cũng biết.
- Biết được cả lòng người.
- Chính thế. Nào ông dội nước đi, để tôi quét giúp.
- Thôi chúng tôi làm lấy cũng được. Lão gia các chú muốn cho các chú nghỉ ngơi cơ mà. À, nếu có tranh cho tôi xin một đống nữa thì hay quá.
- Được, ngoài kia thiếu gì.
Cọ rửa gian hầm sạch sẽ rồi, Trọng Khang đem tranh ra bện một cái bùi nhùi thật dài, thật to.
- Ông bện để làm gì thế?
- Để làm cái giường nắm. Cái bùi nhùi này để đóng góc bốn bên, tranh ta bỏ vào giữa, như thế ta vừa được cao mà không lả tả ra ngoài. Rồi cô xem, nằm ấm và êm không kém gì giường đệm lò xo. Chốc nữa, họ cho gộc củi, ta đốt ở xó kia thì gian hầm này biến ngay thành một lâu đài cẩm thạch.
Khánh Ngọc không nói, lặng lẽ nhìn Trọng Khang, quần xắn quá gối, ngồi xếp bằng tròn, tay đang dẻo quẹo như một người thợ lành nghề.
Nàng nhận thấy bất cứ một cảnh ngộ nào, chàng cũng đối đầu được, chẳng bỡ ngỡ một cái gì, mà cái gì cũng đã dự tính được từ trước. Lúc nào, chàng cũng vui vẻ, hồn nhiên, khẳng khái và đại lượng.
Khi Trọng Khang đã bện xong, xếp thành một cái giường rồi, Khánh Ngọc mới hỏi:
- Ông học làm những thứ này ở đâu đấy?
Trọng Khang nhíp mắt, nhìn chiếc giường một cách sung sướng:
- Cô hỏi tôi học ở đâu? Tôi cũng không nhớ, nhưng chắc chắn là không phải học ở trường.
- Chỉ học ở trường như chúng tôi thì thành ra những đồ vô dụng. Nhưng lúc này mà không có ông cáng đáng thì chúng tôi còn khổ sở biết chừng nào. Tôi, tôi muốn cũng được học ở cái trường của ông, để rồi đây tôi cũng được như ông, bất cứ ở tình trạng nào cũng xử sự rõ ra con người lớn, tự chủ được mình và sai khiến được cảnh ngộ.
- Điều ấy, cô chớ lo. Chuyến này, thoát chết về đến Hà Nội, cô mới hiểu hết việc đời bằng một ông cụ già đã sống một trăm năm, nhưng cô lại hơn ông cụ già ở chỗ lòng cô vẫn bồng bột và trẻ trung. Bản chất những con người hào hùng như cô càng lăn ra đời bao nhiêu càng đẹp, càng cao lên bấy nhiêu. Trong khi óc sáng thêm ra thì lòng cũng trong thêm lên.
- Ông quá khen tôi.
- Tôi nói thật đấy. Cô là một tên học trò sắc sảo và chăm chỉ của trường đời.
- Lời khen ấy ở miệng một người như ông khiến cho tôi sung sướng vô kể. Và tôi thấy những tội lỗi của tôi cũng nhẹ đi được đôi phần. Cái sự tôi vòi ba tôi lên đây như thế này cũng không uổng.
- Không uổng thì dĩ nhiên rồi. Nhưng những bài học của cô khí đắt quá mà thôi.
- Ông bảo không đắt thì sao thấm thía được.
- À, cái đó lại là một lẽ khác. Chà chà, giá có mấy cái đinh và một sợi dây gai, ta đóng vào khe đá để khi tắm rửa, hay thay quần áo, ta giăng cái chăn lên thì thú biết mấy. Nhưng thôi, tối rồi, để mai ta sẽ nghĩ cách. Lỗ Bình Sơn (Robinson) trong chốn hoang vu, còn tìm được đủ thứ để tự túc, huống hồ ta mới chỉ ở một cái hang đá bên cạnh lại có loài người. Mai, ta đem rấp nước những lá tranh này đi thì có thể bện thành một cái thừng được đấy. Chà, cái sàn này tuy lồi lõm, nhưng chỗ này thì lại nhẵn quá. Giá nhảy đầm ở đây thì sướng biết mấy.
Trọng Khang vừa nói, vừa nhảy mấy điệu “cờ-la-két”.
- Ông cũng biết nhảy đầm đấy à? Ông nhảy với tôi một bài nào.
- Nhảy với bài thì có lẽ tôi không biết. Khi tôi ở lán gỗ, buồn, tôi chỉ học nhảy “cờ-la-két” cho cứng chân để đi rừng.
- Ông nói dối. Sao lại có lẽ. Đã biết nhảy “cờ-la-két” thì phải biết nhảy “tăng-gô” và quay “van”.
- Thì nhảy, nhưng tôi quay valse nhanh khiếp lắm đấy, cô có theo được không?
- Theo được. Ta vừa nhảy vừa hát. Ông có biết Tây không?
- Hát Tây thì tôi không thạo và cũng không thích, tôi chỉ thích có cái khoa kiều lẩy. Cô thì chắc không biết.
- Tôi ít khi xem chữ quốc ngữ.
- Cái đó là một điều kém, khi về Hà Nội, cô cần phải bổ khuyết. Quyển Kiều là một quyển thơ hay nhất nước Nam mà bất cứ một người Nam nào cũng phải coi là một bổn phận thuộc lòng từ đầu đến cuối.
- Điều đó chẳng cần phải chờ về Hà Nội. Ông thuộc lòng thì ở đây ông dạy tôi đi.
- À, cô nghĩ thế mà hay đấy. Cái nghề giáo sư quốc văn cũng vui vui. Cà ngày ở xó buồng này, không kiếm được tí việc gì làm thì buồn đến chết. Nhàn cư vi bất thiện. Ông Giáp có học thì tôi dạy luôn cả một thể.
Nhảy đương dẻo, Trọng Khang thấy Khánh Ngọc đi sai bước. Chàng cúi xuống nhìn thấy Khánh Ngọc hai mắt nhắm, đang ngả đầu vào vai mình.
Nét mặt đã đẹp mà yêu đương lại làm cho càng thêm đẹp bỗng Trọng Khang xúc động. Nhưng cái xúc động ấy chỉ chạy qua trái tim chàng như một chớp nhoáng. Chàng nghĩ ngay đến sự đau đớn của Giáp là người bạn đã cùng mình trải gian nguy.
Chàng ngừng ngay lại, Khánh Ngọc mở choàng mở, đờ đẫn nhìn chàng:
- Cô nhảy dẻo lắm. Một tay quán quân quần vợt có khác. Thôi, bây giờ đến lượt ông Giáp, ông nhảy đi để khánh thành nhà mới của chúng ta.
Khánh Ngọc từ chối ngay:
- Thôi để mai, bây giờ tôi chóng mặt lắm rồi.
Rồi nhìn đến cái quần còn vén quá gối của Trọng Khang:
- Chỉ có đời chúng mình mới có cuộc khiêu vũ mà nam kỵ binh ăn mặc kỳ quái như thế kia.
Trọng Khang nhìn xuống chân, rồi cười khanh khách:
- Giá Vương lão gia trả chúng mình ống ảnh để chụp cái sân nhảy này. Kìa, ông Giáp, sao ông cứ buồn rũ ra thế? Ông nên nhớ lúc này buồn vô ích. Mà việc gì phải buồn, chẳng qua bị cấm cố mươi lăm hôm. Ông buồn mà sinh ốm đau thì khốn đốn lắm. Chẳng có thuốc thang gì đâu. Chúng mình phải lấy cái vui để chống với bệnh sốt rét nó đang rình chúng mình ở cái xó này. Cô nhảy với ông Giáp một bài cho khuây khỏe. Tiếc quá, không có cái gì kêu để đánh, giả làm jazz.
Khánh Ngọc lại kéo Giáp đứng dậy:
- François nhảy đi... Nhưng sự vui vẻ có phải là một điều cố gượng được đâu. Chỉ có những tâm hồn khỏe mạnh mới vui được. Chúng ta bị đầu độc bởi một kiến giải sai lầm, chỉ gục đầu vào sách vở để luyện óc cho thành con vẹt, mà quên lãng sự trau dồi tâm hồn cho thêm mạnh mẽ. Một giáo dục sai lầm đã làm tê liệt hết những sinh lực làm người của chúng ta. Kìa, không nhảy à?
- Tôi thấy hơi choáng váng trong người. Cái hầm này lạnh lắm.
- Anh mặc bao nhiêu áo mà còn rét. Ông Trọng Khang chỉ một chiếc sơ-mi thì sao?
- Sao Marie cứ đem tôi mà so sánh như thế? Tôi ví với ông Trọng Khang làm sao được.
Trọng Khang thấy câu chuyện sắp găng, lại vội vàng đàn giải:
- Ở hang đá thì hẳn là phải lạnh. Tại ông không vận động, nên nó rét đấy. Ông nhảy đi một bài cho nó hoạt máu. Từ sớm mai, chúng ta sáng phải dậy sớm tập thể thao. Tôi sẽ dạy ông và cô ít miếng võ. Thôi, ông cố đi, chỉ tí nữa là họ đem gộc củi đến cho ta.
Giáp uể oải nhảy, mà Khánh Ngọc cũng uể oải bước theo. Duy có Trọng Khang là ra sức đánh trống mồm.
Bọn giặc đang chơi bạc ở ngoài, nghe tiếng ầm ĩ chạy đến nhòm vào, rồi cười khúc khích. Trọng Khang chạy ra cạnh chấn song:
- Ê, cười gì? Các chú thì bao giờ hiểu được cái thú khiêu vũ này.
Séo Súng vừa nhìn, vừa bảo Trọng Khang:
- Tôi chưa thấy ai bị bắt cóc mà lại vui vẻ như các tiên sinh.
- Thế nghĩa là cái hang này đã giam nhiều người rồi?
- Ồ, tính biết bao nhiêu mà kể. Nhiều khi họ khóc như ri, chúng tôi phải đánh họ mới im.
- Thế bây giờ chúng tôi cười, chắc các chú cũng bực mình lắm.
- Không.
- Thế thì các chú đi đi để chúng tôi vui. À, thế nào, gần tối chưa?
- Cũng sắp.
- Thế có ai bị giam mà chết ở đây chưa?
- Cũng có năm bảy người. Trong số đó có hai người vì sợ mà chết.
- Hẳn là đàn bà.
- Không. Lại là đàn ông. Có khi ở đây giam đến ba bốn chục người.
- Thế họ nằm ngồi thế nào?
- Nằm lên nhau, ngồi lên nhau ấy.
- Thế các ông không thương họ à?
- Thương? Họ bắt được chúng tôi, họ có thương chúng tôi không?
- Tôi thì tôi thương đấy.
- À, tiên sinh... khác người ta. V