-- XXVIX --

     ơm bưng vào, Trọng Khang xem đến Giáp thì ngủ mê man mà gọi Khánh Ngọc thì nàng trả lời gọn lỏn:
- Tôi không ăn.
Trọng Khang khẽ mở chăn:
- Cô thấy trong người làm sao không?
- Tôi chẳng thấy làm sao cả, nhưng tôi không thấy đói.
- Cô cố ăn một bát.
- Cố làm sao được hở ông!
Giọng nói đượm một chán chường và ủ một oán hận. Trọng Khang không còn biết nói làm sao, đành phải quay ra ngồi ăn một mình. Nhưng quái, hạt cơm chàng nhai sao không thấy có vị. Sự ngon miệng những ngày trước không thấy đến với chàng. Không ngon miệng mặc, chàng cũng theo lệ ăn đúng sáu bát. Ăn xong, chàng thẫn thờ ngồi nhìn hai người quấn chăn như hai con sâu nằm ở hai bên giường, lòng tràn ngập một phân vân và một buồn tẻ. Một bên cứ rên đều, một bên cứ nằm im không nhúc nhích. Chàng thấy thương cả hai, nhưng muốn cho một người vui phải bỏ một. Mà chàng thì không thể. Cảm tưởng chàng lúc ấy bông lông, tinh thần thì tán loạn, chẳng còn biết mình muốn gì và nghĩ gì.
Ngồi chán, bỗng chàng cau mặt vỗ mạnh xuống chiếu rồi bước xuống đất. Khánh Ngọc mở chăn rồi lại trùm kín.
Trọng Khang đi đi, lại lại ở trong hầm mấy chục lượt, rồi hình như sự cử động đã đem đến yên tĩnh cho tâm hồn, chàng đến kéo chăn Khánh Ngọc, Khánh Ngọc vẫn chẳng nhúc nhích. Chàng khẽ vuốt những sợi tóc bơ phờ rủ xuống mặt, rồi khẽ gọi:
- Cô, cô!
Khánh Ngọc mở mắt. Nhưng mắt vừa mở, nước mắt đã theo mí mà trào ra.
- Cô có muốn nghe lời nói ngay thẳng của một người bạn rất quý mến cô không?
Mi mắt chớp để rơi những hạt lệ xuống cánh tay.
- Chúng ta bây giờ có bổn phận đối với người ốm đang rên ở bên cạnh này. Tôi nói thế này thì có kẻ cho là chướng tai, nhưng cô đã gần tôi lâu, chắc cô hiểu: chúng ta nhiều khi cũng phải biết sống vì người khác, vì những lẽ khác, ngoài những lẽ gây ra bởi tấm lòng vị kỷ. Cô đừng nên làm cho tấm lòng tôi quý mến cô giảm đi. Tôi thành thực mà nói rằng: tôi quý mến cô nhiều lắm.
Khánh Ngọc nhắm mắt, rồi lại mở to, rồi bỗng mồm mếu xệch:
- Thế bây giờ ông bảo tôi phải làm thế nào?
- Cô dậy rồi chúng ta cùng nấu cháo búp cho ông Giáp ăn.
- Tôi có biết nấu cháo búp là thế nào!
- Tôi sẽ dạy cô.
Khánh Ngọc giơ tay, Trọng Khang nắm tay nàng đỡ dậy. Chàng lại bồn nước, vò chiếc khăn mặt rồi đưa cho Khánh Ngọc.
- Cô nên xử ra một người... can đảm, biết tự chủ được mình để xứng đáng với bài học mà cô đã lặn lội từ Hà Nội vào đây để học.
- Nhưng tôi còn hèn yếu thế này, thì nào đã học được gì đâu!
- Cô đã học được của trường đời nhiều rồi. Nhưng... biết coi thường nguy hiểm ở ngoài chưa đủ. Nếu cô biết sai khiến được lòng cô nữa thì cô sẽ hoàn toàn.
Khánh Ngọc nhìn Trọng Khang bằng một cái nhìn sâu thẳm:
- Ông tưởng sai khiến được lòng mình dễ đấy à? Nhưng tôi, tôi cũng nghe ông, tôi xin cố để xứng đáng là đứa học trò của ông.
- Cô là người quả cảm, Vương lão gia cũng phải kính phục, tôi tin rằng nếu cô...muốn, là cô có thể làm được.
Khánh Ngọc đứng dậy, sửa lại mái tóc, rồi thở dài:
- Nào ai muốn những cái gì nó giết đời mình.
Trọng Khang tảng lờ như không nghe thấy:
- Bây giờ tôi cọ nồi, cô vo gạo, rồi ta nấu cháo.
- Ông bảo cháo búp nấu thế nào? Tôi thật là một người đàn bà rất đoảng. Có lẽ kiếp này tôi chỉ có thể lấy một người đàn ông đoảng như Giáp, chứ một người đàn ông khá, chắc là người ta phải khinh tôi.
- Như cô bây giờ thì không ai có quyền khinh cô cả. Cô đừng nên tự mạt sát mình một cách vô lý như thế. Cô ở vào một hoàn cảnh nó không cho cô biết những thứ đó.
Khánh Ngọc kéo đôi ủng đi vào chân cho đỡ lạnh, rồi đem gạo đi vo.
- Ấy cô cho khá vào. Cô cũng phải ăn chứ?
- Bụng tôi đầy chẳng thấy đói tí nào cả.
- Nhưng cũng phải cố mà ăn. Những lúc này không phải như ở nhà. Bất ngờ có thể xảy đến từng giờ. Có no lòng khi gặp việc mới đủ sức mà đối phó.
- Thế hay mâm cơm họ chưa bưng đi, tôi ăn vậy.
- Thôi, cô đang... thế, ăn sợ đầy. Chốc cô húp bát cháo đập quả trứng được rồi. Cháo búp ăn nhẹ, dễ tiêu, À quên, tôi chưa giảng giải cho cô thế nào là cháo búp. Cháo thường thì cứ cho gạo vào nước đun. Cháp búp thì khi sôi nước đổ cái nước đầu đi, rồi lại cho nước vào đun. Tôi không phải là nhà khoa học, chẳng hiểu làm thế thì có ích gì, nhưng thấy các cụ ta vẫn nấu như thế cho người ốm ăn thì tôi theo.
Cháo nấu xong, Trọng Khang đập hai quả trứng vào bát, rồi múc đầy cháo đưa cho Khánh Ngọc:
- Cô quấy lên. Rồi húp đi. Cô xem có sánh không? Chúng mình cũng là những tay nuôi người ốm khá lắm đấy chứ.
Khánh Ngọc vừa toan húp, Trọng Khang đã lại cản:
- Ấy chết, chưa có muối. Thế mà cứ khoe khéo mãi. Gói muối đây, cô liệu dùng bao nhiêu thì cho vào.
Khánh Ngọc húp xong bát cháo, toát mồ hôi. Trọng Khang lấy khăn tay đưa cho nàng.
Lau mặt xong, Khánh Ngọc cười bảo:
- Ông đối với tôi săn sóc quá. Tôi có cái cảm tưởng như tôi là em bé của ông.
Một cái nhìn yêu đương kèm theo câu nói ấy.
- Thì những gian nguy mà ba chúng ta cùng chung sống đã kết chúng ta thành anh em rồi.
Nụ cười rụng ngay trên làn môi son.
- Thôi bây giờ cô lại đánh thức ông Giáp dậy cho ông ta tỉnh đã. Tôi múc cháo, rồi cô ép ông ta thì ông ta phải ăn.
Khánh Ngọc buồn rầu lại giở chăn lay gọi Giáp. Bỗng nàng hốt hoảng gọi Trọng Khang:
- Trời ơi! Sao nóng như lửa?
- Thì tôi đã bảo ông ấy mệt nhiều quá. Nếu cơn sốt cứ tăng mãi thế này thì nguy quá. Hay tôi nhờ người lấy thuốc lá cho ông ấy uống nhé? Nhưng chỉ sợ ông ấy không chịu uống.
- Không, ông cứ nhờ lấy, tôi ép uống thì phải uống.
- Cô thử gọi xem có tỉnh không nào?
Giáp mở mắt là kêu chết. Những câu than làm cho hai người rối ruột.
Khánh Ngọc cầm chiếc khăn mặt nóng ở tay Trọng Khang lau mặt cho Giáp, rồi dỗ dành:
- Chết làm sao được. Anh chịu khó húp mấy thìa cháo cho đổ mồ hôi là tự khắc khỏi.
Giáp lắc đầu:
- Chết mất! Ăn làm sao được!
- Nói dại nào. Cảm xoàng một tí có làm sao.
Trọng Khang đỡ lưng Giáp, còn Khánh Ngọc thì dùng thìa đổ.
Hết bát cháo hai người trùm kín cả ba cái chăn lên mình Giáp.
- Nếu toát được mồ hôi thì thế nào cũng đỡ.
Mồ hôi đã chẳng toát ra, mà mười phút sau, Giáp bỗng thổ hết. Nôn xong Giáp lại rên, lại than. Than dứt lại nôn.
Mặt đỏ như gấc, mà hơi thở thì nóng giẫy.
Khánh Ngọc thấy thế, vùng bưng mặt khóc:
- Nếu anh ấy có mệnh hệ nào thì thật là tôi giết anh ấy. Trời ơi! Tôi làm chết bao nhiêu người rồi! Tôi thật là một con khốn nạn, một đứa không lòng ruột.
- Ồ, cô khóc, cô than thế có ích gì? Có khỏi được người ốm đâu. Những lúc này, mới cần phải biết không rối loạn.
Khánh Ngọc bùi ngùi lau nước mắt:
- Thế bây giờ, ông bảo làm thế nào?
- Chỉ còn cách mời Vương lão gia và nhờ ông ta lấy thuốc lá hộ.
Trọng Khang nhờ tên gác đi mời thì nửa giờ sau Vương Nhân đến với một người thầy thuốc.
Trông thấy cái bộ dạng lẩm cẩm của tên thầy thuốc Khánh Ngọc nói ngay:
- Tôi chỉ sợ những ngữ này chẳng biết gì, uống thuốc vào chẳng công hiệu, lại thêm hại.
- Biết làm thế nào? Ở đây người ta ốm đều nhờ y cả. Chẳng có thuốc như ở Hà Nội mà người ta vẫn sống. Cô cứ để y bốc thuốc xem sao. Tôi ở rừng những lúc ốm cũng chỉ uống thuốc lá đấy thôi.
Người thầy thuốc nhể các mạch máu ở tay, ở chân, ở mặt, rồi lấy lá về cho uống.
Bệnh chẳng thấy thuyên chuyển, Giáp cứ mê man nói lảm nhảm. Khánh Ngọc lo, mặt héo lại.
Đêm hôm ấy cả hai đều không ngủ. Đến khuya, Trọng Khang mới lấy một chiếc chăn ở trên mình Giáp bảo Khánh Ngọc:
- Cô cứ lo buồn và vất vả quá, nhỡ lại ốm nữa thì thật là khốn đốn. Cô ngủ đi để tôi canh cho.
- Thôi để ông ngủ. Tôi nhỡ có ốm nữa cũng chẳng sao, chứ ông mà ốm thì thật là chết cả nút. Ông vì tôi đã khổ sở bao nhiêu rồi.
Khánh Ngọc nói xong, lại khóc.
Trọng Khang nắm tay Khánh Ngọc:
- Lúc này cô phải nên tỏ ra một người có đảm lực. Sống, ta phải can đảm từng phút, từng giờ chứ chỉ can đảm trước một cái chết không đủ. Bây giờ, những câu nói suông không ích gì cả. Lúc này là lúc cô phải biết nghe lời tôi. Cô ngủ đi. Tôi dầm sương, dãi nắng và chịu nhọc mệt đã quen, dẫu có thức luôn ba đêm, cũng chẳng sao cả. Cô mà ốm nữa thì còn làm cho tôi khổ sở gấp mấy.
- Vâng thế thì em xin ngủ.
- Ừ, là em thì bảo phải nghe.
- Nhưng đêm lạnh, ông cũng phải trùm chăn lên chứ, không em tưởng tượng ông lạnh, em không tài nào ngủ được.
Nói xong, nàng chẳng chờ Trọng Khang trả lời, khoác chiếc chăn lên chân Trọng Khang, rồi nằm xuống cạnh. Trọng Khang vì muốn cho nàng ngủ, nên phải để yên.