Dịch giả: Đặng Thu Hương
Chương 2

    
uổi chiều một tuần lễ sau đó, một chiếc xe bóng nhoáng đậu bên ngoài tòa cao ốc đồ sộ của công ty xuất nhập khẩu Ý Antonio Brosi. Đúng 3h, Antonio Barosi rời khỏi văn phòng riêng ra xe. Viên giám đốc công ty tiễn ông ra tận xe và lắng nghe những chỉ thị của ông. Nếu Hausmann và Lanigan có nhìn thấy ông lúc này đây khi ông leo lên xe, họ có thể nhận dạng được ông ngay lập tức, nhưng không phải dưới cái tên Antonio Barosi. Giả sử ai đó hỏi họ, và giả sử họ trả lời, họ sẽ gọi ông là Carlos Pazini.
Người đàn ông đó chính là Carlos Pazini. Ông lái xe xuôi về khu Nam của thành phố rồi rẽ xuống mạn khu Đông sầm uất. Một cậu bé bán báo dạo gào lên: “Báo đây, báo đây. Tin đặc biệt đây”. Ông dừng xe lại và đón mua một tờ. Ông đọc cho đến hết những tít lớn và bài tường thuật ngắn về vụ bạo loạn vừa xảy ra của tổ chức phi chính phủ ở thành phố lân cận, về cái chết của Trưởng nha Cảnh sát McDuffy rồi mới nổ máy chạy tiếp. Khi ông đặt tờ báo xuống và tiếp tục cuộc hành trình, gương mặt ông ngời sáng vẻ tự hào, mãn nguyện. Tổ chức do ông thành lập đang hoạt động, và lần này đã hoạt động vô cùng hữu hiệu như mọi lần trước. Cuộc điều tra được tiến hành - trong vụ này hầu như chỉ điều tra chiếu lệ mà thôi - lệnh giết được ban ra, và thế là mạng tên McDuffy được kết liễu. Ông khẽ mỉm cười khi cho xe lui đến trước tòa chung cư hiện đại nằm tiếp cận một trong những khu ổ chuột xô bồ nhất ở khu Đông. Nhóm Caroline Warfield - Ông nghĩ - giờ này chắc phải đang ăn mừng. Cái bọn khủng bố mà gan thỏ đế không có đủ can đảm giết người!
Antonio đi thang máy lên tầng cao nhất, bấm nút phòng và một thiếu nữ trẻ ra đón ông. Cô vòng hai tay ôm cổ ông, hôn và rót vào tai ông hàng bao nhiêu lời âu yếm yêu thương bằng tiếng Ý. Và ông trìu mến gọi cô là Rita.
Cô đưa ông vào một căn phòng đầy đủ tiện nghi, thiết kế tuyệt hảo và vô cùng lịch sự đối với một căn hộ ở khu Đông. Cách bày biện đồ đạc và trang trí nội thất toát lên sự giản dị thanh khiết, trang nhã và sành điệu. Quanh phòng là vô số tủ sách, một chiếc bàn đầy những tạp chí và ở goc kia là một chiếc đàn dương cầm cỡ lớn. Rita là một cô gái Ý tóc vàng, màu vàng hoe đẹp khác hẳn với mái tóc của Antonio.
- Đáng lẽ bác phải điện thoại cho con biết trước chứ - Cô trách yêu bằng thứ tiếng Anh rất nhẹ, cũng giống như thứ tiếng Anh của ông - Con có thể đi đâu chơi thì sao. Bác thật là bất thường, con chẳng bao giờ biết khi nào bác đến cả.
Buông tờ báo buổi chiều xuống bên cạnh, ông ngả lưng xuống mấy chiếc nệm bông trên chiếc xa-lông cạnh cửa sổ.
- À, Rita thân yêu này, con không nên mắng mỏ bác như thế - Ông trách cứ và nhín cô tràn đầy thương mến - Bác có phải là các cô giữ trẻ khốn khổ của con đâu, và bác sẽ chẳng để con điều khiển bác, dù là chỉ ra lệnh khi nào khi nào cần rửa mặt hay hỉ mũi. Bác đến xem con có nhà không, nhưng chủ yếu để chạy thử chiếc xe mới. Con có muốn đi thử xe một vòng không nào?
Cô gái lắc đầu.
- Chiều nay không được bác à, con có khách lúc 4h.
- Bác sẽ nhớ đến giờ hẹn của con - Ông xem đồng hồ - À, mà bác muốn đến hỏi xem con có về nhà cuối tuần này không? Cả bác lẫn con đều không về thì ở Edge Moor sẽ hiu quạnh lắm!
- Con mới ở đằng đó cách đây ba hôm mà - Cô phụng phịu - Grosset kể rằng cả tháng rồi mà bác chưa về.
- Bác bận quá. Nhưng bác sẽ nghỉ xả hơi một tuần và tha hồ đọc sách. Thế nhưng tại sao Grosset lại phải kể lể với con là bác đã không về đó một tháng nay, nếu chẳng phải vì con cũng đã không về?
- Ôi, bác điều tra con đấy à, con bận, bận lắm, cũng như bác ấy mà - Cô cười ròn rã và chồm người sang vuốt ve bàn tay ông.
- Cuối tuần con về không?
- Giờ mới thứ Hai mà bác - Cô suy nghĩ... - Vâng, con sẽ về, nếu... - Cô ngưng lại, giọng tinh nghịch... - Nếu con được phép mời một người bạn về nhà chơi. Con biết chắc bác sẽ thích anh ấy.
- À, hóa ra là thế. Anh chàng của con đấy à? Chắc lại là một trong những nhà xã hội tóc dài chứ gì!
- Không phải, anh này khác hẳn bác à. Nhưng, bác yêu quý này, bác hẳn phải biết nhiều chuyện để kể hơn là lặp đi lặp lại những lời bông đùa như vậy chứ. Con cả đời chưa nhìn thấy một nhà xã hội tóc dài nào. Bác có thấy chưa?
- Chưa. Nhưng bác có nhìn thấy họ uống bia - Ông nói giọng chắc nịch.
- Con phải phạt bác mới được - Cô nhặt một cái nệm bông và tiến đến ông một cách đe dọa - Con sẽ làm như mấy cô dạy trẻ của con thường đe - “Cô sẽ đánh đòn em cho mà xem!” - Bác xem này, này, này...
- Rita! Bác phản đối. - Ông vừa càu nhàu, vừa thở hổn hển đõ chiếc nệm bông giáng xuống - Chẳng đúng chút nào, chẳng ra thể thống nào cả. Ai lại đi đối xử với bác như thế. Bác già rồi mà.
- Rõ vớ vẩn! - Rita nhanh nhẩu ngăn không cho ông nói tiếp và quăng chiếc nệm bông đi. - Cô cầm tay ông lên, xem xét những ngón tay - Con đã nhìn thấy những ngón tay này xé cả bộ bài làm hai và bẻ cong những đồng xu.
- Đó là chuyện ngày xưa con ạ. Bây giờ tay bác... yếu lắm.
Ông để những ngón tay của mình nằm im lìm mềm xỉu trong tay cô, và điều này chỉ làm cô thêm tức giận. - Cô đặt tay lên bắp tay của ông và ra lệnh - Bác gồng lên đi
- Bác, bác không thể gồng được - Ông lắp bắp - Ối, ối chao ôi! Đây, gồng thế này là hết sức bác rồi đấy! - Ông cố gắng một cách yếu đuối - Thịt bác bắt đầu nhão rồi con ạ, gân cốt lỏng lẻo cả vì tuổi già sồng sộc kéo tới...
- Bác gồng đi! - Cô la lên, vừa la vừa giậm chân đùng đùng.
Barosi chịu thua và chiều ý cô. Khi bắp tay ông nổi lên cuồn cuộn dưới tay cô, mắt cô ngời lên vẻ thán phục.
- Cứng như thép - Cô lẩm bẩm - chỉ khác rằng đây là thép sống. Thật là tuyệt vời. Bác mạnh kinh khủng thật. Bác mà đánh đòn chắc con chết mất thôi!
- Con nhớ - Ông đáp - và phải công nhận rằng khi con còn bé, bác chưa hề đánh con, thậm chí khi con rất hư đi nữa.
- Vâng, con nhớ. Nhưng bác này, hẳn vì lương tâm bác không cho phép bác đánh con chứ gì?
- Đúng như vậy, nhưng cũng có khi lương tâm bác bị chao đảo, mà đó là do lỗi tại con quá quắt lắm. Thường là vào dạo con từ 3 đến 6 tuổi. Rita thương yêu của bác này, bác không muốn làm con giận, nhưng thực sự mà nói, con là một con bé rất hung tợn, dã man, hoang dại, con giống như một con thú dữ, một con... quỷ nhỏ, một con sói cái không biết phải trái, không biết cư xử, một con...
Nhưng Rita đã đưa chiếc nệm lên đe dọa làm ông phải ngừng lại và đưa vong hai tay che lấy đầu.
- Thấy chưa! - Ông la lên - Sự khác biệt duy nhất mà bác nhận thấy giữa con hồi đó và con bây giờ là con đã thành một con thú trưởng thành. Con thú ý thức về sức mạnh của mình, và đang bắt đầu sử dụng sức mạnh đó với bác. Nhưng cũng chưa muộn đâu. Nếu lần tới con lại quất bác như thế này, bác nhất định sẽ đét đít con, dù là con đã trở thành một thiếu nữ, một thiếu nữ đẫy đà đi nữa.
- Ôi, ông bác tàn nhẫn. Con đâu có thế! - Cô đập thẳng tay
- Hãy nhìn đây này. Con sờ thử coi. Toàn bắp thịt cả. Bác nặng gần 60 ki-lô. Con có chịu thôi chưa nào?
Cái đệm bông lại phủ tới tấp lên người ông, và ngay đang khi ông đang vùng vẫy bảo vệ mình, vừa cười vừa cằn nhằn, vừa tránh né vừa vung tay che đầu thì cô người hầu bước vào, tay xách một ấm nước sa-mô-va. Rita ngừng lại để pha trà.
- Một trong những cô dạy trẻ của con đấy phải không? - Ông hỏi khi cô người hầu lui ra.
Rita khẽ gật đầu.
Ông nhận xét - Cô ta trông đàng hoàng đấy chứ. Gương mặt cô ta thật là thanh khiết.
- Đừng làm con phồng mũi lên vì sự nghiệp của con - Cô mỉm cười đáp, và đưa tay vuốt ve khi mời ông tách trà - Coc chỉ mới thực hiện cuộc cách mạng trong quy mô cá nhân, thế thôi. Bác không còn tin những gì bác đã làm khi ở tuổi hai mươi đâu, phải không bác?
Barosi lắc đầu.
- Có lẽ bác chỉ là một người hay mơ mộng - Ông nói, giọng đăm chiêu.
- Bác đã học nhiều, đọc sách nhiều. Vậy mà bác chẳng làm gì giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Bác chẳng bao giờ ra tay cả!
- Bác chẳng bao giờ ra tay cả - Ông nhắc lại một cách buồn bã, và cũng ngay khi đó, mắt ông chạm phải những dòng tít lớn trên tờ bào tường thuật về cái chết của McDuffy. Ông phải cố gắng kiềm chế lắm mới khỏi nhếch mép cười.
- Bản tính người Ý là như vậy - Rita cao giọng - Học hành, nghiên cứu, suy tưởng tất cả mọi thứ nhưng không bao giờ hành động. Nhưng con... - Giọng nói trẻ trung của cô cất cao một cách chiến thắng -... con thuộc một thế hệ mới, thế hệ thanh niên Mỹ đầu tiên...
- Nhớ rằng con là gốc Ý - Ông lạnh lùng xen vào.
- Nhưng con đã lớn lên ở Mỹ. Khi mới sang đây con còn ẵm ngửa. Con chỉ biết duy nhất có đất nước này, đất nước của hành động. Nhưng bác Antonio này, bác có thể trở thành một thế lực lớn, nếu bác không theo đuổi việc kinh doanh nữa.
- Hãy nhìn lại tất cả những gì con đã làm ở đây - Ông đáp - Đừng quên chính nhờ công việc kinh doanh của bác mà con có thế thực hiện được sự nghiệp của con. Con thấy không, bác làm tốt do... - Ông ngập ngừng và nhớ đến Hausmann, tên khủng bố nhu nhược - Bác làm tốt do được ủy nhiệm. Chính là thế. Con là sự ủy nhiệm của bác...
- Con biết điều đó. Nãy giờ con nói những điều thật tồi tệ quá - Cô nói, giọng hối hận - Chính bác làm hư con đấy. Con chưa hề biết mặt cha con, do đó con thực tâm biết ơn bác đã thay thế cha con. Cha con - mà cũng không có người nào - lại có thể yêu thương con với tấm lòng nhân từ bao la như bác...
Và lần này, thay cho những cú đập bằng nệm bông, cô hôn tới tấp người đàn ông tóc thưa màu vàng kia với những bắp thịt cứng như thép giờ đang ngả lưng trên chiếc ghế xa-lông cạnh cửa sổ.
- Chủ nghĩa vô chính phủ của con ra sao rồi? - Ông hỏi một cách ranh mãnh, thực tâm để che giấu những tình cảm khó tả và niệm hạnh phúc đang dâng lên trong lòng ông khi nghe những lời bộc lộ ban nãy - Cách đây vài năm, bác trông con đã ra vẻ sắp trở thành một nhà xã hội bản lĩnh rồi đấy.
Cô miễn cưỡng thú nhận:
- Con... con thực sự có khuynh hướng như vậy.
- Chỉ có khuynh hướng thôi à. - Ông hét lên - Con dằn vặt bác, con cố thuyết phục bác bỏ công việc kinh doanh để cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp phụng sự nhân loại. Con có nhớ không, con luôn nói đến “sự nghiệp”, thứ sự nghiệp viết hoa. Rồi con lao vào cái công việc ở khu ổ chuột này - mà thực chất là con đã hòa hoãn với kẻ thù - đi chắp vá lại những mảnh rách khốn khổ của một xã hội mà con khinh bỉ...
Cô giơ một tay lên phản đối.
- Chứ con gọi nó là cái gì khác cơ chứ? - Ông gằn giọng - Hội Thanh Niên, Hội Thanh Nữ, Hội Những Người Mẹ Trẻ. Tại sao con không đi thành lập cái nhà giữ trẻ ban ngày cho các bà mẹ công nhân? Điều đó chỉ có nghĩa là, bằng cách trông nom con cái họ trong giờ làm việc, con đã tạo điều kiện cho bọn chủ bóc lột những bà mẹ nhiều hơn nữa.
- Nhưng con đã tử tế bỏ cái kế hoạch giữ trẻ ban ngày rồi, bác biết đấy.
Barosi gật đầu.
- Và còn vài một điều khác nữa. Con đã trở nên thực sự bảo thủ rồi. Người có tinh thần cách mạng không thể như thế được.
- Con đang tập trưởng thành, bác ạ. Việc phát triển xã hội đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Đó không phải chuyện một sớm một chiều. Phải thi hành từng bước một. Ồ, con cũng chỉ là một kẻ vô chính phủ hay triết lý. Tất cả những nhà hoạt động xã hội thông minh đều như thế cả.
- Tên anh ta là gì? - Barosi đột nhiên hỏi.
- Ai cơ? Cái gì ạ? - Đôi má cô chợt ửng hồng lên vì xấu hổ.
Barosi lặng lẽ nhấp trà và chờ đợi.
Rita trấn tĩnh lại và nhìn ông hết sức chân thành trong một lúc.
- Con sẽ kể cho bác nghe vào tối thứ bảy, ở Edge Moor. Anh ta - anh ta cắt tóc ngắn.
- Người khách con định mời về nhà đấy phải không?
Cô gật đầu.
- Đến lúc ấy con sẽ kể cho bác nghe nhiều hơn.
- Có phải con đã...? - Ông hỏi.
- Con nghĩ... con nghĩ con đã... - Cô lắp bắp.
- Anh ta có nói gì với con chưa?
- Dạ rồi... và chưa. Anh ta có một cách nói cứ y như mọi việc đã được công nhận. Bác đợi mà xem. Bác sẽ thích anh ấy, bác Antonio ạ, con tin chắc như thế. Và bác cũng sẽ nể đầu óc của anh ấy nữa. Anh ấy là khách của con lúc 4h đấy. Bác đợi gặp anh ấy nhé. Con năn nỉ bác đấy.
Nhưng Antonio Barosi, bí danh Carlos Pazini, xem đồng hồ và vội đứng dậy.
- Không được. Con mời anh ta đến Edge Moor thứ bảy này Rita ạ, và bác sẽ cố hết sức để thích anh ta. Khi đó bác sẽ có nhiều cơ hội hơn là bây giờ. Bác sẽ nghỉ xả hơi một tuần. Nếu câu chuyện đã trở nên nghiêm trọng như cách con nói, hãy lưu anh ta ở chơi với bác suốt tuần.
- Anh ấy bận lắm - Cô đáp - Con phải cố thuyết phục lắm anh ấy mới chịu đến chơi vào cuối tuần.
- Công việc làm ăn à?
- Cũng có thể nói như vậy. Nhưng không phải là công việc làm ăn theo đúng nghĩa của nó. Anh ta không kinh doanh. Anh ấy rất giàu, bác ạ. Việc làm anh ta bận rộn, nếu diễn tả đúng nhất, là việc cải tạo xã hội. Nhưng bác sẽ thán phục đầu óc anh ta cho mà xem, bác Antonio ạ, và cả kính trọng nữa.
- Bác hy vọng như thế... vì con đấy, Rita ạ - Barosi nói lời cuối cùng khi họ ôm nhau và chia tay ở cổng.