CHƯƠNG 5

     Khi tôi và Horemheb bước vào cung điện thì Hoàng đế Amenophis đang ngồi làm mẫu cho các nhà điêu khắc tạc hình ngài. Theo truyền thống, các Pharaoh đều cho tạc một pho tượng mẫu làm tiêu chuẩn cho việc khắc ghi hình ảnh của mình trong các đền đài, lăng tẩm, cột trụ, bia đá để lại cho đời sau. Việc chọn bức tượng mẫu là điều vô cùng quan trọng nên các Pharaoh đều xét rất kỹ pho tượng này cho đến khi thật vừa ý mới thôi.
Vừa thấy chúng tôi, Hoàng đế Amenophis đã hỏi:
- Này Horemheb, ngươi thấy những bức tượng này như thế nào?
Horemheb nhìn ngắm qua loa một vài pho tượng rồi khéo léo nói:
- Pho tượng nào cũng đẹp cả, hạ thần là kẻ chỉ biết dùng kiếm chứ không biết gì nhiều về nghệ thuật, xin Pharaoh hãy hỏi những người có khiếu thẩm mỹ hơn.
Hoàng đế quay qua tôi:
- Phần ngươi thấy sao?
Tôi chăm chú quan sát những pho tượng nhưng thất vọng vì không hiểu sao chúng không giống Hoàng đế chút nào. Pharaoh Amenophis có khuôn mặt dài như mặt ngựa, đôi lông mày rất rậm và hai con mắt lớn, gần như lồi ra. Theo tiêu chuẩn lúc đó thì ngài không phải là người “đẹp trai” cho lắm nhưng đa số pho tượng nào cũng tạc ngài có khuôn mặt vuông vức, cặp mắt oai nghiêm với những đường nét hùng tráng. Tuy Hoàng đế cao lớn nhưng vì ít hoạt động nên bụng ngài cũng to hơn người thường. Thế mà các nhà điêu khắc lại tạc ngài có một thân thể cân đối, khỏe mạnh, ngực nở, bụng thon. Tôi định lên tiếng phê bình thì bỗng Horemheb đằng hắng một tiếng lớn khiến tôi giật mình ấp úng, nửa muốn nói, nửa lại ngại ngùng.
Hoàng đế mỉm cười:
- Ta đang trách các nhà điêu khắc vụng về vì các pho tượng này không giống ta chút nào. Ta muốn họ tạc lại cho đúng với sự thật… Này Sinuhe, ngươi đừng ngại ngùng gì, cứ thẳng thắn nói đi.
- Hạ thần đồng ý với nhận xét của Pharaoh.
Nghe thế, Horemheb liền phát tay ra hiệu cho các nhà điêu khắc:
- Các ông đã nghe rõ lệnh của Pharaoh chưa?
Các nhà điêu khắc nhìn nhau ngơ ngác. Theo truyền thống Ai Cập, Pharaoh vừa là người, vừa là thần, làm trung gian giữa các sức mạnh huyền bí và các kiến thức siêu việt. Một người như thế phải có hình dáng oai nghiêm, hùng tráng khác thường chứ tạc hình một kẻ mặt dài, mắt lồi, bụng phệ thì có khác gì chế giễu Hoàng đế? Tội phạm thượng như thế có thể bị quăng vào hầm sư tử đói ngay. Không những thế, đây là bức tượng mẫu làm chuẩn cho mọi công trình kiến trúc, nghệ thuật và tài liệu lịch sử sau này. Không lẽ trong các lăng tẩm, bia đá, thạch trụ lại tạc hình một người “xấu trai” như thế sao?
Hình như đoán được ý các nhà điêu khắc, Hoàng đế Amenophis mỉm cười khuyên:
- Các ông hãy làm việc cho đúng với sự thật, đừng thay đổi hay thêm thắt gì. Nghệ thuật chân chính là việc nói lên sự thật vì chỉ có sự thật mới tồn tại muôn đời. Các ông đừng vẽ vời những đường nét không đúng với sự thật.
Các nhà điêu khắc vội vã bắt tay vào việc. Hoàng đế Amenophis thong thả ngồi xuống ghế làm mẫu. Một gã nô lệ đưa vào một đoàn hát giúp vui. Horemheb ra dấu cho tôi ngồi xuống nghe nhưng tôi không phải là người biết thưởng thức âm nhạc nên chỉ ngồi nghe lấy lệ. Truyền thống âm nhạc Ai Cập gắn liền với tôn giáo, đa số các nhạc sĩ đều được giáo dục cẩn thận trong các đền thờ vì âm nhạc chính là những nghi thức tôn giáo. Cũng vì thế, đối tượng của âm nhạc luôn luôn bị giới hạn và tập trung vào việc ca tụng thần linh hoặc công lao của Pharaoh mà thôi.
Nghe một lúc, Hoàng đế Amenophis nhăn mặt:
- Ta chán những loại âm nhạc như thế này rồi. Horemheb hãy ra ngoài thành tìm cho ta một đoàn hát rong vào đây.
Đoàn hát rong là những nghệ sĩ lang thang sống rày đây mai đó và không chịu sự quản thúc của các giáo sĩ trong đền thờ. Không những người hát rong có một loại nhạc khác thường mà còn sử dụng các nhạc khí khác hẳn với các nhạc khí truyền thống. Vì không chịu tuân theo các khuôn mẫu tôn giáo nên đối tượng âm nhạc của họ rất tự do, phóng khoáng và vì thế các nhóm hát rong đều bị giới giáo sĩ lên án gắt gao. Có nhiều lúc họ bị ngược đãi, tù đày và loại nhạc của họ bị cấm đoán nhưng họ vẫn lén lút hoạt động vì nhạc của họ thích hợp với lòng dân hơn các loại nhạc truyền thống tôn giáo.
Một lúc sau, Horemheb dẫn vào một đoàn hát rong phục sức rất lạ lùng. Họ ngơ ngác nhìn Pharaoh với một vẻ e dè, sợ sệt vì không biết vị hoàng đế này muốn gì.
Đoàn hát gồm một ông già sử dụng nhạc khí, hai thanh niên chuyên nhào lộn biểu diễn và ba cô gái vừa múa, vừa hát, vừa kể chuyện cổ tích dân gian. Được lệnh, họ bắt đầu trổ tài nhưng có lẽ còn e ngại nên họ tự giới hạn việc trình diễn trong các bản nhạc truyền thống mà thôi.
Nghe một lúc, Hoàng đế lên tiếng:
- Phải chăng các ngươi từ miền Đông đến?
- Thưa vâng, chúng tôi đến từ vùng Beda.
Hoàng đế gật đầu ra lệnh:
- Nếu vậy ta muốn nghe những bài hát đặc biệt của dân Palestine.
Đối với người Ai Cập, Palestine chỉ là miền sa mạc hoang vu, dân cư thưa thớt sống quanh những ốc đảo và bị coi khinh là man di mọi rợ. Việc Pharaoh thưởng thức nhạc của kẻ thiếu văn minh này là một điều hết sức bất ngờ cho những nhạc công trong triều. Tôi nhìn rõ những nét mặt khó chịu, đầy bất mãn của họ nhưng dĩ nhiên không ai dám có phản ứng gì. Tôi ngồi nghe một lúc rồi nhân cơ hội không ai để ý, chuồn về nhà trọ nghỉ ngơi.
Việc một Pharaoh lại thích nghe những loại nhạc dân gian này được loan truyền khắp thủ đô. Người ta bàn tán xôn xao, người chê, kẻ khen nhưng vài hôm sau khi có tin một đoàn hát rong khác cũng được mời vào cung trình diễn thì dư luận đã thay đổi nhanh chóng. Khắp Memphis, các đoàn hát rong ở đâu xuất hiện như cỏ dại sau cơn mưa rào. Các bài hát với thể nhạc và âm điệu mới được dịp phổ biến và lan rộng khắp nơi.
Ít lâu sau, khi pho tượng mẫu của Hoàng đế Amenophis đời thứ tư được hoàn tất thì người ta còn sửng sốt hơn nữa. Đây là lần đầu tiên người Ai Cập thấy Pharaoh của họ có đường nét giống người hơn là một vị thần. Pho tượng Pharaoh có khuôn mặt dài, lông mày rậm, mắt lồi và chiếc bụng khá lớn đã trở thành đề tài của nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi. Người bảo thủ thì chê Pharaoh không có khiếu thẩm mỹ nhưng giới nghệ sĩ đã dẫn chứng câu nói của Pharaoh: “Nghệ thuật chân chính là việc nói lên sự thật vì chỉ có sự thật mới tồn tại muôn đời” như bằng chứng cho sự thay đổi đang bắt đầu.
Theo truyền thống, cửa cung điện luôn luôn đặt một tấm bia đá ghi chép công trạng của Pharaoh đương thời. Khi vua qua đời, tấm bia đá này sẽ được chôn theo mộ vua như một chứng tích về cuộc đời và công trạng hiển hách của hoàng đế đối với lịch sử Ai Cập. Vì tầm mức quan trọng của nó, các Pharaoh đều cho khắc thêm hình ảnh của mình oai nghiêm ngồi trên ngai vàng với các thần linh bao quanh che chở và ban phép lành.
Đến đời Pharaoh Ahmose, nhà vua cho khắc hình ảnh của vua và mẹ vua, Thái hậu Ebana, ngồi cạnh nhau. Đây là lần đầu trong lịch sử Ai Cập, hình ảnh một người đàn bà được khắc lên tấm bia đá danh dự này. Trong suốt mấy chục năm, Hoàng đế Ahmose phải lo đánh nam dẹp bắc, mở mang bờ cõi cho Ai Cập nên mẹ vua, Thái hậu Ebana, đã thay mặt ông trông coi việc triều chính, do đó bà được hưởng danh dự này.
Đến đời Pharaoh Amenophis đệ nhất, nhà vua cũng cho khắc hình ảnh mình và mẹ mình, Thái hậu Nofretari, lên bia đá. Sở dĩ Thái hậu Nofretari được tôn sùng vì bà đã cho xây nhiều đền thờ khắp nước và được giới giáo sĩ coi là ân nhân lớn của họ. Hình ảnh bà và Pharaoh đang làm lễ dâng hương trước bàn thờ thần linh, với các giáo sĩ đứng hầu chung quanh, đã nói lên lòng sùng tín và sức mạnh của tôn giáo trong triều đại này.
Pharaoh Amenophis đệ nhị có công mở mang bờ cõi lên miền bắc. Ông chiếm đất Palestine và Syria, bắt sống hai vị vua xứ này rồi cầm tù họ trong nhiều năm trước khi thả ra. Ông cho khắc hình ảnh của mình oai hùng ngồi trên xe ngựa với hai vị vua xứ kia bị trói ở phía sau.
Theo gương cha, Pharaoh Amenophis đệ tam tiếp tục mở mang bờ cõi cho Ai Cập. Phía bắc, ông đánh phá Syria và Palestine, bắt hai xứ này qui phục làm chư hầu, hàng năm phải triều sống. Phía nam, ông xua quân chiếm Nubia và bắt hàng ngàn trẻ con xứ này mang về Ai Cập làm nô lệ. Vua xứ Nubia phải cắt một nửa lãnh thổ, những vùng có mỏ vàng mỏ bạc, cống hiến cho Ai Cập. Không như Syria và Palestine là nước chư hầu, Nubia trở thành thuộc địa, đặt dưới sự cai quản của một hoàng thân có công lớn là Oka Mazuk (ông ngoại tôi). Pharaoh Amenophis đệ tam đã cho ghi khắc hình ảnh của mình oai hùng ngồi trên xe ngựa, theo sau là những đoàn xe chuyên chở tài nguyên, chiến lợi phẩm, cùng rất nhiều nô lệ bị trói dẫn đi theo xe.
Dư luận Ai Cập bắt đầu bàn tán, không biết Pharaoh Amenophis đệ tứ sẽ cho ghi khắc hình ảnh, công trạng của mình như thế nào lên tấm bia đá danh dự kia? Không lẽ lại tạc hình một kẻ mặt dài, lông mày rậm, bụng to ngồi xem các đoàn hát rong trình diễn? Khắp Memphis, người ta đã bàn bạc và đánh cá với nhau về hình ảnh ghi khắc trên tấm bia này cho đến khi nó được công bố: Theo gương cha và ông nội, Hoàng đế Amenophis đời thứ tư cũng cho khắc hình ảnh của mình đứng trên xe ngựa. Thay vì cầm gươm thì nhà vua lại cầm một bó hoa và đamg ôm hôn Hoàng hậu Nefertiti một cách nồng nàn. Thay vì có các thần linh bao quanh che chở thì nhà vua cho khắc một chiếc đĩa vàng (Aten) to lớn, tượng trưng cho ngôi Thái Dương. Ngay trên tấm bia, Hoàng đế còn ban sắc lệnh thay đổi danh hiệu cho mình từ Amenophis đời thứ tư thành Akhenaten đời thứ nhất.
(Akhenaten có thể tạm dịch là thuận theo ý trời hay ngôi Thái Dương, tượng trưng bằng chiếc đĩa tròn (Aten). Chữ Akhen có nghĩa là hoàn toàn dâng hiến. Chữ Khen, gốc ở bộ chữ Shu còn có nghĩa là ánh sáng hướng dẫn. Cuốn Tử Thư Ai Cập đề cập rất nhiều đến bộ chữ Shu và sử dụng chữ Khen như luồng sáng hướng dẫn linh hồn đi tái sinh hay sự đổi mới. – Ghi chú của dịch giả)
Tấm bia đá lịch sử này đã tạo ra một chấn động lớn khắp nước. Giới giáo sĩ cực lực phản đối vị lãnh đạo tinh thần của họ vì không chú trọng gì đến các thần linh mà chỉ đề cao một chiếc đĩa tròn, tượng trưng cho ngôi Thái Dương. Ngoài ra họ cũng bất mãn về việc nhà vua cho khắc hình ảnh một người đàn bà, chưa có công trạng gì rõ rệt, lên tấm bia đá danh dự. Giới quan lại cũng hết sức khó chịu vì việc đầu tiên Pharaoh ban hành là những đạo luật giảm thuế, bãi bỏ việc sưu tra để bắt đinh và cắt giảm quyền hành của một số quan lại và giáo sĩ. Giới quân nhân cũng phản đối vị lãnh đạo quân sự của họ, thay vì cầm gươm giáo lại cầm một bó hoa. Một vị chỉ huy thích hoa và đàn bà hơn gươm giáo như thế sẽ khó lòng gây chiến tranh và nếu không có chiến tranh thì quân đội sẽ không được hưởng các quyền lợi vật chất như đất đai, nô lệ; đó là chưa kể việc thăng quan tiến chức nhờ chiến tranh.
Tuy nhiên với người dân Ai Cập thì việc có một Pharaoh “khác thường” này đã tạo ra nhiều thích thú bất ngờ và mở đầu cho một phong trào cải cách chưa từng có trong lịch sử. Người ta bắt đầu nói đến tình yêu nam nữ trong văn chương và âm nhạc; người ta đề cập đến thời trang phụ nữ qua hình ảnh Hoàng hậu Nefertiti.
Khi mối đe dọa của chiến tranh không còn nữa, qua những hòa ước ký kết với các nước láng giềng, thì người dân Ai Cập bắt đầu lo kiến thiết. Các công trình xây cất được khởi công từ Abka, sát biên giới Nubia đến Beda, biên giới Palestins. Khắp nơi, các thi sĩ được tự do làm thơ, các đoàn hát rong được tự do phổ biến tư tưởng mới lạ và nhiều môn văn học nghệ thuật mới được phát sinh.
Người Ai Cập rất thích bích họa nhưng hầu như từ trước đến nay, mọi tranh ảnh đều có tính cách tôn giáo, miêu tả giai thoại phục sinh của thần Osiris hay việc xét xử của thần Horus. Kể từ lúc Hoàng đế Akhenaten lên ngôi, không đề cao thần linh nữa, thì những bức tranh miêu tả đời sống bình thường của người dân bắt đầu xuất hiện. Tranh vẽ cảnh dân chúng làm ruộng, cảnh những thuyền đánh cá trên sông Nile, cảnh trẻ con chơi đùa trong những ngày hội v.v… được vẽ nhan nhản khắp nơi. Các họa sĩ đua nhau sáng tác, các trường phái hội họa ra đời đưa nghệ thuật hội họa Ai Cập lên một địa vị quan trọng chưa từng có.
Nghành thủ công ngệ cũng phát triển. Các hàng sợi dệt được phổ biến khắp nơi nên thời trang cũng bắt đầu thay đổi. Mái tóc của phụ nữ được chải chuốt và bới cao lên thay vì để xõa, rồi được tô điểm bằng những màu sắc lạ lùng. Đồ trang sức, mỹ phẩm từ các xứ quanh vùng như Assyria, Ba Tư, Babylon, A Phú Hãn, Ấn Độ được dịp tràn vào thị trường Ai Cập khiến việc buôn bán, trao đổi hàng hóa phát triển mãnh liệt. Những bộ lạc Do Thái nghèo đói sống vất vưởng trong vùng Palestine bỗng trở nên những con buôn thiện nghệ, hăng hái tìm đến những nơi xa xôi mua những thứ hiếm có để bán tại Ai Cập.
Từ trước đến nay, văn kiện, thư từ đều được khắc lên bảng đá hoặc ghi lại trên giấy chỉ thảo rất tốn kém, chỉ dành cho triều đình và giới quí tộc. Từ lâu, người Ba Tư đã phát kiến ra việc sử dụng những mảnh đất sét để khắc chữ vào rồi nung lên để giữ được lâu nên việc liên lạc, truyền thông đã được phổ biến mạnh mẽ. Ba Tư là xứ yêu chuộng văn chương, thơ phú nên thơ văn ghi chép trên những mảnh đất nung này cũng theo hàng hóa truyền vào Ai Cập. Các bài thơ ghi trên mảnh ngói được thanh niên nam nữ truyền tay nhau đọc rất nhiều.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Hoàng đế Akhenaten lên ngôi, bộ mặt của Ai Cập đã đổi khác. Từ Memphis đến Thebes, từ Edfu đến Hiba đều tràn ngập những đoàn thương buôn khắp nơi kéo đến mua bán, đổi chác.
Đối với người Ai Cập, Pharaoh là một vị thần có trách nhiệm cai trị xứ này, quyền hành của Pharaoh là tuyệt đối, kẻ nào bất tuân sẽ bị xử tử, nên dù không đồng ý với chủ trương cải cách của Akhenaten nhưng không ai dám tỏ thái độ. Sau Pharaoh là giới giáo sĩ, làm trung gian giữa thần và người, phụ tá cho Pharaoh trong việc cai trị Ai Cập. Dù Pharaoh được truyền ngôi cho con nhưng người này chỉ chính thức trở thành Pharaoh sau khi được các giáo sĩ làm nghi lễ phong vương. Trong buổi lễ này, Pharaoh sẽ hứa hẹn với thần linh một số điều kiện như cúng lễ vật, xây cất đền thờ, hoặc ban hành các đạo luật dành nhiều quyền lợi cho giới giáo sĩ.
Không ai biết lúc lên ngôi, Akhenaten đã hứa hẹn những gì nhưng việc ông thay đổi nghi thức trong triều, không đề cao thần linh mà tôn thờ chiếc đĩa tròn (Aten) tượng trưng cho ngôi Thái Dương đã làm giới giáo sĩ quan tâm nhưng họ chưa dám tỏ thái độ. Đa số chưa quên biến cố phản loạn vừa xảy ra. Mặc dù Akhenaten đã ra lệnh thiêu hủy chứng tích, không trừng phạt ai nhưng mọi người đều biết Smenkere là người đã đích thân điều tra, phát hiện các phần tử phản nghịch nên ai cũng kiêng nể ông này. Việc Akhenaten phá lệ, phong cho một người ngoài giòng họ như Smenkere làm tể tướng đã củng cố ngôi vị của Pharaoh thêm vững chắc.
Người Ai Cập tôn thờ rất nhiều thần linh, hầu như làng mạc, thôn xóm nào cũng có những vị thần địa phương như thần làng, thần cây, thần sông, thần núi. Không những thế, mỗi gia tộc còn có những thần linh trông nom gia tộc của họ. Họ xây cất một nhà từ đường để những người trong gia tộc đến đó lễ bái, cầu xin. Trên nguyên tắc, thần gia tộc không nhiều quyền lực như thần làng, thần làng không nhiều quyền lực bằng thần tỉnh, và thần tỉnh không bằng các thần linh cai trị những vùng có phạm vi địa lý rộng lớn hơn.
Có hàng ngàn thần linh và những thần này luôn luôn thay đổi tùy theo các biến cố xảy ra trong xã hội loài người. Một gia đình giàu có, thế lực, có thể ảnh hưởng đến cả làng, có nghĩa là vị thần gia tộc đó đã mạnh hơn vị thần làng. Người gia trưởng của gia tộc đó có quyền làm lễ truất phế thần làng, bắt mọi người trong làng phải thờ cúng vị thần gia tộc của mình và phong vị này lên chức thần làng. Khi một người làm quan lớn, được Pharaoh ban cho cả một vùng đất thì thần gia tộc đó được suy tôn thành vị thần trông coi toàn vùng đó, và hiển nhiên mọi người trong vùng đều phải thờ cúng vị thần này.
Mỗi khi các thành phố hay làng xã được sát nhập vào nhau thì dân chúng các vùng liên hệ sẽ bàn tính thảo luận xem thần nào phải ra đi và thần nào ở lại để được thờ cúng. Do đó danh hiệu và quyền lực các vị thần luôn luôn thay đổi tùy theo các biến cố xã hội.
Ngoài ra còn có những vị thần sông, thần núi, thần sa mạc, thần đất, thần cây, thần mặt trời, mặt trăng, thần công lý, và các vị thần cai quản các cõi giới vô hình nữa. Vì có quá nhiều thần linh và danh xưng thay đổi luôn luôn nên chỉ các giáo sĩ mới thuộc hết tên các vị thần và biết làm các lễ nghi thờ cúng mà thôi. Từ đó, giới giáo sĩ trở nên một quyền lực rất mạnh vì làm trung gian giữa thần và người. Họ chỉ thua có Pharaoh vốn vừa là người vừa là thần. Tuy quyền lực giáo sĩ cao hơn các quan nhưng các quan lại có một quyền lực khác, thực tế hơn, là quân đội; cho nên giới giáo sĩ và quan lại thường hợp tác với nhau rất chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cũng như quyền lực của đôi bên.
Ngoài các thần linh địa phương, người Ai Cập còn thờ phụng những thần khác như Thoth, vị thần tượng trưng cho minh triết. Theo truyền thuyết, chính Thoth đã hướng dẫn dân chúng xứ này cách cày bừa, canh tác, săn bắn và thờ cúng thần linh. Những lời dạy bảo của thần Thoth được truyền tụng sâu rộng trong dân gian và được đúc kết lại thành cuốn Tử Thư Ai Cập (Egyptian Book of the Dead). Nhiều người coi đó là cuốn sách nói về các nghi thức thờ cúng, đọc thần chú, làm lễ khâm liệm, tống táng người chết nhưng thật ra trong đó còn đề cập đến sự thành lập vũ trụ, quan niệm sống và một số đoản văn với những ẩn nghĩa huyền bí đặc biệt mà chỉ một số rất ít giáo sĩ hiểu được mà thôi.
Theo cuốn Tử Thư, lúc đầu vũ trụ chỉ là một luồng ánh sáng tinh khiết không có màu sắc (tượng trưng cho sự Tuyệt đối), nhưng sau phân chia ra thành hai màu đen và trắng hay ngày và đêm (tượng trưng cho sự Tương đối). Từ khi có sự phân chia này thì quan niệm hữu hình – vô hình, chánh tà, thiện ác, tốt xấu, bắt đầu nảy sinh. Chính sự phân chia này đã làm đảo lộn trật tự trong vũ trụ, tạo ra các động lực xoay vần theo các vòng xoáy và sinh ra những cảnh giới hữu hình cũng như vô hình. Trong cảnh giới hữu hình, các động lực tiếp tục xoay vần tạo ra tinh tú, rồi các tinh tú tiếp tục xoay vần phát sinh ra vô số các tinh tú khác, mãi mãi không bao giờ ngưng. Quan niệm về cái gọi là vô tận (infinity) mãi mãi không chấm dứt này chính là then chốt của cuốn Tử Thư Ai Cập vì nó ám chỉ vũ trụ tương đối chỉ là những động lực chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau nên không có sự chấm dứt (sự chết) mà chỉ có sự thay đổi, biến thiên, chuyển hóa, từ trạng thái này qua trạng thái khác, từ cõi giới này qua cõi giới khác, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, như ngày và đêm, sáng và tối, đen và trắng, v.v…
Ngoài nghi thức cúng tế người chết, cuốn Tử Thư Ai Cập (chương 13) còn đế cập đến sự sống: “Trong sự hỗn loạn của những xoay vần trong vũ trụ, thần Nu đã tạo ra trái đất nhưng lúc đó trái đất chưa có sự sống. (Nu được coi như vị thần đã tạo ra quả đất này). Chính nhờ ánh sáng của Ra (mặt trời) rọi xuống trái đất mà trái đất mới có sự sống và từ đó muôn loài phát sinh”. Vì lý do này, Ra hay thần mặt trời, được tôn kính như vị thần trông coi sự sống.
Sách chép rõ: “Ta là thần Temu (có khi gọi là Amu), đấng duy nhất mang ánh sáng của Ra (Thái dương) đến Suten-Henen (tên một vùng sa mạc ở Ai Cập). Từ ánh sáng của Ra mà sự sống bắt nguồn và từ đó tất cả mọi vật phát sinh”.
Một số giáo sĩ cho rằng Temu là người đem ánh sáng của Ra đến trái đất và sinh ra loài người. Do đó Temu được coi là thủy tổ của loài người. Một số giáo sĩ khác quan niệm Temu là hóa thân của Ra, hay hình thức nhân cách hóa của Ra mà thôi. Vì là người đầu tiên trên trái đất nên Temu sinh sản bằng sự trực phân (thân thể tự động tách ra làm hai, làm bốn…) và đứa con đầu là Shu, sinh ra từ mắt bên phải của Temu. Lúc đó trời đất còn hỗn độn, chưa phân chia rõ rệt nên Shu đã dựng nên những cột trụ bằng đá để chống đỡ bầu trời, không cho trời sụp đổ xuống đất. Shu được coi là vị thần kiến thức vì Shu đã dạy cho loài người các kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, thiên văn, kiến trúc, v.v…
(Ghi chú: Tất cả mọi công trình xây cất tại Ai Cập từ các thánh điện, đền thờ, đến kim tự tháp đều có ghi những giòng chữ rằng họ đã làm theo họa đồ và phương pháp xây cất của Shu).
Vì sở hữu kiến thức, tiêu biểu bằng chiếc cột chống trời của Shu, loài người không còn sống theo bản năng như loài thú mà bắt đầu biết suy nghĩ.
Tefnut là em gái của Shu, sinh ra từ mắt bên trái của Temu. Tefnut không thờ cúng mặt trời (tượng trưng cho sự sống) mà đặt ra nghi thức thờ cúng mặt trăng (tượng trưng cho sự chết). Thay vì dạy bảo những kiến thức khoa học như anh thì Tefnut lại đặt ra các nghi thức huyền bí, truyền dạy giới hạn cho một số người.
Cuốn Tử Thư Ai Cập đưa Temu, Shu và Tefnut lên địa vị ba ngôi (Trinity) với những mật nghĩa rất đặc biệt.
Seb là con trai của Shu, hay thần đất (Thổ thần).
Nut là vợ của Seb hay thần nước (Thủy thần).
Osiris là con của Seb và Nut và là vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập, Isis là vợ của Osiris và là hoàng hậu đầu tiên của Ai Cập.
Seth là em của Osiris, tranh giành ngôi Pharaoh với anh, rồi giết anh cắt thây thành mười bốn mảnh chôn quanh Ai Cập.
Isis, vợ của Osiris, lúc đó đang có thai, phải bỏ trốn vào một đạo viện và học hỏi được những giáo lý huyền môn. Isis lập đàn, đọc thần chú khiến cho Osiris tuy bị phân thây nhưng các mảnh này tự nhiên ráp lại rồi hồi sinh. (Sự hồi sinh của Osiris được giải thích như sự chiến thắng sự chết, sự chuyển hóa hay niềm hy vọng của con người).
Isis sinh ra Horus, và chính Horus sau này đã tranh lại ngôi vị Pharaoh từ Seth, chú ruột của mình.
(Truyền thuyết về Osiris, Isis, Horus và Seth đã được truyền tụng từ đời này qua đời khác, gần như người Ai Cập nào cũng biết. Theo các nhà khảo cổ, đây là một trong những câu chuyện cổ nhất của lịch sử nhân loại. Các cổ mộ xây từ 4000 năm trước Công nguyên đều có đề cập đến sự tích này. – Ghi chú của dịch giả)
Osiris tuy chết nhưng hồi sinh nên trở thành vị thần cai quản cõi chết, có nhiệm vụ xét xử người chết. Isis nhờ học hỏi các kiến thức huyền bí, biết lập đàn tràng, đọc thần chú nên được coi là vị thần trông coi kiến thức huyền môn. Isis thường được tượng trưng bằng hình ảnh người đàn bà có khuôn mặt được che bằng một tấm lụa mỏng hay một thiếu nữ để một ngón tay lên miệng, ngụ ý rằng chân lý tuyện đối vốn không thể tiết lộ hay nói được. Horus tượng trưng cho lòng can đảm, sự thật, lẽ phải và thường được vẽ lại qua hình ảnh một người đầu chim ó. (Đối với người Ai Cập, chim ó tượng trưng cho lẽ phải hay sự không sợ hãi). Seth vì giết anh, tranh ngôi nên được coi là tượng trưng của những gì xấu xa, tàn ác, hung dữ và luôn luôn được vẽ như một người mặc áo đen. Cuộc tranh đấu giữa Horus và Seth còn được coi là sự tranh đấu giữa chánh và tà, giữa thiện và ác, giữa phải và trái, v.v…