CHƯƠNG 1

     ôi tên là Sinuhe, câu chuyện tôi kể lại sau đây là chuyện của tôi, một người Ai Cập, mặc dù hiện nay tôi không còn được sống tại quê hương của tôi nữa. Tên tuổi tôi đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong các đền đài, lăng tẩm, văn kiện, bia đá, và có lẽ hiện nay không còn ai nhắc nhở gì đến tôi nữa. Tôi viết lại chuyện này không phải để phục hồi tên tuổi cho tôi nhưng vì tôi thấy cần phải ghi lại các biến cố đã xảy ra tại quê hương tôi một cách trung thực, để thế hệ sau có thể biết rõ về những biến cố trong buổi giao thời lịch sử này. Tôi hy vọng nhờ thế họ có thể học hỏi, tránh không đi vào các vết xe cũ, những lỗi lầm xưa.
Người Ai Cập có thành ngữ: “Kẻ nào đã từng uống nước sông Nile thì không thể uống nước ở đâu được nữa.” Quả thế, tuy sống tại Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được Ai Cập, quê hương thân yêu của tôi. Mặc dù hiện nay được giải khát bằng những loại rượu nho thơm ngon nhất của Hy Lạp nhưng không bao giờ tôi có thể quên được hương vị trong mát, ngọt ngào của những bình nước được múc lên từ sông Nile, giòng sông mà người Ai Cập thường gọi là “mẹ Nile”, một danh từ tràn đầy thương yêu, không bút mực nào có thể tả xiết.
Tôi xin bắt đầu câu chuyện của tôi…
-oOo-
Tôi là một đứa bé Ai Cập sống tại thành Thebes. Hôm đó đang chạy nhảy nô đùa cùng những đứa trẻ đồng tuổi ngoài phố thì mẹ tôi gọi:
- Này Sinuhe, cha muốn con trở về nhà ngay.
Cha tôi là Sen Moot, một y sĩ nổi tiếng đã được huấn luyện tại Abydos, trung tâm giáo dục nổi tiếng nhất tại Ai Cập lúc đó. Mặc dù đỗ thủ khoa, được coi là một trong những y sĩ giỏi nhất nước, nhưng không như các bạn đồng nghiệp, chỉ tiếp bệnh nhân thuộc thành phần giàu có, cha tôi lại chọn một khu xóm bình dân để mở phòng mạch. Ông không đòi hỏi một giá biểu nhất định như các y sĩ đương thời, mà chỉ đặt một hòm gỗ trước cửa phòng khám bệnh để bệnh nhân có thể tùy ý, muốn bỏ vào đó bao nhiêu tiền cũng được.
Có hôm sau khi đóng cửa phòng mạch, mẹ tôi mở hòm ra và chỉ thấy vài đồng xu lẻ, vừa đủ mua một con cá ngoài chợ. Thấy bà có vẻ thất vọng, cha tôi đã khuyên:
“Chúng ta còn sung sướng chán, ít ra cũng có một con cá để ăn bữa chiều.”
Mẹ tôi nhẹ nhàng giải thích: “Em không cần ăn nhiều nhưng thằng Sinuhe cũng cần phải có thức ăn bổ dưỡng, nó đang tuổi lớn.”
Cha tôi bật cười rồi vỗ mạnh lên vai tôi một cách tự hào: “Bà đừng lo, nó chỉ cần uống vài thang thuốc bổ của ta bào chế là đủ. Xem chừng bà không mấy tin công hiệu của các thang thuốc bổ của ta thì phải?”
Mẹ tôi lắc đầu: “Đâu phải em không tin nhưng trẻ con cũng cần phải ăn chút thịt cá chứ, ăn uống mấy loại rễ cây đó mãi đâu có tốt.”
Cha tôi bèn quay qua tôi âu yếm: “Này con trai, người ta ăn để sống hay sống để ăn?”
Dĩ nhiên đã quá quen thuộc với những lời khuyên bảo này nên tôi trả lời ngay: “Con chỉ ăn đủ để sống mà thôi.”
Cha tôi bật cười sung sướng, nhấc bổng tôi lên quay mấy vòng và reo lớn: “Thật đúng ý ta. Con ngoan lắm!”
Tuy nhiên không phải ngày nào tình trạng tài chánh cũng bi đát như thế. Mỗi khi có những đoàn lái buôn từ phương xa ghé qua thành phố thì chiếc hòm gỗ của cha tôi thường chứa đầy những đồng tiền vàng, tiền bạc. Thấy mẹ tôi lúi húi đếm tiền, cha tôi ân cần nhắc nhở: “Này em, chúng ta chỉ nên giữ một món tiền nhỏ, vừa đủ ăn tiêu trong vòng bảy ngày thôi, còn dư ra bao nhiêu em đem phân phát cho những người nghèo khó hơn chúng ta.” Mẹ tôi mỉm cười đồng ý rồi cúi xuống đống bạc trước mặt, chia ra làm hai phần không đều nhau, phần nhỏ bà cất đi để dành chi dùng, phần kia sẽ được đem ra phân phát cho người nghèo trong xóm.
Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc nhưng ngay từ nhỏ bà đã không thích nếp sống xa hoa phung phí này. Bà thường dành nhiều thì giờ chăm lo săn sóc những kẻ nô lệ hay người nghèo khó trong xã hội. Tôi nghe kể có lần ông ngoại tôi mua cho bà một chiếc vòng ngọc rất quí nhưng bà đã đem bán chiếc vòng đó đi, lấy tiền mua thuốc giúp nhưng kẻ nô lệ đang mắc bệnh thời khí. Sự kiện này khiến ông ngoại tôi nổi giận lôi đình và có ý trừng phạt bà thật nặng. May thay, tấm lòng nhân hậu của bà đã cảm đến cha tôi, người y sĩ mà bà tìm đến mua thuốc. Cha tôi bèn cầu hôn. Lúc đầu mẹ tôi từ chối vì bà vẫn có ý định trở nên một nữ tu trong đền thần Isis. Tuy nhiên vì lý do gì đó mà cha tôi đã thuyết phục được mẹ tôi bỏ ý định này. Sau hôn lễ, cha mẹ tôi rời thủ đô Memphis dọn đến Thebes, mở phòng khám bệnh tại khu phố bình dân này. Cả hai cha mẹ tôi đều phát nguyện sống thanh bần để phụng sự nhân loại.
Hôm đó khi vừa về đến nhà thì tôi thấy cha tôi đang cạo tóc cho một bệnh nhân. Có lẽ đã được uống một thang thuốc mê nên hai mắt y nhắm nghiền như đang say ngủ. Cha tôi thong thả tuyên bố:
- Này Sinuhe, năm nay con đã lên bảy tuổi rồi, không còn là một đứa bé nữa. Kể từ nay, con sẽ phụ việc cho ta và ta muốn con quan sát những phương cách chữa trị hiếm có. Ngày hôm nay, ta sẽ mổ sọ cho bệnh nhân này…
Sống trong căn nhà nhỏ, vỏn vẹn có hai phòng, tôi không lạ gì công việc chữa trị của cha tôi. Không những tôi rất quen thuộc với những dụng cụ y khoa mà còn biết cả tên những chậu dược thảo hay các vị thuốc mà ông đích thân bào chế nữa. Tôi đã chứng kiến cha tôi chẩn bệnh, chữa bệnh, bào chế thuốc, băng bó cho các bệnh nhân trật tay, gẫy chân. Đã có lần tôi xem cha tôi đỡ đẻ cho một sản phụ và giải phẫu cho một người có bướu trong ruột, nhưng mổ sọ người là việc hiếm có chưa từng thấy.
Nhìn vẻ mặt đầy thích thú của tôi, cha tôi gật đầu và nói một cách hãnh diện:
- Này con trai, mổ sọ người là một việc vô cùng khó khăn mà rất ít y sĩ có thể làm được. Tuy nhiên đây là môn sở trường của ta, vì thế ta muốn con phụ giúp ta trong cơ hội hiếm có này.
Ông lấy ra một chiếc hộp lớn chứa đầy những dụng cụ giải phẫu kỳ lạ và bắt đầu giải thích công dụng của từng cái một. Tôi im lặng theo dõi và đặt câu hỏi mỗi khi không hiểu rõ. Cha tôi giải thích từng chi tiết cho đến khi cuộc giải phẫu bắt đầu. Ông đặt những dụng cụ này vào một chiếc đĩa bằng đồng, rắc lên đó một chút hương liệu và châm lửa đốt. Tôi nín thở theo dõi những ánh lửa màu xanh liếm quanh những con dao mổ hình thù kỳ lạ. Không khí trong căn phòng đột nhiên trở nên im lặng khác thường. Cha tôi thong thả làm việc. Vừa làm ông vừa giải thích và sau cùng ông dừng tay đưa mắt nhìn tôi, chậm rãi nói:
- Này Sinuhe, con có sợ không?
Tôi lắc đầu. Cha tôi mỉm cười đặt lưỡi dao lên sọ bệnh nhân:
- Tốt lắm! Trong nghề này, việc giáp mặt với cái chết là lẽ thường, không có gì phải sợ hãi. Khi ta khởi sự làm việc này thì thần chết cũng đã lảng vảng quanh đây rồi. Ta và y sẽ bắt đầu một cuộc so tài và kết quả ra sao khó có thể biết trước được.
Ông khởi sự bằng những đường mổ quanh đầu bệnh nhân rồi lấy ra một cái búa nhỏ khẽ gõ quanh đầu bệnh nhân mấy cái. Trước cặp mắt kinh ngạc của tôi, ông thong thả nhấc hẳn mảng sọ ra khỏi đầu bệnh nhân một cách nhẹ nhàng như người ta nhắc nắp vung ra khỏi cái nồi. Ông chỉ vào một vết bầm màu xám trong bộ óc:
- Con hãy xem đây… Bệnh nhân này bị một cái bướu đè lên màng óc nên y không thể nói năng được nữa. Khi cắt cái bướu này đi thì y sẽ phục hồi và có thể nói được như thường.
- Tại sao như thế?
- Có lẽ cái bướu này ngăn trở sự lưu thông của huyết mạch liên hệ đến các giác quan nói trên.
- Nhưng cái bướu đó ở đâu ra? Làm sao nó lại có thể chui vào sọ của bệnh nhân được?
- Nếu xét về nguyên nhân bệnh trạng thì vô chừng, không thể giải thích ngay được. Sau này ta sẽ giải thích cho con nhưng hiện nay không phải là lúc.
Ông hít một hơi dài như để định thần rồi bắt đầu làm việc. Tôi im lặng theo dõi từng cử chỉ của ông với vẻ thán phục. Thỉnh thoảng ông ra lệnh cho tôi mang đến cho ông một ít thuốc cầm máu hay vài dụng cụ mà ông không thể với tay lấy được. Không khí trong phòng dần dần trở nên căng thẳng, tôi thấy trán của cha tôi lấm tấm mồ hôi nhưng mắt ông vẫn không rời vết thương, hai tay ông vẫn thoăn thoắt làm việc. Sau cùng ông ngưng lại ngắm nghía công trình của mình rồi bật lên một tràng cười sảng khoái:
- A ha! Lần này thì ta lại lừa được gã thần chết một lần nữa rồi.
Dĩ nhiên không phải lần nào cha tôi cũng may mắn như vậy. Kể từ khi trở nên người phụ tá cho ông, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tranh đấu đầy gay go giữa ông với thần chết. Có khi cha tôi thắng nhưng cũng có lúc ông đành bó tay sau khi đã tận lực cứu chữa. Nhìn những thể xác nằm bất động, tôi thắc mắc:
- Tại sao người ta lại chết?
Cha tôi thản nhiên trả lời:
- Con hỡi, đã sinh ra ai chẳng phải chết. Điều khác biệt chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Người chết sớm, kẻ chết muộn nhưng trước sau ai cũng chết…
- Nếu vậy thì cứu chữa làm gì nếu trước sau ai cũng chết?
Cha tôi nheo mắt nhìn tôi với vẻ thích thú rồi nói:
- Bởi thế mới có cuộc so tài giữa y sĩ và thần chết để kéo dài thêm thời gian.
- Nhưng rốt cuộc thần chết vẫn thắng vì trước sau ai cũng phải chết.
- Đúng thế.
- Nếu vậy tại sao cha lại tốn công nhọc sức làm gì?
- Điều này ta không thể nói được mà con phải tự tìm ra.
- Tại sao đã biết, cha lại không thể nói ra được?
Cha tôi dịu dàng nhìn tôi một lúc rồi thong thả nói:
- Con hỡi, cuộc đời là một bài toán hết sức phức tạp mà trong đó mỗi người phải tự tìm kiếm ra câu giải đáp cho mình. Kẻ nào không biết sử dụng đời mình để tìm kiếm ra câu giải đáp đó thì thật không đáng sống chút nào. Đời sống vốn là một sự bí mật, đòi hỏi một sự tìm kiếm không ngừng, và đó chính là ý nghĩa chân thật nhất của đời sống.
- Nhưng sau khi chết, người ta đi về đâu?
Cha tôi im lặng như suy nghĩ rồi nói một cách chậm rãi:
- Này con trai, có một khoa học của sự sống và cũng có một khoa học của sự chết. Điều ta được truyền dạy là khoa học của sự sống, do đó trọn đời ta chỉ nghiên cứu các kỹ thuật, phương pháp, cùng các loại dược thảo có công hiệu chữa trị và kéo dài sự sống mà thôi. Đối với những người nghiên cứu khoa học của sự chết thì đối tượng của họ là một thế giới khác hẳn với thế giới của ta. Họ nghiên cứu các kỹ thuật, phương pháp làm cho những sự vật vô hình trở nên hữu hình, khám phá các định luật huyền bí trong vũ trụ, đi vào các cõi giới xa xăm để bào chế các chất liệu bí mật rồi sử dụng vào những điều mà ta không biết rõ vì nó ở ngoài khả năng hiểu biết của ta.