CHƯƠNG 4

     oremheb đứng chờ tôi trước cửa cung điện trong bộ quân phục oai nghiêm. Hắn tươi cười vỗ mạnh lên vai tôi:
- Này Sinuhe, có bao giờ mày nghĩ tao sẽ trở nên một sĩ quan chỉ huy Ngự lâm quân cho hoàng đế Pharaoh như thế này không?
Tôi vui mừng nắm chặt tay bạn:
- Tao mừng cho mày đã đạt được điều mong ước.
- Hôm nay hoàng đế Pharaoh thiết triều, các quan khắp nơi kéo về chúc mừng và tao đã cho quân sĩ đề phòng cẩn thận.
- Tại sao lại như thế?
Horemheb nghiêm mặt:
- "Khi Pharaoh đời trước lâm chung, thái tử vắng mặt, triều đình rối loạn vì không người thừa kế. Các quan chia phe nhóm tranh giành quyền lực nên tang lễ hoàng đế phải cử hành gấp rút. Vì thiếu chuẩn bị nên kế hoạch chôn sống nô lệ bị tiết lộ khiến nhóm phu xây mộ và nô lệ nổi loạn. Hoàng thân Kira lợi dụng tình trạng này, kéo quân vào Memphis, lấy cớ dẹp loạn để tự xưng là Pharaoh.
Trong mấy tuần qua đã có nhiều cuộc giao tranh dữ dội giữa nhóm Ngự lâm quân và nhóm phản loạn này. Hoàng thân Kira âm mưu chia quyền với hoàng thân Oka nhưng ông này tương kế tựu kế, cho tướng Smenkere mang quân về thủ đô, giả vờ theo phe Kira rồi nhân cơ hội bắt trọn nhóm phản loạn. Tướng Smenkere điều tra và biết thái tử đang ẩn tu trong sa mạc nên rước ngài về lên ngôi Pharaoh. Mặc dù tình hình bên ngoài có vẻ ổn định nhưng bên trong vẫn còn nhiều rắc rối lắm…"
- Tại sao mày biết nhiều vậy?
Horemheb hãnh diện trả lời:
- Ngay sau khi được phong chỉ huy Ngự lâm quân, tao đã được tường trình đầy đủ về tình hình an ninh trong nước. Suốt đêm qua tao đã bí mật điều động binh sĩ bổ sung vào những chỗ trọng yếu.
- Mày giỏi quá! Tao thật không ngờ.
Horemheb vỗ mạnh vào vai tôi:
- Này Sinuhe, có lẽ vận may của tao đã đến và tao không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này đâu.
Tôi chăm chú nhìn người bạn mà tôi quen biết từ thuở nhỏ. Trong bộ quân phục, Horemheb trông hùng dũng, oai nghiêm khác hẳn khi xưa. Toàn thân hắn dường như toát ra một sức mạnh, một niềm tự tin mãnh liệt mà trước đó tôi không nhận thấy. Horemheb đưa tôi vào một căn phòng rất lớn, trần thiết nguy nga tráng lệ. Trong phòng, từng nhóm quan lại đang tụ tập thì thầm bàn tán nhưng mặt người nào cũng lộ rõ vẻ lo âu. Nhiều toán quân sĩ đi qua đi lại, gươm giáo sáng ngời, canh phòng cẩn thận. Một hồi chuông trống vang lên, hai hàng quân sĩ hùng dũng bước vào cung điện, đi đầu là tướng Smenkere trong bộ quân phục oai nghiêm, bên ngoài khoác chiếc áo choàng may bằng da báo.
Ông đến trước ngai vàng, hô lớn:
- Xin các thần linh phù hộ cho Pharaoh. Xin mời hoàng đế giáng lâm.
Một hồi chuông trống vang lên, các quan vội vã quì mọp xuống đất. Hoàng đế Pharaoh ở trong bước ra, phong thái ung dung chậm rãi. Bên cạnh ông là hoàng hậu Nefertiti và sau đó là các hoàng phi, công chúa. Mỗi người đều tiến thẳng vào các vị trí nhất định và an tọa.
Smenkere hô lớn:
- Kính chúc hoàng đế Pharaoh, vị thần lãnh đạo dân Ai Cập, an khang vạn tuế.
Các quan cùng hô lớn những lời chúc mừng. Hoàng đế Pharaoh mỉm cười:
- Các ngươi hãy bình thân và đứng dậy.
Smenkere lật đật can thiệp:
- Trước mặt Pharaoh, vị thần linh lãnh đạo Ai Cập, mọi người đều phải quỳ để tỏ lòng kính phục…
Hoàng đế Pharaoh lên tiếng:
- Ta biết đó là phong tục từ ngàn xưa nhưng ta không thích trông thấy mọi người phải quì như thế. Kể từ nay vào triều, các ngươi hãy đứng…
Mỗi mệnh lệnh của Pharaoh đều là luật pháp của quốc gia nên người thư ký triều đình đã vội quì xuống nghi chép. Các quan ngập ngừng đứng lên nhưng người nào cũng ngơ ngác, vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi. Đây là buổi thiết triều đầu tiên của một vị hoàng đế, lên ngôi chưa đầy một ngày, nhưng đã ban hành ngay một mệnh lệnh khác với truyền thống. Trong hoàn cảnh xáo trộn bất an hiện nay, không ai biết ông vua này sẽ còn ban hành những lệnh gì nữa đây.
Hoàng đế Pharaoh phất tay ra hiệu cho Smenkere:
- Này Smenkere, ông hãy bắt đầu tường trình tình hình trong nước đi.
Smenkere lạnh lùng bước ra, tay cầm một cuộn giấy chỉ thảo giơ lên cao:
- Đây là danh sách và hồ sơ những quan lại trong triều đã tư thông với hoàng thân Kira làm phản. Hạ thần đã điều tra kỹ lưỡng và có đầy đủ bằng chứng qua những văn kiện, thư từ liên lạc giữa các quan và phe nhóm phản loạn. Luật pháp từ ngàn xưa đã ghi rõ: Tội phản loạn phải xử tử hình. Kính xin hoàng đế ban chỉ thị để hạ thần thi hành pháp luật.
Horemheb ghé tai tôi nói nhỏ:
- Phải lắm! Nếu lúc này không thẳng tay tiêu diệt đám phản thần thì còn đợi đến lúc nào? Tao chắc trong đám quan triều kia, nhiều đứa đang run rẩy vì sợ hãi.
Hoàng đế Pharaoh dõng dạc lên tiếng:
- Khi thân phụ ta qua đời, ta không có mặt trong triều. Một quốc gia không thể thiếu người lãnh đạo, dù chỉ một ngày, nên việc các ngươi ủng hộ hoàng thân Kira cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay tình hình Ai Cập chưa được yên ổn, ở phía bắc thì nước Hitites đang đe dọa vùng biên giới; ở phía nam thì xứ Nubia cũng đang chuẩn bị chiến tranh. Đây không phải là lúc người Ai Cập chúng ta có thể chia rẽ được. Ta sẵn sàng bỏ qua mọi việc cũ và mong từ nay các quan triều hãy vì Ai Cập, hãy vì ích lợi chung của toàn dân, đoàn kết lại để chống ngoại xâm. Này Smenkere, ngươi hãy đốt ngay cuốn giấy chỉ thảo đó đi, ta không muốn xem nó…
Smenkere ngạc nhiên sững người, khuôn mặt vốn nhăn nhó của y lại càng nhăn nhó hơn. Y run rẩy nói:
- Kính xin hoàng đế hãy xét lại, pháp luật đã ghi rõ…
Hoàng đế Pharaoh giơ cao chiếc vương ấn lên:
- Đây là lệnh của ta. Quân bay đâu! Hãy đốt ngay cuốn giấy kia đi cho ta.
Một người lính cầm bó đuốc bước đến. Smenkere run tay châm lửa đốt. Cuốn giấy chỉ thảo bắt lửa cháy bùng lên. Toàn thể các quan trong triều đều nín thở, vài người thở ra nhẹ nhõm.
Horemheb lắc đầu nói nhỏ vào tai tôi:
- Hỏng rồi! Thế là hoàng đế nuôi ong tay áo mất rồi?
Từ trước đến nay tôi vẫn phục sự nhận xét của Horemheb nhưng không hiểu sao lần này tôi lại không đồng ý với hắn. Tôi thán phục hành động cao cả phi thường, vì quyền lợi chung mà quên việc riêng của vị hoàng đế còn trẻ kia. Cử chỉ trầm tĩnh, bình thản và phong thái oai nghiêm của ngài đã chinh phục được tôi.
Smenkere đứng sững nhìn cuộn giấy đang cháy thành tro, rơi lả tả dưới đất. Bàn tay y run lên khiến y phải nắm chặt hai tay vào nhau để giữ bình tĩnh.
Hoàng đế Pharaoh nhìn suốt đám triều thần rồi thong thả tuyên bố:
- "Chuyện đã qua, cấm không ai được nhắc đến nữa. Từ nay các ngươi phải đoàn kết, nhất tâm thi hành bổn phận đã được đặt ra.
Này Smenkere, công lao dẹp loạn của ông không nhỏ. Hôm nay ta sắc phong cho ông làm tể tướng, chỉ huy tất cả các quan trong triều. Ta cho phép ông được đổi họ, được coi là người thuộc giòng họ Amenophis. Ngoài ra, ta còn ban cho ông tất cả đất đai, tài sản của hoàng thân Kira nữa. Từ nay ông sẽ là hoàng thân Aya Smenkere Amenophis."
Đây quả là một đặc ân hết sức bất ngờ. Từ xưa đến nay, chức vị tể tướng chỉ dành riêng cho các hoàng thân quốc thích, những người hết sức thân tín cật ruột trong họ Amenophis mà thôi. Một người ngoài, dù công lớn đến đâu, cũng chỉ có thể hy vọng làm quan triều hay làm tướng trấn giữ một địa hạt nào đó. Việc nhận một người ngoài vào trong họ là điều chưa hề xảy ra. Một lần nữa, vị tân hoàng đế Pharaoh đã ban hành một lệnh mới khác hẳn truyền thống cổ xưa.
Smenkere vội quì mọp xuống để nhận chức, tôi thấy rõ hai tay y run lẩy bẩy vì cảm động. Khi trước Smenkere chỉ mong lấy mẹ tôi để tạo sự liên hệ với hoàng tộc, có lẽ hắn đã ấp ủ giấc mộng trở thành một hoàng thân như thế này từ lâu. Không hiểu sao Smenkere quay lại nhìn tôi, hình như có một biến chuyển lạ lùng nào đó nên khuôn mặt nhăn nhó của hắn bỗng rạng rỡ một nụ cười.
Hắn lên tiếng:
- Kính thưa Pharaoh, một người khác cũng rất xứng đáng được hưởng ân huệ của ngài là y sĩ Sinuhe. Hạ thần xin được tiến cử Sinuhe làm chức Ngự y trong triều.
Hoàng đế Pharaoh quay qua phía tôi:
- Sinuhe hãy bước ra đây. Tể tướng Smenkere đã có lòng tiến cử, vậy ngươi nghĩ thế nào?
Tôi bước ra quì mọp bên cạnh Smenkere và khẩn khoản:
- Xin đội ơn Pharaoh, nhưng kẻ này đã phát nguyện sống thanh bần, tuyệt sở hữu để phụng sự những người nghèo khó. Xin ngài cho phép kẻ này được sống đúng với sở nguyện.
Hoàng đế Pharaoh gật đầu:
- Được lắm. Nếu ngươi muốn thế thì ta cũng chuẩn y nhưng ngươi có công cứu mạng ta thì phải được thưởng một cách xứng đáng. Ta biết ngươi đã phát nguyện sống thanh bần, tuyệt sở hữu nhưng ta vẫn có phần thưởng dành riêng cho ngươi.
Hoàng đế đưa tay lên cổ rút ra một sợi dây nhỏ có đeo một miếng đá khắc những hàng chữ loằng ngoằng quanh một chiếc dĩa tròn. Thông thường một vị Pharaoh luôn luôn đeo đồ trang sức bằng vàng hay ngọc nhưng không hiểu sao ông vua này lại đeo một đồ vật tầm thường như vậy.
Hoàng đế giơ cao sợi dây lên, nói:
- Đây là vật mà chính ta đã làm lấy trong thời gian ẩn cư ngoài sa mạc. Tuy nó không có giá trị bao nhiêu nhưng ta đã đeo nó khá lâu, nay trao lại cho ngươi làm vật kỷ niệm. Ngươi hãy giữ gìn cẩn thận…
Tôi vui vẻ nhận lấy tặng vật của Pharaoh rồi đeo lên cổ. Smenkere ra hiệu cho tôi trở về chỗ cũ rồi bắt đầu tường trình những việc xảy ra trong nước.
Hoàng đế Pharaoh chăm chú lắng nghe rồi phán:
- Này Smenkere, ta biết có nhiều việc cần phải giải quyết nhưng ta tin ông có thể thu xếp những việc đó cho ta. Hiện nay ta muốn ông cử một phái đoàn ngoại giao qua xứ Hitites và Nubia để nói với quốc vương hai xứ đó rằng ta không muốn có chiến tranh. Bằng mọi giá, ông hãy sử dụng tài khéo léo để tránh cho dân chúng nạn binh đao. Công việc hôm nay đủ rồi, ta truyền lệnh bãi triều.
Tôi và Horemheb vừa bước ra khỏi cung điện thì một người nô lệ ở đâu bước đến nói nhỏ với tôi:
- Hoàng đế Pharaoh truyền cho gọi ông vào nội cung nói chuyện riêng.
Horemheb toan bước theo nhưng người nô lệ đã ngăn hắn lại.
Horemheb nhăn mặt:
- Nhưng ta là người chỉ huy Ngự lâm quân ở nội cung.
- Chúng tôi có lệnh chỉ mời riêng Sinuhe mà thôi.
Horemheb ngạc nhiên nhưng không nói gì. Hắn vỗ vai tôi:
- Mày vào với hoàng đế đi, có gì tao sẽ gặp mày sau.
Người nô lệ đưa tôi đến một căn phòng nhỏ, trần thiết giản dị, trên tường có treo một chiếc dĩa tròn màu vàng y như hình chiếc dĩa khắc trên miếng đá mà hoàng đế Pharaoh đã ban cho tôi. Tôi đang đứng nhìn thì hoàng đế Pharaoh bước vào:
- Này Sinuhe, đó là biểu tượng của Anten đấy, đấng Chân lý Tuyệt đối duy nhất, điều khiển muôn loài.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến danh từ “Chân lý Tuyệt đối”. Truyền thống Ai Cập tin rằng trong thiên nhiên có rất nhiều thần linh khác nhau, mỗi vị có một trách nhiệm riêng như thần Amun-Re cai quản sự sống; thần Maat tượng trưng cho công lý hay cai quản pháp luật; thần Anubis trông coi sự chết, v.v… Pharaoh vừa là người vừa là thần, là trung gian giữa con người và thần linh, có nhiệm vụ cai quản Ai Cập. Danh từ “Chân lý Tuyệt đối” là một quan niệm lạ lùng mà tôi chưa từng nghe nói đến.
Thấy tôi ngơ ngác, hoàng đế Pharaoh bật cười:
- Ta biết ngươi chưa từng nghe nói đến Aten, điều này cũng dễ hiểu. Aten biểu hiệu qua chiếc dĩa tròn, tượng trưng cho Chân lý Tuyệt đối điều hành tất cả mọi vật.
- Như vậy các thần linh thì sao?
- Mỗi vị thần chỉ tiêu biểu một phần nhỏ của Chân Lý mà thôi. Một người hiểu biết không thể hài lòng với những giải thích hay lập luận của các tín ngưỡng thờ thần linh đó được. Có bao giờ ngươi tự hỏi rằng chúng ta từ đâu đến đây? Chúng ta đến đây làm gì? Rồi chúng ta sẽ đi về đâu? Phải chăng cuộc đời này là một sự ngẫu nhiên hay có một ý nghĩa cao cả hơn các truyền thống và các quan niệm thông thường? Này Sinuhe, ngươi là một y sĩ đã được giáo dục trong trường Khoa Học Của Sự Sống, vậy ngươi đã biết gì về sự sống?
Tôi bối rối trước câu hỏi của Pharaoh. Là một người hay thắc mắc, tôi đã từng đặt nhiều câu hỏi với các giáo sĩ nhưng lần này tôi lại bị dồn vào thế bị động.
Hoàng đế Pharaoh bật cười nói tiếp:
- "Này Sinuhe, nếu ta hỏi các giáo sĩ thì mỗi người sẽ trả lời ta theo quan niệm riêng hay theo tín ngưỡng của họ. Có câu trả lời làm thỏa mãn lý trí ta nhưng lại không giải đáp được tâm tình ta. Có cách trả lời giải quyết được tâm tình nhưng lại không làm cho lý trí của ta chịu khuất phục. Tóm lại, giáo lý của các tín ngưỡng thờ thần linh kia đều bất toàn vì không thể làm ta hài lòng.Ta đã tìm hiểu, nghiên cứu trong nhiều năm và thấy rằng các tín ngưỡng thờ thần linh này vốn xuất phát từ các bộ lạc hoang dã cổ xưa, mỗi bộ lạc thờ một vị thần như thần sông, thần núi, thần cây, thần đất, v.v…
Khi xưa, tổ tiên ta, các hoàng đế Pharaoh thống nhất những bộ lạc, đặt nền móng cai trị, tổ chức thành quốc gia thì họ đã có một tôn giáo xây dựng trên căn bản minh triết thiêng liêng. Chính nhờ căn bản của nền tôn giáo này mà họ đã đưa Ai Cập từ tình trạng man dã đến sự văn minh huy hoàng ngày nay. Chính nền tôn giáo này đã đào tạo nên các thế hệ học giả, giáo sĩ, khoa học gia, triết gia, … những người đã xây dựng nên nền văn hóa Ai Cập. Chính nền tôn giáo này đã đặt căn bản cho các kiến trúc hùng vĩ, những Kim Tự Tháp vĩ đại, những môn học như thiên văn, địa lý, toán học, những khoa học của sự sống cũng như sự chết.
Tiếc thay, theo thời gian nền tôn giáo cao cả này đã bị suy thoái, thất truyền bởi các giáo sĩ lười biếng, thiếu kinh nghiệm tâm linh. Thêm vào đó, các hoàng đế Pharaoh đầy tham vọng cũng bị mê hoặc bởi các tín điều huyền hoặc của các tôn giáo thờ thần linh này nên dần dần nền tôn giáo cổ bị thất truyền.
Ngày nay, tôn giáo Ai Cập đã trở thành một thứ tôn giáo đa thần với hàng trăm đền thờ, hàng ngàn thần linh khác nhau. Ta không thể chấp nhận thứ tôn giáo đa thần như vậy, do đó ta đã ra công nghiên cứu, tìm về mạch nguồn cổ xưa, và ý thức rõ rệt rằng vốn có một định luật cao cả điều khiển tất cả mọi vật trong trời đất…"
- Làm sao ngài biết như vậy?
- Để hiểu được sự thật này đòi hỏi một công phu nghiên cứu đặt nền tảng trên một sự hiểu biết đứng đắn, không dựa trên những lý thuyết mơ hồ, không dựa trên sự tin tưởng mà các giáo sĩ thường giảng dạy. Nó đòi hỏi một công phu tu tập và quan sát các sự kiện xảy ra trong thiên nhiên. Đó chính là lý do khiến ta ẩn cư trong sa mạc hoang vu với mục đích tìm hiểu cho ra những nguyên lý này.
- Nhưng… nhưng hình như ngài cũng đã đến… trường Khoa Học Của Sự Sống…
Hoàng đế Pharaoh ngạc nhiên nhìn tôi:
- Làm sao ngươi biết ta đã từng thụ giáo tại trường Khoa Học Của Sự Sống?
Tôi giật mình, biết mình đã lỡ lời. Hình ảnh người thanh niên nằm chết trong cỗ quan tài lại hiện ra trong trí tôi. Tôi phải giải thích thế nào đây? Làm sao một người đã chết lại có thể sống dậy và trở thành một Pharaoh được? Trong lúc tôi đang bối rối chưa biết phải nói gì thì may thay, người nô lệ hầu cận đã bước vào nói nhỏ vào tai hoàng đế Pharaoh.
Ông gật đầu vui vẻ:
- Hoàng hậu Nefertiti nghe ta nói về ngươi và nàng muốn nghe chính ngươi kể về thân thế của ngươi. Ta biết nàng rất thích những chuyện như vậy…
Hoàng đế Amenophis thong thả dẫn tôi đi qua những dãy hành lang dài có quân sĩ canh phòng nghiêm ngặt. Chúng tôi đến một căn phòng khá lớn với khá đông phụ nữ đang ngồi chờ đợi.
Vừa thấy tôi, hoàng hậu Nefertiti đã nói ngay:
- Ta nghe Pharaoh nói rằng ngươi có một thân thế rất ly kỳ, ngươi hãy kể cho chúng ta nghe đi…
Hoàng đế Amenophis mỉm cười nói nhỏ với tôi:
- Các hoàng phi, cung nữ sống trong cung, không mấy khi được ra ngoài nên rất thích nghe kể chuyện. Ta thường cho mời các nhà kể chuyện trứ danh khắp nước đến kể chuyện cho họ giải trí. Câu chuyện của ngươi là chuyện thật, hiển nhiên phải hay hơn các câu chuyện thần thoại rồi… Ngươi hãy kể đi.
Tôi thong thả kể lại đời mình: khi còn nhỏ theo cha tôi đi chữa bệnh như thế nào, khi đi câu cá gặp Horemheb rồi kết bạn ra sao, và khi trưởng thành đi học tại Abydos đã gặp những khó khăn gì. Tôi không phải là người có tài kể chuyện nhưng kể đến đâu, mọi người chăm chú theo dõi đến đó. Thỉnh thoảng họ lại ồ lên, tỏ vẻ ngạc nhiên thích thú lắm. Về sau tôi mới biết đa số hoàng phi, cung nữ được tuyển vào cung từ nhỏ, ít có dịp tiếp xúc với bên ngoài. Cuộc sống êm đềm, bình thản trong cung khiến một câu chuyện, dù chẳng đặc biệt gì như đời sống của tôi, cũng trở nên ly kỳ hấp dẫn lắm.
Tôi không nói gì về nguyên nhân khiến cha mẹ tôi lập gia đình mà chỉ kể rằng khi cha mẹ tôi đi qua sông Nile, nghe tiếng trẻ khóc và vớt tôi ở dưới sông lên như thế nào. Mọi người đang nín thở theo dõi thì bất ngờ có một giọng già nua vang lên:
- Này Sinuhe, ngươi có nhớ cha mẹ ngươi đã vớt ngươi vào lúc nào không?
Người hỏi là một bà lão to lớn khỏe mạnh, nước da bánh mật, tay đang cầm một ly rượu lớn.
Hoàng đế Pharaoh nói nhỏ với tôi:
- Đó là mẹ ta, thái hậu Taiya.
- Kính thưa thái hậu, theo cha tôi nói thì đó là một ngày trăng tròn, khoảng đầu mùa gặt. Có lẽ tôi là con nhà thuyền chài vì tấm chăn lót được dệt bằng một thứ sợi chỉ có ở làng Phalon, thuộc thượng lưu sông Nile.
- Làm sao ngươi biết đó là loại sợi dệt ở làng Phalon?
- Cha tôi nói chỉ dân làng Phalon mới dệt loại sợi này, nó được đan bằng tay và thắt lại bằng một nút thuyền chài đặc biệt.
Thái hậu Taiya ngửa cổ uống cạn ly rượu rồi cười lớn:
- Thì ra ngươi là con nhà thuyền chài. Hay lắm! Hay lắm!
Hoàng hậu Nefertiti vui vẻ:
- Ngươi kể chuyện hấp dẫn lắm. Từ nay mỗi lần có chuyện gì hay thì hãy vào đây kể cho chúng ta nghe…
- Tôi là y sĩ, chỉ biết săn sóc bệnh nhân nhưng bạn tôi, Horemheb mới là người từng trải, quen biết nhiều, giao thiệp rộng…
Hoàng đế Amenophis bật cười lớn:
- Ngươi thật là người tốt, lúc nào cũng nghĩ đến bạn bè. Horemheb chính là kẻ đã giết sư tử để cứu ta. Để ngày mai ta gọi hắn vào đây kể chuyện…
Khi tôi đem chuyện này thuật lại cho Horemheb thì hắn tỏ ra khó chịu:
- Làm sao mày có thể làm một chuyện ngu xuẩn như thế được? Mày tưởng tao thích kể chuyện cho lũ đàn bà lười biếng đó nghe à! Tao thà đi đánh nhau với sư tử hay uống rượu với những kẻ xa lạ, còn hơn tốn thời giờ với đám phụ nữ vô tích sự đó. Nếu được gọi, tao sẽ cáo bệnh…
Nhưng Horemheb không dám cáo bệnh khi được Pharaoh triệu vào cung. May thay lần này chúng tôi không được gọi vào để kể chuyện. Khi chúng tôi bước vào căn phòng nhỏ thì hoàng đế Amenophis đang nói chuyện với hai vị võ quan đã già, râu tóc bạc phơ.
Một người chỉ vào tấm bản đồ trên vách, nói:
- Muốn hùng cường, chúng ta cần phải mở mang phát triển bờ cõi. Khi xưa, tiên đế đã từng mang quân chinh phạt Nubia, chiếm được nhiều hầm mỏ và tài nguyên thiên nhiên, làm giàu cho Ai Cập. Hiện nay quốc vương xứ này đang có ý nhòm ngó nước ta, chúng ta cần khởi binh chinh phạt ngay thì mới mong toàn thắng…
Ông lão còn lại gật đầu nói thêm:
- Hoàng đế vừa lên ngôi, cần có những thắng lợi to tát thì sự nghiệp mới vẻ vang được. Ở đời mạnh được yếu thua là lẽ tất nhiên. Lúc này binh lực chúng ta đang hùng cường, chúng ta cần lợi dụng cơ hội…
Hoàng đế Pharaoh bình tĩnh nói:
- Luật của kẻ mạnh sẽ khiến cho xã hội trở nên một bãi chiến trường. Nếu mọi người tiếp tục chém giết lẫn nhau thì xã hội sẽ như thế nào?
- Nhưng thưa Pharaoh, đó là luật thiên nhiên. Người ta tranh đấu để sống còn.
Hoàng đế lắc đầu, ôn tồn nói:
- "Các ông đã biết gì về luật thiên nhiên? Nếu mạnh sống yếu chết thì sư tử là giống mạnh nhất ắt phải sống và hươu nai thuộc giống yếu đã phải chết hết, nhưng chúng đâu hề chết! Ta đã quan sát và suy nghiệm về điều này rất lâu.
Luật của kẻ mạnh chỉ có giá trị giới hạn nhưng không phải là sự thật."
- Nhưng trong thiên nhiên, sự tranh đấu là lẽ thường tình. Sư tử giết hươu nai thì chúng ta cũng giết người Hitites hay Nubia. Có thể chúng ta không giết sạch được họ nhưng nếu không tấn công thì họ cũng khởi binh đánh ta. Trong đời sống, kẻ nào gan dạ, liều lĩnh, kẻ đó thành công lớn…
Hoàng đế Pharaoh lắc đầu:
- Chúng ta không phải là loài thú, chúng ta là người và con người hơn con thú ở điểm lương tâm.
- Xin Pharaoh xét lại, trong xã hội, người có lương tâm chẳng phải là người thành công nhất. Phần lớn những người lanh lợi, có mưu lược và thủ đoạn mới chiếm được các địa vị khả quan. Những người giàu sang, có quyền lực là những người khôn ngoan, quỉ quyệt, dám làm tất cả mọi việc…
Hoàng đế Pharaoh ngắt lời vị quan triều:
- Hiển nhiên họ là những kẻ có tâm hồn chai đá, không hề biết thương xót ai hết. Các ông đều là những kẻ có địa vị khả quan, giàu sang và có thế lực, nhưng có bao giờ các ông tự hỏi tại sao mình lại lên được địa vị như thế không?
Hai vị võ quan biết mình lỡ lời nên im bặt, lấm lét nhìn hoàng đế không biết phải xử trí ra sao. Pharaoh cũng im lặng nhìn họ không nói gì. Không khí trong phòng bỗng trở nên căng thẳng.
Một vị quan run rẩy:
- Xin hoàng đế ban chỉ thị… Kẻ này ngu dốt không hiểu ý ngài…
Hoàng đế Pharaoh đột nhiên quay qua Horemheb, hỏi:
- Ngươi thấy thế nào?
Horemheb thẳng thắn trả lời ngay:
- Hoàng đế là người đã được thần linh chọn lựa để chỉ huy Ai Cập. Bất cứ ngài quyết định thế nào, Horemheb này cũng triệt để tuân theo. Nếu ngài ban chỉ thị thì kẻ này sẽ thi hành ngay.
Vừa nói Horemheb vừa đặt tay lên đốc kiếm. Hình như hắn chỉ chờ hoàng đế hạ lệnh là ra tay ngay nhưng hoàng đế Pharaoh đã lắc đầu, ôn tồn nói:
- Người cao cả là người không chà đạp lên những kẻ yếu đuối, hiếp đáp kẻ thế cô. Người cao cả là người biết thương yêu, giúp đỡ kẻ khác, biết hy sinh bản thân mình cho kẻ khác. Người cao cả là người có lòng nhân ái, biết bênh vực những kẻ khốn cùng, che chở kẻ yếu đuối. Một quốc gia hùng cường là quốc gia sản xuất ra những con người cao cả như vậy và một xã hội tiến bộ là xã hội xây dựng trên những căn bản nhân ái đó.
Vị võ quan dè dặt hỏi:
- Phải chăng hoàng đế không muốn gây chiến tranh?
- Ta đã ra lệnh cho Smenkere triệu tập một phái đoàn ngoại giao đi Hitites và Nubia để thương lượng việc này.
Hai vị võ quan nhìn nhau rồi một người đánh bạo lên tiếng:
- Kính thưa Pharaoh, kẻ hèn này đã từng theo tiên đế cầm quân chinh phạt Nubia nhiều lần. Khi ngài còn nằm trong nôi, kẻ này đã tả xung hữu đột để mở mang bờ cõi cho Ai Cập. Kẻ này biết rõ người Nubia hiếu chiến và khó thuyết phục. Hiện nay vua xứ Nubia là người nhiều mưu lược, xảo trá…
Hoàng đế Pharaoh mỉm cười nói ngay:
- Đúng thế, do đó ta mới gọi riêng hai ông vào đây để bàn việc này. Vì các ông biết rõ người Nubia nên ta muốn hai ông cầm đầu phái đoàn ngoại giao qua đó thương thuyết. Khi xưa hai ông đã tạo nhiều chiến công hiển hách, bây giờ hai ông hãy sử dụng miệng lưỡi của mình để tránh cho dân chúng hai bên khỏi cảnh chinh chiến, máu đổ đầu rơi.
Hai vị võ quan ngạc nhiên há hốc miệng không biết nói gì. Một người hỏi lại:
- Thưa Pharaoh. Ngài muốn chúng tôi qua Nubia để thương lượng hòa bình?
Hoàng đế Pharaoh gật đầu:
- Đúng thế. Ngày trước ông đã cầm quân chinh phạt Nubia, bây giờ ta muốn ông cầm đầu một phái đoàn chinh phục nhân tâm xứ này. Võ khí mới của ông không phải là cung tên, giáo mác nữa mà là các giáo sĩ, học giả, nghệ sĩ và khoa học gia. Từ nay, công lao của ông ghi khắc trên bia đá, lăng tẩm không phải là người cầm quân chinh phạt nhưng là người đem lại hòa binh, thịnh vượng cho dân chúng cả hai xứ.
Hai vị võ quan lấm lét nhìn hoàng đế Pharaoh, ngập ngừng muốn nói nhưng không biết phải bày tỏ ra sao.
Hoàng đế Pharaoh thong thả đứng dậy, đặt tay lên vai vị võ quan rồi ân cần nói:
- "Ta biết ông chủ trương kẻ nào muốn gây chiến với ta thì ta phải tiêu diệt họ trước khi họ tiêu diệt ta. Nhưng nếu ông bình tĩnh suy nghĩ kỹ thì ông sẽ thấy rằng kẻ nào chỉ khăng khăng đòi tiêu diệt kẻ khác thì kẻ ấy không thể nào tiến bộ được, và chỉ quanh quẩn mãi trong phạm vi thù hận, bạo lực mà thôi. Một hoàng đế chỉ nghĩ đến chiến tranh thì luôn luôn sợ hãi, bất an và không thể cai trị quốc gia hữu hiệu được. Một quốc gia chỉ chuẩn bị cho chiến tranh thì không thể tiến bộ về các phương diện khác được.
Các ông phải biết trách nhiệm của hoàng đế rất lớn, sự thịnh suy của quốc gia đều nằm trong sự suy xét và quyết định của người này. Một hoàng đế chỉ lo củng cố quyền lực của mình qua chiến tranh, thù hận thì quốc gia sẽ suy kiệt, thoái hóa; dân chúng sẽ lầm than, khổ cực.
Trái lại. một hoàng đế biết vượt ra khỏi những lý luận tầm thường của sự oán hận, biết tha thứ những kẻ gây khó khăn cho mình, sẽ vươn lên cao và kéo kẻ khác tiến bộ với mình.
Sở dĩ các ông muốn khởi binh đánh Nubia vì các ông muốn trừng phạt họ; vì nếu không, họ cũng sẽ mang quân xâm phạm lãnh thổ của chúng ta. Hiển nhiên người Nubia muốn đem quân đánh chúng ta vì nếu họ không ra tay trước, có lẽ chúng ta cũng sẽ xâm lăng xứ họ. Cái vòng luẩn quẩn của chiến tranh cứ thế tiếp diễn, chẳng ai chịu nhường ai. Kẻ thắng thì vinh quang, người thua thì nhục nhã và thù hận, cứ thế kéo dài từ đời này sang đời khác, biết bao giờ chấm dứt.
Tuy nhiên thắng bại, được thua chỉ như thời tiết, đến rồi đi. Lần này quân ta thắng, lần khác quân ta thua, rốt cuộc chỉ có dân chúng là chịu thiệt thòi. Là hoàng đế, ta quyết định phải chấm dứt cái vòng luẩn quẩn này. Ta sẵn sàng bỏ qua mọi sự, dù phải chịu đựng nhiều thử thách.
Các ông đừng cho rằng ta hèn nhát mà phải chịu đựng. Lúc này binh lực nước ta hùng cường nhưng ta sẽ không gây chiến vì ta muốn cho người Nubia hiểu lòng ta. Khi họ hiểu ta, họ sẽ từ bỏ giấc mộng xâm lăng và rồi mọi sự sẽ đổi khác. Ta biết mình mới lên ngôi Pharaoh, cả Ai Cập muốn xem ta sẽ làm gì. Họ sẽ đánh giá ta trong lúc này và sẽ có dư luận cho rằng ta hèn nhát, sợ hãi nhưng ta sẵn sàng chịu đựng vì sự đau khổ sẽ làm ta dũng cảm hơn. Ngay cả những nước chư hầu khác cũng sẽ chê bai ta nhưng ta sẽ nhẫn nại vì sự nhẫn nại sẽ làm cho nội tâm ta phong phú hơn.
Này các ông. Sở dĩ ta làm thế vì ta đã biết rõ đâu là sự vĩnh cửu thực sự. Ta mong các ông hiểu sự khó khăn của ta trong những ngày sắp tới và giúp ta hoàn thành sứ mạng của ta đối với Ai Cập. Dĩ nhiên ta có thể lựa chọn những sứ giả khác, nhưng ta quyết định chọn hai ông cầm đầu phái đoàn vì người dân xứ Nubia biết rõ hai ông hơn ai hết. Ta muốn nhờ sự khôn khéo của hai ông mà họ hiểu được lòng ta, và hiểu được ta thì ta có thể giúp cho cả hai quốc gia cùng tiến bộ, phát triển về mọi lãnh vực. Ta mong hai ông hãy nhận lãnh trách nhiệm lịch sử này, cố gắng hoàn tất sứ mạng và chớ phụ lòng tin tưởng của ta."
Hai vị võ quan già run rẩy nhìn nhau, không biết vì cảm động hay còn điều gì khác, nhưng hoàng đế đã phất tay ra hiệu nên họ cúi đầu bước ra khỏi phòng. Hoàng đế Pharaoh trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói với tôi:
- Này Sinuhe, hôm nay mẹ ta mệt và muốn ngươi đến khám sức khỏe cho bà. Horemheb hãy ở lại đây, ta có việc quan trọng cần bàn với ngươi.
Tôi theo người nô lệ đến cung điện của thái hậu Taiya. Đó là một căn phong trần thiết lủng củng, đồ đạc rất nhiều nhưng để bừa bãi, lung tung. Thái hậu Taiya là một phụ nữ to lớn, đẫy đà, khác hẳn những hoàng phi trong cung.
Bà ngồi trên chiếc ghế dài, tay cầm một ly rượu lớn:
- Này Sinuhe, ta muốn ngươi xem rằng ta còn sống được bao lâu nữa?
Tôi cúi đầu bước đến bắt mạch và khởi sự khám bệnh. Thái hậu Taiya tiếp tục uống rượu. Tôi bỗng giật mình vì thấy trên nệm ghế của bà có phủ một tấm chăn lớn, đan bằng thứ sợi rất thô kệch, xấu xí được cột bằng những nút thuyền chài đặc biệt của dân làng Phalon.
Thái hậu Taiya chăm chú nhìn tôi rồi hỏi:
- Hình như ngươi đã nhận ra chiếc chăn này?
- Thưa thái hậu, hình như đây là loại sợi Phalon?
- Đúng thế, ngươi nhận xét khá lắm.
- Chiếc chăn lót nôi của kẻ này cũng giống như thế…
Thái hậu Taiya gật đầu cười lớn:
- "Hiển nhiên rồi, vì chỉ có làng Phalon mới dệt loại sợi này và ta xuất thân từ làng Phalon. Đúng thế, ta là con nhà thuyền chài, suốt ngày dầm mưa dãi nắng nên nước da của ta mới đen sậm như thế này. Cách đây mấy chục năm, hoàng đế Amenophis đi thuyền ngang đó, thấy ta đang giăng lưới bên sông nên gọi ta vào hầu.
Ha ha ha, ta tung mẻ lưới bắt được con cá to nhất sông Nile. Ta biết mình chẳng đẹp đẽ gì, chẳng thể so sánh với các hoàng phi, cung nữ nhưng ta khỏe mạnh, rừng rú nên làm hoàng đế vui lòng. Thế là ta được đưa về triều. Chỉ một thời gian ngắn, ta đã sinh ngay một hoàng nam và lên ngôi hoàng hậu. Năm sau ta còn sinh thêm một công chúa nữa, thế là ta củng cố địa vị của mình. Hiện nay hoàng đế đã qua đời, con ta lên ngôi Pharaoh nên ta toại nguyện, chẳng muốn sống nữa. Ngươi hãy xem bao giờ đến ngày ta ra đi để ta chuẩn bị."
- Thưa thái hậu, kẻ này thấy ngài rất khỏe mạnh chẳng có bệnh tật chi. Chắc chắn ngài còn sống vài chục năm nữa nếu ngài… bớt uống rượu một chút.
- Ha ha ha… Bọn y sĩ các ngươi đều nói giống nhau cả, nhưng sống lâu để làm gì? Chồng ta đã qua đời, các con ta đều khôn lớn, kéo dài thêm đời sống vô vị, tẻ nhạt, chán chường trong cung làm gì. Ngươi hãy bào chế cho ta một viên thuốc độc để trả nợ đời cho xong.
Tôi chưa kịp lên tiếng thì một giọng nói rổn rảng vang lên:
- Này Sinuhe, ngươi chớ nghe lời mụ già đó. Bà ta say rồi…
Tôi giật mình quay lại thì thấy một thiếu nữ còn trẻ, dáng người to lớn, mặc võ phục, tay cầm chiếc roi da đang bước vào.
Thái hậu Taiya bật cười:
- Đó là con gái ta, công chúa Baketamon. Ta vô phúc sinh ra một đứa con trai hiền lành như con gái và một đứa con gái hung hăng như con trai…
Công chúa Baketamon cười ha hả:
- Mẹ muốn nói rằng con mới xứng đáng làm Pharaoh phải không? Anh Amenophis hiền lành quá, không thể lãnh đạo Ai Cập được.
- Trong hai đứa bay, đứa nào làm Pharaoh cũng được. Riêng ta chỉ muốn chết cho thật nhanh mà thôi.
- Nhưng đàn bà đâu làm Pharaoh được. Do đó con cần phải lấy chồng để chồng con làm Pharaoh, phần con chỉ đứng ở phía sau ra lệnh cho hắn mà thôi.
Thái hậu Taiya lắc đầu cười lớn:
- Đứa nào lấy mày chỉ khổ thôi. Mày ngang bướng, hung hăng lại ham chuộng võ nghệ, suốt ngày đi đánh nhau với các binh sĩ. Ai lấy mày để mày xé xác nó ra hay sao?
Tôi ngượng ngùng không biết phải làm gì. Từ trước đến nay tôi chỉ tiếp xúc với những phụ nữ đến nhờ tôi chữa trị chứ đâu biết phải làm gì với những phụ nữ như thế này. May thay, đang luống cuống thì Horemheb ở đâu bước vào:
- Này Sinuhe, người đã khám bệnh xong chưa?
Công chúa Baketamon chăm chú nhìn Horemheb:
- Ngươi là ai?
- Kính thưa công chúa, kẻ hèn này là Horemheb, sĩ quan chỉ huy Ngự lâm.
Công chúa reo lên:
- A phải rồi, ngươi đã giết sư tử cứu mạng anh ta. Hay lắm! Hay lắm!
Cô vừa dứt lời đã vung tay quất thẳng ngọn roi vào Horemheb. Tôi há hốc miệng kinh ngạc. Baketamon ra tay đã nhanh mà Horemheb còn nhanh hơn. Hắn đưa tay ra bắt trúng ngọn roi nắm chặt khiến Baketamon loạng choạng suýt ngã.
Cô cười lớn:
- Khá lắm! Khá lắm! Ít ai tránh được ngọn roi của ta. Ngươi hẳn là người có bản lãnh.
Horemheb vội vã cúi đầu:
- Xin công chúa tha tội, kẻ này trót dại, đó chỉ là phản ứng tự nhiên…
- Không sao, không sao đâu…
Baketamon ném cây roi xuống đất. Horemheb vội cúi xuống nhặt lên nhưng công chúa thừa thế tung chân đá mạnh vào người Horemheb. Một lần nữa, tôi trợn mắt kinh ngạc nhưng Horemheb lại nhanh nhẹn xoay người tránh được cái đá song phi đó.
Thái hậu Taiya quát lớn:
- Thôi, dừng tay lại! Như thế đủ rồi!
Công chúa Baketamon thản nhiên nói:
- Ta chỉ muốn xem ngươi có xứng đáng chỉ huy quân Ngự lâm không!
Horemheb cười nhạt không nói gì nhưng tôi biết mỗi khi hắn cười nhạt là đang mưu tính một việc gì. Hắn cúi chào thái hậu và công chúa rồi ra hiệu cho tôi đi theo.
Ra khỏi cung, hắn nắm tay tôi nói nhỏ:
- Hiện nay Pharaoh còn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Là người chỉ huy Ngự lâm nên tao rất bận, không thể tiễn mày về Thebes được. Tuy nhiên thỉnh thoảng có dịp mày nên ghé qua đây thăm tao.
-oOo-
Tôi trở về Thebes, tiếp tục công việc săn sóc bệnh nhân như xưa. Hôm đó tôi và Kepta đang mang tiền phân phát cho người nghèo trong xóm thì một thiếu nữ đi ngang nhìn tôi mỉm cười. Hình như tôi đã gặp cô này ở đâu nhưng không sao nhớ được. Kepta thấy vậy liền vặn hỏi ngay:
- Phải chăng cô đó là bệnh nhân của y sĩ?
- Ta không nhớ rõ.
Kepta mỉm cười nói nhỏ:
- Này y sĩ, cứ nhìn nụ cười và ánh mắt đó, tôi thấy cô ta phải có cảm tình với y sĩ lắm lắm.
- Ngươi đừng nói bậy. Ta cắt lưỡi ngươi bây giờ.
Kepta bật cười lắc đầu:
- Thằng nô lệ này chột mắt chứ chưa có mù đâu!
Thấy thiếu nữ đang múc nước giếng, Kepta vội bước đến gần:
- Ông chủ tôi đi đường xa khát nước, phiền cô cho mượn cái gáo múc nước.
Thiếu nữ vội trao cho Kepta chiếc gáo nhỏ. Trong lúc Kepta múc nước, cô ta vẫn nhìn tôi mỉm cười khiến tôi bối rối.
Kepta bèn hỏi:
- Hình như cô có quen biết ông chủ tôi?
- Tôi là Meryt, bán rượu ở thành Memphis. Y sĩ Sinuhe và Horemheb thường ghé qua đó uống rượu…
Lúc đó tôi mới sực nhớ ra người thiếu nữ bán rượu này:
- Thì ra cô Meryt, tôi nhớ ra rồi… Cô làm gì ở đây?
Meryt có vẻ thẹn thùng:
- Lúc này trên Memphis làm ăn khó khăn nên… em dọn về Thebes…
Kepta vội vã quảng cáo ngay:
- Tốt lắm! Nếu cô đau ốm thì hãy đến phòng mạch của ông chủ tôi. Ông là y sĩ tài giỏi nhất thành Thebes này, bệnh gì ông chủ tôi cũng chữa khỏi…
Meryt gật đầu nói ngay:
- Em biết điều đó.
Kepta chăm chú nhìn Meryt rồi hỏi tiếp:
- Cô đến Thebes này một mình hay với ai?
Meryt cúi đầu nhìn xuống đất nói nhỏ:
- Em còn cha mẹ già.
Kepta tủm tỉm cười hỏi tiếp:
- Như vậy cô chưa lập gia đình? Một người đẹp như cô mà chưa có gia đình sao?
Meryt vẫn cúi mặt vân vê tà áo:
- Em còn phải săn sóc cha mẹ già…
Tôi thấy Kepta đã bắt đầu đi quá xa nên nắm lấy áo gã, lôi đi chỗ khác:
- Thằng chột mắt này, mi không được nói năng lộn xộn.
Từ đó thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Meryt trong xóm. Lần nào gặp nhau cô đều mỉm cười và tỏ ra bẽn lẽn nhưng tôi không hề chú ý đến Meryt. Đầu óc tôi vẫn còn mải suy nghĩ những chuyện không đâu. Tôi nghĩ đến hoàng đế Amenophis và chủ trương mới mẻ của ông, tôi cũng băn khoăn về Aten, hay định luật tối cao điều hành tất cả mọi sự.

*

Một hôm tôi đang bào chế mấy vị thuốc thì có tiếng ngựa hí vang trước cửa rồi Kepta chạy vào báo cáo:
- Thưa y sĩ, có một nhóm quân sĩ ở đâu kéo đến…
Tôi ngạc nhiên chưa biết phải làm gì thì đã thấy Horemheb đẩy cửa bước vào, theo sau là một nhóm lính hầu võ trang cẩn thận:
- Này Sinuhe, tao có việc cần bàn riêng với mày.
- Chuyện gì vậy?
Horemheb phất tay ra hiệu cho lính hầu bước ra ngoài canh phòng cẩn thận rồi ngồi xuống cạnh tôi:
- Tao biết mày chỉ muốn phục vụ cho người nghèo nhưng lúc này tao cần một y sĩ tin cẩn ở bên hoàng đế.
- Tại sao?
Horemheb hạ giọng nói nhỏ:
- Chắc mày cũng biết hoàng đế Amenophis không được khỏe lắm. Ngài mắc chứng động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn, chân tay co quắp, miệng sùi bọt. Đây là bí mật quốc gia, phải được giữ kín. Ngày trước chúng ta đã chẳng suýt chết khi cứu chữa cho ngài ở sa mạc đó sao!
- Nhưng trong triều đã có các ngự y tài giỏi…
Horemheb gật đầu:
- Đúng thế, nhưng tao không thể tin những người đó được.
- Tại sao?
- Vì hôm trước tao phát hiện một âm mưu đầu độc hoàng đế.
- Cái gì? Ngài có sao không?
Horemheb lắc đầu:
- May là âm mưu kịp thời bị phát hiện. Thằng nô lệ vừa bỏ thuốc độc đã bị phát giác. Tao đích thân điều tra và tóm được một số kẻ phản nghịch.
- Nhưng… nhưng phe nhóm của hoàng thân Kira đã bị bắt cả rồi…
Horemheb ghé sát vào tai tôi:
- Không phải phe Kira đâu, còn những nhóm khác trong bóng tối nữa. Trong triều có nhiều phe nhóm tranh chấp lẫn nhau. Ngay cả tể tướng Smenkere cũng bị ám sát hụt mấy lần. Sự việc triều đình phức tạp chứ không giản dị như mày nghĩ đâu.
- Nhưng tại sao lại như thế?
Horemheb nhìn tôi một lúc rồi thong thả giải thích:
- Trên đời có hai điều mà ai cũng thèm muốn là quyền lực và danh lợi. Khi Hoàng đế sắc phong cho Smenkere, một người ngoài dòng họ, chức vị tể tướng thì ngài đã làm phật ý nhiều người trong hoàng gia đang thèm muốn địa vị này. Ngoài ra, Hoàng đế còn ban hành nhiều sắc lệnh cải tổ mới như giảm thuế, bỏ việc sưu tra để bắt đinh, thay đổi lễ nghi trong triều và những điều này dĩ nhiên đụng chạm đến quyền lợi của một số người khác nữa.
- Nhưng một y sĩ như tao thì làm được gì?
Horemheb nói nhỏ:
- Trong tình trạng đầy xáo trộn, bất an hiện nay, tao không tin ai cả, trừ mày. Không hiểu sao Smenkere cũng tỏ ra thích mày và Hoàng đế vẫn thường nhắc đến mày luôn. Tiếc quá, mày chỉ muốn sống thanh bần, nếu không đã có biết bao cơ hội để tiến thân rồi.
- Nhưng… nhưng tao đã quyết theo gương cha tao.
Horemheb vỗ nhẹ lên vai tôi:
- Tao biết điều đó nhưng lúc này Ai Cập cần mày, Hoàng đế cần mày và tao cũng cần mày. Tao mong mày hãy suy nghĩ lại. Hiện nay Hoàng đế đang đi Nekhen chọn đất để xây mồ. Nekhen ở gần đây và có lẽ đã lâu không gặp mày nên ngài muốn mày đến đó đàm đạo với ngài ít lâu.
Theo truyền thống, khi một Pharaoh lên ngôi hoàng đế là lập tức lo tìm đất để xây mồ cho mình. Việc xây cất này hết sức quan trọng vì một triều đại vua chúa thường được đánh giá qua những công trình xây cất. Người Ai Cập tin rằng linh hồn con người vốn bất tử và chỉ khoác lấy thể xác để làm một số việc nào đó thôi. Việc này có thể là cai trị quốc gia, như trường hợp các Pharaoh, hoặc trồng trọt, săn bắn, đánh cá, xây cất như trường hợp thường dân. Sau khi chết, con người sẽ được phán xét, định công luận tội trước mặt thần Osiris. Tùy theo việc làm của họ khi sống mà họ sẽ được dẫn dắt đến những cảnh giới tương xứng. Vì đời sống ở cõi trần chỉ là phần nhỏ của một đời sống khác bao la rộng rãi hơn nên các vua chúa đều chuẩn bị rất kỹ chp đời sống sau khi chết này.
Khởi đầu, người ta soạn thảo kế hoạch xây cất dựa theo niên lịch của các nhà chiêm tinh. Mọi việc xây cất tại Ai Cập đều được soạn thảo theo họa đồ của các nhà chiêm tinh trước khi giao cho thợ xây cất chuyên môn. Nhà chiêm tinh Ai Cập không phải chỉ nghiên cứu về tinh tú mà còn phải chuyên môn về toán học, vật lý học, địa lý học và cả kiến trúc nữa. Tất cả mọi công trình xây cất tại Ai Cập đều dựa theo họa đồ của các nhà chiêm tinh và những đền đài, cổ mộ, lăng tẩm, kim tự tháp đều được xây cất theo những vị trí nhất định có liên quan mật thiết với các bầu tinh tú trong vũ trụ. Từ những kích thước, hình thái, chiều cao, bề sâu, chu vi và diện tích đều dựa trên những tiêu chuẩn của các tinh tú xuất hiện vào những thời điểm nhất định. Người ta không thể hiểu kiến trúc Ai Cập nếu không có kiến thức về khoa chiêm tinh vì mọi họa đồ xây cất đều có những mục đích rõ rệt dựa theo sự vận hành của tinh tú.
Nekhen là vùng có nhiều đồi đá trơ trụi nằm dọc theo bờ sông Nile. Đây là địa bàn hoạt động của các chiêm tinh gia. Trên đỉnh ngọn đồi cao nhất là một viễn vọng đài rất lớn, trong có đền thờ thần Khem. Horemheb đưa tôi đi theo một cầu thang hình xoắn ốc lên đỉnh tháp. Tôi thấy Hoàng đế Amenophis đang trầm ngâm quan sát bầu trời với muôn ngàn tinh tú lấp lánh.
Nghe tiếng động, ông quay lại và nhìn thấy tôi.
- Sinuhe đấy ư? Ngươi có biết gì về khoa chiêm tinh không?
- Thưa Pharaoh, kẻ này là y sĩ chứ không phải nhà chiêm tinh.
- Nếu vậy có lẽ người cần phải học thêm vì đây là một kiến thức quan trọng.
- Tại sao?
- Con người cần phải có kiến thức về vũ trụ cũng như về môi trường thiên nhiên mà họ sinh sống. Chỉ khi nào biết quan sát vũ trụ bao la hùng vĩ, con người mới thấy họ nhỏ bé như con sâu, cái kiến. Chỉ khi nào biết quan sát đại dương sâu thẳm, con người mới thấy họ chỉ là những bèo bọt nổi trôi. Chỉ khi nào biết quan sát sa mạc mênh mông, con người mới thấy họ chỉ là những cát bụi bé bỏng. Nhờ biết quan sát mà con người ý thức được sự tương quan giữa vũ trụ và con người, rồi biết được những định luật cao cả điều hành mọi vật. Từ đó họ biết khiêm tốn hơn và không còn đòi làm những chuyện vá trời lấp biển nữa. Theo ta, người nào biết được vũ trụ sẽ hiểu được mình và kẻ nào hiểu được mình sẽ biết được vũ trụ.
- Tại sao lại thế?
- Vì vũ trụ là môi trường hoạt động của mọi sinh vật, từ côn trùng đến thảo mộc, từ cầm thú đến con người và biết bao sinh vật mà kiến thức của chúng ta chưa biết đến. Vũ trụ không phải là một cái gì trống rỗng mà mọi sự xảy ra một cách ngẫu nhiên. Trong vũ trụ có một sự sắp đặt khéo léo mà ở đó tất cả đều phản ảnh một sự thật rằng có một định luật cao cả chi phối mọi sự. Do đó một người hiểu biết cần phải có kiến thức về vũ trụ.
- Nhưng… đó là kiến thức chuyên môn của các nhà chiêm tinh và dễ gì mà họ chịu truyền dạy cho người khác!
Hoàng đế khẽ vỗ tay. Một ông già từ trong góc phòng bước ra.
Hoàng đế chỉ vào tôi, nói:
- Này quan Thiên Giám, ta muốn ông đặc biệt chỉ dạy thêm cho Sinuhe kiến thức về khoa chiêm tinh. Ông hãy chỉ dẫn cho y tất cả những gì mà ông đã truyền dạy cho ta.
Ông lão vội vã cúi đầu:
- Xin tuân lệnh Pharaoh. Lúc nào y sĩ muốn học thì hãy đến đây, tôi sẵn sàng hướng dẫn.
Hoàng đế Amenophis chỉ tay lên bầu trời:
- "Này Sinuhe, chiêm tinh là một khoa học về vũ trụ mà người Ai Cập chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công trình để nghiên cứu. Theo khoa này thì có một ảnh hưởng hỗ tương giữa các bầu tinh tú, trái đất và các sinh vật sống trong đó. Nếu nhìn lên không trung, ngươi sẽ cho rằng đó là một khoảng trống bao la, nhưng thật ra có một khí lực bàng bạc bao trùm khắp vũ trụ.
Cái khí lực này hết sức tế vi mà chỉ một số rất ít người biết. Nó có khả năng thu nhận, phổ biến và truyền đạt tất cả những ấn tượng của mọi động lực trong thiên nhiên. Cái ảnh hưởng hỗ tương đó là những từ lực vì tinh tú đều là những khối nam châm có sức thu hút và ảnh hưởng lẫn nhau. Chính trái đất chúng ta đang sống cũng là một khối nam châm rất lớn có sức thu hút mạnh mẽ và dĩ nhiên cũng bị chi phối bởi những từ lực phát sinh từ mặt trời hay các vì tinh tú khác.
Chính vì ảnh hưởng của những từ lực này mà mọi sự vật trong thiên nhiên luôn luôn biến đổi, lên xuống, trồi sụt theo các chu kỳ. Một người nghiên cứu về vũ trụ phải biết rõ định luật về chu kỳ. Đối với đa số mọi người thì chu kỳ chỉ là những sự thay đổi về thời tiết hay mực nước thủy triều lên xuống. Nhưng với người hiểu biết thì nó là những sự sắp đặt huyền bí và mầu nhiệm vô cùng. Thật ra mọi sinh vật đều có khả năng kinh nghiệm được sự vận chuyển của luồng từ lực này vì sự rung động của nó ảnh hưởng lên thể chất của mọi sinh vật."
- Nó ảnh hưởng như thế nào?
Hoàng đế nhìn tôi mỉm cười:
- Chắc hẳn ngươi đã biết ảnh hưởng lên xuống của thủy triều tùy thuộc vào sự vận chuyển của mặt trăng. Mặt trăng cũng ảnh hưởng đến kinh nguyệt của phụ nữ. Là y sĩ, ngươi biết rõ về những chứng bệnh điên loạn thần kinh chỉ phát động vào những ngày trăng tròn. Nếu sự vận chuyển của mặt trăng có thể gây ra những ảnh hưởng cụ thể như thế thì hẳn không phải là điều vô lý khi cho rằng sự tác động của các bầu tinh tú khác trong không gian cũng có thể gây nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự sống của mọi loài trên trái đất. Chắc ngươi cũng biết trường Khoa Học Của Sự Sống đã nghiên cứu rất kỹ về những luồng khí lực vũ trụ trong việc chữa trị?
- Thưa, điều này chỉ được truyền dạy giới hạn cho các giáo sĩ.
Hoàng đế gật đầu:
- "Ta biết điều đó, vì những kiến thức đặc biệt không thể mang ra truyền dạy một cách bừa bãi được. Ngươi phải biết rằng trong vũ trụ có những luồng từ điện rất mạnh, luôn luôn thu hút, ảnh hưởng lẫn nhau theo sự di chuyển của các bầu tinh tú. Tất cả các tinh tú đều chứa đựng những luồng từ điện rất mạnh vì chúng vận chuyển trong luồng từ khí của vũ trụ. Do đó tùy theo sự rung động của cơ thể các sinh vật cảm ứng với luồng từ điện nào mà chúng chịu ảnh hưởng của các bầu tinh tú ấy.
Là y sĩ đi hái thuốc, hẳn ngươi biết rằng có những loại cây cỏ chịu sức thu hút của mặt trời và một số loại khác chịu sự thu hút của mặt trăng. Đa số hoa nở khi có ánh sáng mặt trời nhưng vẫn có một số loài hoa chỉ nở về đêm. Một số cây cỏ chỉ tiết ra dược chất vào giờ khắc nhất định khi các tinh tú nằm ở một vị trí nào đó và người y sĩ đi hái thuốc phải biết rõ điều này."
Tôi giật mình. Kiến thức về y học là khả năng chuyên môn của tôi và tôi đã được dạy bảo rất kỹ về công dụng của các loại dược thảo. Tại sao Hoàng đế lại có thể nói đến vấn đề này một cách rõ ràng như thế? Phải chăng ông đã được thụ giáo những kiến thức này từ Abydos?
Hoàng đế Amenophis thản nhiên nói tiếp:
- "Có những loại cây cỏ hợp tính chất nhau và có những cây cỏ xung khắc nhau vì chúng rung động theo các luồng từ lực khác nhau. Một cây nho không bao giờ mọc gần cây cải vì tính chất xung khắc nhưng cây nho lại thích leo bám vào cây olive vì chúng hợp nhau. Dĩ nhiên cây cỏ đã như thế thì loài người chắc chắn phải có những rung động mạnh hơn.
Nếu ngươi biết rằng phần lớn những xúc cảm của con người cũng chịu ảnh hưởng những biến đổi của trạng thái từ điện trong thiên nhiên. Sự nóng giận, ghen tức, tình thương hay thù hận đều là những biến chứng của trạng thái rung động từ khí trong cơ thể con người.
Tình thương là một trạng thái rung động rất phức tạp, do đó biến thái của nó được biểu hiện ra dưới muôn ngàn khía cạnh khác nhau. Tình yêu cao thượng như tình mẹ con, tình yêu nghệ thuật, tình bằng hữu đều là sự biểu lộ từ điện của sự giao cảm giữa những tâm hồn có sự rung động đồng nhịp hay đồng thanh, đồng khí với nhau. Từ lực của tình thương thuần túy này là căn bản của sự sáng tạo. Do đó một người chưa biết yêu hay không hề yêu chẳng thể sáng tạo được.
Cũng như thế, một kẻ để cho tâm hồn trở nên khô khan, chai đá, dửng dưng không còn xúc cảm thì khả năng sáng tạo của y cũng sẽ kiệt quệ, thui chột đi."
Hoàng đế Amenophis im lặng một lúc như đắm chìm trong một suy tưởng nào rồi nói tiếp:
- Cái luồng khí lực từ điện bao gồm toàn thể vũ trụ này chính là một tâm thức thiêng liêng thấm nhuần tất cả vạn vật. Nó ẩn tàng trong mọi chất liệu và nhờ những tác động và mãnh lực của nó mà những vật thể thu hút lẫn nhau, dần dần kết hợp lại thành những yếu tố vật chất. Chính nhờ nó mà tất cả mọi sự được khích động, nảy sinh, phát triển và thay đổi một cách mầu nhiệm. Đối với những kẻ “có mắt mà không nhìn thấy” thì đó là những thay đổi một cách tình cờ ngẫu nhiên; nhưng với người nào biết quan sát học hỏi thì nó là một kho tàng kiến thức hết sức thâm thúy. Cái luồng khí lực này giữ gìn và lưu trữ tất cả những gì đã có, đang có và sẽ có trong trời đất. Từ những hành vi nhỏ nhặt nhất đến các tư tưởng trừu tượng nhất đếu ghi lại trên đó những rung động rõ rệt.
- Làm sao người ta biết được điều đó?
- Đây là điều mà tổ tiên người Ai Cập chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công trình để nghiên cứu. Nó chính là tinh hoa của nền tôn giáo cổ mà ngày nay ít nhiều đã bị mai một. Tuy nhiên từ nhiều năm qua, ta đã nghiên cứu, học hỏi với các bậc danh sư, đạo trưởng khắp nơi để khôi phục cái mạch nguồn đã bị bế tắc này. Ngoài ra ta còn nhờ sự giúp đỡ của những người có khả năng Linh Thị (Psychometry) nữa.
- Khả năng Linh Thị là gì?
- Đó là khả năng đặc biệt của một số người có thể thu nhận những ấn tượng phát sinh từ những đồ vật. Một tập bản thảo, một bức họa, một món trang sức cổ xưa vẫn chứa đựng trong nó những từ lực hay sự rung động của người viết, của họa sĩ hay của người thợ kim hoàn. Chỉ cần cầm lấy vật ấy, người có khả năng Linh Thị có thể truy nguyên ra nguồn gốc của nó. Này Sinuhe, trong vũ trụ không một chiếc lá rơi, không một làn sóng gợn trên mặt hồ nào lại không được ghi nhận một cách trung thực trong tâm thức vũ trụ (Akashic Record).
Tôi bàng hoàng. Từ trước đến nay tôi là người rất ham mê học hỏi và luôn luôn đặt câu hỏi với mọi người. Tôi đang được nghe nói về một kho tàng kiến thức vĩ đại. Một dịp may hiếm có để học hỏi thêm nhưng không hiểu sao tôi lại ngần ngại.
Tôi lắp bắp:
- Như thế phải chăng người có khả năng linh thị có thể biết trước được mọi việc?
- Không hẳn như thế. Người ta có thể biết tường tận những việc đã xảy ra trong quá khứ nhưng việc tương lai thì khác.
- Tại sao?
- Vì tương lai là những gì đang ở trạng thái phôi thai trong khí lực của trời đất, và tùy theo những yếu tố khác nhau mà biến đổi. Đời sống không phải là những gì có tính cách nhất định mà luôn luôn sống động, biến đổi không ngừng theo những diễn tiến rất phức tạp. Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào nó cũng vẫn phải tuân theo những định luật bất biến. Mặc dù con người có thể hành động theo ý muốn, nhưng cách thức mà họ hành động vẫn phải tuân theo những quy tắc của một định luật chung.
- Như thế là thế nào?
Hoàng đế Amenophis ôn tồn giải thích:
- "Này Sinuhe, nếu ta gảy một giây đàn thì âm ba rung động của nó sẽ không thể chuyển thành âm ba rung động của một giây đàn khác được. Cũng như thế, bất kỳ một hành động gì cũng đều có những hậu quả tương ứng nhất định nhưng con người hành động như thế nào thì vẫn tùy thuộc vào tự do ý chí của người ấy. Hãy nhìn một cây đàn. Nó có vô số giây và tùy theo giây nào ta gảy thì sẽ có những âm thanh tiết tấu tương ứng. Người nghệ sĩ nhờ biết rõ các quy luật về âm nhạc này mà sáng tạo ra các bản nhạc du dương, trầm bổng tùy theo cảm hứng riêng. Cảm hứng là tự do ý chí nhưng sự rung động và phối hợp của âm thanh hoàn toàn tùy thuộc các quy luật của âm nhạc. Nếu không nắm vững quy luật về âm nhạc này thì người ta chỉ tạo ra những âm thanh rời rạc, vô hồn chứ không thể sáng tác ra âm nhạc được.
Cũng thế, một người đã hiểu rõ qui luật của vũ trụ không bao giờ hành động trái với thiên nhiên, trái với những nhịp điệu điều hòa của trời đất mà chỉ làm những việc thuận với lòng trời. Kẻ thiếu hiểu biết nghĩ rằng mình có thể thay đổi tất cả và làm những việc trái với luân thường đạo lý, trái với luật thiên nhiên và dĩ nhiên kết quả sẽ không đi đến đâu. Con người chỉ có thể kiểm soát được hành động của mình chứ không thể kiểm soát được kết quả. Do đó Pharaoh phải là người biết rõ các định luật thiên nhiên này và hành động theo đó.
Ta có thể gây chiến với Nubia hay gìn giữ sự giao hảo giữa hai nước nhưng kết quả ra sao thì ta không thể biết được. Tuy nhiên ta hy vọng nhờ sự hiểu biết của ta mà Ai Cập sẽ tiến bộ và khi Ai Cập tiến bộ, nó sẽ ảnh hưởng đến những quốc gia chung quanh, và theo thời gian một nền văn minh tiến bộ thực sự sẽ được phát triển khắp nơi."
Hoàng đế Amenophis đưa mắt nhìn lên bầu trời mênh mông, tiếp:
- Đó là sứ mạng của ta. Sứ mạng của Pharaoh với đúng ý nghĩa cao đẹp của nó.
Chúng tôi im lặng, mỗi người đều theo đuổi những cảm xúc riêng. Thời gian gần như ngưng lại cho đến khi Hoàng đế quay qua nói với quan Thiên Giám:
- Này quan Thiên Giám, gần đây ta đã quan sát rấ kỹ những biến chuyển của những bầu tinh tú. Theo sự suy nghiệm của ta thì hiện nay nhân loại đang ở trong khúc quanh thấp nhất của một chu kỳ và hiển nhiên đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Ta cảm thấy có sự cằn cỗi, suy hoại trong các nhịp điệu điều hòa của thiên nhiên. Mối tương quan giữa con người và thiên nhiên dường như hoàn toàn bị gián đoạn. Sự giao cảm giữa người và cây cỏ, giữa các sinh vật và khoáng vật chỉ còn là những rung động mơ hồ.
Ta thấy rõ sự hoài nghi chán nản mỗi ngày một lan rộng khắp nơi; các giá trị đạo đức, tâm linh bị coi thường và tiếng nói huyền diệu của thiên nhiên chỉ là một tiếng vang ngoài sa mạc.
Ta thấy rõ các giáo sĩ đã không làm tròn nhiệm vụ hướng dẫn tâm thức con người. Các tôn giáo thờ thần linh đã gây chia rẽ khắp nơi, giáo sĩ nào cũng cho rằng giáo lý của mình đúng nhất, hay nhất và chê bai những giáo lý khác. Tín đồ các tôn giáo cũng cho đấng thần linh của mình mạnh nhất và nhiều quyền lực nhất.
Ta thấy rõ sự liên hệ giữa con người với nhau cũng ngày một suy đồi và chỉ còn sự tranh giành, bóc lột, cướp đoạt, thù hằn, lợi dụng lẫn nhau không thương tiếc.
Ta thấy rõ thảm họa chiến tranh chỉ còn trong sớm tối vì quốc gia nào cũng lo chuẩn bị cho một cuộc chiến không thể tránh.
Ta thấy rõ tiềm lực của nhân loại đang bị hoang phí cho những giấc mộng viển vông, những ảo vọng của những kẻ lãnh đạo nhiều tham vọng nhưng thiếu hiểu biết.
Làm vua, ai chẳng muốn tìm cho mình những bầy tôi trung thành, những hiền tài để giúp nước, vậy mà trải qua bao đời, tại sao các quốc gia quanh vùng đều suy kiệt, hết vua này đến vua khác đều đưa quốc gia đến chỗ suy vong, phá gia hại nước.
Ta đã suy nghiệm về điều này và thấy rằng người mà vua cho là bầy tôi trung, thật ra chẳng trung thành chút nào. Người vua cho là tướng giỏi, thật ra cũng chẳng giỏi gì. Họ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình hay phe nhóm mình mà thôi. Vì phần đông các vua chúa đều mê muội trong việc dùng người như vậy mà xứ Nubia đã mất đi phân nửa đất đai và kinh tế xứ Hitites thì kiệt quệ, dân tình đói khổ triền miên.
Ngay trong triều đình ta, đa số các quan vẫn còn nuối tiếc những chiến thắng ngày trước, những cuộc xâm lăng đẫm máu, mượn danh nghĩa mở mang bờ cõi, nhưng thật ra chỉ là những cuộc tranh cướp đất đai, tài nguyên. Sự hận thù giữa Ai Cập và các quốc gia lân cận ngày một gia tăng và nước nào cũng lo tăng cường binh lực, chờ dịp xâm lăng chém giết lẫn nhau.
Là Pharaoh, ta có thể theo gương cha ta, mang quân chinh phạt khắp nơi, tiếp tục bành trướng bờ cõi Ai Cập. Tuy nhiên ta thấy trọn đời cha của ta chỉ biết đến chiến tranh, lúc nào cũng lo sợ Ai Cập bị các xứ láng giềng đánh úp. Cha ta đã sử dụng hầu hết các tiềm lực quốc gia cho quân sự và trong suốt mấy chục năm nay, Ai Cập chưa được hưởng một ngày thái bình. Chẳng gia đình nào lại không có người chết trận, và không vùng đất nào lại không đầy những uất khí của những kẻ tử trận.
Ta đã sống một mình trong sa mạc hoang vu, hằng đêm ta vẫn nghe tiếng than khóc ai oán của các hồn ma. Không! Ta không thể tiếp tục đi theo vết chân của cha ta được! Ta không thể để cho Ai Cập tiếp tục lăn theo những vết xe lịch sử. Đã đến lúc Ai Cập cần một thay đổi lớn, một sự thay đổi tận gốc rễ."
Quan Thiên Giám ngập ngừng:
- Thưa Pharaoh, theo thiển ý thì chúng ta đang ở trong một giai đoạn hắc ám xấu xa, trong lúc này bất cứ sự thay đổi nào cũng đều bất lợi.
Hoàng đế Amenophis mỉm cười:
- Này quan Thiên Giám, ông là thầy của ta và đã dạy dỗ ta rất nhiều, nhưng ta cũng có sự quan sát và quyết định của riêng ta.
Quan Thiên Giám im lặng suy nghĩ rồi mạnh dạn lên tiếng:
- "Thưa Pharaoh. Suốt bao năm nay thần đã quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng các bầu thiên thể cai quản vận mạng con người cũng như các quốc gia. Hẳn ngài cũng biết trong chu kỳ trước đã có những sự thay đổi hết sức lớn lao, ảnh hưởng đến khắp mọi loài trên trái đất.
Ngài đã từng biết về những thiên tai, những trận đại hồng thủy thay đổi hoàn toàn các chủng loại trên mặt địa cầu.
Ngài đã được chỉ dẫn về những điềm báo trước, thời kỳ mà các tai ương, hoạn nạn, thiên tai, bệnh tật, chiến tranh xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ hơn những thời kỳ khác.
Ngài đã được học hỏi về thời kỳ mà toàn thể nhân loại đều bị ô nhiễm vì chịu ảnh hưởng xấu xa từ thể xác đến tinh thần và trở nên sa đọa đến cực điểm.
Ngài cũng biết rằng có thời kỳ mà sự tranh chấp xảy ra liên miên khắp nơi, các thảm cảnh như chiến tranh, bóc lột, ngược đãi, khủng bố, đàn áp và rồi các bệnh tật, tai ương lan tràn và sau cùng là các thiên tai như hạn hán, bão tố, động đất, núi lửa phun rồi toàn thể địa cầu sẽ thay đổi một cách nhanh chóng bất ngờ và phũ phàng hơn mọi sự tưởng tượng.
Theo sự quan sát của thần thì hiện nay chúng ta đang ở trong thời buổi hắc ám tương tự, do đó thần mong ngài hãy suy nghĩ lại trước khi cho thi hành những đường lối cải cách vì không ai biết kết quả xấu tốt sẽ như thế nào."
Hoàng đế Amenophis thong thả nói:
- "Ta hiểu rõ sự liên hệ của các bầu tinh tú cũng như ảnh hưởng của chúng đối với mọi sinh vật. Ta cũng biết quan sát các bầu thiên thể đang di chuyển vào những cung rất xấu nhưng ta cũng thấy bầu thiên thể lớn nhất là ngôi Thái Dương đang nằm ở một vị trí đối lập với các bầu thiên thể kia, do đó ta không tuyệt vọng như ông.
Ta biết nếu không có ảnh hưởng của ngôi Thái Dương thì tất cả mọi sinh vật trên trái đất này đều chết hết cả rồi. Chúng ta, những người đã được truyền dạy về kiến thức bí truyền, những người luôn luôn phóng tầm mắt ra ngoài vũ trụ để tìm hiểu những năng lực bí ẩn ảnh hưởng đến vận mạng con người hầu đi đến những quyết định hợp thời, hợp cảnh.
Này quan Thiên Giám, chúng ta cũng có đủ khôn ngoan để biết rằng, nếu các bầu tinh tú có thể ảnh hưởng đến con người thì con người cũng có thể ảnh hưởng đến các bầu tinh tú. Bằng sự đổi thay qua sức mạnh của ý chí, chúng ta có thể thắng đoạt các nghịch cảnh và chế ngự các khuynh hướng bất hảo. Nếu con người biết phục thiện, biết nhìn nhận các lỗi lầm quá khứ, biết thay đổi đường hướng cho tương lai thì họ có thể thay đổi vận mạng của mình, của xã hội, của quốc gia, chứ không thụ động, cam chịu mặc cho số phận đưa đẩy đến đâu hay đến đó."
Quan Thiên Giám thở dài:
- Theo sự tính toán của kẻ này thì thời điểm hoàng kim đó chưa đến đâu. Có lẽ phải cần thời gian…
Hoàng đế Amenophis lắc đầu:
- Ta biết sự thay đổi nào cũng cần một thời gian nhưng thời gian là điều ta không thể kiểm soát được. Hôm nay ta đang nói chuyện với các ông nhưng ngày mai ta sẽ ra sao là điều ta không thể biết được. Chỉ một kẻ liều lĩnh với lưỡi dao nhọn, hay một tên nô lệ với liều thuốc độc là tất cả sẽ đổi khác, nhưng ta không thể vì quá lo lắng cho mình mà để cho Ai Cập đi vào tình trạng thoái hóa đó được…
Horemheb khẳng khái vỗ mạnh lên ngực:
- Xin Hoàng đế chớ lo ngại. Ngày nào kẻ này còn được ở bên ngài thì không một kẻ liều lĩnh nào có thể đụng chạm đến ngài được.
Tự nhiên tôi cũng cảm thấy một bầu nhiệt huyết ở đâu dâng lên:
- Xin Hoàng đế hãy yên chí. Ngày nào tên y sĩ này còn ở bên ngài thì không một liều độc dược nào có thể qua mắt kẻ này được.
Hoàng đế Amenophis có vẻ hài lòng. Ông mỉm cười:
- "Hay lắm! Nếu các quan trong triều đều một lòng như các ngươi thì làm gì mà kế hoạch cải tổ và phục hưng Ai Cập của ta chẳng thành công. Ta chỉ mong Ai Cập sẽ hùng cường, không phải bằng lực lượng quân sự mà bằng một nền văn hóa và tôn giáo đầy minh triết. Ta muốn biến Ai Cập thành một trung tâm văn minh của thế giới.
Này quan Thiên Giám, ông hãy nhìn kỹ vị trí của ngôi Thái Dương, nó đứng một mình đối diện với các bầu thiên thể khác mà vẫn tỏa ánh sáng, nuôi sống muôn loài. Chính nhờ quan sát ngôi Thái Dương trong bao năm nay mà ta biết rằng sự thật không bao giờ thay đổi và không sức mạnh nào có thể khuất phục được nó.
Do đó, với tư cách một Pharaoh, ta phải can đảm, dũng mãnh và cương quyết thay đổi đường lối cai trị hà khắc hiện nay vì một người hiểu biết như ta không thể làm những việc trái với lương tâm được."
Hoàng đế ngưng nói, chỉ tay về phía chân trời. Bình minh đang bắt đầu. Một giải mây đỏ ửng từ từ xuất hiện rồi một bầu ánh sáng chói chan tỏa lan ra khắp nơi. Ánh sáng soi đến đâu, màn đêm tan biến đến đó và ngôi Thái Dương xuất hiện như một chiếc đĩa tròn (Aten) rực rỡ hơn bao giờ hết.
Hoàng đế Amenophis quỳ xuống đất kêu lớn:
- Hỡi Aten, xin cho con sức mạnh để thực hiện những việc đúng với sứ mạng của con.
Quan Thiên Giám ra hiệu cho chúng tôi quì cả xuống bên cạnh Pharaoh. Hoàng đế tiếp tục cầu nguyện:
- Hỡi Aten, xin cho con hòa nhập với ngài, để cho con có được sự minh triết như ngài… Re-Harakhty. (Đây là cầu thần chú ghi ở phần đầu cuốn Tử Thư Ai Cập nói về sự tái sinh hay đổi mới. Dịch sát nghĩa là sự hòa nhập với mặt trời nơi cuối chân trời hay sự tiến lên cõi sáng – Ghi chú của dịch giả).
Hoàng đế Amenophis giơ hai tay ra như muốn ôm lấy mặt trời nhưng ông loạng choạng suýt ngã. Horemheb vội vã bước lại đỡ lấy ông nhưng ông đã lấy tay vuốt ngực rồi nói nhỏ:
- Ta phải cẩn thận hơn. Mỗi lần chiêm ngưỡng sự rực rỡ của ngôi Thái Dương thì ta lại xúc động. Thôi, các ngươi hãy lui ra để ta nghỉ ngơi một lúc.
Ra khỏi phòng, Horemheb vỗ mạnh lên vai tôi:
- Tao rất mừng thấy mày nhận lời săn sóc Hoàng đế. Từ này tao và mày sẽ gần nhau hơn và tao sẽ đưa mày đi chơi khắp thành Memphis.