CHƯƠNG 7

     ó là một đêm tối trời, vầng trăng lưỡi liềm tỏa ánh sáng mờ nhạt xuống thung lũng mộ vua, khu nghĩa trang dành riêng cho Pharaoh và những người trong hoàng tộc. Đây là vùng cấm địa, được canh gác cẩn thận và bất cứ ai lai vãng trái phép đều bị xử tử hình. Tuy nhiên dù không canh gác cũng chẳng mấy ai dám bén mảng tới vì mọi người đều biết những ngôi mộ trong nghĩa trang này chẳng những được chôn giấu, che đậy kỹ lưỡng mà còn có nhữn động lực vô hình bảo vệ, ai đụng chạm đến sẽ bị trừng phạt hết sức nặng nề.
Nhờ có phù hiệu và giấy tờ chứng minh của trường Khoa Học Của Sự Chết nên các binh sĩ canh gác đã để tôi qua các trạm canh một cách dễ dàng. Theo lời chỉ dẫn, tôi mang xác ướp cha mẹ tôi đến khu nghĩa trang của dòng họ Oka. Đây là một khu đất rộng, chính giữa có trồng một thạch trụ khắc ghi công trạng của những người trong họ. Phần lớn những ngôi mộ đều được chôn sâu dưới lòng đất và dĩ nhiên không ai biết chỗ nào, nhưng nhờ được chỉ dẫn, tôi tìm một miếng đất trống và khởi công đào sới. Trong lúc đang chuẩn bị hạ huyệt thì bỗng có tiếng động ở đâu vang lên rồi từ hốc đá gần đó, một bóng đen xuất hiện. Tuy đã làm việc tại trường Khoa Học Của Sự Chết quen mổ xẻ thây ma, xác chết nhưng tôi cũng không khỏi hoảng hốt. Phải chăng đó là một vong linh hay các ma quỉ giữ mồ?
Tôi lùi lại quát lớn:
- Ngươi là ai?
Bóng đen cũng hỏi lại:
- Ngươi là ai?
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
- Thì ra ngươi không phải là ma quỉ hay vong linh giữ mồ.
Bóng đen chăm chú nhìn tôi rồi lặp lại câu hỏi:
- Ngươi là ai?
- Tôi là Sinuhe, y sĩ tại thành Thebes.
- Sinuhe ư? Phải chăng ngươi là con của y sĩ Sen Moot?
- Đúng thế.
Bóng đen thong thả bước về phía tôi. Dưới ánh trăng lờ mờ, tôi nhận ra đó là một ông già, quần áo rách rưới. Ông lão chăm chú nhìn tôi rồi trầm giọng:
- Ta biết cha ngươi là người lương thiện. Ngày xưa ta bị thương và được cha ngươi cứu chữa… Nhưng ngươi làm gì ở đây với hai cái xác ướp kia?
- Đó là xác cha mẹ tôi và tôi muốn chôn cất hai người tại đây.
- Tại sao ngươi muốn chôn tại nghĩa trang dành riêng cho hoàng tộc này?
- Đây là khu đất của dòng họ Oka, mẹ tôi là người thuộc dòng họ này. Tôi hy vọng nhờ được ướp xác và chôn cất tại đây, cha mẹ tôi sẽ được hưởng một đời sống tốt đẹp hơn ở cõi giới bên kia…
Ông lão cười khảy:
- Thì ra ngươi tin là có đời sống ở thế giới bên kia.
- Tôi không tin gì hết nhưng cha mẹ tôi thì tin như vậy. Khi xưa cha mẹ tôi thường sống theo các kỷ luật nhất định, mong sẽ được hưởng những điều tốt đẹp ở thế giới bên kia. Tiếc thay tôi không làm được như thế, tôi đã phụ lòng tin tưởng của cha mẹ tôi nên đành ướp xác hai người mang đến đây chôn cất, mong có thể đền đáp được chút gì.
Ông lão cười gằn:
- Trò đời vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Khi cha mẹ còn sống thì chẳng lo hầu hạ, phụng dưỡng; nhưng lúc chết thì con cái nào cũng lo ướp xác, tổ chức chôn cất ma chay linh đình. Ha ha… ngươi tin rằng nhờ được chôn cất trong thung lũng mộ vua này thì cha mẹ ngươi sẽ được hưởng những đồ cúng tế, những lễ vật mà người ta dâng cúng cho các vua chúa sao?
- Có thể như thế.
Ông lão ngửa cổ cười sằng sặc:
- Ngươi lầm rồi! Người chết chẳng thể hưởng cái gì hết vì nếu có các lễ vật dâng cúng thì nó chỉ lọt vào chiếc bụng rỗng của chúng ta mà thôi.
- Thì ra ông là kẻ chuyên đào mồ mả, trộm lễ vật của người chết.
- Đúng thế. Ta là Ansara, thủ lãnh của những kẻ chuyên trộm cướp mồ mả nơi đây.
Tôi tỏ vẻ khó chịu:
- Không lẽ trên đời này chẳng có nghề nghiệp gì khá hơn sao mà ông phải tranh giành cả đồ cúng tế với người chết?
Ông lão nổi giận:
- Thằng kia, nếu tao không chịu ơn cha mày khi xưa thì có lẽ mày đã bỏ mạng rồi! Không kẻ nào dám ăn nói hỗn hào với Ansara này như vậy. Mày biết gì về chúng ta mà dám lên giọng dạy đời như thế?
Tôi cũng tức giận, định lên tiếng cãi lại nhưng thấy trong giọng điệu hằn học của ông lão phảng phất một điều gì bi phẫn nên ngưng lại, không nói gì. Ansara cũng chăm chú nhìn tôi như chờ đợi phản ứng nhưng không thấy tôi nói gì thì im lặng.
Một lúc sau ông thở dài:
- "Nếu ngươi biết rằng ngày trước chúng ta cũng là những kẻ lương thiện. Chúng ta là những nông dân, chỉ biết cày sâu cuốc bẫm, cho đến khi Pharaoh gây chiến tranh, bắt trai tráng phải nhập ngũ. Chúng ta từ giã gia đình ra đi, hy vọng cuộc chiến sẽ chấm dứt sớm, nhưng nào ngờ hết cuộc chiến với người Hitites lại đến chiến tranh với Nubia, rồi Syria và Babylon để thỏa mãn giấc mộng mở mang lãnh thổ của Pharaoh. Sau mấy chục năm chinh chiến, bao nhiêu máu dân lành đã đổ, bao nhiêu sinh mạng đã mất, bao nhiêu thế hệ đã mang xương máu ra hy sinh cho tham vọng của Pharaoh, cho đến khi ông ta già yếu, lâm bệnh thì chiến tranh mới chấm dứt.
Khi chúng ta trở về quê cũ thì hầu hết ruộng nương, nhà cửa, vườn tược, đất đai đều đã lọt vào tay các quan lớn trong triều, phần thưởng của Pharaoh ban cho tướng lãnh có công. Các binh sĩ như chúng ta chẳng được gì ngoài tấm thân tàn phế bệnh hoạn. Vì chiến tranh kéo dài quá lâu, làng xóm tan hoang, gia đình ly tán, chẳng ai tìm được họ hàng thân thuộc nữa. Đám thương phế binh già như chúng ta không nơi nương tựa, không nghề sinh sống, lang thang rày đây mai đó kiếm ăn. Sau cùng chúng ta đành phải hành nghề trộm mả này."
Ansara ngửa cổ lên trời cười sằng sặc:
- Ha ha ha… Khi xưa các văn quan võ tướng đã cướp nhà cửa, ruộng vườn, đất đai của chúng ta thì ngày nay chúng ta cũng đào xới mồ mả, cướp lại những đồ vật chôn cất theo thây ma của chúng. Này Sinuhe, ngươi còn trẻ, chưa nếm mùi chinh chiến nên không thể nào hiểu được những điều ta nói đâu. Chỉ những kẻ đã từng trải chiến tranh như chúng ta mới hiểu rõ hậu quả tàn khốc của nó. Chiến tranh không những phá hoại tất cả mọi tiềm lực quốc gia mà còn làm hư hỏng con người nữa. Ta hy vọng Pharaoh sẽ không dẫm vào vết xe cũ, không gây chiến tranh, không nuôi thù hận, vì nếu có tiếp tục đường lối cũ thì tương lai Ai Cập sẽ không thể nào khá được…
Tôi ngậm ngùi nhìn ông già trong bộ quần áo rách nát:
- Nhưng hẳn ông cũng biết việc đào mồ mả rất nguy hiểm.
- Tại sao ngươi lại quan tâm đến chúng ta như vậy? Kẻ chuyên đào mồ, ăn trộm đồ quí trong mồ như chúng ta hẳn nhiên phải biết rõ những cạm bẫy trong mồ chứ…
- Nhưng còn những xác ướp giữ mồ…
- Ai sợ xác ướp chứ chúng ta không sợ chút nào. Chúng ta đã có võ khí riêng.
- Nhưng làm sao ông có thể đối phó với các động lực vô hình?
Ansara nhìn tôi ngạc nhiên:
- "Ta không ngờ ngươi cũng biết về các động lực ma quái đó. Với những kẻ đã không còn sợ chết thì xác ướp giữ mồ kia chẳng thể làm gì được. Dù các pháp sư phép thuật có cao cường đến đâu thì cũng phải dựa vào các xác ướp làm môi giới cho động lực cõi âm tác oai tác quái. Chúng ta chỉ việc đốt cháy các xác ướp này thì sự liên lạc với cõi âm phải chấm dứt ngay.
Ha ha ha… điều này giản dị chứ có khó khăn gì! Chúng ta đào đường hầm vào trong mồ, dùng lửa đốt cháy mọi thứ, từ các ký hiệu, bùa chú, đến các xác ướp để trừ sạch các động lực ma quái trước khi vơ vét mọi thứ chôn theo trong mồ. Các ảnh hưởng cõi âm dù ghê gớm đến đâu cũng phải dựa vào xác ướp làm trung gian. Mất đi thứ này chúng trở nên vô hiệu nên bọn trộm mồ mả như chúng ta mặc tình thao túng. Này Sinuhe, bất kỳ ảnh hưởng của cõi âm nào cũng kỵ lửa. Chỉ cần một mồi lửa là những ảnh hưởng ma quái đều tiêu tan ra tro bụi hết…
Ha ha ha… những vua chúa tàn bạo, những giáo sĩ tà đạo đầy tham vọng cứ nghĩ rằng khi ra lệnh ướp xác để cho các động lực vô hình từ cõi âm sử dụng thì họ có thể kéo dài ảnh hưởng ma quái này mãi mãi, nhưng họ đã lầm rất lớn. Dù các ngôi mộ được canh gác kỹ lưỡng, dù dân chúng chẳng ai dám bén mảng đến, dù con cháu họ có ngày đêm tế lễ, dâng cúng lễ vật thì họ cũng chẳng thể tác oai tác quái gì nữa vì họ không bao giờ ngờ các xác ướp trung gian đã bị chúng ta đốt cháy rụi từ lâu. Có bao giờ ngờ được rằng có những kẻ chẳng sợ chết, chẳng sợ ma quỉ, sẵn sàng đào mồ phá mả, đốt sạch xác ướp và bùa chú ma quái kia để trộm đồ quí.
Ha ha ha… trên đời này chẳng có gì tồn tại mãi với thời gian, chỉ có cát bụi mới thực sự vĩnh viễn mà thôi…"
Ansara ngưng nói nhìn về cuối chân trời rồi gật đầu:
- Trời đã gần sáng rồi. Để ta giúp ngươi một tay chôn cất song thân ngươi cho tử tế rồi ngươi hãy rời khỏi chỗ này ngay kẻo quân lính bắt được hỏi lôi thôi thì phiền lắm.
Nói xong Ansara nhặt một cái cuốc gần đó phụ giúp tôi chôn cất. Sau khi chôn xong, tôi định nhặt vài hòn đá gần đó để đánh dấu thì Ansara đã lắc đầu:
- Ngươi mất công đánh dấu làm gì, trước sau tất cả rồi cũng trở về với cát bụi. Này Sinuhe, ngươi hãy nhìn cho kỹ, có hàng trăm Pharaoh được chôn cất trong thung lũng này nhưng ngươi đã thấy gì ngoài bãi cát mênh mông bát ngát kia? Dù ngươi có quyền uy tột đỉnh thế nào đi nữa nhưng khi nằm xuống thì cũng chỉ là cái xác khô mà thôi. Dù họ có bỏ ra bao nhiêu năm xây dựng sự nghiệp, mở mang lãnh thổ, kiến tạo những lâu đài đồ sộ, những lăng tẩm vĩ đại nhưng khi chết thì cũng nằm trong cái hố không đầy ba thước. Dù họ có chinh phục được bao nhiêu quốc gia, thôn tính được bao nhiêu đất đai, xưng hùng xưng bá thế nào thì cuối cùng vẫn chỉ là một nắm xương tàn, không giá trị bằng một hạt cát trong sa mạc. Hạt cát ít ra cũng biết mình là cát bụi nên khiêm tốn nằm yên nhưng con người thì cứ mải miết, lăng xăng với những ước vọng viễn vông, chẳng ý thức được đời người vài chục năm có là mấy so với cát bụi đã hiện hữu nơi đây hàng ngàn năm rồi. Có lẽ những hạt cát đều bật cười trước sự ngu xuẩn của con người. Ha ha ha… Chúng cười cho sự điên rồ của con người, không biết thân phận mình bé nhỏ mong manh như thế nào mà còn đòi bất tử. Ha ha ha…
Ansara thong thả bước đi nhưng tiếng cười của lão vẫn rền vang trong sa mạc. Tôi im lặng nhìn theo bóng ông lão khuất dần trong bóng đêm.
-oOo-
Trời bắt đầu sáng, một vài tia nắng xuất hiện trên nền trời. Tôi trở về Thebes với một tâm trạng khó tả. Đã hơn một năm nay, tôi mới trở lại thành phố thân yêu này. Những đường phố quen thuộc từ từ hiện ra trước mắt tôi. Bên bờ giếng, một thiếu nữ đang múc nước. Vài đứa trẻ chạy nhảy quanh đó. Phiên chợ sớm đã họp. Tôi nghe rõ tiếng người cười nói và chào mời vang vang vọng lại. Khi tôi vừa đến bên giếng thì người thiếu nữ múc nước chợt ngẩng mặt lên nhìn và hoảng hốt kêu lớn:
- Sinuhe đấy ư? Anh… anh làm gì ở đây?
Tôi nhận ra Meryt, người thiếu nữ bán rượu năm xưa:
- Chào cô Meryt.
Meryt cuống quít:
- Em tưởng… em tưởng… anh đã chết rồi!
- Không, tôi vẫn còn sống… Tại sao cô lại hoảng hốt như thế?
Meryt không trả lời, dáo dác ngó quanh rồi đưa tay lên miệng ra hiệu cho tôi đừng nói. Tôi đang ngạc nhiên thì Meryt đã kéo tấm khăn choàng đầu trùm ngay lên mặt tôi rồi ghé sát vào tai tôi nói nhỏ:
- Anh đừng nói gì hết… Hãy đi theo em ngay.
- Tại sao?
Meryt kéo tay tôi rảo bước qua mấy con đường nhỏ đến một quán rượu. Khi tôi vừa bước vào thì thấy Kepta đang cắm cúi lau chùi sàn nhà. Hắn ngửng lên thấy tôi thì cuống quít la lớn:
- Ông chủ… phải ông chủ đó không?
- Kepta, ngươi làm gì ở đây?
Gã nô lệ ôm chầm lấy tôi mừng rỡ:
- Từ lúc ông chủ đem xác hai cụ đi chôn rồi không trở về, tôi tưởng ông chủ đã chết theo hai cụ rồi.
- Không, ta vẫn còn sống đây… Tại sao ngươi hoảng hốt thế?
Kepta đưa tay lên chùi con mắt duy nhất rồi hỏi:
- Không lẽ… không lẽ ông chủ không biết gì sao? Pharaoh Akhenaten… giận ông chủ lắm đó.
- Tại sao?
Kepta vội vã giải thích:
- Đúng vào lúc ông chủ bỏ đi thì hoàng tử Teay bị sưng màng óc. Hoàng đế Akhenaten chỉ có một con trai duy nhất nên ngài quí hoàng tử vô cùng. Khi hoàng tử lâm bệnh, ngài cho gọi ông chủ đến cứu chữa. Các quan ngự y đều nói rằng ông chủ là người mổ sọ tài giỏi nhất và có thể chữa cho hoàng tử nên Pharaoh đợi ông chủ mãi. Hoàng tử mắc bệnh ít lâu rồi qua đời mà ông chủ vẫn biệt vô âm tín nên một số quan triều cho rằng ông chủ đã mưu mô với phe chống đối nên lánh mặt không chịu cứu chữa, để cho dòng họ Amenophis phải tuyệt tự. Khắp nước người ta đã bàn tán việc này rất sôi nổi. Sau cùng các quan triều yêu cầu hoàng đế phải trừng trị ông chủ thật nặng nề để làm gương và án tử hình đã ban hành từ mấy tháng nay rồi.
Tôi bàng hoàng không ngờ:
- Nhưng… nhưng không lẽ… Horemheb cũng tin như vậy sao?
- Lúc đầu Horemheb bị nghi ngờ là đã che chở cho ông chủ. Sau này chính Pharaoh ra lệnh cho Horemheb phải tìm cho được ông chủ bằng bất cứ giá nào. Hắn đích thân đốc thúc quân sĩ khám xét khắp nơi. Hiện nay Horemheb đang treo giải thưởng cho ai bắt được ông chủ.
Tôi căm giận gầm lên:
- Horemheb, thằng khốn kiếp! Ta không ngờ ngươi lại thay lòng đổi dạ nhanh như thế!
Đến lúc đó Meryt mới lên tiếng:
- Sinuhe, có lẽ anh cần rời khỏi Ai Cập ngay. Nếu để Horemheb bắt được, chắc anh phải chết.
Một lần nữa tôi cảm thấy mọi sự đều sụp đổ tan tành. Tôi chán chường:
- Ta không sợ chết. Sống chết đối với ta không có nghĩa gì nữa.
- Sinuhe, tại sao anh lại nói thế?
- Ta đã được học về sự chết nên không còn sợ chết nữa.
Meryt chăm chú nhìn tôi một lúc rồi nghiêm nghị:
- Này Sinuhe, có thật đó là kiến thức về sự chết hay chỉ là sự thất vọng đối với đời sống?
Câu nói của Meryt như gáo nước lạnh dội lên đầu khiến tôi giật mình. Cả một dĩ vãng đầy đau khổ tưởng đã chìm sâu lại hiện lên rõ rệt. Meryt tiếp tục:
- Phải chăng anh vẫn còn đau khổ vì người đàn bà Babylon kia nên chỉ muốn tìm lấy cái chết?
Câu nói của Meryt đã đụng chạm đến vết thương mà bao lâu nay tôi vẫn cố quên. Hình ảnh Nefer và Horemheb lại hiện ra trong trí khiến tôi gầm lên:
- Meryt, cô nói đúng đấy! Đứa con gái khốn nạn kia đã phản bội ta… ta thề sẽ băm nó ra trăm mảnh rồi quăng cho cá sấu… Ôi đàn bà! Đàn bà chúng mày chỉ toàn là đồ xấu xa, phản bội…
Meryt ôn tồn lắc đầu:
- Anh nghĩ tất cả mọi người phụ nữ đều xấu xa như thế sao?
Tôi biết mình lỡ lời nên ngập ngừng bào chữa:
- Tôi… tôi không… không có ý nói cô.
Meryt nhẹ nhàng:
- Em biết anh không có ý vơ đũa cả nắm như thế.
Tôi bối rối chữa thẹn:
- Cô là người tốt… chứ không như đứa con gái khốn nạn thành Babylon kia. Nhưng tại sao cô lại đối xử tử tế với tôi như vậy? Tôi là một kẻ khốn cùng, đã mất hết danh dự, tài sản, danh vọng, sự nghiệp… Hiện nay tôi còn là kẻ đang bị truy nã nữa, thế tại sao cô lại giúp tôi?
Meryt im lặng cúi đầu vân vê tà áo. Kepta vội đỡ lời:
- Khi ông chủ bỏ đi mất tích, thằng nô lệ này không nơi nương tựa, lang thang đầu đường xó chợ. May thay có Meryt thương tình cho tá túc…
- Tại sao cô làm thế?
Meryt cúi đầu nói nhỏ:
- Tại vì em biết… y sĩ… là người tốt…
Đến lúc đó tôi mới hiểu được cảm tình của Meryt dành cho tôi. Tôi nhớ khi xưa có lần bị Horemheb và bạn bè ép uống rượu, chính Meryt đã can thiệp và bênh vực tôi. Sau này khi tôi trở về Thebes, cô đã theo tôi về tận đây nhưng tôi vẫn vô tình không để ý.
Tôi im lặng nhìn Meryt một lúc rồi nói thật chậm:
- Này Meryt, tôi cám ơn cô đã đối xử rất tốt với chúng tôi. Tôi là kẻ xấu xa, hèn hạ thật không xứng đáng với cô…
- Anh, đừng nói thế.
- Tôi là kẻ đang mang án tử hình, một kẻ đã phụ lòng tất cả những người yêu thương tôi. Cha mẹ tôi đã chết, nhà cửa tôi đã mất, sự nghiệp của tôi cũng không ra gì, danh dự của tôi đã bị đứa con gái thành Babylon chà đạp. Hoàng đế Akhenaten vì tin tưởng ở tôi nên con trai ông đã chết. Hiện nay tôi chỉ mang lại bất hạnh cho những ai gần tôi.
- Có lẽ anh đã bị người ta lừa gạt…
- Không, chẳng ai lừa gạt tôi cả. Tôi đã làm thì tôi phải lãnh chịu hậu quả.
- Không. Anh đừng nói thế. Lúc này hoàng đế đang giận dữ, triều đình đang xáo trộn. Horemheb cũng bị nghi ngờ che giấu anh nên phải treo giải thưởng để bắt anh mà thôi. Lúc này anh xuất hiện chẳng ích lợi gì, nhưng theo thời gian mọi sự sẽ thay đổi và…
- Không, tôi đã chán ngấy cuộc sống tại Ai Cập rồi. Cha mẹ tôi là người tốt nhưng họ đâu được gì ngoài cái chết thê thảm. Tôi muốn sống theo lý tưởng của cha mẹ tôi nhưng kết quả là mất hết danh dự, nhà cửa, tài sản. Ngay cả người bạn thân nhất cũng phản bội tôi. Hoàng đế Akhenaten thì lên án tử hình tôi. Không, tôi đã chán ngấy cái xứ khốn nạn này rồi. Tôi không thể tiếp tục kéo dài cuộc sống như thế này nữa.
Kepta gật đầu:
- Ông chủ nói đúng đó. Xứ này không biết đến tài nghệ của ông chủ thì ông chủ qua xứ khác lập nghiệp. Với tài nghệ của ông chủ thì sống chỗ nào chẳng được.
Tôi đồng ý:
- Từ nay thằng Sinuhe này sẽ không còn dính dáng gì đến Ai Cập nữa.
Meryt lắc đầu:
- Sinuhe, anh nên bình tĩnh lại. Chuyện đâu còn đó, lúc này anh cần lánh mặt một thời gian rồi từ từ mọi việc sẽ tự nó giải quyết.
- Không, tôi không còn muốn sống ở đây nữa.
Kepta gật đầu nói nhỏ:
- Thưa ông chủ, lúc này việc buôn bán tại Palistine đang phát đạt. Người Do Thái chúng tôi kiếm ăn rất khá nhưng xứ chúng tôi không có nhiều y sĩ giỏi. Nếu ông chủ qua đó làm ăn thì chắc chắn sẽ kiếm được khá lắm…
- Phải đấy, ngươi thu xếp cho ta đi Palestine ngay.
Kepta vội vã bỏ đi. Meryt im lặng nhìn tôi một lúc rồi òa lên khóc. Tôi nắm chặt lấy tay cô gái:
- Meryt, tôi hiểu rõ tình cảm của cô dành cho tôi, nhưng tôi mong cô hãy quên tôi đi. Cô còn trẻ, cuộc đời còn tươi sáng…
Meryt tiếp tục thút thít khóc cho đến khi Kepta trở lại:
- Thưa ông chủ, tôi đã thu xếp xong. Lúc này có thuyền buôn đi dọc trên sông Nile đến Beda, thằng nô lệ này đã đút lót tiền bạc cho chủ thuyền nên hắn không hỏi han chi cả. Chúng ta cần lên đường ngay.
- Ngươi làm gì có tiền để làm chuyện đó?
Kepta hấp háy con mắt duy nhất nhìn tôi rồi cười xòa:
- Thì tiền của ông chủ chứ còn của ai nữa… Thằng nô lệ này vẫn giữ giùm cho ông chủ số tiền bệnh nhân bỏ trong rương trước phòng khám bệnh. Có lẽ ông chủ quên rồi chăng?
Từ đó tôi và Kepta bắt đầu cuộc sống mới tại Palestine…
-oOo-
Tôi đi bỏ lại phía sau mảnh đất chôn nhau cắt rốn cũng như quãng đời thanh niên ngây thơ, vô tư và đầy lạc quan. Trong thời gian đầu, chúng tôi bám theo những nhóm người Do Thái chuyên buôn bán, trao đổi hàng hóa quanh sa mạc Palestine. Vì buồn chán, không tha thiết gì đến đời sống nữa nên tôi thường mượn rượu giải khuây. Nhờ Kepta còn giữ được chút tiền bạc nên chúng tôi không gặp khó khăn gì mấy, nhưng khi số tiền này cạn dần thì chúng tôi bắt đầu nếm cảnh nghèo túng đói khát. Đến lúc tiền bạc hết sạch thì chúng tôi trở thành những kẻ hành khất, tá túc dưới các mái hiên nhà hay các ốc đảo ngoài sa mạc. Được nuôi dưỡng và giáo dục trong hoàn cảnh thanh bần nên việc ăn uống, ngủ nghỉ đối với tôi không quan trọng mấy, nhưng sự kiện đang ở địa vị một y sĩ được trọng đãi, kính nể nhất thành Thebes bỗng trở nên kẻ hành khất hạ lưu, cặn bã xã hội, bị mọi người khinh miệt là điều tôi không chịu nổi. Đã thế, còn phải sống chung đụng với những thành phần bất hảo, trộm cắp, du đãng, vô gia cư, vô nghề nghiệp, những kẻ đầy thói hư tật xấu là một khổ tâm lớn cho tôi.
Theo thời gian, khi sự đau khổ dần dần giảm bớt thì tôi bắt đầu sử dụng khả năng chữa bệnh để kiếm sống. Chúng tôi đi quanh các làng mạc trong vùng để chữa bệnh. Palestine là miền sa mạc hoang vu, sỏi đá khô cằn, dân cư thưa thớt nên người bản xứ không mấy ai có dịp tiếp xúc với các y sĩ chuyên môn như tôi. Đối với họ, những căn bệnh thông thường cũng là cả một vấn đề nên chỉ ít lâu sau, tôi đã trở nên một người nổi tiếng, có thể chữa được nhiều chứng bệnh.
Chúng tôi tiếp tục đi qua rất nhiều làng mạc, thôn xóm. Càng đi xa tôi càng trở nên nổi tiếng. Dọc đường tôi đã chứng kiến nhiều cảnh bất công, những sự bóc lột, những nỗi đau khổ triền miên của con người gây ra cho con người nhưng trái tim của tôi đã khô héo và không còn xúc động nữa. Thời gian sống đói khổ, lam lũ với những kẻ hạ lưu trong xã hội đã dạy cho tôi một bài học về giá trị của đồng tiền. Tôi nghe theo lời khuyên của Kepta, chỉ chữa cho những bệnh nhân giàu có vì họ có thể trả cho tôi những số tiền lớn. Đối với những kẻ nghèo đói, tôi chẳng thèm để ý đến họ làm chi. Họ sống cũng thế mà chết đi thì xã hội lại giảm bớt được một miệng phải nuôi mà thôi.
Khi rời Ai Cập, tôi và Kepta chỉ có mảnh áo trên lưng nhưng vài năm sau, chúng tôi đã mặc những y phục sang trọng nhất, di chuyển với đoàn tùy tùng hầu hạ đông đảo. Tại các thành phố lớn, người ta đã phải mang kiệu đến rước tôi đi chữa bệnh. Tôi cho Kepta đến điều tra trước, xem xét gia cư, điền sản bệnh nhân và thảo luận giá cả trước khi chữa bệnh. Ở đâu cũng thế, khi đã mắc bệnh, người ta sẵn sàng làm mọi thứ để được chữa khỏi và tôi đã lợi dụng tình trạng này tối đa. Có những bệnh nhân bị tôi cố tình kéo dài thời gian, chờ bệnh nặng lên, đến lúc thập tử nhất sinh mới bắt đầu cứu chữa và khi đó đòi hỏi gì họ cũng sẵn sàng dâng hiến. Nhiều người phải trao trọn sản nghiệp cho tôi để thoát cơn bệnh ngặt nghèo. Có người phải mang vợ con ra cầm cố, làm nô lệ cho tôi để được cứu sống.
Theo thời gian, tôi đã làm chủ vô số tài sản từ Babylon đến Syria. Khắp nơi, thành phố nào cũng có nhà cửa, dinh thự của tôi. Từ khi hành nghề trở lại và thành một y sĩ nổi tiếng, tôi chỉ giao thiệp với giai cấp thượng lưu, quý phái, những người có quyền thế, địa vị trong xã hội. Người ta cần quen biết tôi để phòng khi bệnh hoạn yếu đau và tôi cũng cần quen biết họ, những kẻ có thế lực, để được bảo đảm về an ninh.
Cuộc sống cứ thế tuần tự trôi, chẳng mấy chốc tôi đã rời Ai Cập được hơn mười năm. Ngày ra đi tôi là một thanh niên yếu đuối, non nớt nhưng hiện nay tôi đã trở thành một người trung niên trưởng thành, từng trải mùi đời. Cuộc sống tiện nghi vật chất cũng khiến tôi nguôi ngoai phần nào cái quá khứ cay đắng tại Ai Cập. Tuy nhiên có những buổi chiều, khi ánh nắng sa mạc hắt lên khung cửa, nỗi buồn xa xứ lại dấy lên trong lòng tôi. Mỗi khi hình ảnh Horemheb và Nefer hiện lên thì các nô lệ xinh đẹp, các tiệc tùng xa hoa lộng lẫy thế nào cũng không làm sao xóa mờ được hình ảnh đó.
Một hôm tôi đang ngủ thì Kepta đẩy cửa bước vào:
- Thưa y sĩ, có một bệnh nhân đang cần chữa trị gấp.
Tôi khó chịu gắt ầm lên:
- Ngươi không thấy ta đang ngủ đây sao? Hãy để hôm khác…
- Nhưng đây là trường hợp khẩn cấp không thể chờ được…
Tôi định lên tiếng quát tháo nhưng thấy Kepta giơ tay ra hiệu nên ngưng lại. Hiển nhiên đây phải là một thân chủ rất “xộp” nên Kepta mới dám phá giấc ngủ của tôi như thế.
Khi tôi bước vào phòng khám bệnh thì thấy một nhóm người đang bao quanh một bệnh nhân mặc quân phục Ai Cập, thân thể đầy máu. Tôi khám xét vết thương và giật mình khi thấy bệnh nhân bị một vét chém rất nặng, xuyên qua cả bộ giáp trụ. Trong cuộc đời làm y sĩ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy vết chém nào nặng như thế.
- Làm sao mà người bị thương như thế?
Bệnh nhân ú ớ như không hiểu tôi nói gì. Kepta lên tiếng:
- Người này là Hitites chứ không phải Ai Cập.
- Nhưng tại sao y lại mặc giáp trụ Ai Cập.
Kepta chưa kịp trả lời thì một người đứng gần đó đã lạnh lùng lên tiếng:
- Đó là việc của chúng ta, ngươi hãy khám vết thương này xem có thể chữa được không?
Tôi cúi xuống xem xét rất kỹ. Đây quả là vết thương trí mạng. Bệnh nhân bị vật gì chém xuyên qua bộ giáp trụ kiên cố, đâm thẳng vào các cơ quan nội tạng. Càng khám tôi càng bàng hoàng vì các cơ quan bên trong đều bị hư hỏng, thịt xương nát bấy, không thể cứu chữa gì được.
- Vết chém này quá nặng, tôi nghĩ y khó có thể sống được qua hôm nay.
- Ngươi hãy xem xét cho thật kỹ đi.
Tuy cảm thấy khó chịu về thái độ trịch thượng của người lạ mặt nhưng theo thói quen nghề nghiệp, tôi vẫn cố gắng xem xét một lần nữa. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là bộ giáp trụ kiên cố bằng kim khí đã bị vật gì đó chém xuyên qua như người ta cắt một miếng bánh.
Tôi lên tiếng:
- Tôi đã từng chữa rất nhiều người bị thương vì đâm chém nhưng chưa bao giờ thấy vết thương nào nặng như thế này. Đã thế, bộ giáp trụ kiên cố cũng bị hư hỏng, hiển nhiên người này đã bị một vật gì rất sắc bén đâm trúng.
Nhóm người lạ nhìn nhau, không giấu được vẻ đắc chí. Người cầm đầu có khuôn mặt lạnh lùng gật đầu:
- Khá lắm! Ngươi quả có con mắt tinh đời đó, nhưng chúng ta chỉ muốn biết vết thương nặng như thế này có thể cứu chữa được không?
- Tôi đã xem rất kỹ, nội tạng của y bị thương nặng lắm, không thể chữa được.
- Một y sĩ nổi tiếng như ngươi mà cũng không thể chữa được sao?
- Tôi biết rõ khả năng của tôi, vết thương này quá nặng tôi không thể nào chữa nổi.
- Nếu vậy, các y sĩ khác thì sao?
Kepta vội vã lên tiếng:
- Ai cũng biết trong vùng này, ông chủ tôi là y sĩ giỏi nhất. Nếu chủ tôi đã tuyên bố không thể cứu chữa thì tôi cam đoan các lang băm quanh vùng chẳng dám mó tay vào đâu!
Nhóm người lạ mặt đưa mắt nhìn nhau khoái chí. Hiển nhiên họ chẳng quan tâm gì đến bệnh nhân mà chỉ muốn biết hậu quả của vết thương kia ra sao mà thôi. Người có khuôn mặt lạnh lùng rút ra một túi tiền vàng lớn đưa cho Kepta:
- Tốt lắm! Đây là phần thưởng cho việc khám bệnh của ông.
- Nhưng tôi đâu cứu được bệnh nhân?
- Điều ấy không quan trọng. Phiền hai ông chôn cất bệnh nhân giùm.
Nó xong họ kéo nhau bỏ đi một cách thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.

*

Tuy nhiên vài hôm sau nhóm người này trở lại với vẻ căng thẳng rõ rệt. Người cầm đầu lên tiếng:
- Chúng tôi muốn nhờ y sĩ đi khám bệnh cho một người.
Kepta lên tiếng:
- Ông chủ tôi không tiếp bệnh nhân bất ngờ như thế. Tôi phải đến trước thu xếp mọi việc đã…
Người cầm đầu nhếch miệng cười:
- Ngươi đừng lo, chúng ta sẵn sàng trả công cho chủ ngươi xứng đáng.
Kepta cương quyết lắc đầu:
- Nhưng tôi phải đến đó xem xét…
Người cầm đầu lạnh lùng nói:
- Ngươi nghĩ rằng chúng ta không biết việc ngươi đi điều tra gia cảnh bệnh nhân để định giá trước khi chủ ngươi chữa bệnh hay sao?
Người nô lệ chột mắt của tôi thản nhiên:
- Đó là cách làm việc của chúng tôi, nếu không thích các ông cứ đi tìm y sĩ khác.
- Quanh đây mấy trăm dặm không có y sĩ nào giỏi cả.
Kepta đắc chí:
- Nếu biết thế, hẳn các ông cũng biết phương cách làm việc của chúng tôi.
Ngời cầm đầu gằn giọng:
- Nếu chủ ngươi có thể chữa được cho người này thì chúng ta sẵn sàng trả công cho các ngươi cả một rương vàng. Từ trước đến nay ta chắc chưa ai dám trả món tiền lớn như thế đâu!
Kepta há hốc miệng nói không ra lời. Con mắt duy nhất của hắn đảo qua đảo lại như tính toán vì một rương vàng quả là một tài sản rất lớn, chỉ bậc vua chúa mới có thể sở hữu mà thôi. Tôi cũng im lặng vì cảm thấy hình như có điều gì không ổn.
Quả nhiên người cầm đầu nói tiếp:
- Chúng ta sẵn sàng đặt trước một số tiền lớn để y sĩ theo chúng ta lên đường ngay.
- Nhưng các ông muốn đi đâu?
- Ta không thể nói được, xin y sĩ lên đường ngay cho.
Nói xong hắn phất tay một cái, một kẻ tùy tùng vội vã đặt lên bàn một hũ đựng đầy ngọc. Kepta trố mắt xuýt xoa:
- Được lắm! Được lắm! Nhưng tôi và ông chủ tôi không bao giờ rời nhau. Để tôi thu xếp dụng cụ lên đường.
Chúng tôi theo đoàn người vượt sa mạc đến một thung lũng rộng lớn, chung quanh có nhiều quân sĩ canh gác cẩn thận. Thì ra đó là chỗ đóng quân của người Hitites. Chúng tôi được đưa đến một căn lều lớn, bệnh nhân là một người dáng dấp hiên ngang, oai vệ. Ông ta ngồi trên một chiếc nghế lớn, bên cạnh đặt một thanh kiếm hình thù kỳ dị. Vừa nhìn thấy thanh kiếm, tôi đã giật mình, hẳn đây là một vũ khí đã chém nát bộ giáp trụ của người sĩ quan Hitites hôm trước. Bệnh nhân chăm chú nhìn tôi như dò xét rồi ra hiệu cho tôi bước đến khám bệnh.
Tôi thong thả chẩn bệnh rất kỹ rồi lên tiếng:
- Ông bị một cái bướu trong đầu, cái bướu này đè lên óc khiến cho tay trái của ông không cử động được nữa. Nếu không cứu chữa, chỉ ít lâu nữa toàn thân ông sẽ bị bại liệt…
Bệnh nhân kinh ngạc, không ngờ chỉ mới một khám xét mà tôi đã nói trúng bệnh trạng của ông ta như thế. Nhóm người chung quanh cũng ngạc nhiên không kém. Người sĩ quan có khuôn mặt lạnh lùng, gật đầu:
- Nếu đã chẩn bệnh chính xác như thế hẳn y sĩ có thể chữa được cho hoàng đế của chúng tôi?
Thì ra bệnh nhân chính là hoàng đế xứ Hitites, thảo nào ông ta sẵn sàng trả thù lao chữa bệnh cao như thế! Tôi im lặng suy nghĩ rồi nói:
- Dĩ nhiên tôi có thể chữa được, nhưng tôi sợ rằng ông sẽ không dám để cho tôi chữa…
- Tại sao?
- Việc chữa trị đòi hỏi tôi phải mổ sọ ông ra, cắt cái bướu đi rồi ráp mảnh sọ lại như cũ. Đây là một phương pháp đặc biệt mà rất ít y sĩ dám đảm nhận và chẳng ai có thể bảo đảm…
Tôi chưa dứt lời thì nhón người đứng quanh đó đã hầm hầm rút võ khí ra. Người nào cũng cầm những cây kiếm hình thù kỳ dị, y hệt như thanh kiếm đặt trên bàn.
- Quả nhiên chúng ta đoán không sai, ngươi hẳn là tay sai của hoàng đế Ai Cập trà trộn đến đây để ám sát chủ nhân chúng ta…
- Ngươi phải chết…
Trong lúc tôi chưa kịp phản ứng thì một người dáng dấp bé nhỏ vẫn đứng yên lặng trong góc lều bước ra nói lớn:
- Các ngươi chớ hàm hồ! Người y sĩ này nói rất đúng vì chính ta đã đích thân chẩn bệnh cho hoàng đế và biết phải chữa như thế…
Nói xong ông quay ra chăm chú nhìn tôi rất lâu rồi ôn tồn nói:
- Ta chính là quan ngự y cho hoàng đế xứ Hitites. Ta biết việc mổ sọ người là một phương pháp đặc biệt của trường Khoa Học Của Sự Sống và rất ít ai được truyền dạy. Theo sự tìm hiểu của ta thì chỉ có Sen Moot, y sĩ thủ khoa của trường này biết cách mổ sọ nhưng ông này đã chết từ lâu rồi. Hiện nay chỉ có người con trai của ông, đang làm chức ngự y cho hoàng đế Ai Cập biết phương pháp này thôi. Ngươi có liên quan gì đến người y sĩ tên Sinuhe đó không?
- Tôi chính là Sinuhe đây.
Toàn thể mọi người đều giật mình. Người sĩ quan chỉ huy hầm hầm:
- Thì ra thế! Ta biết là phải có những âm mưu ám muội…
Bất ngờ hoàng đế Hitites bật cười lớn:
- Ha ha ha… Quan ngự y của hoàng đế Ai Cập lại đến chữa cho vua xứ Hitites trước khi hai bên khởi binh giao tranh! Không những thế, hắn còn đề nghị một phương pháp chữa bệnh lạ lùng là mổ sọ người. Ha ha ha… thảo nào các tướng sĩ của ta nghi ngờ cũng phải. Này Sinuhe, ngươi giải thích thế nào đây?
Tôi lạnh lùng:
- Khi xưa tôi là quan ngự y cho hoàng đế Akhenaten nhưng hiện nay tôi không còn dính dáng gì đến Ai Cập nữa cả. Nếu các ông có thiêu rụi Ai Cập thì cũng chẳng ăn nhằm gì đến tôi nữa. Tôi là y sĩ chữa bịnh lấy tiền và các ông sẵn sàng trả cho tôi một số tiền lớn. Nên nhớ chính các ông đã mời tôi đến đây chứ không phải tôi tự ý tìm đến. Các ông có muốn tôi chữa hay không?
Quan ngự y tò mò:
- Ta nghe nói ngươi bị hoàng đế Ai Cập kết án tử hình…
- Đúng thế! Tôi là kẻ có tội nên phải trốn đi biệt xứ. Hiện nay tôi không có quê hương, không trung thành với vua chúa nào hết. Tôi chỉ biết có tiền bạc mà thôi và sẵn sàng làm mọi sự. Việc chữa trị tùy các ông quyết định…
Hoàng đế xứ Hitites gật đầu:
- Ngươi nói đúng đó, hiện nay có lẽ ngươi là kẻ duy nhất có thể chữa bệnh cho ta, nhưng ngươi cần biết rằng nếu ta chết thì quân sĩ của ta cũng không để cho ngươi yên đâu.
- Tôi biết rõ điều này.
- Được lắm! Nếu ta khỏi bệnh thì ta sẽ cho ngươi bất cứ món gì ngươi muốn.
Gã chỉ huy có khuôn mặt lạnh lùng lên tiếng:
- Xin hoàng đế hãy nghĩ lại nếu như tên y sĩ này có âm mưu…
- Các ngươi yên tâm, nếu ta không chữa thì sẽ bị tê liệt toàn thân. Ta thà chết còn hơn sống tàn phế như thế. Chết ngoài trận mạc hay chết dưới tay tên y sĩ này cũng thế thôi… Này Sinuhe, ngươi khởi sự đi.
- Tôi sẽ cho ông uống một thang thuốc mê trước khi tôi mổ sọ.
- Hà tất phải như thế, hãy mang rượu cho ta uống là được rồi.
Mổ sọ người không phải việc tầm thường. Hầu hết mọi bệnh nhân đều được uống thuốc mê để khỏi đau đớn sợ hãi nhưng vị vua này đã làm tôi kinh ngạc. Tôi ra hiệu cho Kepta chuẩn bị dụng cụ và thuốc men. Mọi người quây quần quanh đó xem xét. Cuộc giải phẫu kéo dài đến nửa đêm mới xong.
Tôi băng bó vết thương cho hoàng đế Hitites rồi nói:
- Tôi đã cắt bỏ hoàn toàn cái bướu đó. Khoảng sáng mai, hoàng đế sẽ tỉnh lại.
Gã chỉ huy nhếch miệng cười:
- Xin y sĩ hãy ra bên ngoài nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Khi nào hoàng đế khỏe mạnh, chúng tôi sẽ cho người đưa y sĩ trở về.
Tôi hiểu ý hắn nên ra hiệu cho Kepta bước ra căn lều gần đó. Đó là một căn lều trang hoàng giản dị, sạch sẽ, chung quanh có quân sĩ canh phòng cẩn thận. Vì mệt mỏi nên tôi đặt mình xuống giường là ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ tôi thấy hình ảnh Horemheb và Nefer hiện ra nhưng lần này tôi thấy mình đang cầm thanh kiếm hình thù kỳ dị kia. Tôi vừa vung kiếm lên, đầu Nefer đã rời khỏi cổ. Horemheb quay lưng bỏ chạy nhưng tôi đã xông đến, lưỡi kiếm sắc bén chém xuyên qua bộ giáp trụ bằng kim khí, cắm ngập vào lưng Horemheb. Hắn ngã gục xuống. Tôi thong thả bước đến chém bồi thêm một nhát nữa. Lưỡi gươm xuyên qua bộ giáp trụ của hắn, máu phun ra có vòi. Horemheb giơ hai tay ra như van xin nhưng một lần nữa, tôi vung kiếm chém rụng cả hai tay hắn:
- Sinuhe, sao bạn lại làm thế?
- Ai bạn bè gì với mày? Đồ vong ân bội nghĩa!
Tôi giơ kiếm đâm thẳng vào ngực hắn. Horemheb kêu lớn:
- Sinuhe… Sinuhe… Xin bạn đừng làm thế…
Tôi sung sướng bật lên một tràng cười sảng khoái và cười mãi không thôi, nhưng không hiểu sao tiếng cười của tôi bỗng trở thành tiếng khóc. Tôi hốt hoảng, rõ ràng mình đang cười nhưng lại nghe ra tiếng khóc, rồi cả thế giới như quay cuồng, đảo lộn. Quanh tôi đầy những âm thanh cuồng nộ, kỳ lạ.
Tôi giật mình tỉnh dậy, bên ngoài trời chưa sáng hẳn. Văng vẳng đâu đây hình như vẫn còn những tiếng gầm thét cuồng nộ. Tôi muốn ngồi dậy nhưng đầu óc còn choáng váng quay cuồng bởi hình ảnh của giấc mơ vừa qua. Chưa bao giờ tôi sợ hãi như vậy. Phải chăng tôi là một kẻ hung bạo và tàn ác? Từ lâu nay tôi muốn rửa hận, nhưng khi thấy mình làm việc này, dù chỉ trong giấc mơ, tôi lại thấy đó không phải là điều mình thực sự mong muốn. Tuy lòng ghen tức thúc đẩy tôi phải trả thù nhưng vẫn có một cái gì khác, tiềm ẩn, không cho phép tôi làm thế. Hơn mười năm nay, tôi đã sống trong đau khổ, chán chường vì chưa quên được chuyện cũ nhưng hiện nay hình như có một cái gì đó đang nhen nhúm, thay đổi xảy ra trong tôi.
Tôi ngồi dậy bước ra khỏi lều. Mặt trời đã mọc ở cuối chân trời, những tia sáng chói chan nhảy múa trên cồn cát sa mạc khiến tôi nghĩ đến hoàng đế Akhenaten. Hình ảnh con người trầm tĩnh với chủ trương cải cách lạ lùng kia tự nhiên hiện ra trước mắt tôi. Vừa lên ngôi ông đã gặp khó khăn bởi cuộc phản loạn, nhưng ông đã khắc phục được nó, biết tha thứ cho những kẻ âm mưu tạo phản trong triều để thiết lập một trật tự mới. Liệu ông có thành công trong việc thay đổi những truyền thống cổ xưa hay không, vẫn còn là một nghi vấn.
Tôi chợt nghĩ đến thanh gươm kỳ lạ và gã Hitites mặc giáp trụ Ai Cập bị chém trọng thương kia. Phải chăng người Hitites đang thí nghiệm một vũ khí mới lạ, cực kỳ sắc bén để chuẩn bị chiến tranh với Ai Cập? Vừa nghĩ đến thân thể bị chém nát bét của gã, tôi chợt nảy sinh ý nghĩ, biết đâu Horemheb cũng sẽ lâm số phận như thế! Tự nhiên tôi đâm ra hoảng hốt. Hình ảnh Horemheb trong bộ quân phục oai nghiêm hiện ra trước mắt tôi nhưng lần này tôi không thấy ghen tức nữa mà thực sự lo ngại cho hắn. Tôi không ưa Horemheb vì hắn đã cướp mất Nefer của tôi, nhưng tôi cũng không muốn thấy hắn chết thảm dưới lưỡi gươm kỳ lạ kia. Hình ảnh Nefer trong vòng tay của Horemheb một lần nữa lại hiện ra nhưng không hiểu sao lần này tôi cảm thấy bình tĩnh lạ thường. Tự nhiên tôi nhủ thầm, có lẽ Horemheb xứng đáng với Nefer hơn. Hắn là người từng trải, có kinh nghiệm, hào hoa phong nhã, trong khi tôi chỉ là một thanh niên ngây thơ, khờ dại trên tình trường. Đây là lần đầu tôi thấy mình không có ý định so sánh như trước mà biết chấp nhận rằng tôi và Horemheb khác nhau rất xa.
Tự nhiên tôi thấy trong lòng nhẹ hẳn đi như vừa trút được một gánh nặng. Tôi tự nhủ không lẽ chỉ vì một người con gái tầm thường mà tôi lại để mất đi một người bạn thâm giao như Horemheb hay sao? Khi vừa nghĩ đến đó, bất chợt những kỷ niệm thời thơ ấu hiện ra trong trí tôi. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy mình có thể suy nghĩ một cách thanh thản như thế và ý thức rằng mình đã lãng phí thời gian cho một chuyện ghen tương hết sức vô lý.
Tôi nghĩ đến cuộc chiến tranh giữa người Hitites và Ai Cập sắp xảy ra, tự hỏi liệu một Pharaoh như Akhenaten sẽ phải đối phó thế nào khi quốc gia bị đe dọa? Một lần nữa, những câu nói sáng suốt, đầy minh triết của ông lại vang lên trong tâm trí tôi. Hình ảnh con người trẻ tuổi vừa lên ngôi Pharaoh, ngay trong buổi thiết triều lần đầu đã xóa bỏ mối hận thù để xây dựng một thể chế mới, khác hẳn các truyền thống xưa. Lòng quảng đại và can đảm của ông đã chinh phục tôi và tôi tự nhủ sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự đãi ngộ của vị Pharaoh này.
Chiều hôm sau, viên sĩ quan chỉ huy có nét mặt lạnh lùng đến gặp tôi;
- Hoàng đế của chúng tôi cho mời y sĩ đến.
Giọng điệu của gã này đã có vẻ tử tế, bớt hống hách. Chúng tôi theo chân hắn bước vào căn lều của hoàng đế Hitites. Ông ta vẫn ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, chung quanh có đông tướng sĩ hầu cận. Nét mặt mọi người vui mừng thấy rõ.
Vừa thấy tôi, hoàng đế Hitites đã nói ngay:
- Này Sinuhe, ngươi thật giỏi. Ta thấy trong mình hết sức dễ chịu, chân tay ta đã cử động được bình thường rồi.
- Xin hoàng đế hãy cẩn thận, ngài cần tĩnh dưỡng khoảng một tuần cho vết thương hoàn toàn bình phục đã.
- Được lắm, ta sẽ nghe theo lời khuyên của ngươi. Vậy ngươi muốn ta trả công như thế nào đây?
Tôi không do dự, chỉ ngay vào thanh gươm kỳ lạ để gần đó:
- Tôi chỉ xin hoàng đế ban cho tôi một thanh gươm như thế kia là được rồi.
Toàn thể sĩ quan đứng quanh đó đều giật mình. Gã chỉ huy quát lớn:
- Không được! Đó là bí mật quân sự của chúng ta.
Hoàng đế Hitites xua tay ra hiệu cho mọi người im lặng rồi ôn tồn hỏi:
- Tại sao ngươi lại muốn lấy thanh gươm đó?
- Đó là việc riêng của tôi.
Hoàng đế Hitites nhìn tôi như dò xét rồi hỏi:
- Phải chăng ngươi muốn mang thanh gươm này về Ai Cập để báo động cho Pharaoh Akhenaten? Tuy là kẻ tội phạm nhưng dù sao ngươi cũng là người Ai Cập, hiển nhiên ngươi không muốn thấy binh sĩ xứ ngươi bị tàn sát dưới lưỡi gươm sắc bén này chứ gì?
Tôi không trả lời nhưng im lặng là xác nhận nên nhóm tướng sĩ quanh đó đã ồn ào phản đối.
Hoàng đế Hitites phất tay ra hiệu cho họ im lặng rồi nói:
- Trong vòng mười ngày nữa, chúng ta sẽ tấn công Ai Cập và lúc đó lưỡi gươm này sẽ chẳng còn gì là bí mật. Dù biết, người Ai Cập cũng không thể xoay trở kịp và trước sau phần thắng sẽ về tay chúng ta. Này Sinuhe, trong bao năm qua, người Ai Cập và Hitites vẫn tàn sát lẫn nhau. Có khi chúng ta thắng và có khi người Ai Cập thắng, nhưng lần này phần thắng chắc chắn sẽ về tay chúng ta vì chúng ta có võ khí cực kỳ sắc bén có thể chém nát giáp trụ của người Ai Cập.
Hoàng đế Hitites chỉ vào thanh gươm để gần đó:
- Ta đã hứa thì sẽ giữ lời. Ngươi hãy cầm cây gươm này về Ai Cập và nói rõ cho Akhenaten biết rằng nội trong vòng một tuần nữa, chúng ta sẽ kéo quân vào Memphis…
- Ông tin rằng lần này quân đội Hitites sẽ thắng?
- Hiển nhiên phải thế! Quân lực chúng ta thiện chiến không kém Ai Cập và chúng ta có vũ khí sắc bén hơn.
- Tại sao ông nghĩ rằng với vũ khí đó, ông sẽ chinh phục được Ai Cập?
Hoàng đế Hitites ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi:
- Ngươi còn muốn nói gì nữa?
- Pharaoh Akhenaten vẫn nói rằng: "kẻ nào chỉ khăng khăng đòi tiêu diệt người khác thì không thể tiến bộ được. Một hoàng đế chỉ nghĩ đến chiến tranh thì luôn luôn sợ hãi, bất an và không thể cai trị quốc gia hữu hiệu được. Một quốc gia chỉ chuẩn bị cho chiến tranh thì không thể tiến bộ về các phương diện khác. Do đó thay vì xuất quân đánh nam, dẹp bắc để bành trướng thế lực, Pharaoh Akhenaten đã cho người đi thương thuyết hòa bình với các quốc gia lân cận…
- "Đúng thế, chúng ta đã ký kết hòa ước với Ai Cập nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Khi xưa chúng ta chưa đủ sức chống cự với các đạo binh hùng mạnh của Ai Cập, nhưng hiện nay thì khác. Người Hitites đã có những đạo quân thiện chiến với vũ khí sắc bén hơn xưa và Ai Cập ngày nay không còn là Ai Cập khi xưa nữa. Ha ha ha… Pharaoh của ngươi chỉ là một thằng khùng, không những y đã ra lệnh giải giới các lực lượng quân sự mà còn đòi cải tổ cả tôn giáo nữa.
Hiện nay Ai Cập là một xứ đầy xáo trộn, giới quí tộc thì bất mãn, giới giáo sĩ thì hoang mang và dân chúng chỉ lo thờ cúng chiếc đĩa tròn tượng trưng cho Thái Dương mà thôi. Nếu lúc này không lợi dụng cơ hội tấn công ngay thì còn đợi đến lúc nào nữa?"
Các binh sĩ đứng quanh đó cười ầm lên. Tôi thản nhiên lên tiếng:
- Khi Akhenaten vừa lên ngôi Pharaoh thì các tướng sĩ của ông đã đưa kế hoạch tấn công xứ Hitites ngay để diệt trừ hậu họa nhưng tôi nhớ rõ nhà vua đã nói: “Các ông muốn đánh xứ Hitites vì nếu không, họ cũng mang quân xâm phạm lãnh thổ ta. Hiển nhiên người Hitites muốn mang quân đánh chúng ta vì nếu họ không ra tay trước, có lẽ chúng ta cũng xâm lăng xứ họ. Cái vòng luẩn quẩn của chiến tranh cứ thế tiếp diễn, chẳng ai chịu nhường ai. Kẻ thắng thì vinh quanh, người thua thì nhục nhằn và thù hận. Cứ thế kéo dài từ đời này đến đời khác, biết bao giờ chấm dứt? Tuy nhiên thắng bại, được thua chỉ như thời tiết, đến rồi đi. Lần này quân ta thắng, lần khác quân ta thua, rốt cuộc chỉ có dân chúng là chịu thiệt thòi. Là người lãnh đạo quốc gia, ta quyết định phải chấm dứt cái vòng luẩn quẩn này. Ta sẵn sàng bỏ qua mọi sự, dù phải chịu nhiều thử thách. Các ông đừng cho rằng ta hèn nhát mà phải chịu đựng. Lúc này binh lực nước ta hùng cường nhưng ta sẽ không gây chiến vì muốn cho người Hitites hiểu lòng ta. Khi họ hiểu ta, họ sẽ từ bỏ giấc mộng xâm lăng và rồi mọi sự sẽ đổi khác.”
Hoàng đế xứ Hitites im lặng suy nghĩ rồi hỏi:
- Phải chăng vì thế mà Akhenaten đã gửi tặng ta một chiếc dĩa vàng tượng trưng cho vầng thái dương?
- Đó là chủ trương bày tỏ thiện chí của Pharaoh.
Hoàng đế xứ Hitites nghiến răng quát lớn:
- Người Hitites chúng ta không hơi sức đâu để ý đến chiếc đĩa vàng đó mà cần trả hận, mối hận đã bị Ai Cập làm nhục, phải được trả bằng máu.
Các sĩ quan quanh đó đều vung tay reo hò hăng hái. Tôi thản nhiên nói:
- "Dù cho các ông chiếm được Memphis, rửa được mối hận khi xưa nhưng sau đó các ông sẽ làm gì? Chiến thắng bằng quân sự không khó khăn lắm, nhưng cai trị một xứ như Ai Cập không dễ chút nào. Ngày trước người Ai Cập đã đánh phá xứ Hitites nhiều lần và đặt nền móng cai trị nhưng chỉ ít lâu sau, người Hitites lại nổi lên giành độc lập. Ngày nay dù người Hitites có chiếm Ai Cập nhưng ít lâu nữa cũng sẽ có những cuộc nổi dậy.
Người Ai Cập chẳng thể cai trị Hitites cũng như người Hitites chẳng thể cai trị Ai Cập. Nếu các ông tiếp tục trả hận bằng máu thì tôi e rằng chẳng bao lâu nữa, dân chúng cả hai quốc gia đều kiệt quệ sinh lực và tương lai chưa biết thế nào."
Hoàng đế Hitites im lặng suy nghĩ một lúc rồi chỉ vào thanh gươm:
- Ngươi hãy cầm cây gươm đó về Ai Cập và nói rõ cho Pharaoh của ngươi biết rằng nếu không muốn đổ máu vô ích, ông ta có thể đến đây xin quy hàng. Ta sẽ án binh bất động trong vòng một tuần, nếu Akhenaten không đến hàng ta sẽ khởi binh ngay.
Ông quay qua các tướng sĩ, ra lệnh:
- Các ngươi hãy chuẩn bị tấn công trong vòng một tuần. Sirah đâu, ngươi hãy cho quân sĩ hộ tống y sĩ Sinuhe trở về Ai Cập.
Tôi im lặng cầm lấy thanh gươm bước ra cửa. Kepta đi theo nhăn nhó:
- Ông chủ ơi, mình đang sung sướng nơi đây, trở về Ai Cập làm chi cho khổ! Ai chém giết mặc ai, miễn là chúng ta được lợi lạc thì thôi. Dù ai làm hoàng đế thì cũng đâu ăn nhập gì đến chúng ta! Miễn khi đau ốm họ đến nhờ chúng ta chữa bệnh là được rồi!
Tôi im lặng không nói gì. Kepta vừa đi vừa lải nhải than:
- Ông chủ ơi, tại sao ông chủ lại dính dáng vào những việc rắc rối làm gì! Ông về Ai Cập rủi gặp chuyện không may thì bao nhiêu nhà cửa, dinh thự tại Palestine này để cho ai ở đây?