129 - 130

     ũ và Luyến nằm trên hai chiếc xích đu ở ngoài sân phố Lý Thường kiệt. Mỗi đứa một ý nghĩ riêng, im lặng suy tư, không nói năng gì với nhau. Thuốc lá đốt thật nhiều. Luyến thương Vũ lắm. Bạn Luyến còn hai đứa sống chết với Thái Bình. Vọng chưa về. Và Vũ nằm đây, hong những vết thương cách mạng.
Chiều qua, Ngọc kể chuyện Thúy cho Vũ nghe, linh hồn và thể xác. Linh hồn Thúy đã ứp men chủ nghĩa rồi, thở rặt những ngôn ngữ cộng sản và kết duyên cùng người cộng sản, luyến ái quan theo cộng sản. Thể xác Thúy đã ôm bí danh Kiều Nhị, cán bộ cao cấp của Đoành thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình, đã mang dép Bình-Trị-Thiên, đội mũ bộ đội, đeo xặc cột. Thúy đã lột xác hoàn toàn, không còn dính một chút nào của Thúy ngày xưa, bạn tình của Vũ.
Luyến đã đọc một bài thơ của người cộng sản vô danh làm lén lút và gửi lén lút tới độc giả. Thi sĩ cộng sản vô danh đã tiên tri luyến ái quan của Đảng mình.
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Tóc mẹ già thì mỗi ngày mỗi bạc
Hai chúng ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ trở lại mảnh vườn xưa
Hai chúng ta như trời nắng tránh trời mưa
Như sao Hôm sao Mai không cùng ở
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Có bao giờ trở lại mảnh vườn xưa...
Rồi Thúy sẽ như trời nắng tránh chồng trời mưa, sẽ như sao Hôm không được ở với chồng sao Mai, sẽ như mặt trăng cách biệt chồng mặt trời. Thúy giống con phù du sắp lao mình vào ngọn lửa toan tính ác liệt. Mà Thúy không biết.
Ai biết sao nổi những bất ngờ nó đến đời mình. Lộc đã nói đúng. Phạm Huy Lộc, pha trò nhạt phếch, đã chẳng nhạt phếch tí nào, khi nhận xét cuộc đời. Ở đời, có nhiều bất ngờ không thể tưởng tượng nổi. Tao đã, bất ngờ, thấy gia đình tao vào họ Bôn, năm tao 18 tuổi. Cũng, bất ngờ, người ta bảo tao pha trò đả kích cách mạng. Bất ngờ, Lộc chống cộng sản, đi tuốt vào Sàigòn. Vũ thì bất ngờ đi kháng chiến, bất ngờ bị tàn phế... Còn Luyến, cũng bất ngờ cụt chân, bất ngờ lấy được vợ... Ôi, bất ngờ, tìm nó ở đâu để oán trách nó đã giáng xuống đời mình, bất ngờ phá nát tương lai mình dự tính, làm hư hỏng con người mình; khi mình biết, tại bất ngờ. Thúy đã bất ngờ thành đồng chí Kiều Nhị, bất ngờ là cộng sản trung kiên, bất ngờ làm vợ anh cộng sản. Thúy chưa hiểu bất ngở nó đùa giỡn mình. Khi Thúy hiểu mình lấy chồng như sao Hôm sao Nai không cùng ở, Thúy sẽ buồn thảm. Thì đã muộn. Như Luyến đã cụt chân. Như Vũ đã tàn phế. Khác với Ngọc, Luyến không ghét Thúy mà thương hại Thúy. Có ghét chăng, chỉ bất ngờ phạm tội!
Vũ không hề oán trách Thúy. Vũ đã xác định chỗ ngồi của mình trong cuộc đời, tự hôm người y sĩ quân đôi Pháp buồn bã nói Vũ đã tàn phế. Vũ đâm ra ngờ vực tất cả. Gia đình. Bằng hữu. Tình nhân. Vũ được hai thứ, đánh gục sự ngờ vực của Vũ. Gia đình và bằng hữu làm Vũ yên lòng mà sống lay lất. Còn tình nhân? Mỗi người có một số phận. Số phận nó tới lúc nào, mình không biết. Người y sĩ quân đội Pháp an ủi Vũ thế. Số phận của Vũ, Vũ đã mơ hồi cảm thấy. Chẳng bao giờ Vũ nhắc nhở Thúy, từ dạo Vũ bị những vết thương chiến tranh nó nhằm đúng tim Vũ đóng chặt. Oan nghiệt. Năn năm theo kháng chiến, chả khi nào Vũ quên Thúy, quên ngày vàng mộng tưởng, quên tình ái ngọc ngà, quên nụ cười sáng rực, quên nước mắt ngời vui. Y hệt thi sĩ Nguyễn Bính nhớ tình nhân. Nhớ nhất nước. Nhớ nhất thế giới. Nhớ nhất loài người. Nhất trời đất:
Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào quên nhớ em
Vũ hơn trời, hơn trăng, hơn sao, luôn luôn nhớ thương Thúy. Nhớ ngút ngàn. Nhớ nghiêng lệch. Nhớ trong chiến trận bừng bừng khói lửa. Nhớ ngoài hậu phương ngây ngất nhạc đời. Nhớ vào nhà em không rõ lối về. Hhớ ra đường phố mùi hồi thơm hắc.
Vũ nhớ Thúy vì trời sinh Vũ để nhớ nhung. Thúy quên Vũ vì trời sinh Thúy để quên lãng. Mấy người yêu tuổi thơ, kỷ niệm của mình mà chung thủy? Người ta tình cờ nghĩ tới thì nuối tiếc vu vơ, thì giật mình xấu hổ, thì mộng hoa niên trở lại để sống khác đi. Vũ thích dĩ vãng, bằng lòng lạc loài trong dĩ vãng. Như tiểu tư sản. Thúy không thích ngoái nhìn dĩ vãng, bẳng lòng ồn ã trong tương lai. Như vô sản. Đó là quyền sống của Thúy. Đã lớn khôn. Vũ không được phép trách móc Thúy như Thúy bảo Vũ đã vồ tiền ở đền Mẫu.
Thuở còn ngây dại. Vũ nhớ ghê lắm, thuở tình thơ với Thúy. Bắt đầu, Vũ bắt con chim khuyên bỏ túi quần xoóc, đem sang cho Thúy. Sau chót, Vũ hôn lên mắt Thúy và nói bằng hơi thở Anh sẽ về. Chúng mình sẽ trở về, bằng trái tim, anh sẽ chiến đấu để trở về, sống mãi bên em, bằng nước mắt, giã từ Thúy, Tạm biệt em hôm chia ly, sau ngày thị xã Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Vũ đã về giải phóng thị xã, Thúy đã về hạnh ngô Vũ. Hai người lấy nhau. Đất nước thanh bình. ồ, như vậy tiểu thuyết quá. Kim Trọng với Thúy Kiều quá. Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga quá. Bất ngờ, Vũ bị thương tàn phế, về nhà giống gã đào binh hèn nhát, không giải phóng thị xã nổi. Bất ngờ, Vương Viên Thúy thành đồng chí gái Kiều Nhị, lấy chồng cộng sản và quên hẳn Trần Vũ. Như vậy mới là cuộc đời.
Cuộc đời hôm nay khốn nạn không chừng. Cách mạng và chiến tranh. Chiến tranh gây đổ vỡ, cách mạng xây dựng lại đổ vỡ. Những chỗ nào đổ vỡ, cháy tàn vì chiến tranh, cách mạng xây dựng lại hết. Một thành phố, những tỉnh lỵ chẳng bao lâu sẽ như cũ. Chiến tranh sát hại hàng triệu sinh linh. Là thường. Có chiến tranh nào không người chết? Cách mạng, chiến tranh và chủ nghĩa mới đáng hãi hùng. Cách mạng, có thể, tái tạo hạnh phúc cho con người do chiến tranh đã đốt phá. Cách mạng không đủ khả năng, không bao giờ có khả năng hàn gắn sự tan nát của tình yêu con người do chủ nghĩa dẫm nát dưới bàn chân thô bạo. Chủ nghĩa thừa thãi quyền năng. Con vật vô hình đó, nhiều chân tay, nhiều bí tích, nhiều cách sát nhân, nhiều lối rửa óc. Nó chỉ thiếu một trái tim. Như con người. Nó không biết rung động, cảm động, thương yêu. Dưới bàn chân thô bạo của nó là tình người. Tình người, vô tình, biến thành kẻ thù số một của chủ nghĩa.
Cách mạng bị chủ nghĩa dẫn dắt. Thị xã Thái Bình bị tiêu thổ kháng chiến, không đời nào kiến tạo như ngày xưa. Ngay cả những cây hồi hoa thơm hăng hắc cũng khó lòng trồng lại. Chủ nghĩa đã dầy đạp bao trái tim con người. Trái tim của Thúy đau đớn nhất, đau chẳng biết mình đau.
- Mày thuộc bài thơ tình nào hay nhất không?
Vũ hỏi.
Luyến mỉm cười, rướn thân hình lên:
- Buồn đấy.
Vũ nói:
- Thơ tình nào không buồn? Buồn mới bất hủ.
Luyến ngâm nga:
- ... Tình yêu đến tình yêu đi ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những hình xưa nay đoạn tuyệt dấu hài
Gấp đi em anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn...
Vũ khen:
- Tuyệt tác. Thơ vận vào đời tao.
Rồi, Vũ nói chuyện khác:
- Bắt đầu, khởi sự cách mạng mùa Thu. Từ cách mạng mùa Thu, đã thấy mùi chủ nghĩa. Khi mình biết chủ nghĩa hướng dẫn cách mạng, mình đã tàn phế rồi. Đàn anh chúng ta cũng không biết. Anh Vũ Thương Anh biết muộn màng. Anh ấy sắp chết, vẫn sợ chủ nghĩa. Đến nỗi, làm bản nhạc Cuối thu đường đời, anh ấy phải giấu giiếm tâm sự một mình, gửi người cùng tâm sự. Cách mạng mùa Thu chẳng phải cách mạng chống đối thực dân đâu. Theo tao, chỉ là cách mạng rơi vào tay chủ nghĩa. Để tiêu diệt tình người. Chấm hết.
Luyến không nói gì nữa. Vũ lặng im. Cả hai đứa hút thuốc lá, nhìn khói bay theo gió thu vào không gian mù khơi. Sắp sửa 19-8 rồi. Còn vài hôm nữa thôi, ngày tổng khởi nghĩa. Chín năm trước, thằng Vũ, thằng Côn, thằng Luyến, thằng Long, thằng Lộc còn chân sáo tung tăng Nhanh bươc nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng. Chín năm sau, Long chết trận ở Duyên Hà, Lộc, Côn vô Nam, Luyến mất một chân, Vũ tàn phế nằm giữa sân phố Lý Thường Kiệt, nói chuyện thất vọng cách mạng mùa Thu. Nghe đâu đây, tiếng kèn ác mô ni ca ray rút thổi bản nhạc sầu thảm. Và, giọng ai đó thổn thức hát.
... Giọt nước mắt rơi buồn tênh đường trần
Sợi nắng úa soi thời gian ngại ngần
Ôi mùa thu hẹn nhau đã tới
Ơi mùa thu, mùa thu cuối lối
Bánh xe tang lăn trên xác lá mồ côi...
Le Plessis Robinson
Noel, 1992
Duyên Anh
Chú thích:
[1] Mỹ viện trợ sữa bột hết chất béo cho dân gầy và phó mát vàng chòe, đúng như người Thái Bình nhận định. Hai thứ này không được bán trong thị trường thương mại. Vải vóc càng tệ hơn, mặc hai lần là vất đi.
[2] Tên một ngọn núi.
[3] Tên một ngôi chùa ở Sơn Tây.
[4] Tử Phác, bộ đội tiểu tư sản. Năm 1950 bị loại ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1956, Tử Phác gia nhập Nhân Văn Giai Phẩm, chống Đảng và Nhà Nước cộng sản. Ông chết năm 1986.
[5] Khái Hưng, nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến. Vencuzenđơ bị Việt Minh thủ tiêu năm 1946.
[6] Lan Khai, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, bị học trò Việt Minh thủ tiêu 1946, vì Vencuzenđơ.
[7] Yên Thao làm có bài Nhà tôi. Trong cuộc chỉnh huấn 1950, bị lãnh đạo văn nghệ Tố Hữu phê bình sát ván, Yên Thao không thèm làm thơ nữa
[8] Tố Hữu, lãnh tụ văn nghệ hồi Hồ Chí Minh còn sống. Bốn câu thơ trên trích trong tập thơ Từ ấy. Năm 1986, Tố Hữu bị thanh trừng.
[9] Tân thế giới, cu ly đồn điền cao su Pháp đọc sai.
[10] Bolchevik.
[11] Nữ cộng sản Pháp nằm giữa đường ngăn cho xe lửa chở lính Pháp xuống Marseille sang chiến đấu ở Việt Nam không đi được.

HẾT


Xem Tiếp: ----