Phần VI (tt) 75 - 76
Chu kỳ rữc rỡ

     ai đứa đi gần nhau. Trăng cuối năm sáng tỏ. Trăng mãi mãi sáng tỏ, ở đồng nội. Mưa dầm gió bấc đã qua rồi. Năm nay, mưa sớm, mưa nhiều, nên gần tết, trời tạnh ráo. Sáng sớm còn lạnh, nhưng cái lạnh dễ chịu, cái lạnh không nỡ xoáy buốt vào da thịt. Buổi trưa nắng. Nắng vàng đẹp, như rơm vụ mùa. Nắng cho cải trổ ngồng, để hoa cải vàng đua cùng nắng. Nắng cho lá cải héo, cho nải dưa nén hành thơm mùi tết. Nắng cho ấm một sửa soạn đón xuân. Ban đêm, lạnh hơn đôi chút. Lạnh cho bếp lửa gần người, cho ổ rơm ý nghĩa. Cho những người đi bên nhau nhìn rõ hơi thở của nhau. Trăng trải ánh bạc. Cũng lạnh. Khoa, mơ hồ, thấy ánh trăng bốc khói. Không phải trăng đượm hơi sương đâu. Chỉ biết trăng bốc khói. Khói gì, Khoa chẳng biết. Khoa đưa cho Liên gói lạc rang:
- Liên có lạnh hông?
Liên cầm gói lạc, bỏ vào túi áo len. Rồi, đôi bàn tay Liên không muốn rời túi áo.
- Lạnh chứ.
Khoa, thản nhiên, quàng tay bá vai Liên, như nó vẫn quàng tay bá vai Đường, những đêm tập kịch, về chung một lối. Khi Khoa kéo Liên sát bên nó, Khoa mới ngỡ ngàng. Bàn tay lạnh rượi của nó nóng ran. Trái tim nó ồn ào, cơ hồ tiếng trống đồng đại hội. Khoa không dám buông tay mình khỏi vai Liên. Không thể buông được. Vai Liên là thỏi nam châm, mà tay Khoa chỉ là miếng sắt mỏng. Thỏi nam châm im lặng cuốn hút. Miếng sắt đổ mồ hôi lo lắng.
- Khoa có lạnh không?
- Không.
- Mình lên cầu Chờ một chút, nhé!
- Làm gì?
- Ngồi chơi.
- Không lạnh nữa à?
Liên lặng thinh, để mặc cánh tay Khoa quàng qua cổ mình, bàn tay Khoa đặt lên vai mình, dìu mình đi. Chẳng ai thấy hai đứa đi, ngoài con đường, ánh trăng, và cỏ lá. Quãng đường rộng dần và, từ đây tới cầu Chờ, thẳng tắp. Đêm yên tĩnh. Khoa không hiểu nó đang đi vào một cuộc đời khác cuộc đời bình thường, tẻ nhạt. Đoạn đầu của một đời người, là cuộc đời xa lạ với cuộc đời nối tiếp. Khi bước chân niên thiếu bước nhẹ trên đường thơm hoa mộng, mấy ai biết mình đang sống cuộc đời có thật, mà trời đất dành riêng cho mình. Cuộc đời ấy qua đi rất nhanh. Nếu mình không hưởng vội, mình sẽ hối tiếc. Và rồi, đến một tuổi nào, cuộc đời ấy chỉ còn sống dậy bằng hồi tưởng phản phúc, bằng chiêm bao thiếu mầu sắc, âm thanh. Bất hạnh cho một người, cho những người chối bỏ ân huệ của trời đất ban phát cho tuổi niên thiếu của mình, hay không biết hưởng ân huệ tuyệt diệu đó. Họ là những người mà cuộc đời bị cắt mất đoạn đầu đời. Họ không có kỷ niệm để hồi tưởng, để chơi những trò chơi bằng trí nhớ. Con đường đất chỉ là con đường đất. Ánh trăng chỉ là ánh trăng. Lá cây, ngọn cỏ chỉ là lá cây, ngọn cỏ. Tiếng gió luồn qua bụi tre, khóm lá chẳng mang thêm một ý nghĩa nào. Nếu ở đoạn đầu đời, ta được hưởng ân huệ của trời đất, được khoác vai người con gái bé nhỏ, đi trên con đường đất tắm ướt ánh trăng, nghe tiếng gió luồn qua bụi tre, khóm lá, ngửi mùi hoa bưởi về khuya, thì ngay ngọn cỏ cũng ngậm sương mơ, thì ngay cánh hoa cũng dậy mùi hương mộng.
- Khoa ạ!
- Gì?
- Mai, đừng cho Liên lạc rang nữa.
- Tại sao thế? Liên không thích ăn lạc rang của Khoa à?
- Thích lắm.
- Vậy Khoa cứ đem cho Liên. Mẹ Khoa rang đấy. Mẹ Khoa bảo tết này rủ Liên sang nhà Khoa, mẹ Khoa sẽ mừng tuổi Liên.
Đã đến cầu Chờ. Những chiếc cầu bắc ngang những khúc ngòi ở quê nhà Khoa, luôn luôn, là những phiến đá dầy, và lớn. Và, ngay cả những cây cột cao chống đỡ những phiến đá mặt cầu cũng bằng đá. Mặt cầu, qua nhiều năm tháng, phẳng lì, nhẵn bóng như mặt bàn gụ. Những bàn chân dính đất cát của người quê hương là thuốc đánh bóng mặt cầu đá. Buổi trưa có thể thấy rõ mặt mình trên cầu. Các cô thôn nữ thường dùng mặt cầu làm gương, sửa sang mớ tóc mai, chiếc khăn mỏ quạ, nếu quãng đường trước mặt đang đi tới mấy anh chàng xinh trai. Ngồi ở cầu, buông thõng hai chân, nhìn xuống con ngòi, để mộng mơ đôi chút. Tiếng sáo diều lơ lửng trời xanh. Những chiếc lá trang xanh non. Lũ gọng vó cứ thích bơi ngược dòng. Và, lá trang là chỗ nghỉ chân của những chú gọng vó dừng bước giang hồ. Đêm đêm, bất kể mùa xuân, hay mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông, đều có một người ngồi trên cầu chờ đợi một gnười. Cầu, do đó, mang tên cầu Chờ. Cái tên thật lãng mạn. Lãng mạn như người quê hương, như người đã đặt tên cho chiếc cầu. Hẳn người này là thi sĩ, là tác giả những vần ca dao bồng bế, óng ả.
- Mình ngồi giữa cầu, Khoa nhé!
- Lạnh chết.
- Đã có lạc rang.
Khoa không muốn ngồi. Nó muốn đi mãi, đi suốt đêm, đi hết những con đường làng. Để, bàn tay nó nóng ran trên vai Liên.
- Khoa thích đi.
- Ngồi nghỉ chân một lát, rồi đi.
Khoa đành chiều Liên. Hai đứa ngồi giữa cầu, ngồi giữa một nơi mộng ảo, ngồi trên phiến đá thần, mà cả hai đều không biết. Họa chăng, là hồi tưởng mai sau. Cảnh tượng nào khác cảnh tượng trong chuyện thần tiên. Chiếc cầu. Dòng nước. Ánh trăng. Cơn gió. Cây cỏ. Sương khuya. Nhạc đêm. Sự im lặng, và hơi thở của hai tâm hồn. Ảo cảnh nào hơn ảo cảnh này? Ở ngay đây, trên chiếc cầu đá tầm thường của quê nhà, đã có. Hạnh phúc vốn đơn sơ. Không cần làm những chuyến đi xa, tìm kiếm, để trở về rã rời, mệt mỏi.
- Khoa ạ!
- Hở?
- Quê Khoa có nhiều tên hay ghê. Cầu Chờ, quán Nghỉ, hồ Mơ.
- Còn bến Đợi nữa.
- Ở đâu?
- Miễu Vang đi lên đê Trà Lý. Bến đò sang Tiên Hưng đó. Lâu lâu, mới có người qua sông, phải gọi đò bên kia sang. Đợi hàng giờ.
- Bến Đợi là bến đứng đợi đò. Ai đặt tên lạ nhỉ?
Bỗng Liên hỏi:
- Khoa lạnh không?
Khoa ngước mắt nhìn trăng:
- Không.
- Sao, lúc nãy, sợ lạnh chết?
- Giờ hết rồi.
Liên bốc cho Khoa một dúm lạc rang:
- Ăn đi.
Khoa đỡ lấy. Hai đứa vê vỏ thổi phù, rồi bỏ vào miệng nhai ròn. Đêm im lặng. Khoa nghe rõ tiếng súng đại bác từ Nam Định vọng sang. Tiếng súng, mấy hôm rầy, Khoa đã nghe nói. Đến nay, mới nghe thấy. Từ ngày thị xã Thái Bình tiêu thổ kháng chiến, giặc Pháp mới lướt qua một đêm, không bắn chết ai, rồi cút ngay về Nam Định. Giặc sợ hãi dân Thái Bình. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp, cơ mà. Giặc sang ở lâu, sẽ bị tiêu diệt. Bọn Pháp giỏi cắn trộm thôi. Chưa chi đã rút vội. Tiếng súng vọng sang không làm ai nao núng. Đã quen rồi. Với lại, Thái Bình cách Nam Định mấy chục cây số, và con sông Hồng. Khoa tin chắc, giặc Pháp không thể chiếm Thái Bình. Hơn hai năm đóng quân, ở Nam Định, Pháp vẫn chẳng dám dòm ngó Thái Bình. Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Kiến An, Hưng Yên, Hà Nam,... Pháp đã chiếm gọn. Thế mà, Pháp chỉ dám cho máy bay Bà Già bay cao tít tắp, trên vùng trời Thái Bình. Thỉnh thoảng, giặc thả truyền đơn, nói phét: Quỳnh Côi, Phụ Dực ra tro. Đống Năm, Trực Nội ăn no đạn đồng, để dọa dẫm dân Thái Bình.
Khoa nhớ, hôm trốn nhà theo bộ đội làm liên lạc viên, Vũ kéo Khoa ra vườn sau:
- Đêm nay anh đi.
- Đi đâu?
- Đánh nhau với tụi Pháp. Đại đội 4 đóng ở Thư Trì, đêm nào cũng vượt sông Hồng, qua Nam Định, đột kích đồn giặc. Bộ đội ta quấy phá giặc, ở Nam Định, bắt nó bỏ mộng chiếm Thái Bình. Anh phải bảo vệ thị xã.
- Em trốn với.
- Đại đội 4 nhận một mình anh thôi. Hai năm nữa, anh đủ tuổi vào bộ đội. Nhất định giữ Thái Nình. Anh sợ bố và dì biết, ngăn cấm. Khoa giúp anh bỏ hai bộ quần áo vào cái bị; đến tối, lẻn vất ở gốc cây bòng. Anh đã hứa đi chiến đấu.
- Với ai?
- Lớn lên em sẽ hiểu.
- Chắc chắn giữ được Thái Bình chứ, anh?
- Chắc chắn. Anh không còn phiêu lưu cống Đậu nữa. Anh không thích bị bố bắt về.
Khoa tin anh. Với Khoa, mãi mãi, Vũ là thần tượng. Vũ trốn nhà đi hai năm rồi. Hai năm, giặc Pháp chưa chiếm nổi Thái bình. Có lẽ, Vũ đã trở thành bộ đội, đêm đêm, vượt sông khuấy phá đồn giặc, để Khoa ngồi trên cầu Chờ với Liên.
- Liên có nghe thấy tiếng súng không?
- Không.
- Đạn đại bác đấy.
- Thế à? Liên chỉ nghe tiếng lạc rang nhai ròn. Ai rang lạc khéo quá? Vỏ tróc ngon ơ...
- Mẹ Khoa rang đó. Rang lạc chung với cát. Mẹ Khoa đổ cả lạc lẫn cát nóng bỏng vào miếng vải, bảo Khoa đem ủ vào chăn bông. Lúc nào muốn ăn, lấy cái sàng đãi cát.
Liên cầm tay Khoa, kéo Khoa đứng dậy:
- Đi lên cầu đình.
Khoa ngoan ngoãn theo ý của Liên. Hai đứa song song bước. Khoa không bá vai Liên, như ban nãy. Tự nhiên, Khoa ngượng ngập, sợ hãi. Nó thọc cả hai tay vào túi quần. Và, cho sự ngượng ngập có chỗ trốn thoát, Khoa huýt sáo khúc hát hoài hương:
Nghiêng nghiêng dòng Đào tuôn về sông Cấm
Đưa bao buồm thuyền về nơi xa xăm
Thành Tô, thành Tô
Nhịp sống tưng bừng
Em nhớ bến đò quen
Nhớ bờ sông Lấp
Có bao nhiêu là thuyền
Liên hỏi:
- Bài gì buồn thế hở, Khoa?
Khoa rút tay khỏi túi, đưa lên kéo cổ áo, trùm kín gáy:
- Nhớ thành Tô [21]
- Khoa thuộc hết không?
- Hết.
- Hát cho Liên nghe.
Khoa hát nhỏ, đủ để giọng mình lọt vào tai con bé đi cạnh mình:
Nhớ quê hương nhớ quê hương...
Quê hương ngàn đời lòng ta thương nhớ
Muôn chim lạc loài thành xưa khôn quên
Thành Tô, thành Tô
Thành Tô u huyền
Chiều thu rơi cùng lá vàng rơi
Làn mây thu theo gió chơi vơi
Nhà anh xa khói lam mờ vương
Cùng chiều thu khiến xui lòng người sầu thương
...
Ngồi đăm nhìn bóng chiều êm
Dần đi trong tiếng lá rơi đầy thềm
Này em bé ơi cớ sao em buồn
Hay em chạnh lòng nhớ tới quê hương
Tiếng hát của Khoa tưởng chỉ một mình Liên nghe rõ, ai ngờ, nó theo gió lan tỏa trên mặt nước, lướt trên mặt cỏ, luồn qua bụi cây.
- Thành Tô ở đâu hở, Khoa?
- Hải Phòng.
- Làm Liên nhớ Hà Nội. Khoa hát hay ba chê.
- Có anh Vũ thổi ác mô ni ca, Liên sẽ khóc.
- Anh Vũ nào?
- Anh của Khoa. Anh ấy theo bộ đội rồi. Anh Vũ đã lên Hà Nội học.
Liên thôi hỏi. Con bé quàng tay đặt lên vai Khoa:
- Lạnh quá. Về đi.
Vai Khoa, bây giờ, là thỏi sắt lạnh được ấm lên bởi thỏi nam châm Liên. Và, Khoa để mặc Liên dẫn mình trở lại khúc đường mình vừa đi qua. Đến con ngõ chia đôi hai lối, hai đứa dừng lại. Liên nói:
- Tối mai, hết dạy học đấy, nhé! Mãn khóa rồi. Khoa thắng giải thi đua rồi.
Khoa ngó Liên:
- Khoa vẫn đem lạc rang cho Liên.
Hai đứa chia tay. Liên mới bước vài bước, Khoa chợt nhớ:
- Để Khoa dẫn Liên về, kẻo gặp ma!
Liên cười:
- ừ nhỉ, suýt quên.
Liên đẩy nhẹ cánh cổng, lách vào. Khoa đứng bâng khuâng trước ngõ nhà Đường. Nó ngẩng đầu ngắm trăng qua khóm lá. Bắt đầu một nỗi nhớ nhung. Bưởi đã kết trái, mà sao còn phảng phất mùi hoa. Hoa bưởi thơm. Đêm đã khuya lắm rồi.
76
Anh Lý đã sang Đống Năm mua bộ trống đồng. Hôm giao bộ trống đồng cho nhi đồng thôn dưới, anh giao luôn cả quyền chỉ huy nhi đồng Tường An cho Khoa. Thằng Huệ không phản đối. Khoa đề nghị, thôn dưới giữ trống đồng nửa tháng, thôn trên nửa tháng, và Huệ được đánh trống cái, mỗi lần dự đại hội xã, huyện. Huệ bèn thích Khoa ngay. Hai đứa trở thành bạn thân. Anh Lý lên Phú Thọ họp hành gì đó, vài tháng sau mới về. Nhi đồng Tường An ăn tết bằng bộ trống đồng. Tiếng trống nô nức của một thời trẻ dại, của một thời không có hai lần trong lịch sử. Suốt ngày, suốt đêm, nhi đồng tập họp tại sân đình đánh trống, nghe trống. Tiếng trống thay tiếng pháo mừng xuân. Làng xóm rộn ràng lây với nỗi vui của trẻ nhỏ. Khoa dạy bạn bè tập trống. Nó hứa sẽ rủ bọn Đại Đồng đá bóng thi, và đuổi bọn này khỏi ngôi chùa cũ của Tường An.
- Chúng mình phải tập trống, ở chùa cũ, làng mình.
Nhi đồng Tường An phấn khởi lắm. Chúng nó phục Khoa sát đất. Khoa hát hay, đàn hay, trống hay, kịch hay, trận giả hay, chiếm giải thi đua liên miên. Nhờ Khoa khuyến khích kiếm tiền gây quỹ, nên Tường An đã sắm nổi bộ trống đồng.
Khoa hãnh diện vừa vừa thôi. Điều làm nó hãnh diện nhất, là những bà thím, bá bác, bà cô, bà dì của nó đã thoát nạn mù chữ, từ các lớp học đáng nhớ đời đời, ở từ đường họ Vũ. Học trò của Khoa biết đánh vần cả rồi. Nghỉ tết xong, ra giêng, học thêm vài tháng, họ sẽ đọc được các truyện Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, và các tờ thông cáo. Họ hết bị lội bùn. Khoa không biết tương lai họ ra sao. Chắc chắn, một mai kháng chiến thành công, Khoa về thị xã, Liên về Hà Nội, Khoa và Liên viết thư thăm họ, họ sẽ đọc rành rẽ, sẽ cầm bút trả lời thầy giáo, cô giáo của họ, năm xưa.
Niềm vui mới của Khoa rộn rã hơn tiếng trống đồng, là tình bạn thắm thiết giữa nó và Liên. Con Liên lạ ghê. Nó tản cư về Tường An sớm hơn Khoa, mà nó chỉ chơi với cu Đường. Gần đây, nó chơi thân với Khoa. Cu Đường mải mê tập kịch, đánh trống, Khoa phải thay nó, đưa Liên về nhà, mỗi tối Liên đi coi lịch. Có Liên, có lớp học, có bộ trống đồng, Khoa bỗng quên thị xã êm đềm. Đôi khi, Khoa quên cả Vũ. Khoa muốn sống mãi, ở quê nhà, muốn suốt đời làm nhi đồng, muốn đêm nào cũng khoác vai Liên, đi trên con đường đất tắm ướt ánh trăng, nghe tiếng thầm tình tự của gió và lá. Cuộc đời không gợn một chút ưu phiền. Cuộc đời bằng phẳng, cho nhũng giấc mơ lướt êm. Cuộc đời của những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi tiếng hát câu ca và mộng anh hùng.
Cuộc đời quê nhà Khoa, tưởng không còn nơi nào bằng. Có cầu Chờ. Có bến Đợi. Cầu Chờ, Liên đã ngồi, Khoa đã ngồi bên nhau. Bến Đợi, Khoa đã đến, Liên chưa đến. Ngày nào đó, Khoa sẽ đứng một mình, ở cầu Chờ, chờ Liên; sẽ đứng một mình, ở bến Đợi, đợi Liên. Bấy giờ, hai đứa đã lớn. Lớn thì phải xa nhà như Vũ. Và, nếu Khoa hiểu, lớn thì còn phải buồn, phải khóc như Vũ, Khoa sẽ không thích lớn, sẽ thù ghét sự lớn khôn. Không có bấy giờ, không bao giờ có bấy giờ. Chỉ có bây giờ. Bây giờ, muốn là được, hẹn là gặp. Bây giờ, là trời xanh, mây trắng, nắng hiền, gió ngoan. Bây giờ, chẳng cái gì đe dọa nổi cuộc sống thần tiên, làm tan loãng mùi hoa bưởi, hoa cau, hoa lý, kể cả những tiếng súng đại bác, từ Nam Định, đêm đêm, vọng sang.
Hôm mồng hai tết, Liên qua nhà Khoa chơi. Mẹ Khoa nắm tay Liên, kéo Liên vào lòng, vuốt ve tóc Liên. Mẹ Khoa bảo Liên cười. Rồi, mẹ khen:
- Cháu giầu quá, có những hai đồng tiền, bác không thèm mừng tuổi cháu nữa.
Mẹ Khoa ấn ngón tay lên hai má Liên:
- Đồng tiền bên phải, để dành nuôi con. Đồng tiền bên trái, để dành trả nợ cho chồng.
Liên xấu hổ. Con bé cúi mặt, cắn móng tay. Mẹ Khoa gọi Khoa lại gần. Mẹ nói:
- Cháu thấy chưa, thằng Khoa mặt vuông chữ điền, đồng tiền không có.
Liên ngước ngó Khoa. Hai đứa mỉm cười. Cả buổi sáng, Liên ở nhà Khoa. Đến chiều, cô giáo Liên và thầy giáo Khoa đi thăm học trò. Mùa xuân đẹp quá. Tháng giêng ngon, ngon tuyệt vời. Khoa ngỡ cuộc đời thôn ổ sẽ ngon mãi như tháng giêng. Tháng giêng qua cho tháng hai tới.
Và, tháng hai, tiếng súng đại bác vọng sang nhiều hơn, lớn hơn. Chính phủ ban hành lệnh tiêu diệt chó. Nạn nhân đầu tiên của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, là chó. Cũng là nạn nhân của cách mạng nữa. Giết chó là yêu nước. Du kích làng xung phong giết chó chạy rông, làm thịt đánh chén. Nhi đồng phải học tập, thi đua giết chó. Chủ tịch Tường An giải thích:
- Quân ta len lỏi đêm tối, rình giặc Pháp, chó nó sủa ầm ỹ, giặc Pháp sẽ biết chỗ quân ta nấp, sát hại quân ta.
Nhi đồng chất vấn:
- Thưa ông chủ tịch, làng ta còn yên ổn.
Ông chủ tịch vung tay:
- Chuẩn bị. Hậu phương luôn luôn chuẩn bị. Giặc Pháp thính tai vô cùng. Nghe chó làng ta sủa, bên kia Nam Định, nó câu đại bác sang chết hết. Hồ chủ tịch dạy thế.
Hồ chủ tịch đã dạy thì khó sai. Loài chó, kẻ thù của kháng chiến, gặp đại họa. Chó lớn, chó nhỏ, chó con, chó mới đẻ đều bị mã tấu du kích chặt ngang thây. Không có nhà nào được nuôi chó. Chó chết đã có chính phủ thay chó, canh gác trộm cướp. Nếu nhà nào cố tình nuôi chó, du kích sẽ khám xét, và giết ngay tại chỗ. Một tháng liền, ở làng Tường An, người ta hạ chó đánh chén ồn ào. Ai không nỡ giết con vật trung thành với chủ, đành an ủi chó nhà mình vài câu, rồi đánh đuổi nó đi. Du kích rượt theo, xung phong giết. Du kích ăn thịt chó mãi đâm ra chán, chó bị giết chết ngổn ngang, thối om. Du kích căm thù chó cực độ. Mã tấu vung lên, cả đàn chó sơ sinh, mắt vừa kịp mở nhìn du kích căm thù, bị chặt mỗi con thành hai khúc.
Tiền tuyến, bộ đội anh dũng giết giặc Pháp. Hậu phương, du kích anh dũng giết giặc chó. Dân làng thương chó, chứ không thương giặc, dễ chừng, thương chó hơn thương du kích. Chó dâng hiến trọn vẹn đời sống của nó cho dân quê. Mỗi nhà một con chó. Nuôi chó tới ngày chó già, chó chết, đem chôn. Phải bán chó, để bọn lái chó đến tận nhà, tìm cách luồn cái tròng tre xiết chặt cổ chó, nghe chó ấm ứ không thành tiếng, nhìn mắt chó đầy căm hờn, người ta bùi ngùi, xúc động. ít ai đang tay giết chó nhà mình ăn thịt. Lý do bán chó cho hàng thịt chó, hay giết có ăn thịt, thường là vì nhà nghèo, hay chó ốm. Nay, chẳng có lý do gì, chó vô tội bị coi như giặc thù, nên dân làng ngấm ngầm oán trách cụ Hồ và kháng chiến. Giặc Pháp còn ở mãi Nam Định, sao vội ban lệnh tiêu diệt chó? Tự thuở khai thiên lập địa, chưa ai biết, chưa ai được nghe kể chuyện, trước khi đánh giặc, phải giết hết chó.
Thành ra, cuộc thi đua giết chó đã không hào hứng bằng các cuộc thi đua diệt chuột, diệt dốt... Du kích chiếm giải thi đua giết chó. Những con chó thoát chết sống đời lẩn trốn, hễ thấy bóng dáng du kích, sủa một thôi, rồi cúp đuôi chạy. Thuở thanh bình ngày xưa, hễ tết đến, là chó gặp nạn vài hôm. Pháo nổ vang trời, chó sợ chạy văng mạng ra đồng. Bọn trộm chó rình sẵn, đập chết, đem về làm thịt đón xuân. Chó chết chẳng đáng bao nhiêu. Bây giờ, chó chết mới thê thảm. Máu chó đọng từng vũng trên đường làng, ngõ xóm. Chó chết cả họ hàng, gia quyến. Chó làng Tường An đã chết hết, trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Chó chết cho cách mạng thành công.
Những con chó sống đời lẩn trốn, dần dà, hiểu số phận mình. Chúng không dám sủa, dù chỉ nhìn trăng sủa vu vơ. Thoạt đầu, chúng mò về nhà chủ, kiếm thức ăn. Chủ thương, dành phần cơm để sẵn, ở góc vườn. Chủ khuyên chúng đừng lai vãng gần, bị du kích rình giết chết. Chúng lầm lũi bước, và không bao giờ trở về ăn phần cơm để sẵn cho mình nữa. Đêm bỗng trở nên cô quạnh. Làng xóm thiếu tiếng chó sủa, y hệt, bãi tha ma.
Nhò có tiếng trống đồng, đêm bớt ghê rợn. Tiếng trống đồng, những đêm kịch, những lớp Bình dân học vụ, những bài hát làm dân làng nguôi ngoai chuyện giết chó là yêu nưóc. Sang hạ, đạn đại bác của giặc đã câu tới bên đây sông Hồng, tức là câu tới huyện Thư Trì. Chính phủ ban lệnh rào làng kháng chiến. Nhi đồng hát vang bài Khúc ca giữ làng [22], mới được học tập:
Về đây canh gác giữ yên mùa màng
Về đây kháng chiến chúng ta rào làng
Tiếng đàn banjo của Khoa lại vê ròn rã bài hát mới toanh:
Làng tôi xanh bóng tre
Chiều lắng tiếng chuông ngân
Tiếng chuông chùa làng rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Vấn vương tiếng sáo diều trên bờ đê
Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà
Ngày giặc Pháp phá làng diệt thôn
Từ ra đi ôm mối căm hờn
Lòng tôi còn thấy buồn thương
Từ khi quân Pháp qua
Chiều vắng tiếng chuông ngân
Phá tan đình chùa xưa
Làng tôi theo đoàn quân du kích
Cướp ngay súng quân thù trả thù xưa...
[23]
Bài hát khiến dân làng bớt ghét du kích, trong cuộc xung phong tiêu diệt chó hồi tháng hai. Lòng thù ghét dồn hết cho quân thù xâm lăng.
... Bắc Sơn không bóng người dưới thôn
Giặc Pháp tàn ác dầy xéo
Từng xác lụt đất máu xương
Nhà đốt cầm dáo cầm súng
Dân quân vùng ra sa trường...
[24]
Trẻ thơ chưa biết nói cũng đưọc ru ngủ bằng thù hận:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình
[25]
Làng thôn lại sôi động thi đua rào làng kháng chiến. Những bất bình nhỏ mọn bị quên vội vàng. Mỗi nhà đóng góp một cây tre già. Nhà nào đóng góp nhiều hơ, thì chiếm giải thi đua. Chỉ mất nửa tháng, làng được rào kín, bằng những cây tre già. Hai chiếc cổng làng vững chắc tua tủa chông nhọn. Dưới hàng rào, là giao thông hào. Hàng rào dầy, chó chui không lọt. Giặc Pháp khó lòng vào làng. Dân quân, du kích tập tành ráo riết. Lựu đạn đeo lủng lẳng. Thỉnh thoảng, rơi xuống đường mà không nổ! Mã tấu sáng ngời. Dây mìn đeo trên vai. Quan trọng lắm. Du kích tập gài mìn. Câu chuyện du kích Chỉ Bồ và Ba Ra, kể trên sân khấu, kích thích ý chí chiến đấu. Quân Pháp đến làng Chỉ Bồ, ở miền bể. Anh du kích ngồi canh ngủ gật. Pháp nó xí xa xí xố, lay cột chòi, anh ta mới vụt tỉnh. Mắt nhắm, mắt mở, anh du kích Chỉ Bồ ném lựu đạn xuống, quên rút kíp. Giặc Pháp cười vang, tung lên trả. Anh du kích lại ném. Ném ba lần, mà lựu đạn không nổ, để giặc qua làng Ba Ra. Tầu giặc bị khê giữa dóng sông, giặc bắt trọn ổ du kích Ba Ra đẩy tầu ra bể. Đẩy tầu xong, mới chạy báo bộ đội. Bộ đội tới, giặc đã rút mất. Cáu sườn, bộ đội viết thơ chế nhạo du kich Chỉ Bồ:
Hoan hô du kích Chỉ Bồ
Ném ba lựu đạn Tây vồ cả ba
Và, du kích Ba Ra:
Hoan hô du kích Ba Ra
Giặc đến chẳng đánh lại ra đun tầu
Thơ chê bai du kích Chỉ Bồ, Ba Ra đầy tường đình, miễu. Du kích Chỉ Bồ, Ba Ra xấu hổ. Lần sau, giặc quen mùi mò tới, du kích Chỉ Bồ và Ba Ra đánh tan giặc, đốt cháy tầu, và xóa hết những câu thơ mỉa mai. Du kích làng Tường An quyết noi gương đánh giặc, đốt tầu. Các người anh em hùng hồn vô cùng. Nhi đồng dẫn đầu, trống đánh nhịp hai bốn, du kích hát bài quen thuộc:
Anh em trong đoàn quân du kích
Cùng vác súng lên đường...
Tháng trước, du kích tàn sát chó anh dũng quá, có người nhại mấy câu, xui thằng nhi đồng Khởi hát láo:
Anh em trong đoàn quân Phúc Khánh [26]
Cùng vác gánh lên đường
Gắp đi, gắp đi
Băng qua đường qua bãi
Gắp bao giờ đầy gánh
Rồi xuống chợ liền...
Thằng Khởi bị khai trừ khỏi nhi đồng. Người xúi nó là con ông tiên chỉ, sợ bị bắt lên xã cảnh cáo, bỏ làng lên tận Giai, Lạng kiếm ăn. Đời sống, hình như, không còn buông thả nữa. Nó khép dần, khép dần. Khép không tiếng động. Đến nỗi, chẳng ai rõ bóng tối khởi sự từ hàng rào, đánh đai cuộc đời thôn ổ. Những con cá vẫn nhởn nhơ, không biết rằng, mình nhởn nhơ trong chiếc chậu. Đêm khuya, cổng làng đóng chặt. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, đề phòng Việt gian lợi dụng cơ hội lẻn vào làng. Du kích canh gác cẩn mật. Qua cổng làng đêm khuya, dù cầm đèn cũng bị mời về. Sinh hoạt làng nào, làng ấy hay. Những đêm kịch làng bên, bộ đội diễn, thèm xem lắm, mà đành ở nhà. Sợ quá nửa đêm, du kích không mở cổng.
Khoa chưa đủ khôn, để nhìn thấy lớp khói buồn lãng đãng bay, trên con đường đất ngập ánh trăng của nó. Khẩu hiệu chuẩn bị tổng phản công giải thích rõ ràng công việc tiêu diệt chó, rào làng kháng chiến. Chuẩn bị đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi thân yêu. Giặc Pháp bị tiêu diệt, đời sống lại buông thả như cũ. Người tản cư về thôn quê hồi cư về thành phố, từ giã đời áo nâu. Cuộc đời sẽ muôn mầu, muôn vẻ. Cuộc đời ấy bớt kham khổ, và rất đáng sống. Người thôn quê ở lại với luống cầy. Vùng trời êm ả không còn tiếng máy bay, tiếng đạn đại bác quấy phá. Diều no gió, nuốt dây, lên cao. Sáo diều vi vu thơ mộng. Và, tiếng trống chèo mủa xuân quyến rũ hơn cả bao giờ. Cổng làng thôi đóng kín mỗi đêm. Dình hết là sân khấu diễn kịch chống Pháp. Tam cúc điếm, tổ tôm điếm, tưởng đã chết, sẽ sống dậy. Sẽ sống dậy cả những ngọn trung bình tiên, những keo vật tranh giải một mảnh lụa đào. Sẽ sống dậy tất cả, một mai, khi kháng chiến thành công.
Dân làng tin thế. Niềm tin thật đôn hậu và ngây thơ. Không ai buồn cả. Khoa cũng chẳng buồn. Vì, Liên có buồn đâu? Và, Khoa biết gì mà buồn! Khoa hồn nhiên, để lịch sử dẫn vào mơ ước.