Chương 9

Dịch giả: NGUYỄN VĂN QUANG
Chương X
“NHÀ CỦA PHRĂNG “

    
hông yên tâm, vẫn vị giày vò bởi một nỗi lo âu đến khắc khoải mà kết cục đáng phấn khởi của sự việc đêm qua không đủ sức xua tan, tôi phải tự giam trong trường suốt ngày hôm sau. Ngay sau giờ “nghiên cứu” tiếp theo lớp buổi chiều, chẳng bao lâu, tôi lên đường đến Xablonnie. Trời tối thì tôi đi vào lối trồng thông hai bên dẫn đến ngôi nhà. Cửa giả đều đóng cả. Tôi sợ bị coi là bất nhã, nếu xuất đầu lộ diện muộn thế này sau ngày cưới. Tôi loanh quanh rất lâu ở ven vườn và trên những mảnh đất lân cận, luôn luôn hy vọng thấy có người ra khỏi ngôi nhà đóng chặt… Nhưng tôi thất vọng. Trong nhà tá điền bên cạnh cũng chẳng có gì động tĩnh. Tôi đành ra về, bị ám ảnh bởi những tưởng tượng ảm đạm nhất.
Ngày hôm sau, thứ bảy, vẫn bồn chồn như vậy. Chiều, tôi hối hả cầm lấy cái áo mưa không tay, cái gậy đi đường, một miếng bánh mỳ để ăn đường, và tôi đến, khi đêm đã xuống, thấy mọi nơi ở Xtablonnie đều cửa đóng then cài như hôm qua… Ở tầng hai có chút ánh sáng, nhưng khắp nơi không một tiếng ồn, không một vận động… Tuy nhiên, từ sân nhà tá điền, lần này tôi thấy cửa nhà ấy mở, và lửa cháy ở gian bếp rộng; và tôi nghe những tiếng nói và tiếng chân bước quen thuộc vào giờ ăn tối. Dù chưa báo cho tôi biết gì, điều ấy cũng khiến tôi an tâm. Tôi không thể hỏi hay nói gì với những người này. Rồi tôi quay lại để ý nhìn phía nhà Môn, mong thấy cửa nhà anh mở ra và cái bóng cao lêu đêu của anh xuất hiện. Chỉ uống công!
Mãi chiều chủ nhật, tôi mới nhất quyết gõ cửa nhà Xablonnie. Trong khi leo những quả đồi trọc nho nhỏ, tôi nghe xa xa tiếng chuông vãn kinh chiều đông. Tôi cảm thấy cô đơn và đau khổ. Một linh cảm u buồn xâm chiếm lòng tôi, nhưng tôi không rõ nó là gì. Và tôi chỉ phàn nàn ngạc nhiên khi, sau tiếng chuông gọi cửa của tôi, mình cụ Gale xuất hiện và se sẽ bảo tôi: Yvon de Gale đang sốt nặng, đang nằm liệt giường; Môn đã đi xa từ sáng thứ sáu, chưa biết bao giờ mới về…
Quá lúng túng và buồn phiền, cụ già quên mời tôi vào nhà, tôi bèn cáo biệt. Cửa khép lại rồi, tôi đứng một lúc trên bậc tam cấp, lòng se lại, bối rối lạ thường, đưa mắt nhìn trân trân, mà không hiểu vì sao, một cành hoàng đậu khô gió đu đưa buồn rầu trong nắng.
Cuối cùng, nỗi ân hận thầm kín mà Môn mang trong lòng đã lên đến tột đỉnh như vậy đấy. Cuối cùng, người bạn lớn của tôi phải né tránh niềm hạnh phúc mà anh tìm kiếm xiết bao bền bỉ…
Thứ năm và chủ nhật nào, tôi cũng đến hỏi thăm tình hình Yvon de Gale, cho đến một chiều, khỏi bệnh và đang dưỡng sức, tiểu thư nhờ mời tôi vào chơi.
Tôi thấy nàng ngồi bên lửa, trong căn phòng khách mà cái cửa sổ rộng và thấp mở ra đồng và rừng thông. Nàng không hề xanh xao như tôi tưởng, mà ngược lại, cứ phừng phừng với những đám đỏ lựng dưới hai mắt, vẻ vô cùng kích động. Dù còn rất yếu, nàng vẫn trang phục như để đi ra ngoài. Nàng nói ít, nhưng câu nào cũng hết sức sôi nổi, tuồng như nàng tự thuyết phục hạnh phúc chưa tắt đâu… Tôi không nhớ những điều chúng tôi trao đổi với nhau. Tôi chỉ nhớ rằng tôi đã đánh bạo hỏi khi nào Môn trở về.
- Tôi không biết bao giờ anh ấy về đâu – tiểu thư đáp sôi nổi.
Mắt nàng có vẻ van xin, và tôi tự kìm mình, không hỏi gì thêm.
Tôi thường đến thăm nàng. Tôi thường trò chuyện với nàng bên lò sưởi trong căn phòng khách thấp mà hễ đêm đến, thường tối nhanh hơn các phòng khác. Không bao giờ nàng đả động đến bản thân và nỗi đau âm ỉ của nàng. Nhưng nàng luôn sốt sắng gợi tôi kể tỉ mỉ cho nàng nghe về cuộc đời học trò của chúng tôi ở Xanhtơ-Agat.
Chuyện về những phiền toái của cánh học sinh lớn chúng tôi, nàng nghe dịu dàng, trang trọng, với niềm thích thú gần như của tình mẫu tử. Nàng không tỏ ra mảy may sửng sốt, ngay cả trước những trò trẻ con táo tợn và nguy hiểm nhất cua chúng tôi. Sự trìu mến đầy chăm chút mà tiểu thư thừa hưởng của cha không hề bị những cuộc phiêu lưu đáng phàn nàn của em trai làm cho suy giảm. Niềm tiếc nuối duy nhất mà quá khứ gợi lên cho nàng, đó la nàng đã không phải người bạn tâm tình đủ tin cậy cho em, bởi vì, vào thời điểm thất bại ê chề, cậu em không dám thổ lộ gì với nàng như với bất kỳ ai, tự cho là mất hết không sao cứu vãn. Hễ nhớ lại, tôi hiểu rằng đấy là một bổn phận nặng nề mà cô gái đã đảm đương – bổn phận nguy hiểm, trợ giúp một cái đầu ảo tưởng đến điên loạn như em trai nàng; bổn phận gần như quá sức, khi cậu phải liên kết với trái tim phiêu lưu là anh bạn Môn cao kều của tôi.
Một lần nàng cho tôi bằng chứng xúc động nhất và có thể nói gần như bí ẩn của niềm tin mà nàng lưu giữ trong những mơ mộng tuổi thơ của em nàng, của sự chăm lo ít ra cũng bảo tồn cho cậu những gì còn sót lại của của những mộng mơ mà cậu sống cho đến tuổi 20 kia.
Đấy là một chiều tháng tư ảm đạm như cuối thu. Gần một tháng rồi, chúng tôi sống trong một mùa xuân đến sớm thật dịu ngọt; người thiếu phụ trẻ đã lấy lại những cuộc dạo chơi với cụ Gale. Nhưng hôm ấy, cụ già thấy mệt, còn tôi thì rỗi, nàng bảo tôi cùng đi mặc dù thời tiết đe dọa. Rời Xablonnie được hơn nửa dặm, chúng tôi đag đi dọc cái đầm thì giông, mưa và mưa đá ập đến. Vào tránh cơn mưa dưới mái nhà kho, bị gió quất lạnh buốt, chúng tôi đứng bên nhau, tư lự, trước quang cảnh tối sẫm lại. Trong cái áo dài nhẹ nhõm nhưng nghiêm trang, nàng tái nhợt cả người và lộ vẻ vô cùng khổ sở.
- Phải về thôi – nàng nói – Ta đi lâu quá rồi. Liệu có gì xảy ra không?
Nhưng khi cuối cùng chúng tôi có thể rời chỗ trú, trước sự ngạc nhiên của tôi, đáng lẽ về Xablonnie, tiểu thư đi tiếp và yêu cầu tôi đi cùng. Đi khá lâu, chúng tôi đến trước một ngôi nhà mà tôi không biết, chơ vơ ven con đường lún chắc dẫn đến Prêvơrănggiơ. Ấy là một ngôi nhà nhỏ thường thường bậc trung, ốp đá đen, không có gì khác biệt với phong cách ở địa phương ngoài cái hẻo lánh và đơn độc của nó.
Thấy Yvon de Gale, ta dễ tưởng ngôi nhà này là của chúng tôi và bị chúng tôi bỏ rơi suốt một cuộc du lịch dài. Nàng cúi xuống mở cửa một hàng rào lưới thấp mắt cáo và, vẻ lo lắng, hối hả xem xét chốn cô liêu. Một cái sân lớn đầy cỏ dại, mà chắc chắn trẻ con đã đến chơi trong những buổi tối dài dằng dặc và chậm chạp cuối đông, bị gió mưa tàn phá. Một cái vòng dầm mình trong một vũng nước. Trong mấy mảnh vườn nhỏ mà lũ trẻ đã gieo giống đậu và các loài hoa, mưa lớn chỉ còn để lại những vệt sỏi trắng. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra một đàn gà con bị mưa rào đập chết, tấp vào một khung cửa gỉ. Gần như cả đàn đã chết dưới đôi cánh cứng đơ và bộ lông xác xơ của gà mẹ.
Trước cảnh thương tâm ấy, thiếu phụ kêu lên một tiếng nghẹn ngào. Nàn gkhom người, và không để ý gì đến bùn, nước, chọn ra những chú gà còn sống, bắt đặt vào vạt áo măng tô của mình. Rồi chúng tôi vào căn nhà mà nàng có chìa khóa. Bốn cửa ra vào mở ra một hành lang hẹp có gió lùa vào làm phát ra những tiếng kêu rú rít. Yvon de Gale mở cửa đầu tiên bên phải và đưa tôi vào một căn phòng tối, trong đó, một lát sau, tôi nhận rõ một tấm gương to và một cái giường nhỏ phủ một tấm mền lụa đỏ theo kiêu nông thôn. Còn tiểu thư, sau khi tìm kiếm trong phòng còn lại, nàng trở ra, mang theo lũ gà ốm dở trong một cái giỏ lót lông tơ, rồi cẩn thận luồn xuống dưới tấm mền. Trong chút ánh ngày mệt mỏi, chút đầu tiên và cuối cùng, làm cho bộ mặt chúng tôi nhợt nhạt hơn và bóng đêm đáng buồn tăm tối hơn, chúng tôi đứng đó, giá lạnh và đau khổ, trong căn nhà kỳ lạ.
Thỉnh thoảng, nàng lại chăm chú nhìn đàn gà ốm, nhấc ra một con mới chết để những con còn lại khỏi chết lây. Mỗi lần như vậy, chúng tôi có cảm giác như có một cơn gió to thổi qua các cửa kính bị vỡ ở trên gác, hay một nỗi khổ đau bí hiểm của những đứa trẻ không quen biết đang lặng lẽ thở than.
- Đây là – cuối cùng người bạn đường bảo tôi – nhà của Phrăng khi em còn nhỏ. Em từng muốn một ngôi nhà chỉ của riêng em, xa mọi người, ở đó hễ thích là em có thể đến sống và chơi đùa. Trò ngông đó, ba tôi thấy sao mà kỳ lạ, buồn cười đến nỗi Người không từ chối. Khi nào thích, thứ năm, chủ nhật, Phraăng lại ra ở nhà ấy như một người lớn. Trẻ em các trại lân cận đến chơi với em, giúp em nấu nướng, làm vườn. Một tro chơi rất tuyệt! Đêm đến, em không sợ ngủ một mình. Còn chúng tôi, chúng tôi khâm phục em đến nỗi chẳng lo lắng gì.
- Đã lâu rồi, và bây giờ cũng vậy – tiểu thư thở dài nói tiếp – căn nhà bỏ không. Vì đã già nua, lại quá đau khổ, ba tôi chưa hề động tĩnh hay tìm kiếm gì để gọi em về. Mới lại ba có thể làm gì kia chứ?
“Tôi sang đây luôn luôn. Các thiếu niên ở các trang trại xung quanh vẫn đến chơi trong sân như trước. Tôi thích thú nghĩ rằng đây chính là những bạn cũ của Phrăng. Mong rằng chính em vẫn còn là một đứa trẻ, và chả bao lâu nữa, em sẽ trở về với người vợ chưa cưới mà em tự chọn.
“Lũ trẻ ấy rất biết tôi. Tôi chơi với chúng. Ổ gà con này là của chúng tôi…
Nỗi đau lớn mà nàng chưa hề hé răng, sự luyến tiếc đã mất đứa em vô cùng điên rồ, hấp dẫn và đáng khâm phục, phải nhờ cơn mưa rào và cuộc tan băng này mới được nàng thổ lộ với tôi. Tôi lặng im chăm chú nghe, thì thầm nức nở…
Cửa ra vào nhà đóng lại hết, cửa hàng rào đóng xong, lũ gà con trả về cái ổ bằng cành cây ở sau nhà, tiểu thư buồn bã luồn tay vào dưới cánh tay tôi và tôi đưa nàng đi về.
Bao tuần, bao tháng trôi qua! Trời đã qua! Hạnh phúc đã mất! Về người từng là nàng tiên, công chúa và tình yêu bí hiểm của tất cả tuổi vị thành niền của chúng tôi, chính tôi được chọn để khoác tay và nói những gì cần nói để làm dịu nỗi đau khổ của nàng, trong khi bạn tôi đã bôn tẩu. Về thời gian ấy, về những cuộc chuyện trò, sau khi tôi lên lớp ở quả đồi nhỏ Xanh Bơnơđê Săng, về những cuộc dạo chơi mà điều duy nhất cần phải nói ra lại là điều duy nhất chúng tôi quyết định nín lặng, giờ đây tôi biết nói gì? Tôi không giữ được kỷ niệm nào khác ngoài kỷ niệm sẽ phai mờ một nửa, về bộ mặt gầy rộc đi, về đôi măt khi nhìn tôi thì từ từ hạ mí, như thể chỉ còn thấy một thế giới bên trong.
Tôi là người bạn trung thành của tiểu thư – đôi bạn của cuộc đợi chờ mà chúng tôi không thốt ra lời – suốt một mùa xuân và mùa hè không bao giờ có nữa. Nhiều lần cứ chiều đến là chúng tôi quay lại nhà Phrăng. Nàng mở tung các cánh cửa cho nhà thông thoáng, để không có gì bị mốc khi cặp vợ chồng trẻ trở về. nàng chăm sóc đàn gia cầm đã gần trở nên hoang dại vẫn cư trú trong sân nuôi. Thứ năm và chủ nhật, chúng tôi khích lệ lũ trẻ láng giếng chơi nhởi, và trong cảnh cô tịch nơi đây, tiếng cười đùa và la hét của các em kiến cho ngôi nhà bị bỏ rơi càng hoang vu trống trải.